GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Bảy tuần 30 thường niên.

phúc

phúc

Thứ Bảy tuần 30 thường niên.

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

 

Suy Niệm 1: Ngồi chỗ cuối

Suy niệm:

Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,

Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).

Mới nghe những lời khuyên này,

ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.

Nên chọn ngồi chỗ cuối,

vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,

bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.

Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.

Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,

để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.

Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,

và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).

Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?

Chắc là không.

Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),

Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.

Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:

Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,

nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).

Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.

Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.

Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).

Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).

Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,

Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.

Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).

Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.

Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.

Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.

Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,

thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:

“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.

Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,

đối xử với nhau trong sự kính trọng,

xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.

Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.

Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo

còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”

Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.

Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.

Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.

Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.

Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,

nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu

những công việc bé nhỏ mỗi ngày,

những công việc âm thầm,

những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,

vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,

nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,

đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,

sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,

dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,

nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người

và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,

xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,

con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa

trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,

và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: NÂNG LÊN – HẠ XUỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bữa tiệc bộc lộ những khuynh hướng của xã hội. Rõ nét là khuynh hướng thể hiện đẳng cấp. Đẳng cấp của chủ tiệc. Đẳng cấp của khách mời. Thế gian kiêu ngạo. Ai cũng muốn thể hiện mình. Nhưng chỗ ngồi có hạn. Quyền định đoạt là do gia chủ.

Chúa dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Vị thế trong Nước Trời do Chúa quyết định. Theo những tiêu chí ngược hẳn với trần gian. Cũng như bữa tiệc trần gian, bữa tiệc Nước Trời cũng thể hiện cuộc chiến. Trần gian thể hiện mình bằng đấu tranh với người khác. Nước Trời thể hiện bằng đấu tranh với chính mình. Đấu tranh với người khác để chiến thắng. Thắng về tiền tài, danh vọng, chức quyền. Đấu tranh với chính mình để thắng chính mình. Thắng bằng hạ mình, quên mình, huỷ mình. Chủ tiệc trần gian căn cứ vào tiền tài, địa vị, chức quyền mà xếp chỗ. Chúa căn cứ vào việc chiến thắng chính mình. Và theo tiêu chí: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Thư Rô-ma cho biết giáo huấn của Chúa ứng với dân Ít-ra-en. Họ tự tôn vì là dân tộc được Chúa chọn. Nhưng vì tự tôn nên họ không tin Chúa Giê-su. Không ăn năn sám hối. Họ sẽ bị loại trừ. Vì họ bị loại trừ. Nên dân ngoại được Chúa mở rộng cửa đón tiếp. “Thiên hạ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa…con cái bị loại ra”(Lc 13,29). Nhưng thánh Phao-lô tin tưởng rằng sau khi dân ngoại được đón nhận, Chúa lại thương đưa dân được tuyển chọn vào Nước Trời. Đó là lòng thương xót vô biên của Chúa (năm lẻ).

Hiểu được điều đó nên thánh Phao-lô không còn đấu tranh theo ý riêng. Chỉ biết theo ý Chúa. Chỉ gắn bó với Chúa Ki-tô. Quên mình để phục vụ Chúa. Và phục vụ anh em, “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (năm chẵn).

Hãy theo gương thánh Phao-lô. Hoàn toàn quên mình. Thuận theo ý Chúa. Phục vụ Chúa. Phục vụ lợi ích linh hồn anh em. Không tính toán gì cho mình. Ta sẽ được Chúa trả lại gấp bội. “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

 

Suy Niệm 3: Bài Học Khiêm Nhường

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.

Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Con Ðường Khiêm Hạ

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống khiêm tốn. Lấy câu chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc như một bài dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta tín hữu Kitô điều thâm sâu trong đạo: "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". Với châm ngôn này, Chúa Giêsu muốn đặt con người ra trước mặt Thiên Chúa. Thật thế, tất cả phẩm giá con người có được đều bởi Thiên Chúa mà ra. Từ sự sống thể lý đến các phẩm tính tinh thần, từ giá trị cho đến những thành đạt trong cuộc sống và nhất là những nhân đức con người tôi luyện được. Tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nhân câu chuyện ngồi trong bàn tiệc mà thực khách hầu hết là những người biệt phái, vốn hám danh và tự mãn, Chúa Giêsu hẳn muốn nhắc đến thói giả nhân giả nghĩa và kiêu ngạo của họ. Với những thực hành tôn giáo như ăn chay, cầu nguyện, bố thí mà họ chuyên cần thực thi, những người biệt phái dễ lên mặt khinh thị những thành phần thấp hèn trong xã hội. Chúa Giêsu đưa họ trở về với chân lý của con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi biết nhận ra giá trị đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Và nhận ra giá trị của mình cũng có thể là nhận ra sự hư không và thân phận hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ðây chính là tâm tình cơ bản của Mẹ Maria. Chính khi nhận ra mình là người tôi tớ trước mặt Thiên Chúa mà Mẹ đã nên cao trọng. Mẹ đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa cho nên đã được Thiên Chúa nâng lên. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta cũng dõi bước theo Mẹ trên con đường khiêm hạ ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Phúc Cho Ai Hạ Mình Xuống

“Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho, Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc. 14, 10-11)

Đức Giêsu thường đồng bàn với biệt phái và luật sĩ. Họ đã rình xét lúc Người chữa người phù thũng và kết án Người trong lòng họ. Về phần Người đã để ý tới những khách đến chọn chỗ nhất.

Thực vậy, họ có thói quen tôn mình lên tự xếp mình vào bàn trọng vọng nhất. Những kẻ tưởng mình xứng đáng nhất đã giành nhau chỗ danh dự nhất vì trật tự chỗ ngồi không lệ thuộc vào tuổi tác nhưng sắp xếp theo địa vị cao thấp.

Đức Giêsu không dạy khôn ngoan của loài người

Theo sự khôn ngoan của loài người, người ta thường dạy nhau khi được mời đến dùng bữa, tốt hơn nên chọn chỗ thấp. Khi chủ thấy khách quan trọng thì đến mời người khách ấy lên chỗ cao hơn, lúc đó người ấy được vẻ vang trước mặt mọi người. Nếu khách làm trái lại thì thật xấu hổ, vì những kẻ được mời dự tiệc theo tục lệ Do thái, họ nằm trên đi-văng để ăn và rất khó đứng dậy đổi chỗ cho người vị vọng hơn. Cho nên ai hạ mình xuống không còn sợ bị hạ bệ trước mặt những người khác.

Đức Giêsu không trưng dẫn lời khuyên cổ nhân của sách khôn ngoan loài người. Sứ điệp của Người luôn luôn hướng dẫn ta đến nước Thiên Chúa và lời giáo huấn của Người luôn liên quan đến ơn cứu độ.

Người áp dụng vào nước trời

Người luôn luôn diễn tả chân lý đáng ghi nhớ này: Ai muốn vào nước trời phải trở nên bé nhỏ và khiêm tốn, không được đòi địa vị như luật lệ loài người sắp xếp. Không phải nhờ chính giá trị riêng của mình mà người ta sẽ được xét xử. Nhưng chính Chúa Cha, Đấng thấu suốt con tim và bụng dạ sẽ xét xử người ta.

Đức Giêsu lên án tính kiêu ngạo cố chấp của biệt phái. Họ sẽ bị hạ xuống vì họ đã cho mình là cao trọng, họ tìm danh lợi ở dưới đất, họ đã được phần thưởng rồi. Trái lại những kẻ nghèo khổ, thâu thuế, tội lỗi ý thức mình nhỏ bé hèn hạ trước mặt Thiên Chúa thì sẽ được nâng lên.

Phúc cho ai khiêm nhường, vì họ sẽ được thấy vinh quang nước Chúa.

RC

 

Suy Niệm 6: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG ? (Lc 14, 1. 7-14)

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: "... hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Một lời khuyên bình thường?

Theo phong tục của người Do Thái, trong một bữa tiệc lớn, người chủ tiệc không dành riêng một số ghế cho các vị khách quan trọng hay các bậc vị vọng, và cũng không đích thân hay ngang qua ban tiếp tân, mời từng người khách vào chỗ ngồi, như chúng ta vẫn làm khi tổ chức những tiệc mừng lớn.

Chính vì thế, mỗi người khi đến dự tiệc, phải căn cứ vào địa vị của mình mà tự chọn một chỗ ngồi thích hợp, so với những người khác. Do đó, tốt hơn là đừng ngồi vào những chỗ quan trọng nhất; nếu không, chẳng may có vị khách quan trọng hơn mình đến trễ, lúc ấy thật là xấu hổ vì phải nhường chỗ cho vị này. Một khả thể khác là, đến lúc khai mạc bữa tiệc, những chỗ quan trọng nhất vẫn chưa có ai ngồi; lúc ấy, thật là vinh dự khi có những người được mời công khai trước mặt toàn thể quan khách ngồi vào những chỗ nhất này.

Trong một bối cảnh như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, lời dạy của Đức Giê-su chẳng có gì đặc biệt. Thực vậy, Ngài nói trong dụ ngôn tiệc cưới: «Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn». Lời khuyên này, không những không có gì đặc biệt, vì ai cũng có thể tự rút ra bài học này, từ kinh nghiệm sống của mình hay của người khác. Ngoài ra, dường như Đức Giê-su dạy chúng ta tính toán, thậm chí giả bộ khiêm tốn, để được tôn vinh !

2. Bữa tiệc Nước Trời

Chúng ta nhận xét như thế về lời dạy của Đức Giê-su, đó là vì chúng ta hiểu ở mức độ khôn khéo bình thường trong cung cách ứng xử. Nhưng nếu chú ý kĩ khi nghe Tin Mừng, thì chúng ta nhận ra rằng đây là một dụ ngôn: «Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này». Vì thế, điều Chúa muốn dạy chúng ta, không phải là cung cách ứng xử trong những bữa tiệc lớn, nhưng là giúp chúng ta hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời.

Thật vậy, trong bữa tiệc Nước Trời, ai trong chúng ta dám tự cho mình là cao trọng, là vị vọng, là xứng đáng, để tự ngồi vào « cỗ nhất » ? Bởi lẽ trong bữa tiệc Nước Trời, trước mặt Chúa, chúng ta đều như nhau hết : đều nghèo nàn, bệnh tật, khuyết tật và tội lỗi. Như Thánh Phao-lô nói: trong Đức Ki-tô không có phân biệt giữa nam và nữ, giữa Do Thái và Dân Ngoại, giữa người tự do và người nô lệ.

Trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên giống nhau trong thân phận, và vì thế, chúng ta cũng được trở nên giống nhau trong ân sủng. Chính Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính, trở nên giàu có, và đặt chúng ta ngồi vào « cỗ nhất », nghĩa là đặt chúng ta làm con Thiên Chúa, giống như Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa; và như thế, chúng ta trở thành anh chị em của nhau trong Đức Ki-tô.

 3. Thiên Chúa là Nhưng Không

Hơn nữa, trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng được đọc trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su còn đưa ra lời khuyên thứ hai:

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. (c. 12-14)

Lời khuyên thứ nhất của Đức Giê-su về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc lớn, thì bình thường và dễ thực hiện, nhưng lời khuyên thứ hai của Ngài lại quá bất thường và trong thực tế không thể thực hiện được. Thật vậy, ai trong chúng ta đã từng mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù chưa ?

Vì thế, thay vì hiểu lời của Đức Giê-su theo nghĩa thực dụng hay thực hành, chúng ta được mời gọi đặt lời của Ngài trong bầu khí của ngày Sa-bát, là ngày của Thiên Chúa ban sự sống (x. Xh 20, 8-11), và cũng là ngày của Thiên Chúa cứu sống (x. Đnl 5, 12-15) và trong viễn tượng bữa tiệc của Nước Thiên Chúa, là điểm tới của sáng tạo và lịch sử. Bởi vì, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được mà thôi trong bữa tiệc Nước Trời của Ngài.

*  *  *

Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su vẫn chất vấn cách sống, cách làm việc và nhất là cách thi hành sứ vụ của chúng ta. Thật vậy, ngang qua vấn đề đãi tiệc, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trong mọi sự, hãy hành động cách nhưng không, bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không. Ở đâu có sự nhưng không, ở đó Nước Thiên Chúa hiện diện. Và chúng ta được mời gọi sống với mọi người trong tâm tình nhưng không, đó còn là vì, như Đức Giê-su nói khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng Nước Trời: « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy ». Như thế, Nước Trời gắn liền với cung cách sống và làm việc cách nhưng không, và đặc biệt với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không.

Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, Cộng Đoàn của chúng ta.

Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, trong gia đình hay cộng đoàn, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này.

*  *  *

Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống. Lý do tận cùng, đó là bởi vì

THIÊN CHÚA LÀ NHƯNG KHÔNG.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây