GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


 Thứ Hai tuần 21 thường niên

gõ cửa

gõ cửa

 Thứ Hai tuần 21 thường niên – THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

 

Thánh nhân còn được gọi là Na-tha-na-en, quê ở Ca-na. Chính tông đồ Phi-líp-phê là người đã giới thiệu thánh nhân với Chúa Giêsu ở bờ sông Gio-đan. Người nhập nhóm các môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi. Người ta không biết đích xác về hoạt động tông đồ của người sau lễ Hiện Xuống. Tương truyền rằng người đã loan báo Tin Mừng ở Ấn Độ và đã chịu tử đạo ở đó.

 

Lời Chúa: Ga 1, 45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

 

 

SUY NIỆM 1: Cứ đến mà xem

Suy niệm :

Thầy Giêsu là người tìm thấy Philípphê và gọi anh đi theo (Ga 1, 43).

Sau khi gặp Thầy, Philípphê đi tìm Nathanaen.

Ông rủ bạn mình đến gặp Thầy Giêsu.

Nathanaen không được nhắc tên trong mọi danh sách nhóm Mười Hai.

Vào thế kỷ thứ 9, có người coi Nathanaen là Batôlômêô,

lý do vì trong mọi danh sách, Batôlômêô là tên luôn đi ngay sau Philípphê.

Chúng ta không chắc Nathanaen có phải là Batôlômêô không.

Nhưng điều đó không quan trọng mấy.

Dù sao Nathanaen cũng là một người môn đệ đã theo Thầy Giêsu,

và đã có mặt trong nhóm gặp Đấng phục sinh bên bờ hồ (Ga 21, 2).

Bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể cho ta thấy ít nhiều

về khuôn mặt của vị tông đồ mà chúng ta mừng kính.

Sau khi được Thầy Giêsu tìm thấy và mời: “Anh hãy theo tôi” (c. 43).

Philípphê đã theo Thầy và hẳn đã ở lại với Thầy một thời gian.

Chính sự gần gũi và quen biết này

đã khiến ông tin Thầy là Đấng được tất cả Sách Thánh nói tới (c. 45).

Trong niềm vui sướng, Philípphê tìm thấy Nathanaen, và khoe:

“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.”

Đấng ấy có tên là Giêsu, có cha là Giuse, có quê ở Nadarét.

Với một chút thành kiến, Nathanaen đã không thể tin được chuyện này.

Một ngôi làng vô danh như Nadarét, làm sao có thể sinh ra điều tốt được?

Nhưng Philípphê không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục mời gọi bạn mình,

như Đức Giêsu đã mời hai môn đệ đầu tiên: “Hãy đến mà xem” (cc. 39. 46).

Cuối cùng Nathanaen đã nhận lời, đã đến và đã xem thấy.

Cuộc hạnh ngộ diễn ra giữa Thầy Giêsu với Nathanaen.

Bằng cái nhìn thấu suốt, Thầy nhận ra cái tốt đẹp nơi con người anh:

“Đây là một người Israel đích thật, nơi anh không có gì gian dối” (c. 47).

Quả là một lời khen bất ngờ đối với Nathanaen, người mới gặp Thầy lần đầu.

Anh ngỡ ngàng khi thấy Thầy biết rõ bề sâu của lòng mình.

“Làm sao Ngài lại biết tôi?” (c. 48).

Làm sao Ngài biết tôi là người không thích quanh co, gian dối ?

Đức Giêsu bảo Ngài đã thấy anh dưới cây vả, trước khi Philípphê gọi anh.

Nathanaen nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Thầy Giêsu (c. 49).

Và Thầy hứa sẽ cho anh thấy trời mở ra để trò chuyện với con người.

Thầy như cái thang bắc từ trời, để các thiên thần lên xuống (c. 51),

để Thiên Chúa và con người gặp nhau.

Như Nathanaen, chúng ta cũng trở nên môn đệ nhờ có người giới thiệu.

Chỉ ai đã thực sự gặp mới hăng hái đi giới thiệu Chúa với người khác.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn qua người khác mà gọi tôi theo Ngài.

Nhưng cuối cùng chính tôi vẫn phải gặp mặt Ngài và để Ngài chinh phục.

Dần dần Ngài dắt tôi vào mầu nhiệm của con người Ngài.

Ngài là Giêsu Nadarét, con ông Giuse, và là chính Con Thiên Chúa

Ngài là chiếc thang đưa tôi từ đất lên mà gặp gỡ trời cao.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khóa lên

để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Ðến mà xem

“Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”. Nathanael lặp lại một thành kiến không tốt về Nazareth, về quê hương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn tốt và cũng không ai là hoàn toàn xấu. Nathanael là con người tốt, nhưng cũng có khuyết điểm sống theo dư luận không có quan niệm tốt về Nazareth: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”.

Chứng tá đầy xác tín của Philipphê đã giúp đưa Nathanael ra khỏi sự mù quáng tinh thần: “Cứ đến mà xem, Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Chỉ kinh nghiệm sống trực tiếp với Chúa Giêsu mới có thể giúp các tông đồ, những kẻ đầu tiên được gọi theo Chúa Giêsu, vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể.

Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan đã mô tả ơn gọi sống như Chúa Giêsu như là một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Chúa và người được gọi. Và khi đã được gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu rồi, người được gọi mới vượt qua được những thành kiến tự nhiên đối với Chúa, và cảm thấy được thôi thúc chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa cho anh chị em chung quanh. Kinh nghiệm sống của Philipphê được chia sẻ cho Nathanael: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói đến, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Có thể nói đây là kiểu mẫu cho điều chúng ta gọi là việc tông đồ, là thông truyền và chia sẻ kinh nghiệm sống của chính bản thân về Chúa Giêsu cho anh chị em chung quanh, đây cũng là phương thế duy nhất giúp anh chị em vượt qua được những thành kiến không tốt về Thiên Chúa, để cùng chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngài. Chỉ nhờ đã gặp được Chúa trước rồi chúng ta mới có thể trở nên phương tiện để giúp anh chị em đến gặp Chúa: “Cứ đến mà xem”.

Ước chi đời sống chúng ta là một lời mời gọi liên lỉ anh chị em đến với Chúa.

Lạy Chúa,

Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh tông đồ Nathanael Batolomeo, mà chúng con mừng lễ hôm nay, xin Chúa thương giải thoát con khỏi những thành kiến ngăn cách con với Chúa, cũng như ngăn cách con với anh chị em. Xin thương mời gọi con đến với Chúa và củng cố đức tin còn non yếu của con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Một người Israel đích thật

Chúa đã đích thân chiêu mộ các tông đồ trong giới hạng trung bình, giới thợ thuyền, công chức, thủ trưởng đoàn đội v.v... họ thuộc giới có đủ thời giờ lo lắng cho nước trời, vì công việc không làm họ u tối, trí độn. Họ không phải hạng người vô học, dốt nát. Họ là hạng người Do Thái đang mong đợi Đấng thiên sai Cứu Thế. Họ biết khá khá Kinh Thánh để đoán được thời giờ đã gần tới.

Họ có những ước đoán của lớp trung bình. Họ có thể hình dung một nhân vật lực lưỡng như rôbốt, mới chắc là Đấng Messia, Đấng Messia phải đáp ứng được những nét đặc trưng, nên không thể xuất thân “Từ Nadarét đâu có gì hay được”.

Đích thật....

Một kiểu người thuộc giới trung bình, Nathanael. Trước hết, ông nghi ngờ, rồi lắng nghe rồi đi đến cảm phục. Ông không khó tin, không khó đi theo Đức Giê-su, nhưng lòng nhiệt tình hăng say chốc lát biến đi, chỉ còn lại một con người chân thành! ông đã gặp Đức Ki-tô, Đấng Messia, ông không thể không hợp đoàn với Người.

Hạng trưởng giả

Nguy hiểm của hạng trưởng giả nhỏ (không xét đến lợi tức) đây chỉ xét đến khía cạnh đức tin, họ là thứ công tử bột, họ không như biệt phái, luật sĩ. Hạng trưởng giả này thoải mái hơn, dễ chịu hơn, ngay cả niềm tin cũng đỡ. Họ không lo lắng chuyện gì quá. Trời của họ khá được đảm bảo.

Hạng giầu thật, trong xã hội hơn là giầu niềm tin, là hạng trên mức đa số, họ được người ta cầu cạnh, kính nể, đáng chuộng: nhưng lối sống tiện nghi đừng để đến thái quá.

Người ta còn biết đến “hạng trưởng giả thánh” chính là hạng tri túc, tri thường. Các Tông Đồ đã chứng tỏ như thế. Dù sống thân mật với Đức Giê-su, họ chũng có vẻ trưởng giả gồm cả những tính xấu và tính tốt. Nhưng Thiên Chúa yêu họ. Chính là vì họ là trưởng giả nhỏ nên đã được Chúa chinh phục, được Phúc Âm kêu gọi.

Như thế đó! được chinh phục!

Sống với lòng xác tín của mình!

Sống với đức tin vủa mình.

J.M.

 

SUY NIỆM 4: Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ

Mỗi người đều có một lối sống, mỗi người đều có một phong cách khác nhau. Các thánh cũng vậy. Cuộc sống của các thánh luôn có một mẫu số chung: sống giống Ðức Kitô. Thánh Bathôlômêô, tông đồ, Giáo Hội tôn kính hôm nay cũng không nằm ngoài định luật muôn thuở: họa lại hình ảnh thật nhất của Chúa Giêsu Cứu Thế.

Barthôlômêô được tuyển chọn làm tông đồ

Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới,chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse,người Nagiarét”. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được?”. Ông Philipphê trả lời: “Cứ đến mà xem” (Ga 1,45-46).

Cứ đến mà xem là lời mời gọi ông Nathanaen trở thành tông đồ đích thực của Chúa Giêsu. Sự kỳ diệu và hết sức lạ lùng là khi Chúa Giêsu vừa thấy Nathanaen, Người đã nói: “Ðây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47). Việc Chúa gọi Nathanaen tức Barthôlômêô thật là huyền nhiệm vì chính Chúa đã thấy, đã biết ông khi ông đang ở dưới cây vả (Ga 1,48). Chúa nói: “lòng dạ của Nathanaen không có gì gian dối”. Ðiều này nói lên hồng phúc của Barthôlômêô vì tâm hồn mới là quan trọng. Người ta thường ví von: “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại” (trong có gì thì biểu lộ ra bên ngoài). Chính lúc, Na-tha-na-en tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel” (Ga 1, 49). Chúa Giêsu đã tuyển chọn Na-tha-na-en làm “Apostoloi”, nghĩa là tông đồ. Ðó là giờ cứu độ, giờ hồng phúc của Barthôlômêô, giờ Barthôlômêô được lột xác trở nên hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Làm tông đồ nghĩa là thuộc trọn vẹn về Chúa.

Như mọi tông đồ, Bathôlômêô được sai ra khơi (duc in altum) thả lưới

Thả lưới nghĩa là phải ra xa bờ, chọn chỗ nhiều cá. Ra khơi có nghĩa là tin vào Chúa vì có thể trong cuộc hải hành sẽ gặp sóng to, gió lớn, sẽ gặp nhiều chuyện trục trặc, nhưng tin, cậy vào Chúa sẽ được Chúa giải thoát. Barthôlômêô đã cùng với các bạn trong nhóm 12, theo Chúa Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo, theo Thầy làm chứng có nước trời, có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Theo Thầy để học hỏi những kinh nghiệm của Thầy, lãnh nhận những tư tưởng, chân lý và Tin Mừng, giáo lý của Thầy hầu chuẩn bị cho việc ra khơi mai sau. Theo Thầy để lãnh nhận quyền và sự thật mà Thầy sẽ trao phó cho: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Và, sau khi Chúa về trời,các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Barthôlômêô được sai đi loan báo Tin Mừng tại Ấn Ðộ, vùng Lycôni và Arménie. Thánh Bar-thô-lô-mê-ô đã làm chứng cho Chúa phục sinh bằng gương sáng đời sống thánh thiện, đạo đức của Ngài, bằng những lời chân thật, tài lợi khẩu, hoạt bát và những phép lạ Chúa ban cho, thánh nhân đã đưa được biết bao người ngoại giáo trở về. Thánh nhân đã trở nên giống Chúa Kitô như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi” và “Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”. Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách thánh nhân.

Barthôlômêô đã thực hiện việc rao giảng bằng chính cuộc đời của Ngài: từ bỏ, hy sinh và hết lòng trở nên giống Chúa Kitô. Thánh nhân đã trừ quỷ cho công chúa của vua Polêmon và nhiều người khác, đặc biệt Ngài đã hoán cải và đưa cả gia đình nhà vua polêmon trở lại đạo công giáo.

Thánh nhân đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của mình đúng như lời Chúa phán: “Tôi tớ không hơn chủ”. Vì ghen tức thánh nhân, các sư sãi và các quan chức triều đình đã vu cáo, khai gian cho thánh nhân đủ điều và Ngài đã bị vua Attiges bắt, bỏ tù, hành hạ đủ mọi cực hình và lãnh án trảm quyết cho tới hơi thở cuối cùng vào năm 52.

Lạy thánh Barthôlômêô, tông đồ xin đến giúp chúng con để chúng con có lửa nhiệt thành như thánh nhân hầu làm chứng cho Chúa sống lại.

Xin cho chúng con ơn can đảm để chúng con luôn biết lướt thắg mọi thử thách chông gai của cuộc đời.

Xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con chỉ biết cậy trông vào Chúa.

(Lm Nguyễn Hưng Lợi)

 

SUY NIỆM 5: Thánh Barthôlômêô tông đồ

Các sách Tin Mừng nhất lãm và sách công vụ tông đồ ghi nhận thánh Bartôlômêô là một trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về Ngài, ngoài việc liên kết tên Ngài với Philipphê.

Tin Mừng thứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Tin Mừng này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (Ga 43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau phục sinh (Ga 21,1-14). Từ thế kỷ 16, nhiều học giả đã đồng hóa Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Narthanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptoleemy (Tlômêô), sinh tại Cana (Ga 21,2).

Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17). Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vị: Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô: - Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth.

Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận: - Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.

Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người: - Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.

Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sư thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).

Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armennia, Mosopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.

Người ta kể rằng: khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câmhọng. Ngài khua trừ ma quỉ. Giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám. Trong số này có cả nàng công chúa. Ngài liền được triêu vời đến triều đình. Trước mặt vua Ngài truyền quỉ thần phải nói sự thật bỉ ổivề số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng Ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.

Dĩ nhiên các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimiô bắt Ngài tống ngục. Ong nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, Ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời Ngài. Cuối cùng Ngài bị trảm quyết.

Tương truyền rằng: xác Ngài được chuyển về Beneventô. Vào thế kỷ X, không rõ các di tích của Ngài có được vua Ottô III đưa về và còn được lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber không?

(Trích trong “Theo Vết Chân Người” - Chân dung các thánh nhân)

 

SUY NIỆM 6: Thánh Barthôlômêô tông đồ

Thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3). Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David. Đàng khác Bartholomew họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập. Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình. Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím. Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc. Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm. Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.

Phúc âm Matthew, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philip và Barthôlômêo. Phúc âm Gioan nhắc Philip giới thiệu Nathanael cho Chúa Yêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêo và Nathanael là một.

Barthôlômêo giảng đạo tại Ấn Độ với tông đồ Phillip và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì). Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Mathêu viết bằng tiếng Hy Bá. Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ. Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo. Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo. Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn. Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma. Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo. Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều. Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục. Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu. Người tin theo càng can đảm hơn. Họ lầm lí luận xử tử các ngài đạo sẽ tan. Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa. Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa. Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.

Bị bắt chung với Philip, quan tòa ra lệnh tha Bartholomew, còn Philip thì bị án tử. Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự. Bartholomew được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Bartholomew.

Chứng kiến cảnh Philip tử đạo, Bartholomew sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa). Ngày nay phần đất này nằm giữa biên cương Irăn và Sô Viết. Bartholomew là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Bartholomew không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này. Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông Đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo. Barthôlômêô có mặt vào khỏang năm 66-68. Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó. Hai năm 66-68, Bartholomew là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.

Bartholomew không trú ngụ hẳn tại Liên Sô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước. Tại Armenia, Bartholomew đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua. Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái. Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua. Nhóm này âm thầm ngầm bắt Bartholomew lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68. Nay là thành phố Derbend. Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.

Trong quá khứ các nhà địa lí dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay. Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề. Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.

Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định. Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi. Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ. Nơi nào xua đuổi các ngài âm thầm ra đi. Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó. Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng. Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.

Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối. Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ. Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại. Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.

Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác. Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì. Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.

Ngày nay xác thánh Bartholomew được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau. 508 vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia. Thế kỉ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily. Năm 809 xác được chuyển sang Benevento. Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.

Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Bartholomew. Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury.

Tóm lược trong tài liệu:

1.The Search for the Twelve Apostles của W. McBirnie

2. The Twelve Apostles của R. Brownrigg

(Lm Vũ đình Tường, Vietcatholic News)

 

SUY NIỆM 7: Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ

Trong danh sách các Tông Đồ, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô thường được 3 Phúc Âm Nhất Lãm nhắc đến (Mt 10,3 ; Mc gọi Ngài là Bar-Tolmai ; ngài được Phúc Âm Gioan gọi là Natanael (Ga 1,45-51). Người ta đoán rằng Nathanael là một thầy thông luật hay đệ tử của trường phái luật sĩ.

Theo truyền thuyết, Natanael rao giảng ở Ấn Độ, Mésopotamie và nhất là ở Arménie, cuối cùng chịu tử đạo tại đây. Di hài của ngài sau đó được chuyển về đảo Lipara và về Benevent. Hoàng đế Otto III cho chuyển về Rôma và đặt ở một cồn nhỏ trên sông Tibre. Trong Tin Mừng Gioan, Natanael là người môn đệ thứ tư được Chúa Giêsu kêu gọi.

- Khi Philipphê nói với Natanael rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Natanael tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nagiarét. Quả thực, sự tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của Đức Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua cớ vấp phạm này để nhận ra Đức Giêsu xuất thân từ Nagiarét tầm thường ấy chính là Đấng Messia. Một số người do thái đã không thể vượt qua như vậy, họ nói : “Ông này không phải là con của Giuse đấy ư ? Chúng ta há không biết cha mẹ của ông ta sao ? Thế mà tại sao bây giờ ông ta lại tuyên bố rằng ta từ trời xuống ? (6,42)

- Đức Giêsu nói với Natanaen “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh” : Trong Ga, Đức Giêsu thường tỏ ra am tường các biến cố và các con người (2,25 6,61 13,1). Hình ảnh cây vả hơi mơ hồ : có người hiểu đó là nơi các rabbi thích ngồi để nghiên cứu Thánh Kinh ; có người nghĩ đến cây biết tốt xấu trong vườn diệu quang. Có lẽ ý nghĩa ở đây là : Natanaen là người thích suy gẫm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia, và Đức Giêsu cho ông hay rằng những lời tiên báo về Đấng Messia ấy đã được thực hiện nơi Ngài. 

- Lời của Đức Giêsu khiến Natanaen xúc động đến nỗi ông gọi Ngài bằng 2 tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Vua Israel”.      

a/ Trong Ga, tước hiệu “Vua Israel” đồng nghĩa với tước hiệu Messia nhưng ít màu sắc chính trị hơn tước hiệu “Vua dân do thái” được nhắc tới trong cuộc chịu nạn của Ngài (18,33.39 19,3 19,21). Khi Ngài vào thành Giêrusalem, dân chúng cũng tung hô Ngài bằng tước hiệu “Vua Israel” (12,13).

b/ Còn tước hiệu “Con Thiên Chúa” chính là tước hiệu được gán cho Ngài khi Ngài đăng quang làm Messia (x. 2Sm 7,14).       

- Nathanaen sẽ “được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” : bây giờ Đức Giêsu chỉ mới mạc khải với ông bằng lời, sau này Ngài sẽ còn dùng dấu chỉ để loan báo tương lai, nhất là dấu chỉ Cana trong đó Ngài sẽ “biểu lộ vinh quang của Ngài”.

- Đức Giêsu có nhắc tới việc “thiên thần Chúa lên xuống”. Có thể có liên hệ với chiếc thang Giacóp trong St 28,12 “Này đây được dựng từ đất một chiếc thang mà đầu cuối chạm tới trời ; các thiên sứ lên xuống trên thang đó”. Như thế, chi tiết này muốn nói rằng trong tư cách là “Con Người”, Đức Giêsu chính là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa trời và đất.

(http://giaophanvinhlong.net)

 

SUY NIỆM 8: Chân dung Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ

Trong Tân ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả xác định ngài với Nathanael (còn viết là Nathaniel), một đàn ông người Cana ở Galilê đã được Philipphê nói cho biết về Chúa Giêsu.

Giáo hội mừng kính Thánh Batôlômêô vào ngày 24-8 hàng năm. Ngày này là ngày các hội chợ truyền thống, như Hội chợ Batôlômêô ở Smithfield (London, Anh quốc) xuất hiện từ thời Trung Cổ, có diễn hài kịch của Ben Jonson.

Thánh Batôlômêô được liệt kê thuộc Nhóm Mười Hai trong các Phúc Âm nhất lãm (Mt 10:1-4; Mc 3:13-19; Lc 6:12-16), và ngài là một trong ba nhân chứng khi Chúa Giêsu lên trời (Cv 1:4, 12-13). Trong Ga 1:45-51, ông Nathanael được giới thiệu là bạn của ông Philipphê. Ông được mô tả là người nghi ngờ về Đấng Mêsia đến từ Nadarét khi nói: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?”, nhưng sau khi ông Philipphê nói: “Cứ đến mà xem!”, ông đã đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khen ông: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1:47). Khi Nathanael hỏi tại sao Chúa Giêsu biết ông, Chúa Giêsu nói: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Điều mặc khải lạ lùng là Nathanael tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” (Ga 1:49). Chúa Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1:50).

Quả thật, Nathanael đã thấy những điều lớn lao hơn. Ngài là một trong các tông đồ được Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển Tibêria sau khi Ngài phục sinh (x. Ga 21:1-14). Lúc đó, họ đã đánh cá suốt đêm mà vô ích. Đến sáng, họ thấy một người đứng trên bờ nhưng không ai biết đó là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bảo họ thả lưới, họ làm theo và đánh được rất nhiều cá. Rồi Gioan nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21:7).

 Truyền thống cho biết rằng Thánh Batôlômêô đi truyền giáo ở Ấn Độ, và đã để lại đây cuốn Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Các truyền thống khác nói ngài đi truyền giáo ở Ethiopia, Mesopotamia, Parthia và Lycaonia. Ngài tử đạo tại Albanopolis, thuộc Armenia. Truyền thống nói ngài bị chém đầu, nhưng phổ biến hơn là truyền thống nói ngài bị lột da rồi bị đóng đinh ngược. Truyền thống còn cho biết rằng ngài đã hoán cải Polymius, vua của Armenia. Chính người anh em của Polymius là Astyages đã ra lệnh xử tử Thánh Batôlômêô.

Một tu viện nổi tiếng tại Armenia là Tu viện Thánh Batôlômêô có từ thế kỷ 13, được xây dựng ngay tại nơi Thánh Batôlômêô chịu tử đạo là tỉnh Vaspurakan, thuộc Armenia (nay thuộc Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ).

Nghiên cứu của LM A.C Perumalil (Dòng Tên) và Moraes cho thấy rằng miền Bombay thuộc duyên hải Konkan, có thể đây là thành phố cổ Kalyan, là vùng hoạt động truyền giáo của Thánh Batôlômêô. Tác giả Theodorus Lector (thế kỷ 6), xác nhận rằng khoảng năm 507, Hoàng đế Anastasius đã giao hài cốt Thánh Batôlômêô cho thành phố Dura-Europos sau khi được tái phát hiện.

Năm 803, hài cốt ngài được đặt tại Giáo đường Thánh Batôlômêô tại Lipari, một đảo nhỏ thuộc duyên hải Sicily, do Constantinople kiểm soát. Năm 803, hài cốt ngài lại được chuyển tới Beneventum; rồi năm 980, Hoàng đế Otto II của Tòa Thánh đã chuyển hài cốt ngài tới Rôma, lưu giữ tại Giáo đường San Bartolomeo all’Isola. Một phần sọ của Thánh Batôlômêô được chuyển tới Giáo đường Frankfurt, còn một cánh tay của ngài được tôn kính tại Giáo đường Canterbury ngày nay.

Có nhiều phép lạ của Thánh Batôlômêô đã xảy ra trước và sau khi ngài chết, hai phép lạ nổi tiếng xảy ra cho dân thành phố nhỏ tại đảo Lipari.

Theo truyền thống, dân đảo Lipari rước tượng ngài bằng vàng và bằng bạc từ Giáo đường Thánh Batôlômêô đi khắp thành phố. Một lần nọ, khi đưa tượng ngài từ trên đồi xuống thành phố, bỗng dưng tượng ngài trở nên nặng trĩu, không thể đưa đi nơi khác, người ta cố đưa tượng đi nhưng tượng càng nặng hơn, thế là người ta phải đặt tượng ngài tại đó. Hồi thế chiến II, chế độ Phát-xít (Đức/Ý) tìm cách quản lý các hoạt động. Lệnh truyền phải đưa tượng Thánh Batôlômêô đi chỗ khác, tượng lại trở nên nặng hơn. Người ta đành “bó tay”!

Lạy Thánh Batôlômêô, xin cầu thay nguyện giúp. Amen.

(Trầm Thiên Thu)



 

Đừng đóng cửa trước vương quốc của Thiên Chúa – SN song ngữ 24.8.2020

 

Monday (August 24): Do not close the door to God’s kingdom

 

Scripture:  Matthew 23:13-22  

13 “But woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! because you shut the kingdom of heaven against men; for you neither enter yourselves, nor allow those who would enter to go in. 15 Woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! for you traverse sea and land to make a single proselyte, and when he becomes a proselyte, you  make him twice as much a child of hell as yourselves. 16 “Woe to you, blind guides, who say, `If any one swears by the temple, it is nothing; but if any one swears by the gold of the temple, he is  bound by his oath.’ 17 You blind fools! For which is greater, the gold or the temple that has made the gold sacred? 18 And you say, `If any one swears by the altar, it is nothing; but if any one swears by the gift that is on the altar, he is bound by his oath.’ 19 You blind men! For which is greater, the gift or the altar that makes the gift sacred? 20 So he who swears by the altar, swears by it and by everything on it; 21 and he who swears by the temple, swears by it and by him who dwells in it; 22 and he who swears by heaven, swears by the throne of God and by him who sits upon it.

Thứ Hai    24-8           Đừng đóng cửa trước vương quốc của Thiên Chúa  

 

Mt 23,13-22

13 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. (14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn).15 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.16 “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.”17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?18 Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.”19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề.21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề.22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

Meditation: 

 

When the Lord Jesus knocks on the door of your heart are you ready to answer and receive him (Revelations 3:20)? The Lord offers each one of us an open door to the kingdom of God, but we can shut ourselves out if we ignore or reject his offer. What is the door to the kingdom of heaven? When Jacob fled from his brother Essau, who wanted to kill him for stealing his birthright (Genesis 27:41), Jacob sought refuge in the wilderness. There God pursued him and gave him a vision that both changed his life and the life of his people. As Jacob slept on a star-lit hillside God showed him a great ladder or stairway that extended from earth to heaven. This stairway was filled with a multitude of angels ascending and descending before the throne of God. 

An open door to the throne of God

God opened heaven to Jacob, not only to give him a place of refuge and peace, but to offer him the blessing of dwelling in intimate friendship with the living God. God spoke to Jacob and renewed the promises which he had made to his grandfather Abraham and his father Isaac, and now to Jacob and his descendants. God promised not only to bless and protect Jacob, but to make him and his descendants a blessing to all the nations as well. When Jacob awoke he exclaimed:  “How awesome is this place! This is none other than the house of God and this is the gate of heaven” (Genesis 28:17). God opened a door for Jacob that brought him and his people into a new relationship with the living God.

Jesus is the door to God’s kingdom

Jesus proclaimed to his disciples that he came to fulfill the prophetic dream of Jacob in his very own person: “You will see heaven opened, and the angels of God ascending and descending upon the Son of man” (John 1:51). Jesus proclaimed that he is the door (John 10:8-9) and the way (John 14:6) that makes it possible for us to access heaven and God’s very throne. But Jesus woefully warned the religious leaders and successors of  Jacob that they were shutting the door of God’s kingdom not only on themselves but on others as well. The word woe expresses sorrowful pity as well as grief and sadness.Why did Jesus lament and issue such a stern rebuke? 

Don’t be misled by wrong-headed teachers

Jesus was angry with the religious leaders because they failed to listen to God’s word and they misled the people they were supposed to teach and lead in the ways of God. They were blindly leading people to “pharisaism”- to their own ideas, rules, and practices which God did not intend or require – rather than to God’s intention and way of life for his people. Jesus also chastised them for their hyprocisy – a hypocrite is an actor or imposter who says one thing but does the opposite. Jesus gave some examples to show how misguided they were in their thinking and practices. 

 

In their zeal to win converts, the religious leaders required unnecessary and burdensome rules and practices which obscured the more important matters of religion, such as love of God and love of neighbor.  And at the same time they made exceptions for themselves by devising clever ways to evade binding oaths and solemn promises which they had made to God. The Jews treated an oath made to God as a binding obligation that must not be broken under any circumstance, but the Pharisees found clever ways to evade their obligations when inconvenience got in the way. They forgot that God hears every word we utter (especially our oaths and promises) and he sees the intentions of our heart even before we speak or act.

 

God’s ways and thoughts are different from ours

The scribes and Pharisees preferred their idea of religion to God’s idea. They failed to lead others to God because they listened to their own ideas of what is true religion and they failed to understand the true meaning and intention of God’s word. Through their own pride and prejudice they blindly shut the door of their own hearts and minds to the truth of God’s kingdom.

The prophets of the Old Testament had repeatedly warned God’s people to seek the Lord and to put aside their own thoughts and ideas of religion in order to hear and understand God’s mind and intentions for his people. The prophet Isaiah wrote,

“Seek the Lord while he may be found, call upon him while he is near; let the wicked forsake his way, and the unrighteous man his thoughts… For my thoughts are not your thoughts, neither are your ways my ways, says the Lord. For as the heavens are higher than the earth, so are my ways higher than your ways and my thoughts than your thoughts” (Isaiah 55:6-9).

 

Seek God’s kingdom first
How can we shut the door of God’s kingdom in our own personal lives? We close it through stubborn pride, disobedience, and ignorance. Do you submit your mind to God’s word or do you cling to your own thoughts and ideas of what is right, true, and good for you? Do you allow the world’s way of thinking to form the way you think, act, and speak – or do you allow God’s word of truth to form the way you think, act, and speak? Do you ignore God’s word through indifference or lack of reflection on his word? 

 

The Lord Jesus wants to speak to us each and every day – to help us grow in our knowledge and understanding of his love and truth. The Lord is knocking at the door of your heart – are you receptive and ready to listen to his voice as he speaks through his life-giving Word?  God’s kingdom is always present to those who seek him with a humble mind and a willing heart. The Lord invites us to pray daily, “May your kingdom come and your will be done on earth as it is in heaven” (Matthew 6:10).

“Lord Jesus, your word is life for me. May I never shut the door to your heavenly kingdom through my stubborn pride or disbelief. Help me to listen to your voice attentively and to conform my life more fully to your word.”

Suy niệm: 

 

Khi Chúa gõ cửa nhà bạn, bạn có sẵn sàng để Người vào nhà mình không (Kh 3,20)? Thiên Chúa để cửa mở cho tất cả chúng ta vào vương quốc của Người, nhưng chúng ta có thể tự nhốt mình ở ngoài, nếu chúng ta chống lại lời mời gọi của Người. Cửa Trời là gì? Khi Giacóp chạy trốn anh mình là Êsau, người muốn giết chết ông vì đã cướp mất quyền trưởng nam (St 27,41), ông đã chạy trốn trong nơi hoang vắng. Nơi đó, Thiên Chúa theo đuổi Giacóp và cho ông thấy một thị kiến làm thay đổi cuộc đời ông và dân tộc ông. Khi Giacóp ngủ trên sườn đồi đầy sao, Thiên Chúa đã cho ông thấy một cái thang trải dài từ trời xuống đất. Cái thang này có rất nhiều thiên thần lên lên xuống xuống trước ngai tòa Thiên Chúa.

 

Cửa mở cho ngai tòa Thiên Chúa

Thiên Chúa mở cửa Trời cho Giacóp, không chỉ ban cho ông một nơi trú ẩn an toàn, nhưng còn ban cho ông phúc lành được ở trong mối tình bằng hữu với Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa chuyện trò với Giacóp và lập lại những lời hứa mà Người đã thiết lập với tổ tiên ông là Abraham và cha của ông là Isaac, mà giờ đây cũng được thiết lập với ông và hậu duệ của ông. Thiên Chúa đã hứa không chỉ chúc lành và bảo vệ Giacóp, mà còn chúc lành cho con cháu ông, và cho tất cả mọi dân tộc. Khi Giacóp thức dậy, ông kêu lớn: “Nơi này thật thánh thiêng biết bao! Chính nơi này là nhà của Chúa, và đây chính là cửa Trời” (St 28,17). Thiên Chúa mở cửa cho Giacóp để đem ông và dân tộc ông vào trong một mối tương quan mới với Thiên Chúa hằng sống.

Đức Giêsu là cửa vào vương quốc Thiên Chúa

Đức Giêsu tuyên bố với các môn đệ rằng Người sẽ thực hiện giấc mơ của Giacóp trong con người mới thật sự của Người: “Các người sẽ thấy Trời mở ra, và các thiên thần của Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Đức Giêsu nói rằng Người là Cửa (Ga 10,8-9) và là Đường (Ga 14,6) để giúp chúng ta tiến tới nước Trời và ngai tòa Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu buồn rầu cảnh báo những người lãnh đạo tôn giáo và những miêu duệ của Giacóp rằng chính họ đang đóng cửa nước Trời, không chỉ cho chính họ mà còn cho người khác nữa. Hạn từ khốn diễn tả sự trắc ẩn và quan tâm lo lắng, cũng như nỗi buồn và đau đớn vô hạn. Tại sao Đức Giêsu xót xa và nói ra lời khiển trách nghiêm khắc như vậy?

Đừng bị các thầy dạy ương ngạnh làm mê muội

Đức Giêsu giận dữ với những người lãnh đạo tôn giáo vì họ không chịu lắng nghe lời Chúa và họ làm cho người ta bị lầm lạc, mà lý ra họ phải dạy dỗ và hướng dẫn theo những đường lối của Thiên Chúa. Họ dẫn dắt người ta theo con đường “giả hình” cách mù quáng – theo quan điểm, lề luật, và các việc thực hành mà Thiên Chúa không muốn hay đòi hỏi – hơn là theo ý định của Thiên Chúa và cách sống dành cho dân của Người. Đức Giêsu cũng trừng phạt họ vì thói giả hình của họ – giả hình là người diễn viên hay kẻ lừa đảo, kẻ nói một đàng nhưng làm một nẻo. Đức Giêsu đưa ra một loạt dẫn chứng để chỉ họ đã hướng dẫn lầm lạc thế nào trong cách suy nghĩ và thực hành của họ.

Trong sự nhiệt thành của họ để làm cho người ta hoán cải, họ đòi hỏi những luật lệ không cần thiết và nặng nề, những thứ luật lệ làm lu mờ những lề luật quan trọng hơn của đạo thánh Chúa, như mến Chúa và yêu người. Nhưng đồng thời họ lại đưa ra những miễn chuẩn cho chính họ bằng việc nghĩ ra những cách thức khôn khéo để tránh né những lời thề hứa ràng buộc và long trọng mà họ đã thực hiện với Thiên Chúa. Người Do thái coi lời thề hứa với Thiên Chúa là một phận sự bắt buộc không được phá vỡ dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng những người Pharisêu đã tìm ra những đường lối khéo léo để tránh né những ràng buộc của họ khi sự phiền phức xảy ra. Họ quên rằng Thiên Chúa lắng nghe mọi lời của chúng ta (đặc biệt những lời thề hứa) và Người nhìn thấy những ý định của lòng chúng ta thậm chí trước khi chúng ta nói hay hành động.

Đường lối và suy nghĩ của TC khác với chúng ta

Những người luật sĩ và Pharisêu đề cao quan điểm của họ hơn quan điểm của Thiên Chúa. Với tư cách là những người lãnh đạo tôn giáo, họ đã không dạy người ta đường lối của nước Chúa, vì họ không chịu lắng nghe và hiểu ý định của lời Chúa. Qua sự kiêu căng và thành kiến của họ, họ đã mù quáng đóng cửa lòng trí của chính họ trước sự sự thật của vương quốc Thiên Chúa.

Các ngôn sứ của Cựu ước đã lập đi lập lại lời cảnh báo của Thiên Chúa với dân Người để họ tìm kiếm Chúa và gạt bỏ những suy nghĩ và ý riêng của họ về tôn giáo để lắng nghe và hiểu được tư tưởng và ý định của Thiên Chúa dành cho dân. Ngôn sứ Isaia viết:

“Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có … vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,6-9).

Hãy tìm nước Thiên Chúa trước

Chúng ta đóng cửa nước Trời trong cuộc sống mình như thế nào? Chúng ta đóng nó lại qua sự kiêu ngạo bướng bỉnh, bất tuân, và ngu dốt. Bạn có quy phục tâm trí mình trước lời Chúa hay bạn hướng theo những tư tưởng và ý riêng của bạn về những gì đúng đắn, chân thật, và tốt lành cho bạn không? Bạn có cho phép cách suy nghĩ của thế gian hình thành đường lối suy nghĩ, hành động, và lời nói của mình – hay bạn có cho phép lời chân lý của Thiên Chúa hình thành cách bạn suy nghĩ, hành động, và nói năng không? Bạn có bỏ qua lời Chúa qua sự thờ ơ hay thiếu suy gẫm lời của Người không?

Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta mỗi ngày và mọi ngày – để giúp chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết và thấu suốt tình yêu và chân lý của Người. Chúa đang gõ cửa lòng chúng ta – bạn có đón tiếp và sẵn sàng lắng nghe tiếng của Người khi Người nói qua lời ban sự sống của Người không? Nước Chúa thể hiện trong tất cả những ai tìm kiếm Người và những ai thực hiện thánh ý Người. Bạn có cầu nguyện như Đức Giêsu đã dạy: “Xin cho nước Chúa trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” không? (Mt 6,10).

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là sức sống của con. Ước gì con không bao giờ ngăn chặn Nước Trời qua việc vô tín, thờ ơ, và bất tuân. Xin Chúa giúp con biết lắng nghe lời Chúa và để làm cho đời sống của con luôn thích ứng với lời Chúa.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây