GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

"Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến".

 

Lời Chúa: Lc 21, 29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến.

Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

 

 

Suy Niệm 1: Xem cây vả

Suy niệm:

Cây vả là một cây rất thường thấy ở xứ Paléttin.

Khi nó đâm chồi, người ta biết ngay đã vào mùa hè.

Rồi thì nó sẽ ra hoa và kết trái.

Không phải chỉ có cây vả, mọi cây khác cũng vậy (c.29).

Cứ nhìn tình trạng hiện tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến.

Nước Thiên Chúa cũng vậy.

Trước khi Nước Thiên Chúa đến sẽ có những dấu hiệu

ở trên trời, dưới đất hay ngoài biển khơi.

Đức Giêsu đã nhắc cho ta về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26).

Khi bắt đầu đi rao giảng cách đây hai ngàn năm,

Đức Giêsu tuyên bố: Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15).

Và Nước ấy đã được khai mạc với chính con người Đức Giêsu.

Lời nói và việc làm của Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất.

Như hạt giống, Nước ấy đã không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm,

đã ảnh hưởng mạnh mẽ như nhúm men trong đống bột,

và đã phải chịu sự tấn công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa.

Với sự phục sinh của Đức Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến.

Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang,

dù chúng ta không biết rõ khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước.

Ngày Nước Thiên Chúa đến cách huy hoàng trên trái đất

sẽ là ngày tận thế, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người.

Kitô hữu là người tin vào lời Đức Giêsu.

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33).

Chúng ta chờ đợi, vì chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại.

Sau hai ngàn năm chờ đợi và nỗ lực dựng xây,

ngày Đức Giêsu quang lâm đã gần hơn nhiều.

Biết đâu câu nói sau của Đức Giêsu

lại chẳng ứng nghiệm cho chính thế hệ chúng ta:

“Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32).

Không được để mình nguội lạnh và mất đi thái độ chờ đợi.

Không được để chiến thắng tạm thời của sự dữ ở đâu đó

khiến chúng ta mất đi lòng tin,

và những bách hại khiến ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).

Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày.

Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến.

Chúng ta phải thấy có biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng,

ngay giữa những khi tưởng như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ.

Đừng để mình rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản.

Phải làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn,

ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly.

Phải làm sao để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới.

Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ.

Con người và cả vũ trụ đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23),

và Thiên Chúa Cha được tôn vinh.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Dấu Chỉ Thời Ðại

Người ta vẫn thường nói: có nguyên nhân mới phát sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng có gì là ngẫu nhiên, có lửa thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng động.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: "Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến".

Theo Cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.

Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.

Xin cho chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Cây vả không trái

Cây vả là một loại cây rất thường thấy khắp nơi tại Thánh Ðịa, là một loại cây có tàn che mát, sai trái và thường được trồng trong vườn nho hoặc cũng để mọc cả những nơi đất cát sỏi đá bên vệ đường. Trong Tân Ước, chúng ta thấy cây vả nhiều lần được Chúa Giêsu nhắc tới, như Chúa đã thấy Nathanael ngồi dưới gốc cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài, hoặc ví dụ về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh Mátthêu cũng ghi lại bài giảng trên núi có đoạn viết như sau: "Cứ xem quả thì biết cây, có ai hái được quả nho trong bụi gai hay trái vả trong khóm nho sao?"

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trên đường đi về Giêrusalem, Ngài nhìn thấy cây vả bên vệ đường. Ngài lên tiếng nguyền rủa cây vả không có trái để nói về tác động linh nghiệm của đức tin. Nhưng điều đặc biệt nhất của cây vả là khi thu đông về thì lá vả rụng hết trơn, cành khô cứng trơ cọng trông như đã chết khô không còn chút sức sống nào, nhưng bắt đầu mùa xuân sang, cây vả lại trổ lá sớm và cành lá sum suê nhất, hơn nữa nó lại sai trái và trái nó ra rất sớm, đàn chim trời hợp lại líu lo trên cành mang lại sinh khí và vui tươi trong thôn xóm.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mượn một hình ảnh tiên báo mùa hè sắp tới khi thấy cây vả cùng các loại cây khác nẩy lộc. Cây vả và những cây khác đâm chồi nẩy lộc là chuyện thường đối với dân cư trong thôn làng, nhưng thật ra nó đã gói ghém một niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến. Những biến động trong xã hội và thế giới là những dấu chỉ của Nước Chúa đổi mới mọi sự, như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng hôm qua. Nếu từng giây phút của một năm qua chúng ta đã nhớ lại dấu ấn của hồng ân và tình thương của Chúa, thì chúng ta sẽ thấy hồng ân và tình thương ấy lớn lao đến chừng nào.

Ngày cuối cùng của năm phụng vụ sắp kết thúc và chúng ta sắp bước vào mùa Vọng, mùa trông chờ Chúa đến với ta, với vũ trụ và với nhân loại, một trời mới đất mới sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến gần, mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa và tình thương của Ngài mới bền vững muôn đời.

Lạy Chúa,

Con biết lấy gì tri ân Chúa. Suốt một năm qua biết bao nhiêu biến động đến với con, trong thôn làng con bao người đã được về cùng Chúa trong ánh sáng bất diệt. Nước Chúa, Nước của tình thương, của ơn Chúa, của an bình mà mỗi giây phút đều chung tiếng hoan ca ca tụng Ngài. Xin cho mỗi người chúng con biết nhận ra dấu tích tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con được kể là con dân trong Nước Thiên Chúa đời đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nước Trời lên ngôi

“Anh em cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc. 21, 31-33)

Bài Tin mừng hôm nay tiếp theo ngay bài mô tả cảnh sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu dùng lối văn khải huyền của Do thái tả cảnh tàn phá thành như những tai họa vũ trụ. Dùng thể văn này. Lu-ca không muốn nói với chúng ta về ngày tận thế. Ông muốn trình bày cho chúng ta về ngày sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và thay thế Giê-ru-sa-lem là thời kỳ lên ngôi của nước trời. Sau khi đền thờ sụp đổ, thời đại Hội thánh bắt đầu, thời đại của nước trời bất diệt không bao giờ bị thay thế nữa, thời đại của giao ước mới và đời đời.

Mỗi khi có ngôn sứ đến loan báo tận thế, có lẽ vì chúng ta cần một sứ giả mới. Lúc đó mỗi người hoàn toàn phải tính toán “khi thấy cây cối đâm chồi”, mình phải xem “mùa hè đã đến gần” với mình chưa, vì không có ai khác tính toán thay cho mình được. Vả lại, mỗi người cư xử theo cách riêng của mình, chúng ta không có thể cư xử như họ. Chúng ta cũng không cần biết khi nào mặt trời và các tinh tú rơi xuống đầu chúng ta. Nhưng chúng ta biết chắc mỗi người là một vệ tinh, và dại dột thay, nếu tự mình lại làm cho mình bị nổ tung! Chúng ta còn có một sức mạnh tự động phá hủy khác vượt trên sức rung động của trái đất. Nhưng biết được khi nào những biến cố cuối cùng đó đến thì không quan trọng. Điều quan trọng là chắc chắn chúng sẽ xảy ra, và thế kỷ này chưa hết, thì đa số chúng ta đã qua đi theo với vòng quay của trái đất.

Điều cần thiết phải nhớ là chúng ta sẽ qua đi, nhưng lời Chúa nói không bao giờ qua đi. Nếu lời Chúa tồn tại đời đời, thì chúng ta phải cố gắng lắng nghe để được sống chứ đừng giả điếc làm ngơ kẻo chúng ta phải chết đời đời.

Nếu biết nhớ kỹ bài diễn văn này, một bàigiáo thuyết loan báo cho chúng ta biết tất cả mọi sự hiện tại sẽ có ngày chấm dứt. Vậy tốt nhất chúng ta hãy hết lòng trông cậy và đặt lời Chúa vào tận con tim của mình để sinh nhiều hoa trái trong khi đợi chủ về thu hoạch. Chủ sẽ thưởng công cho chúng ta: “Quả thật, quả thật, Tôi bảo thật các anh em, đến giờ và chính bây giờ những người chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai nghe thì sẽ được sống đời đời” (Ga. 5, 25)

RC

 

Suy Niệm 5: ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG CAO ĐẦU (Lc 21, 29-33)

Xem CN 33 TN B

Ở miền bắc nước ta, cứ vào độ tháng 1,2,3 âm lịch, các cây cối thường đâm trồi nẩy lộc sau một thời gian dài ngủ yên trong khí hậu mùa đông. Hình ảnh này báo hiệu cho biết mùa xuân ấm áp đã về để đẩy lui cái lạnh của mùa đông tiết giá.

Trong mùa xuân, người ta thường trồng cây cối. Bởi vì ở vào mùa này, khi trồng, cây không bị chột...

Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây vả và các loài cây khác để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Cây vả là thứ cây quen thuộc trong Tin Mừng. Đức Giêsu đã nhắc đến nhiều lần về loại cây này, như: Chúa đã thấy Nathanaen ngồi dưới cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài, hoặc thí dụ về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh Matthêu cũng ghi lại bài giảng trên núi có đoạn như sau: “Cứ xem quả thì biết cây, có ai hái được quả nho trong bụi gai, hay trái vả trong khóm nho sao?”.

Hình ảnh cây vả được Đức Giêsu dùng trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu là mùa xuân đến để loan báo lời Chân Lý của Thiên Chúa cho nhân loại. Những ai đón nhận Ngài cũng như Giáo Huấn của Ngài thì sẽ được đâm trồi nẩy lộc như cây cối mùa xuân.

Ai không tin, thì sẽ bị héo úa tàn phai. Nếu cây cối, nó luôn hướng về mặt trời như là sự khao khát cần tiếp nhận ánh sáng để quang hợp thế nào, thì mỗi chúng ta cũng cần phải đứng thẳng trong tư thế của người công chính, để nhạy bén tiếp nhận những lời Chân Lý của Chúa, ngõ hầu được sự sống đời đời như vậy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ phải là hành động của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức và chờ đợi để đón nhận ơn Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được yêu mến Chúa. Xin cho con được sinh hoa kết quả nhờ được gắn liền với Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

I. SUY NIỆM:

1. Ngày của Con Người

Trong tuần này, chính xác là từ thứ ba, Đức Giê-su nói cho chúng ta nghe về « Ngày của Con Người » ; và trong ngày này. trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập khi sáng tạo sẽ bị phá vỡ, như Người nói trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua: « Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét » (c. 25).

Ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giê-su nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới, cho “thân xác” và sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến (x. Kh 22, 20).

Điểm kết thúc của lịch sử và của thế giới sáng tạo, xem ra còn ra còn rất xa vời, nhưng lại nhắc nhớ cho chúng ta những điểm kết thúc rất thật, xảy ra hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Đó là hoàng hôn của mỗi ngày sống, của một giai đoạn, của tháng, của năm, của chức vụ, của công việc… Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết. Người trẻ có hi vọng sống thêm được nhiều chục năm. Tuy nhiên, sự sống hằng ngày và tương lai của chúng ta không quá chắc ăn như chúng ta tưởng, nhất là trong bối cảnh sống có rất nhiều nguy cơ hôm nay. Nhưng chúng ta có niềm hi vọng là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Ngài đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta , để cứu chuộc và dẫn chúng ta vào sáng tạo mới.

2. Dụ ngôn cây vả

Tuy nhiên, khi kết thúc những lời loan báo gây lo sợ về « những sự sau cùng », Đức Giê-su lại dùng một dụ ngôn, rất đời thường và vì thế, bình an và bình thản:
Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.

Đức Giêsu nói: « Cây vả cũng như tất cả những cây khác », những cây khác, đối với chúng ta, có thể là cây sa-kê, cây mít hay cây mai trong vườn. Đặc biệt là cây mai : khi thấy hoa mai nở, chúng ta biết là mùa xuân đang đến.
Hình ảnh cây vả mà Đức Giêsu dùng để nói về Triều Đại Thiên Chúa, nói cho chúng ta nhiều điều:

– Triều Đại Thiên Chúa đến là điều tất yếu, giống như quy luật của thiên nhiên: mùa hè chắc chắn sẽ đến khi cây vả đâm chồi hay khi cây phượng nở hoa.

– Hình ảnh đâm chồi, nẩy lộc gợi ra cho chúng ta sự sống mới.

Tuy nhiên, theo quy luật thiên nhiên, sự sống mới này lại sẽ tàn phai, lại sẽ chết đi; nhưng chính là để làm phát sinh sự sống mới, một mùa xuân mới. Sự chuyển hóa trong thiên nhiên, chính là dấu chỉ nói cho chúng ta về Triều Đại Thiên Chúa, về một mùa xuân hoàn toàn vừa mới mẻ và vừa vĩnh cửu, một mùa xuân sẽ không bao giờ tàn phai. Theo Tv 136 (135), hành động của Thiên Chúa, diễn tả chính Chúa, thì vừa vĩnh cửu, được diễn tả bởi vòm trời, mặt trời mặt trăng và các vì sao (c. 4-9), và vừa mới mẻ, được diễn tả bởi những biến cố lịch sử (c. 10-24). Trên đời này, điều gì vĩnh cửu thì không mới mẻ, và điều gì mới mẻ thì không vĩnh cửu. Chỉ có nơi Thiên Chúa, hai chiều kích này mới hội tụ thành một. Và vì sự sống tương lai là vĩnh cửu và không tàn phai, nên phải trải qua khoảng khắc tương xứng là « mất tất cả ».

3.« Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần »

Để chạm được sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, mỗi người, cả loài người và cả thế giới sáng tạo sẽ phải trải qua khoảng khắc « mất tất cả ». Chúng ta được mời gọi sống khoảnh khắc « mất tất cả », khi lựa chọn đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, và lựa chọn này phải được hiện tại hóa mỗi ngày. Chúng ta tập sống tự nguyện dâng hiến, dâng hiến tất cả, thay vì sống kinh nghiệm bị lấy đi, vốn là kinh nghiệm gây lo sợ, như thánh Inhaxiô Loyola mời gọi chúng ta thưa với Chúa trong kinh Dâng Hiến: « Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả, mọi sự đều là của Chúa ». Dâng lại cho cho Chúa tất cả sẽ là một mất mát rất lớn, nhưng niềm vui được ban cũng rất lớn và còn lớn hơn.
Điều duy nhất làm cho chúng ta bình an, đó là sống tâm tình tạ ơn và ca tụng, là đặt nền tảng đời mình trên nền sự biết ơn, là sống sự quảng đại của Kinh Dâng Hiến. Và vẫn còn một điều nữa làm cho chúng ta bình an, đó chính là Lời của Đức Giê-su:

Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

Lời Chúa không qua đi, vì thế cũng sẽ làm cho chúng ta không qua đi, nhưng qui tụ chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, bên Chúa và bên nhau mãi mãi trong Nước của Thiên Chúa. Bởi vì, Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, là sự sống, ánh sáng và tình yêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Lời của Ta sẽ không bao giờ qua đi – SN Song ngữ ngày 29.11.2019

 0
BY  ON 28/11/2019SUY NIỆM HẰNG NGÀY

Friday (November 29): “My words will not pass away”

 

Scripture: Luke 21:29-33   

29 And he told them a parable: “Look at the fig tree, and all the trees; 30 as soon as they come out in leaf, you see for yourselves and know that the summer is already near. 31 So also, when you see these things taking place, you know that the kingdom of God is near. 32 Truly, I say to you, this generation will not pass away till all has taken place. 33 Heaven and earth will pass away, but my words will not pass away.

Thứ Sáu     29-11           Lời của Ta sẽ không bao giờ qua đi

 

Lc 21,29-33

29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

Meditation: 

 

Do you recognize the signs of God’s presence and action in your life and the world today? Jesus used the image of a fig tree to teach his disciples an important lesson about reading the “signs of the times.” The fig tree was a common and important source of food for the Jews. It bore fruit twice a year, in the autumn and in the early spring. The Talmud (teachings and commentaries of the ancient rabbis on the Jewish Scriptures) said that the first fruit came the day after Passover. The Jews believed that when the Messiah came he would usher in the kingdom of God at Passover time.

Let the fruit of God’s kingdom grow within you

The early signs of a changing season, such as springtime, summer, or autumn, are evident for all who can see and observe the changes. Just so are the signs of God’s kingdom and his return in glory on the day of judgment. The “budding” of God’s kingdom begins first in the hearts of those who are receptive to God’s word. Those who trust in God’s word will bear the fruits of his kingdom. And what are the fruits of that kingdom? “The kingdom of God ..is righteousness and peace and joy in the Holy Spirit” (Romans 14:17). The Lord gives the first-fruits of his kingdom to those who open their hearts to him with expectant faith and trust in his word.

We do not know the day nor the hour when the Lord Jesus will return again in glory. But the Lord does give us signs, not only to “wake us up” as a warning, but also to “rouse our spirits” to be ready and eager to receive his kingdom when he comes in all his power and glory. The “Day of the Lord” will strike terror in those who have ignored or rejected God, but it will be a day of joy and rejoicing for those who long to see the Lord face-to-face. The Lord Jesus wants us to be filled with joyful anticipation for his coming again.

The Lord opens he word for us – listen and respond

While we wait for the Lord’s physical return in glory, we can know his presence with us through the work and action of the Holy Spirit who dwells in our hearts. The Lord Jesus comes daily and frequently to those who long for him and he speaks tenderly to our hearts like a lover who whispers in the ear of the beloved. He comes to show us the way to our heavenly Father and to give us the hope of eternal life. Do you recognize his presence and do you listen to his word?

 

“Lord Jesus Christ, you are the Alpha and the Omega, the beginning and the end of all history, and the lord of all creation. Give me joyful hope and assurance that I will see you face to face and be united with you forever when you return in glory.”

Suy niệm:

 

Bạn có nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện và hành động của Chúa ngày nay không? Đức Giêsu sử dụng hình ảnh cây vả để dạy các môn đệ một bài học quan trọng về việc đọc “các dấu chỉ thời gian.” Cây vả là nguồn thực phẩm phổ thông và quan trọng đối với người Dothái. Nó ra trái một năm hai lần, vào mùa thu và đầu mùa xuân. Sách Talmud (sách giảng dạy của các thầy Rabbi về Kinh thánh Do thái) nói rằng trái đầu mùa của nó có vào ngày sau lễ Vượt qua. Người Dothái tin rằng khi Đấng Mêsia đến, Người sẽ đem vào vương quốc của Chúa ở ngày lễ Vượt qua.

 

Hãy để hoa trái vương quốc của Thiên Chúa lớn lên trong bạn

Những dấu chỉ có trước của sự thay đổi mùa màng như: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, là sự kiện cho tất cả những ai có thể nhìn thấy và nhận biết những sự thay đổi. Những dấu chỉ vương quốc của Chúa và sự trở lại của Người trong vinh quang trong ngày phán xét cũng tương tự như vậy. Sự “nảy nở” của vương quốc Chúa khởi đầu trước hết trong tâm hồn của những ai tiếp nhận lời Chúa. Những ai tin cậy vào lời Chúa sẽ đem lại hoa trái cho vương quốc của Người. Hoa trái của vương quốc đó là gì? “Vương quốc của Chúa là sự công chính và hòa bình, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Thiên Chúa ban trái đầu mùa vương quốc của Người cho những ai biết mở rộng tâm hồn ra cho Người với niềm tin kiên vững và trông cậy vào lời Người.

Chúng ta không biết được ngày giờ khi nào Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang. Nhưng Thiên Chúa cho chúng ta những dấu chỉ, không chỉ để “thức tỉnh chúng ta” như một lời cảnh báo, mà còn là sự “thức tỉnh của tâm hồn chúng ta” để sẵn sàng và phấn khởi đón tiếp vương quốc của Người khi Người đến trong tất cả quyền lực và vinh quang của mình. “Ngày của Chúa” sẽ đem lại sự sợ hãi cho những ai phớt lờ hay chống đối Chúa, nhưng nó sẽ là ngày vui mừng cho những ai khát khao được chiêm ngưỡng Người mặt đối mặt. Đức Giêsu muốn chúng ta hết sức phấn khởi chuẩn bị cho ngày tái lâm của Người.

Chúa mở lời Người cho ch. ta – hãy lắng nghe và đáp trả

Trong lúc chờ đợi cho ngày trở lại thể lý của Chúa trong vinh quang, chúng ta có thể nhận biết sự hiện diện của Chúa ngang qua công việc và hành động của Thần Khí, Đấng ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Đức Giêsu đến hàng ngày và thường xuyên với những ai khao khát Người, và Người sẽ tâm sự với tâm hồn chúng ta như một người tình thỏ thẻ bên tai người yêu. Người đến để bày tỏ cho chúng ta con đường về với Cha trên trời, và ban cho chúng ta niềm hy vọng của sự sống đời đời. Bạn có nhận ra sự hiện diện của Người và bạn có nghe lời của Người không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, Chúa là nguyên thủy và là cùng đích, là khởi đầu và kết thúc của tất cả lịch sử, và là Chúa của mọi thụ tạo. Xin Chúa ban cho con niềm hy vọng và tin tưởng hân hoan, để con được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt, và được kết hiệp với Chúa mãi mãi khi Chúa trở lại trong vinh quang.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây