GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phan Thiết: Khai mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020

Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phan Thiết:  Khai mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020
Lúc 10g thứ Hai, ngày 16.11.2020, có 151 Linh mục và 12 Phó tế thuộc Giáo phận Phan Thiết đã quy tụ tại Phòng Nguyện Nhà Mục Vụ của Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao để bắt đầu tham dự tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 từ ngày 16–21.11.2020.
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Phan Thiết
Khai mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020


Địa điểm: Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao
Thời gian: 16-20/11/2020
Chủ đề: Tân Phúc âm hóa chính con người linh mục
Giảng Phòng: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà lạt.

hình ảnh


Lúc 10g thứ Hai, ngày 16.11.2020, có 151 Linh mục và 12 Phó tế thuộc Giáo phận Phan Thiết đã quy tụ tại Phòng Nguyện Nhà Mục Vụ của Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao để bắt đầu tham dự tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 từ ngày 16–21.11.2020.

Sau giờ kinh trưa, Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo Phận Phan thiết chủ tế thánh lễ khai mạc tuần tĩnh tâm với ý nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.

Đức cha ngỏ lời


Đức cha giảng lễ.

Lúc 14g30, anh em hân hoan đón chào Đức cha Đaminh.

Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Tổng Đại Diện GPPT nói lên lời chúc mừng Đức cha giảng phòng.

Kính thưa Đức Cha,
Chúng con cám ơn Đức Cha đã nhận lời mời của Đức Cha Giuse đến với chúng con trong tuần tĩnh tâm đặc biệt năm nay, năm khởi động chuẩn bị cho Năm Thánh kỷ niêm 50 năm Thành lập Giáo phận Phan Thiết với đề tài hấp dẫn mang tính thời sự: “Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục”. Chúng con xin bày tỏ tâm tình với Đức Cha qua đề tài này.
Trước hết là tính hấp dẫn của đề tài qua chín chữ viết sẽ dẫn chúng con đi vào chiều sâu căn tính trong sứ vụ của mỗi anh em chúng con xét như là con người và là linh mục trước sứ mạng cao cả mà Chúa và Giáo Hội giao phó. Đây là thách đố sát sườn mà Giáo Hội đang phải đương đầu và mang tính chiến lược.
Thứ đến là tính thời sự của đề tài. Chúng con như nghe đâu đây vọng lại lời tha thiết của “thư ngỏ kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cùng một đức tin” của Đức Cha gởi cộng đoàn Dân Chúa Giáo Phận Đà Lạt ngày 12/11/2020. Đúng như khẩu hiệu giám mục của Đức Cha “Mẹ và Mục Tử”, tấm lòng hiền mẫu của Đức Cha đang muốn bày tỏ ra cho chúng con, vì Đức cha muốn người ta đến với Đức Cha như đến với một người mẹ, chứ không phải như một quan chức hành chánh.
Đề tài Đức Cha chia sẻ với chúng con trong tuần tĩnh tâm này chính là ưu tư và trải nghiệm thực tế trong sứ vụ Giám mục của Đức Cha về đời sống đức tin cụ thể của hàng linh mục và giáo dân. Sống tuần tĩnh tâm này với Đức Cha, chúng con hy vọng được chia sẻ tâm tình cầu nguyện hiệp thông với Đức Cha và với cộng đòan Dân Chúa Giáo phận Đà Lạt trong tuần cửu nhật cầu cho sự hiệp nhất từ ngày 15.11.2020. Nguyện ước của Đức Cha chắc chắn sẽ được đặc biệt cảm thông khi đến với Đức Cha Giuse của chúng con, vì khẩu hiệu Giám Mục của Ngài là “hiệp nhất trong đức tin”.
Cùng với Đức Cha Giuse, 151 Linh mục và 12 phó tế hiện diện trong tuần tĩnh tâm này, chúng con kính chào Đức Cha, kính chúc Đức Cha sức khỏe.


Bó hoa tươi dâng kính lên Đức cha Đaminh bày tỏ lòng tri ân.

Sau đó Đức cha giảng phòng bắt đầu bài giảng mở đầu.
Ngài khởi đi từ sự kiện:
  • Tháng 10 hằng năm là tháng truyền giáo. Tháng 10 năm ngoái (2019), nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư đặc biệt về truyền giáo Maximum illud, ĐTC Phanxicô đã ấn định là “Tháng Truyền giáo Ngoại thường”, với ý mời gọi và khuyến khích toàn thể Hội Thánh, từ giáo phận, giáo xứ, đến từng cá nhân tín hữu ý thức mãnh liệt và dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho việc loan báo Tin Mừng. Một Hội Thánh quyết tâm đi tới mọi biên cương xa xôi nhất cần một sự hoán cải truyền giáo kiên định và kiên trì.
  • Sứ mạng truyền giáo không bao giờ ngưng nghỉ, và giờ đây quy tụ nhau tĩnh tâm, phải chăng anh em linh mục chúng ta không được mời gọi nhập cuộc vào dòng chảy này của toàn thể Giáo Hội, ở chiều sâu, đó là “Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục” của mình từ bên trong và toàn diện.
Ngài nêu lên những mẫu gương truyền giáo nổi bật.
Đặc biệt, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã đề ra một danh sách 25 vị khắp năm châu như những gương sáng nổi bật cho việc Phúc Âm hóa bản thân và tha nhân, trong đó có Đức cha Gioan Cassaigne.
Đức cha Cassaigne là vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris, đã cống hiến một đời cho người phong cùi tại Di Linh Lâm Đồng và đang an nghỉ trong ngôi mộ tại trại phong này.
Sinh 1895. Chịu chức linh mục 12/1925. Vừa chịu chức linh mục xong, ngài tình nguyện sang Việt Nam truyền giáo, và đã ở lại, hiến mình, phục vụ cho đến chết và chết tại Việt Nam.
14 năm sau, được bổ nhiệm làm giám mục Sàigòn, ngài chọn khẩu hiệu “Bác ái và yêu thương”. Về làm giám mục Sàigòn, ngài vẫn thường đi xe đạp hoặc xe vespa thăm các khu nghèo.
Lại 14 năm sau, khi phát hiện chính mình bị phong cùi, ngài viết cho cha Bề trên Tổng quyền MEP: “Xin cho phép tôi đệ đơn từ chức lên Tòa Thánh, và được rút lui về trại phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất”.
Trước khi chết vào năm 1973, ngài tâm sự với người nữ tu chăm sóc ngài: “Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha. Các con đừng lo, khi về với Chúa, cha sẽ vẫn ở với các con”.
Rồi hai dòng chữ khắc trên mộ ngài đây: “Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi” – “Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã làm gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi”. Thật khiêm tốn và đầy yêu thương, yêu thương đến nỗi khắc khoải, đến chết vẫn nghĩ đến còn ai đó mình chưa giúp đỡ được gì, và tâm thành xin lỗi.
Phải chăng chúng ta có thể nói đến một trái tim tinh tế, nhạy cảm ; nhạy cảm trước tiếng kêu gào thảm thiết xin cứu giúp của đoàn người cùi mà chính ngài chứng kiến nơi vùng rừng sâu một ngày cuối thu 1928, để rồi ngay sau đó thành lập trại phong ; nhạy cảm để mỗi lần phải thuyết trình hay phải kể lại tình trạng khốn khổ của những đứa con phong cùi xấu số, ngài lại không cầm được nước mắt và mô tả như thể chính ngài đã từng trải: “Họ sẽ chết dần chết mòn một cách thảm khốc, sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết vì đói lạnh, mà chẳng ai hay biết…”.
  • Không những nhạy cảm, mà còn có thể nói đến một trái tim “si mê” không, yêu đến nỗi không muốn rời? Từ nhiệm chức vụ giám mục Sàigòn, ngài có thể về lại Pháp chứ. Thế nhưng, ước nguyện của ngài lại là trở lại Di Linh này để được sống và được chết giữa các con cái phong cùi của ngài, nơi ngài vừa làm cha sở, thầy giảng, giám đốc, y tá, chăm sóc các bệnh nhân cùi với sự cộng tác của các Sơ Nữ Tử Bác ái, như một quyết tâm nên một với các con cái cùi hủi của ngài. Au milieu de mes Montagnards”, giữa các con cái người dân tộc của tôi”.
  • Chính “đức ái mục tử” đến “si mê” mà ngài dành cho anh chị em dân tộc phong cùi trên vùng đất Di Linh cho đến hơi thở cuối cùng đánh động chúng ta, và hướng tầm nhìn của chúng ta đến những công cuộc truyền giáo mênh mông, những vùng xa vùng ngoại vi cả theo nghĩa địa lý lẫn hiện sinh, như lời Đức Giêsu tha thiết gợi lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”…Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10,2-9).
  • Phải chăng con người, tấm lòng và cả cuộc sống trọn vẹn hiến dâng của ĐC Cassaigne cho những anh chị em dân tộc phong cùi xấu số, không là một cách thức thực hiện tuyệt vời những lời trên của Chúa Giêsu? Và đã để lại một tấm gương và một sức đẩy cho công cuộc truyền giáo qua những việc bác ái yêu thương phục vụ?
Sau đó đức cha giảng phòng giới thiệu bố cục của tuần tĩnh tâm.
Với chủ đề “Tân Phúc âm hóa chính con người linh mục”, chúng ta sẽ đề cập nhiều đề tài khác nhau dưới ánh sáng của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đã được ĐTC Gioan Phaolô II đề ra tại Đại Hội Celam 19: “Tin Mừng vẫn là một, Chúa Kitô vẫn là một, nhưng cần một nhiệt huyết mới, một phương pháp mới, và một diễn tả mới”, mà sâu thẳm nhất và nền tảng nhất là cần một con người mới, để thấm nhiễm và lan tỏa Tin Mừng, khiến người thời nay có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng.

Ngài nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của tuần tĩnh tâm
  • Tuần tĩnh tâm nhằm khơi thắm lại hồng ân chức thánh linh mục Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua việc đặt tay; đổi mới, Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục của mình (2 Tm 1,6).
  • Qua chức thánh, chúng ta đóng vai trò là một nhân tố thiết yếu trong công cuộc đổi mới toàn thể vũ trụ đã được thực hiện bởi Đức Kitô Phục sinh trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Chỉ cần nêu lên một việc mà linh mục thường làm ngay khi mặt trời chưa mọc, đó là việc dâng thánh lễ, hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Giêsu Tử nạn-Phục sinh để ban sự sống mới, và vai trò của linh mục trong việc cử hành này quan trọng như thế nào.
  • Tuần tĩnh tâm này bao gồm nhiều việc khác nhau đã được ghi trong chương trình. Chúng ta cố gắng đem hết tinh thần để thi hành, từ việc dâng lễ, cầu nguyện, nghe giảng, trao đổi cho đến việc ăn uống nghỉ ngơi, vì như lời thánh Phaolô nói, việc nào cũng có thể làm sáng danh Chúa (1 Cr 10,31).
  • Nhưng mọi việc ấy sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự giúp đỡ và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần; mà Thánh Thần đã đến cộng tác với những con người theo lệnh Chúa phải ra đi đổi mới thế gian, khi họ họp nhau cùng cầu nguyện với Đức Mẹ (Cv 1,14), đấng đã nhận lời trối của Chúa Cứu Thế để chăm sóc người môn đệ Chúa thương (Ga 19,25-27). Chúng ta hãy xin Đức Mẹ đến giữa chúng ta trong những ngày này. Chúng ta cũng xin 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, cách riêng 37 thánh linh mục Việt Nam, đến chia sẻ với chúng ta tinh thần và sức mạnh các ngài đã nhận được để đặt nền tảng cho Hội Thánh tại Đất Nước chúng ta, trong niềm tin mạnh mẽ là quê hương này sẽ được đổi mới và hạnh phúc, nếu Phúc Âm được lan rộng, nếu các thế hệ đi sau có nhiều linh mục và tín hữu tốt.
  • Xin các ngài đến giúp đỡ chúng ta một cách đặc biệt trong tuần tĩnh tâm này.
Sau bài giảng, quý cha, quý phó tế cầu nguyện và suy gẫm.

Đến17g40: Kinh chiều
19g15: Lần hạt riêng
19g30: Cha Quản hạt Hàm tân chủ sự giờ Chầu Thánh Thể, sau đó cộng đoàn đọc Kinh tối.
Lúc 21g, quý cha nghỉ đêm.

Tuần lễ Tĩnh tâm chính là tìm nơi thanh vắng để gặp gỡ Chúa. Đó chính là nơi tâm hồn hướng về mầu nhiệm; nơi thinh lặng Thánh để nghe Chúa nói với mình; nơi chỉ chiêm ngắm Chúa, sống thân mật với Chúa; nơi kiểm thảo đời sống, sám hối, ăn năn về những lỗi lầm thiếu sót.Giáo hội coi Nơi Thinh Lặng ấy là một môn học sư phạm, là một môn học thiêng liêng bổ ích. Tạ ơn Chúa ngày thứ nhất khép lại trong bình an!

Ban Truyền Thông GP Phan Thiết

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây