GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thánh Lễ Truyền Dầu tại Nhà Thờ Chính Tòa Phan Thiết

NHM 5830

NHM 5830

Thánh Lễ Truyền Dầu tại Nhà Thờ Chính Tòa Phan Thiết

hình ảnh

Năm nay, Lễ Truyền Dầu được tổ chức vào ngày thứ Tư Tuần Thánh (13.4.2022) tại Nhà Thờ Chính Tòa. Đức Cha Giuse cùng Linh mục đoàn Giáo phận cử hành Thánh lễ làm phép dầu: Thánh hiến, Dự tòng và Bệnh nhân. Các phó tế, chủng sinh, tu sĩ nam nữ nhiều cộng đoàn, đại diện các giới đoàn và bà con giáo dân tham dự sốt sắng.


hình ảnh

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn Phụng vụ:

Kính chào cha Tổng Đại diện, Đức Ông Phêrô, Viện phụ Gioan Boscô, Quí cha quản hạt và quí cha và các thầy phó tế.
Kính chào quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, quý ông bà anh chị em.

        Trong bầu khí hiệp thông của Tuần Thánh, chúng ta họp nhau tại nhà thờ Chính tòa này, để cử hành thánh lễ Truyền dầu. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nhau khám phá và sống lại hồng ân: Hồng ân ơn gọi làm con Chúa và hồng ân chức linh mục. Cả 2 hồng ân ơn gọi làm con Chúa và hồng ân chức linh mục được diễn tả qua hình ảnh của Dầu Thánh.
        Kitô có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Người Kitô hữu là người có Chúa Kitô, người được xức dầu để thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô.
        Linh mục là người được xức dầu, để có thể đại diện Chúa Kitô, chăm lo cho cộng đoàn Dân Chúa.
Ý nghĩa thứ hai: Thánh lễ Truyền Dầu hôm nay còn là Thánh lễ hiệp thông của linh mục trong giáo phận với giám mục. Trong thánh lễ này, các Linh mục lặp lại lời tuyên hứa khi chịu chức thánh trước mặt Giám mục về trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, về việc từ bỏ bản thân để nên giống Chúa Kitô và về tư cách của người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
        Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho sự hiệp thông trong Giáo phận của chúng ta, giữa các thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
        Đồng thời, xin anh chị em tu sĩ và giáo dân cầu nguyện đặc biệt cho các giám mục và linh mục chúng tôi, được luôn trung thành trong ơn gọi của mình.
        Chúng ta cũng cầu xin cho mỗi người chúng ta, là Kitô hữu được luôn gìn giữ Dầu thánh trong mình, nghĩa là luôn có Chúa Giêsu, luôn thuộc về Chúa Giêsu.
        Đặc biệt chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch Covid-19 và các nạn nhân của cuộc chiến tại Ukraina. Và giờ đây để lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa thương chấp nhận, chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Đức cha Giuse giảng lễ.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Đặc biệt kính thưa anh em linh mục,

Lễ truyền dầu hôm nay còn được gọi là lễ của các linh mục. Hôm nay, chúng ta cùng kỷ niệm lại hồng ân thánh chức linh mục mà Thiên Chúa đã trao tặng cho mỗi anh em chúng ta.
Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia diễn tả: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Ngài đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”… Và trong bài Phúc âm, đoạn Kinh Thánh từ sách Isaia này đã được chính Chúa Giêsu đọc lại, tại hội đường Nazareth, và đã giải thích với lời khẳng định: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Dưới ánh sáng Lời Chúa từ những đoạn Kinh Thánh trên đây, có thể nhận ra ý nghĩa đích thực hay căn tính của người linh mục: “Linh mục là người được thánh hiến và được sai đi”
Người linh mục được xức dầu thánh hiến để sai đi thi hành nhiệm vụ loan báo tin mừng.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Ngài đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”…

Một cách cụ thể, linh mục là người đại diện cho giám mục, để trực tiếp chăm sóc đoàn chiên Chúa trong tư cách mục tử tại các giáo xứ.

Trong bối cảnh của mùa dịch Covid, xin được chia sẻ vài suy niệm về thuật ngữ linh mục là người đại diện Chúa chăm sóc cho đoàn chiên với nhiệm vụ “quản lý các mầu nhiệm thánh” và cao điểm là mầu nhiệm Thánh Thể.

Trong kỳ tĩnh tâm mùa chay năm nay, khi giảng cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Cantalamessa đã gợi lên ý tưởng: Một điều mà đại dịch Covid đã làm cho toàn thể Giáo hội trong hai năm vừa qua, đó là làm cho chúng ta ý thức và cảm nghiệm được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng do thiếu vắng Thánh lễ. Trong thời gian cách ly nghiêm ngặt, không có thánh lễ, không có Thánh Thể, một sự trống vắng trong Giáo hội, trong giáo xứ.
Và Đức Hồng Y nhấn mạnh: Bí tích Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng, Chúa Giêsu ở với chúng ta, với sự hiện diện đích thực trong Thánh Thể.
Trọng tâm của Thánh lễ là lời truyền phép của linh mục “Hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, bị nộp vì các con… Hãy nhận lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đỗ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Lời truyền phép trong thánh lễ đang nói lên hy tế thập giá của Chúa Giêsu, hy tế đó giờ đây được hiện tại hóa nơi bí tích Thánh Thể đang được Giáo hội cử hành qua vị linh mục, đại diện Chúa Kitô “in persona Christi”.
Trên thập giá, Chúa Kitô đã tự biến mình thành của lễ. Trong Chúa Kitô, chính Thiên Chúa trở thành của lễ hiến tế. Chính Thiên Chúa đã hy sinh Con Một của Người cho đến chết vì chúng ta (x. Ga 3, 16).
Và hy tế thập giá giờ đây đang được hiện tại hóa nơi bí tích Thánh Thể trên bàn thờ. Và nơi Thánh Thể, đây là “Chúa Kitô toàn diện”, Đầu và Thân hợp nhất không tách rời.
Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô toàn diện, Đầu và Nhiệm thể là Giáo hội, đang là của lễ tiến dâng lên Thiên Chúa Cha.

Trước hết, Chúa Kitô là Đầu, vị linh mục đại diện Chúa Kitô, đang hướng về cộng đoàn dân Chúa, và nói bằng ngôi thứ nhất: “Này là Mình ta, này là Máu ta, sẽ đỗ ra vì anh em…”
Chân phước Concepcion de Armida, người Mexicô, mới được phong chân phước vào năm 2015 đã viết cho người con trai dòng Tên của bà, sắp được thụ phong linh mục, bà viết: “Hãy nhớ rằng, con trai của mẹ, khi con cầm trong tay Mình Thánh Chúa, con đừng nói: ‘Này là Mình Chúa Giêsu và này là Máu Người,’ nhưng con sẽ nói: ‘Này là Mình Ta, này là Máu Ta’, nghĩa là, trong con phải có một sự biến đổi hoàn toàn, con phải đánh mất chính mình trong Chúa Giêsu, để trở thành ‘một Chúa Giêsu khác’, để trở thành hiến lễ với Chúa Giêsu”.

Hơn thế nữa, điều này không chỉ áp dụng cho các linh mục được thụ phong, nhưng cho tất cả những người đã được rửa tội. Tất cả giáo dân và linh mục đều được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu, với điểm khác là:
  • Cộng đoàn dân Chúa là thân thể mầu nhiệm được gắn bó với Chúa Kitô là đầu qua “chức tư tế cộng đồng” do bí tích rửa tội;
  • Con người linh mục, do bí tích truyền chức, được biến đổi để được “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là đầu” với “chức tư tế thừa tác”.
Trong hiến chế phụng vụ số 83, Công đồng Vatican 2 đã xác tín: “Thật vậy, Chúa Kitô tiếp tục thực thi chức vụ tư tế qua chính Giáo hội của Người, bằng việc cử hành lễ tạ ơn”.
Như vậy, trong bí tích Thánh Thể, các tín hữu, nhờ chức tư tế cộng đồng của mình, đang tham gia vào việc dâng lễ… đang cùng với Chúa Giêsu, hiến dâng chính bản thân mình là của lễ dâng lên cho Thiên Chúa.

Đây là cách Thánh Thể làm nên Giáo hội: làm cho Giáo hội trở nên thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Cả Chúa Kitô là đầu và Giáo hội là nhiệm thể của Ngài, trong Thánh Thể, đang trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa Cha. Như thế, mỗi người, cả linh mục và giáo dân, khi cử hành bí tích Thánh Thể, mỗi người đang trở nên của lễ với Chúa Giêsu, để dâng lên Thiên Chúa Cha, trong quyền năng của Thánh Thần.

Trong thánh lễ hôm nay, Giáo hội đang nhắc cho chúng ta, việc tham dự thánh lễ, không phải như việc chúng ta đến tham dự một vở kịch như một khán giả. Nhưng tham dự thánh lễ đích thực là mỗi người chúng ta, linh mục và giáo dân, cùng với Chúa Kitô, dâng của lễ lên Thiên Chúa Cha. Của lễ chính là bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta với những niềm vui và nỗi buồn, những thành công và thất bại, những đau khổ và bệnh tật.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cử hành thánh lễ với niềm tin như thế. Nếu tất cả chúng ta thực sự nói, vào lúc truyền phép, vị linh mục nói to và còn giáo dân trong im lặng hiệp thông với linh mục là đại diện Chúa Kitô, trong lời phát biểu: “Này là Mình Ta, này là Máu Ta”.

Khi một linh mục quản xứ cử hành thánh lễ của mình theo cách này, thì tiếp đó, trong ngày sống ngài: khi ngài tiếp dân, làm việc, lắng nghe, giảng dạy… ngài cũng đang tiếp tục sống bí tích Thánh Thể. Một linh mục thần học gia dòng Tên người Pháp, cha Pierre Olivaint, TK 19 (1816-1871), từng nói: “Vào buổi sáng, trong thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”. Và trong tác động của Thánh Thể như vậy, vị linh mục đang trở nên “Người mục tử nhân lành”, bởi vì như Chúa Giêsu, ngài đang hiến dâng của lễ, đang hiến dâng cuộc sống của mình cho đàn chiên.

Kính thưa cộng đoàn,

Tóm lại, sự hiệp thông sâu đậm thứ nhất giữa linh mục và Chúa Giêsu nơi thánh lễ mỗi ngày: nhờ bí tích truyền chức, người linh mục “được đồng hóa” với Chúa Giêsu để dâng hiến lễ là chính mình, cuộc đời mình, cho Thiên Chúa Cha.
Và nét thứ hai về sự hiệp thông là sự hiệp thông của các linh mục với giám mục giáo phận. Trong thánh lễ Truyền dầu này, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa khi chịu chức thánh trước mặt giám mục về trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, về việc từ bỏ bản thân để nên giống Chúa Kitô và về tư cách của người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đây là lời hứa mà tất cá các linh mục hằng năm đều lập lại, đều làm mới lại, đều ý thức lại, nhưng để thực hiện những lời hứa này là vô cùng khó khăn.

Vì thế, kính thưa tất cả các tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em giáo dân.

Xin mọi người cầu nguyện cho giám mục và anh em linh mục chúng tôi, được luôn trung thành với lời cam kết của mình ngày chịu chức, được nên giống Chúa Giêsu Mục tử mỗi ngày một tốt hơn, hầu có thể chuyển thông ân sủng và bình an của Thiên Chúa đến cho đoàn chiên, mà Chúa và Giáo hội đã trao phó cho chúng tôi chăm sóc. Amen.

***
Sau bài giảng, các linh mục lập lại lời tuyên hứa. Việc lập lại các lời tuyên hứa nầy phải là một dấn thân mới, một cuộc xuất hành mới đầy nhiệt huyết và đạo đức của đời sống và tác vụ linh mục. Xin Chúa Giêsu Linh mục thượng phẩm và Mục tử nhân lành phù trợ chúng ta. Giờ đây, trước sự hiện diện và cùng với cộng đoàn dân Chúa, chúng ta cùng nhau cùng lập lại các lời tuyên hứa của ngày thụ phong linh mục.

Linh mục đoàn lập lại lời hứa vâng phục, thánh hóa và giảng dạy theo tinh thần Phúc Âm, nhất là noi gương vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu. Được làm môn đệ Chúa Kitô là một thiên chức cao quý. Đức Giám Mục xin cho đời sống các linh mục:
      - Tuyên hứa linh mục là lời tuyên hứa trước giám mục và cộng đoàn.
      - Chấp nhận trách nhiệm phụng vụ cộng đoàn được giao phó, trung thành với lời hứa.
      - Quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa.
       - Thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi.
       - Trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Kitô Thượng Tế.
       - Dẫn đưa người trao được trao phó đến với Chúa Kitô là nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ.

Tiếp theo, cộng đoàn Dân Chúa cũng nói lên sự quyết tâm cộng tác của mình với hàng Giáo sĩ và hiệp lời cầu nguyện cho các ngài.

Sau đó là nghi thức làm phép Dầu. Ba bình dầu được các Phó tế rước lên cung thánh và trao cho Đức Giám Mục chủ sự. Ngài lần lượt làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và thánh hiến Dầu Thánh.
Dầu Thánh được dành một nghi thức Thánh hiến long trọng: Đức Giám Mục pha thuốc thơm vào dầu, biểu tượng cho những nhân đức mà Thánh Thần tuôn đổ trong người được xức Dầu Thánh này. Đức Giám Mục im lặng thổi hơi trên dầu là biểu tượng việc thông ban Thánh Thần. Chỉ với Thánh Thần mà Dầu Thánh mới có sức thánh hóa và biến đổi người lãnh nhận nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thông phần chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Ngài.
Mỗi tín hữu trở thành con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô, trở nên những viên đá sống động của Đền Thờ Chúa Thánh Thần thông qua việc lãnh nhận các loại dầu thánh trong các cử hành. Nếu dầu tăng lực dành cho các tân tòng chống lại ma quỷ và được bước vào gia đình Giáo hội; dầu gia tăng sức mạnh chống lại bệnh tật trong Bí tích Xức dầu, giúp duy trì sức khỏe; thì cách riêng, dầu Thánh qua 3 bí tích Rửa tội, Thêm sức, Truyền chức đã để lại những dấu ấn không phai nhòa trong đời sống.

Sau nghi thức, cộng đoàn bước vào phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức cha chia sẻ về Hiệp Hành và tiến trình Hiệp Hành của Giáo phận.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g15, trong thánh thiện và bình an. Kính chúc mọi thành phần dân Chúa bước vào Tam Nhật Thánh với nhiều Ơn Thánh Chúa ban.
***
Mỗi năm chỉ một lần, lễ truyền dầu được cử hành vào giữa Tuần Thánh, cộng đoàn gồm mọi thành phần dân Chúa bày tỏ tình hiệp thông và hiệp nhất trong thánh lễ này. Hôm nay là ngày sinh nhật của chức linh mục. Niềm vui ngày sinh nhật chính là sức mạnh của các linh mục sẽ thể hiện qua đời sống phục vụ cộng đoàn.Thánh lễ truyền dầu ghi đậm nét hình ảnh sống động của giáo hội địa phương. Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh “Christus Dominus” đã xác định: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, Giáo phận được tập trung trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội riêng biệt, trong đó Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự.” (CD 11).

Giáo hội là một nhiệm thể bao gồm các thành phần qui tụ xung quanh Đức Kitô là đầu và là thủ lãnh. Sáng nay các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân qui tụ xung quanh vị chủ chăn của giáo phận trong thánh lễ làm phép dầu tại nhà thờ Chính tòa.Thánh lễ làm phép dầu giúp mọi thành phần dân Chúa khám phá ý nghĩa của việc xức dầu trong đời sống ơn gọi của mình. Và đặc biệt, trước mặt Đức Giám Mục, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa khi chịu chức về trách nhiệm phục vụ cộng đoàn, việc từ bỏ bản thân để nên giống Chúa Kitô và về việc quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa cách trung thành và vô vị lợi.

Hôm nay là ngày sinh nhật của chức linh mục, ngày sinh nhật từng linh mục. Mỗi linh mục cảm nhận niềm vui này qua lời đáp ca: “Con xin ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời”. Mỗi linh mục cảm nhận về hồng ân Thánh Thần hiện diện, cảm nhận được Chúa xức dầu, được Chúa sai trên bước đường sứ vụ.

Xin cầu nguyện cho các linh mục để các ngài được trưởng thành trong Đức Kitô, trung thành với lời cam kết và nhiệt thành với sứ vụ của mình. Xin cầu nguyện cho các linh mục say mê Đức Kitô, như Thánh Phaolô: “Đối với tôi sự sống là Đức Kitô” (x. Pl 1,21).

Người giáo dân yêu mến và luôn cầu nguyện cho các linh mục hàng ngày. Để thực sự trở thành bạn hữu của Chúa, linh mục phải hiểu biết Chúa, phải kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện và phải kết hợp mật thiết với anh em.

BTT






 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây