GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Chúng ta đi đạo để làm gì?

Chúng ta đi đạo để làm gì?
Có một vấn nạn rất quan trọng mà Ki-tô hữu chúng ta cần thường xuyên tự hỏi, đó là “Tôi đi đạo để làm gì?”
Chúng ta đi đạo để làm gì?
Có một vấn nạn rất quan trọng mà Ki-tô hữu chúng ta cần thường xuyên tự hỏi, đó là “Tôi đi đạo để làm gì?”
Có một vấn nạn rất quan trọng mà Ki-tô hữu chúng ta cần thường xuyên tự hỏi, đó là “Tôi đi đạo để làm gì?”. Theo kinh bổn và những lời dạy truyền thống thì đi đạo là để được biết Thiên Chúa và yêu mến Người, được rỗi linh hồn, khi chết được hưởng hạnh phúc thiên đàng, được xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, được sống vui vẻ muôn đời muôn kiếp vv. Đó là những cách nói bình dân để ám chỉ đến mục đích và ý nghĩa việc tín hữu tin Chúa và theo đạo.
 
 
Trên thực tế, nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy động cơ theo đạo của nhiều người trong chúng ta nhiều khi còn lệch lạc và không đúng với ý Chúa. Chính vì vậy mà có ý kiến đã đề cập đến nhiều hình thái đạo khác thường, chẳng hạn như đạo-thực-dụng, đạo-sinh hoạt, đạo-lễ-nghi, đạo-hình-thức, đạo-phô-trương, đạo-đoàn-thể vv.
 
Linh mục Nguyễn Trọng Viễn O.P đã viết về Đạo-sinh-hoạt như sau:
 
“Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…
 
“Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.
 
“Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất : làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện...Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen!...
 
“Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành ‘đạo’, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết”. [1]
 
Quả thực, khi chúng ta hồi tâm suy nghĩ về mục đích đi đạo, theo Chúa của mình thì sẽ thấy ngay rằng có thể mình đi theo đạo Chúa một cách vụ lợi cá nhân, giữ đạo một cách ấu trĩ và sống đạo một cách hình thức bề ngoài…Nhiều người coi đạo như một mớ lý thuyết phải biết, một số điều phải tin, một vài điều buộc phải giữ, một số sinh hoạt cần thực hành. Đạo khi đó trở thành một nếp sinh hoạt hời hợt bên ngoài, xa rời bản chất nên thường máy móc và dễ thay đổi. Nhất là đạo lại mang hơi hướng trần tục và thực dụng.      
 
Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo” [2] đã lưu ý chúng ta về bệnh chuẩn mực trần tục: Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công giáo kiểu đó thường hay trở thành Công giáo tùy thời: Thịnh thì Công giáo, suy thì chối.
 
Ngài cũng đề cập việc loại người Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy.
 
Thêm vào đó, Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê cũng đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân.
 
Khi đạo của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài với những việc làm thiên về phô trương, hoành tráng, cao ngạo, đua chen, hình thức thì lúc đó chúng ta đang sa đà vào cái thực trạng này, là chúng ta có đạo nhưng không có Chúa. 
 
Cũng trong bài nói về “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo” nêu trên, Đức cố H.Y Phan-xi cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc đến bệnh phô trương chiến thắng của người có đạo, như sau:
 
“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính... Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy từ bỏ chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?
 
“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [2]
 
Rõ ràng là chúng ta phải đặt lại vấn đề, chúng ta đi theo đạo để làm gì, để nếu cần, chúng ta định hướng lại mục đích đi đạo của chúng ta, sao cho phù hợp với ý Chúa và đúng với giáo huấn của Hội thánh.
 
Theo ý kiến riêng của người viết, để trả lời cho câu hỏi “Đi đạo để làm gì?”, chúng ta sẽ bàn đến 3 điểm sau đây: Một là chúng ta đi đạo để được biết Thiên Chúa và thờ phượng Người; Hai là chúng ta đi đạo để được gia nhập vào hàng ngũ con cái của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô; Ba là chúng ta đi đạo để được tham gia vào công việc loan báo Tin Mừng Nước Trời.
 
I.- CHÚNG TA ĐI ĐẠO ĐỂ ĐƯỢC BIẾT THIÊN CHÚA VÀ THỜ PHƯỢNG NGƯỜI
 
Chúng ta biết rằng, đạo chúng ta là tôn giáo độc thần, nghĩa là chỉ tin kính và thờ phượng một Đấng Tối Cao duy nhất. Như trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình…”.
 
Thánh Kinh Cựu Ước đã ghi: “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng”.” (Xh 20, 1-7)
 
Qua thời Tân Ước, chính Đức Giê-su Na-gia-rét, Con Thiên Chúa làm người, đã vén tỏ bức màn bí mật về Thiên Chúa, Cha của Ngài để những ai nhận biết Cha của Ngài thì sẽ được sống đời đời. Ngài tuyên bố: “Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.” (Ga 17, 2-3)
 
Đạo khai mở cho chúng ta con đường gặp gỡ Thiên Chúa để chúng ta chẳng những nhận biết Người, mà còn yêu mến và phụng thờ Người nữa. Nhận biết không chỉ là sự hiểu biết thông thường qua lý trí nhưng còn là đi vào tương quan tình yêu, thông hiệp sự sống thần linh nữa. Cái cốt lõi của đi đạo còn là giúp ta thực hành việc thờ phượng Thiên Chúa một cách hoàn hảo nhất.
 
Nhắc lại điều răn thứ nhất, đó là: “Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Điều răn này chú trọng tới thái độ nội tâm. Nhờ quan sát vũ trụ, nghiền ngẫm những khát vọng chính đáng trong lòng, nhất là nhờ Thánh Kinh và lời Hội thánh dạy dỗ, loài người biết mình có mặt trên trần gian này là do Thiên Chúa; biết mình được Thiên Chúa sắp đặt cho hưởng hạnh phúc mai sau với Người. Cho nên tâm tình đầu tiên của loài người là cảm tạ và yêu mến Chúa hết lòng.
 
Yêu mến Chúa hết lòng là nếu phải chọn giữa Thiên Chúa và tạo vật (tiền của, danh vọng, lạc thú…) thì ta phải bỏ tạo vật ấy mà chọn Chúa; khi cần, dám hy sinh mạng sống mình để chứng tỏ lòng ta gắn bó với Chúa. Một số tội phạm lỗi giới răn thứ nhất: Thờ các loài thụ tạo; mê tín dị đoan; phạm sự thánh… [3]
 
Linh mục Giu-se Thân Văn Tường, giáo sư Tín lý, trong bài viết có tựa “Thờ phượng”, đã chia sẻ một số ý sau:
 
“Thờ phượng là sự kính mến của một người đối với nguồn gốc của mình. Là tạo vật, con người bao giờ cũng cảm thấy mình bất tất, phải có nguồn gốc ngoài mình, nên tâm tình thờ phượng là xu hướng tự nhiên của họ.
 
“Sau khi loài người phạm tội, họ có thể thờ phượng mọi sự: Một người, một tạo vật trong thiên nhiên, một lý thuyết, một ảo tưởng…cái gì cũng có thể biến nên ngẫu tượng để họ tôn thờ. Một là người ta tôn thờ Thiên Chúa, hai là người ta tôn thờ chính bản thân mình. Khi tôn thờ Thiên Chúa, người ta không cần phải che đậy. Nhưng khi tôn thờ chính mình, người ta biết mình làm điều sai quấy, nên phải che đậy dưới đủ thứ chiêu bài, kể cả chiêu bài tôn giáo.
 
“Pha-ri-sêu có nghĩa là thờ mình dưới chiêu bài tôn giáo. Người Pha-ri-sêu làm mọi việc đạo đức, như hãm mình, đánh tội, bố thí, cầu kinh không phải để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng để có lợi cho bản thân. Thay vì phụng sự Thiên Chúa, thường con người muốn Thiên Chúa phụng sự bản thân họ. Người ta hy sinh vì nhu cầu, vì dục vọng, ít ai hy sinh vì Thiên Chúa. Nhưng nhiều lúc, khi hy sinh vì nhu cầu, dục vọng, người ta cũng nghĩ mình hy sinh vì Thiên Chúa.
 
“Người ta quên Thiên Chúa trong nghệ thuật, chính trị, kinh tế…thì còn hiểu được, người ta quên Người ngay trong tôn giáo mới chính là điều quái gở.” [4]
 
Trước 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-8-2018 trong đại thính đường Phao-lô VI, ĐTC Phan-xi-cô trong bài huấn dụ với đề tài: “Ngươi sẽ không có các thần nào khác trước mặt Ta” (Xh 20,3), qua đó ngài đã giải thích tội tôn thờ thần tượng, rất thời sự ngày nay. Đặt vấn đề “Đâu là Thiên Chúa thật của tôi?”, ĐTC nói:
 
“Giới răn cấm làm các thần tượng hay hình ảnh của mọi loại thực tại; thật thế mọi sự có thể được dùng như thần tượng. Chúng ta đang đề cập tới một khuynh hướng của con người,  không tha cho các tín hữu cũng như người vô thần. Chẳng hạn là các Kitô hữu chúng ta có thể tự hỏi: Đâu là Thiên Chúa thật của tôi? Đó là Tình Yêu Duy Nhất và Ba Ngôi hay là hình ảnh của tôi, sự thành công cá nhân của tôi, kể cả thành công trong lòng Giáo Hội nữa? Tội tôn thờ thần tượng không chỉ liên quan tới các việc phụng tự giả dối của ngoại giáo, nó là một cám dỗ thường xuyên  của đức tin. Nó hệ tại việc thần thánh hóa điều không phải là Thiên Chúa” (GLCG, 2113).”
 
Người Ki-tô hữu chân chính luôn xác tín rằng họ đã được ơn biết Thiên Chúa, rồi tin Chúa và theo đạo. Họ phải dứt khoát. Không có thần tượng nào ngoài Thiên Chúa. Chúng ta phải luôn cảnh giác về thái độ tin-theo và thờ phượng Thiên Chúa của mình. Bởi nếu không, chúng ta sẽ nghe lời quở trách trong Thánh Kinh: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (I-sa-ia; Mc 7, 6).
 
II.- CHÚNG TA ĐI ĐẠO ĐỂ ĐƯỢC GIA NHẬP VÀO HÀNG NGŨ CON CÁI THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ
 
Chúng ta biết rằng, nhờ đức tin và bí tích Thánh tẩy, chúng ta được lãnh nhận ơn được làm con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, gọi chung là ơn làm Ki-tô hữu.
 
Thánh sử Gio-an đã quả quyết: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”. (Ga, 12-13)
 
Ngoài ra, trong thư 1 của ngài, thánh Gio-an cũng xác quyết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. (1Ga 3, 1-2)
 
Quả vậy, nhờ ơn sủng của bí tích Thánh tẩy mà chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới, một Ki-tô hữu thực thụ. Từ đây, chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, được trở nên chi thể của Hội thánh Chúa, được gọi là công dân của Nước Trời. Như thánh Gio-an đã khẳng định: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5).
 
Bí tích Thánh tẩy là một biến cố siêu nhiên nhờ đó Thiên Chúa ban cho ta các ơn sau: [5]
 
- Ơn tha tội, gồm tội chung (nguyên tổ) và tội riêng (cá nhân) để chúng ta được trở nên trong sạch trước khi được tháp nhập vào Thiên Chúa là Đấng thánh.
 
- Ơn làm con Thiên Chúa với tên gọi là Kitô hữu, bởi lẽ chúng ta tự bản chất chỉ là loài thụ tạo chứ không do Thiên Chúa sinh ra. Thiên Chúa chỉ có một người Con là Chúa Giêsu Kitô, nên chúng ta chỉ có thể là con cái của Thiên Chúa nhờ việc trở nên giống Chúa Kitô với tên gọi của Ngài.
 
- Ơn gia nhập Hội thánh, nghĩa là trở thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô. Chính Hội thánh sinh chúng ta ra làm con Thiên Chúa, nên chúng ta cũng là con cái Hội Thánh.
 
- Ơn huynh kết với các Kitô hữu, nghĩa là các Kitô hữu trở nên anh chị em với nhau vì cùng là con của một Cha trên trời.
 
- Ơn thiêng liêng không thể tẩy xóa, nghĩa là ghi một dấu ấn đã tái sinh làm con Thiên Chúa thì mãi mãi là con Thiên Chúa, cho dù có phản bội Người thì cũng không phải chịu lại bí tích Rửa Tội lần thứ hai.
 
Như vậy ơn huệ được gọi và chọn làm Ki-tô hữu được coi là đỉnh điểm của mọi ơn huệ mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Đó được coi là nền tảng cho mọi ơn siêu nhiên, bởi vì: Từ cuộc sống bình đẳng với nhau con người được nâng lên để sống bình đẳng với Thiên Chúa trong Đức Kitô: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh, nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (Rm 6, 8). Trong giao ước mới này mỗi người trở nên đồng hàng với Đức Kitô. Và còn hơn thế nữa, mỗi người trở nên một với Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Ngài, mang chung một tính cách, chung một sự sống, chung một tình yêu, để cùng tác tạo và tái tạo với Thiên Chúa trong Đức Kitô, dưới sự tác động của Thánh Thần. Sự sống của người Kitô hữu mang một chiều kích vô biên trong chính mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Xét như vậy, ta thấy rằng việc chúng ta đi đạo không phải là do công lao, tài cán gì của mình, nhưng là do ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban. Đó vừa là ơn huệ và vừa là ơn gọi.
 
Trước ơn huệ to lớn này, chúng ta phải luôn mang tâm tình vui mừng và tạ ơn. Chúng ta tạ ơn bằng đời sống Ki-tô hữu chân chính của mình.
 
Hội thánh luôn thúc giục chúng ta sống tâm tình tạ ơn và biến cuộc đời của mình thành lễ tế tạ ơn liên lỉ. Thực vậy, ý thức ân huệ mình đã lãnh nhận và noi gương Thầy Giê-su, các Ki-tô hữu đầu tiên đã biến cả cuộc sống mới của mình thành một lời tạ ơn. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3, 16-17)
 
Trong khi sống tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta không bỏ qua bổn phận yêu thương và giúp đỡ anh em đồng đạo và đồng loại mình. Nếu chúng ta tạ ơn Chúa vì lòng mến thì cũng phải thi ân vì tình bác ái tha nhân. Thánh Phao-lô đã nhắc bảo các tín hữu Cô-lô-xê về đời sống trong tình yêu và lời tạ ơn, như sau: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3, 14-15).
 
Trước ơn gọi cao cả này, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng lên đường thực thi ơn gọi của mình. Ơn gọi loan báo Tin Mừng Cứu Rỗi của Chúa Giê-su.
 
III.- CHÚNG TA ĐI ĐẠO ĐỂ ĐƯỢC THAM GIA VÀO CÔNG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG NƯỚC TRỜI
 
Rất nhiều người trong chúng ta quan niệm đi đạo là được đi đến nhà thờ đọc kinh, xem lễ, xưng tội, được tham gia các hội-đoàn-nhóm để sinh hoạt, hội họp vv…đồng thời đi đạo để nắm chắc được hạnh phúc, may mắn đời này và được phần rỗi hạnh phúc đời sau. Đó xem ra là một cách giữ đạo theo lối mòn truyền thống hơn là thực thi ý Chúa và thực hành giáo huấn của Hội thánh. Đó có thể là cách giữ đạo cá nhân, giữ đạo cho riêng mình, theo kiểu “hồn ai nấy giữ!”. Đó là hình thức đi đạo hoàn toàn vụ lợi và xa lạ với Tin Mừng mà Chúa Giê-su rao giảng. Đó là cách sống đạo hời hợt, hình thức, vụ luật, mang tính phô trương hơn là trở nên ánh sáng giữa muôn dân, trở nên muối men cho đời.
 
Linh mục Nguyễn Trọng Viễn O.P, trong bài viết tựa “Đạo thực dụng” đã chia sẻ ý kiến sau:
 
Trong đời sống đức tin hiện nay, chúng ta có thể thấy tinh thần so đo tính toán vụ lợi, thái độ nệ luật, lối sống vị luân lý…như là những biến hóa của thái độ thực dụng. Những lối sống này luôn là những cách thức con người tìm an toàn cho bản thân, biến sứ mệnh đời mình thành một con đường dễ dãi, con đường quay về bản thân mình chứ không phải con đường liên đới, hiệp thông và chiều ý nhau trong tình yêu thương chân chính. Chúng ta có thể thấy đường nét thực dụng ấy trong hầu hết những điểm trọng tâm trong đời sống đức tin Ki-tô giáo hiện nay. Chẳng hạn như:
 
- Người Ki-tô hữu giữ đạo chỉ là giữ giới răn, và giữ giới răn như là một sự chịu vậy, nghĩa là không sống được thái độ tự do của con cái Chúa, nhưng là tinh thần nô lệ;
 
- Người Ki-tô hữu mong lên trời để hưởng mọi sự vui sướng chứ không phải để được sống trong tình yêu Thiên Chúa;
 
- Người Ki-tô hữu cầu nguyện chỉ là xin ơn chứ không phải một sự trao đổi thân tình như hiến tặng cho Chúa chính tâm hồn của mình vv… [6]
 
Quả thực, nếu chúng ta đi đạo chỉ để tìm ích lợi cho phần rỗi của mình và để đáp ứng những nhu cầu cá nhân, thì chúng ta chưa giới thiệu cho người ngoài khuôn mặt của Đức Ki-tô và ánh sáng của Tin Mừng. Cần xác tín điều này là, chúng ta đi đạo cũng là để được tham gia vào công việc loan báo Tin Mừng Nước Trời nữa. Thánh Phao-lô đã mạnh mẽ tuyên bố: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
 
Có lẽ, trên thực tế, nhiều người trong chúng ta không hề nghĩ đến việc truyền bá Tin Mừng cũng là nghĩa vụ của chính mình. Nhiều người không hề thao thức đến công cuộc truyền giáo của Hội thánh, không hề cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng trong thời điểm hiện tại và tương lai. Có lẽ chúng ta vẫn nghĩ rằng, đó là công việc của các linh mục, tu sĩ, của các nhà truyền giáo hay của những vị chuyên trách… Trong khi đó, điều quan trọng ta cần lưu ý là “Bản chất Hội thánh là truyền giáo” (Vat II, AG 2).  
 
Như trên đã nói, chúng ta đi đạo là thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa, chúng ta luôn cầu xin cho “Danh Cha cả sáng”, chúng ta đi đạo để được lãnh nhận ơn huệ làm con cái Thiên Chúa, trở nên một chi thể của Nhiệm Thể Đức Ki-tô, trở nên thành phần của Hội thánh, của cộng đoàn đức tin và cứu rỗi của Chúa Ki-tô. Cùng với ơn huệ đó, chúng ta nhận lãnh ơn gọi và sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người chưa biết Chúa. Nếu chúng ta bỏ quên nhiệm vụ này thì việc đi đạo của chúng ta thật sự là vô cùng thiếu sót!
 
Trong “Tông huấn Niềm vui Tin Mừng”, ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh bổn phận truyền giáo của tín hữu, như sau: [7]
 
Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Là tác nhân rao giảng Tin Mừng, Hội Thánh không chỉ là một tổ chức có hệ thống và phẩm trật; Hội Thánh trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa. Hội Thánh chắc chắn là một mầu nhiệm ăn rễ sâu trong Ba Ngôi, nhưng Hội Thánh tồn tại một cách cụ thể trong lịch sử như một dân tộc lữ hành và như là những người loan báo Tin Mừng, vượt lên trên mọi hình thức tổ chức, dù điều này cũng cần thiết. Tôi muốn vắn tắt bàn đến cách hiểu này về Hội Thánh mà nền tảng tối hậu là ở sáng kiến tự do và yêu thương của Thiên Chúa. (số 111)
 
Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (xem Mt 28:19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động. Tân phúc âm hoá đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu.
 
Mọi Kitô hữu được thách thức, ở đây và lúc này, tích cực tham gia vào việc truyền giáo; thực vậy, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy.
 
Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”. Nếu điều này chưa thuyết phục, chúng ta hãy nhìn vào những môn đệ đầu tiên, vừa khi bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu, các ông vui vẻ đi loan báo về Ngài: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia!” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria đã trở thành người truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Đức Giêsu và nhiều người Samaria đã tin Ngài “vì lời chứng của người phụ nữ” (Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng vậy, sau khi gặp Đức Giêsu, “lập tức đi rao giảng về Đức Giêsu” (Cv 9:20; xem 22:6-21). Vậy chúng ta còn chờ gì nữa? (số 120) ./.
 
Aug. Trần Cao Khải
 
_________________
 
[1] simonhoadalat.com  
[2] giaophanhatinh.com  
[3] gpquinhon.org  
[4] LM Giu-se Thân Văn Tường, cựu Giáo sư Tín lý ĐCV thánh Giu-se Sg – Bài “Thờ phượng” - Tập sách “Đối diện với Thiên Chúa” – Gp Long Xuyên - trang 35-36 
[5] simonhoadalat.com   
[6] LM Nguyễn Trọng Viễn O.P – Bài “Đạo thực dụng” – NS. CGvDT số 309 trang 40-41
[7] simonhoadalat.com

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây