GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


CHUỖI MÂN CÔI - QUA MẸ ĐỂ TỚI CHÚA KITÔ

CHUỖI MÂN CÔI - QUA MẸ ĐỂ TỚI CHÚA KITÔ
Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Hoa Hồng”, do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.
CHUỖI MÂN CÔI - QUA MẸ ĐỂ TỚI CHÚA KITÔ
Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Hoa Hồng”, do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Hoa Hồng”, do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.

Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Mân Côi sốt sắng trong giờ kinh đền tạ là chúng ta đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đó là những bông hoa thiên đường, chúng sẽ không bao giờ tàn phai hương sắc tuyệt vời của chúng.

Sự hình thành chuỗi Mân Côi có một lịch sử lâu dài. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm số kinh đã đọc.

Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh Vịnh mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ. Nhưng có nhiều người không biết đọc và viết tiếng Latinh nên họ không hiểu và đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha.

Thế kỷ thứ 7, là thế kỷ khởi sắc của việc sùng kính Đức Mẹ, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 Kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các kinh này là "sách Thánh Vịnh của Đức Mẹ".

Sau cùng, các mầu nhiệm tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria theo Tân Ước đã được thêm vào trước mỗi chục kinh Kính Mừng. Một "mầu nhiệm" (suy niệm), được hiểu là một bộ mười kinh bắt đầu là một Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng Cha của Ðức Giêsu là người khởi xướng sự cứu chuộc, sau đó là mười kinh Kính Mừng nhắc nhở chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria suy niệm về những mầu nhiệm này và kết thúc bằng một kinh Sáng Danh nhắc nhở chúng ta rằng mục đích của mọi sự sống là để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đến thế kỷ 20, theo lời dạy của Đức Mẹ Fatima, lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” được đưa vào sau mỗi chục kinh Mân Côi.

Các mầu nhiệm được chia theo 50 kinh: Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người, Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại và Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh.

Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi lập phép bí tích Thánh Thể.

Về hình thức chuỗi Mân Côi gồm năm mươi kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt và cả tràng hạt được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên Thánh Giá. Về nội dung đây là phương thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Những lời kinh dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa. Thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu!

Đức Giáo Hoàng Piô XII và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã không ngừng nhắc đến kinh Mân Côi là một kinh bản chất Tin Mừng, là kinh Tin Mừng, là bản tóm lược Tin Mừng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng giới thiệu Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ”: đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung.

Vì vậy ta không thể lần chuỗi Mân Côi cách máy móc và chỉ chú trọng đến số lượng. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7).

Chúng ta lần chuỗi Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19).

Đó là biết lắng nghe, suy niệm và thi hành Lời Chúa qua sự nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.

 

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây