GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Mùa Chay, 40 Ngày Chạnh Lòng Với Những Mảnh Đời Mắc Phải Covid – 19

Mùa Chay, 40 Ngày Chạnh Lòng Với Những Mảnh Đời Mắc Phải Covid – 19
 “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36).
MÙA CHAY, 40 NGÀY CHẠNH LÒNG VỚI NHỮNG MẢNH ĐỜI MẮC PHẢI COVID – 19
 “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36).

 “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36).

         Mùa Chay là dịp thuận tiện cho người Kitô hữu ăn năn thống hối về những lỗi lầm đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Mùa Chay cũng là thời gian quý giá để trở về với con người nội tâm của mình và nhìn lại hành trình cuộc đời trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Bước vào Mùa chay, Giáo Hội mời gọi con cái mình hoán cải bằng phương thế sống 3 chiều kích: ăn năn hãm mình, siêng năng cầu nguyện và làm việc bác ái, để giúp chúng ta trở thành con người mới trong Đức Kitô và chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng đón mừng niềm vui Phục Sinh.

         Khởi đầu Mùa chay năm nay, thế giới phải đối diện với đại dịch viêm phổi cấp Covid – 19 đang giết chết rất nhiều người. Con người đang sống trong tình trạng chao đảo, hoang mang, lo sợ về sự lây lan chóng mặt và cực kỳ nguy hiểm của con virus nhỏ bé này. Hơn thế nữa, nạn dịch Covid – 19 làm đảo lộn mọi sinh hoạt của con người, khiến cho cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

         Đứng trước thách đố lớn lao này, đặc biệt trong 40 ngày Chay thánh, ngoài việc thi hành ba hoạt động thiêng liêng của mùa Chay, chúng ta cũng được mời gọi hãy mở rộng con tim ra để chạnh lòng thương đến với những nạn nhân bị nhiễm Covid – 19 và những anh chị em cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chạnh lòng thương ở đây không phải là nghĩa cử thương hại, nhưng là thực sự tỏ lòng thương xót và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, khốn khổ của anh chị em xung quanh mình.

         Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta bài học quý giá về trái tim biết chạnh lòng thương. Tin mừng theo thánh Mátthêu kể lại rằng: “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”(Mt 9, 36). Đức Giêsu đã “động lòng trắc ẩn” trước nỗi niềm mất mát tang thương của bà góa thành Naim khi tiễn biệt đứa con trai duy nhất của bà và Người cũng đã khóc thương khi nghe tin anh bạn Ladarô qua đời. Quả thực, Chúa Giêsu là Đấng Chạnh Lòng Thương đối với hết mọi người, nhất là những người  bệnh tật và nghèo đói.  Là Ki-tô hữu, chúng ta cũng được Người mời gọi mở rộng trái tim để yêu thương anh chị em của mình.

         Trên thực tế, qua các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết rằng nhiều bác sĩ, ý tá đã chạnh lòng thương và rung cảm trước những bệnh nhân đang nhiễm Covid – 19. Họ đã dành nhiều thời gian, khả năng, công sức và thậm chí cả tính mạng của mình để cùng nhau ngăn ngừa và chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm loại virus này. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng đã mở lòng ra sẵn sàng đến trung tâm ổ dịch Vũ Hán, để hy vọng sớm tìm ra phương thuốc chữa trị. Thực sự, họ đang thi hành lời Đức Giêsu dạy là mở lòng ra để có một trái tim biết rung cảm và chạnh lòng thương đến những nghịch cảnh của tha nhân.

        Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông cũng cho chúng ta thấy, người ta tỏ thái độ vô cảm và loại trừ anh chị em của mình, đặc biệt trong chính ổ dịch Vũ Hán. Người ta bị cô lập trong bệnh tật, cô lập trong thiếu thốn dụng cụ ý tế, cô lập trong sợ hãi và cô lập trong cô đơn. Bên cạnh đó, người ta lợi dụng nạn dịch này, để tăng giá bán khẩu trang gấp nhiều lần nhằm kiếm thêm lợi nhuận trước sự đau khổ của tha nhân.

        Thật lòng mà nói, trong bối cảnh xã hội hôm nay, nhân loại đang phải đối diện với một loại virus nguy hiểm hơn virus Corona, đó là virus vô cảm. Vì lòng tham lam và tính ích kỷ đã làm chai lỳ lương tri của con người, khiến con tim của họ không còn khả năng rung cảm và chạnh lòng thương đến đồng loại của mình. Bên cạnh đó, có nhiều loại virus khác đang tàn phá con người của chúng ta, đó là thứ virus kiêu căng, ghen tương, hận thù, tà dâm, ngoại tình, độc ác và xảo trá. Những loại virus này khiến cho con người ngày nay xa rời tình thương của Thiên Chúa và dần mất đi mối tương quan với anh chị em của mình.

       Chính vì thế, hành trình 40 ngày Chay thánh, trong sứ điệp Mùa chay năm 2020, Đức Thành Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy trở về làm hòa với Thiên Chúa là Cha hết lòng yêu thương chúng ta. Đức Thánh Cha đã mượn lời của thánh Phaolô để tha thiết nài van chúng ta rằng: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.”(2Cr 5,20). Và thư thế, ngay cả khi chúng ta pham tội tày trời và loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời mình, Ngài vẫn yêu thương, tha thứ và chờ đón chúng ta quay trở về với Ngài. Qua sách ngôn sứ Isaia cho cho chúng ta thấy rõ tình thương bao la của Thiên Chúa:“Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng trắng ra như tuyết; có thấm tựa vãi điều cũng hóa trắng như bông.”( Is 1,18).

        Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi đổi mới để làm hòa với anh chị em mình, đổi mới thái độ sống của chúng ta đối với người khác, bằng tình yêu chân thành mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Thánh Phaolô một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1Cr 13, 4-7).

        Tắt một lời, trước đại dịch viêm phổi cấp Covid – 19, đặc biệt trong mùa chay thánh này, hơn bao giờ hết chúng ta được mời gọi hãy học nơi Đức Giêsu để có một con tim biết rung động và chạnh lòng thương đến những người khốn cùng trong cơn đại dịch thế kỷ này. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở cộng đoàn tín hữu: “Mỗi người chúng ta đều có một thứ gì đó đã chai cứng trong lòng. Nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta có một con tim rộng mở và nhân hậu khi đối diện với những điều đang xảy ra trên thế giới”[1]. Và đây không phải là lúc chúng ta tránh xa nhau để khỏi lây nhiễm bệnh, nhưng biết xích lại gần nhau hơn trong sự cảm thông và cầu nguyện cho nhau. Và chỉ có niềm tin, tình thương và niềm hy vọng vào Thiên Chúa mới thực sự giúp chúng ta có sức để chiến đấu với dịch Covid – 19 Vũ Hán và dịch vô cảm của tâm hồn.

Tu sĩ Phaolô Đặng Văn Tuấn. O.Carm.

Tham khảo: (1) Vatican News Tiếng Việt: https://www.youtube.com/watch?v=CtLsp51r2NQ.

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây