GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Nghĩ về Đức Tin trong mùa dịch: Gần mà xa, xa mà gần

Nghĩ về Đức Tin trong mùa dịch: Gần mà xa, xa mà gần
Ngày 09-02-2021 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã ra thông báo về việc hạn chế sinh hoạt mục vụ trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, với đoạn mở đầu như sau:
Nghĩ về Đức Tin trong mùa dịch: Gần mà xa, xa mà gần
Ngày 09-02-2021 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã ra thông báo về việc hạn chế sinh hoạt mục vụ trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, với đoạn mở đầu như sau:

“Dịch Covid đã bùng phát tại thành phố chúng ta với hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền thành phố đã quyết định từ 12 giờ trưa ngày 9-2-2021 phải tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu và hạn chế các hoạt động công cộng có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm cả các nghi lễ tôn giáo.
 
“Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng và cộng tác tích cực với mọi thành phần xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh, Tòa Tổng giám mục đề nghị quý Cha, các Cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chấp hành triệt để quyết định và tuân thủ nguyên tắc 5K của ngành y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.
 
Trong thời gian hạn chế cử hành phụng vụ tập trung, các tín hữu được miễn chuẩn bổn phận tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên, mọi người được khuyến khích tham dự thánh lễ trực tuyến hằng ngày tại Nhà thờ Chính tòa để hiệp thông với toàn thể Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho thế giới trong cơn đại dịch. Các tín hữu cần tham dự một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn bằng việc chuẩn bị tâm hồn và y phục xứng hợp, có tư thế cử chỉ nghiêm trang, cùng với tâm tình yêu mến và ước ao kết hợp với Chúa qua việc rước lễ thiêng liêng, hiệp ý cầu nguyện với chủ tế.” [1]
 
Như vậy, từ ngày 9-2-2021, toàn thể các giáo xứ thuộc Tổng Giáo phận Saigon đều không có thánh lễ hằng ngày và lễ Chủ Nhật, cũng như tạm ngưng mọi hoạt động tôn giáo và các sinh hoạt mục vụ thường xuyên.  
 
Tưởng cũng nên nhắc lại là, cách đây gần một năm, trước tình hình dịch cúm Covid-19 đợt I bùng phát và lan nhanh trên toàn thế giới, ngày 25-3-2020 Đức Tổng Giám mục Sài Gòn cũng đã ra thông báo tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ chiều ngày 26-3-2020. Trong đó có đoạn ngài viết:
 
“Trước tình hình nạn dịch Covid-19, tôi đã đưa ra những chỉ dẫn giảm thiểu tối đa sự tập trung đông người trong các sinh hoạt tôn giáo để phòng ngừa sự lây lan. Đến nay thì nạn dịch vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới với tốc độ nhanh và khó lường; tình hình tại thành phố đang ngày càng nghiêm trọng và bước vào giai đoạn mới.
 
“Cùng với cộng đồng xã hội, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của tất cả mọi người. Theo đề nghị của chính quyền, nay tôi gửi đến anh chị em các hướng dẫn mục vụ mới:
 
“Bắt đầu từ 16g00 ngày 26 tháng 3 năm 2020, cho đến khi có thông báo mới, trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng giáo phận, sẽ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn.


“Thánh lễ là cử hành mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Chúa, nên vẫn luôn là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Hội Thánh, là nguồn mạch của ơn cứu độ, phúc lành và bình an cho nhân loại, nên các cha vẫn cần cử hành thánh lễ hằng ngày nhân danh Hội Thánh để kêu cầu Chúa tuôn đổ lòng thương xót trên nhân loại, nhưng chỉ cử hành riêng tư.
 
Các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện cộng đoàn, nhưng vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa nhân loại ‘mọi ngày cho đến tận thế’.
 
Không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ, anh chị em lại càng ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, hoặc riêng tư hay trong gia đình, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, hoặc sốt sắng tham dự lễ trực tuyến. Mỗi ngày đều có thánh lễ sáng (5g30) và chiều (17g30) được phát trực tiếp và lưu lại trên trang mạng của Tổng giáo phận.” [2]
 
Như vậy, theo quyết định của bề trên, mọi tín hữu trong toàn Giáo phận được miễn chuẩn tham dự thánh lễ CN và các giáo xứ, các cộng đoàn đều không có thánh lễ thường ngày. Tuy nhiên, thay vào đó giáo dân được mời gọi thực hành các việc đạo đức như viếng Chúa, đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự thánh lễ trực tuyến… Những việc làm này đều được khuyến khích để tín hữu tự nguyện thực hiện tùy theo tâm tình, lòng đạo sẵn có, hoàn cảnh thuận tiện và nhất là sự bền bỉ của một đức tin nhiệt thành và sốt mến.
 
Ở đây, chúng ta thử dành ít phút để suy nghĩ về những gì đã thấy qua thực tế tại giáo xứ nơi chúng ta sinh hoạt. Riêng người viết bài này, trong dịp Tết vừa qua, Tân Sửu 2021, đã có dịp quan sát thực tế và mạn phép ghi lại những cảm nghĩ sau.
 
Đức tin trong dịch bệnh: gần mà xa
 
Có lẽ do thói quen “giữ” Đạo theo luật buộc, nên phần đông chúng ta khi không còn lý do phải đi lễ nữa là dễ dàng rời bỏ nhà thờ, là xa cách Lời Chúa, là “đóng băng” đời sống tôn giáo, để dành thời gian cho những bận tâm khác. Những người tưởng như gần nhà Chúa nhất thì nay lại vắng bóng qua lại nơi thánh đường nhất.
 
Trong những ngày nghỉ Tết này, có thể dễ dàng nhận ra sự vắng bóng của các em thiếu nhi Thánh Thể, ban lễ sinh, các bạn trẻ trong các hội-đoàn-nhóm như giáo lý viên, huynh trưởng TNTT, ca viên ca đoàn, mục vụ giới trẻ, kể cả nhiều người sinh sống gần gũi khu vực nhà thờ, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều người khác. Các thành phần này dường như không quan tâm lui tới nhà thờ để viếng Chúa, để đọc kinh cầu nguyện riêng tư, để suy niệm Lời Chúa, mặc dù đây là những việc tốt lành đáng khuyến khích và không bị hạn chế do biện pháp phòng chống dịch bệnh (vì đi từng nhóm nhỏ hay cá nhân, riêng tư).  
 
Ngoài ra, tín hữu cũng được khuyến khích theo dõi thánh lễ trực tuyến hằng ngày nữa. Nhưng thử hỏi, trên thực tế có bao nhiêu gia đình quy tụ lại để cùng “dự” thánh lễ trực tuyến này một cách tích cực. Sẽ có nhiều lý do biện minh cho những khó khăn trong việc này, chẳng hạn như gia đình không có phương tiện màn hình và công cụ kết nối, thời gian không thuận lợi, bầu khí ồn ào, nhà cửa chật hẹp, hoàn cảnh buôn bán xô bồ hay gia đình không quy tụ đầy đủ vv. Thực ra, những lý do trên có thể cảm thông được, nhưng nếu ta thành tâm và thiện chí, thì một cách nào đó ta có thể khắc phục được những gì gọi là trở ngại, là bất tiện, là thiếu sót…   
 
Nhân việc này, chúng ta thử liên hệ và so sánh một cách nào đó đến những trận bóng đá của những giải lớn như Giải vô địch bóng đá Châu Âu (Euro), Giải vô địch bóng đá Thế Giới (World cup), khi mà người người, nhà nhà đều tập chú vào màn hình để say sưa, hồi hộp theo dõi các trận cầu quốc tế vô cùng hấp dẫn, thì ta sẽ thấy rằng đức tin của con cái Chúa thật là mong manh và yếu đuối lắm. Bởi vì thực tế, bóng đá vẫn thu hút, lôi kéo ta hơn là Ơn cứu rỗi Chúa dành cho ta và lòng Mến ta dành cho Chúa.
 
Có những điều trong thực tế ta tưởng gần, nhưng trong đức tin thì lại thấy xa vời vợi!   
 
Đức tin trong dịch bệnh: xa mà gần
 
Trong những ngày Tết vừa qua, nhiều người, nhiều gia đình mặc dù ở xa nhà thờ nhưng cũng cố tranh thủ chạy xe tới viếng Chúa, đọc kinh, suy gẫm. Số những người này không nhiều so với lượng người đến tham dự những thánh lễ CN quy tụ hàng trăm, hàng ngàn người, nhưng ít ra sự kiện đó cũng nói lên điều này là Chúa Thánh Thể vẫn chờ đợi, vẫn mời gọi con cái đến với Ngài và nhiều người cũng đã biết tận dụng cơ hội tốt lành này để củng cố đức tin mình.  
 
Đến nhà thờ viếng Chúa, hay ở nhà đọc kinh, cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, hay “dự” thánh lễ trực tuyến, tất cả những việc đạo đức này trước mặt Chúa đều có ý nghĩa bởi vì đó là những hành vi đạo đức nhỏ bé của ta luôn làm đẹp lòng Chúa. Bởi vì đó là việc thờ phượng mà chúng ta được kêu gọi thực hiện. Như lời thánh Phao-lô đã nói: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3, 17)
 
Trở lại thông báo ngày 25-3-2020 của Đức Tổng Giám mục Saigon về việc tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ chiều ngày 26-3-2020 trong đó có đoạn viết: “Không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ, anh chị em lại càng ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, hoặc riêng tư hay trong gia đình, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, hoặc sốt sắng tham dự lễ trực tuyến.” [3]
 
Xét vậy, ta thấy rằng trên hết vẫn là bổn phận cầu nguyện của ta trong đời sống đức tin nhất là vào thời điểm dịch bệnh đang lan rộng và đe dọa tính mạng của nhiều người. Chúng ta có thể thực hiện việc cầu nguyện khắp nơi, mọi chốn và trong nhiều hoàn cảnh. Và đó luôn luôn là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Phao-lô từng nhắc nhở tín hữu phải cầu nguyện luôn với tâm tình vui mừng cảm tạ. Ngài viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 16-18).  
 
LM Giuse Thân Văn Tường, giáo phận Long Xuyên, trong tập sách có tựa “Đối diện với Thiên Chúa”, đã viết về sự thờ phượng như sau:
 
“Cầu xin là một hình thức thờ phượng, vì ta chỉ cầu xin khi ta thiếu thốn, và Đấng ta cầu xin quyền phép có thể ban cho ta những điều ta ước muốn. Như vậy, cầu xin là tôn vinh quyền phép và lòng nhân lành của Thiên Chúa. Để cầu xin là một việc thờ phượng, thì phải tin cậy, và trước tiên xin cho được sự tin cậy ấy, sau mới xin Thiên Chúa ban cho những điều ta xin.
 
“Trong đời ta, thờ phượng Thiên Chúa phần lớn ở tại âm thầm làm tròn bổn phận hằng ngày, nhưng đôi khi cũng cần phải có những việc phụng tự thuần túy. Lý do là công việc hằng ngày của ta có một ý nghĩa trực tiếp xa lạ với sự thờ phượng. Vì thế, đôi khi cũng phải có những việc không có ý nghĩa nào khác ngoài sự thờ phượng để nhắc nhở ta đến bổn phận căn bản ấy.
 
“Những giây phút thờ phượng là những giây phút ta tạm gác đời sống trần gian để chỉ sống cho Thiên Chúa là Đấng mọi sự phải quy về như nguồn gốc. Những giây phút ấy như của lễ đầu mùa, nhờ của lễ này, mọi gặt hái trong đời sống cũng sẽ quy về Thiên Chúa.
 
“Để tình yêu tồn tại, nhiệt thành lo liệu cho người mình yêu chưa đủ, còn phải năng gặp gỡ, truyện trò nữa.” [4]
 
Trong thời gian bị cách ly và hạn chế cử hành phụng vụ tập trung, có nhiều cách thế giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và sự thờ phượng thông qua việc cầu nguyện là cách phổ biến và dễ dàng thực hiện nhất. Từ sâu thẳm trong tâm hồn mình, ta được nghe Chúa nói và được tâm sự với Chúa như người bạn tri kỷ thân tình.
 
ĐGM Robert Barron, 60 tuổi, giám mục phụ tá giáo phận Los Angeles là chuyên gia truyền thông xã hội, ngài rất tích cực trên Facebook, YouTube và Twitter, và hiện có gần hai triệu người theo dõi. Trong bài có tựa đề “Virus Corona và việc cách ly trong phòng một mình”, ngài đã nói rằng tất cả chúng ta đều có thể nghĩ về thời cách ly này như một lời mời gọi bước vào “nội vi một đan viện” nào đó, một cuộc đối đầu nghiêm túc với những câu hỏi quan trọng mà một số người chủ ý ngồi một mình trong phòng. Và ngài thử đưa ra một vài gợi ý liên quan đến “cuộc tĩnh tâm” của chúng ta.
 
Đặc biệt, ngài cũng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Ngài viết như sau: [5]
 
“Và tất nhiên là cầu nguyện. Khi linh mục kiêm nhà văn Thomas Merton từng được hỏi điều gì là quan trọng nhất mà một người có thể làm để cải thiện đời sống cầu nguyện, ngài đã trả lời: “Hãy dành thời gian”.
 
“Tốt, bây giờ chúng ta có nhiều thời gian hơn rồi. Làm một giờ thánh mỗi ngày hoặc mọi ngày khác. Lấy chuỗi tràng hạt của bạn ra, mà tôi nghĩ đây là một trong những lời cầu nguyện tuyệt diệu nhất trong truyền thống Công giáo. Khi chúng ta lần hạt sốt sắng, chúng ta suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Kitô; mỗi chuỗi Mân Côi, chúng ta được nhắc nhở năm mươi lần về cái chết không thể tránh khỏi của chính mình (Bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen). Chúng ta phó thác bản thân cho Đấng Bầu Cử mạnh nhất ở dưới đất cũng trên trời.
 
“Đó là một cách không tồi để dành 20 phút. Dành thời gian vào cuối ngày để xét mình, kiểm tra lương tâm của bạn và đừng làm cho qua. Hãy làm cách cẩn thận, cầu nguyện, trung thực. Hãy tự hỏi lòng mình bao nhiêu lần trong ngày bạn bỏ lỡ cơ hội để thể hiện tình thương, bao nhiêu lần bạn không đáp lại ân sủng, bao nhiêu lần bạn rơi vào thói quen tội lỗi.
 
“Bây giờ chúng ta được yêu cầu giữ một khoảng cách nhất định với người đồng loại, vậy hãy nắm lấy sự cô độc và im lặng một cách tỉnh táo về mặt tinh thần. Hãy đi bộ trên những bãi biển dài, băng qua những cánh đồng, trên những ngọn đồi, bất cứ nơi nào bạn muốn ở một mình. Và chỉ nói chuyện với Chúa. Hỏi Ngài xem Ngài muốn bạn làm gì.
 
“Hãy cầu nguyện cho con cái của bạn hoặc cho cha mẹ của bạn hoặc bạn bè của bạn, những người có thể đang phải chiến đấu. Nói cho Ngài biết bạn yêu Ngài nhiều như thế nào và bạn muốn kết hợp với Ngài nhiều hơn như thế nào. Và xin vui lòng cất điện thoại đi! Hãy mở mắt ra, ngẩng đầu lên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp công trình sáng tạo của Chúa và tạ ơn Ngài về điều đó.”
 
Vậy khi cầu nguyện, chúng ta có cơ hội nói chuyện với Chúa, được ơn thông hiệp với Đấng đang ngự trong ta, nơi thẳm sâu hơn cõi lòng mình, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi với Người hơn bất kỳ ai khác.
 
Dù thời gian dịch bệnh có kéo dài bao lâu đi nữa, dù chúng ta có phải chịu một hình thái cách ly nào đó hay phải chấp nhận sự hạn chế nào đó về những sinh hoạt mục vụ tôn giáo…thì cuối cùng Chúa vẫn ở với ta và ta với được ở bên Chúa. Đức tin của ta vẫn còn đó và không gì có thể chia cách ta ra khỏi lòng mến của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, như lời thánh Phao-lô đã nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35)./.  
 
Aug. Trần Cao Khải
 

[1] tgpsaigon.net
[2] tgpsaigon.net 
[3]  tgpsaigon.net
[4] LM Thân Văn Tường – Đối diện với Thiên Chúa – GP Long Xuyên năm 1993 – Trang 39-40
[5] hdgmvietnam.com

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây