GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Bí Quyết Chiến Thắng Cám Dỗ

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - NĂM CNGÀY 10/03/2019
Bí Quyết Chiến Thắng Cám Dỗ
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - NĂM C

NGÀY 10/03/2019



Tin Mừng Lc 4: 1-13

Đnl 26,4-10 ; Rm 10, 8-13 ; Lc 4,1-13


1.Chúa Giêsu với những cám dỗ trong Hoang Địa

1.1.Cám dỗ thứ nhất

1.2.Cám dỗ thứ hai

1.3.Cám dỗ thứ ba


2.Còn cám dỗ đối với chúng ta như thế nào?

2.1.Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đối với chúng ta

2.1.1.Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống 

2.1.2.Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã

2.1.3.Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực

2.2.Bậc thang nhu cầu của Maslow (Maslow's Hierarchy of Needs)

2.2.1. Nhu cầu cơ bản (basic needs)

2.2.2. Nhu cầu về an toàn (safety, security needs)

2.2.3. Nhu cầu về xã hội (social needs)

2.2.4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)

2.2.5. Nhu cầu được thể hiện mình/ khẳng định bản thân (self-actualizing needs)


3.Bí quyết chiến thắng cám dỗ

3.1. Chúa Giêsu đã thắng cơn cám dỗ như thế nào

3.1.1.Thái độ dứt khoát của Chúa Giêsu

3.1.2.Bí quyết chiến thắng cám dỗ của Đức Giêsu 

3.2. Còn chúng ta...?

3.2.1.Không mon men đến dịp tội

3.2.2.Trước dịp tội hãy tránh cho xa 

 

Tin Mừng Lc 4: 1-13

CN 1C MC: Bí Quyết Chiến Thắng Cám Dỗ (Lc 4,1-13)


1.Chúa Giêsu với những cám dỗ trong Hoang Địa

Theo truyền thống, các học giả thường nhấn mạnh đến ba lãnh vực bị thử thách trong đời sống của Đức Giêsu. Cám dỗ “biến đá thành bánh” đánh vào các nhu cầu thể lý của Đức Giêsu. Cám dỗ “nhảy xuống từ nóc Đền Thờ” thử thách nhận thức của Đức Giêsu về sứ vụ Mêsia của Người. Cám dỗ “bái lạy quỷ dữ” được mô tả như một cuộc công kích tâm linh triệt để.

1.1.Cám dỗ thứ nhất

Một giải thích không đúng về cám dỗ thứ nhất là cho rằng Đức Giêsu sẽ thực sự mắc lỗi nếu "biến đá thành bánh" để thoả mãn nhu cầu bản thân. Thực ra tự bản chất, hành động này khồng xấu vì sau này trong sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã từng làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều. Do vậy, vấn đề đặt ra là: “làm thế nào mà lời đề nghị "biến đá thành bánh" lại có thể thực sự trở thành một cơn cám dỗ?” Câu trả lời của Đức Giêsu đã lật tẩy thực chất cuộc công kích của ma quỷ là muốn làm cho Đức Giêsu lìa xa sứ mệnh của Người. Dừng lại việc chay tịnh để biến "hòn đá thành chiếc bánh" là một việc không phải là xấu, nhưng nếu làm như thế, Đức Giêsu lại phải mất thêm thời gian để suy xét nghiêm túc về bản chất ơn gọi của Người. Đức Giêsu đã đập tan cơn cám dỗ này bằng cách chọn điều tối thiện hảo là làm theo  ý Thiên Chúa Cha, nên để trả lời cho Satan, Đức Giêsu đã trưng dẫn lời Kinh Thánh: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”. Người luôn giữ thái độ lắng nghe trong tình thân với Thiên Chúa. Người ân cần lưu tâm đến công việc của Chúa Cha là Cha của Người (x. 2,49). Sự phục tùng biểu tỏ tình thân, chính tình thân này là mấu chốt giúp hiểu hai cơn cám dỗ còn lại.

1.2.Cám dỗ thứ hai

Thoạt nhìn, cơn cám dỗ thứ hai chẳng có gì đáng xem là cám dỗ: “Đức Giêsu mà lại phải sụp lạy ma quỷ ư?” Chẳng cần phải rườm rà hoa lá, chẳng cần ngụy trang, “cái bẫy” đã được phô ra rành rành. Tuy vậy, đối với Đức Giêsu, cám dỗ này đúng là có một hấp lực thực sự. Xây dựng một vương quốc trần gian để hất cẳng chính quyền của người Rôma, cám dỗ này đồng nghĩa với việc Đức Giêsu không thể chu toàn ơn gọi của mình. Nó cũng đồng nghĩa với việc Đức Giêsu sẽ phải dùng tới những phương thế trần gian để mang đến cho con người tự do, cũng có nghĩa là giành được vương miện mà chẳng cần phải trải qua khổ giá. 

Câu trả lời được lấy ra từ Kinh Thánh của Đức Giêsu chứng tỏ đấy chính là điểm mấu chốt của cơn cám dỗ này. Chính mối tình thân với Chúa Cha chứ không phải kỹ năng trích dẫn Kinh Thánh điêu luyện của Đức Giêsu đã giúp Người chiến thắng quỷ dữ. Đức Giêsu quan tâm tới cả cách sống lẫn mục tiêu cuộc sống.

1.3.Cám dỗ thứ ba

Cám dỗ cuối cùng được hiểu rõ nhất khi được nhìn theo viễn cảnh lịch sử. Giả như Đức Giêsu cho dân chúng chứng kiến việc Người sống sót cách lạ lùng sau khi nhảy từ tháp cao của Đền Thờ xuống, thì tức khắc Người sẽ được coi là Đấng Mêsia, là vị thủ lãnh được Thiên Chúa xức dầu, là nhân vật mà dân Do Thái đang mong đợi, là người sẽ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa vũ trang để chống lại ách thống trị Rôma.

Thánh Augustinô khẳng định ma quỷ không thể làm gì khác ngoài việc mời mọc. Hành động hay không là vấn đề của người bị cám dỗ (“gieo mình xuống”), nhưng Đức Giêsu biết nếu Người khởi sự sứ vụ của mình bằng một cú nhảy ngoạn mục từ nóc đền thờ xuống thì hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, vì làm như thế là thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không chấp nhận giải pháp gọn nhẹ này. Người không cho phép bất cứ điều gì có thể làm tổn hại tới mối tình thân giữa Người với Thiên Chúa là Cha của Người.

2.Còn cám dỗ đối với chúng ta như thế nào?

2.1.Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đối với chúng ta


Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ. Qua đó, chúng ta thấy được chiến thuật quỷ quyệt ngàn đời của ma quỷ: hắn luôn luôn bắt đầu tấn công con người ở khía cạnh thấp hèn nhất: sự tham ăn hay nói cách khác, sự tìm kiếm thỏa mãn xác thịt với những dục vọng đê tiện. Sau khi tấn công khía cạnh xác thịt đê hèn của con người. Một khi đã mù quáng trong những dục vọng đê tiện của thể xác, con người sẽ đánh mất mọi ý hướng, mọi ý chí tốt lành để chỉ biết ngụp lặn trong việc tìm kiếm danh vọng, chức quyền và của cải, tức là con người đi vào vòng nô lệ của những ước vọng hão huyền.

Trong ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, cũng như đối với chúng ta, những cơn cám dỗ luôn luôn dựa trên những nhu cầu và giá trị hết sức thực tế và chính đáng của đời sống con người. 

2.1.1.Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống 

Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống, sự an toàn bản thân, ăn uống, tình dục, sự thoải mái, giàu sang: sự sống là một giá trị rất lớn Thiên Chúa ban cho ta, ta có nhiệm vụ quí trọng và bảo vệ nó, nhưng không phải là với bất cứ giá nào. Ta cũng thấy có biết bao người vì muốn được an toàn bản thân, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có của mình, của gia đình mình, mà sẵn sàng câm lặng trước bất công, sẵn sàng đồng lõa hoặc làm tay sai cho những thế lực bạo quyền… họ đã quí sự sống và nồi cơm, địa vị của họ hơn công lý.

2.1.2.Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã

Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã, muốn được nổi danh, được nể phục, được coi là quan trọng, được khen tặng, được thỏa mãn tự ái và tính kiêu ngạo: ai cũng cho "cái tôi" của mình là quan trọng, muốn mình là "cái rốn của vũ trụ", và không muốn bị ai xúc phạm. Trong một chừng mực nào đó, thì điều đó là tốt, nhờ đó mới phát sinh lòng tự trọng, giữ uy tín, muốn thăng tiến,

2.1.3.Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực

Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực, thích làm chủ để điều khiển, muốn mọi sự phải xẩy ra theo ý mình: đây cũng là một nhu cầu rất lớn trong tâm lý con người. Ai cũng thích người khác chiều ý mình, thích áp đặt ý mình lên người khác.

2.2.Bậc thang nhu cầu của Maslow (Maslow's Hierarchy of Needs)

Trên đây chính là những nhu cầu tự nhiên nhất của con người đã được Maslow đưa vào như một hệ thống trong bậc thang nhu cầu tự nhiên của con người như sau:

2.2.1. Nhu cầu cơ bản (basic needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,…đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh mẽ nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất.

Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được. Ông bà ta cũng đã sớm nhận ra điều này khi cho rằng: “có thực mới vực được đạo”, cần phải được ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản để có thể hoạt động, vươn tới nhu cầu cao hơn.

2.2.2. Nhu cầu về an toàn (safety, security needs)

Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức các nhu cầu này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần.

Con người mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai, gặp thú dữ…. nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật, có nhà cửa để ở,…Nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần. Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm…cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.

2.2.3. Nhu cầu về xã hội (social needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm …nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau hai nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, về thần kinh. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống cô độc thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh, hô hấp hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế gian này với lý do: “những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.

2.2.4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện hai cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.

Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tưởng thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý mến, đồng thời chúng ta cũng phấn đấu để cảm thấy mình có
“vị trí” trong nhóm đó.

2.2.5. Nhu cầu được thể hiện mình/ khẳng định bản thân (self-actualizing needs)

Khi nghe về nhu cầu “thể hiện mình” chúng ta khoan vội gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu này được xếp đặt ở mức độ cao nhất. “Thể hiện mình” không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe lẹt, hút thuốc phì phèo, “xổ nho” khắp nơi, nói năng khệnh khạng … Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person’s need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.

3.Bí quyết chiến thắng cám dỗ

3.1. Chúa Giêsu đã thắng cơn cám dỗ như thế nào

3.1.1.Thái độ dứt khoát của Chúa Giêsu


Trước các đợt tấn công của Satan, Chúa Giêsu đã dứt khoát gạt bỏ cả ba kế hoạch hấp dẫn đó. Chúa không muốn chinh phục người ta bằng miếng ăn, bằng quyền năng thần thánh hay bằng vinh quang vật chất trần gian. Chúa đến trần gian là để thi hành sứ mạng cứu độ trần gian theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Kế hoạch đó là Ngài phải mang lấy thân phận con người sống kiếp người nghèo khổ và phải đi đến tận cùng con đường gian khổ, đến cuộc tử nạn Thập Giá. Đó là kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu phải thực hiện để đưa Ngài lên đến tột đỉnh vinh quang của cuộc chiến thắng phục sinh, nhờ đó mà loài người được cứu độ.

3.1.2.Bí quyết chiến thắng cám dỗ của Đức Giêsu 

Bí quyết giúp Đức Giêsu chiến thắng không phải là khả năng thuộc lòng Kinh Thánh nhưng là sự luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Cha. Gắn bó thiết thân với Lời Chúa là tốt, nhưng ngay cả ma quỷ cũng có thể trích dẫn Kinh Thánh vanh vách. Không phải vốn kiến thức trổi vượt về Kinh Thánh, nhưng là mối tình thân của Đức Giêsu với Cha Người đã giúp Người nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Biện giải xác đáng về Kinh Thánh không gì khác hơn mối thân tình sống động với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ không phải do Người đã trưng dẫn Kinh Thánh như những câu thần chú, nhưng vì Người đã và đang sống mối liên hệ thân tình với Cha Trên Trời là Đấng mà Kinh Thánh tỏ bày.

3.2. Còn chúng ta...?

Chắc chắn chúng ta cũng phải đi vào con đường của Đức Giêsu là luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và đồng thời cũng phải có một thái độ dứt khoát với những cám dỗ của Satan tức là không mon men đến dịp tội nhưng hãy tránh cho xa.

3.2.1.Không mon men đến dịp tội

Chúng ta sa chước cám dỗ vì lúc đầu chúng ta hay xem thường những lỗi nho nhỏ như một điếu thuốc, một ly rượu, một tư tưởng không tốt, một ước muốn tò mò...để rồi đến một lúc nào đó chúng ta phạm trọng tội mà chúng ta không ngờ như trường hợp của một tên sát nhân: "hắn là một tên sát nhân. Hắn đã giết một cảnh sát viên. Bây giờ hắn phải trả giá bằng hình phạt: người ta cột hắn vào ghế điện trong nhà tù.

Người ta buộc những miếng kim khí vào cái vòng trên đầu và vào bắp chân hắn. Một lát nữa, dòng điện cực mạnh sẽ chạy qua thân xác hắn, đủ gây nên sự mất ý thức và chết ngay lập tức. Viên chức phụ trách hỏi tên tử tội xem hắn có muốn nói lời gì cuối cùng không. Hắn buột miệng với một giọng điệu đau đớn cực độ: “đây, tất cả đã khởi đầu khi tôi ăn cắp một đồng 5 xu ở túi áo của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đồng 5 xu. Sau đó, tôi đã bắt đầu ăn cắp đồ vật ở trường học, ở tiệm tạp hóa, tiệm thuốc. Rồi, với hai thằng bạn, tôi bắt đầu tập luyện...và muốn kiếm được càng ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cướp ngân hàng, và lần đó tôi đã bắn chết viên cảnh sát. Đó, tất cả bắt đầu với một đồng 5 xu”.

3.2.2.Trước dịp tội hãy tránh cho xa 

Một công ty nọ cần tuyển tài xế với chế độ đãi ngộ rất cao. 

Vượt qua vòng đầu,  lọt lại chỉ còn có 3 người.

Chánh chủ khảo hỏi họ:

Bên vực thẳm có vàng, các anh lái xe qua đấy, nên chọn khoảng cách như thế nào?

- Người thứ nhất nói: 2 mét.

- Người thứ hai: 1 mét.

- Người thứ ba nói: tôi thì sẽ tránh càng xa càng tốt.

Kết quả, công ty đó đã chọn người thứ ba. 

Chiến thuật để đừng bị mỏ vàng cám dỗ là tránh cho xa. Đào vi thượng sách, đó chính là diệu kế để thoát khỏi cơn cám dỗ. Tránh cho xa và dứt khoát ngay từ đầu, đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện khi đứng trước cơn cám dỗ như trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen


Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây