GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét. Lễ kính.

Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét. Lễ kính.

ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT. Lễ kính.

"Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

 

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

 

 

Suy Niệm 1: Maria ở lại độ ba tháng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria.

Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem,

một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho,

cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây.

Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh.

Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con.

Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị.

Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai,

Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường.

Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.

Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự.

Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria.

Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào,

nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth

một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ.

Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria,

Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44).

Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần.

Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao

đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này.

Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất.

Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42),

và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45).

Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên:

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43).

Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết.

Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai,

Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.

Một sự hiện diện mang tính phục vụ.

Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở.

Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất.

Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38),

khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43),

thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên.

Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc.

Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó.

Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần.

Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị.

Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48).

Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.

Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh.

Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh,

vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người.

Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.

 

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen.

 

SUY NIỆM 2: Đức Maria vội vã lên đường

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên)

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.

Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.

Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".

Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.

Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Isave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.

Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.

Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Isave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.

Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’)

 

SUY NIỆM 3: Ðức Maria thăm viếng bà Êlisabeth

Thánh Luca chỉ tường thuật biến cố xảy ra bên ngoài thôi, nhưng ta cần phải chiêm ngắm đức bác ái của thiếu nữ Maria 16 tuổi đã hăng hái lên đường đến chào mừng và giúp đỡ bà chị già 60 tuổi mới được làm mẹ. Suốt dọc đường ba ngày trên lưng lừa từ Nadaret đến Aim-Karen, Maria con người giản dị duyên dáng cất tiếng hát bài ca Manhiphicat (Magnificat) của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, làm bài ca của mình, qua tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa đã để lại một mầu nhiệm nói lên hành động của Thiên Chúa gắn liền với đức tin của chúng ta, dẫn chúng ta vào ơn cứu độ. Cần thiết chúng ta phải đặt mình vào địa vị của bà Êlisabét để Đức Maria đến thăm hỏi chúng ta. Điều đó khó khăn lắm không? Ngài tốt đến độ đến thăm ai chẳng sợ lặp lại câu: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội!”

Nơi nhiều người chỉ thấy thoáng qua, thấy rung động chút ít trước sự kiện siêu nhiên; không được thường xuyên trong sáng; đôi khi bác ái, thương cảm. Nhưng chưa đủ. Một tâm hồn chân thành với mình và với người khác phải được mở ra trước ơn Thiên Chúa, ta thấy rõ điều đó nơi Thánh Phaolô. Khi còn là kẻ bách hại, ông đã hoạt động chân thành đến điên cuồng. Khi trở lại, ông càng thầm tín mạnh mẽ hơn nữa để hoạt động cho Chúa và cho dân được tuyển chọn, ông đã dương cao chính nghĩa của người Nadaret. Trước một tâm hồn chân thành, dù là thứ chân thành xấu, Thiên Chúa không thể từ bỏ. Thiên Chúa bắt đầu cảm hóa họ. Đức Maria cũng tham gia can thiệp. Mẹ đến đóng ấn trên những công trình Thiên Chúa và giúp những công trinh đó phát triển. Điều đó rất cần... Chúng ta cần suy nghĩ để thấy rằng tất cả chúng ta một phần nào giống như bà già Êlisabét, đầy thiện chí, đầy ham muốn tốt, nhưng lại cằn cõi và lo sợ...

Ước chi Đức Maria đến can thiệp cho, ước chi cuộc thăm viếng của Mẹ tăng cường cho những cố gắng của chúng ta, biết chạy đến xin mẹ cứu giúp! Người ta nói Mẹ là tình yêu tuyệt diệu. Con tim con sẽ luôn luôn kêu khấn Maria như mẹ của mọi thiện chí...

Vậy chúng ta với tất cả niềm tin mời Mẹ đến vì hy vọng rằng Mẹ làm cho đời sống đức tin của chúng ta sinh hoa trái. Chúng ta tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa xa xôi, bắt chúng ta mang gánh nặng giơí răn, nhưng là Thiên Chúa rất nhỏ bé đang chờ đợi giúp làm cho đức thành tín lớn lên trong chúng ta. Đức Maria cũng mang đến cho chúng ta một kho tàng là nhận biết Đức Giê-su là Chúa. Mong chúng ta mở lòng ra đón nhận và đừng bao giờ từ chối cuộc thăm viếng của Mẹ Maria. Đừng bao giờ!.

L.P

 

SUY NIỆM 4: Đức Maria thăm viếng.

Ngày lễ này đã được Đức Urban VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị em. Ngày lễ này - nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho toàn thể nhân loại.

Phục vụ vui tươi.

Hãy đến mà nghe, hỡi tất cả các bạn là những người kính sợ Chúa, tôi sẽ kể cho các bạn những điều Người đã làm cho tôi.1 Đó là những lời trong Ca Nhập Lễ hôm nay.

Ngay sau ngày Truyền Tin, Đức Maria lập tức đi thăm bà Elizabeth tại miền đồi núi xứ Giuđêa, cách Nazareth chừng bốn năm ngày đàng. Thánh Luca viết: “Trong những ngày ấy, Maria vội vã ra đi lên miền đồi núi, đến một thành xứ Giuđêa”. Sau khi được sứ thần cho biết về việc bà Elizabeth có thai, Đức Trinh Nữ đã vội vàng ra đi để phụ giúp những công việc cho bà chị họ. Không ai buộc Mẹ phải đi: Thiên Chúa, qua sứ thần, cũng không đòi Mẹ phải làm như thế, và cả bà Elizabeth. Đức Maria có thể ở nhà để bắt đầu chuẩn bị cho Con Mẹ, Đấng Cứu Độ, sắp chào đời; nhưng Mẹ đã hân hoan, vội vã lên đường để đến giúp đỡ bà Elizabeth.

Chúng ta đồng hành với Đức Maria trong lời cầu nguyện, và thân thưa với Mẹ bằng những lời trong bài đọc Một hôm nay: Reo vui lên! Nữ Tử Sion! Hãy hò la, hỡi Israel! Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Jerusalem!… Có ở giữa ngươi, Giavê Thiên Chúa của ngươi. Anh hùng vạn thắng! Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui.

Thật dễ dàng tưởng tượng ra niềm vui chan chứa và những ước vọng vĩ đại nơi tâm hồn Đức Maria. Thiên thần đã cho Mẹ biết, Này đây chị họ bà là Elizabeth đã cao niên và đã có thai. Đó là cuộc mang thai kỳ diệu và liên quan đến biến cố Đấng Cứu Thế sẽ đến. Sau lộ trình dài, Đức Maria đã đến nhà ông Giacaria và chào bà chị họ. Và khi bà Elizabeth vừa nghe lời chào của Đức Maria, hài nhi liền nhảy mừng; và Elizabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Cả gia đình được biến đổi vì sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Lời chào của Mẹ thật hiệu quả: làm cho bà Elizabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Qua lời tiên tri trên môi miệng của Mẹ, Mẹ đã làm tuôn trào một dòng ân thánh cho người chị họ như từ một nguồn suối… Thực vậy, nơi đâu Đấng ‘Đầy Ơn Phúc’ đặt chân đến, mọi sự đều được chan chứa niềm hân hoan.6 Ảnh hưởng tuyệt vời này Chúa Giêsu đã thực hiện qua Đức Maria, Đấng ngay từ đầu đã liên kết với công trình cứu độ và niềm vui được Chúa Kitô đem đến cho trần thế.

Ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng hôm nay cho chúng ta nhìn thấy một khía cạnh trong đời sống nội tâm của Đức Maria, đó là tinh thần khiêm nhượng phục vụ và tình yêu vô vị kỷ dành cho những ai cần đến sự trợ giúp của Mẹ. Biến cố trong mầu nhiệm thứ hai Mùa Vui của chuỗi Mân Côi mời gọi chúng ta hãy hiến thân mau mắn, vui tươi, và chân thành cho người chung quanh. Nhiều khi sự phục vụ tốt nhất chúng ta có thể thực hiện là chia sẻ với họ niềm hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này khi chúng ta sống thân mật với Chúa, qua việc trung thành giữ trọn những giờ cầu nguyện trong ngày sống. Việc kết hợp với Thiên Chúa và thực hành các nhân đức siêu nhiên luôn luôn kéo theo niềm hứng thú thực hành các nhân đức nhân bản: Đức Maria đem niềm vui đến cho gia đình bà chị họ, bởi vì Mẹ ‘mang’ Chúa Kitô.8 Chúng ta ‘mang’ Chúa Kitô trong lòng, và với Người là niềm vui chứa chan, đến bất cứ nơi nào chúng ta đến, dù khi làm việc, hoặc khi viếng thăm bè bạn hoặc những ai đang yếu đau hay không? Sự hiện diện của chúng ta có làm cho người khác vui tươi hay không?

Tìm Chúa Giêsu qua Mẹ Maria.

Khi Đức Maria đến, bà Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần và đã reo lên: Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và Con trong lòng em đang cưu mang cũng đầy phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe lời em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.

Bà Elizabeth không những chúc tụng mà còn giải thích vì sao Đức Maria lại là người diễm phúc: đó là vì Hoa Trái trong lòng Mẹ, Người Con của Mẹ muôn đời được chúc phúc. Thử nghĩ về những lần chúng ta lặp lại lời ấy khi lần chuỗi: Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ! Chúng ta có đọc những lời ấy vui tươi như bà Elizabeth hay không? Những lời ấy như một soi động liên kết chúng ta với Mẹ trên trời, khi chúng ta làm việc, đi lại, hoặc nhìn lên ảnh tượng Mẹ.

Đức Maria và Chúa Giêsu luôn luôn cận kề bên nhau. Những việc kỳ diệu nhất Chúa Giêsu đã thực hiện, ngày xưa cũng như hiện nay, luôn luôn trong sự hợp nhất thân mật với Mẹ Người, Đấng Trung Gian Mọi Ơn. Công đồng Vatican II đã nói, Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô tử nạn.

Hôm nay, một lần nữa chúng ta lại ý thức rằng mỗi lần gặp Mẹ Maria là chúng ta lại hiểu biết thêm về Chúa Giêsu. Nếu tìm kiếm Mẹ Maria, bạn sẽ gặp được Chúa Giêsu. Và bạn sẽ biết hơn về những gì trong trái tim của một Thiên Chúa tự hạ, Đấng đã sẵn sàng cho chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày. Tặng ân lớn lao nhất Thiên Chúa ban cho nhân loại - để chúng ta được hiểu biết và yêu mến Người - đã khởi đầu từ đức tin của Mẹ Maria, và hôm nay điều ấy đã được bà Elizabeth minh chứng. Sự tràn đầy ân sủng mà sứ thần loan báo là Quà-Tặng-chính-Thiên-Chúa. Đức tin của Mẹ Maria, được bà Elizabeth chúc tụng trong ngày Thăm Viếng, đã nói lên Đức Trinh Nữ Nazareth đã đáp lại ân huệ này như thế nào. Đức Trinh Nữ Maria, người thưa lời fiat trọn vẹn và vô điều kiện, đã xuất hiện tại ngưỡng cửa nhà ông Giacaria với tư cách Mẹ Thiên Chúa. Đây là khám phá của bà Elizabeth, cũng là của chúng ta; và đó là điều chúng ta cảm thấy luôn luôn lạ lùng.

Bài ca Magnificat.

Đặc trưng của mầu nhiệm Mân Côi này là bầu khí mừng vui lan tỏa: mầu nhiệm Thăm Viếng là mầu nhiệm của niềm vui. Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng trong lòng mẹ; bà Elizabeth, mừng vì được làm mẹ, đã cất lời chúc tụng Thiên Chúa; và trước những lời ca ngợi của bà chị họ, Đức Maria đã nâng tâm hồn lên Thiên Chúa trong bài ca Magnificat, một bài ca chan chứa niềm vui ơn cứu độ. Mái nhà ông Giacaria và bà Elizabeth toát lên tinh thần Cựu Ước với vẻ thánh thiện, trong khi Đức Maria mang trong lòng mình Mầu Nhiệm khởi đầu Tân Ước. Magnificat là bài ca của thời đại Đấng Cứu Thế, gồm chứa cả niềm phấn khởi của Israel xưa và nay… Lời kinh Magnificat của Đức Maria thực sự đã trở thành lời nguyện của Giáo Hội qua mọi thời gian.

Đây là bối cảnh giúp chúng ta nhận thức ý nghĩa đầy đủ về điều kín nhiệm Mẹ Maria đang ấp ủ trong tâm hồn. Mầu nhiệm lớn lao được sứ thần tỏ cho Mẹ đã được thể hiện qua bài ca Magnificat. Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và tâm trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Những lời ấy tràn đầy sự cao quí và nói lên sự kết hợp mật thiết với Đấng Cứu Độ, đó là tấm gương phản chiếu linh hồn Đức Maria.

Cùng với bài ca hân hoan và khiêm nhượng này, Đức Trinh Nữ Maria còn để lại cho chúng ta một lời tiên tri. Mẹ nói, Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người diễm phúc. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa,’ và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ khi công đồng Êphêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Đức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Mẹ đã tiên báo: ‘Muôn thế hệ sẽ khen tôi là người diễm phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại.’

Trong cuộc đời mình, Đức Maria không nổi bật về những việc kỳ vĩ: Phúc Âm không đề cập đến bất cứ một phép lạ nào Mẹ đã thực hiện khi còn tại thế, và chỉ ghi lại vắn tắt về những lời Mẹ đã nói ra. Đời sống bên ngoài của Mẹ giống như mọi bà mẹ khác trong các gia đình. Tuy nhiên, lời tiên tri phi thường của Mẹ đã được ứng nghiệm từng chữ. Ai có thể kể được tất cả những lời ca tụng, những lời kêu cầu Mẹ, những đền thánh, những bia tạ ơn, những việc sùng kính đối với Mẹ? Suốt hai mươi thế kỷ, Mẹ đã được mọi người xưng tụng ‘diễm phúc’: các nhà trí thức, những người mù chữ, các bậc vua chúa, những quân nhân, các nhà kinh doanh, nam và nữ, trẻ em và người cao niên… Chúng ta cũng đang làm ứng nghiệm lời tiên tri của Mẹ ngay lúc này, khi từ thâm tâm, chúng ta thưa cùng Mẹ: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.

Chúng ta đã kêu cầu Mẹ một cách đặc biệt trong tháng Năm, nhưng tháng Năm không thể chấm dứt. Nó phải tiếp tục mãi trong cuộc đời chúng ta. Lòng sùng kính và yêu mến của chúng ta đối với Mẹ không thể nhạt nhòa nơi tâm hồn chúng ta. Đúng hơn, nó phải tăng tiến và biểu hiện qua đời sống chứng nhân, theo gương Mẹ Maria, ‘tên của một loài hoa tuyệt đẹp mà tôi vẫn reo lên mỗi sáng và mỗi chiều tối’ – như thi sĩ Dante đã nói lên (Paradiso, 23, 88). Khi tìm ra Mẹ Maria, chúng ta cũng tìm thấy Chúa Giêsu.

Magnificat anima mea Dominum! – Linh hồn tôi ngợi khen Chúa – tâm hồn Mẹ đã tôn vinh Thiên Chúa khi cưu mang Người trong lòng, và bước đi với Người.

Ôi lạy Mẹ! Ước chi chúng con cũng được như Mẹ: vui mừng trong Chúa và chiếm hữu được Người.

 

SUY NIỆM 5: Đức Mẹ thăm viếng Thánh Elizabeth

I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Từ thế kỷ VI, bên Giáo hội Đông phương, thánh truyện Đức Mẹ thăm viếng Thánh Elizabeth theo Thánh sử Luca (1:39-56) được đọc ngày thứ Sáu sau Chúa nhật III mùa Vọng nhưng chưa phải là lễ, đến sau thì mừng lễ vào ngày 2 tháng 7.

Bên Tây phương, năm 1263, Dòng Phanxicô khởi xướng mừng lễ này. Năm 1386, Công đồng Prague nước Áo công nhận lễ này do mỹ ý của Đức Cha Gioan Jenstein, Tổng Giám mục thành Prague mừng lễ vào ngày 28 tháng 4 với hai lý do:

1. Xin ơn hiệp nhất Giáo hội trong thời kỳ có sự tranh chấp giữa Giáo hoàng giả Clementê III tại Avignon (Pháp) với Đức Urbanô VI tại Rôma.

2. Mừng lễ này ngoài mùa Chay, và trong mùa Phục sinh sau lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3.

Năm 1389, Đức Urbanô VI chuẩn bị thành lập lễ này trong khắp Giáo hội để công bố Năm Thánh 1390. Nhưng chưa kịp thi hành thi ngài băng hà ngay năm đó. Đức Bônifaciô IX lên nối quyền liền thi hành quyết định của vị tiền nhiệm, năm 1401 ngài thành lập lễ này vào ngày mùng 2 tháng 7 hàng năm trong khắp Giáo hội. Năm 1441, Công đồng Basel (Thụy Sĩ) xác nhận lễ này. Đức Sixtô IV soạn kinh Nhật tụng đặc biệt. Đức Thánh Piô V đưa lễ này vào sách kinh Phụng vụ. Năm 1608 Đức Clêmentê VIII đặt kinh Phụng vụ và lễ như ngày nay. Năm 1969, Đức Phaolô VI đổi sang ngày 31 tháng 5 sau ngày lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3, và trước lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả ngày 24 tháng 6.

II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Lễ Đức Mẹ thăm viếng Thánh Elizabeth liên quan tới lễ Thiên sứ Gabrie truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai Chúa Giêsu, vì sau khi chịu thai Chúa, Đức Mẹ từ Nazareth miền Bắc, hối hả đi thăm viếng Thánh Elizabeth ở Ain Karim, một thành nhỏ bé miền Nam, cách Giêrusalem chừng 5 miles về phía tây. Trong biến cố này có ba nhân vật tỏ ra thái độ rõ rệt:

1. Thánh Elizabeth được ơn Thánh Linh soi sáng nhận biết chức phẩm cao sang của Đức Mẹ, đã khiêm hạ nói: "Bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa tôi đến với tôi?" (Lc 1:43).

2. Thánh Gioan Tẩy giả còn là thai nhi cũng nhận biết Chúa Giêsu trong lòng Đức Mẹ nên đã nhảy mừng (Lc 1:44).

3. Đức Mẹ nhận thấy Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ đã sớm làm những việc lạ lùng và, Mẹ được đặc ân cao cả nên Mẹ đã khiêm hạ cất tiếng cao rao chúc tụng Chúa (Lc 1:46-55). Chỉ có Chúa Giêsu âm thầm trong cung lòng Đức Mẹ, không tỏ ra dấu hiệu nào. Coi như Chúa thụ động nhưng lại rất chủ động trong biến cố Thăm viếng này. Chúa thường giấu ẩn uy quyền của Người để tỏ cho chúng ta biết quyền lực của Người vô hình, chuyển động mọi sự, điều khiển mọi sự cách kín đáo. Thế nhưng ảnh hưởng quyền lực của Người rất sống động và sâu rộng. Người làm cho thai nhi Gioan được khỏi tội Nguyên tổ trong lòng Thánh Elizabeth. Đó là phép lạ đầu tiên trong ơn thánh mà Chúa âm thầm làm ngay khi còn trong cung lòng Mẹ Maria.

Một trong những mầu nhiệm cao siêu của Kitô giáo là việc hợp nhất Chúa làm trong chúng ta và cách bí nhiệm Người thăm viếng chúng ta:

a) Bề trong do Chúa Thánh Linh và ơn thánh của Người;

b) Bề ngoài do các Nhiệm tích, nhất là Nhiệm tích Thánh Thể. Chúng ta hãy niềm nở mật thiết tiếp rước Chúa mỗi khi Người thăm viếng linh hồn chúng ta, nhất là khi chúng ta rước lễ.

III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Sôphônia 3:14-18.

Dưới thời vua Josia (640-609), nước Giuđêa lâm cảnh hỗn loạn về tôn giáo và xã hội, nhưng tiên tri loan báo án phạt sẽ chấm dứt và Giuđêa sẽ được hưởng cảnh thanh bình: "Hãy vui lên! Hãy hoan hỉ trong lòng, hỡi nữ tử Sion, vì vua ngươi ở giữa ngươi. Người là anh hùng vạn thắng. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui".

Sự vui mừng ngày Đức Mẹ viếng thăm bà Elizabeth cũng như sự vui mừng cảnh thanh bình nước Giuđa thời tiên tri Sôphônia (Zephania), vì Mẹ Maria cưu mang thai nhi Giêsu trong cung lòng Mẹ như Hòm bia Tân ước có Thiên Chúa ở giữa dân Người. Thai nhi Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth (Lc 1:41) như vua David nhảy mừng trước hòm bia (2 Sm 6:12). Bà Elizabeth ca tụng Mẹ Maria (Lc 1:41) như vua David ca tụng Obed-Edom (2 Sm 6:12). Mẹ Maria ở lại nhà bà Elizabeth ba tháng (Lc 1:56) như hòm bia lưu lại ba tháng tại nhà Obed-Edom (2 Sm 6:11).

Bài đọc II: Rôma 12:9-16.

"Hãy yêu mến nhau tha thiết. Hãy làm tôi Chúa với lòng nhiệt thành và tâm thần sốt sắng. Hãy chia sẻ cho người túng thiếu. Hãy ân cần cho khách đỗ nhà. Hãy vui với người vui". Đó là những nét đặc sắc của tình bác ái nổi bật trong truyện Đức Mẹ thăm viếng, và là những đặc tính tươi đẹp của các môn đệ của Chúa Kitô.

Phúc âm: Luca 1:39-56.

Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui cả hai được mang thai cách lạ và để giúp đỡ bà chị họ trong tuổi già. Thánh sử Luca không nói tên địa danh mà bà Elizabeth ở là thành Ain-Karim miền phụ cận Giêrusalem, mà chỉ nói: "Một thành xứ Giuđa miền sơn cước". Những bước gót sen của Mẹ Maria trong dịp này đã được tiên tri Isaia diễn tả: "Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua" (Is 52:7).

Mang thai nhi Giêsu, Mẹ Maria là một dụng cụ ban phúc lành cho bà Elizabeth và thai nhi của bà. Qua lời chào của Mẹ Maria, lời tiên tri của thiên thần được thực hiện: "Từ trong lòng mẹ, nó sẽ được đầy tràn Thánh Thần" (Lc 1:15). Nhận biết Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ Maria, bà Elizabeth lên tiếng ca khen Mẹ và Con lòng Mẹ, rồi bà tỏ ra vinh dự được Mẹ Chúa đến viếng thăm. Lời ca khen của bà Elizabeth vọng vang lời thượng tế ca ngợi bà Giuđitha: "Phúc cho con nơi Đấng tối cao, hơn mọi người nữ" (Gđt 13:18). Bà Giuđitha, chém đầu tướng Holoferne để giải cứu dân của bà, là hình ảnh Mẹ Maria trong nhiệm cuộc giải thoát nhân loại (Lc 24:21).

Bà Elizabeth xác nhận hiệu quả lời chào của Mẹ Maria: "Thai nhi trong lòng bà nhảy mừng". Hai lời bà chúc tụng Mẹ Maria:

Lời 1: Về điều Thiên Chúa đã làm cho Mẹ (Lc 1:42). Lời này giống như là một phụ nữ ca ngợi Mẹ (Lc 11:27).

Lời 2: Mẹ diễm phúc vì Mẹ tin (Lc 1:45). Lời này giống như lời Chúa khen tặng Mẹ vì Mẹ nghe và giữ lời Chúa (Lc 1:28).

Mẹ Maria nhận biết điều lạ lùng đã xảy ra nơi Mẹ, nên Mẹ cất tiếng ngợi khen Chúa: "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại. Danh Người là Thánh" (Lc 1:49). Mẹ Maria trở về nhà, sau khi bà Elizabeth hạ sinh Gioan Tẩy giả, vì khi Mẹ đi thăm bà thì bà đã có thai được sáu tháng (Lc 1:36) và Mẹ ở lại nhà bà ba tháng (Lc 1:56).

IV. LỜI CÁC THÁNH

- Thánh Ambrosiô: Mẹ lên đường không phải vì không tin lời sứ thần báo cho Mẹ, mà vì hối hả ước ao làm ơn cho gia đình bà chị. Sung sướng vì được làm cho người khác sung sướng, và tận lực thi hành đức ái.

- Thánh Augustinô: Qua Mẹ, tình thương đổ xuống người cơ khổ, ân sủng đổ xuống những kẻ vô ơn, và ơn tha thứ được ban phát cho những người tội lỗi.

- Thánh Phêrô Kim Ngôn: Mẹ Thiên Chúa đã khám phá ra ân sủng, để cung cấp ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ phát sinh ơn sủng. Đó là một ân sủng dư dật để độ phúc cho mỗi người chúng ta, để trào đổ dạt dào sóng dư ân sủng đó xuống mọi thụ tạo.

- Thánh Ilđêphong: Lạy Mẹ, trong hết mọi ân sủng Chúa đã định ban cho loài người, không có ơn nào mà Chúa không muốn đổ xuống qua tay Mẹ, vì Chúa đã ký thác cho Mẹ hết báu tàng, hết mọi phú quí về ơn sủng Người ban.

- Thánh Germanô: Ôi Maria, không ai được cứu độ nếu không nhờ Mẹ; không ai được hưởng ơn trời nào nếu không có Mẹ.

- Thánh Đamascenô: Mẹ là Thánh đô rộng mở đón tiếp hết những ai cầu xin Mẹ. Hỡi các con Mẹ hãy đến mà lãnh nhận tràn đầy ơn sủng vượt trên mọi khát vọng của các con.

- Lạy Mẹ Chí Thánh Thiên Chúa, xin mở tình thương cho chúng con, vì Mẹ là ơn độ phúc của cả nhân loại.

- Thánh Đamianô: Mẹ là kho báu chứa gồm hết mọi thánh ân. Lạy Mẹ là hy vọng của chúng con, chúng con biết hết mọi báu tàng tình thương của Chúa đều ở trong tay Mẹ.

- Thánh Bênađô: Chúa đã tàng trữ nơi Mẹ Maria toàn thể mọi ơn sung mãn, nên chúng ta có được hy vọng nào, ân sủng nào, ơn cứu độ nào là đều lãnh nhận từ tay Mẹ.

- Chúng ta hãy đi tìm ân sủng, và hãy nhờ Mẹ mà tìm. Cứ xin điều gì là Mẹ được điều ấy. Không bao giờ Mẹ có thể bị từ chối.

- Mẹ Maria được tặng ban cho thế giới di chuyển tình thương để qua Mẹ các ân sủng được liên tiếp trao ban từ trời cao xuống cho nhân loại.

- Thánh Albertô: Mẹ là Đấng quản thủ kho báu của Chúa Giêsu.

- Thánh Bonaventura: Mẹ gồm chứa báu tàng của Thiên Chúa là Chúa Giêsu và cùng với Chúa gồm chứa nguyên ủy và nguồn mạch hết mọi ân sủng.

- Lý do nào đã thúc đẩy Mẹ hối hả đi thăm nhà Gioan Tẩy giả nếu không phải là đức ái thiêu đốt tâm hồn Mẹ.

- Lời của Mẹ có mãnh lực lớn lao biết bao, vì Mẹ vừa mới nói, Chúa Thánh Thần liền xuống đầy lòng bà Elizabeth.

- Thánh Bênađinô: Khi Đức Trinh Nữ chào bà Elizabeth, lời chào vào tai bà rồi xuống thai nhi, và vì thế, thai nhi nhận được Chúa Thánh Thần.

- Từ lúc trở nên Mẹ Chúa Cứu Thế, Đức Nữ Trinh uy linh đã được quyền tài phán đối với hết các cuộc nhiệm sinh của Chúa Thánh Thần, đến nỗi không ai được Chúa ban một ơn nào mà không qua trung gian nhân từ hiền ái của Mẹ.

- Thánh Laurensô Brinđisi: Được đầy Thánh Thần bà Elizabeth do Chúa thúc đẩy đã thấy và nói những việc đã qua hiện tại và tương lai. Bà biết phẩm chức vô biên, vinh quang hiện tại và tương lai của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh đức và khiêm hạ.

- Thánh Anphong: Vừa đặt chân vào nhà Gioan Tẩy giả Mẹ Maria đã rộng ban cho gia đình ông nào là ân trạch trời cao, nào là hồng ân thiên quốc. Do đó, ngày Lễ Mẹ Thăm Viếng thường được gọi là Lễ Mẹ ban ân sủng.

V. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

- Đức Phaolô VI: Lễ Thăm viếng nhắc nhớ việc Rất Thánh Trinh Nữ Maria đang cưu mang Con Mẹ đi viếng thăm, giúp đỡ bà Elizabeth, và công bố lòng xót thương của Thiên Chúa cứu chuộc.

- Đức Gioan Phaolô II

1. Mẹ Maria hiện diện một cách linh thiêng giữa chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ với cùng một cặp mắt mà bà Elizabeth đã nhìn xem Mẹ khi Mẹ vội vã tới viếng thăm bà, và nghe lời Mẹ chào bà thì bà nói: "Ngay lúc tiếng em chào vừa đến tai chị, thì hài nhi trong dạ chị liền nhảy mừng" (Lc 1:44). Niềm vui bà Elizabeth cảm thấy nêu bật ân huệ có thể ẩn chứa trong lời chào mừng, khi lời chào đó do một tấm lòng tràn đầy Thiên Chúa. Những bóng tối của tình trạng cô độc đè nén một tâm hồn, thường có thể bị tia sáng một nụ cười và một lời nói âu yếm phá tan.

2. Đáp lại lời chào mừng của Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: "Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm" (Lc 1:45). Những lời này được nói ra do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là "đức tin". Các Giáo phụ của Giáo hội đã suy niệm nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: "Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là trong cung dạ".

- Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn "mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta" (Ga 1:14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin dự án "bất khả hữu = impossible" này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng cho lịch sử chúng ta.

Người tín hữu cũng được mời gọi vào thái độ đức tin giống như thế. Đức tin lôi kéo họ can trường nhìn qua bên kia những khả năng và giới hạn những biến cố hoàn toàn nhân loại.

- Công đồng Vatican II

Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc Cứu rỗi được tỏ rõ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Đức Maria đã vội vã đến thăm bà Elizabeth, và được bà ấy chào mừng là người có phúc, vì đã tin vào sự Cứu rỗi Chúa đã hứa, và vị Tiền hô nhảy mừng trong lòng mẹ.

Lm. Phêrô, CMC

 

Suy Niệm 6: KHÔNG KHIÊM NHƯỜNG, KHÔNG BIẾT TẠ ƠN!

Ngày 04-10-2006, giáo dân của Giáo Phận Bắc Ninh tập trung rất đông đủ tại nhà thờ Chính tòa Giáo Phận để cử hành thánh lễ An táng cho Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến. Trong phần tiễn biệt, người ta rất ấn tượng với những dòng di chúc của Đức Cha. Nói đúng hơn, đây là lá thư mục tử cuối cùng của cuộc đời ngài trên dương thế. Tâm thư này được viết trước khi lên bàn mổ để các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật mà ngài đã được báo cho biết là 95% sẽ chết, chỉ có 5% là sống sót.

Trong bức tâm thư đó, ngài viết cho mọi thành phần trong gia đình Giáo Phận. Tuy nhiên, người ta chú tâm hơn với phần viết cho các nữ tu của Tu hội Con Đức Mẹ Hiệp Nhất. Nội dung đại khái như sau: “Các con yêu quý, khi ở trong Giáo Phận, cha thấy các con thua kém chị em của các hội dòng khác. Bởi vì họ trổi trang hơn chúng con về nhiều mặt, nào là: kiến thức, khả năng mục vụ, giáo tiếp, nhan sắc… Tuy nhiên, cha nhận thấy nơi chúng con tấm lòng đơn sơ, chân thành. Đây chính là nét đẹp nơi tâm hồn chúng con. Cha thiết nghĩ có khi lớ ngớ như chúng con lại dễ vớ Thiên Đàng nhanh hơn cha”.

Khi viết cho các nữ tu như vậy, có lẽ Đức Cha muốn nói lên một điều, đó là Chúa thương những người hiền lành, đơn sơ, chân thành, nhất là khiêm nhường.

Tại sao vậy? Thưa, bởi vì người khiêm nhường là người thuộc về Thiên Chúa, nên dễ dàng đi vào mối tương quan mật thiết với Người.

Ngược lại, người kiêu ngạo là người không thuộc về Thiên Chúa, và đương nhiên, không thể hiệp thông được với Người. Nói cách khác, khiêm nhường là con đẻ của Thiên Chúa. Kiêu ngạo là con đẻ của ma quỷ. Chính vì vậy mà Thiên Chúa bênh đỡ và bảo vệ người khiêm nhường, còn kẻ kiêu ngạo thì sẽ bị Người tiêu diệt như lời thánh Phêrô đã nói: “Thiên Chúa chống lại kiêu kiêu ngạo” (1 Pr 5,5).

1. Mẹ Maria, Người Nữ Tỳ khiêm hạ

Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth hôm nay làm toát lên vẻ đẹp của sự chia sẻ và khiêm nhường nơi Mẹ Maria.

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca giới thiệu cho chúng ta một người phụ nữ tuyệt vời: ngài là người tràn đầy ân sủng; là người có phúc hơn hết mọi người phụ nữ và nơi cung lòng của ngài sẽ xuất hiện Đấng Cứu Chuộc mà muôn dân mong đợi.

Tuy nhiên, với những ơn cao trọng lớn lao như vậy, tác giả lại cho thấy được xảy ra nơi một Nữ Tỳ hèn mọn và rất đỗi khiêm nhường, người đó chính là Mẹ Maria.

Thật vậy, chắc chắn Mẹ là người biết rõ Người Con mà mình đang cưu mang là ai? Người Con ấy quyền thế cao sang biết chừng nào? Hơn nữa, lời ca tụng của bà chị họ là Êlisabeth lại càng làm nên sự uy nghi, tự hào, bà nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ […] Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi” (x. Lc 1, 42-43)

Tuy nhiên, Mẹ Maria đã không tự kiêu để nhận những vinh dự đó về cho mình, ngược lại, Mẹ đã dâng nó lại cho Thiên Chúa trong tâm tình khiêm nhường của một người nữ tỳ hèn mọn.

Quả thật, nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ được những ơn cao trọng có một không hai trong lịch sử nhân loại như vậy, Mẹ phải hãnh diện đến tự kiêu. Nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ biết mình có phúc hơn mọi người phụ nữ trên trần gian, ắt Mẹ sẽ vỗ ngực xưng tên để huênh hoang, tự đắc với đời. Và như một hệ quả, nếu không khiêm nhường tuyệt đối, Mẹ sẽ phá hoại chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong sự kiêu ngạo.

Vì thế, nơi Mẹ Maria, Mẹ đã đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong tâm thế của một người môn đệ, một nữ tỳ khiêm nhu. Điều này đã được chứng minh khi Mẹ cất lên lời kinh Magnificat để ca ngợi Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Người đã làm trên phận nữ tỳ hèn mọn của mình.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ lội ngược dòng lịch sử cứu độ để nhận thấy bàn tay uy quyền và thương xót của Thiên Chúa đã cứu và giải thoát dân khỏi biết bao nguy biến.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ Maria đã gia nhập vào dòng người thánh thiện để ca ngợi sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa, khi Người đưa cánh tay mạnh mẽ để hạ gục kẻ kiêu căng, truất bỏ những người quyền thế, để người giàu có trở về tay không, còn người nghèo khổ, thấp hèn lại được đầy dư.

Cuối cùng, cất lên lời kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cùng với muôn người ngóng trông ơn cứu độ để cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện lời hứa với các Tổ phụ và Tiên tri khi trao ban Con Một của Người xuống trần gian cứu chuộc con người.

 

2. Sứ điệp Lời Chúa

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta cũng cùng nhau lội ngược dòng để đọc lại lịch sử cuộc đời của mình dưới tâm thức của người thụ ơn, để thấy được những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm trên cuộc đời chúng ta.

Những ơn đó là: ơn được sinh ra làm người trong một gia đình. Được trở nên con cái Thiên Chúa. Được lớn lên với biết bao ân cần, lo lắng của mọi người mà Chúa gửi đến để chăm sóc cho ta. Ngài cũng cứu chúng ta biết bao lần qua những cơn bạo bệnh. Ngài che chở ta và giải thoát ta khỏi biết bao nguy biến, tai ương… nhất là ơn được sống tới ngày hôm nay. Rồi sức khỏe, trí thông minh, và rất nhiều khả năng khác mà Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta…

Tuy nhiên, khác với Mẹ Maria, nhiều khi chúng ta chưa đủ nhạy bén hay vô tình mà quên đi nghĩa vụ của người thụ ơn với Thiên Chúa. Hoặc cũng có lúc chúng ta có thái độ giảm nhẹ mầu nhiệm để thay vào đó là khái niệm tự nhiên có, nên việc biết ơn có vẻ cũng vì đó mà bị giảm nhẹ theo!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, khô khan, nên chưa khiêm nhường đủ để nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khi đứng trước hồng ân lớn lao như vậy, hãy có tâm tình của Mẹ Maria để cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã làm trên và trong cuộc đời chúng ta. Đồng thời, noi gương Mẹ, mỗi người cũng hãy chia sẻ niềm vui với những anh chị em xung quanh, nhất là sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến chúng ta, để vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay cũng là những mối ưu tư và lo lắng của chúng ta.

Mặt khác, luôn sống tâm tình khiêm nhường và tín thác nơi Thiên Chúa, biết nhạy bén như Mẹ Maria để không chỉ bản thân mình cần cám ơn, chúc tụng Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn làm những bổn phận đó trong tư cách là dân Thiên Chúa khi cảm tạ và chúc tụng thay cho người khác.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, đường lối khiêm nhường là cách thức Thiên Chúa thể hiện quyền năng. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương khiên nhường của Đức Trinh Nữ Maria để sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa và để thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng con.

Xin cũng cho chúng con biết quan tâm, lo lắng cho mọi người, nhất là những người khổ đau, nghèo đói đang cần đến chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Mẹ Maria gặp gỡ chị họ Elisabeth

(Đaminh Trần văn Chính)

Vào một buổi chiều hôm đó trong nhà thờ, đầy nghẹt những người cùi hủi. Đức cha Maigret đứng bên bàn thờ quay xuống hỏi họ:

Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng và phục vụ các con. Thì đây tôi xin giới thiệu: cha Đamien (Joseph Damien de Veuster 1840-1889 người Bỉ. Ngài đã đến và sẽ ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có vui mừng không?

Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng bên cạnh Đức giám mục mà chẳng hiểu tí gì! Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, họ đến bên cha, sờ vào mặt, vào tay và vào áo cha…Cha hỏi Đức giám mục: Họ làm gì vậy?. Đức cha giải thích: Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ và lại đẹp trai nữa, không bệnh tật gì mà tự nguyện đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin vào mắt mình nên họ mới xúm lại sờ mó vào người cha xem thử cha có thực sự bị bệnh phong cùi như họ không? Rồi họ nói với nhau rằng: “ Không, cha không bệnh tật gì và cha đẹp trai quá!”.

Vào năm 1873, cha Đamien đã tự tình nguyện ra đảo Molokai, nơi mà chính quyền Hawaii thời đó “thu gom” những người  bất hạnh bị bệnh cùi hủi ra sống ở đảo nhằm cách ly, tránh sự lây lan cho xã hội. Vì thế họ bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất cứ một sự chăm sóc nào về thể xác cũng như tâm linh!

Cha Đamien đã đến và biến đổi một trại cùi hiu quạnh bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài thành một trung tâm sinh hoạt yên vui như một gia đình lớn.

Và rồi sau mười sáu năm tận tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi”.

(Ngài được phong chân phước ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet. Chúng ta thấy theo tường thuật của Phúc Âm, thì ngay sau khi nói lời “xin vâng” để chương trình cứu thế của Thiên Chúa được bắt đâu thực hiện thì Đức Mẹ đã “vội vã” lên đường đên thăm gia đình người chị họ. Đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, mà là chuyến đi mang niềm vui của ơn cứu độ đến cho tha nhân. Niềm vui này thật quan trọng và lớn lao đến nỗi bà chủ nhà Elisabet, khi thấy Đức Maria đến đã phải thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng tôi”. Và Gioan tuy chỉ là một thai nhi cũng đã vui mừng mà nhảy lên trong dạ mẹ. Như vậy chúng ta thấy, khi nhận được niềm vui của Tin Mừng cứu độ, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình mà đã vội vã lên đường đi chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.

Với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, thì lẽ ra người phải đến chăm nom, phục vụ và ngợi khen Đức Mẹ phải là bà Elisabet. Nhưng vì lòng khiêm nhường, Đức Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi vất vả, và không phải là không có những mối nguy hiểm trên đường! Nhưng Mẹ vẫn đến để thăm viếng phục người chị em này.

Noi gương Đức Mẹ, chúng ta là những người được mệnh danh là “người có Chúa” tức những Ki-tô hữu thì cũng phải có bổn phận đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân. Nhưng trước hết hãy học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường và yêu thương. Bởi chỉ có thực sự khiêm tốn và yêu thương chân thành chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ cho tha nhân được.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết thể hiện những hành động yêu thương quí mến mọi người mà chúng ta gặp gỡ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chúng ta có thể trao cho họ những nụ cười tươi thắm, những lời nói nhỏ nhẹ chân thành, những ánh mắt thiện cảm nhân từ… Như thế là chúng ta đã mang niềm vui, an bình đến cho mọi người, và nhất là chúng ta đã thể hiện được là người có Chúa Ky-tô đang ngự trị nơi tâm hồn của chúng ta.

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin ban Thánh Thần thức tỉnh tâm hồn họ để nhờ đó họ nhận ra chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian mà họ phải tôn thở, kính mến để cuộc sống dương gian này mang lại ý nghĩa thực sự cho họ, và cũng xin ban cho mỗi người chúng con luôn biết bổn phận mình là Ky-tô hữu, thì phải đem Chúa đến cho mọi người và đem mọi người về cho Chúa, bằng đời sống yêu thương, bác ái, hy sinh và phục vụ của mình. Amen.

4. Sống Lời Chúa:

Mỗi ngày cố gắng hy sinh làm việc thiện, có ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.

 

Suy Niệm 8: Cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Lời Chúa: Lc 1,39-56

A. Thánh Luca thuật lại một cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ: người mẹ già và người mẹ trẻ.

- Người mẹ trẻ là người đến thăm: Người đó chính là Đức Mẹ Maria, người đang mang Chúa Giêsu trong lòng, người được gọi là người “có phúc hơn mọi người nữ”, và là người có một niềm tin tuyệt vời.

- Người mẹ già là người được thăm: Đó là bà Êlizabeth. Bà cũng đang cưu mang. Người con bà cưu mang là người con của ân sủng. Người mẹ già và cả người con của mình đều cảm thấy được diễm phúc trước sự xuất hiện của người mẹ trẻ “Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy! Vì này tai chị vừa nghe lời em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng chị”.

+ Cuộc viếng thăm mà Thánh Luca thuật lại là cuộc viếng thăm tuyệt đẹp: đẹp trong ý nghĩa và đẹp trong thành quả.

- Đẹp trong ý nghĩa: bởi vì đây là cuộc viếng thăm của hai người mẹ đang cưu mang trong mình những con người thánh.

- Và đẹp trong thành quả: vì cuộc viếng thăm này đã đem lại những kết quả tuyệt vời: Gioan Tẩy giả được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ và Mẹ Maria đã để lại cho hậu thế một bài ca, một bài ca thánh, có một không hai trong Lịch sử ơn Cứu độ, để nói lên tâm tình tạ ơn và ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

+ Chúng ta cầu xin cho cuộc viếng thăm này trở thành mẫu mực cho các cuộc thăm viếng nhau của chúng ta .

B. Quả vậy, khi nhìn vào cuộc sống xô bồ ngày nay, chúng ta thấy chuyện đi thăm viếng nhau ngày càng ít dần. Nhất là những người sống nơi thành thị. Có khi hai người ở sát nhà nhau, mà không gặp nhau suốt cả tháng trời. “Tình nghĩa láng giềng” ngày càng lợt lạt, thay vào đó là “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, và “sống chết mặc bây”. Linh mục Azevedo nhận xét: ngay cả những tu sĩ ở cùng một cộng đoàn mà nhiều khi chỉ “sống bên cạnh nhau” chứ không phải “sống với nhau”. Câu chuyện Đức Mẹ lặn lội đường xa đến thăm và giúp đỡ bà Êlisabeth là một lời nhắc nhở những người sống cạnh nhau hãy nhớ đến nhau.

Hơn nữa, khi chúng ta thăm nhau, thử hỏi chúng ta đã đem lại được gì tốt đẹp cho những người chúng ta viếng thăm, hay chỉ là những chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hoặc là ngồi lê đôi mách. Việc thăm viếng nhau như thế, chẳng những không giúp ích gì cho nhau, mà còn làm dịp tội cho nhau và là dịp để nói xấu người khác.

Có lẽ, chúng ta cũng phải thành thực kiểm tra lại những cuộc thăm viếng của chúng ta xem: Tôi có mang Chúa đến cho người tôi thăm viếng hay không? Những điều tôi nói có phải là Tin Mừng khiến người được tôi thăm cảm thấy được bình an và hạnh phúc hơn không?

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã thuật lại một câu chuyện sau, nhân dịp một đài truyền hình phỏng vấn Mẹ.

Mẹ nói: “Một lần khi khi còn ở Úc, tôi có đến thăm một người thuộc thổ dân Aborigine. Ông cụ sống trong cảnh cô độc thật thảm thương. Ông sống trong một túp lều xiêu vẹo với tuổi đã già nua của mình. Khởi đầu câu chuyện cho lần gặp đầu tiên, tôi đã đề nghị:

- Để tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.

Ông ta trả lời hững hờ:

- Tôi đã quen sống như vậy rồi.

- Nhưng ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng, ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

- Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?

Ông lão trả lời cộc lốc:

- Nhưng thắp đèn để cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu? Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy mặt người nào cả.

Tôi hỏi ông:

- Nếu như có người tình nguyện đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

- Dĩ nhiên.

Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi qua đời ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin giúp ông:

- Xin nhắn với mẹ Têrêsa, bạn tôi, rằng ngọn đèn mà mẹ thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng.

Đó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Vâng! Đúng là một cuộc viếng thăm thật tuyệt vời.

Ngọn đèn cũ không được thắp sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi một xó xỉnh nào đấy. Nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và sự bao dung, thì nó đem đến sự sáng và sưởi ấm lòng người. Giờ đây, con người dù phải sống cô độc, nhưng không còn cô đơn nữa. Vì bóng tối đã bị đẩy lui, nhường bước cho tình yêu và lòng bao dung của những đốm sáng nhỏ nơi con người, nơi nhân loại.

 

Suy Niệm 9: Đức Maria đi thăm viếng Bà Elizabeth

(Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

Nghe các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ kính Đức Maria đi thăm viếng Bà Elizabeth hôm nay, chúng ta như nghe được tiếng reo vui và những nụ cười hân hoan mừng rỡ, niềm hân hoan và tiếng reo mừng này là tiếng reo mừng của Dân Chúa sau hàng ngàn năm mong đợi lời Chúa hứa nay đã được thực hiện.

Trước hết là niềm hân hoan sung sướng của hai bà mẹ: Bà Maria và Bà Elizabeth, Tin mừng cho thấy: Trong những ngày ấy, Maria vội vã lên đường ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giudea và vào nhà ông Zacaria – Elizabeth. Cụm từ trong những ngày ấy, nói lên sư sốt sắng hân hoan của mẹ ngay sau biến cố truyền tin thưa tiếng xin vâng, biến cố ấy đem lại cho mẹ niềm hân hoan hạnh phúc vì mẹ biết rằng đã đến thời Thiên Chúa viếng thăn Dân Người, và lời của các tổ phụ, các ngôn sứ nay đang được thực hiện nơi cung lòng của mẹ, vì mẹ vừa cảm nhận một mầm sống mới nảy sinh trong lòng mẹ chính là Con Thiên Chúa. Niềm vui ngâp tràn trong lòng mẹ, đây không chỉ là niềm vui riêng của mẹ, mà còn là niềm vui của cả dân tộc và của cả nhân loại, vui vì Đấng Cứu Độ đã đến, Mẹ vui mừng hân hoan vì Thiên Chúa không còn ở xa, nay Ngài đã đến và ở trong tâm hồn Mẹ, Mẹ vui vì mẹ có Chúa trong tâm hồn.

Một khi có Chúa trong tâm hồn, thì người ta không thể ngồi im và giữ riêng cho mình, cũng vậy, khi có Chúa, Mẹ Maria đã muốn đem Chúa đến cho người khác, qua thái độ vội vã của mẹ, chúng ta nhận ra điều đó. Đồng thời, với một tâm hồn nhạy bén, Mẹ biết rằng người chị em của mình cũng đang tràn ngập niềm vui mừng vì: Chúa đã cất đi nỗi tủi nhục cho bà, cho bà Elizabet được mang thai khi tuổi đã cao. Chính vì thế, niềm vui của cả hai người phụ nữ như đã đan quyện vào nhau ngay khi họ vừa gặp nhau, vừa cất lời chào nhau, Bà Elizabet cũng đã được Thánh Thần soi sáng và nhận ra ân lộc đầy tràn mà Chúa ban cho cô em gái mình là Maria, bà đã cất lời ca tụng mẹ: Em thật có phúc hơn mọi người nữ và người con em cưu mang cũng được chúc phúc, còn Mẹ Maria thì cất lên lời ngợi khen: Linh Hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.

Cũng nhờ Ơn Thánh Thần soi sáng, mà lần đầu tiên, Bà Elizabét đã gọi em của mình là Mẹ Thiên Chúa: Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi? Đây là một chức vị vô cùng cao trọng mà Chúa ban cho Đức Maria, nay được bà Elizabet xưng tụng. Bà Elizabet cũng cho thấy niềm vui sướng ấy còn lan tỏa đến Gioan, lúc đó còn đang là một thai nhi ở trong lòng bà cũng đã nhảy lên vì vui sướng. Theo các thánh giáo phụ, thì cuộc gặp gỡ này là cuộc gặp gỡ của hai bà mẹ, song cũng là cuộc gặp gỡ của hai người con và là cuộc gặp gỡ giữa Thiên chúa và Dân Người, cuộc gặp gỡ đem lại ơn cứu độ. Cùng với lời xưng tụng Đức Maria là mẹ Thiên Chúa, Bà Elizabeth còn ca tụng mẹ Maria: Phúc cho em là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện. Tất cả những lời ca tụng của bà Elizabeth dành cho Mẹ cũng là lời tuyên xung ca tụng của toàn thể giáo Hội và nhân loại tôn vinh mẹ.

Lời reo vui của hai người phụ nữ này đã được tiên tri Sophonia tiên báo: Reo vui lên hởi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào nhà Israel hỡi vì Đức Chúa đã rút lại án phạt, đã đẩy lui quân thù, Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi chính là Đức Chúa. Vị Tiên tri đã nhìn thấy trước ngày này, ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa, ngày Ngài viêng thăm để đem ơn cưu độ cho dân Người đem lại an vui và hạnh phúc cho xứ sở.

Cùng những lời ca ngợi và tâm tình dạt dào niềm vui của Elizabeth, Đức Maria đã diễn tả niềm vui sâu thẳm của Mẹ qua lời kinh Ngợi khen. Mẹ nhìn nhận tất cả những những sự lạ lùng đang diễn ra trong cuộc đời Mẹ là bởi quyền năng Thiên Chúa và tình thương của Ngài đang bao phủ cuộc đời Mẹ: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi. Mặc dù được bà Elizabet goi mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Maria chỉ dám khiêm nhường nhận mình là thân phận nữ tỳ hèn mọn, không dám mơ tưởng ước muốn điều gì, tất cả những gì đang xảy ra là vì Chúa đã ghé mắt đến Mẹ, Mẹ ý thức rất rõ rằng, chính vì được Chúa nhìn tới, được Chúa yêu thương nên Mẹ trở nên đáng yêu trước mặt Chúa, và được mọi người khen ngợi.

Mừng lể Đức Maria đi thăm bà elizabeth hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn vào tấm gương của Mẹ, Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc đem Chúa đến cho tha nhân, một khi đã gặp Chúa, một khi có Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng được mời gọi, hay nói đúng hơn được thúc đẩy để ra đi, để lên đường trở thành người đem Chúa đem niềm vui đến cho người khác. Chúng ta được mời gọi sống làm sao để mọi người gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta, trở thành người đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác. Chúng ta sẽ không thể đem niềm vui đến cho người khác khi chúng ta không thực sự vui, cũng vậy chúng ta không để đem hạnh phúc và bình an đến cho người khác khi tâm hồn và cuộc sống chúng ta không hạnh phúc không bình an.

Để có sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, thì điều cần thiết trước tiên đó phải là một tâm hồn sạch tội, một tâm hồn ngay thẳng trong lời nói và hành động; kế đến, đó phải là một tâm hồn có Chúa: Chúa chỉ cư ngụ trong tâm hồn của những người khiêm nhường thực sự, dám mở rộng cánh cửa tâm hồn để cho Chúa đi vào, dám nuôi dưỡng để cho Ngài lớn lên trong tâm hồn của mình. Chúa đang chờ đợi để được bước vào tâm hồn mỗi người, qua việc rước lễ mỗi ngày, qua việc lắng nghe và gẫm suy Lời Chúa, Chúa sẽ đến ở với chúng ta và biến cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta ngập tràn niềm vui hạnh phúc và bình an, và thúc đẩy chúng ta đem niềm vui và bình an đến cho anh chị em mình.

Ngày nay do bận rộn với công việc, hầu như con người đánh mất thói quen thăm viếng nhau, giúp đỡ nhau, mừng lễ Mẹ đi thăm viếng bà Elizabet, là dịp để chúng ta nhìn lại các mối tương quan họ hàng bạn bè, để biết dành cho nhau những phút giây thân tình, hãy đến với nhau bằng sự chân thành và quảng đại, hãy dành cho nhau những tình cảm thân thiện, để góp phần làm cho bầu khí gia đình, lối xóm, xứ đạo mỗi ngày thêm ấm cúng thân tình hơn.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng có được cái nhìn nhạy bén của trái tim, nhận ra những nhu cầu của anh chị em, và quảng đại giúp đỡ chia sẻ. Amen.

 

Suy Niệm 10: Cuộc gặp gỡ lịch sử

(JM. Lam Thy ĐVD)

Đúng vào ngày kết thúc Tháng Hoa kính Đức Mẹ (31/5), Giáo Hội cử hành lễ Đức Maria Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét. Vì sao có cuộc thăm viếng này? Vì khi truyền tin cho Đức Maria là Ngôi Lời sẽ Nhập Thể trong cung lòng của Đức Mẹ, sứ thần có báo cho Mẹ một tin vui: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” (Lc 1 38). Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Maria, vì thế Đức Mẹ “vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa” (Lc 1, 39) để viếng thăm và ở lại với người chị họ 3 tháng.

Xét theo sự giao tế của con người, khi thấy chị em có tin vui thì đến chia vui là chuyện bình thương. Tuy nhiên, nếu để ý một chút sẽ thấy bà Ê-li-sa-bet với Đức Maria chỉ là chị em họ, mà con đường từ nơi Đức Maria tới nơi bà Ê-li-sa-bét phải vượt qua một chặng đường đồi núi chập chùng rất dài (đi bộ phải mất 2 – 3 ngày đường), đầy khó khăn nguy hiểm, đó sẽ là trở ngại lớn khiến khó lòng thực hiện được ý định viếng thăm nhau. Vậy mà Đức Mẹ vẫn “vội vã” tới thăm, điều này cho thấy phải có một động lực rất mạnh thúc đẩy Mẹ lên đường. Không những thế, Mẹ còn ở lại chăm sóc người chị họ cho tới khi bà mãn nguyệt khai hoa. Như vậy thì cuộc thăm viếng lịch sử này đã hàm chứa 2 chiều kích nền tảng của Ki-tô Giáo: Chia sẻ và Phục vụ trong Yêu thương.

1- Chia sẻ: Trước khi có cuộc thăm viếng của Đức Maria, thì đã có cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến trao ban Con Một của Người cho nhân loại trong cung lòng của Đức Mẹ. Chính Chúa Giê-su là Đấng cứu độ và giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết đời đời. Người mang lại nguồn ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa cho những ai tin tưởng và đón nhận tình yêu của Người. Khi Đức Mẹ “xin vâng” thì cũng là lúc Mẹ được tràn đầy Thánh Thần, và chính đó là động lực thúc đẩy Mẹ thể hiện việc đem Tình Yêu chia sẻ cho tha nhân. Nói cách khác là ngay từ lúc này, Đức Mẹ đã thi hành sứ vụ “đi khắp tứ phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15) như về sau Đức Giê-su Thiên Chúa hằng giảng dạy và sai phái các môn đệ của Người.

Đức Maria viếng thăm là đem Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, cũng là Con của Mẹ đến với gia đình bà Ê-li-sa-bet. Và vì thế, nên bà E-li-sa-bét mới nói: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1, 43-45). Vì yêu thương, nên dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi đầy cam go, nguy hiểm, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm người chị họ. Chính tình yêu đã thúc đẩy bước chân Mẹ. Quả thật hình ảnh cao đẹp này cũng đã được tiền định từ trước, nên ngôn sứ Xô-phô-ni-a mới viết “Thánh vịnh mời gọi Si-on vui mừng” (xc bài đọc 1 hôm nay: Xp 3, 14-18a) và ngôn sứ I-sai-a hết lời ca tụng: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” (Is 52, 7).

Đến như Bài ca Ngợi Khen (Magnificat) tuy là lời Đức Mẹ chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, nhưng đó lại là Tin Mừng đem đến cho mọi người, nếu biết tin yêu và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa (như Đức Mẹ) và hân hoan vui mừng đón nhận (như hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét và thai nhi Gio-an Bao-ti-xi-ta). Thật thế, “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”

2- Phục vụ: Nếu chỉ tới thăm rồi về ngay thì chưa đủ, mà Đức Mẹ còn “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.” Khi Đức Mẹ tới viếng thăm thì bà chị họ đã có thai được 6 tháng, bây giờ Mẹ ở lại thêm 3 tháng nữa, tức là ở lại với người chị họ tới ngày bà sinh con. Rõ ràng Đức Mẹ ở lại chỉ với mục đích duy nhất là để giúp đỡ, chăm sóc thai phụ trong những ngày cuối thai kỳ. Người phụ nữ có thai rất cần có người ở liền bên phục vụ, mà người đó phải là phụ nữ, bởi có những việc người chồng không thể làm được. Hành động phục vụ của Đức Mẹ chính là vâng phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa (“những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta.” – Lc 1, 2), mà khi Người Con của Mẹ trưởng thành đã giảng dạy và thực hiện (“Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em… Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” – Mt 20, 26).

Trong cuộc sống xô bồ ngày nay, chuyện đi thăm viếng nhau ngày càng ít dần, nhất là những người sống ở thành thị. Có khi sống liền vách với nhau mà cũng không hề có được tình nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần”! Tình nghĩa láng giềng ngày càng lợt lạt, thay vào đó là “đèn nhà ai nhà nấy sáng, sống chết mặc bay”. Ngược lại, có những người thăm viếng nhau hàng ngày, mỗi ngày bỏ rất nhiều thời giờ để nói chuyện cà kê dê ngỗng với nhau hoặc ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, đơm điều đặt chuyện. Việc họ thăm viếng chẳng những không giúp ích gì cho nhau mà còn làm cớ cho nhau phạm tội (dèm pha, nói xấu, thậm chí còn xúc xiểm gây thù chuốc oán người khác). Ấy mới chỉ là nói về việc thăm viếng nhau đã khan hiếm như thế, thì không hiểu việc yêu thương phục vụ sẽ còn khó kiếm đến như thế nào!

Như vậy thì cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Mẹ dành cho gia đình ông Da-ca-ri-a là khởi đầu cho Giao Ước Mới đem Tin Mừng đến cho nhân loại. Đức Maria thăm viếng vừa để chia sẻ Tin Mừng vừa để phục vụ anh em, đã thể hiện cụ thể và sinh động nhất tình cảm “yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 30-31). Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương tuyệt vời cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm viếng nhau, chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa đến phục vụ cho tha nhân luôn luôn và mãi mãi phải là sứ vụ của con cái Chúa, không thể khác hơn.

“Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ngay khi còn cưu mang Thánh Tử Giê-su, Thánh Mẫu Maria đã được Cha soi sáng và người đã đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Ðức Maria ngợi khen Cha muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giê-su Ki-tô Con Cha là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét).

 

Suy Niệm 11: Thăm viếng yêu thương phục vụ

(Lm. Anmai, C.Ss.R)

Thăm viếng! Một nhu cầu hết sức tự nhiên, hết sức bình thường của con người và chuyện bình thường như thế thì có gì đâu để mà nhớ, để mà mừng. Mỗi một cuộc thăm viếng mang ý nghĩa, mang niềm vui, mang ý nghĩa khác nhau nhưng cuộc thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria hết sức đặc biệt để rồi ngày hôm nay Giáo Hội mừng kính cuộc thăm viếng của Mẹ. Cuộc thăm viếng của Mẹ được trọn vẹn niềm vui bởi vì Mẹ đã lên đường một cách vô vị lợi và Mẹ đã mang Chúa đến cho người khác.

Thánh Sử Luca ghi lại rất ngắn gọn: “Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1, 39). Đơn giản thế thôi: đi đến miền núi. Ngày hôm nay đi lên miền núi cũng là một điều khó khăn huống hồ gì thời của Đức Mẹ. Nếu như tính toán về phương tiện đi lại, điều kiện vật chất thì chẳng ai dại gì mà đi đến cái vùng núi xa xôi hẻo lánh như vậy. Vượt trên cách trở của địa lý và vượt trên sự tính toán thường tình của con người, Mẹ Maria đã ra đi và ra đi một cách “vội vã”. Thánh Sử thêm chữ “vội vã” như muốn nói về lòng hăng say, nhiệt tình của Mẹ dù là lên núi khó khăn cách trở. Nếu lên núi với cái bộ mặt ũ rũ, với cái thái độ lề mề chậm chạp chắc có lẽ là chán lắm, đàng này Đức Mẹ đã “vội vã”!

Một cách diễn tả đơn sơ, vài ba hàng ngắn gọn, chúng ta nhận ra Đức Maria đã đi thăm bà chị họ mình với một tâm tình hết sức là dễ thương, nhiệt tình, chịu thương, chịu khó …

Đặc biệt hơn các cuộc thăm viếng khác ở chỗ là vừa vào nhà, bà Êlisabét nghe tiếng Bà Maria chào thì bỗng dưng đứa con trong bụng nhảy lên. Không chỉ đứa con trong bụng nhảy lên mà mẹ nó được “đầy Thánh Thần”. Đến đây thì quá rõ, chẳng còn gì phải bàn cãi nữa, cuộc thăm viếng của Đức Mẹ quả thật là hết sức đặc biệt và đầy ý nghĩa.

Cuộc thăm viếng của Mẹ vốn đã có ý nghĩa nhưng với xã hội ngày hôm nay, ý nghĩa ấy lại càng được nhân lên gấp bội vì lẽ ngày hôm nay, người ta tính toán với nhau nhiều quá, người ta đã khép lòng lại với anh chị em đồng loại nhiều quá! Và có đi thăm đi chăng nữa cũng chỉ với cái hình thức của con người, của cuộc đời là “có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ không còn mang ý nghĩa vô vị lợi như Mẹ nữa. Hơn nữa, khi Mẹ thăm viếng, Mẹ đã không chỉ tung hô Chúa, giới thiệu Chúa mà còn mang Chúa lại cho người khác. Và trong cuộc đời, nếu nhìn kỹ một chút, nếu chìm lắng một chút: có Chúa là có tất cả.

Và thử dừng lại một chút để nhìn lại cuộc đời của Mẹ. Đâu phải bỗng dưng hay vô tình mà Mẹ có Chúa và Mẹ mang Chúa cho người khác. Nếu như Mẹ không có Chúa thì làm gì Mẹ có thể mang Chúa cho người khác, Mẹ chia sẻ niềm vui có Chúa trong đời Mẹ cho người khác được.

Điểm này trong cuộc thăm viếng của Mẹ hết sức quan trọng: muốn mang Chúa, muốn giới thiệu Chúa cho người khác thì trong mình, trước tiên phải có Chúa. Và muốn có Chúa như Mẹ, cần và cần lắm đời sống chiêm niệm, đời sống đơn sơ hoàn toàn tín thác cho Chúa.

Nếu như Đức Maria ồn ào náo động như nhiều người Do Thái cùng thời với Mẹ thì làm sao mà Mẹ có Chúa được? Nếu như Đức Maria trông chờ vào Đấng Mêsia như nhiều người Do Thái thời ấy trông chờ thì làm sao mà Mẹ cưu mang Đấng Cứu Độ trần gian thật được? Và nếu như Đức Maria là người sống bề ngoài, sống cái bề nổi của cuộc đời thì làm sao mà Mẹ khiêm tốn sống trong sự quan phòng của Chúa được.

Nơi Mẹ Maria, có một dấu ấn hết sức đặc biệt đó là Mẹ hết sức quảng đại. Chúng ta, ngày hôm nay, nhiều khi cứ vun vén cho bản thân mình với lối sống đậm chất của ích kỷ, của vun vén nên hình ảnh quảng đại của Mẹ ngày hôm nay cũng là một bài học hết sức to lớn của mỗi người chúng ta. Khi Mẹ cho đi niềm vui thì niềm vui của Mẹ không chỉ nhân hai, nhân bốn mà nhân đến vô cùng.

Thế nên, cuộc thăm viếng của Mẹ hôm nay không chỉ mang niềm vui cho gia đình Êlisabét mà còn mang lại niềm vui cho những ai tự xưng mình là con của Chúa, là con của Mẹ.

Nếu là con của Mẹ thật thì mỗi một cuộc thăm viếng của ta cũng phải giống như Mẹ, nghĩa là cuộc thăm viếng ấy hoàn toàn vô vị lợi và cuộc thăm viếng ấy mang Chúa cho người khác. Có quá đáng chăng khi nói rằng thăm viếng vô vị lợi và có Chúa thì cuộc thăm viếng ấy mới có ý nghĩa và mang niềm vui trọn vẹn. Nếu thăm viếng mà ẩn ý dưới một nguồn lợi nào đó hay là cuộc thăm viếng ấy mình chỉ đi tìm mình thì cũng vui lắm nhưng nó chưa tròn vẹn và chưa mang ý nghĩa cao đẹp như Mẹ.

Thi thoảng có dịp nhìn lại cuộc thăm viếng của Mẹ để ta soi chiếu những cuộc thăm viếng của ta. Xin Mẹ nâng những cuộc thăm viếng của chúng ta thêm tầm cao lên một chút, thêm ý nghĩa lên một chút. Xin Mẹ soi sáng, giúp đỡ chúng ta có những cuộc thăm viếng tròn vẹn ý nghĩa như cuộc thăm viếng của Mẹ với gia đình Êlisabét xưa vậy.

 

Suy Niệm 12: Niềm vui thăm viếng

(Huệ Minh)

Sau khi sứ thần Gabrien cho biết Đức Mẹ được chúc phúc và cưu mang con Thiên Chúa, Đức Mẹ vui mừng khi người chị họ của mình là bà Êlisabét cũng được chúc phúc. Đức Mẹ đã vội vã lên đường đến thăm chị họ của mình.

Động lực thúc đẩy Đức Mẹ lên đường là do lòng yêu mến và tình người của Đức Mẹ. Khi đã có lòng yêu thương thì có gian nan, xa xôi thì cũng điều vượt qua. Đức Mẹ biết chị họ đã già, lại có thai lần đầu tiên và được sáu tháng nên rất cần người giúp đỡ. Đức Mẹ đã đến ở và giúp người chị của mình. Học nơi mẹ, chúng ta đừng có thái độ làm ngơ hờ hững với anh em họ hàng của mình. Chúng ta hãy yêu thương, quan tâm giúp đỡ khi họ cần vào lúc thuận tiện có thể. Nhờ đó, chúng ta được thêm niềm vui và anh em mình cũng được hạnh phúc như Đức Mẹ vậy.

Chuyến viếng thăm của Đức Mẹ có bao nhiêu mục đích, song mục đích chính yếu vẫn là chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho gia đình Dacaria. Gioan vui mừng nhảy lên trong lòng mẹ nhờ gặp gỡ được Đấng Cứu Thế trong lòng Đức Mẹ. Bà Êlizabeth kêu lớn tiếng và nói: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc... Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em, sau lời chào của Đức Mẹ.

Đức Mẹ không những đem niềm vui cứu độ đến cho gia đình Dacaria mà còn ở lại với bà Êlizabeth độ 3 tháng để giúp đỡ, sẻ chia, an ủi, bởi hơn bao giờ hết, những ngày tháng sắp sinh nở, và sau khi sinh nở, cần thiết biết bao sự giúp đỡ của người khác. Đức Mẹ đã làm như thế để Êlizabeth hoàn toàn có thể yên tâm trong việc cộng tác phần mình vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đáp lại lời chào mừng của Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: "Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm" (Lc 1, 45). Những lời này được nói ra do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là "đức tin". Các Giáo phụ của Giáo hội đã suy niệm nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: "Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là trong cung dạ".

Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn "mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta" (Ga 1, 14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin dự án "bất khả hữu" này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng cho lịch sử chúng ta.

Người tín hữu cũng được mời gọi vào thái độ đức tin giống như thế. Đức tin lôi kéo họ can trường nhìn qua bên kia những khả năng và giới hạn những biến cố hoàn toàn nhân loại.

Đức Mẹ đi thăm chị họ của mình cũng có thể nói là Mẹ ra đi truyền giáo. Theo Tin Mừng viết thì Đức Mẹ đi một mình. Nhưng với niềm tin của chúng ta, Đức Mẹ đi cùng với Thiên Chúa vì Mẹ đã được Thiên Chúa chúc phúc, được tuyển chọn, là người của Chúa, thuộc về Chúa và cũng đang cứu mang Con Một Thiên Chúa. Như vậy trên đường đến thăm chị họ, Đức Mẹ luôn có Chúa đi cùng. Đức Mẹ đi trong niềm vui và mang niềm vui đến cho mọi người. Niềm vui ấy được thể hiện nơi thai nhi của bà Êlisa bét: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”(x Lc 1,44). Chúng ta hãy bắt chước Mẹ lên đường trong niềm tin rằng chúng ta không bao giờ đi một mình, chúng ta luôn có Chúa thân hành và hiện diện.

Hình ảnh vui tươi phục vụ và nhất là niềm vui mang Chúa đến cho mọi người nơi Mẹ gợi cho chúng ta một cung cách sống quảng đại, yêu thương và dấn thân phục vụ. Noi gương Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi ra đi mang Chúa đến cho mọi người, như lời của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Đức Maria, trên con đường đi thăm viếng bà Elizabeth, đã trở nên ngôi nhà tạm sống động, vì Mẹ đang cưu mang trong cung lòng mình Con Thiên Chúa”. Để có thể thực hiện được điều này, mỗi người chúng ta cần phải có Chúa trong mình, cần phải sống kết hiệp với Chúa, trở nên những ngôi nhà tạm sống động của Chúa. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng cần phải biết siêng năng lắng nghe và suy gẫm lời Chúa, để có thể lắng nghe và nhận ra được thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, từ đó hăng say cất bước ra đi mang niềm vui đến cho mọi người.

Qua cuộc viếng thăm ấy, Đức Mẹ cảm thấy vô cùng hạnh phúc không gì diễn tả nổi. Đức Mẹ đã cất cao bài “Magnificat”. Một bài ca vang mãi muôn đời. Bài hát mà Giáo Hội đã làm lời kinh trong phụng vụ. Cùng với Giáo Hội chúng ta hãy hát lên và sống bài ca ấy. Bài ca của niềm vui trọn vẹn và đích thực. Niềm vui vì nhìn thấy được công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; vui vì tìm được nguồn chân lý, công bằng và sự thật và vui vì con đường đến với Thiên Chúa còn có rất nhiều người cùng đi.

Thăm viếng người khác một cách chân thành với mục đích đem yêu thương, an vui, hạnh phúc đến cho họ là một trong sứ điệp quan trọng của lời Chúa hôm nay. Muốn có thể đem yêu thương, an vui hạnh phúc cho người khác, đòi các tín hữu phải là người có niềm vui cứu độ. Xin Chúa cho các tín hữu luôn biết mở lòng ra cho Chúa đến để khi tâm hôn có Chúa chúng ta có thể bắt chước Đức Mẹ đem niềm vui cứu độ đến với tha nhân.

 

SUY NIỆM

(A) Đức Maria đi và đến (c. 39)

 

 

 

 

(B)

Gặp gỡ
trong
hiệp thông

(c. 40-55)

1. Lời Chào và hiệu quả của lời chào (c. 40-41)

 

(a) Lời chào của Đức Maria (c. 40)

(b) Đứa con trong bụng nhảy lên (c. 41a)

(a’) Tràn đầy Thánh Thần (c. 41b)

2. Lời ca tụng của bà Ê-li-sa-bét (c. 42-45)

 

(a) Hướng về Mẹ Maria (c. 42)

(b) Ơn huệ nhận được (c. 43-44)

(a’) Hướng về Mẹ Maria (c. 45)

3. Lời ca tụng của Mẹ Maria (c. 46-55)

 

(a) Đức Chúa và « Nữ Tỳ Hèn Mọn »
      (c. 46-48)

(b) « Biết bao điều cao cả » (c. 49)

(a’) Đức Chúa và những người khác
      (c. 50-55)

(A’) Đức Maria ở và về (c. 56)

Khi cầu nguyện, chúng ta nên hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường » (c. 39), bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc Giu-đa.

Chúng ta cũng có thể hình dung ra nhà bà Ê-li-sa-bét, là nơi gặp gỡ của hai chị em và cũng là nơi Đức Maria ở lại 3 tháng (c. 56). Vì thế, chúng ta cũng nên chúng ta cũng nên hình dung ra trong suốt ba tháng ở nhà người chị họ, Mẹ đã làm những gì và với tâm tình nào.

1. Đức Maria vội vã lên đường

Chúng ta hãy hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường », bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc Giu-đa. Với mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Mẹ “trở nên một” với Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ đón nhận ơn huệ Đức Giê-su-Ki-tô không phải cho riêng mình, nhưng để chia sẻ, thậm chí trao ban cách trọn vẹn cho loài người và cho từng người thuộc mọi thế hệ, trong đó có chúng ta hôm nay. Chính vì thế, ngay sau đó, Đức Mẹ “vội vã lên đường”, để hướng về người khác. “Người khác” là những ai? Là bà Elizabeth đang cưu mang, và em bé tuy còn đang được hình thành trong bụng mẹ, đã nghe được lời chào yêu thương trao ban Lời Sự Sống của Mẹ Maria, nên đã “nhảy mừng”; và chung quanh hai mẹ con, còn có người cha, các thành viên trong gia đình, còn có dòng tộc, hành xóm láng giềng và nhiều người ở “khắp miền Giu-đê” (Lc 1, 65).

Chính từ cuộc gặp gỡ này, trào vọt ra những lời ca tụng bất hủ: lời ca tụng của bà Elizabeth góp phần làm nên kinh Kính Mừng vang lên khắp nơi và bất tận từ lòng tin, lòng mến và niềm hi vọng của Giáo Hội; và lời ca tụng Magnificat của Mẹ Maria trở thành Tin Mừng và lời ca tụng Thiên Chúa trang trọng nhất trong Giờ Kinh Chiều hằng ngày của chúng ta.

Nhưng nếu chúng ta đặt mầu nhiệm Thăm Viếng dưới ánh của toàn bộ cuộc đời Đức Mẹ trong tương quan mật thiết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ nhận ra rằng, “trở nên một” không chỉ là thời gian Đức Mẹ cưu mang Đức Giê-su, nhưng còn là hình ảnh diễn tả hành trình trở nên một với Đức Giê-su của Đức Mẹ trong suốt cả cuộc đời, và không chỉ ở đời này, những còn mãi mãi, đặc biệt với ơn huệ “Hồn Xác Lên Trời”. Vì thế, mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Mẹ không chỉ là một biến cố đã qua, nhưng là một “năng động sống” của Đức Mẹ. Vậy, chúng ta hãy chiêm ngắm cuộc đời của Đức Mẹ như là một hành trình:

  • Liên lỉ trở nên một với Đức Ki-tô, như một “Nữ Tì hèn mọn”.
  • Và liên lỉ, để cho Đức Ki-tô lớn lên, trong lòng dạ và trong cuộc đời của mình.
  • Và liên lỉ chia sẻ Đức Ki-tô cho người khác.

Và chúng ta được mời gọi quảng đại mở lòng và mở cuộc đời, để đón nhận ra những gì Mẹ chia sẻ, đó là Đức Ki-tô và cách thức Mẹ trở nên một với Ngài, để chúng ta cũng thực hiện cùng một hành trình « Thăm Viếng » của Mẹ trong đời sống ơn gọi mỗi ngày của chúng ta.

 2. Bà Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện

Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Hay như chính nhóm hay cộng đoàn của chúng ta, khi chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ và cầu nguyện. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.

Cuộc gặp gỡ có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bà Elizabeth sẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Elizabeth vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được lời chào của Đức Maria. Có thể nói, em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu, ngang qua tiếng của Đức Maria. Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại sông Gio-đan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.

Trong cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ « nhiệm mầu » khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng ta, mà sau này chúng ta mới biết. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ hôm nay và những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà chúng ta không sao lường được.

Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần.

Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như thế ?

  • Đứa con trung bụng nhảy lên. Đứa con trong bụng cũng nghe được lời chào; và ngang qua lời chào của Đức Maria, em bé như đã nghe được tiếng của Đức Giê-su; vì thế, em “nhảy lên” vui mừng và mãn nguyện, bỡi lẽ Đức Giê-su sẽ là “tất cả” của em. Xin cho chúng ta cũng có được kinh nghiệm “nhảy lên” khi gặp gỡ Đức Ki-tô ngang của Lời Kinh Thánh. Nhưng « Đứa con trong bụng nhảy lên » còn là hình ảnh nói lên sự đánh động ở chiều sâu trong tâm hồn. Lời chào của Mẹ đánh động bà Elizabeth mạnh mẽ và sâu xa đến như thế : đánh động vì tình thương, tình liên đới, vì sự quảng đại không quản ngại đường xa vất vả, vì sự khiêm tốn của Mẹ… và nhất là vì tình yêu Thiên Chúa dành cho bà, ngang qua cuộc viếng thăm của Mẹ : « bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? »
  • Tràn đầy thánh thần và thốt ra lời ca tụng bất hủ. Bởi vì, lời của bà Elizabeth hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chị Elizabeth trong cuộc hành trình « thăm viếng ». Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị. Lời của bà Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.

Hằng ngày, chúng ta cũng chào hỏi nhau. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ? Ngang qua lời chào, chúng ta được mời gọi nhận ra cả một cách tương quan, một cách sống với người khác, nhất là trong đời sống cộng đoàn: Mang lại niềm vui, nhận ra tình yêu Thiên Chúa, thêm lòng yêu mến Chúa và vì thế thêm lòng khát khao dâng hiến; thay vì ngược lại (không nhận ra tình yêu Chúa, không thêm lòng yêu mến Chúa, không còn yêu mến ơn gọi).

 3. Lắng nghe Mẹ Maria (c. 46-56)

a. Magnificat anima mea Dominum: Thiên Chúa Đấng Cứu Độ Tôi (c. 46-48)

Mẹ Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.

Kinh nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng là Thiên Chúa, « Đấng cứu độ của tôi ». Kinh nghiệm này làm cho con tim của Đức Mẹ thực sự « bừng cháy » và thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa, là Đức Chúa của mình.

Tĩnh từ sở hữu « của tôi », hay « của con » thật nhỏ bé và đơn sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. « Của tôi », « của con », « của bố », « của mẹ », « của anh », « của chị », « của em »… Khi nghe hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu. Thánh Inhaxiô, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu « của chúng ta » (x. Linh Thao 23 ; 158).

Ngoài ra, tĩnh từ sở hữu « của con » còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước, hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, « Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con ; và con, con trở thành con của Thiên Chúa ». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên khấn, lời tuyên hứa…

« Thiên Chúa là Đấng cứu độ », lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế, có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca tụng ; « Thiên Chúa là Đấng cứu độ », nhưng Ngài chưa thực sự là « Đấng cứu độ của con ». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương quan « thuộc về nhau » với Thiên Chúa.

Trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là « nữ tì hèn mọn », và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình : « Tôi đây là nữ tì của Đức Chúa » (Lc 1, 38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân « ngoại thường » lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức Trinh Nữ của Israel, « nữ tì hèn mọn của Đức Chúa », đại diện cho những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.

b. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi” (c. 49)

Khởi từ thân phận « nữ tì hèn mọn », Đức Maria tuyên xưng : « Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ». Mẹ hèn mọn nhưng lại được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại và nơi dân tộc của Mẹ.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì « Lời Chúa » đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. « Lời Chúa » chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, « Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la »[1] ; nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ « Ngôi Lời Thiên Chúa ».

Ngay lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách của một « nữ tì », Mẹ chúc khen Thiên Chúa : « Danh Người thật chí thánh chí tôn », bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.

c. “Chúa hằng thương xót” (c. 50-55)

Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình, Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình : như Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với

  • những ai kính sợ Người,
  • những người khiêm nhường,
  • những người đói nghèo.

Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel « đạo đức thánh thiện » nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với

  • phường lòng trí kiêu căng,
  • những ai quyền thế,
  • những người giàu có.

Vì đó là những lựa chọn ngẫu tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô : ngẫu tượng dang vọng, ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa cho con người.

*  *  *

Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là « Đấng cứu độ của tôi », bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, Hội Dòng… và dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria, « Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Bài hát “Comme un souffle fragile” (Như Hơi Thở Mong Manh), của Pierre Jacob : ĐK. Như hơi thở mong manh, Lời Chúa trao ban chính mình. Như chiêc bình bằng sành, Lời Chúa nhào nắn chúng con. TK 1. Lời Chúa là câu thì thầm, như điều bí ẩn của tình yêu. Lời Chúa là vết thương đau, mở ra cho chúng con ngày mới. TK 2. Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày. Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la. TK 3. Lời Chúa là cuộc chia sẻ, như ta cắt nhỏ tấm bánh lớn. Lời Chúa là lối băng qua, nói cho chúng con cả một con đường.

 

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại – SN song ngữ 31.5.2021

 
Monday (May 31): “He who is mighty has done great things for me”

 

Scripture: Luke 1:39-56

39 In those days Mary arose and went with haste into the hill country, to a city of Judah, 40 and she entered the house of Zechariah and greeted Elizabeth. 41 And when Elizabeth heard the greeting of Mary, the babe leaped in her womb; and Elizabeth was filled with the Holy Spirit 42 and she exclaimed with a loud cry, “Blessed are you among women, and blessed is the fruit of your womb! 43 And why is this granted me, that the mother of my Lord should come to me? 44 For behold, when the voice of your greeting came to my ears, the babe in my womb leaped for joy. 45 And blessed is she who believed that there would be a fulfillment of what was spoken to her from the Lord.”46 And Mary said, “My soul magnifies the Lord, 47 and my spirit rejoices in God my Savior, 48 for he has looked on the humble estate of his servant. For behold, from now on all generations will call me blessed; 49 for he who is mighty has done great things for me, and holy is his name. 50 And his mercy is for those who fear him from generation to generation. 51 He has shown strength with his arm; he has scattered the proud in the thoughts of their hearts; 52 he has brought down the mighty from their thrones and exalted those of humble estate; 53 he has filled the hungry with good things, and the rich he has sent away empty. 54 He has helped his servant Israel,in remembrance of his mercy, 55 as he spoke to our fathers, to Abraham and to his offspring forever.” 56 And Mary remained with her about three months and returned to her home.

Thứ Hai   31-5                Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại

 

Lc 1,39-56

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” 46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

 

Meditation: 

 

Do you recognize the indwelling presence of the Lord Jesus in your life? Blessed are you if you see and recognize the Lord with the “eyes of faith”. The word “blessed” [makarios in Greek] literally means “happiness” or “beatitude”. It describes a kind of joy which is serene and untouchable, self-contained, and independent of chance and changing circumstances of life.

 
God gives us supernatural joy with hope in his promises

There is a certain paradox for those “blessed” by the Lord. Mary was given the “blessedness” of being the mother of the Son of God. That blessedness also would become a sword which pierced her heart as her Son died upon the cross. Anselm, a great teacher and Archbishop of Canterbury (1033-1109), spoke these words in a homily: “Without God’s Son nothing could exist; without Mary’s son, nothing could be redeemed.”  To be chosen by God is an awesome privilege and responsibility. Mary received both a crown of joy and a cross of sorrow. Her joy was not diminished by her sorrow because it was fueled by her faith, hope, and trust in God and his promises. 

Jesus promised his disciples that “no one will take your joy from you” (John 16:22). The Lord gives us a supernatural joy which enables us to bear any sorrow or pain and which neither life nor death can take away. Do you know the joy of a life given over to God in faith and trust?

They were filled with the Holy Spirit

What is the significance of Mary’s visit to her cousin Elizabeth before the birth of Jesus? When Elizabeth greeted Mary and recognized the Messiah in Mary’s womb they were filled with the Holy Spirit and with a joyful anticipation of the fulfilment of God’s promise to give a Savior. What a marvellous wonder for God to fill not only Elizabeth’s heart with his Holy Spirit but the child in her womb as well. John the Baptist, even before the birth of the Messiah, pointed to his coming and leapt for joy in the womb of his mother as the Holy Spirit revealed to him the presence of the King to be born. 

The Lord wants to fill each of us with his Holy Spirit

The Holy Spirit is God’s gift to us to enable us to know and experience the indwelling presence of God and the power of his kingdom. The Holy Spirit is the way in which God reigns within each of us. Do you live in the joy and knowledge of God’s indwelling presence with you through his Holy Spirit?

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and give me joy in seeking you more earnestly. Increase my faith in all your promises, my hope in the joy of heaven, and my love for You as my All.”

 

Suy niệm:

 

Bạn có nhận ra sự hiện diện nội tâm của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình không? Phúc cho bạn nếu bạn nhìn thấy và nhận ra Chúa với “cặp mắt đức tin”. Hạn từ “phúc” (makarios của tiếng Hy lạp) theo nghĩa đen là “hạnh phúc” hay “phúc lành”. Nó diễn tả một niềm vui, niềm vui trong sáng, không chút bợn nhơ, độc lập, và không bị lệ thuộc vào cơ hội và những biến cố thay đổi của cuộc sống.

 

TC ban cho chúng ta niềm vui siêu nhiên với sự hy vọng vào những lời hứa của Người

Có sự nghịch lý nào đó đối với những người “được chúc phúc” bởi Thiên Chúa. Đức Maria được gọi là “người diễm phúc” vì làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự diễm phúc đó cũng trở nên lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà khi Con của bà chết trên thập giá. Anselm, một giáo phụ nổi tiếng và Tổng Giám mục thành Canterbury (1033-1109), cắt nghĩa những lời này trong một bài giảng: “Không có Con Chúa, không gì có thể hiện hữu. Không có Người Con của Đức Maria, không ai có thể được cứu chuộc”. Được Thiên Chúa tuyển chọn là một ơn huệ lớn lao và là một trách nhiệm nặng nề. Đức Maria đón nhận cả hai, triều thiên của vui mừng và thập giá của đau khổ. Niềm vui của bà không bị tan biến bởi sự thống khổ, bởi vì nó được đốt cháy bởi đức tin, đức cậy, và đức mến nơi Thiên Chúa và những lời hứa của Người.

Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng “Không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga 16,22). Thiên Chúa ban cho chúng ta một niềm vui siêu nhiên, giúp chúng ta mang lấy đau khổ và nổi đau đớn, mà cho dù cuộc sống hay cái chết có thể lấy mất được. Bạn có biết niềm vui của cuộc đời dâng hiến cho Chúa trong niềm tin cậy không?

Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần

Ý nghĩa cuộc thăm viếng người chị họ Elizabeth của Đức Maria trước việc sinh ra của Chúa Giêsu là gì? Khi bà Elizabeth chào bà Maria và nhận ra Đấng Mêsia trong lòng bà Maria, cả hai mẹ con bà được tràn đầy Thần Khí và niềm vui mong chờ sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa ban Đấng cứu tinh. Thật là lạ lùng vì Thiên Chúa không chỉ đổ đầy Thần Khí trong lòng bà Elizabeth, mà còn cho cả đứa trẻ trong lòng bà nữa. Gioan Tẩy giả, thậm chí trước khi Đấng Mêsia sinh ra, đã chỉ cho thấy việc Chúa đến và đã nhảy mừng trong lòng mẹ, khi Thần Khí tỏ ra cho ông biết sự hiện diện của vị Vua sẽ sinh ra.

Chúa muốn ban Thánh Thần của Người cho mỗi người chúng ta

Chúa Thánh Thần là quà tặng của Thiên Chúa cho chúng ta, để giúp chúng ta hiểu biết và cảm nghiệm sự hiện diện bên trong của Chúa, và sức mạnh của vương quốc Người. Chúa Thánh Thần là cách thức Thiên Chúa ngự trị trong mỗi người chúng ta. Bạn có sống trong niềm vui và sự hiểu biết về sự hiện diện nội tâm của TC với bạn qua Thánh Thần của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đổ đầy tràn tâm hồn con Thần Khí của Người, và ban cho con niềm vui trong việc tìm kiếm Người cách tha thiết hơn. Xin gia tăng niềm tin của con vào tất cả lời hứa của Người, niềm hy vọng của con vào niềm vui Thiên đàng, và tình yêu của con dành cho Chúa là Mọi sự của con.

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây