GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Loan báo Lời Chúa (Bài giảng Chúa nhật 3 Thường niên – Năm C)

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, Chúa ban cho chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ; Tư tế và Quản trị. Loan báo Lời Chúa là thực hành chức năng ngôn sứ. Ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn của Ngài.
Loan báo Lời Chúa (Bài giảng Chúa nhật 3 Thường niên – Năm C)
Nhờ Bí tích Thánh tẩy, Chúa ban cho chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ; Tư tế và Quản trị. Loan báo Lời Chúa là thực hành chức năng ngôn sứ. Ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn của Ngài.


 
Nhờ được xức dầu trong Bí tích Thanh tẩy, chúng ta mang danh Kitô hữu. Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu, vì vậy mà Người là Đấng Kitô. Kitô hữu là người đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên một với Người và tham dự sứ mạng loan báo Tin Mừng của Người. Nhờ Bí tích Thánh tẩy, Chúa ban cho chúng ta ba chức năng: Ngôn sứ; Tư tế và Quản trị. Loan báo Lời Chúa là thực hành chức năng ngôn sứ. Ngôn sứ là người được Chúa sai đi để chuyển tải giáo huấn của Ngài.
 
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Đó là lời ngôn sứ Isaia từ bảy thế kỷ trước, được Chúa Giêsu tuyên đọc trong Hội đường ở Nagiarét. Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu muốn khẳng định Người là Thiên Chúa quyền năng, là Đấng Thiên sai, nhập thể làm người để loan báo và xây dựng Nước Trời. Người là nhà truyền giáo vĩ đại và đúng nghĩa nhất, là mẫu mực cho tất cả các nhà thừa sai.
 
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Đó cũng là điều tâm niệm của mỗi chúng ta, với tư cách là người Kitô hữu. Trong công cuộc loan báo và xây dựng Nước Trời, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác với Người. Chúng ta cũng là những người được Chúa sai đi. Người san sẻ cho chúng ta một phần Thánh Thần và quyền năng của Người, để chúng ta làm được những việc Người đã làm. Vào thời ban đầu, các tông đồ cảm thấy ngỡ ngàng, vì các ông có thể chữa lành các bệnh tật cho dân chúng, thậm chí truyền lệnh cho ma quỷ phải buông tha những người chúng cầm giữ. Các ông làm được những điều đó, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
 
Sứ vụ loan báo Lời Chúa gắn liền với cuộc sống chúng ta. Để có thể làm được điều ấy, trước hết chúng ta phải lắng nghe lời của Ngài và sống lời ấy. Nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa giúp chúng ta sống thánh thiện hoàn hảo và hài hòa với anh chị em mình. Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo dân Côrintô, đã dùng hình ảnh một thân thể để so sánh với cộng đoàn tín hữu. Tuy có nhiều bộ phận, nhưng chỉ có một thân thể duy nhất. Tác giả đã liệt kê những ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần: Ơn tông đồ, Ơn ngôn sứ, Ơn thày dạy, Ơn làm phép lạ, Ơn chữa bệnh, Ơn quản trị, Ơn ngôn ngữ... Trong cộng đoàn đức tin, mọi người, tuy khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là góp phần thăng tiến cộng đoàn. Nếu nhận ra điều này, chúng ta không khoe khoang kiêu ngạo về những khả năng Chúa ban, như thể đó là tài cán riêng của mình, nhưng khiêm tốn và sử dụng ơn Chúa một cách có hiệu quả, hầu giúp anh chị em mình trưởng thành trong đức tin. Hình ảnh thân thể cũng nhắc bảo chúng ta, mỗi hành động cá nhân đều gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tập thể. Một hành động hoặc lời nói, có thể làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Chúa, nhưng cũng có thể là dịp để người khác chê cười và nhạo báng Giáo Hội. Ý thức mình là một chi thể của thân thể Giáo Hội, chúng ta sẽ thận trọng và khôn ngoan trong ứng xử.
 
Là người loan báo Lời Chúa, chúng ta cũng phải là người đón nhận và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái trong đời sống cá nhân. Tác giả sách Nê-hê-mi-a đã kể lại một sự kiện quan trọng. Sự kiện này ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dân Do Thái. Đó là việc tìm thấy Sách Luật trong Đền thờ Giêrusalem. Sau khi tìm thấy Sách Luật, nhà vua truyền cho các tư tế phải đọc cho dân nghe từng phần để khám phá và đón nhận giáo huấn của Chúa, là giáo huấn đã bị quên lãng nhiều thế hệ. Dân chúng chăm chú lắng nghe Sách Luật, vừa với tâm tình sám hối ăn năn, vừa với tâm hình hân hoan vui mừng. Bài đọc Cựu ước được đọc trong Thánh lễ hôm nay (Bài đọc I), kể lại việc tư tế Esdras tuyên đọc Sách Luật từ sáng tới trưa, và mọi người lắng nghe chăm chú, đồng thời ôn lại lịch sử của dân tộc cũng như lịch sử của cá nhân mình. Lời ấy đã thấm nhập nơi tâm hồn mỗi người, giúp họ thăng tiến và nhận ra những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện.
 
Việc loan báo Lời Chúa không chỉ được thực hiện bằng ngôn từ, nhưng còn bằng những nghĩa cử cụ thể. Cũng như Đấng được xức dầu (Kitô) được sai đi để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”, mỗi chúng ta (Kitô hữu), cũng được sai lên đường để đem niềm vui vào cuộc sống đang còn nhiều tranh chấp xung đột, giúp những người bị giam cầm bởi thành kiến được giải thoát để sống thanh thản an vui; mở tầm nhìn cho những người bị giới hạn do hận thù. Nói tóm lại, Thiên Chúa muốn qua chính cuộc sống của chúng ta để tình thương lan tỏa và thắp sáng tại mọi nẻo đường của cuộc sống hôm nay.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây