GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Ngày 20 tháng 12 - Mùa Vọng

Ngày 20 tháng 12 - Mùa Vọng
NGÀY 20/12 - MÙA VỌNG
"Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai".


 
cn iii mv t6

 


Tin Mừng: Lc 1, 26-38
Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với Thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên thần cáo biệt Bà.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 3: Bối rối, lo lắng và bình an - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn



Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

“Này đây người trinh nữ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en.” Đây là những lời Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia nói với vua A-khat, khi vì thiếu lòng tin vào Chúa đã khước từ cầu xin Chúa ban cho một dấu giữa cơn khốn khó của vương quốc. Những lời này cũng cho thấy tình thương của Thiên Chúa với dân riêng của Người là tình yêu nhưng không, vượt lên trên những bất trung bội tín của dân Người. Lịch sử dân Chúa cũng cho thấy, tất cả những vị vua hay những vị cứu tinh của dân Chúa, dù có những thành công về mặt chính trị quân sự, nhưng cuối cùng cũng không đáp ứng lòng mong đợi của Chúa và của dân. Lịch sử dân Chúa vì thế vẫn mãi là lịch sử của chờ mong Đấng Cứu Thế Thiên Chúa hứa ban và muôn dân mong đợi cho đến khi Đức Giê-su Ki-tô xuất hiện. Truyền thống Ki-tô giáo đọc lời ngôn sứ Isaia này trong ánh sáng của Tân Ước để nhận ra: Người nữ ấy là Đức Trinh Nữ Maria và người con Mẹ cưu mang, không do bởi người nam nhưng do quyền năng Thánh Thần chính là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, thành Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính qua Người, với Người và trong Người, Thiên Chúa đi vào lịch sử, hóa thành lịch sử để đưa lịch sử đến sự hoàn thành cách viên mãn trong Thiên Chúa
            Trình thuật truyền tin theo thánh Luca, cũng như gia phả Chúa Giê-su, khác hẳn với của Matthew. Luca đưa chúng ta về tận cội nguồn của nhiệm cục cứu độ - kế hoạch yêu thương muôn đời của Thiên Chúa. Theo cái nhìn của thánh Phaolo (Ep 1, 3 – 14; Col 1, 12 – 20 và Gal 4, 4), không phải vì con người phạm tội mà Ngôi Lời Thiên Chúa mới làm người mà đúng hơn, trong kế hoạch yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, Đức Ki-tô chính là tâm điểm của kế hoạch này. Dù con người có phạm tội hay không, Đức Ki-tô vẫn đến để thần hóa con người, làm cho con người nên tinh tuyền thánh thiện, thành Con Thiên Chúa, và sau hết, Người quy tụ muôn loài muôn vật dưới quyền của Người trong tư cách là Trưởng Tử, là Thủ Lãnh để trao lại cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự và nơi mọi người. Chính vì thế, trong thư gửi tín hữu thành Galata, thánh Phaolo nhìn mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là thời gian viên mãn – thời gian Thiên Chúa sai Con Mình đến sinh làm con một người phụ nữ (Gal 4, 4). Hội Thánh cũng vì thế tuyên tín Thiên Chúa khi đặt Đức Ki-tô vào tâm điểm của kế hoạch yêu thương cũng đã tuyển chọn cho Con Mình một người Mẹ. Đức Maria từ muôn đời chứ không phải từ sau khi tổ tông phạm tội đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời Thiên Chúa làm người vì thế không phải là kế hoạch hai hay kế hoạch dự phòng nhưng là kế hoạch duy nhất từ muôn đời nơi Thiên Chúa. Một cái nhìn như thế giúp chúng ta hiểu hơn nhưng lời mở đầu trong trình thuật truyền tin của thánh Luca “Khi ấy bà Ê-li-sa-bet có thai được 6 tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-gia-ret, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vit. Trinh nữ ấy tên là Maria. Hãy đọc những lời này thật chậm và để những lời ấy thấm nhập vào trí tâm và cả xác thân chúng ta. Chúng ta nhận ra sự kiện truyền tin không phải là một câu chuyện tình cờ, một phút ngẫu hứng hay kết quả của một tình huống vội vàng nơi Thiên Chúa nhưng được hoạch định cách chính xác. Tháng thứ sáu chứ không phải trước hay sau sự kiện truyền tin cho Ê-li-sa-bet. Sứ thần được Thiên Chúa sai đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Nagiaret, một ngôi làng nhỏ bé ở miền bắc chứ không phải nơi thành Giê-ru-sa-lem nguy nga tráng lệ. Đến với một Trinh Nữ nhưng lại thành hôn một người tên là Giuse nghĩa là đã có ước giao vợ chồng nhưng chưa có quan hệ vợ chồng. Nói theo ngôn ngữ hôm nay: chính xác đến từng milimet – đó là thời điểm viên mãn mà không ai biết ngoài một mình Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể vì thế là mầu nhiệm có tính chung cuộc, độc nhất vô nhị, trước nó chưa bao giờ có và sau đó cũng không bao giờ có nữa. Những gì cần trao tặng và những gì tốt nhất cho chúng ta, Thiên Chúa đã ban trong Đức Ki-tô.
            Lạy Chúa xin giúp chúng con biết dành thời gian để đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thấy những điều kỳ diệu, những dấu lạ điềm thiêng Chúa làm trong dòng lịch sử nhân loại cũng như mỗi chúng con để nhờ đó, lòng tin vào Chúa là Đấng làm được mọi sự lớn lên trong chúng con. Xin giúp chúng con khiêm tốn để nhận ra tính hoàn hảo và viên mãn trong các hành động của Chúa để can đảm nói tiếng vâng trước những cơ hội mà Thiên Chúa đề nghị để kế hoạch yêu thương của Chúa với chúng con, và qua chúng con với mọi người được thành toàn cách tốt đẹp. Lạy Chúa Giê-su, thân con đây, hồn chúng con đây như trang giấy trắng, xin hãy viết lên trên đó, không phải những gì chúng con muôn mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Is 7, 10-14 qua lăng kính Lc 1, 26-38, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy các dấu lạ vốn là những dấu chỉ cho thấy vừa sự hiện diện của Thiên Chúa, vừa tình yêu và sự toàn năng của Ngài, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 7, 10-14 : ở đây, việc một cô “trinh nữ” mang thai và sinh con quả là một “dấu lạ” cho thấy có sự can thiệp của chính Thiên Chúa, và danh xưng Emmanuen là chỉ dẫn cho biết lời hứa nầy hẳn qui hướng về Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người [“Khi ấy, Đức Chúa sai ngôn sứ Iasia nói với vua Akhat rằng : ‘…Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Nầy đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’.” (7, 10.14)]…
(2) Thứ đến, trong Lc 1, 26-38 : ở đây, việc Maria, một cô trinh nữ (đúng hơn là một cô thiếu nữ chưa chồng) “không biết đến việc vợ chồng” (1, 34) mà lại mang thai cũng quả là một “dấu lạ” cho thấy có sự “can thiệp” của Thiên Chúa [“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên cô.” (1, 35)]; điều đó còn được minh hoạ thêm do những tước hiệu mà sứ thần gọi đứa con đó [“vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (1, 35)]…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Sở dĩ thế, đơn giản, bởi vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37)…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Bối rối, lo lắng và bình an - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Lời Chúa hôm nay kể với chúng ta về thái độ bối rối của hai người là vua Akhát và Đức Maria; nhưng hai kết luận thì khác nhau, nhà vua tiếp tục lo lắng, con Đức Maria thì bình an.
Akhát, vua vương quốc Giuđa đang lo lắng về chuyện liên quân Syria và vương quốc Israel muốn đánh xuống Giuđa. Isaia đã được Thiên Chúa sai đến lần đầu để trấn an nhà vua và kêu mời tin tưởng vào Chúa chứ không phải vào sức mạnh quân sự, nhưng vua chưa đủ tin, nên lần này tiên tri lại được sai đến lần nữa và nói vua hãy xin một dấu hiệu. Vua không đủ đức tin, nên vẫn lo lắng! Còn khi thiên sứ trình bày những điều ngoài dự tính làm Đức Maria bối rối, Cô hỏi lại cho rõ. Khi biết đó là chương trình của Thiên Chúa, tuy dù tương lai phía trước còn nhiều phiêu lưu, nhưng Đức Maria đã vâng phục trong khiêm hạ, điều đó khiến cho Cô bình an: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,30).
 Người ta bối rối khi đứng trước những điều bất ngờ, ngoài dự tính, không biết chọn lựa làm sao. Ai cũng muốn nắm được tương lai của mình, nhưng tương lai thì làm sao nắm được! Người ta muốn bảo đảm cho tương lai bằng tài sản trữ sẵn và do đó, tập chú vào việc tìm kiếm và bảo vệ cho khối tài sản này; hoặc người ta lên chương trình trước, nhưng theo cách thức gạt bỏ mọi yếu tố khác chen ngang vào khi thực hiện!
Niềm tin và sự ngạc nhiên đặt nơi Thiên Chúa mời gọi tín hữu sống trong thái độ mở. Mở ra, suy nghĩ để xem Thiên Chúa đang dẫn dắt mình đi như thế nào. Tin tưởng để sẵn sàng bước theo chương trình đó, dù còn có những phiêu lưu. Nhưng chính thái độ thứ hai này mới mang lại cho người ta sự bình an. 

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây