GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Sợi Chỉ Đỏ 3 Ngày Tết

MUNG 3 2022 3 110x75

MUNG 3 2022 3 110x75

Sợi Chỉ Đỏ 3 Ngày Tết

 

THÁNH LỄ GIAO THỪA.

NGÀY MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN.

NGÀY MỒNG BA TẾT  CẦU NGUYỆN CHO CÔNG ĂN VIỆC LÀM.

 

THÁNH LỄ GIAO THỪA

CHỦ ĐỀ :

BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC
TRONG TAY CHÚA

Sợi chỉ đỏ :

Sách Bài đọc các Thánh Lễ đặc biệt cho chúng ta tuỳ ý chọn rất nhiều bài đọc và đáp ca :

– Các bài đọc Cựu Ước : St 1,14-18 ; Ds 6,22-27

– Các bài đọc Tân Ước : 1 Cr 7,29-31 ; Gcb 4,13b-15

– Đáp ca : Tv 8 ; Tv 48 ; Tv 89

– Tin Mừng : Mt 6,31-34 ; Lc 12,35-40

Tất cả các bài đọc này đều quy về ý tưởng bình an và hạnh phúc.

  1. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Một năm cũ sắp trôi qua và một năm mới sắp đến. Trong khoảnh khắc giao thừa giữa cũ và mới này, chúng ta đến với Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý Ngài.

  1. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì đã phí phạm rất nhiều thời giờ để không làm gì cả hoặc làm những việc xấu mất lòng Chúa.

– Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa phụng thờ Chúa cho xứng đáng.

– Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa hết lòng yêu thương anh chị em đồng loại.

III. GỢI Ý GIẢNG

  1. Trời tuôn ơn phước (Mt 5,1-10)

Thiên hạ bình và Trời tuôn ơn phước

Đêm ba mươi co cẳng đạp thẳng bần ra cửa.

Sáng mồng một giang tay bồng ông Phước vào nhà.

Mùa Xuân, ngày Tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài nhiều lộc, nhiều tiền, nhiều của. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là sự chúc lành của Đấng Bề Trên.

Chúa chúng ta cũng dạy ta phải cầu xin để được Chúa ban lương thực hằng ngày. Nhưng Chúa cũng dạy con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn sống và được hạnh phúc vì những giá trị tinh thần nữa. Bởi vì con người không chỉ thuần là vật chất, mà còn là loài khao khát cái vô biên.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chúc phước cho những người có tâm hồn nghèo, không ham lợi lộc vật chất, vì nước Thiên Chúa là của họ. Những người hiền lành là có phước vì họ sẽ nhận được Đất Hứa. Chúa cũng chúc phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phước cho người khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho no lòng thỏa dạ. Phước cho người hay thương xót người khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Chúa còn cầu phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phước cho người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Phước cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Tiếng pháo đi : bao nhiêu kinh cầu nguyện.

Đều dâng lên cho đến chín tầng mây

Hơi xuân ấm mĩ vị hơn dạ yến.

Ta đem ươm trong ý vị đêm nay…

Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ :

Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm.

Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở

Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc âm.

Cùng với nhà thơ Hàn Mạc Tử, trong giây phút giao thừa linh thiêng giữa năm cũ và năm mới, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện và lắng nghe những lời chúc phước của “Đấng Tiên Tri muôn thuở”, đem áp dụng những lời chúc đó vào cuộc sống hàng ngày, thì suốt năm nay, chúng ta sẽ được dồi dào ơn phước. (CgvDt, Số đặc biệt Giáng sinh ’99)

  1. Suy nghĩ về thời gian (Bài đọc I : 1 Cor 7,29-31 ; hoặc Gcb 4,13b-15)

Chúng ta đang tham dự Thánh Lễ Giao Thừa. Theo chữ Nho, “giao” là trao, còn “thừa” là nhận lãnh để tiếp tục. Trao nhận cái gì và ai trao, ai nhận ? Thưa năm cũ trao thời gian lại cho năm mới đón nhận và tiếp nối. Bởi vậy, khoảng khắc gian giao thừa này là lúc rất thích hợp để chúng ta suy nghĩ về thời gian.

Xin mượn một câu chuyện kể để làm điểm tựa cho chúng ta suy nghĩ : có một chàng thanh niên đang đứng dưới gốc cây để chờ người yêu. Anh cứ ngó chiếc đồng hồ và sốt ruột vì chưa tới giờ hẹn. Anh đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại hoài. Anh mong sao cho thời gian qua nhanh đề người yêu sớm đến. Bỗng một vị tiên hiện ra ban cho anh một chiếc đồng hồ đặc biệt, hễ xoay tới một vòng là thời gian tiến nhanh như mình mong muốn. Nhưng vị tiên căn dặn anh chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ ấy. Vị tiên vừa biến đi là anh chàng vội vàng vặn đồng hồ, và người yêu liền đến. Hai người ôm nhau tha thiết. Nhưng chỉ ôm nhau thì chưa thỏa lòng, anh chàng lại muốn mau tới ngày cưới để hai người được sống mãi bên nhau. Anh lại vặn đồng hồ nữa, và thấy mình đang đám cưới. Vẫn chưa thỏa mãn, anh lại muốn mau có con, nên lại vặn, và thấy mình có con. Rồi anh muốn con mình mau lớn. Lại vặn đồng hồ và thấy con mình đã lớn. Nhưng nó chưa có sự nghiệp, chưa có gia đình. Ông lại vặn đồng hồ – bây giờ thì tôi gọi anh chàng kia bằng ông vì lúc đó người này đã khá nhiều tuổi – ông vặn đồng hồ thì thấy con mình có nghề nghiệp, có gia đình. Ông lại muốn có cháu để bồng, rồi lại muốn có chắc, chút, chít… cứ thế ông vặn, vặn, vặn và thời gian cứ tiến tới vùn vụt. Một hôm ông không vặn nổi chiếc đồng hồ ấy nữa và chợt khám phá mình đã quá già, đang nằm trên giường hấp hối. Khi đó ông mới sực nhớ lời khuyến cáo của vị tiên là chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ kỳ diệu ấy. Nhưng khi đó hối tiếc thì đã muộn. Bây giờ ông gần chết rồi mà hầu như chưa hưởng được những niềm vui của tuổi thanh xuân. Ông tiếc vô cùng. Ông lấy hết sức tàn còn sót lại để vặn ngược chiếc đồng hồ. Ông có vặn nổi không ? Không nổi nữa rồi. Nhưng ông lại cố sức một lần nữa. May thay lần này ông thành công. Ông thấy mình trở lại thành một người thanh niên đang đứng dưới gốc cây ngày xưa chờ người yêu. Mặc dù chưa tới giờ người yêu đến, nhưng anh – bây giờ ta lại gọi người ấy bằng anh vì người ấy đã trẻ lại – anh không sốt ruột nữa. Anh đưa mắt nhìn những khóm hoa chung quanh, lắng tai nghe tiếng chim hót trên cành, hít thở những luồng gió mát ngoài đồng nội. Và anh thấy cái giây phút hiện tại đẹp quá, hạnh phúc quá…

Ngụ ý của câu chuyện rất rõ : hãy biết xử dụng thời gian hiện tại, hãy tận hưởng những niềm vui của hiện tại, và hãy làm những việc phải làm của hiện tại.

Bài học này tuy đơn sơ nhưng rất hữu ích.

– Có những người, nhất là những người trẻ, chỉ lo ngóng tới tương lại ; ngược lại, có những người, đặc biệt là những người già, chỉ nhớ về quá khứ. Còn hiện tại thì ít ai để ý tới. Nhưng mà thời gian hiện tại mới chính là thời gian có ý nghĩa và giá trị nhất, vì quá khứ có ích gì nếu không trở thành kinh nghiệm để ta áp dụng cho hiện tại được tốt hơn ; và tương lại sẽ chẳng ra sao hết nếu không được xây dựng bằng hiện tại bây giờ.

– Trong việc làm ăn, nhiều người cứ mãi chần chờ do dự : “Đợi sau này có chút vốn, tôi sẽ làm thế này, làm thế nọ”

– Trong việc chăm sóc gia đình, nhiều người vạch ra biết bao dự định tốt đẹp : con cái đang hư dần trước mắt mà không lo sửa dạy ngay, cứ ngồi đó mà vẽ ra những dự định : “sau này, tôi sẽ dạy dỗ con cái cách này cách nọ”

– Trong việc sống đạo cũng thế, nhiều người nguội lạnh, rối rắm, khi được người khác nhắc nhở đã trả lời : “Bây giờ đang túng thiếu quá, rất bận làm ăn, đợi tới khi khá hơn sẽ trở lại nhà thờ” ; “Bây giờ trong nhà còn nhiều chuyện rắc rối phải giải quyết, đời khi giải quyết xong sẽ tính tới chuyện linh hồn”. Bởi vậy có chuyện sau đây : một hôm các quỷ họp ban tham mưu để vạch ra kế hoạch cám dỗ cho loài người mất linh hồn. Một tên quỷ đưa ý kiến “Ta hãy nói với họ là Chúa rất nhân từ, cứ phạm tội rồi xưng tội, Chúa sẽ tha hết”. Ý kiến ấy không được chấp thuận. Tên khác đề nghị “Ta hãy nói với họ là không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hỏa ngục gì ráo”. Ý kiến này cũng không được coi là hay nhất. Cuối cùng chính Luxiphe đưa đề nghị và mọi quỷ đều coi là tuyệt vời nhất, hữu hiệu nhất. Cám dỗ hay nhất ấy là “Hãy nói với người ta rằng có Thiên Chúa, có thiên đàng, có hỏa ngục, nhưng còn lâu lắm họ mới chết, nên đừng vội ăn năn sám hối”.

Một năm đã trôi qua, chắc hẳn chúng ta đã làm mất biết bao nhiêu thời giờ của 365 ngày qua để không làm gì hết hoặc chỉ làm những việc phụ thuộc hay những điều tội lỗi. Trong giây phút giao thừa này chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì điều đó. Và năm mới sắp đến, Chúa lại ban cho chúng ta thêm 365 ngày nữa. Chúng ta hãy cám ơn Chúa, hãy đón nhận thời gian Chúa ban và cố gắng xử dụng tốt khoảng thời gian mới này, xử dụng tốt từng ngày từng phút từng giây để lo làm ăn chăm chỉ lương thiện, để chăm sóc gia đình và nhất là để lo sống đạo. Nhưng thế nào là xử dụng tốt thời giờ Chúa ban ? Thưa là từng phút giây lo chu toàn những bổn phận của mình với hết tâm tình yêu thương, bởi vì, như một chùm câu châm ngôn mà tôi xin trích đọc để kết thúc bài chia xẻ đơn sơ này :

“Thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu.” Chúng ta hãy bình tĩnh chu toàn bổn phận với tâm tình yêu thương trong từng giây phút của thời gian hiện tại.

  1. Đừng lo (Mt 6,25-34)

Quyển sách mà Phụng vụ luôn trích đọc mỗi ngày một đoạn trong Thánh lễ, ngày xưa người ta gọi là “Sách Ê vang”, nhưng gần đây người ta gọi là “Sách Phúc âm”, còn bây giờ càng ngày người ta càng thích gọi nó là “Sách Tin Mừng”. Tại sao vậy ? Thưa vì quả thực quyển sách ấy chứa đựng rất nhiều tin làm cho ta vui mừng. Chẳng hạn như đoạn mà chúng ta vừa mới nghe. Chúa Giêsu bảo “Chúng con đừng lo”. Câu này đúng là một Tin Mừng.

Nhưng trước khi nói tới sự mừng, xin được phép nói đôi lời về sự lo.

  1. Khi suy nghĩ về sự lo, tôi khám phá rằng con người chúng ta là sinh vật duy nhất hay lo. Hãy quan sát chung quanh ta, đất đá đâu có biết lo, cây cối cũng không biết lo và thú vật cũng không bao giờ lo. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng này “Hãy xem chim trời…Hãy nhìn hoa huệ… Chúng không hề lo lắng gì cả”.
  2. Tại sao con người chúng ta hay lo ? Và chúng ta thường lo về những điều gì ?

a/ Trước hết chúng ta hay lo vì chúng ta còn quá vấn vương với quá khứ. Một người trong quá khứ đã từng thi rớt thì sẽ lo nhiều khi sắp sửa đi thi lần nữa. Một đứa con thấy hôn nhân của cha mẹ và anh chị nó thất bại thì sẽ rất lo khi tới phiên nó lập gia đình. Đã hẳn quá khứ cũng có phần nào ảnh hưởng trên hiện tại và tương lai. Nhưng ảnh hưởng đó không phải bao giờ cũng xấu cả. Người ta thường nói “Thất bại là mẹ thành công”. Chính vì đã có kinh nghiệm thất bại trong quá khứ nên ta sẽ dễ thành công hơn trong hiện tại và tương lai. Cho nên ta đừng nên quá lo về quá khứ.

b/ Nguyên nhân thứ hai làm chúng ta hay lo là quá sợ về tương lai. Không biết tháng tới năm tới sẽ ra sao ? Không biết sẽ xảy ra điều gì đây ? Thực ra những việc sẽ xảy ra trong tương lai mà ta có thể tác động vào chỉ là một phần thôi và là một phần rất nhỏ. Nhiều phần khác là do những nhân tố khác không phải là ta, nhất là do Chúa. Vậy có lo quá cho tương lai thì cũng là bằng thừa thôi. Bởi vậy trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy “Chúng con chớ quá lo lắng cho ngày mai”.

c/ Nguyên nhân thứ ba khiến chúng ta lo lắng là vì chúng ta quá dựa vào vật chất trong cuộc sống hiện tại như dựa vào cơm gạo, tiền bạc, áo mặc, nhà cửa v.v. Những thứ vật chất này ta cũng nên lo, chứ đừng như chuyện ngụ ngôn của Lafontaine về con ve và con kiến. Con kiến thì lo dự trữ lương thực, còn con ve chỉ biết hát xướng cả mùa hè. Đến khi mùa đông tới thì con ve chết đói. Tuy nhiên ta cũng hãy nhớ lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay “Chúng con đừng quá lo lắng xem sẽ phải ăn gì, uống gì, mặc gì”.

  1. Xin sang một khía cạnh khác : thử hỏi quá lo lắng có đem lại lợi ích gì không ?

– Dĩ nhiên là cũng có, nhưng mà rất ít, bởi vì hầu hết những lo lắng của chúng ta là hão huyền. Một giáo sư trẻ nọ lần đầu tiên được chọn làm phó giám đốc một trường lớn. Ông gặp một vấn đề rắc rối phải giải quyết ngày hôm sau nhưng chưa biết giải quyết làm sao, vì thế ông rất lo lắng và bồn chồn. Vị Giám đốc cao tuổi hơn và giàu kinh nghiệm hơn mới khuyên vị phó giám đốc trẻ tuổi như thế này : Từ đây cho đến sáng mai anh cứ an tâm ngủ nghỉ đi, sáng mai hãy tính. Bởi vì khi đó một phần ba khó khăn đã biến mất rồi, một phần ba khác tự nó giải quyết, anh chỉ cần suy nghĩ về một phần ba còn lại. Dĩ nhiên lời khuyên này có tính cách động viên để trấn an một người trẻ tuổi, nhưng không phải là không có những chân lý trong đó. Tôi cũng nhớ đã đọc một chuyện cổ tích như sau : Một thanh niên nọ muốn đi cứu người yêu đang bị một tên phù thủy bắt giữ. Tên phù thủy buộc anh phải làm một chuyện rất khó thì mới chịu thả cô gái ra. Chàng thanh niên lo lắng quá tới xin một bà tiên giúp đỡ. Bà tiên bảo : Anh cứ về nhà mà ngủ đi. Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt. Nghe lời bà, chàng thanh niên về nhà đánh một giấc ngon lành, sáng hôm sau, tự nhiên anh tìm được cách giải quyết khó khăn. Nhưng tên phù thủy lại đưa một điều kiện khó khăn nữa. Chàng thanh niên lại tìm đến bà tiên và cũng được khuyên “Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt”. Anh cũng về nhà nằm ngủ và sáng hôm sau cũng tìm được cách giải quyết. Lần thứ ba tên phù thủy buộc anh làm một chuyện càng khó hơn nữa. Bà tiên lại bảo “Giấc ngủ là một vị cố vấn rất sáng suốt”. Anh lại đi ngủ và sáng hôm sau lại biết cách giải quyết. Cuối cùng anh đã giải cứu được người yêu. Không phải nhờ lo lắng mà nhờ bình tĩnh sáng suốt tìm giải pháp cho vấn đề.

– Xét theo ý học và tâm lý học, các bác sĩ và các nhà tâm lý còn cho ta biết rằng sự lo lắng chỉ tổ làm cho chúng ta thêm rối trí mà thôi. Càng lo lắng thì càng rối rắm và khó khăn càng chồng chất thêm. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rất chí lý “Hỏi có ai trong anh em nhờ lo lắng mà kéo dài thêm đời mình dù chỉ một gang tấc không ?”.

  1. Nếu những phân tích trên có lẽ không có sức thuyết phục lắm, thì bây giờ chúng ta hãy nghe thêm một lý lẽ do chính Chúa Giêsu đưa ra. Lý do Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng là vì chúng ta có một người Cha trên trời vừa rất quyền phép vừa rất yêu thương chăm sóc chúng ta. Ngài nói “Cha chúng con ở trên trời đã thừa biết chúng con cần gì. Ngài sẽ lo cho chúng con tất cả những điều đó”. Hồi còn nhỏ tôi thường nghe má tôi hát những bài ru con bằng ca dao. Có một câu như sau “Một mình lo bảy lo ba, lo cau trổ muộn lo già hết duyên”. Nếu chúng ta chỉ có một mình, không ai thân thích, thì chúng ta phải lo bảy lo ba là đúng. Nhưng nếu một đứa con có cha, không lẽ cha nó để nó phải lo mọi chuyện sao. Cha nó thương nó và nhất là cha nó có khả năng, nên ông sẽ lo cho nó đầy đủ mọi sự, từ chén cơm, manh áo, quyển tập, viên thuốc v.v. Điều người cha muốn nơi đứa con ấy là nó hãy nghe lời cha mà an tâm học hành, mọi sự khác ông sẽ lo. Đó chính là ý nghĩa câu Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay “Tiên vàn chúng con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Cha trên trời sẽ lo cho chúng con” : làm con thì điều quan trọng nhất là ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, rồi cha mẹ sẽ lo cho con tất cả mọi sự.
  2. Có người kia rất nghèo và có đứa con bị bệnh nặng. Lòng anh ta như rối lên, không biết kiếm đâu ra tiền để mua thuốc, không biết con mình có hết bệnh hay không. Đang khi ấy, có một người bà con giàu có đến bảo anh “Đừng lo. Để tôi lo hết cho. Tôi sẽ tìm bệnh viện hay, bác sĩ giỏi, cần bất cứ thuốc gì tôi cũng sẽ mua. Chắc chắn con anh sẽ khỏi bệnh mà”. Ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó xem ta có mừng không. Dĩ nhiên là rất mừng.

Bài Tin Mừng hôm nay đúng là một Tin Mừng : bắt đầu một năm mới, chúng ta vừa vui mừng ăn Tết, nhưng cũng vừa lo lắng cho tương lai : Không biết năm nay sẽ thế nào, gia đình tôi có được bình yên không, công việc làm ăn có gì trục trặc không… đủ thứ lo. Nhưng chúng ta vừa nghe Chúa bảo : hãy để cho Chúa lo tất cả những việc đó. Phần chúng ta, điều duy nhất Chúa để chúng ta lo, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy lo tìm biết ý Chúa là Cha chúng ta và cố gắng làm theo ý Cha,

Chúng ta hãy tin vào lời hứa của Chúa và an tâm bức vào năm mới, với quyết tâm là trong năm nay chúng ta sẽ hết sức tìm hiểu và thực thi ý Chúa.

  1. Chuyện minh họa

a/ Chúa luôn thấy tôi

  Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell trong tâm trạng bối rối : “Này anh, xin anh nói cho tôi hay ; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa ?” Nhà giảng thuyết trầm ngân một lúc rồi nói : “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư ? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi !”

b/ Lời cầu nguyện

Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng : “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.”

Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ : “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.

  1. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến, chúng ta dành những giờ phút đầu tiên trong năm mới này để chúc tụng Chúa và dâng lên Chúa những ý nguyện đầu Xuân của chúng ta :

1- Xin cho các vị lãnh đạo trong Hiệp thông và toàn thể dân Chúa / được hưởng một năm mới dồi dào phúc lộc / và luôn hăng say trong sứ vụ Phúc âm hóa.

2- Xin cho các nhà cầm quyền trong xã hội và mọi dân tộc trên thế giới / được hưởng một năm mới trong hòa bình và thịnh vượng hơn năm cũ.

3- Xin cho mọi người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần / sang năm mới gặp được nhiều may mắn / và sớm vượt qua được mọi khó khăn.

4- Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / sang năm mới cố gắng sống hiệp thông với Chúa và hiệp thông với mọi người chung quanh / để mọi người trong khu xóm được sống hạnh phúc hơn / và làm chứng về Chúa cho mọi người.

CT : Lạy Chúa, trong những ngày Tết, chúng con thường dẹp bỏ mọi âu lo, buồn phiền và chúng con luôn chúc cho nhau những gì tốt đẹp nhất, xin Chúa giúp chúng con luôn duy trì tâm tình tốt đẹp tươi vui đó, và luôn sẵn sàng góp phần cho mọi người được sống hạnh phúc hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…

  1. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Ngày đầu xuân, con cái thường về quây quần bên Cha Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo cách đặc biệt. Giờ đây chúng ta cũng đang quây quần bên Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta hãy hết lòng hiếu thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha sau đây.

– Chúc bình an : chúng ta hãy chúc cho nhau một năm mới luôn được bình an trong tay Chúa.

  1. GIẢI TÁN

Lấy công thức ban phép lành cuối lễ cách long trọng trong Sách lễ Rôma, trang 576.

NGÀY MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

CHỦ ĐỀ :

KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN

– Bài đọc I (Hc 44,1.10-15)

– Đáp ca (Tv 128)

– Tin Mừng (Lc 1,67-75)

– Bài đọc II (Ep 6,1-4.18-23)

  1. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Dân tộc Việt Nam vốn trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên Ông Bà Tổ Tiên của mình đã qua đời. Trong Thánh Lễ ngày Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Ngài ; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài được vui lòng, đó chính là cách thể hiện lòng hiếu thảo đúng nhất.

  1. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta đã không hiếu thảo đủ với Ông Bà Cha Mẹ chúng ta khi các ngài còn sống.

– Chúng ta không thường xuyên cầu nguyện cho những ông bà cha mẹ đã quá cố.

– Chúng ta đã làm nhiều điều mà nếu ông bà cha mẹ chúng ta thấy được chắc hẳn sẽ không vui lòng.

III. GỢI Ý GIẢNG

Kính nhớ Tổ Tiên

Một nhà văn Việt Nam, về cuối đời, chắc là để cho có vẻ giống với các cây đại thụ trong khu rừng văn học nhân loại, đã tuyên bố cái gọi là “Nhân sinh quan của tôi”, trong đó, có câu viết :”Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng”. Vô hình trung, ông đã nhận ra một trong những ý nghĩa của cuộc đời là truyền lưu sự sống. Ông bà để lại sự sống cho cha mẹ. Cha mẹ tặng lại sự nghiệp cho chúng ta. Đến lượt chúng ta truyền lưu sự sống và sự nghiệp cho con cái. Cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời kia.

Lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã vun trồng cây sự sống cho thế hệ đời sau, là nội dung của phong tục thờ cúng tổ tiên, mà các dân tộc Châu Á, đặc biệt là dân tộc ta, rất coi trọng.

Thánh Augutinh cũng đã viết về sự truyền thừa các thế hệ một cách hình tượng như sau : “Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi. Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng xin hãy nhìn xuống gốc cây : các ngài đang đạp trên một tấm thẩm đầy những chiếc lá khô mục” (Enarratio in Psalmum 101).

Người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ mạc. Hội thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dỡ của các ngài, lo vun trồng tươi tốt những cây non là các thế hệ đến sau, để cho cây nhân sinh của dòng họ ta mãi mãi xanh tươi và đơm nhiều hoa trái, đóng góp với sự tốt tươi chung của rừng cây nhân loại. (CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ‘99)

  1. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến, Chúa đã dạy chúng ta phải luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Chúng ta cùng dâng những lời cầu nguyện sau đây :

1- Hội thánh luôn khuyến khích chúng ta phải nhớ ơn ông bà cha mẹ và các ân nhân đã qua đời / Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn làm gương cho mọi người chung quanh về lòng biết ơn đối với những người đã qua đời.

2- Truyền thống của dân tộc Việt Nam có những ngày tảo mộ, ngày giỗ, để tỏ lòng kính nhớ ông bà tổ tiên / Xin cho các nhà cầm quyền trong dân tộc luôn cổ võ và duy trì truyền thống tốt đẹp này.

3- Nhờ sự hiệp thông trong Hội thánh giữa các người còn sống với những người đã qua đời / Xin cho những người đã qua đời mà không có ai nhớ cầu nguyện cho / sớm được hưởng phúc trường sinh với Chúa.

4- Tham dự Thánh lễ là việc làm tốt đẹp nhất để cứu giúp các linh hồn còn đang phải luyện tội / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta biết sốt sắng tham dự Thánh lễ / để đền ơn trả nghĩa cho ông bà cha mẹ đã qua đời.

CT : Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và Thánh lễ chung con dâng lên Thiên Chúa hôm nay, xin Chúa thương giải thoát các linh hồn còn đang phải luyện tội / để sớm về nơi an nghỉ muôn đời với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

  1. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Ngoài ông bà cha mẹ dưới đất, chúng ta còn có Thiên Chúa là Cha trên trời. Ngài là Cha của chúng ta mà cũng là Cha của Ông bà cha mẹ chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Cha trên trời thương đến ông bà tổ tiên của chúng ta đã qua đời, và xin cho một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ cùng sum họp trong Nhà Cha trên trời.

  1. GIẢI TÁN

Lấy công thức ban phép lành cuối lễ cách long trọng trong Sách lễ Rôma, trang 576.

NGÀY MỒNG BA TẾT  CẦU NGUYỆN CHO CÔNG ĂN VIỆC LÀM

CHỦ ĐỀ :

CẦU NGUYỆN
CHO CÔNG ĂN VIỆC LÀM

– Bài đọc I : St 1,11-12

– Bài đọc Tân Ước : 2 Cr 9,8-11

– Đáp ca : Tv 103

– Tin Mừng : Mt 13,1-9 ; hoặc Mc 4,26-29

  1. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Sau mấy ngày nghỉ ngơi vui Tết, chúng ta sẽ trở lại với công ăn việc làm thường ngày. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này và tha thiết cầu xin Chúa cho những việc làm của chúng ta vừa thánh hóa bản thân chúng ta, vừa đem lại những của cải vật chất nuôi sống gia đình chúng ta, vừa giúp chúng ta có điều kiện phục vụ tha nhân và xã hội.

  1. GỢI Ý SÁM HỐI

– Nhiều khi chúng ta lười biếng không làm việc.

– Nhiều khi chúng ta làm những việc bất chính, không theo lương tâm, không hợp lẽ công bình.

– Ít khi chúng ta quan tâm làm việc để phục vụ tha nhân và xã hội.

III. GỢI Ý GIẢNG

  1. Thánh hóa công ăn việc làm (St 1,11-12 ; Ga 5,1-18)

Ngày mùng ba tết đã được giáo quyền dành ra để thánh hóa công ăn việc làm.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nói :”Cho đến nay, cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”.

Mở đầu, Thiên Chúa đã làm việc trong sáu ngày để tạo dựng nên vũ trụ. “Cho đến nay, cha tôi vẫn làm việc”. Thiên Chúa hằng làm việc để duy trì gìn giữ công trình tạo dựng bao la kỳ vĩ của Ngài. Hằng ngày, chim trời vẫn ca hót líu lo, cá biển vẫn tung tăng bơi lợi, bông huệ ngoài đồng vẫn nở đẹp và không ngừng tỏa hương thơm. Mặt trời vẫn lên để làm cho đồng lúa chín vàng rực. Sóng biển vẫn ầm ào vỗ vào bờ cát và con người vẫn sống vui tươi…

Thiên Chúa vẫn làm việc và tôi (Đức Giêsu) vẫn làm việc. Ngài đi khắp nơi rao giảng về vương quốc công bình tình thương của Thiên Chúa, làm các dấu lạ, chữa các tật bệnh phần hồn phần xác cho người đời.

Noi gương Chúa Giêsu, mỗi người cũng cần chăm chỉ làm tốt công việc hằng ngày của mình.

Có những người làm việc quên chết để trở nên giàu có và nổi tiếng, như các chính khách, các cầu thủ, các ca sĩ, các ngôi sao thể thao… Họ là những con người thành đạt, được người đời hăm mộ. Nhưng như ông Albert Einstein nhận định :”Con người thành đạt là một con người đã nhận rất nhiều ân huệ từ đồng loại mình, thường là nhiều vô kể so với cái anh chị ta đáp lại đồng loại mình. Giá trị của một con người ở nơi khả năng dâng tặng, chứ không phải ở khả năng lãnh nhận”.

Vậy ý nghĩa của sự làm việc, ngoài mục đích mưu sinh, còn là để góp phần với đồng bào đồng loại, làm cho xã hội ta sống phát triển ngày một cao hơn về hai mặt tâm linh lẫn vật chất.

Ngày mùng ba là ngày nghỉ chót, chúng ta chuẩn bị bắt đầu lại một năm làm việc cần mẫn. Thánh hóa công ăn việc làm, chính là mặc cho nó một ý nghĩa, đó là : làm việc để phục vụ. Phục vụ mình, phục vụ gia đình, và nhất là phục vụ đồng bào đồng loại. (CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh 99)

  1. Cảm nghĩ đầu xuân

  Bầu khí của những ngày đầu năm rất đặc biệt khiến cho lòng chúng ta nao nao và gợi lên trong ta nhiều cảm nghĩ.

  1. Cảm thấy lòng mình nao nao vì cảnh kẻ đến người đi

  Cõi đời này giống như một sân khấu và người đời giống như những diễn viên. Mỗi diễn viên được đạo diễn dành cho một khoảng thời gian diễn xuất trên sân khấu cuộc đời. Diễn xong thì rút lui nhường chỗ cho diễn viên khác bước lên. Nhưng có một điều không hoàn toàn giống sân khấu, đó là cuộc đời không phải chỉ là đóng kịch. Bởi vậy điều quan trọng không phải là mình đóng vai chính hay vai phụ và thời gian đóng của mình dài hay ngắn, nhưng là mình có đóng trọn vai trò của mình đúng ý đạo diễn hay không, mình có hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao cho mình thực hiện trong khoảng thời gian mà Thiên Chúa ban cho mình ở cõi đời này hay không.

  1. Nghĩ tới vai trò và sứ mạng của mình

  Tôi không được biết vị Đạo diễn đời tôi là Thiên Chúa sẽ dành cho tôi bao nhiêu thời gian. Nhưng tôi biết chắc Chúa cho tôi thời gian sống không phải chỉ để ăn để ngủ để vui chơi và để hưởng thụ, mà để đóng trọn vai tuồng của mình, để hoàn thành nhiệm vụ Ngài giao. Sự có mặt của tôi trên sân khấu đời này không phải chỉ làm cho đời này tốn thêm một phần cơm áo, không phải để bắt một số người phải cực nhọc phục vụ tôi, phải khổ sở vì tính tình ích kỷ khó chịu của tôi. Trái lại Chúa muốn sự có mặt của tôi trên đời sẽ làm cho đời được tốt đẹp hơn, những người sống chung với tôi được hạnh phúc hơn. Chúa cho tôi sống trên đời là để tôi làm đúng theo ý Chúa, và sứ mạng của tôi là góp phần làm cho Nước Chúa trị đến.

Lời Chúa khuyên trong Tin Mừng thật chí lý : Chúng con đừng mãi lo sẽ ăn gì uống gì mặc gì, cũng đừng lo làm sao kéo dài mạng sống của mình. Tiên vàn chúng con hãy lo tìm sự công chính (tức là tìm làm theo thánh ý Chúa) và xây dựng Nước Chúa. Rồi mọi sự khác Cha sẽ lo cho chúng con. Khi nào màn kịch của đời tôi chấm dứt, vị Đạo diễn Thiên Chúa sẽ đánh giá đời tôi : Ngài không đánh giá xem tôi sống ở đời dài hay ngắn, tôi làm ăn có khá không, nhưng chỉ đánh giá xem tôi có dùng thời gian Ngài ban để làm đúng ý Ngài và để góp phần xây dựng Nước Chúa không. Rồi Ngài sẽ thưởng phạt tôi. Một khoảng thời gian ngắn ngủi trên đời sẽ là thước đo định đoạt số phận của tôi muôn đời.

  1. Nghĩ rằng thời gian dành cho mình đang hết dần

Khi tôi đi nhổ một cái răng hư, tôi chợt nghĩ “Thế là một phần cơ thể của mình đã từ giã mình ra đi”. Khi tôi mua mắt kiến để đọc chữ cho được rõ hơn, tôi tự nhủ “Thêm một phần cơ thể của mình suy yếu nữa”. Và khi bác sĩ cho tôi biết bao tử của tôi đang có vấn đề, tôi lại nghĩ “Đây là tiếng còi báo hiệu chuyến tàu đời mình đã đi xong một chặng đường nữa để dần dần tiến đến chặng cuối”. Thực vậy, mỗi một phần cơ thể bị bệnh đều là những tiếng Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng mình không sống mãi, mình đang tiến dần đến cái chết. Những người hơi cao tuổi chắc cảm nghiệm điều này rõ hơn.

  Nhưng chúng ta không nên sợ, trái lại càng phải cám ơn Chúa, vì nếu Ngài không nhắc để rồi đột ngột một ngày nào đó Ngài gọi chúng ta vĩnh viễn ra đi thì chúng ta sẽ chới với rụng rời. Ra đi vào cõi đời đới mà không kịp chuẩn bị hành trang gì cả, đó mới là đáng sợ. Bởi đó chúng ta phải cám ơn Chúa vì những tiếng chuông nhắc nhở của Ngài cho chúng ta lo chuẩn bị. Chuẩn bị thế nào ” Tiên vàn chúng con hãy tìm làm theo ý Chúa và góp phần xây dựng Nước Ngài, rồi mọi sự khác Chúa sẽ lo cho chúng con”.

  1. Cần lao (St 1,11-12 ; Ga 5,1-18)

Ca dao có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà”. Có lẽ thời trước người ta nhàn hạ hơn nên dám bỏ ra cả một tháng để “ăn chơi”. Còn thời nay chúng ta chỉ ăn Tết một vài ngày. Nhưng dù xưa hay nay, dù ăn Tết cả một tháng hay chỉ một vài ngày thì sau đó cũng phải làm việc trở lại.

Nghĩ đến công việc phải làm trong năm mới, có người thì ngao ngán, nhưng dù ngán cũng vẫn phải làm ; có người thì dửng dưng chẳng suy nghĩ gì cả, làm thì làm vậy thôi. Phần chúng ta, Giáo Hội dành ra ngày mồng 3 Tết để cầu nguyện cho công ăn việc làm trong năm. Hôm nay chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa để suy nghĩ về việc làm của chúng ta trong năm sắp tới.

Nếu đọc kỹ bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên. Xưa nay chúng ta tưởng rằng 2 ông bà nguyên tổ trong vườn Địa đàng chỉ ở không và hưởng thụ, không phải làm gì cả. Nhưng sách Sáng thế nói Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn địa đàng để “canh tác và giữ vườn”. Địa đàng là hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy con người phải “canh tác” nghĩa là phải làm việc để tạo ra. Và con người cũng cần phải “giữ vườn” nữa, nghĩa là hạnh phúc ấy con người phải gìn giữ thì nó mới tồn tại và con người mới tiếp tục được hưởng nó.

Như vậy, bài trích sách Sáng thế cho ta thấy mục đích thứ nhất của việc làm là để tạo ra hạnh phúc và gìn giữ hạnh phúc cho mình. Nói cách khác, mục tiêu thứ nhát của làm việc là “vì mình” và những người thân trong gia đình mình.

Còn bài Tin Mừng thì ghi lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát nên những người biệt phái trách rằng Ngài vi phạm luật nghỉ làm việc trong ngày đó. Để trả lời họ, Chúa Giêsu nói “Cha tôi vẫn làm việc luôn, cho nên tôi cũng làm việc”. Trong cuộc tranh luận này, cách suy nghĩ của những người biệt phái và Chúa Giêsu khác nhau.. Những người biệt phái chỉ biết có mỗi một việc làm của Thiên Chúa là tạo dựng, sau khi tạo dựng xong trời đất muôn vật thì Thiên Chúa nghỉ ngơi. Suy nghĩ như thế thật thiếu sót. Chúa Giêsu cho biết thêm rằng ngoài việc tạo dựng, Thiên Chúa còn quan phòng nữa, nghĩa là tiếp tục chăm sóc những loài Ngài đã dựng nên. Và việc chăm sóc này thì Ngài làm không bao giờ nghỉ. Nếu Chúa chỉ buông lơi một phút thôi không chăm sóc chúng ta thì chúng ta sẽ chết liền. Bởi thế Chúa Giêsu nói “Cha tôi làm việc liên lỉ”. Ngài còn nói tiếp “Cho nên tôi cũng làm việc”. Chúa Giêsu làm việc gì ? Thưa Ngài giảng dạy và cứu chữa những người bệnh tật đau khổ.

Như vậy, Chúa Giêsu cho ta hiểu việc làm còn có mục đích thứ hai nữa, là “vì người khác”, đặc biệt là những người khốn khổ.

Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy rõ hơn một số điều :

  1. Thứ nhất, làm việc là điều tốt đẹp cao cả. Ngay từ khi mới tạo dựng con người, dù Thiên Chúa cho nguyên tổ được sống hạnh phúc trong vườn Địa đàng, nhưng nguyên tổ vẫn phải canh tác và gìn giữ hạnh phúc được tượng trưng bằng khu vườn Địa đàng ấy. Chúa Giêsu và ngay cả Thiên Chúa cũng phải làm việc liên lỉ. Huống chi là chúng ta.
  2. Thứ hai, noi gương Thiên Chúa, chúng ta làm việc, không chỉ làm việc vì mình và những người thân của mình, mà còn để phục vụ và giúp đỡ những người khác, nhất là những người khốn khổ. Phải thành thật nhìn nhận rằng từ trước tới nay, chúng ta làm việc hầu như chỉ nhắm đến mỗi một mục tiêu là “vì mình” chứ không nhắm đến “vì người khác”.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sẽ làm trong năm cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp phải khi làm việc.

– Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong công việc

– Xin Chúa giúp để việc làm của chúng ta đem lại đủ nuôi sống bản thân và gia đình chúng ta.

– Xin Chúa mở rộng lòng, rộng tay của chúng ta để chúng ta biết chia sẻ thành quả công việc cho những người túng thiếu.

  1. Xin gì dịp đầu năm ? (Mt 6,31-34)

Trong những ngày đầu năm, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có chung một ước muốn, đó là xin Chúa ban ơn cho mình trong năm mới. Phần Chúa thì chắc hẳn cũng sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Vậy hôm nay chúng ta nên xin gì ?

Một người kia cứ xin Chúa ban ơn hoài. Chúa nghe mãi đến nỗi phải mệt. Vậy để giải quyết anh này, Chúa nói : “Bây giờ Ta quyết định ban cho con bất kỳ 3 điều nào mà con xin. Sau đó thì thôi Ta không ban ơn gì nữa cả”. Anh rất vui sướng và xin ngay : “Xin cho vợ con chết đề con cưới một người vợ khác tốt hơn”. Chúa nhậm lời, vợ anh chết. Nhưng khi bà con và bạn bè đến lo chôn cất vợ anh, họ nhắc lại những phẩm chất tốt của chị, khi đó anh mới tiếc và biết rằng mình đã quá hấp tấp khi xài lời xin thứ nhất. Anh đành phải xài thêm lời xin thứ hai : Xin cho vợ con sống lại. Chúa cũng nhậm lời. Thế là anh chỉ còn có một lời xin thôi. Đây là cơ hội cuối cùng nên anh suy nghĩ rất kỹ phải xin gì ?

– Một người bạn góp ý hãy xin cho được bất tử. Nhưng người khác nói bất tử có ích lợi gì nếu không có sức khoẻ tốt. Vậy hãy xin sức khoẻ.

– Nhưng một người khác nói sức khoẻ thì làm gì được nếu không có tiền. Vậy hãy xin tiền.

– Người thứ ba phản đối : tiền bạc có nhiều cũng vô ích nếu không có bạn. Hãy xin có thật nhiều bạn. Ý kiến này cũng có người khác phản đối nữa.

Tóm lại, muốn xin cái gì thì thoạt đầu thấy cái đó là tốt nhưng suy nghĩ lại thì thấy nó cũng chưa phải là tốt nhất. Anh chàng bối rối quá, chạy tới nói với Chúa “Xin Chúa dạy con biết phải làm gì bây giờ ?”. Chỉ vì bối rối quá nên anh mới nói với Chúa vậy thôi chứ anh nào ngờ đây là lời xin thứ ba và cũng là lời xin cuối cùng. Từ nay anh không còn được quyền xin gì nữa cả. Anh tiếc quá sức, gãi đầu gãi cổ và tự trách mình. Nhưng khi đó xảy ra một điều bất ngờ, bất ngờ hơn cả sự bất ngờ của anh khi thốt lên lời xin thứ ba. Sự bất ngờ này là Chúa mỉm cười hài lòng. Chúa nói : Con thật là khôn ngoan khi xin như vậy. Từ nay Ta sẽ chỉ cho con biết phải làm gì. Con chỉ việc nghe theo lời Ta chỉ dạy, và đời con sẽ được hạnh phúc, hạnh phúc muôn đời, hạnh phúc mãi mãi.

Câu chuyện trên đủ trả lời cho câu hỏi chúng ta đặt ra hồi nảy : Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta nên xin gì với Chúa.

– Xin cho được nhiều tiền chăng ? Nhưng phải chăng có nhiều tiền là hạnh phúc ? Chúng ta đã thấy nhiều gia đình rất giàu nhưng vợ chồng con cái đối xử với nhau rất tệ.

– Xin cho được sống lâu chăng ? Nhưng phải chăng sống lâu là hạnh phúc ? Có nhiều người sống lâu quá đến nỗi con cháu phát chán.

Chúng ta đang rơi vào tình trạng bối rối của anh chàng kia rồi. Vậy hãy hỏi Chúa xem ta nên xin gì.

Trong Tin Mừng, Chúa bảo : “Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính. Rồi mọi thứ khác Cha trên trời sẽ lo cho chúng con”. Trong ngữ vựng của Tin Mừng, “tìm sự công chính” có nghĩa là tìm thánh ý Chúa. Như thế, câu trả lời này giống y câu Chúa đã trả lời cho anh chàng kia : xin cho mình được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là lời xin khôn ngoan nhất, tốt đẹp nhất, quý giá nhất, vì xin điều này là sẽ được tất cả mọi điều khác.

Chắc là có người không tin. Vậy chúng ta hãy lý luận một chút. Những ai đã làm cha làm mẹ chắc hiểu rất rõ cha mẹ lo gì cho con cái và mong muốn gì nơi chúng. Có phải chăng ông bà anh chị em sẵn lòng lo cho con cái mình tất cả những gì cần thiết cho nó như cơm nước, quần áo, tiền bạc, vui chơi, sức khoẻ, học hành, tương lai v.v. Tóm lại là lo hết mọi thứ, dù cho mình thiều thốn nhưng mình cũng sẵn sàng lo cho con, miễn là nó hạnh phúc thôi. Và khi lo cho nó tất cả như vậy, ông bà anh chị em mong muốn gì nơi con cái mình ? Phải chăng chỉ mong muốn một điều duy nhất là nó biết nghe theo lời dạy bảo của mình. Nếu chúng ta có một đứa con thông minh, làm được rất nhiều việc nhưng luôn cãi cha cãi mẹ, thì chắc chúng ta không vui vẻ gì. Trái lại một đứa con ít thông mình, ít tài nhưng ngoan ngoãn, chịu khó làm theo lời mình dạy bảo thì một mặt nó làm vui lòng mình và mặt khác đời nó cũng thành đạt, bởi vì thực ra tất cả những gì mình chỉ dạy nó đều là để cho nó được tốt mà thôi, nếu nó nghe thì nó tốt.

Thì Thiên Chúa cũng thế. Có khác một điều là vì chúng ta là người phàm nên có nhiều điều chúng ta muốn lo cho con cái nhưng lo không nổi, một số điều ta dạy bảo chúng cũng chưa hẳn là hay nhất, tốt nhất. Phần Chúa thì toàn năng quyền phép vô cùng Chúa muốn lo cho chúng ta điều gì là Ngài thừa sức lo được. Ngài thông minh vô cùng nên Ngài dạy ta điều gì thì chắc chắn đó là đều hay nhất và tốt nhất.

Bởi vậy Chúa có đầy đủ lý do để nói rằng : chúng ta chẳng cần lo gì cả ngoài lo tìm biết và làm theo ý Chúa. Chúng ta cũng có đầy đủ lý do để tin một cách chắc chắn rằng xin cho được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là điều xin khôn ngoan nhất, được điều này là được tất cả những điều khác.

Tóm lại, điều chúng ta cần xin nhất là xin Chúa cho ta biết Ngài muốn ta làm gì ; điều chúng quyết tâm là trong năm nay ta sẽ lo tìm biết để thi hành ý Chúa, còn mọi sự khác chúng ta giao hết cho Chúa xin Ngài lo liệu cho chúng ta.

  1. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Sau những ngày nghỉ Tết, chúng ta sắp trở lại với công ăn việc làm thường ngày. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Chúa.

1- Người kitô hữu không chỉ có trách nhiệm xây dựng gia đình mình mà còn phải xây dựng Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi kitô hữu ý thức trách nhiệm của mình / và mỗi người tích cực góp phần xây dựng Hội Thánh.

2- Trong xã hội / vẫn còn rất nhiều người thất nghiệp / hoặc làm những nghề nghiệp bất chính / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người có trách nhiệm lãnh đạo Đất Nước / có thể đề ra những đường lối tạo công ăn việc làm tốt cho hết mọi người.

3- Chúng ta hãy đặc biệt hiệp lời cầu xin cho những người nghèo khổ / không có công ăn việc làm xứng đáng / xin Chúa thương ban cho họ luôn có lương thực hằng ngày.

4- Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thánh hóa việc làm hằng ngày của mình / và biết chia xẻ thành quả lao động cho những người túng thiếu hơn mình.

CT : Lạy Chúa, sau mấy ngày nghỉ ngơi, chúng con sắp trở lại với công ăn việc làm. Chúa đã ban cho chúng con đôi tay và khối óc. Xin Chúa giúp chúng con sử dụng chúng để siêng năng lao động, vừa lo cho cuộc sống bản thân, vừa phục vụ mọi người. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

  1. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Trong những lời chúng ta cầu xin với Cha chúng ta ở trên trời, chúng ta hãy đặc biệt xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, và xin cho chúng ta trong năm mới này được đủ lương thực hằng ngày.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin chúc lành cho mọi công việc chúng ta làm trong năm mới này. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

  1. GIẢI TÁN

Lấy công thức ban phép lành cuối lễ cách long trọng trong Sách lễ Rôma, trang 576.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây