GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy niệm - Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Suy niệm - Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
cn i tn cgs chiu phep rua





Tin Mừng: Mt 3,13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".



MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Thiên Chúa thể hiện chính mình như thế nào - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Phép rửa khiêm nhường - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 5: Chúa Giêsu chịu phép rửa--‘Làm nụ hoa trắng’ - GM. Giuse Vũ Duy Thống
Suy niệm 6: Điểm hẹn bất ngờ-- Với cả tâm tình - GM Giuse Vũ Duy Thống




Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Anh chị em thân mến!

            Mỗi lần cử hành lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sống Gioan bởi tay Gioan, chúng ta lại được nghe trình thuật Chúa Giê-su chịu phép rửa. Tân Ước có 3 trình thuật về việc Chúa chịu phép rửa và cả 3 đều nằm trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 1, 7 – 11; Mt 3, 13 – 17; Lc 3, 15 – 16. 21 – 22). Thường chúng ta có thói quen áp đặt một số hiểu biết giáo lý và thần học phép rửa lên các bản văn này mà không quan tâm tới chính sứ điệp bản văn, với tính độc đáo mà tác giả Tin Mừng muốn nhấn mạnh. Mẹ Hội Thánh hiểu rõ hơn ai hết, nên trong chu kỳ ba năm A, B và C đã cho con cái mình được nghe ba trình thuật Chúa Giê-su chịu phép rửa của ba thánh sử Matthew, Marco và Luca. Trong chia sẻ và suy niệm này, chúng ta dừng lại nơi trình thuật của thánh Matthew

            Đối với Matthew, trong cả Tin Mừng cũng như ở trình thuật này, không có sự quan tâm phân tích tâm lý về trải nghiệm phép rửa của Chúa Giê-su. Matthew không xem xét hay suy đoán trên những gì tiếp tục DIỄN RA trong linh hồn của Chúa Giê-su. Tác giả cũng không khuyến khích độc giả đặt câu hỏi liệu Chúa Giê-su đã biết Người là Con của Thiên Chúa, hoặc có một mối liên hệ duy nhất với Thiên Chúa hoặc, phép rửa của Chúa là dịp để lần đầu tiên làm cho sứ mạng trở nên rõ ràng đối với Người không. Matthew cũng không quan tâm tới những lý thuyết siêu hình về những gì xảy ra đối với con người của Đức Giê-su ở sự kiện Chúa phép rửa. Matthew làm rõ ràng rằng mình loại trừ cái nhìn, mà nói một cách siêu hình, Đức Giê-su trở nên một cái gì đó ở phép rửa mà trước đây không có (xem. Mt 1, 18 – 25). [1]

            Đúng hơn từ quan điểm của Matthew, trình thuật phép rửa của Chúa Giê-su mang tính Ki-tô học với hai tước hiệu  với hai tước hiệu CHÚA GIÊ-SU LÀ CON THIÊN CHÚA VÀ NGƯỜI TÔI TỚ GIA-VÊ ĐAU KHỔ. Trong khi hai tước hiệu này được nối kết chặt chẽ trong nguồn của Marco, thì Matthew, tuy hai tước hiệu này là quan trong với Matthew, và không phải là không có sự liện hệ giữa hai tước hiệu này, Matthew nhấn mạnh hơn tới chân dung CHÚA GIÊ-SU LÀ TÔI TỚ GIA-VÊ ĐAU KHỔ:  Tự nguyện vâng phục thánh ý Chúa Cha; vâng phục trong khiêm hạ và làm cho mọi người thành tôi tớ của Thiên Chúa

            Trong khi Marco và Luca không nhấn mạnh tới tính chủ động của Chúa Giê-su đến xin Gioan làm phép rửa (Mc 1, 7 – 11; Lc 3, 15 – 16. 21 – 22), thì Matthew nhấn mạnh tới điều này “Bấy giờ, Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình.”Chúa Cha khi sai Chúa Con đến thế gian để hoàn tất kế hoạch yêu thương của mình với nhân loại, Người cũng trao cho Chúa Con toàn quyền. Chúa Giê-su ý thức rất rõ điều này qua lời khẳng “Chúa Cha đã trao cho Tôi toàn quyền” để thực thi sứ mạng. Do đó, Chúa Con được hoàn toàn tự do để hành động hoặc theo ý Cha hoặc theo ý riếng của mình. Trình thuật về cơn cám dỗ trong hoang địa trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su là minh chứng rõ ràng về điều này. Cơn cám dỗ giữa làm theo ý mình và ý Cha theo Chúa Giê-su trong suốt cuộc đời. Bởi đó, sự chủ động của Chúa Giê-su đến với Gioan là biểu hiện của sự tự nguyện vâng phục Cha trong tình yêu, vốn đã khởi đầu nơi mầu nhiệm nhập thể (Philipphe 2, 2 – 11). Matthew khéo léo và tinh tế khi cho thấy, khác với những người trước đến xin Gioan làm phép rửa, ở đây, Chúa Giê-su trở thành người làm chủ toàn bộ khung cảnh. Và điều này được chứng thực qua phản ứng của Gioan Tẩy Giả trước yêu cầu của Chúa Giê-su. Thánh Matthew mở đầu bằng thái độ kiên quyết của Gioan “một mực can ngăn Chúa” và nói “Chính Tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi.”

            Động từ “can ngăn” được hiểu là, một ước muốn để ngăn cản, một cố gắng để thay đổi suy nghĩ, khuyên lơn, từ chối yêu cầu với thái độ chống đối, và thâm chí yêu cầu Chúa Giê-su dừng lại, rút lại quyết định của mình nhưng bất thành. Gioan dường như muốn nói với Chúa Giê-su rằng: Ngài không nên làm điều này bởi đó là chuyện ngược đời. Gioan giải thích lý do cho hành động can ngăn của mình “chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa.” Rõ ràng Gioan nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cao Trọng hơn ông vì thế, ông muốn đảo ngược lại yêu cầu và hành động “Giê-su rửa cho ông chứ không phải ông rửa cho mình.”Câu hỏi của Gioan “vậy tại sao ông lại đến với tôi?” Cái gì là lý do sâu sa cho sự ngược đời và yêu cầu của Chúa Giê-su? Gioan dường như cần một câu trả lời khả dĩ thuyết phục ông làm theo yêu cầu của Chúa.

            Đáp trả của Chúa Giê-su “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.”Đây là những lời đầu tiên của Chúa Giê-su trong Tin Mừng này. Chúa Giê-su không phê bình thái độ kiên quyết của Gioan. Phản ứng của ông không có gì sai vì quả thật Người lớn hơn ông Gioan. Nhưng đây là lúc, cả hai chúng ta, cùng làm và nên làm để giữ trọn đức công chính. Chữ công chính ở đây trong Tin Mừng Matthew, theo một học giả Kinh Thánh, cần được hiểu theo cách dùng của nó trong Cựu Ước. Sự công chính của Thiên Chúa liên hệ tới những hành động công chính của Thiên Chúa bởi đó, Người mang ơn cứu độ đến cho dân của Người. Sự công chính trong thực tế đồng nghĩa với “ơn cứu độ,” và Đấng Messia có lẽ được liện hệ với như Thiên Chúa là sự công chính của chúng ta. Do đó, cũng như Giu-se, biệt danh người công chính, bằng việc vâng phục Thiên Chúa, dân Chúa trở nên liên đời trong các hoạt động cứu thoát của Thiên Chúa “hãy làm điều công chính, ơn cứu độ của chúng ta sẽ đến.” Tóm lại, giữ trọn đức công chính là “làm theo thánh ý Thiên Chúa được mạc khải” nơi chính Đức Giê-su. Bây giờ không phải là lúc giữ sự tôn trọng của người dưới với người trên nhưng là cùng nhau tuân phục để thánh ý Chúa được nên trọn. Động từ nên trọn ở đây vừa có thể hiểu là “hãy làm theo ý của Chúa Giê-su” vừa theo nghĩa, nhờ hành động này, ý muốn của Thiên Chúa được loan báo qua các ngôn sứ giờ được nên trọn trong Đức Giê-su, bắt đầu với phép rửa của Người trong tư cách của một người tôi tớ khiêm hạ.

Để làm sáng tỏ hơn điều này, chúng ta cùng xem xét bản văn tiếng từ trời tuyên bố Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và tôi tớ đau khổ; Tuy không giảm thiểu bức tranh của Chúa Giê-su như Con Thiên Chúa, Mathew nhấn mạnh chân dung Chúa Giê-su như Người Tôi Tớ Gia-vê: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người.” (c. 17) phản chiếu bài ca thứ nhất của người Tôi Tớ Gia-vê trong Isaia (42, 1). Matthew sau đó trong (12, 18 – 21) trích toàn bộ bài ca người tôi tớ (Is 42, 1 – 4). Đây là đoạn trích Kinh Thánh Cự Ước dài nhất trong Tin Mừng của mình, và nó như là một kết luận tóm kết phần I của Tin Mừng này, trình bày đáp trả của Chúa Giê-su với cuộc xung đột mà sự xuất hiện của Người khởi sự. Chân dung Người Tôi Tớ điền vào nội dụng của chân dung Con Thiên Chúa, vì thế, tác động đến cách thức Chúa Giê-su hoàn thành sứ mạng của mình. Một cách chính xác như Đấng Quyền Năng hơn, sẽ rửa anh em trong Thánh Thần; như Con của Đa-vit và Con Thiên Chúa, Người tuân phục để nhận phép rửa bởi tay của một người thấp hơn (πραΰς praus, cũng được dịch là người khó nghèo, bé nhỏ; cf. 11:29; 21:5)[2]. Mặc dù Người là Con Thiên Chúa, Người đã được rửa trong sự vâng phục với thánh ý của Thiên Chúa để thành Đấng Vâng Phục. Sự vâng phục của Chúa Giê-su, đã dẫn tới sự hiến dâng của Người trên thánh giá (27, 43) đã được dự báo trong lời cầu nguyện của Người (Mt 26, 42).

Lạy Chúa Giê-su, mừng lễ Chúa chịu phép rửa là cơ hội ân sủng để chúng con chiêm ngắm sự cao cả của Chúa được thể hiện trong sự khiêm hạ của một tôi tớ vâng phục thánh ý Chúa, để ơn cứu độ của chúng con được khai mở và hoàn thành nơi “phép rửa là chính cái chết cứu độ của Chúa trên thánh giá.” Với ý nghĩa này, lễ này cũng là dịp để chúng con nhớ lại cuộc dìm mình của chúng con trong Bí Tích Thánh Tẩy và cách chúng con trở nên con Thiên Chúa bằng lối sống khiêm nhường tự hạ trong yêu thương phục vụ và hiến dâng như Chúa của chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra, đôi khi như Gioan, những cư xử đúng mực của con người của chúng con, tuy không sai nhưng lại không đúng lúc, đúng với ý Chúa muốn, nhờ đó, chúng con có thể vượt qua những cám dỗ ấy để cùng nhau làm theo ý muốn Công Chính của Chúa. Amen

 

[1] Sau này trong lịch sử Ki-tô học, có lạc thuyết cho rằng, Chúa Giê-su chỉ được Chúa Cha nhận làm con qua lời tuyên bố từ trời sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa và lên khỏi nước

[2] M. Eugene Boring, “The Gospel of Matthew,” in New Interpreter’s Bible, ed. Leander E. Keck, vol. 8 (Nashville: Abingdon Press, 1994–2004), 161.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 2: Thiên Chúa thể hiện chính mình như thế nào - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa không giống như chúng ta chịu Phép Rửa, đó là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ chính mình. Chúng ta hãy xem Thiên Chúa qua Đức Giêsu, đã biểu lộ về chính Ngài như thế nào.

Bài đọc thứ nhất được trích từ sách tiên tri Isaia chương 42. Đó là bài ca thứ nhất trong số bốn bài ca về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Cả bốn bài đều thuộc về phần thứ hai của sách này và được viết vào thời dân Do Thái sống kiếp nô lệ bên Babilon. Đặt vào bối cảnh như thế mới hiểu tại sao một dân tự hào mình là dân của Thiên Chúa mà lại chấp nhận hình ảnh về Đấng Messia “không còn dáng vẻ người ta” (x. Is 52,14) như vậy! Thiên Chúa biểu lộ về mình như là người thấp hèn và hiền lành:

“Người sẽ không kêu to, không nói lớn,

không để ai nghe tiếng giữa phố phường.

Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy,

tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.” (Is 42,2-3)

Sự khiêm hạ và liên luỵ của Thiên Chúa được thể hiện nơi một Đức Giêsu đi vào dòng người ăn năn sám hối đến chịu phép rửa do ông Gioan cử hành. Ông Gioan không dám đón nhận một Đấng Messia như vậy, nhưng Đức Giêsu bảo ông cứ làm thế. Thiên Chúa biểu lộ sự công chính của Ngài không phải bằng vị trí ở trên và cách xa, nhưng bằng sự khiêm hạ và liên đới với con người tội lỗi, dù Ngài không phải là tội nhân. Thiên Chúa mang lấy cùng một số phận với con người để thống trị trên ma quỷ đang hoành hành nơi họ và để chữa lành họ (bài đọc II).

Thiên Chúa cao cả thì muốn đồng hành, gần gũi và chữa lành cho con người thấp hèn, còn con người lại muốn mình trổi trang hơn người khác, thống trị, ở trên, ở xa đồng loại và có khi vì thể hiện quyền bính mà gây ra đau khổ cho người khác. Chính khi tự phụ, con người lại trở nên thật là khác biệt với Thiên Chúa!

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-    Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Is 42, 1-4.6-7 và Cv 10, 34-38 qua lăng kính Mt 3, 13-17, Phụng vụ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (Năm A) hôm nay cho thấy trong thân phận tự huỷ làm người, thể theo thánh ý của Cha, để được công bố là “Con yêu dấu của Cha”, và được Thánh Thần xức dầu tấn phong, Đức Giêsu-Kitô đã tự nguyện kinh qua con đường của phép rửa, của Thập Giá (chết và Phục sinh), theo khuôn mẫu dung mạo người tôi trung của ngôn sứ Isaia, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 42, 1-4.6-7 : ở đây, qua dung mạo người tôi trung của Đức Chúa, ngôn sứ Isaia hé lộ cho thấy dung mạo của con đường Thập Giá và phép rửa của Đức Giêsu-Kitô [“Đức Chúa phán : ‘Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quí mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân…Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm’.” (42, 1.4c.7)]… 

(2) Thứ đến, trong Cv 10, 34-38 : ở đây, cho thấy chính Thánh Thần đã tấn phong Đức Giêsu-Kitô để Ngài thực hiện vai trò và phận vụ Con và Tôi Trung của Cha [“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói : ‘…Quí vị biết rõ : Đức Giêsu xuất thân từ Nadaret, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài’.” (10, 34a.38)]…

(3) Sau cùng, trong Mt 3, 13-17 : ở đây, cho thấy dù chỉ mới bắt đầu kinh qua con đường phép rửa, trong đó với sự chứng giám của Thần Khí, Cha đã công khai tuyên bố Đức Giêsu-Kitô chính là Con yêu dấu của Ngài [“Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Ngài lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Và có tiếng từ trời phán rằng : ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài’.” (3, 16-17)]…

 

2-    Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) “Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. Vậy, các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt 28, 18-19)…

(2) Tất cả mọi tín hữu hay Giáo hội chỉ là kitô thực sự, khi qua con đường phép rửa và Thập Giá, trở nên hiện trường trong đó Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi được cử hành, được tuyên xưng và được sống : đó là những nội hàm ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy…


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 4: Phép rửa khiêm nhường - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt


Sông Giođan, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn: TN1-A22

Sông Giođan, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m. Suốt 220km đường dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Halê, chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê nơi Đức Giêsu thường qua lại và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam đổ vào biển Chết. Ở đây là độ sâu 394m dưới mực nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Đức Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa. Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý, mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Đức Giêsu đã hoà mình vào dòng người tội lỗi cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Đức Giêsu không cho mình cái quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng sinh ta đã được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, làm một người nhỏ bé nghèo hèn, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay bắt đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ với quần chúng. Đức Giêsu đã tới dìm mình trong dòng sông Giođan. Để chuẩn bị ra gặp loài người. Đức Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm. Đức Giêsu chưa cảm thấy mình gần gũi với nhân loại. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người dìm mình xuống dòng sông Giođan, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả mọi dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vất nơi thân xác nhân loại của Người, tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách để Người thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước Giođan dù có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa, vì khiêm nhường là tự quên mình, là chết đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong Nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không? (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói: Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng của tình yêu đối với ta đó là: sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt, đó là sự khiêm nhường hòa mình vào đoàn lũ những tội nhân. Đến dìm mình trong dòng sông Giođan, tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xóa đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần phải được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến lên lãnh nhận phép rửa của Đức Giêsu,  để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Đức Giêsu, ta vẫn có thể thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm gội trong dòng nước khiêm nhường như lời vua Đavít nói: “Lễ dâng Cha là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát dày vò. Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về với Cha, sống trọn tâm tình của người con hiếu thảo. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói với ta như nói về Đức Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con”.

Lạy Đức Giêsu! xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
 

Suy niệm 5: Chúa Giêsu chịu phép rửa--‘Làm nụ hoa trắng’ - GM. Giuse Vũ Duy Thống
 

Tuần trước là lễ Ba vua cũng gọi là lễ Hiển Linh. Một em bé đến với tôi tâm sự và cho biết: gọi là lễ Ba Vua thì em hiểu có ba vua dâng của lễ như Phúc Âm đã tường thuật và như Hang đá thường trình bày, nhưng gọi là Hiển Linh thì em không hiểu. Em xin giải thích cho em hiểu “hiển linh” là gì. Tôi giải thích bằng cách cắt nghĩa chữ đơn giản: hiển là tỏ lộ ra, linh là linh thánh (là Thiên Chúa); hiển linh là Chúa tỏ mình ra. Em “vâng dạ”, nhưng nhìn vào mắt em tôi biết em chưa hiểu.

Trên bàn tôi lúc đó có tấm phim nhựa nhỏ và tấm ảnh màu rửa cỡ lớn. Tôi đưa tấm phim cho em xem và hỏi em có nhìn thấy không. Em xoay ngược xoay xuôi xoay ngang xoay dọc biết rằng có hình người nhưng chịu không nhìn rõ ai cả. Tôi đưa tiếp cho em tấm ảnh mới rửa từ tấm phim ấy và em reo lên mừng rỡ đồng thời kể tên vanh vách những người trong ảnh. Thấy em vui tôi cũng vui lây. Và trong niềm vui ấy tôi tiếp tục giải thích cho em về chữ “hiển linh” một cách cụ thể. Thiên Chúa vẫn có đó như hình vẫn có ở trong phim, nhưng ta chỉ thấy Ngài khi Ngài tự tỏ mình ra như hình được in rõ ra trong tấm ảnh vậy. Tôi thấy mắt em cười và bước ra khỏi phòng tôi trong tư thế nhảy chân sáo như vừa khám phá ra một điếu gì lớn lao lắm. Tôi nhìn theo em và thầm nghĩ: có lẽ Thiên Chúa đang tỏ mình ra cho em.

Thiên Chúa tỏ mình ra là một chủ đề lớn đã trở thành mối bận tâm cho mọi người Kitô hữu trên đường tìm Chúa, mà em bé tôi kể ở trên chỉ là một điển hình; đồng thời đó cũng là chủ đề xuyên suốt cả toàn bộ Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, các chiến tích lẫy lừng, và cũng rất thường trong những biến cố kinh thiên động địa như biến cố “Vượt Qua” với vách nước vựng đứng mở lối cho dân Do Thái ra đi trên biển, rồi cột lửa soi sáng ban đêm và áng mây tạo bóng mát ban ngày… Nhưng từ ngày Con Chúa làm người, Thiên Chúa lại chỉ tỏ mình ra qua con đường tự hạ. Bài Phúc Âm hôm nay là khởi đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu tự hạ chịu phép Rửa và tỏ mình trong vinh quang Ba Ngôi là một ví dụ rõ rệt. Nhưng Chúa Giêsu tự hạ thế nào và tỏ mình ra sao trong suốt cuộc đời của Người? Ngày nay Chúa còn tỏ mình ra cho con người hay không?

Tự hạ.

Ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tự bỏ trời cao bước xuống thế trần để nhận lấy kiếp người trong Hình hài một thơ nhi bé bỏng, lại sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa vinh quang nhưng đã để vinh quang đó lại trên trời như lời hoan ca của các thiên thần xác định, mà chỉ ôm hai chữ “bình an” xuống thế làm một con người bình thường giữa muôn người bình thường khác.

Thiên Chúa sinh ra mọi loài nay chịu sinh ra bởi một người phụ nữ. Thiên Chúa vô hình nay bước xuống hữu hình, Thiên Chúa vô biên nay đón nhận mình vào những giới hạn. Thiên Chúa giàu sang nay tự hạ làm kẻ nghèo hèn.

Khởi đầu cuộc sống công khai, Thiên Chúa làm người ấy – Chúa Giêsu, lại tự hạ hơn một bước nữa khi rước vào đời mình kiếp sống tội nhân đến song Giođan và xin ông Gioan chịu phép Rửa. Người chấp nhận bầu bạn và đánh chén với những người tội lỗi đã đành như Phúc Âm vẫn kể, Người còn chịu nhận mình là một tội nhân xếp hàng đứng chung với những tội nhân khác để đợi tới phiên mình cuối đầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đã thánh thiện mà nhận mình là người tội lỗi, Thiên Chúa tuyệt đối không mang tì vết mà lại cầu xin ơn tha thứ làm lại cuộc đời như một người hư hỏng. Sự tự hạ của Chúa thật không hiểu nổi. Chưa hết, kết thúc cuộc đời trần thế, trên đỉnh Núi Sọ cũng gọi là cao điểm tuyệt đối của sự tự hạ, Chúa Giêsu chịu chết nhục hình giữa hai tên trộm cướp. Người bị giết như một kẻ tử tội. Cái chết thê thảm mà ngày nay các tượng thánh giá bằng kim loại quý đeo trên ngực hay được vẽ vời đánh bóng trong các giáo đường không diễn tả được. Phúc Âm kể: Người chết dữ.

Thiên Chúa quyền uy đã để cho người ta trói lại và xét xử. Thiên Chúa hằng sống đã tự hạ để người ta giết chết. Ôi lạ lùng!

Tỏ mình.

Nhưng tự hạ lạ lung đến thế để làm gì? Nếu để phô trương danh thế tiếng tâm thì chỉ là dại dột mà kẻ dại nhất trong loài người cũng không dại dột đến thế. Sự tự hạ của Chúa Giêsu là một phương tiện để Người tỏ mình ra:

Sinh ra như một trẻ nghèo hèn giữa cánh đồng trong Hang đá Bêlem, Người tỏ mình ra là một Thiên Chúa vinh quang, như lời hát đồng thanh của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”

Bước xuống đất đen của con người cần được thanh tẩy và xếp hàng đứng chung với các tội nhân chờ được dìm xuống trong nước, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối có quyền quyết định trên trời dưới đất, như Phúc Âm mô tả: “các tầng trời mở ra”. Lãnh nhận phép Rửa trong nước, Người tỏ mình ra là Đấng sẽ khai sinh phép Rửa trong Thánh Thần, như hoạt cảnh Tin Mừng trình bày: “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên người như chim bồ câu”. Mang vào mình thân phận tội lỗi nhân loại đến tận gốc nguồn là sự phản bội của Adam, Người tỏ mình ra là Con Chí Ái của Chúa Cha từ thuở đời đời, như tiếng từ trời giới thiệu: “Này là con Ta yêu dấu hằng làm đẹp lòng Ta”.

Và chính khi trần trụi bên dòng nước cầu ơn tha thứ, Người xuất hiện là một ngôi vị trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa ngời sáng uy linh. Nếu có bài hát “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”, thì ở đây có lẽ phải hình dung là ca khúc “uy linh uy linh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Cuối cùng, chết nhục hình như tên tử tội bị kết án, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban ơn cứu độ giải xá cho hết mọi người.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình.

Thiên Chúa vinh quang tỏ mình ra cho nhân loại bằng con đường tự hạ. Cái sang của đạo dường như ấn giấu trong bức màn tăm tối, đúng như Lão tử nhận xét về một đạo chân chính: “Minh đạo nhược muội”. Nếu lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa tỏ mình ra, thì ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho ta, dĩ nhiên trong Phụng Vụ, Bí Tích và Giáo Hội, nhưng Ngài còn thích hơn khi tỏ mình ra cho ta qua cuộc sống thường nhật, qua những biến cố, những sự kiện, qua những con người ta gặp gỡ và qua những bổn phận âm thầm mỗi ngày. Cánh Ngài tỏ mình ra cũng vẫn là cách tự hạ khiêm nhường nhỏ bé tối tăm và thầm lặng.

Trời chỉ mở ra với vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa khi Chúa Giêsu vì yêu thương đứng chung với hàng ngũ tội nhân và cầu nguyện. Muốn gặp thgấy Thiên Chúa tỏ mình, chúng ta cũng phải liên kết với Ngài bằng sám hối cầu nguyện và bằng tinh thần liên đới yêu thương chia sẻ cuộc sống với những người khác.

Giữa năm 1984, ở Thụy Sĩ người ta đã phát thử thành công tivi màu với hình ảnh nổi, nghĩa là có chiều sâu của khung cảnh và người xem dường như thấy mình đang góp mặt trong khung cảnh ấy. Nhưng muốn thưởng thức, phải mang một gọng kính có hai tròng mắt khác màu nhau, một xanh một đỏ và phải ngồi đúng vị trí đối diện trực tiếp với màn ảnh. Thiên Chúa vẫn tỏ mình nổi bật trên cuộc sống từng người. Muốn gặp Ngài, hãy ngồi vào vị trí đức tin và đeo gọng kính với hai tròng cầu nguyện và yêu thương.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 6: Điểm hẹn bất ngờ-- Với cả tâm tình - GM Giuse Vũ Duy Thống
 

Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố. Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy”. Ừ nhỉ! Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?

Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ”. Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.

1) Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.

Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay. Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.

Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần. Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế. Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.

Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi. Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ. Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn. Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.

Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa”. Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh. Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.

2) Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái.

Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.

Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân. Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.

Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.

Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa.

Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu. Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần. Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?

Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.

Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người. Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây