GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy Niệm Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo

Suy Niệm Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo
SUY NIỆM LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

               
Anh chị em thân mến! nhân ngày khánh nhật Truyền Giáo, dưới ánh sáng của Lời Chúa và sứ điệp truyền giáo năm 2021 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, và Chúa Giê-su gương mẫu của các nhà truyền giáo, tôi xin chia sẻ một vài suy niệm của mình về chân dung của nhà truyền giáo – một người sống hòa hợp với Chúa, với người nghe, với thiên nhiên vũ trụ và chính mình
  1. Nhà Truyền Giáo phải sống hòa hợp với Thiên Chúa
               
Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất đã viết “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình người.” Rõ ràng, nhà truyền giáo, xét như một toàn thể Israel hay cá nhân, phải có khả năng hòa hợp với Thiên Chúa là ánh sáng. Israel hay nhà truyền giáo trở thành người hấp thụ ánh sáng của chính Thiên Chúa vào mình cách trọn vẹn vào mình đến độ, “trên mình họ Chúa đang đứng dậy” và vinh quang của Người bừng dậy trên mình họ. Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chú giải lời tuyên bố của Chúa Giê-su “các con là ánh sáng thế gian” được ví như một lời phong chức Thiên Chúa cho những ai bước theo Người.Sự hòa hợp này là hòa hợp của tình yêu khiến nhà truyền giáo và chính Đấng là sứ điệp nên một với nhau. Họ không còn là hai nhưng là một. Họ trở nên rực rỡ và con tim của họ sẽ rạo rực và phông lên như trong ngày hôn lễ.


Chứng kiến niềm vui hòa hợp của tình yêu, chư dân tìm về sự sáng của họ, các vua hướng về ánh bình minh của họ để mong được trải nghiệm niềm vui tuyệt vời ấy. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong sứ điệp truyền giáo nhắc rằng: nhà truyền giáo, qua Đức Giê-su Ki-tô, con người cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, phải thấy được Thiên Chúa và tình yêu thương cùng sự quan tâm của Người. Không phải sáng kiến của con người, nhưng chính tình yêu và lòng biết ơn của nhà truyền giáo với Thiên Chúa và ân sủng của Người thúc đẩy họ không thể không nói ra những gì họ đã thấy và trải nghiệm
               
Đoạn Tin Mừng theo thánh Marco khẳng định sứ vụ truyền giáo xuất phát từ lênh truyền của Chúa Giê-su, nhưng quan trọng hơn, trước khi sai các ông đi truyền thông sứ điệp Tin Mừng, Chúa đã ban cho họ quyền năng của Chúa, để các ông được hành động nhân danh Người, nghĩa là hành động trong quyền năng và sức mạnh của Người. Chúa Giê-su của Matthew còn khẳng định trước khi trao phó sứ mạng truyền giáo cho các tông đồ “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” và giờ được trao lại cho các nhà truyền giáo. Trong khi Chúa Giê-su của Luca lại căn dận các nhà truyền giáo “các con chớ rời khỏi Giê-ru-sa-lem để thi hành sứ mạng chứng nhân cho Người nếu chưa nhận quyền năng là Thánh Thần từ trên cao ban xuống.”  Thánh Phaolo cũng chung xác tín: ơn gọi truyền thông Tin Mừng cho dân ngoại là ơn Thiên Chúa tuyển chọn qua cuộc gặp gỡ với ĐKT Phục Sinh trên đường Đa-mat “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Ki-tô, cũng là con người. Người đã phó mình làm gia chuộc thay cho nhiều người…Người đã phó mình làm giá chuộc thay cho mọi người, để nên chứng ta trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng và tông đồ.” Không sống hòa hợp với Chúa trong tình yêu, nhà truyền giáo chỉ thông truyền một ngẫu tượng, một Thiên Chúa không phải của Đức Giê-su Ki-tô và vì thế, không thể mang lại niềm vui cứu độ cho con người

               
Nói theo cách của Domini Chenu: truyền giáo là một nỗ lực không ngừng để Thiên Chúa của hôm qua và con người hôm nay gặp nhau trong chân lý và tình thương. Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nhưng được viết cho con người “hôm qua” và vì thế, các thánh ký đã phải dùng ngôn ngữ, hình ảnh, hình thức văn chương, văn hóa, truyền thống “hôm qua” để diễn đạt sứ điệp của Lời cho con người “hôm qua,” nhờ đó họ có thể đón nhận được Lời Cứu Độ trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Bởi đó, nhà truyền giáo phải có khả năng “tách biệt” sứ điệp “nguyên thủy” của Lời Chúa ra khỏi những lớp vỏ văn chương lịch sử, văn hóa bằng việc cha Bevan gọi là “khả năng chú giải Thiên Chúa.”

Ở chiều ngược lại, nhà truyền giáo cũng phải có khả năng hiểu được con người “hôm nay, lúc này” từ bên trong, tự vị thế của họ để chọn những hình ảnh, ngôn ngữ, thể loại văn chương diễn tả cho phù hợp. Nói theo cách của Bevan, nhà truyền giáo phải có khả năng chú giải Thiên Chúa nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa nơi hoàn cảnh cụ thể của người nghe và chú giải con người. Chỉ khi nào nhà truyền giáo làm được điều này, Thiên Chúa hôm qua và con người hôm nay lúc này mới gặp nhau trong tình yêu và chân lý cứu độ. Thiếu một trong hai, nhà truyền giáo sẽ thất bại trong sứ vụ của mình.
               
Chúa Giê-su là Lời của Thiên Chúa nhưng cả cuộc sống của Người, từ những tháng năm sống ẩn dật nới làng quê Nagiaret, rồi trong suốt thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, thậm chí đến cuộc khổ nạn và phục sinh của mình, Chúa Giê-su không ngừng nối kết với Cha trong cầu nguyện để tìm thánh ý Cha muốn và loan báo cho con người trong những hoàn cảnh cụ thể của mình. Chúa đã nhiều lần nói về tương quan này: Chúa là cây nho và Chúa Cha là người trồng nho; Lương thực của Tôi là thi hành ý muốn của Cha Tôi. Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi. Tôi và Cha Tôi là một. Người không làm theo ý mình, rao giảng mình mà Thiên Chúa và vương quốc của Người. Cái chết của Người được Gioan trình bày như hoàn tất kế hoạch yêu thương cứu độ mà Thiên Chúa ủy thác cho Người
  1. Nhà truyền giáo phải sống hòa hợp với con người
Để có thể sống hòa hợp với con người và giải thoát cứu độ họ, Ngôi Lời không chỉ nhập thể làm người, “thành xác phàm ở giữa nhân loại,” mà còn sống giống như con người trong mọi sự ngoài trừ tội lỗi. Để chuẩn bị cho gần 3 năm rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa đã dành 30 năm sống ẩn dật nơi làng quê Nagiaret. Thánh Luca kết thúc trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giê-su với những lời “Người càng lớn càng thêm khôn ngoan và ân nghĩa trước Thiên Chúa và con người.” Người hội nhập đến độ những người cùng quê với Người chỉ thấy Người là con bác thợ mộc Giuse và mẹ Người là bà Maria. Thánh Công Đồng Vatican 2 đã diễn tả “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã lao động bằng đôi tay con người. Suy nghĩ bằng khối óc của con người. Hành động bằng ý chí của một con người. Và yêu thương bằng trái tim của một con người.” Thư Do Thái viết tuyệt vời hơn nữa: khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giê-su đã lớn tiếng rơi lệ cầu xin Thiên Chúa cứu mình khỏi chết. Và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải học bài học vâng phục do những đau khổ Người chịu. Và khi bản thân tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu thoát cho những ai tùng phục Người.” Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô đã chọn chỗ chót nhất để không ai có thể xuống thấp hơn được. Chính từ nơi thấp nhất là cái chết, Chúa đã hiểu được nỗi bất hạnh của kiếp người hơn cả chúng ta và nâng chúng ta lên với Người.
 
Những tháng năm ẩn dật của Chúa là thời gian để học cách “chú giải con người với những gì cụ thể của nó” để có thể mang sứ điệp cứu độ cách phù hợp với con người “ở đây lúc này.” Đọc những dụ ngôn của Chúa, những hình ảnh Chúa dùng “mục tử, người đàn bà xay bột, trộn men vào bột, muối, ánh sáng, người gieo giống…” chúng ta mới hiểu được Người không chỉ mang mùi chiên mà thực sự trở nên Chiên Thiên Chúa gánh tội trước khi là mục tử  Nhân Lành. Người mang sứ điệp cứu độ không như một người bên trên ban phát nhưng như một người cùng chung chiến tuyến với con người, mang ưu tư khát vọng của họ và dẫn đường họ đi tới cuộc sống mới như Thiên Chúa muốn. Bởi đó, Người tuyên bố “Thầy là Đường, Sự Thật và Sự Sống.”Thánh Phaolo diễn tả: Người là Trưởng Tử từ cõi chết sống lại. Người lên trời dẫn theo một đàn em đông đúc. Người đi trước dọn chỗ cho những người anh em của mình và khi hoàn tất, Người trở lại để đem họ về với Người, để Người ở đâu, họ cũng ở đó.


Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất cho thấy, dân Israel nhìn như một tập thể truyền giáo, đang sống giữa cảnh “tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân.” Chỉ khi sống trong bóng tối ta mới cảm nghiệm được những nguy hiểm của bóng tôi và sự cần thiết của ánh sáng, nhất là một ánh sáng không bao giờ tàn lụi. Chính trong bóng tối, nhà truyền giáo mới có thể chỉ rõ thứ ánh sáng duy nhất không bao giờ tàn là chính Thiên Chúa. Nhờ vậy muôn dân tìm về ánh vinh quang của Thiên Chúa đang bừng dậy trên mình họ

Khi truyền lệnh cho các môn đệ, Chúa Giê-su nói “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên ha, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Rõ ràng Chúa muốn các môn đệ phải đi đến những nơi chưa được biết đến Tin Mừng cứu đô. Trước đó, Chúa Giê-su cũng dặn các môn đệ: vào nhà nào các con hãy ở lại trong nhà đó cho đến lúc ra đi; hãy ăn những thứ người ta dọn ra cho các con. Chúa muốn các môn đệ, những nhà truyền giáo phải nên người sống giữa những người nghe Tin Mừng; hội nhập vào môi trường để“ăn cùng sống cùng của họ.” Trong một lời, nhà truyền giáo phải để người nghe sứ điệp nhận ra họ là bạn đồng hành, là anh chị em trong một gia đình trước hết và trên hết. Hay như cách diễn tả của Chúa Giê-su qua dụ ngôn người Samaritano: Nhà truyền giáo phải để người xa lạ thậm chí thù địch nhận ra mình anh em bạn hữu qua sự hy sinh phục vụ.
 
Sự hòa hợp đạt đến độ chín trong tình yêu. Nhà truyền giáo vừa yêu mến Chúa hết lòng hết sức vừa yêu những người mình sống giữa, sống với với trọn trái tim. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô dùng cách nói “mục tử (nhà truyền giáo) phải mang mùi chiên, thấm đẫm mùi chiên nghĩa là cùng ăn cùng ngủ với chiên,” và phải đi đến những vùng ngoại vi xa xôi. Muốn mang mùi chiên và để chiên nhận ra mùi của mình, người mục tử phải theo gương Đấng “đến cắm lều giữa chiên,” lang thang với chiên trong hành trình kiếm sống giữa bao hiểm nguy. Tôi nghĩ tới những linh mục chủng sinh tu sĩ nam nữ dấn thân vào tâm dịch để cùng sống, cùng đối diện với nguy hiểm và đồng hành với bệnh nhân trong những khoảnh khắc bi thương, hy vọng và cả nỗi thất vọng nữa. Họ chính là những nhà truyền giáo tỏa sáng sức mạnh của Thiên Chúa và tình yêu của Người giữa chôn tối tăm. Họ như đóa sen ở giữa đầm lầy không tanh mùi bùn; ánh sáng để trên giá cao soi lối cho mọi người. Một tu sĩ đã tâm sự về một bệnh nhân trong những ngày cuối đời. Anh đã hỏi người tu sĩ về Chúa và cảm phục vị Chúa của anh tin theo. Vâng! Một khi sống hòa hợp với con người bằng sức mạnh của chính Chúa, không phải chúng ta nói về Chúa mà chính là người ta hỏi chúng ta vê Chúa để đến với Người. Tôi nhớ đến câu chuyện của một nữ tù nhân Công Giáo với một người tù vô thần. Bỏ qua một bên chuyện tranh luận về sự đồng trinh của Đức Maria giữa người tù Công Giáo và Tin Lành, cô ngày ngày lo cơm cháo cho người tù vô thần đang lâm bệnh. Biết cô là người Công Giáo,người tù vô thần hỏi cô “Bà Maria là ai mà tôi nghe hai người kia tranh cãi suột ngày vậy?” Ngập ngừng một lúc, cô trả lời “Bà Maria là tôi đây!” Thật bất ngờ, người tù vô thần trả lời “Nếu là bà Maria là chị, tôi sẽ quỳ xuống để tôn thờ.” Vâng! Chi đã mang sứ điệp tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria đến cho người tù vô thần cách cụ thể. Đức Cô Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vie Nguyễn Văn Thuận đã trở nên chứng nhân hy vọng cho những tù nhân mất hết hy vọng bởi chính Ngài đã trải nghiệm sự thất vọng của kiếp tù đày. Chính niềm xác tín “không phải công việc của Chúa mà chính Chúa mới quan trọng” đã giúp Ngài chiến đấu chiến thắng bằng sức mạnh của chính Thiên Chúa qua việc kết hiệp mất thiết với Người. Tôi đến dâng lễ gần 2 năm trong một nhà thờ ở San Diego nơi có một Đức Ông người Mỹ và một cha Việt Nam. Ngay trong phòng thánh là tấm hình ĐHY Thuận trong trang phục áo thun úa màu và quần đen đang quỳ trong một phong giam nhỏ dâng lễ với ánh mắt hướng về chiếc của số nhỏ. Đức Ông nói vơi tôi rằng: lần đầu tiên tôi bắt tay ĐHY, tôi thấy một luồng sức mạnh thánh thiện truyền qua tôi và ngay lúc ấy tôi thầm nói với mình: Đây là một vị thánh. ĐHY Thuận đã mang nhiều người kể cả những người cán bộ Công An đến một sự đổi thay tuyệt vời. Tôi muốn nói đến điểm thứ ba trong chân dung của nhà truyền giáo
  1. Nhà truyền giáo sống hòa hợp với chính mình
Chúa Giê-su là nhà truyền giáo gương mẫu – NGƯỜI LÀ NGƯỜI MANG SỨ ĐIỆP TIN MỪNG VÀ CHÍNH LÀ TIN MỪNG cứu độ cho nhân loại. Gặp được Người là gặp được Thiên Chúa và sự cứu độ. Đến với Người là đến với chính Thiên Chúa và được Thiên Chúa nâng dỡ ủi an. Nhà truyền giáo phải thực sự sống sự hòa hợp với chính mình. Hòa hợp bên trong với ben ngoài và hòa hợp trong thái độ, lời nói cử chỉ bên ngoài. Nói cách khác, nhà truyền giáo không chỉ là tốt trong phẩm chất mà còn phải đẹp trong sự hòa hợp với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Thánh Phaolo khắc họa chân dung của người tín hữu thật đẹp “Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi mọi lúc, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh tranh.”
Lịch sử giáo hội trong khi chứng kiến những nhà truyền giáo tốt lành cũng trải nghiệm không ít những đắng cay do lỗi lầm của các nhà truyền giảng Tin Mừng. Độ chênh giữa sứ điệp mà họ rao giảng với con người của họ vẫn còn quá lớn. Những thành quả của cuộc truyền giáo luôn luôn khó khăn và đánh đổi những giá khá đắt. Trong khi đó, chỉ cần một vài gương xấu của một số nhà truyền giáo có thể phá hủy cả một công trình trong thời gian rất ngăn. Phá hoại bao giờ cũng khó hơn xây dựng

Thay lời kết.
Khánh Nhật truyền giáo là cơ hội để Hội Thánh nhắc nhớ sứ mạng truyền giáo của người môn đệ Chúa Ki-tô. Đối với Hội Thánh tại Việt Nam, phải can đảm nhìn nhận rằng, công cuộc truyền giáo vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Số người Công Giáo vẫn không tăng mà thậm chí giảm so với tỉ lệ dân số tại Việt Nam. Dĩ nhiên, con số cũng không nói lên được gì. Chính ảnh hưởng của Tin Mừng yêu thương lên nếp sống của người dân Việt Nam mới đánh giá được mức độ thành bại của nó. Điều quan trọng là làm cho nhiều người dân Việt Nam, qua cuộc sống của mọi thành phần trong Giáo Hội, tin có và sống Tin Mừng tình yêu mang tên Giê-su trong cuộc sống hàng ngày của họ. Không làm được điều này, thì cho dù chúng ta có xây dựng bao cơ sở tôn giáo, triển khai bao chiến dịch hành động, tổ chức bao lễ nghi hoành tráng…cũng vẫn được coi như thất bại trong việc truyền giảng Tin Mừng. Những suy niệm ở trên đặt ra tầm quan trọng của chính con người truyền giáo. Chỉ khi nào nhà truyền giáo hay đúng hơn tất cả những người tin vào Chúa có sự hiểu biết đạt đến sự hòa hợp trong tình yêu với Chúa, với tha nhân, nhất là với những người mà chúng ta muốn loàn Tin Mừng, và hài hòa với chính mình, thì sứ mạng truyền giáo mới đạt được kết quả như lòng Chúa mong ước. Nguyện xin Thiên Chúa Cha qua lời cầu xin của Chúa Giê-su ban tràn đầy Thánh Thần xuống trên Hội Thánh để Hội Thánh xuất hiện với sức thu hút không như một cơ cấu trần thế giàu sang đẳng cấp nhưng như một Hiện Diện của Thiên Chúa và tình yêu của Người qua sự hy sinh, khó nghèo và phục vụ hạnh phúc con người và thế giới. Amen


Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây