GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ 32 B

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ 32 B
SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THỨ 32 QUANH NĂM

Chúng ta đang sống trong tháng mà Hội Thánh dành một cách đặc biệt, để cầu nguyện cho những người anh em đã ra đi trước chúng ta trong đời sống đức tin. Cầu nguyện, sống hy sinh làm việc lành phúc đức, xa tránh tội lỗi, dâng lễ để lãnh nhận sủng chuyển cho những người đã qua đời là cách tốt nhất để chúng ta tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo, hiệp thông và yêu thương với những người thân yêu đã qua đời của mỗi chúng ta. Thiết tưởng, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta có thể rút ra một vài gợi ý cho việc sống thật tốt thời gian ân sủng mà Thiên Chúa qua Hội Thánh dành cho chúng ta. Tình yêu là chìa khóa giúp ta làm thỏa mãn khát khao của những người thân yêu chúng ta đang sống trong thời gian thanh luyện
  1. Tình yêu thì không được giả hình và lợi dụng người mình yêu
Nhìn từ bên ngoài và chức vụ, các kinh sư là những người yêu Chúa và yêu người hơn, nhất là những bà góa vì họ được gọi và chọn để làm việc đó. Tuy nhiên Chúa Giê-su cho thấy họ chỉ là thứ giả hình – một từ ngữ có cùng ý nghĩa với từ “diễn viên.” Họ diễn vai trước mặt mọi người trong khi con người thật của họ lại khác. Họ lợi dụng cái vẻ bề ngoài đạo đức thánh thiện để yêu mình, thu tích cho mình mọi sự đến độ Thiên Chúa và con người chẳng có chỗ trong con tim và cuộc sống của họ. Chúa cảnh báo các môn đệ và tất cả những người theo Chúa: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Những bà góa, kể cả những bà góa nghèo, những người mà có trách nhiệm chăm sóc, lại trở thành đối tượng cho họ lợi dụng, bòn rút đến đồng xu cuối cùng.

Như những kinh sư, đôi khi chúng ta cũng đối xử với người quá cố như vậy. Chúng ta nhân danh tình yêu, lòng biết ơn, sự thảo hiếu để tổ chức đám ma cho người thân cách hoành tráng, tốn kém. Chúng ta lòe bịp thiên hạ qua những tiếng gào khóc thê lương; chúng ta mang những bộ quần áo tang thảm não với khuôn mặt tiều tụy…nhưng đằng sau và trong chiều sâu tâm hồn chúng ta là gì? Chúng ta yêu người thân quá cố thì ít mà yêu mình thì nhiều. Chúng ta sợ người khác nói mình bất hiếu; chúng ta muốn người khác khen mình có hiếu với cha mẹ; chúng ta có những kế hoạch sau tang lễ: kể công với anh chị em; chúng ta tính toán mọi chi phí để trừ ra và chia nhau cùng chịu; Có lần, một người chồng trẻ trong một gia đình chết để lại vợ mới mấy đứa con thơ. Người thân của phía chồng về thật nhiều tổ chức đám đang thật lớn: ăn uống, hòm huyệt tốn kém. Bất chấp sự can ngăn của tôi. Kết quả, sau đám tang họ trốn biệt về nhà của mình, để lại cho người vợ nghèo với mấy đứa con thơ khoản nợ hơn 100 triệu đồng. Thật quá nhẫn tâm phải không? Chúng ta còn nhắm tới việc phân chia tài sản, đất đai cha mẹ để lại. Tâm trí chúng ta bị chi phối vì những lo sợ mình bị thiệt thòi hơn người khác. Vâng! phần lớn những công việc chúng ta làm cho người quá cố đều xuất phát từ cái tâm “đen tối,” tựa nấm mồ được chúng ta xây đẹp cho người thân nhưng lòng ta đầy thứ nhơ bẩn thối rữa. Tệ hơn nữa, nếu sau tất cả những cố gắng giả hình của mình mà không đạt được kế hoạch đề ra, chung ta đâm ra “hận người sống,” và thậm chí hận người chết và quên lãng họ trong cuộc sống. Còn nếu ta được chung chia, được bòn rút từ những gì người chết để lại, ta thỉnh thoảng ban cho người chết chút ân huệ “một lễ cầu nguyện nhân ngày giỗ.”Người chết như thế đúng là không được yên lòng. Thật tội nghiệp vô cùng.
  1. Tình yêu không phải là cho những cái mình dư thừa, thậm chí những cái mình có
Trang Tin Mừng ghi lại: khi quan sát những người giàu có bỏ thật nhiều tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: những người này đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Vâng những người này đã cho những thứ họ không cần, những thứ bên ngoài bên ngoài họ. Có lần tôi đi mua đồ cho nhà thờ. Sau khi biết tôi là linh mục, họ đã nói với tôi “con bán vốn cho cha thôi.” Mừng quá vì giáo dân thật tốt. Nhưng sau đó tôi về nhà mới chợt hiểu ra từ “vốn” của họ bao gồm: tiền mua hàng giá gốc, tiền xe, tiền ăn, tiền công, tiền phí…trừ tiền lãi. Có cha còn cho biết, trong giỏ tiền quả, thỉnh thoảng có tiền rách, tiền không xài được nữa nhưng may là chưa có tiền âm phủ. Vâng! đôi khi những cái dự thừa mà Chúa Giê-su nói đến mang một ý nghĩa rộng lớn như vậy đó. Tình yêu đích thực làm sao có thể cho người mình yêu những thứ dư thừa được. Một ai đó đã nói “ăn có thể nửa bữa, ngủ có thể nữa giấc, nhưng không thể yêu một nửa trái tim và đi một nữa đường chân lý.” Thế nhưng, bao tháng 11 qua đi trong cuộc đời chúng ta rồi. Những người quá cố thân yêu cũng chỉ nhận được nơi chúng ta “chút cơm thừa canh cặn mà thôi.” Chúng ta tranh thủ xin một hay hai lễ cầu nguyện cho người thân nhân tháng cầu cho những người đã qua đời. Chúng ta đòi cha phải xướng tên của mình và tên người quá cố để khoe với người với đời hoặc lên mặt với chị em trong nhà. Cha mà lỡ quên hay đọc thiếu thì có chuyện ngay. Chúng ta coi như vậy là xong bổn phận với người thân của mình. Thậm chí chúng ta cũng chẳng cần tham dự thánh lễ hoặc có nhưng với thái độ thụ động. Cả tháng cầu nguyện cho các ngài, chúng ta chỉ thí cho các ngài những thứ dư thừa của chúng ta mà thôi. Kết quả, những người quá cố thân yêu của chúng ta vẫn đói khát và thất vọng trong tình yêu và chờ đợi. Dĩ nhiên, không phải người quá cố nào cũng thất vọng như thế. Vẫn có những quá cố may mắn vì được hưởng tình yêu trọn vẹn đích thực từ những người thân của mình
  1. Tình yêu chính là cho những gì làm thành cuộc sống của mình, đến độ ta không thể sống nếu thiếu nó
Sự dâng cúng của bà góa nghèo cho đền thờ vượt qua những rào cản của bổn phận và trách nhiệm để đạt đến tình yêu trao dâng trọn vẹn với Chúa. Đối tượng trao dâng duy nhất của bà là Chúa chứ không phải là ai khác. Bà góa này rất nghèo vì tài sản của bà chỉ có “hai đồng tiền kẽm.” Bà không cần dâng cúng vì chẳng có quy định nào bắt bà làm thế. Bà cũng có thể không dâng cúng vì nghĩ rằng với “hai đồng kẽm” thì có đáng là gì đâu. Bà có thể không dâng cúng vì sợ ngại, sợ bị khinh chê bởi những người giàu. Tuy nhiên, tình yêu với Thiên Chúa mà theo bà, được biểu lộ qua việc dâng cúng vào việc sửa sang đền thờ, đã giúp bà vượt qua tất cả. Bà không mặc cảm, sợ sệt nhưng như bao nhiêu người khác, thậm chí giữa những người giàu có ăn mặc gấm vóc lụa là, với trang phục của một bà góa nghèo, đến thực hiện hành vi yêu thương của mình. Bà chẳng sợ ai vì bà không làm vì bà hay vì người khác nhưng vì chính Chúa và tình yêu của Người. Trong nghĩa này, không chỉ là “hai đồng kẽm” mà cả con người của bà thành lễ phẩm dâng lên cho Chúa. Một nhà chú giải nhìn thấy nơi bà là hình bóng của Chúa Giê-su, một người nghèo rách nát tả tơi, đầm đìa máu, dâng hiến chính mình làm lễ tế hy sinh trên thánh giá để thể hiện tình yêu tuyệt đối đến cùng với Chúa Cha và với con người. Cũng như hy tế mà Chúa Giê-su dâng, Người không cần ai biết ai hay, thậm chí chẳng quan tâm tới những lời phỉ báng, thách thức, chỉ cần một mình Cha biết, Cha thấy và chứng giám là đủ; sự dâng tặng của bà góa không được ai thấy, đánh giá, chứng nhận nhưng được Thiên Chúa thấy và đánh giá “còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Thế là quá đủ cho bà bởi vì với bà, Chúa mới là quan trọng, là tất cả, phần còn lại chẳng là gì hết, ngay cả chính cuộc sống của bà.

Còn chúng ta, bao tháng cầu nguyện cho những người qua đời đã đi qua trong cuộc đời của mình, chúng ta có thực sự dâng tặng những gì tốt nhất, quý nhất, những gì là chính cuộc sống của chúng ta cho người thân yêu không? Như bà góa nghèo, chúng ta có làm mọi sự với tình yêu với người quá cố mà không cần ai biết, ai khen ngoài một mình Chúa không? Cụ thể, chúng ta có dám buông bỏ những giờ giải trí, những giờ rảnh rỗi, nghỉ ngơi; chúng ta có dám thoát ra khỏi chăn ấm nệm êm để cầu nguyện, dâng lễ, làm việc bác ái, hy sinh, sám hối, sống thánh thiện vì phần rỗi những người quá cô thân yêu của chúng ta hay không? Hay nói theo ngôn ngữ của luật Chúa: chúng ta có dành tất cả lý trí, ý chí, con tim, linh hôn và con người chúng ta để bày tỏ tình yêu qua việc thỏa mãn những ước ao khat khao của những người quá cố thân yêu không?

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con nhớ rằng, tình yêu của chúng con với người quá cô không được tách rời khỏi Chúa và tình yêu của Chúa bởi không phải chúng con mà chính Chúa mới là Đấng Cứu Độ của mọi người. Xin giúp chúng con yêu người quá cố như Chúa nghĩa là yêu bằng sức mạnh của chính Chúa. Bởi đó, chúng con không thể yêu người quá cố đích thực nếu chúng con không sống mầu nhiệm hiệp thông với Chúa, với Hội Thánh và với anh chị em con. Thánh lễ chính là nơi Mầu Nhiệm Hiệp Thông được biểu lộ một cách trọn ven bởi vì trong thánh lễ, chúng con được cùng với phần Hội Thánh thiên quốc, thanh luyện ca tụng tôn vinh và chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời. Xin giúp chúng con siêng năng tham dự thánh lễ hàng ngày với ý thức, nơi ấy chúng con không chỉ được gặp Chúa, gặp những người sống mà còn được gặp gỡ người quá cố thân yêu chúng con trong Chúa và ân sủng của Người.

Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho những người thân yêu chúng con đã qua đời được lên chốn nghỉ ngơi, hăng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây