GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy niệm Thứ 7 Tuần 25 Thường Niên

Suy niệm Thứ 7 Tuần 25 Thường Niên
SUY NIỆM
THỨ 7 TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

  
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,43b). Khi loan báo về cuộc thương khó của mình, Chúa Giêsu không chỉ muốn các môn đệ thông phần đau khổ với mình, mà Ngài còn muốn chuẩn bị tinh thần trước cho các ông, để khi ngày đó đến các ông không bị "sốc" và mất đức tin.

Tuy nhiên, các môn đệ dường như không muốn hiểu, vì các ông đang kỳ vọng Thầy của mình sẽ là một Đấng Mesia uy quyền theo kiểu thế gian. Do đó, điều các ông quan tâm là danh vọng, chứ không phải là ơn cứu độ, nhất là ơn cứu độ mà phải trả bằng cái giá đau khổ và chết chóc. Nói cách khác, các ông không muốn can dự vào sự đau khổ của Thầy. Chỉ sau này, khi Thầy hoàn tất con đường khổ nạn đau thương, rồi phục sinh vinh quang, lúc bấy giờ các ông mới thấu hiểu và mới chấp nhận. 

Thực tế ta thấy chẳng ai thích đau khổ bao giờ, nhưng chẳng ai tránh được đau khổ. Cuộc đời là thế! Xin đơn cử:

Trong thời gian qua, một số nghệ sỹ danh tiếng trong giới showbiz Việt, tiền tài danh vọng có thừa, những tưởng mình sẽ không phải gặp đau khổ, nhưng đùng một cái bị khán giả và cộng đồng mạng công kích, tố cáo và tẩy chay vì ăn chặn tiền từ thiện, khiến cho họ phải mất ăn mất ngủ, thậm chí là khóc nức nở trên sóng livestream. Trấn Thành thành Trấn Lột, Hoài Linh thành Hoài Lươn, Thủy Tiên thành Thủy Tề, Thủy Quái, Công Vinh thành Cong Vênh, Việt Hương thành Việt Hôi, ĐV Hưng thành ĐV Biệt, v.v,...

Ngay cả Đức Thánh Cha Phanxico, một con người tốt lành thánh thiện cũng gặp không ít khổ đau. Trong cuộc gặp riêng với các tu sĩ dòng Tên ở Slovakia vào ngày 12 tháng 9 vừa qua, ngài tâm sự rằng có nhiều người muốn ngài chết sau khi ngài trải qua cuộc giải phẫu đại tràng hồi tháng 7. Một số người còn cho ngài là “dị giáo”, và họ muốn ngài từ chức. Ngài còn nói thêm rằng “có cả một kênh truyền hình Công giáo lớn ở Ý đã không ngần ngại liên tục nói xấu Giáo hoàng”. Chắc chắn những điều này đã khiến cho ĐTC đau khổ.
Vậy thì khi đối diện với thập giá khổ đau, ta cần có thái độ nào? Đó mới là vấn đề.

Đức Thánh Cha chia sẽ với các tu sĩ dòng Tên: “Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và lăng mạ, bởi vì tôi là một tội nhân”. Khiêm tốn nhận mình là tội nhân đáng phải chịu những oan khiên, đó là cách ngài hóa giải đau khổ.

Còn ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận thì khuyên các con cái của mình nên "tránh" ba điều, khi đối diện với đau khổ:
- Đừng điều tra “tại ai”, ai đã gây ra đau khổ. Hãy cám ơn dụng cụ Chúa dùng thánh hóa con.
- Đừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Đức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.
- Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Hãy quên đi, không nhắc lại bao giờ và nói “Alleluia !
Ta đã tránh được điều nào chưa? Hai là "dính" cả 3 điều?
Ngài nói tiếp: “Đau khổ không những giúp con can đảm nhẫn nại, nhưng còn có giá trị cứu chuộc rất lớn lao, nếu con kết hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu. Trên Thiên Đàng, con sẽ tiếc: ‘Phải chi tôi đã có thêm nhiều dịp mến Chúa và chịu khổ vì Chúa hơn!’"

Thiết nghĩ những lời khuyên của ngài rất chí lý. Chớ gì ta luôn xác tín rằng đau khổ luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, chúng có giá trị thanh luyện và cứu độ, nhưng xin Chúa đừng để ta ngã lòng trông cậy, khi phải chịu đau khổ quá lâu hay quá nhiều. Xin Chúa cũng đừng để chúng ta gây đau khổ người khác, khi ta mang cái tôi quá lớn, chỉ biết sống theo ý riêng mình, và thiếu đức ái trong cách ăn nết ở của ta. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây