GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


  Tại sao lại ‘phúc’, tại sao lại ‘khốn’?  

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN  Năm C
  Tại sao lại ‘phúc’, tại sao lại ‘khốn’?  
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN
 
 
Năm C
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Suy niệm Tin Mừng Lc 6:17; 20-26

Các sách Phúc âm đã không hề dùng từ ‘Bát Phúc’; và tác giả Mát-thêu liệt kê tới 09 cái ‘phúc thay’, còn Lu-ca thì chỉ nói tới 04 cái ‘phúc cho’ tương phản với 04 cái ‘khốn cho’. Nếu thế thì theo tôi, tìm hiểu từng cái phúc và đếm từng cái một không phải là điều quan trọng cho lắm; điều cần làm là ta nên trả lời câu hỏi: ‘tại sao lại phế bỏ những điều mà mọi người bình thường vẫn cho là ‘phúc’ để xác định ngược lại?’ Tôi thấy cái bạo phổi hay bạo gan nhất của lời rao giảng của Đức Giê-su chính là dám thay đổi lối suy nghĩ từ bao đời; và Người thay đổi theo phong thái của riêng mình.
Bất luận đông tây, đời người ai nấy đều chỉ lúi cúi đi tìm cái dân gian nôm na gọi là: ‘no thân - ấm cật’, hay người cao trọng hơn thì là: ‘vinh thân – phì gia’. Từ đó không ai bảo ai, mọi người đều mong muốn được sang giầu, vui xướng, no đầy, thỏa chí, quyền hành, thống trị, v.v… Đó là nội dung của ‘phúc, lộc, thọ’, của ‘happiness - bonheur’… hay của các mơ ước phổ biến nhất. Không ai dại gì đi kết án chúng là ‘tội’, là ‘khốn’; cùng lắm chỉ có thể cảnh giác là chúng có thể dẫn tới bất công, bạo hành, hay những lạm dụng này khác mà thôi. Kêu chúng là ‘khốn thay, hay ‘khốn cho’ thì có vẻ quá cường điệu, vơ đũa cả nắm…, trừ phi cái lẽ sống con người đã bị thay đổi tận gốc rễ.
Mà quả thật, thay đổi tận gốc rễ lối nhìn và suy nghĩ để tiến tới một ‘nhân sinh quan’ hoàn toàn mới, đó chính là điều mà Tin Mừng Đức Giê-su đang nhắm tới. Tôi không nghĩ: đó là sự thay đổi tốt xấu trong phạn trù luân lý, như vẫn thường được nghe giải thích, vì như vậy ta không thể cắt nghĩa được: tại sao ‘khóc lóc, đói khát’ lại là phúc, còn ‘sang giầu, no nê, vui cười’ lại là khốn. Người ta cố gắng trưng ra nhiều lối giải thích vòng vo nhưng không thuyết phục nổi ai; ngay các tín hữu ngoan đạo của bất cứ tôn giáo nào (thậm chí cả các tu sĩ) cũng không thể chấp nhận lối suy nghĩ chéo cẳng ngỗng này.
Nếu Ki-tô hữu chúng ta hiểu rằng, Tin Mừng mà Đức Giê-su rao giảng - và được cả cuộc sống và cái chết của Người minh chứng - tiên quyết không phải là một bài học luân lý cao đẹp, mà là một mạc khải vô tiền khoáng hậu về một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Và nếu, cũng theo Tin Mừng đó, cứu cánh của cuộc sống từ đây sẽ không còn phải là ‘vinh thân phì gia’ mà là ‘đón nhận lòng xót thương’ của Thiên Chúa, thì bất cứ điều gì dẫn ta tới việc đón nhận này mới chính là con đường dẫn tới nguồn hạnh phúc. Chỉ khi nào tiến tới lối suy nghĩ như thế, Ki-tô hữu chúng ta mới được thuyết phục: tại sao nghèo khó - đói khát - khóc than - bị ghét bỏ… lại được gọi là ‘phúc’ trong khi giầu có, no nê, vui cười và được khen tụng lại bị gọi là khốn. Lúc đó ta sẽ thấy mọi sự thật đơn giản: trong khi các điều thuộc nhóm một (tự nó là rất tiêu cực) dễ dàng - và thường khi còn là điều kiện - làm cho một người nhận thức được sự yếu hèn trống rỗng của mình để mở lòng khát khao đón nhận lòng xót thương và thứ tha…, thì nhóm hai (tự nó là rất tích cực và sung mãn) lại dễ dàng cản trở - và thường khi còn triệt tiêu - chính cái nhu cầu nhận lãnh. Ai dám nghĩ rằng, một người đang sống trong phú quí, sung túc, thành đạt và toại nguyện lại cần tới lòng thương xót; trong khi đối với một người đang rơi vào tình cảnh đói khổ, thất vọng hay bị khinh khi, thì mong đợi lòng từ bi xót thương hẳn là điều đương nhiên. Cái lô-gích này được I-sai-a và Đức Giê-su thẳng thắn công bố: “Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn”. Cũng điều này đã được thánh Âu-tinh lớn tiếng ca ngợi: “Ôi tội hồng phúc!” và được Đức Maria hớn hở reo lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới!” (Lc 1:48), cũng vậy được Phao-lô mạnh dạn xác quyết: “Chính khi tôi yếu đuối nhất là lúc sức mạnh Thiên Chúa tỏ rõ nơi tôi” (2 Cr 12:10).
Trong tư cách một người phàm, ai trong chúng ta cũng mong muốn được gìầu sang no đủ để được thỏa chí toại lòng trong cuộc sống cả, điều đó chẳng có gì là tội hay khốn cả. Nhưng trong tư cách Ki-tô hữu - người tin và đang đi tìm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa từ nhân, mà lại để cho mình thiếu vắng nhu cầu chạy tới lòng từ bi xót thương, thì quả là ‘đại khốn’ cho ta biết mấy. Thậm chí nếu việc tu thân tích đức, việc rèn luyện nhân đức làm ta thấy mình cao đẹp, tốt lành hơn người, thấy mình đáng được thưởng công bội hậu…, và như thế thì sự xót thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ không còn mấy cần thiết (chỉ bọn tội lỗi và trụy lạc mới cần, và vì thế tôi phải rao giảng cho chúng về lòng thương xót Chúa để chúng ăn năn sám hội… còn tôi thì không cần!), điều này nếu xảy ra cho bất kỳ ai, kể cả linh mục tu sĩ hay giám mục giáo hoàng, thì quả là ‘khốn cho kẻ ấy’. Đơn giản là vì, chính lúc đó người ấy sẽ liệt mình vào hạng ngưởi ‘giầu có, no nê, vui cười và được mọi người ca tụng’, hạng người mà hôm nay Đức Giê-su lên tiếng nguyền rủa.
Ôi thật bất hạnh cho tôi biết mấy! và điều này có lẽ còn bất hạnh hơn cả trường hợp tôi sa ngã phạm tội nữa!
 
Ôi lạy Chúa, lẽ ra con phải cảm tạ Chúa vì đôi khi Chúa để con yếu đuối và sa ngã. Phải, vì chính những lúc đó, Chúa cống hiến cho con dịp may cần thiết để thấy mình là ‘kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, đồ xấu xa’; thế rồi, một khi được lòng thương xót Chúa ôm lấy và nâng lên, con cũng có thể chân thành cất tiếng ca ngợi: “Ôi tội lỗi, ôi sự hèn kém hồng phúc của con!”, vì chính chúng  sẽ giúp con nhận ra rằng con cần được‘Chúa đoái thương nhìn đến phận hèn’ biết bao. A-men
 

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây