GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


 Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

 Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

 Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi".

 

Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô khoảng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô.

Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật nhất về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô. Người qua đời thứ bảy tuần thánh, ngày 07 tháng 04 năm 397.

 

1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.

Thánh Ambrôsiô sinh khoảng năm 340 tại nước Đức. Ngài là con trai của một quận trưởng gốc người Rôma trông coi thành Gaul. Khi thân phụ qua đời, thân mẫu của Ambrôsiô đã đem cả gia đình về lại Rôma. Bà và người con gái, là thánh nữ Marxêlina, đã nuôi Ambrôsiô khôn lớn. Sau đó thánh nhân trở thành một luật sư tại quê nhà. Rồi Ambrôsiô được đặt làm thống đốc thành Milan và cả địa hạt xung quanh đó. Nhưng, do một biến cố lạ lùng, Ambrôsiô thống đốc đã trở thành Ambrôsiô giám mục. Trong những ngày đó, dân chúng thường có thói quen đề cử một người họ muốn đặt làm giám mục. Vậy dân thành Milan đã chọn Ambrôsiô trước sự ngạc nhiên vô cùng của ngài. Ambrôsiô đã cố gắng từ chối, nhưng dường như ý Chúa đã muốn như vậy. Do đó, Ambrôsiô đã làm linh mục và rồi giám mục của thành Milan.

Ambrôsiô là một khuôn mẫu và là người cha tuyệt vời đối với dân thành Milan. Vì muốn sống xứng đáng với chức vị của mình, Ambrôsiô đã bố thí tất cả mọi thứ ngài có và bắt đầu sống giản dị hơn. Thánh nhân cũng nghiên cứu thần học và Kinh Thánh.

Thánh Ambrôsiô chống lại điều xấu với một lòng can đảm hiếm có. Thánh nhân đương đầu với một đội quân hùng hậu đang thẳng tiến và ngài đã thuyết phục được viên tướng lãnh đạo rút quân về. Lần khác, hoàng đế Thêôđôsiô từ Đông phương tiến quân lên. Ông muốn cứu nước Ý thoát khỏi nạn xâm lăng. Ông đã khuyên các binh sĩ của ông phải tôn trọng đức giám mục Milan. Tuy vậy, khi ông vua này ra lệnh tàn sát 7000 người dân thành Thessalônica, Ambrôsiô đã không ngần ngại đối đầu với ông. Thánh nhân đã bắt Thêôđôsiô phải công khai đền tội. Hoàng đế không tức giận và cũng chẳng trả thù! Ông nhận thấy vị thánh hành động đúng lý. Rất khiêm tốn, Thêôđôsiô đã công khai làm việc đền tội. Ambrôsiô muốn cho thế giới biết rằng không một người nào, dù là nhà lãnh đạo, có thể vượt trên lề luật của Thiên Chúa và luật của Giáo hội.

Dân chúng đã tỏ ra sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra cho nước Ý khi Ambrôsiô qua đời. Lúc thánh nhân đau bệnh, họ đã nài xin ngài cầu nguyện để được sống lâu hơn. Nhưng thánh Ambrôsiô trả lời họ rằng: “Cha không xử với các con như là cha sợ sống lâu hay sợ chết đâu, bởi lẽ chúng ta cùng có Thiên Chúa là Vị tôn sư nhân lành!”

Giám mục Ambrôsiô về trời vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 397.

Thánh Ambrôsiô là một linh mục và là một giám mục vĩ đại. Thánh nhân đã dành trọn trái tim và năng lực của mình để phục vụ dân Chúa. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết coi trọng chức linh mục. Ambrôsiô sẽ dạy chúng ta biết quý trọng các linh mục và sẵn sàng cầu nguyện cho các ngài.

2. BÀI HỌC

* Ảnh hưởng của gia đình.

Gia đình có một ảnh hưởng rất lớn trên con cái. Trong Giáo Hội cũng như ở ngoài xã hội giữa cuộc sống đời thường.

Hẳn chúng ta còn nhớ tới hoàn cảnh của nhà bác học Thomas Edison, cả đời chỉ đến nhà trường có ba tháng. Vậy mà ông đã trở thành một nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới với 1500 bằng phát minh. Cả loài người phải biết ơn ông vì những cống hiến ông dành cho nhân loại.

Có lần ông đã thành thật chia sẻ với mọi người: “Tôi được thế này là nhờ mẹ của tôi”

Chắc chắn không ai chúng mà không biết bà mẹ thánh Monica một người mẹ đã làm cho một người con tội lỗi của mình thành một thánh tiến sĩ của Giáo hội.

Cuộc đời của thánh Ambrosio mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng thế. Lịch sử còn ghi lại rất rõ người mẹ và người chị gái, là thánh nữ Marxêlina, đã nuôi Ambrôsiô khôn lớn.

Chúng ta hãy biết ơn người mẹ và người chị gái này bởi vì nhờ họ mà Giáo hội có được một vị thánh Giám mục nổi tiếng này.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta có lần đã tâm sự: Tôi có một niềm tin mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn. tình yêu bắt đầu từ mái nhà, vì vậy, mọi người chúng ta phải cố gắng đảm bảo rằng luôn có một tình yêu sâu sắc ngự trị trong chính ngôi nhà của chúng ta. Chỉ khi có được tình yêu ấy dưới mái ấm của mình, chúng ta mới có thể sẻ chia cho xóm giềng lân cận. Khi bạn nói được rằng: “Vâng, tình yêu ở nơi đây”, bạn mới có thể trao gửi nó cho mọi người quanh bạn.

Một ngày nọ, tôi tìm thấy một bé gái nhỏ bên đường. Tôi mang em về nhà trẻ của chúng tôi. Ở đó, em có được một ở yên ấm và cả thức ăn ngon. Chúng tôi cho cô bé quần áo sạch và cố làm cho em được hạnh phúc trong khả năng có thể.

Vài giờ sau, cô bé bỏ trốn. tôi cố tìm nhưng không thể phát hiện được em ở đâu. Rồi sau vài ngày, tôi lại tìm thấy cô bé. Một lần nữa, tôi mang em trở về nhà của chúng tôi và bảo một nữ tu: “Sơ này, hãy đi theo đứa bé này xem nó sẽ đi đâu”

Bé gái ấy lại chạy trốn. Như lời tôi đã dặn trước, vị nữ tu đi theo em để biết được nơi em muốn đến là đâu.

Theo chân bé gái, sơ phát hiện rằng em quay về với mẹ. Bà đang sống trong một túp lều  rách nát dưới một gốc cây bên đường. Người mẹ đặt hai tảng đá dưới gốc cây và đặt lên trên một chiếc nồi đen cháy lõng bõng nước. Đó là tất cả bữa ăn của họ.

Nghe chị nữ tu kể lại, tôi vội vã lên đường đi đến đó. Tôi thấy sự rạng rỡ trên gương mắt bé gái nhỏ, vì em được ở cùng mẹ - người yêu thương và làm cho em những bữa ăn đặc biệt ở góc phố tồi tàn đó.

Tôi hỏi bé gái: “Tại sao con không ở cùng Ta? Ở đó con có nhiều thứ đẹp hơn cơ mà?” Cô bé trả lời: “Con không thể sống thiếu mẹ con. Mẹ yêu con”. Đứa bé ấy thấy hạnh phúc với những bữa ăn đạm bạc mà mẹ em nấu bên đường, hơn là những thứ mà tôi đã cho em tại mái ấm của chúng tôi.

* Ảnh hưởng của một thánh nhân .

Chúa nhận lời các Thánh

Hai vợ chồng nọ cưới hỏi nhau lâu mà không có con. Hôm đó có nhà tu hành đến thăm. Vợ chồng nhờ ông cầu xin cho được sinh con nối dòng. Ông liền lên đền thờ cầu nguyện nhưng có tiếng trả lời:

- Theo như đã ấn định, thì gia đình đó không có con.

Năm năm sau, nhà tu hành trở lại thăm gia đình đó. Thấy có hai đứa trẻ nô đùa trước cửa nhà, ông ngạc nhiên hỏi:

- Con ai vậy?

Người chồng đáp :

- Con chúng tôi đấy. Năm năm trước có một vị thánh đến thăm chúng tôi và hứa cầu xin cho chúng tôi có con. Và hai đứa bé này là kết quả của lời cầu nguyện của vị thánh đó.

Câu chuyện mà lịch sử còn ghi lại khi vua Thêôđôsiô ra lệnh tàn sát 7000 người dân thành Thessalônica, Ambrôsiô đã không ngần ngại đối đầu với ông. Thánh nhân đã bắt Thêôđôsiô phải công khai đền tội. Hoàng đế không tức giận và cũng chẳng trả thù! Ông nhận thấy vị thánh hành động đúng lý. Rất khiêm tốn, Thêôđôsiô đã công khai làm việc đền tội. Ambrôsiô muốn cho thế giới biết rằng không một người nào, dù là nhà lãnh đạo, có thể vượt trên lề luật của Thiên Chúa và luật của Giáo hội.

Ước gì thế giới hôm nay có được nhiều người thánh để thế giới hôm nay bớt tội lỗi và làm cho cuộc sống giữa người với người được tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Xin thánh Ambrosiô nguyện giúp cầu thay cho chúng ta. Amen.

LỜI CHÚA: Mt 18, 12-14

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc.

Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này phải hư đi".

 

Suy Niệm 1: Không muốn ai hư mất

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu.

Nhiều nhà lãnh đạo dân Do Thái như Môsê, Đavít, đều làm nghề này.

Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử,

nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi.

Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên.

Đàn chiên là dân Do Thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu:

“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa…

Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,

bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).

Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành.

“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14).

Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ

Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15).

Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn ông Simon nhận sứ mạng mục tử.

Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17).

Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ.

Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới,

nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên.

Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn,

mà quên chăm sóc cho từng con chiên một.

Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ.

Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng

đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12).

Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc,

nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào.

Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử.

Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất.

Khi mất thì đứng ngồi không yên,

khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ.

Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc,

nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ.

Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13).

Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó.

Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi.

Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14).

Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4).

Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta,

những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa.

Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau,

khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen.

Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta.

Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu đó.

Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.

Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.

Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,

và bầu trời vắng tiếng chim,

thì đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,

vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,

bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,

bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.

Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,

vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.

Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.

Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.

Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu ở Belem,

Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,

nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.

Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.

Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.

Đó là lỗi của chúng con.

Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,

và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.

Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,

xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa

để yêu trái đất lạnh giá này hơn,

và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.

 

Suy Niệm 2: Giêsu Thiên Chúa an ủi

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con chiên lạc. Lạc lõng. Lạc loài. Lạc lối. Hay lầm lạc? Ta cảm thấy lạc lõng khi phải sống nơi xứ lạ quê người, không người thân thiết. Ta như lạc loài không ở đúng nơi, đúng thời, đúng người ta phải ở với. Ta lạc lối vì không biết đường. Vì bị mê hoặc khiến quên lối về. Vì bị sa vào cạm bẫy không thể thoát ra. Ta lầm lạc khi tâm hồn mê muội không có ánh sáng chân lý.

Con chiên lạc ở trạng thái nào cũng cần được tìm về. Về đúng mái nhà của mình. Về đúng con đường của mình. Được ấp ủ chăm sóc trong vòng tay của người cha người mẹ thân thương. Nhưng con chiên không biết đường về, không đủ sức đứng dậy đi về. Nó yếu mệt. Chung quanh chỉ là bóng tối. Tuyệt vọng chờ chết.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành đi tìm con chiên. Người là Thiên Chúa hùng dũng quang lâm. Người thắng vượt mọi gian nan khốn khó. San phẳng đồi cao. Lấp đầy thung lũng. Phá tan bóng tối. Chiến thắng lớn nhất là chiến thắng cơn thịnh nộ. Sức mạnh lớn nhất là lòng thương xót, tha thứ.

Lòng thương xót biểu lộ trong sự ngọt ngào, niềm an ủi. Hãy chiêm ngắm Người tha thiết đi tìm con chiên bé bỏng. Tìm được rồi Người bồng bế trên tay. Xem xét vết thương. Vỗ về an ủi. Và cảm động xiết bao Người vác con chiên gầy gò bé nhỏ đói khát và bẩn thỉu trên vai. Con chiên đang lạnh lẽo được hơi ấm của Người ấp ủ. Con chiên đang run sợ được sức mạnh của Người đỡ nâng. Con chiên đang yếu mệt được bờ vai của Người làm nơi nương tựa.

Tin mừng lớn lao của thời đại hôm nay là Tin mừng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhân loại hôm nay buồn phiền cần được an ủi. Lầm lạc cần được đưa về. Thương tích cần được băng bó. Yếu đuối cần được nâng đỡ. Tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả tìm thấy giải đáp nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa chúng con bất lực không thể đứng lên để trở về với Chúa. Xin Chúa hãy đến tìm chúng con. Băng bó vết thương. An ủi buồn phiền. Và đưa chúng con về. Chúng con trông đợi Chúa. Lạy Chúa, xin hãy đến cứu chúng con.

 

Suy Niệm 3: Phải tha thứ luôn luôn

Sống ở trên đời, ai cũng mong ước mình gặp được nhiều sung túc, hạnh phúc và nhất là gặp được nhiều may mắn thành công. Ai cũng muốn là mình gặp được mối tình thông cảm cho đến đỉnh cao của tiền tài, danh vọng. Ai cũng sợ thất bại, sợ gian khổ cùng cực cất đầu không lên được với những người xung quanh. Dù rằng ai cũng tự an ủi mình bằng câu: "Thất bại là mẹ thành công". Ðau khổ nhiều, con người mới thấy giá trị đích thực của hạnh phúc. Có gian nan vất vả nhiều, con người mới cảm thấy giá trị của đau khổ, mới đánh giá chính xác về sự thành công từ những nhẫn nhục, chịu đựng, âm thầm làm việc sau bao nhiêu ngày tháng. Nếu như con người từ nhỏ đến lớn sống hoàn hảo như một vị thánh, người ấy chưa chắc đã cảm thấy mình hạnh phúc nếu không phải là người đặc biệt Thiên Chúa gìn giữ. Vì thế theo thông thường chúng ta không ai thoát khỏi những lầm lỗi, không khía cạnh này thì vướng mắc khía cạnh khác, không nặng thì nhẹ, không phải khuyết điểm lầm lỗi nặng hay nhẹ, cố tình hay vô tình nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra được khuyết điểm sai lỗi của chính mình hay không? Và khi nhận ra được khuyết điểm sai lỗi ấy, chúng ta có sửa đổi, rút kinh nghiệm cho lần sau hay không?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các ngươi có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con thì người đó không bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc ấy sao?" Ðó là điều an ủi cho chúng ta, vì khi lầm lỗi, con người thường ít khi tha thứ hoặc có tha thứ cho nhau thì vẫn có thành kiến không tốt về người đó, nghĩa là chúng ta có ý nghĩ không tốt, bớt sự niềm nở tự nhiên trước đó.

Từ thái độ đó thường làm cho người có lỗi mang một tâm trạng tự ti mặc cảm, vì dù sao đi nữa thì trong tâm trạng đó con người cũng không có cái nhìn hồn nhiên, vui vẻ lạc quan yêu đời như trước khi họ chưa lầm lỗi. Khi đã sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau, nhìn nhau không thân thiện, chúng ta sẽ mắc vào một câu nói của một triết gia nọ: "Tha nhân là hỏa ngục của tôi". Ai cũng nhìn nhau bằng cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hình như cứ soi mói vào chúng ta, xét xem để rồi bắt lỗi chúng ta thì chẳng hỏa ngục là gì? Có bị như thế chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu bao la dung thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta hôm nay: "Người chăn chiên sẽ bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc, khi tìm được rồi người chăn chiên sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không bị lạc".

Thiên Chúa đã dạy chúng ta không những phải tha thứ cho nhau bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Và trong một đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nói: "Nếu trong một ngày người anh em con phạm đến con bảy lần và bảy lần người ấy đến nói với con rằng tôi hối hận thì con cũng phải tha cho nó". Khi thấy điều đó khó thực hiện được nên người môn đệ của Chúa đã thưa: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Ðó là Lời Chúa nhắn nhủ dạy bảo chúng ta, còn đối với Thiên Chúa Ngài càng phải khoan dung tha thứ hơn, yêu thương chúng ta nhiều hơn nữa bằng một tình thương tha thứ vô cùng.

Trong dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng Trở Về" sau những tháng ngày ăn chơi trác táng thì bấy giờ nó suy nghĩ và thành tâm ăn năn thống hối trở về để xin cha tha thứ. Nhưng khi nhìn thấy con từ đàng xa, chưa kịp nghe con nói lên lời xin lỗi thì người cha đã bảo gia nhân đem áo mặc cho cậu, lấy nhẫn đeo vào tay cậu. Qua những cử chỉ yêu thương mặn nồng như thế đã nói lên tình thương của cha vẫn luôn luôn yêu thương con cái và người cha vẫn coi cậu như người con trong nhà. Vì thế, ông nói với gia nhân hãy làm thịt con bê béo để mừng con đã chết nay được sống lại. Tình thương của người cha bao la đã bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng trở về.

Trong đoạn Tin Mừng nói về một người mắc nợ ông vua như sau: Có một người mắc nợ ông vua kia đến mười ngàn nén bạc nhưng anh không có gì để trả nợ. Chủ ra lệnh bán anh và vợ con cùng tất cả gia sản anh để trả nợ. Anh liền sấp mình xuống dưới chân chủ mà van lơn: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn rồi tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho anh ta. Khi ra về anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta một trăm nén bạc, anh ta tóm lấy bóp cổ người ấy mà nói:Hãy trả nợ cho ta, khi ấy người bạn sấp mình dưới chân và nói: Cho tôi khất một kỳ hạn. Nhưng anh ta không nghe, bắt người bạn đó tống giam vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Người xung quanh thấy cảnh tượng thương tâm đó thuật lại với người chủ và người chủ đã bắt trao anh cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ một ngàn nén bạc của anh.

Chúng ta đôi khi cũng thế, lòng Chúa khoan dung yêu thương, tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu, vậy mà đối với anh em ta lại xét nét, chê bai, xử tệ, không tha thứ cho nhau dù chỉ là những lầm lỗi không đáng kể gì trước mặt Chúa là người Cha đầy tình thương dung thứ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa để chúng con đáp lại tình thương nhỏ bé của chúng con đối với Ngài. Xin Chúa cho chúng con biết tha thứ cho nhau không những bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ cho nhau luôn luôn trong suốt cuộc sống. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Chiên lạc

Một nhà truyền giáo trong vùng Thái bình dương có kể lại sự kiện như sau: Ngày nọ có một người đàn bà bước vào lều của Ngìa với đôi bàn tay nắm chặt cát ướt. Bà hỏi ngài:

- Cha có biết cái gì trong tay con không?

Vị linh mục đáp:

- Hình như chị đang cầm cát trong tay thì phải?

Người đàn bà lại hỏi tiếp:

- Cha có biết tại sao con mang cát ấy đến đây không?

Nhà truyền giáo lắc đầu.

Người đàn bà liền giải thích:

- Thưa cha, đây là tội lỗi của con, tội con nhiều như cát biển, làm sao con có thể được tha thứ?

Lúc bấy giờ vị linh mục mới an ủi:

- Có phải chị lấy cát từ bờ biển không, vậy chị hãy quay trở lại bờ biển và giống như các em bé vẫn thường làm, chị hãy xây một núi cát, rồi chị ngồi đó và ngắm những đợt sóng biển, sóng biển sẽ vỗ vào bờ và cuốn đi ngọn núi cát của chị. Ơn tha thứ của Chúa cũng giống như thế, lòng nhân từ của Ngài bao la như đại dương, chị hãy thành tâm thống hối và Chúa sẽ tha thứ cho chị.

Một lần nữa, Giáo Hội lại tha thiết kêu gọi chúng ta quay trở về với Chúa. Với hình ảnh người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh về tìm một con chiên lạc, trước hết Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức được tình yêu và lòng tha thứ của Ngài.

Tuy nhiên, con người chỉ có thể cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa khi biết tha thứ cho anh em mình mà thôi. Đó là điều Chúa Giêsu muôn nêu bật trong Tin Mừng hôm nay. Thật thế, dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh để tìm một con chiên lạc được nhắm trước tiên đến những người biệt phái. Họ khó chịu khi thấy Chúa Giêsu kết thân với những người tội lỗi. Đề ra những khoản luật nghiêm nhặt về sự thanh tẩy, đặc biệt là thanh tẩy trước khi ăn, những biệt phái đã loại trừ nhiều tội nhân và những người thu thuế. Qua cử chỉ này, Ngài không những muốn nói với các tội nhân rằng Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa đi tìm kiếm họ, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài còn mời gọi chính những người biệt phái, tức là những kẻ tự cho mình là lành thánh cũng phải hoán cải. Hoán cải trong quan niệm của họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhất là hoán cải trong cái nhìn của họ đối với người tội lỗi. Con người chỉ cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa khi họ biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Điều đó cũng có nghĩa là lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề làm cho con người ra vong thân, nhưng biến nó trở thành người hơn, có trách nhiệm và dấn thân hơn. Con người chỉ thực sự thống hối khi nó biết thực thi lòng nhân ái với tha nhân.

Mỗi lần bước ra khỏi tòa giải tội ai trong chúng ta cũng cảm thấy như trút được một gánh nặng và tìm được bình an và niềm vui. Quả thực, như đại dương, lòng nhân từ Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên để được tắm gội trong đại dương của lòng nhân từ ấy, chúng ta được mời gọi sống lòng nhân từ đối với tha nhân. “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình cũng được lặp lại cho mỗi người chúng ta. Bước ra khỏi tòa giải tội là được sai đi để thể hiện lòng nhân từ với tha nhân. Và đó là món quà cao đẹp và ý nghĩa mà chúng ta có thể gửi cho nhau trong mùa vọng này.

 

Suy Niệm 5: Đón rước Đấng Cứu Thế là đón kẻ bé mọn

 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (Mt. 18, 12-14)

Nếu người ta đọc lại đầu chương 18 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, người ta thấy rằng dụ ngôn chiên lạc được tiếp sau câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước trời?” (18, 1). Đức Giêsu không trả lời ngay mà lần lượt trả lời theo ba nhịp độ sau:

1) Câu 2-5: Theo kiểu các ngôn sứ xưa, Đức Giêsu trả lời trước hết bằng một cử chỉ tượng trưng: “Người gọi một em bé đến, đặt giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại nên như trẻ em, thì chẳng sẽ được vào nước trời” (c. 3). Qua cử chỉ này, Đức Giêsu đảo lộn thứ bậc theo quan niệm của môn đệ. Tiếp theo, Người tự giới thiệu mình như trẻ nhỏ trước mặt Chúa Cha, môn đệ cũng phải trở nên nhỏ bé như em này, thì mới là người lớn nhất trong tình yêu của Chúa Cha.

2) Câu 6-9: Vì thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mỗi người lớn lên trong tình yêu của Ngài, cho nên điều quan trọng là phải chăm lo săn sóc những bé nhỏ này, bằng cách tránh mọi gương mù và mọi khinh thường có thể làm chúng sa ngã.

3) Câu 10-14: Dụ ngôn chiên lạc nói đến kẻ bé mọn và gương mù (c. 6) hay cảm thấy bị khinh bỉ (c. 10) và hậu quả là dần dần xa cộng đồng vì cộng đồng không tiếp nhận nó vào cuộc sống cụ thể hằng ngày, và ngăn cản nó lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha. Chính ra mỗi phần tử trong cộng đồng đều được đón nhận thánh ý của Chúa Cha đã muốn cho tất cả đều lớn lên trong tình yêu của Ngài, để không còn thấy mình bị xa lạc nữa, nhưng luôn luôn được đón tiếp, được tôn trọng như một nhân vị độc nhất.

Chúng ta cũng theo gương các môn đệ, cần thiết phải thanh tẩy óc địa vị của mình. Chúng ta có luôn luôn ý thức mình phải hoạt động theo tiếng gọi của Chúa Cha để thi hành trách nhiệm, mà Ngài đã trao phó cho chúng ta với danh nghĩa là môn đệ của Chúa Con và là phần tử của nước trời không?

Trong đời sống thực tế cụ thể hằng ngày, chúng ta có biết tránh mọi gương mù, gương xấu cho những kẻ bé mọn không? Có giúp chúng khám phá và lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha không?

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (c. 5).

J.M.R

 

Suy Niệm 6: Tất cả vì tình yêu

Đức Giêsu thường làm những chuyện gây “sốc” cho những người xung quanh. Vì thế, người đương thời với Ngài và đôi khi cả chính chúng ta cũng có lối suy nghĩ rằng: Ngài chuyên làm những chuyện ngược đời, nghịch lý và khó hiểu...!

Quả thật, nếu xét theo kiểu con người thì Đức Giêsu có rất nhiều những khuyết điểm. Những khuyết điểm đó là:

Ngài kém trí nhớ. Khi cả một đời tội lỗi ngập đầu, đến giờ chết xin Ngài tha thứ tội lỗi thì lại cho họ lên Thiên Đàng trước nhất: "Tôi bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23, 42-43).

Ngài cũng là một người không giỏi luận lý. Có đời thủa nào lại bày cho chủ tiệc đi mời những người nghèo nhất đến dự tiệc cưới của con mình: “...hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc...” (Lc 14, 12-14).

Ngài còn là một người không biết tổ chức công việc. Người làm đầu tiên cũng như người làm giờ chót, tất cả đều được một đồng! (x. Mt 20, 1-16).

Trong mối liên hệ, bạn số một của Ngài lại là những người tội lỗi (x. Mt 9, 11. 12-13; Lc 15, 2; 19, 2. 5.7. 9...)

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một sự nghịch lý đó ngang qua việc Đức Giêsu bỏ 99 con chiên lại để đi tìm một con chiên lạc. Điều này chứng tỏ Ngài không biết tính toán, là người dốt toán hạng chót...!

Nếu chúng ta đứng về phía những người làm kinh tế, hẳn chúng ta sẽ kết luận Đức Giêsu là kẻ điên khùng vì những điều bất thường trên!

Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn dùng những nghịch lý đó để làm sáng tỏ chân lý. Chân lý đó chính là: Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng như người lành. Ngài đến để cứu những gì đã mất. Ngài yêu thương đặc biệt những người tội lỗi....

Thật vậy, vì yêu thương, Đức Giêsu không để ý đến quá khứ tội lỗi của con người. Cũng vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận chuộc những kẻ tội lỗi bằng tình yêu và cái chết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như Chúa, hành xử như Chúa. Hãy tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa như Maria Mađalêna; Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld.... Thiên Chúa không kết án con người vì tội lỗi quá khứ của họ. Nhưng Thiên Chúa nhìn vào thực tại của chúng ta như chúng ta là... trong giây phút hiện tại này.

Mùa Vọng là Mùa mời gọi chúng t(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

a quay về với lòng thương xót của Thiên Chúa bằng thái độ sám hối để được Đức Giêsu “vác lên vai, đưa về nhà”.

Mặt khác, Mùa Vọng cũng mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm...”.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa đi tìm con chiên lạc, khi tìm được, Chúa đã vác lên vai và yêu thương chúng đặc biệt, điều này đã khích lệ chúng con rất nhiều, bởi vì mỗi người chúng con đều cần đến sự tha thứ của Chúa như con chiên lạc khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Dụ ngôn con chiên lạc

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Kinh thánh nói rất nhiều hình ảnh Thiên Chúa là Mục tử. Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa là mục tử của Dân: “Chúa là mục tử tôi, tôi không thiếu gì” (Tv 22,1).

Tiên tri Isaia còn nhấn mạnh hình ảnh mục tử Giavê: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Tiên tri Giêrêmia đã loan báo Vua Giuđa sẽ mang trách nhiệm người mục tử (Gr 3,15).

2. Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha nên Ngài cũng xưng mình là mục tử: “Ta là mục tử nhân lành”(Ga 10,1-18, 27-28). Ngài là mục tử nhân lành hiến thân cho đoàn chiên. Ngài còn nhận chính Ngài mà mục tử cho Israel – một đàn chiên bị bỏ rơi (x.Mt 9,36). Ngài khẳng định sứ vụ mục tử của Ngài là tìm kiếm những con chiên lạc (Mt 10,6), điều đó biểu lộ Thiên Chúa luôn nhân hiền, bao dung, xót thương những con người tội lỗi sa ngã.

3. Ngài cũng mời gọi tất cả các mục tử trong cộng đoàn thi hành sứ vụ  tìm kiếm những con chiên lạc khi dẫn đưa những kẻ lầm đường lạc lối trở về, vì Ngài không muốn bất cứ kẻ mọn hèn nào trong cộng đoàn bị hư mất: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn” và ý Cha trên trời là: “Không muốn một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất” (Mt 18,14).

4. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót kết thúc nhưng hẳn bạn vẫn chưa quên khẩu hiệu “Misericordes Sicut Pater” (Thương xót như Chúa Cha) cùng với biểu tượng Đức Giêsu vác trên vai một con người trông như đang vác con chiên, hai con người nhưng chỉ có ba con mắt. Đó là “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa” đã giúp Giakêu, Matthêu, Madalena đổi đời, đã đánh động tâm hồn của Phêrô và bao người lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Ánh mắt bộc lộ tấm lòng thương xót của Chúa Cha trên trời “không muốn một ai phải hư mất”. Chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng “con mắt thứ ba”, nhìn nhau bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn cảm thông, quảng đại, và từ ánh mắt đó, chúng ta sẵn sàng  bằng hành động dấn thân phục vụ (5 phút Lời Chúa).

5. Trong dụ ngôn có một chi tiết làm chúng ta thắc mắc: “Để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”! Ta sẽ không thể hiểu được những câu này nếu ta chỉ suy nghĩ theo luận lý tính toán vụ lợi. Trái lại ta sẽ hiểu rất dễ nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim, như Blaise Pascal nói: “Con tim có lý lẽ của nó”  như: một người mẹ lạc con, phải chăng bà để các đứa con khác ở nhà và tất cả đi tìm đứa bị lạc.

Người mục tử bỏ 99 con chiên lành để đi tìm con chiên lạc không phải vì lý do kinh tế vì một con không đáng giá gì, nhưng chỉ vì tình thương thôi.

6. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, những người lầm lỗi; nhưng Ngài chỉ có thể tha thứ khi chúng ta thật lòng sám hối. Người trộm lành suốt một đời lầm lỡ, thế  mà chỉ trong giây phút cuối cùng, tỏ lòng sám hối ăn năn đủ để trở nên một vị thánh. Kẻ trộm trở nên thánh  không phải vì là người tội lỗi, nhưng vì người trộm nhận biết mình là kẻ có tội.

Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho ta, thì Ngài muốn chúng  ta  cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin anh cả tha thứ cho đứa em lầm lỗi.

7. Chúng ta cũng phải bắt chước Chúa mà thay đổi cách nhận định và thái độ cư xử đối với tội nhân. Nghĩa là đừng quá quan trọng hóa nết xấu, lỗi lầm của anh em, đừng nuôi lòng thích thú khi thấy anh em sa ngã, lỡ lầm, đừng giả đò thương hại khi đưa lỗi lầm của anh em ra mà bàn tán và đừng bao giờ tỏ vẻ khinh khi, ruồng bỏ anh em bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ ánh mắt, nhưng hãy bắt chước Chúa biết thông cảm với nỗi khổ tâm của anh em, biết thao thức lo lắng giúp anh em sửa mình, biết tôn trọng, bênh vực anh em, và biết cầu nguyện cho anh em.

8. Truyện: Tình mẹ tha thứ.

Ở Batna, có một gia đình nằm vào địa điểm hẻo lành, gồm bà mẹ với các con, mà thằng con lớn phản bội vô số kể, tên là Sidi Melkassen, ưa a tùng với côn đồ du đãng, bị mẹ khiển trách hằng ngày. Mất tự do, thằng đó bực tức, nhất định hai mẹ con không đội trời chung. Liền bắt mẹ đem giam cầm vào một nhà cô tịch tăm tối. Lấy sợi xích lớn mà xiềng hai chân mẹ nó lại, đoạn đục vào tường gắn móc khóa lại và giữ chìa khóa trong túi. Đành lòng đóng cửa lại trước những tiếng kêu la, khóc lóc, van nài của mẹ.

Trên ba năm trời tồi túng, nóng nực, lạnh lẽo, không mền, không chiếu, bữa no bữa đói, người mẹ than khóc đã khô nước mắt, kêu không ai nghe, buồn không một lời an ủi.

Chiều nọ, một nàng dâu thảo giật được chìa khóa và mở cửa, tháo xiềng giải thoát cho người mẹ vô phúc. Bà đi ra giữa thanh thiên bạch nhật, không còn hình tượng người nữa, ai nấy đều thương hại. Việc này thấu đến tai nhà chức trách, thằng con bất hiếu bị bắt và kêu án sáu tháng tù ở. Ai nấy đều ca tụng công lý. Chỉ có bà mẹ quên tội của con, cất  tiếng lên vừa than khóc vừa xin tòa đừng tống giam con mình tội nghiệp.

Ôi, Tình mẹ bao la!

 

Suy Niệm 8Tìm con chiên lạc

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Hạt giống...

Ta cần lưu ý tới văn mạch của đoạn Tin Mừng này là Mt chương 18 trong đó Mt gom chung những lời Chúa Giêsu dạy về nếp sống trong cộng đoàn Giáo Hội: phải phục vụ nhau (cc 1-4), đừng làm cớ cho anh chị em mình vấp ngã (cc 5-11), tìm cứu những anh chị em lầm lạc (đoạn này), sửa lỗi cho nhau (cc 15-18) v.v.

Trong một tập thể nhiều người, dĩ nhiên có người lầm lạc. Nếu không thương nhau thì tập thể sẽ bỏ mặc kẻ lầm lạc đó. Còn nếu thương nhau thực thì phải tiếc vì một người anh chị em mình bị lạc và do đó cố gắng tìm về.

Do đó, có thể nói rằng tập thể nào không tiếc xót một thành viên trong tập thể bị lầm lạc và không tận tình tìm cứu thành viên đó thì không phải là một tập thể yêu thương, không phải là tập thể có tính Giáo Hội.

B.... nẩy mầm.

1. Người ta chỉ cố sức tìm lại cái bị mất khi người ta thấy cái đó có giá trị. Người mục tử mới lặn lội đi tìm con chiên lạc vì vẫn coi con chiên đó là quý mặc dù nó đi lạc. Đối với Thiên Chúa, người nào cũng có giá trị, cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế Ngài vẫn yêu thương, vẫn quý chuộng và lặn lội tìm cứu: “Con người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10). Khi tôi không tìm cứu người lầm lạc trong cộng đoàn của tôi là tôi không còn coi người đó là anh chị em mình nữa, nhưng coi đó là đồ bỏ.

2. “Để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”... “Vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc”. Ta sẽ không thể hiểu được những câu này nếu ta chỉ suy nghĩ theo luận lý tính toán vụ lợi. Trái lại ta sẽ hiểu rất dễ nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim. Như một người mẹ lạc con, phải chăng bà để các đứa con khác ở nhà và tất tả đi tìm đứa bị lạc!

3. Việc để 99 con chiên kia trên núi để đi tìm con chiên lạc chứng tỏ trong tình cảnh đó trong đầu người mục tử không còn nghĩ gì khác, và trong lòng ông cũng không còn tâm tình gì khác ngoài nỗi lo lắng cho con chiên lạc: nó rất khổ, nó đói khát, nó phải gặp biết bao nguy hiểm... Càng thương nó, người mục tử càng thấy lòng mình như bị kim châm, lửa đốt...

4. Một trong những ý của bài đọc Cựu Ước: “Ngài chăn dắt đoàn chiên Ngài như một mục tử. Ngài ẵm những con chiên trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.

Nhiều khi tôi quen sống trái ngược với tâm tình của Chúa. Tôi vô tâm, bám vào khẩu hiệu “thiểu số phục tùng đa số”. Do đó có những cá nhân bơ vơ lạc lõng giữa công đoàn, họ trở thành vô danh giữa đám đông vô tình, chẳng ai ngó ngàng dìu họ về với nếp sống cộng đoàn.

Lạy Chúa, về một khiá cạnh nào đó, con cũng lại là một con chiên lạc. Vì ham vui, vì dại dột, vì cố ý… con đã tách rời khỏi bầu khí của cộng đoàn. Con trở nên lạc lõng bơ vơ giữa cộng đoàn đông người. Nhưng Chúa hằng lưu tâm tới mỗi cá nhân. Xin Chúa thương dắt con về với cộng đoàn.

5. “Người chăn chiên để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc” (Mt 18,12)

Đã có lần tôi cảm thấy ngao ngán khi phải đến thánh đường. Tất cả những sinh hoạt tôn giáo đối với tôi chỉ mất thời gian và vô nghĩa. Chúa ở đâu? Tôi chẳng cần biết nữa. Và tôi tự giải thoát bằng đam mê học tập, lo toan kiếm sống và chạy theo những thú vui… Cuộc sống vẫn trôi, vẫn vui.

Rồi một ngày, trên đường đến trường, tôi gặp đám tang của một bạn trẻ. Sau quan tài, bà mẹ được hai người dìu bước, khóc nức nở… Cảnh tượng ấy làm tôi hết sức xúc động. Nhìn gương mặt tươi trẻ của anh trong khuôn ảnh, tôi tự hỏi: Cuộc sống chỉ có thế thôi sao? Bạn ấy sẽ đi về đâu? Còn tôi? Chẳng lẽ cuộc sống lại kết liễu dễ dàng như vậy sao? Tôi cảm thấy băn khoăn, trống rỗng. Chẳng biết phải làm gì nữa, tôi lại tìm đến Chúa… Nhìn lên thập giá, Chúa Giêsu đang dang tay, đầu gục xuống, như mong mỏi, chờ đợi tôi từ lâu. Trong thinh lặng, tôi đã nhận ra chính Ngài đã kiếm tìm tôi qua sự kiện bất ngờ ấy.

Lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nhận được tình Ngài luôn dõi bước theo con, kiếm tìm con, chờ đợi con, dẫu có những lúc con đã quên Ngài (Epphata).
 

God carries us in his bosom – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 7.12.2021
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Tuesday (December 7)

God carries us in his bosom

Scripture: Matthew 18:12-14   

12 What do you think?  If a man has a hundred sheep, and one of them has gone astray, does he not leave the ninety-nine on the hills and go in search of the one that went astray?  13 And if he finds it, truly, I say to you, he rejoices over it more than over the ninety-nine that never went astray. 14  So it is not the will of my Father who is in heaven that one of these little ones should perish.

 

Thứ Ba 7-12          

Thiên Chúa sẽ ôm chúng ta vào lòng

Mt 18,12-14

12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Meditation: Do you know what it’s like to lose your bearings and to be hopelessly adrift in a sea of uncertainty? To be alone, lost, and disoriented without a sense of direction is one of the worst fears we can encounter. What we would give to have a guide who would show us the way to safety and security, the way to home and family. Scripture comforts us with the assurance that God will not rest until we find our way home to him. The Scriptures use the image of a shepherd who cares for his sheep to describe what God is like. God promised that he would personally shepherd his people and lead them to safety (Isaiah 40:11). That is why God sent his only begotten son as the Messiah King who would not only restore peace and righteousness to the land, but who would also shepherd and care for his people with love and compassion. Jesus describes himself as the good shepherd who lays down his life for his sheep (John 10:11).

The Good Shepherd feeds, protects, and provides the best care possible for his flock

What can we learn from the lesson of Jesus’ parable about a lost sheep? This parable gives us a glimpse of the heart of a true shepherd, and the joy of a community reunited with its lost members. Shepherds not only had to watch over their sheep by day and by night; they also had to protect them from wolves and lions who preyed upon them, and from dangerous terrain and storms. Shepherds often had large flocks, sometimes numbering in the hundreds or thousands. It was common to inspect and count the sheep at the end of the day. You can imagine the surprise and grief of the shepherd who discovers that one of his sheep is missing! Does he wait until the next day to go looking for it? Or does he ask a neighboring shepherd if he might have seen the stray sheep? No, he goes immediately in search of this lost sheep. Delay for even one night could mean disaster leading to death. Sheep by nature are very social creatures. An isolated sheep can quickly become bewildered, disoriented, and even neurotic. Easy prey for wolves and lions!

Jesus, the Good Shepherd, watches over every step we take – do we follow him?

The shepherd’s grief and anxiety is turned to joy when he finds the lost sheep and restores it to the fold. The shepherd  searches until what he has lost is found. His persistence pays off. What was new in Jesus’ teaching was the insistence that sinners must be sought out time and time again. How easy to forget and be distracted with other matters while the lost become prey for devouring wolves of the soul. The Apostle Peter reminds us that the “devil prowls around like a roaring lion, seeking some one to devour” (1 Peter 5:8).

God does not rejoice in the loss of anyone, but desires that we be brought back and restored to friendship with him. That is why the whole community of heaven rejoices when one sinner is found and restored to fellowship with God. God is on a rescue mission today to save us from the destructive forces of sin and evil. Jesus, the Good Shepherd, watches over every step we take. Do you listen to his voice and heed his wise counsel? Do you follow the path he has set for you – a path that leads to life rather than death?

“Lord Jesus, nothing escapes your watchful gaze and care. May I always walk in the light of your truth and never stray from your loving presence.”

 

Suy niệm: Bạn có biết điều gì giống như mất phương hướng và lênh đênh một cách vô vọng trên biển cả bất định không? Bị cô đơn, mất mát, và bối rối không có nhận thức định hướng là một trong những nỗi sợ hãi nhất chúng ta có thể gặp phải. Điều mà chúng ta cần là người hướng dẫn, người sẽ chỉ cho chúng ta biết con đường về tới chỗ an toàn và bảo đảm, con đường về tới nhà và gia đình. Kinh thánh an ủi chúng ta với lời xác tín rằng Thiên Chúa sẽ không an nghỉ cho tới khi chúng ta đang trên đường về nhà với Người. Kinh thánh dùng hình ảnh người mục tử, người chăn dắt đoàn chiên mình để diễn tả Thiên Chúa là Đấng nào. Thiên Chúa hứa rằng chính Người sẽ chăm dắt dân Người và dẫn dắt họ đến nơi an toàn (Is 40,11). Đó là lý do tại sao TC sai Con một mình tới với tư cách là Vua Mêsia, Đấng không chỉ phục hồi sự bình an và công chính cho trái đất, mà còn chăn dắt và săn sóc cho dân Người với tình yêu thương và trắc ẩn. Ðức Giêsu mô tả chính Ngài là Mục tử nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11).

Mục tử Nhân lành nuôi nấng, bảo vệ, và làm những điều tốt nhất cho đoàn chiên của mình

Chúng ta có thể học được bài học gì từ dụ ngôn con chiên lạc của Ðức Giêsu? Dụ ngôn này cho chúng ta một ý niệm lờ mờ về tâm hồn của một người mục tử đích thật, và niềm vui của một cộng đoàn hợp nhất với những thành viên thất lạc của nó. Các mục tử không chỉ canh chừng đoàn chiên của họ ngày đêm, mà còn phải bảo vệ chúng khỏi bị sói dữ và sư tử rình mồi chúng, và khỏi địa thế nguy hiểm và bão tố. Các mục tử thường có những đàn chiên lớn, thỉnh thoảng con số lên đến cả trăm hay cả ngàn. Thông thường vào cuối ngày, người ta kiểm soát và đếm chiên. Bạn có thể hình dung sự kinh ngạc và đau khổ của người mục tử khi khám phá ra rằng một trong số những con chiên của họ bị thất lạc! Có phải họ chờ đợi cho tới ngày mai mới đi tìm nó không? Hay họ sẽ hỏi thăm người mục tử láng giềng xem có nhìn thấy con chiên bị lạc không? Không, ngay lập tức họ lên đường đi tìm con chiên lạc này. Trì hoãn thậm chí một đêm, có thể tai họa dữ dằn kia sẽ dẫn đến cái chết. Theo bản tính tự nhiên, chiên là loài vật có tính xã hội. Một con chiên lìa đàn có thể nhanh chóng trở nên lúng túng, cô đơn, và thậm chí sẽ bị điên loạn. Nó dễ dàng trở thành mồi ngon cho sói và sư tử!

Đức Giêsu, Mục tử Nhân lành, dõi theo từng bước chân chúng ta, bạn có theo Người không?

Nỗi buồn và lo lắng của người mục tử sẽ trở thành niềm vui khi họ tìm thấy con chiên lạc và đem nó về đàn. Người mục tử tìm kiếm cho tới khi những gì họ mất được tìm thấy. Sự kiên trì của họ được đền bù xứng đáng. Điều mới lạ trong giáo huấn của Ðức Giêsu là sự nhấn mạnh rằng các tội nhân phải được tìm kiếm nhiều lần. Thật dễ dàng để quên lãng và bị những điều khác lôi cuốn trong khi con chiên lạc đang trở nên mồi ngon cho lũ sói thèm muốn các linh hồn. Thánh Phêrô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng “ma quỷ như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

Thiên Chúa không vui vẻ khi có một ai bị hư mất, nhưng Người mong ước rằng tất cả đều được cứu rỗi và phục hồi tình bằng hữu với Người. Đó là lý do tại sao cả triều đình thiên quốc vui mừng khi một người tội lỗi được tìm thấy và trở về với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, TC vẫn thực hiện sứ mạng giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh tiêu diệt của tội lỗi và ma quỷ. Ðức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, hằng theo dõi từng bước chúng ta đi. Bạn có lắng nghe tiếng nói của Ngài và chú ý tới lời khuyên bảo khôn ngoan của Ngài không? Bạn có bước theo con đường mà Ngài đã vạch ra cho bạn – con đường dẫn tới sự sống hơn là sự chết không?

Lạy Chúa Giêsu, không có gì thoát khỏi cái nhìn và sự quan tâm tỉ mỉ của Chúa. Chớ gì con luôn luôn bước đi trong ánh sáng chân lý Chúa và không bao giờ lạc khỏi sự hiện diện yêu thương của Chúa. 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây