GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


THIÊN CHÚA KHÔNG MUỐN SỰ DỮ

THIÊN CHÚA KHÔNG MUỐN SỰ DỮ
Lịch sử cứu độ vẫn miệt mài trôi, vẫn cưu mang một sức sống lớn không thể tả để cứu sống mọi con người, mọi thời đại, vẫn mãi mãi trao ban bình an, trao ban sự tha thứ và cứu chuộc…
000a
000a
Lịch sử cứu độ vẫn miệt mài trôi, vẫn cưu mang một sức sống lớn không thể tả để cứu sống mọi con người, mọi thời đại, vẫn mãi mãi trao ban bình an, trao ban sự tha thứ và cứu chuộc…

Lịch sử cứu độ vẫn miệt mài trôi, vẫn cưu mang một sức sống lớn không thể tả để cứu sống mọi con người, mọi thời đại, vẫn mãi mãi trao ban bình an, trao ban sự tha thứ và cứu chuộc…
Tất cả chỉ có thể có nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa, thì đã không có lịch sử cứu độ, không có bất cứ một cái gì. Và nếu Thiên Chúa không là một Thiên Chúa yêu thương, thì trước sự tàn phá của tội lỗi và lòng bất trung của con người, cũng đã không còn bất cứ một cái gì tồn tại.
Lịch sử cứu độ đã chứng minh tình thương của Thiên Chúa là tất cả, làm cho tồn tại tất cả, hồi sinh tất cả, vinh thăng tất cả. Tình thương vô vàn của Thiên chúa không bao giờ tắt liệm. Đó là một thứ tình đã có từ muôn đời, mãi đến hôm nay, và sẽ còn về sau, sẽ còn đến muôn đời. Đó là tình yêu vĩnh cửu.
Trên cõi đời, không có bất cứ một lý do nào khác ngoài tình thương của Thiên Chúa: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực … Ta đã nghe tiếng chúng kêu than … nên Ta xuống cứu chúng” (bài đọc 1). Bởi tất cả mọi thứ có được là nhờ tình thương vô cùng của Thiên Chúa.
Vậy, Thiên Chúa yêu thương, sao con người vẫn đau khổ? Sự dữ vẫn tồn tại? Ngay trong bài Tin Mừng, chúng ta đã thấy sự đau khổ: nhiều người Galilê bị quan Philatô giết chết. Mười tám người khác bị tháp Silôe đổ đè chết.  
- Qua tất cả những sự dữ, có thể là do con người gây nên cho nhau. Lòng thù hận của con người đã dẫn đến không biết bao nhiêu oan khuất, thê lương. Giống như quang Philatô đã sát hại nhiều người.
- Có thể thiên nhiên cuồn nộ và phản lại con người. Nhiều trường hợp, sự cuồn nộ của thiên nhiên có phần "góp sức" đáng kể của con người, bởi họ đã không sử dụng thiên nhiên để phát triển chúng, để mang lại lợi ích cho chính sự sống của họ.
Lịch sử cận và hiện đại cho thấy, con người, vì tư lợi, đã vắt kiệt sức thiên nhiên, đã tàn nhẫn sát hại thiên nhiên cách thô bạo. Việc làm này không chỉ trong một số thời điểm nhất định nào, nhưng là cả một quá trình...
Hiện nay, dù đã nhận ra sự tồn vong của giống nòi đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng, nhưng vì tư lợi và lợi lộc trước mắt mà loài người chẳng những không dừng, lại còn đưa bàn tay sâu hơn vào việc cư xử tàn bạo với mẹ thiên nhiên của mình. Nhiều người chân chính lo sợ sự trả giá mà con cháu chúng ta phải gánh lấy hậu quả do chính hành động của cha ông chúng...
- Sự dữ có thể ập đến do nhiều lý do: con người không thể lường hết những rủi ro, thiếu năng lực, không nhìn thấy hết những bất cập, sự bất toàn của chính mình, hoặc tham lam, ước ao giàu có nhưng không bằng con đường lao động chân chính, thù ghét nhau... mà những công trình khai phá thiên nhiên, những công trình mà con người nỗ lực dựng xây... không bảo đảm chắc chắn, không bảo đảm an toàn... đã và sẽ còn làm cho biết bao nhiêu người phải chết, phải thương tật, bệnh tật và nghèo đói suốt đời...
- Qua tất cả các sự dữ, Chúa nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình, để chúng ta luôn sẵn sàng cho bất cứ lúc nào, nếu phải kết thúc hành trình đời mình.
- Dù Thiên Chúa không muốn sự dữ xảy ra. Nhưng trong trường hợp sự dữ đã xảy ra, Thiên Chúa có thể rút ra từ sự dữ, những điều tốt lành. Thậm chí, Người còn lấy ra từ sự dữ những giá trị thánh, giá trị hằng sống, giá trị cứu độ, giá trị vĩnh cửu...
Nhận định này bắt nguồn từ chính mạc khải của Thiên Chúa. Chẳng hạn, tổ phụ Giuse bị các anh ghen ghét và bán cho người Aicập. Không ai ngờ, từ trong sự kiện tàn độc này, Chúa muốn tổ phụ cứu sống cả gia đình mình.
Hoặc chính Chúa Giêsu, Đấng đã bị loài người loại trừ, thì Thiên Chúa đã dùng chính sự chết và sống lại của Người để cứu độ loài người, cho phép những kẻ mang thân phận loài người cùng được phục sinh, cùng được thừa hưởng cơ nghiệp vĩnh cửu của Người trong nhà Thiên Chúa, trong chính sự sống trường tồn của Thiên Chúa.
- Qua sự dữ mà ta đang phải đối mặt, Chúa có thể giáo dục ta như người cha dùng roi để đánh con mình. Qua sự dữ mà ta kiên trung chịu đựng, đức tin của ta sẽ mạnh mẽ hơn, lòng cậy trông sẽ vững vàng hơn, tình yêu mến sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
- Chúng ta cần ghi nhớ: Chúa công bằng vô cùng. Bởi khi một người gặp phải nhiều khổ đau ở đời này, họ sẽ không hoặc giảm việc đền tội mà họ phải gánh chịu ở đời sau.
- Trong Hội Thánh, giáo lý về đến tội thay là một giáo lý đẹp. Biết bao nhiêu người hy sinh cho người khác, để đền tội thay cho những kẻ tội lỗi. Và tất cả những người được chọn làm vật tế sinh, Chúa sẽ có cách của Chúa để trả lại cách cân xứng những gì mà họ phải chấp nhận.
Ví dụ:
* Chúa Giêsu vô tội đền tội thay cho cả trần gian, nay đã vinh hiễn đến muôn đời trong ơn phục sinh.
* Các vị thánh của Chúa như thánh Têrêsa Avila, cả một đời đan tu, phải chấp nhận quá nhiều đau khổ để khai sinh dòng Carmel cho Hội Thánh.
* Và biết bao nhiêu người công chính chấp nhận chết thay cho người không công chính để đền thay tội lỗi của họ...
* Chúng ta cũng có thể đền tội thay cho nhau, và đền tội thay cho các Đẳng Linh Hồn để cầu nguyện cho họ mau được về hưởng tôn nhan Chúa…
* Tất cả những người sống hay chết, một khi đã thực hành việc đền tội thay cho anh chị em mình, chắc chắc được Chúa thưởng công cân xứng với những gì họ đã hy sinh như Chúa Giêsu, như các thánh của Chúa.
Vậy đứng trước bất cứ biến cố nào, dù cho đó là sự dữ, chúng ta hãy luôn có một ý thức vững vàng rằng, Thiên Chúa không bao giờ muốn có sự dữ. Ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự tốt đẹp. Cả khi con người không còn tốt đẹp như thuở ban đầu do tội lỗi mà chính họ gây ra, Thiên Chúa đã không vì thế mà hủy bỏ công trình của Người. Thay vì hủy bỏ, Thiên Chúa đã cứu độ, đã tái tạo, đã đi tìm con người và đưa họ về sống trong tình yêu mà muôn đời Người vẫn dành cho họ.
Khi chạm phải bất cứ thử thách nào, ta cần bình tâm, để có thể sáng suốt nhận ra sự dữ bởi đâu; đâu là sự quan phòng của Chúa; đâu là cách Chúa dùng để giáo dục ta; đâu là bài học, là sự tốt lành mà Chúa có thể rút ra từ sự dữ để trao ban cho ta...
Đối diện với sự dữ, ta cầu xin Chúa đón nhận mình, đón nhận những khổ đau mà ta đang từng giờ, từng khắc  chịu đựng nó.
Ta xin Chúa ban ơn, để với cây thánh giá mà bản thân đang phải gánh lấy, sẽ đưa ta về tháp nhập thánh giá Chúa Kitô, để cùng Chúa Kitô, ta cũng trở nên vật tế sinh đền tội chính mình, đền tội thay cho thế gian, cho mọi anh chị em của mình.
Điều quan trọng nhất, đó là hãy sống tốt từng thời khắc, để nếu chính ta phải đối diện với sự dữ, đối diện với cái chết là sự dữ lớn, thì ta vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng, luôn trong tình trạng lành thánh, đáng hưởng tôn nhan Chúa.
Lạy Chúa, chúng con ăn năn tội. Mỗi lần chứng kiến sự dữ, nhất là sự dữ ập đến bất ngờ, chúng con càng phải ăn năn tội nhiều hơn, để luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho thời điểm Chúa gọi chúng con. Amen.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
 
 

Nguồn tin: tinvui.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây