GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Bảy đầu tháng, tuần 9 thường niên. – Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 9 thường niên. – Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 9 thường niên. – Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

 

* Thánh nhân sinh tại Anh quốc quãng năm 673. Người nhập đan viện I-xơ-te và được Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô II đổi tên Uyn-phơ-rít thành Bô-ni-pha-xi-ô.

Người là tông đồ của nước Đức và là người tổ chức lại Hội Thánh nhiều miền. Sau khi được Đức Giáo Hoàng tấn phong giám mục (năm 722), người rảo khắp nước Đức, thành lập các giáo phận và các đan viện trong đó có đan viện Phun-đa. Người bị sát hại ở Đốc-cum (Hà Lan) cùng với năm mươi hai đồng bạn năm 754.

 

Lời Chúa: Mc 12, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn".

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền.

Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".

 

 

Suy Niệm 1: Tất cả những gì bà có

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược.

Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa.

Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ,

từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.

Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do-thái giáo.

Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê,

thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng.

Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân.

Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã.

Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh.

Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ.

Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc,

họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao.

Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác.

Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập

lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa.

Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài.

Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.

Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy

là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng.

Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền.

Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại

và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác,

mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ.

Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.

Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy,

cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa.

Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật.

Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả.

Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất.

Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.

Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức

khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo,

ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình.

Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa,

với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh.

Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm.

Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền,

nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.

 

Lời nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Thẩm phán chí công

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”. Và Chúa phán xét: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Chúa không nhìn bề ngoài. Nhưng nhìn trong tâm hồn. Chúa phê phán những người sống bề ngoài nhưng không có nội tâm. “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng…Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.

Chúa vẫn luôn quan sát đời sống chúng ta. Và sẽ thưởng phạt đúng với công việc. Tổng lãnh Thiên thần Ra-pha-en đã cho Tô-bít biết điều đó. “Hãy biết rằng khi ông và cô Xa-ra cầu nguyện, chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện đó lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dở bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông. Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông và cô Xa-ra, con dâu ông”. Sở dĩ Tô-bít và Xa-ra được Chúa thương như vậy. vì họ sống chân thật, nghèo khổ mà vẫn bố thí. Khó khăn mà vẫn cầu nguyện. Như Ra-pha-en cho biết: “Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thì đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc” (năm lẻ).

Nhưng quan trọng hơn Chúa là Thẩm Phán chí công ở đời sau. Đời sau mới quyết định số phận vĩnh cửu. Hạnh phúc đích thực. Vì thế thánh Phao-lô chấp nhận chịu thiệt thòi, mất mát, kể cả hi sinh mạng sống, để được Chúa thưởng ở đời sau: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi… Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy”. Và thánh nhân khuyên nhủ người con Ti-mô-thê-ô cũng hãy kiên trì phục vụ Chúa như ngài. Để cũng được thưởng như ngài: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (năm chẵn).

Hãy luôn sống trước Nhan Chúa, dưới ánh mắt của Chúa. Chúa thấu suốt tâm hồn. Sẽ thưởng phạt chính xác. Đời này không có công lý. Ta chấp nhận thiệt thòi vì Chúa. Rồi Chúa sẽ trả lại cho ta.

 

Suy Niệm 3: Tín thác vào Chúa

Một văn sĩ Mỹ kể lại giai thoại như sau:

Hôm đó là Chúa Nhật, ông đi tham dự buổi nói chuyện của một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo nói năng rất hùng hồn, những nỗi thống khổ của người dân bản xứ mà nhà truyền giáo kể lại đã khiến cử tọa cảm động sâu xa. Văn sĩ kể về mình thế này: Khi nhà truyền giáo kêu gọi sự giúp đỡ, tôi định bỏ vào giỏ một đôla; nhưng giọng nói của ông cảm động đến độ tôi định tăng lên năm đôla, và ngay cả ký một chi phiếu. Thế rồi, nhà truyền giáo tiếp tục phóng đại nỗi thống khổ của người bản xứ; ông cứ nói mãi, nói mãi, đến nỗi mọi người không còn muốn nghe nữa. Tự nhiên tôi có ý định rút lại việc ký ngân phiếu, rồi từ từ giảm xuống năm rồi còn một đôla, và cuối cùng khi nhà truyền giáo chấm dứt bài thuyết trình và cái giỏ tiền được chuyền đến tay tôi, thì tôi chỉ bỏ vào đó có mười xu.

Giai thoại trên đây có thể gợi cho chúng ta thái độ cầu nguyện của các luật sĩ và biệt phái mà Chúa Giêsu đã không ngừng lên án. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Thái độ cầu nguyện này phát xuất từ một quan niệm có tính cách bùa chú về Thiên Chúa. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quý là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.

Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không thể đo lường, tính toán. Xin cho từng tâm tư và suy nghĩ của chúng ta là một lời tri ân cảm tạ Chúa vì xác tín rằng bàn tay quan phòng của Chúa đang làm những điều kỳ diệu cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Những đồng xu nhỏ của bà góa nghèo

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc. 12, 41-43)

Chính sau khi đã nặng lời chỉ trích các ông kinh sư luật sĩ vì họ kiêu ngạo và bất công, mà Chúa Giêsu tán dương lòng quảng đại của một bà góa nghèo. Rõ ràng là ý Chúa muốn dùng câu chuyện nhỏ này để tạo nên một nét tương phản hùng hồn với tính phô trương giả hình của các kinh sư, luật sĩ. Tuy nhiên sẽ là lầm lạc khi đưa ra kết luận rằng, trong tâm trí của Đức Kitô, những người nghèo nhất thiết là những người quảng đại, còn những người giầu có thì không thiếu những kẻ bủn xỉn; ta có thể đưa ra biết bao nhiêu gương tốt xấu về phía này cũng như về phía kia. Người ta không phân chia thế giới thành hai loại người: những người nghèo tốt và những kẻ giầu xấu; xác định lập trường quá đơn giản như vậy quả là một sự trái lẽ và nếu ta lại gán cho Chúa cũng có lập trường như vậy thì quá bất công.

Những kẻ bênh vực cho cảnh bần hàn đã hoài công xử dụng những lý chứng trên đây. Giả như có ai cho họ nhiều đồ, thì họ vẫn cứ thích nhận, hơn là nhận món quà ít oi bé nhỏ của những người túng thiếu, mặc dầu họ đã rào trước đón sau khi nói với bạn rằng của cho không quan trọng cho bằng tấm lòng người cho. Dầu sao, ai mà không cảm động khi thấy một người nghèo đã chắt chiu bòn hết tiền nhà để nâng đỡ một người khốn khổ hơn mình..

Đàng sau cái dư thừa  

Vượt qua bức tường của cái dư thừa, khó hơn là vượt qua bức tường âm thanh. Khi cho cái bạn thừa rồi, cái bạn không cần đến, bạn vẫn được xếp vào hàng người lương thiện; Chắc hẳn, người ta không thể trách móc bạn điều gì, nhưng bạn đừng hy vọng người ta khen bạn. Bạn chỉ bước vào lãnh vực của tình yêu, chỉ chiếm được con tim khi bạn đi xa hơn, khi cho cái thiết thân của bạn, khi cho chính bản thân mình, khi bạn dấn thân. Vì thế bạn có nhiều hay chẳng có gì, điều ấy chẳng mấy quan trọng; điều quan trọng là bạn có một trái tim biết yêu.

Điều Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cho chúng ta bằng vô vàn thí dụ, chính là Nước Trời là của những ai hiến mạng sống mình cho tha nhân, chứ không phải là của những ai quăng đi những miếng bánh thừa.

Khi đạt tới việc chia sẻ cái cần thiết, con người không còn phân chia thành kẻ giầu, người nghèo nữa; họ bình đẳng với nhau. Thực ra những trái tim của con người, tim nào cũng đập, chỉ có môi trường là thay đổi thôi. Khi trần trụi, đó chính là lúc con người tỏ ra ích kỷ hay quảng đại đấy.

 

Suy Niệm 5: ĐÂU LÀ GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA? (Mc 12, 38-44)

Sống giả hình trong sự hào nhoáng bề ngoài là thứ mà con người luôn sử dụng và không ngừng trang điểm cho nó. Bởi xuất phát từ lối suy nghĩ rằng: nhờ những chuyện hình thức bên ngoài, nó sẽ che lấp sự xấu xa bên trong. Tuy nhiên, đây chỉ là điều vô lý và hão huyền khi đối diện với những chân lý Tin Mừng.

Hôm nay thánh Máccô trình thuật việc được Đức Giêsu vạch trần sự giả tạo của những Kinh Sư khi kể cho họ nghe câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện.

Những người Kinh Sư luôn coi họ là người đạo đức, thánh thiện hơn mọi người khác. Sự tốt lành của họ được biểu hiện qua việc: nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Không những thế, họ còn mong muốn người ta thưởng cho mình những tiếng tốt và kính trọng khi đi ra đường bằng việc chào hỏi nơi công cộng...

Như thế, đối tượng bị họ khinh bỉ chính là người nghèo và tội lỗi... Thế nhưng, Đức Giêsu đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm đó bằng việc khen ngợi một bà góa nghèo bỏ có hai xu vào đền thờ. Trong khi đó chê bác việc người giàu bỏ nhiều tiền nhưng lại là tiền dư thừa của họ chứ không phải như bà góa bỏ trọn vẹn những gì bà có.

Trong xã hội hôm nay, người giàu thường được tôn trọng. Chân lý thuộc về kẻ có quyền, có tiền. Người nghèo luôn nắm phần thua thiệt! Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Người giàu trước mặt Thiên Chúa là sự khiêm nhường thẳm sâu. Kẻ nghèo chính là người kiêu ngạo.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sống đạo thực tâm. Luôn có một cái tâm sáng, để những việc làm của mình được trong sạch. Cần có một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời sống trong tình yêu đó nơi những mối tương quan thì tốt hơn là những hình thức phô trương bên ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng tình yêu chân thành. Xin cho chúng con biết sống đạo với tâm hồn đơn sơ, tin tưởng, phó thác và yêu mến thay cho những sự giả tạo, man trá bề ngoài. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa đánh giá

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa khoan nhân đánh giá chính tấm lòng mỗi người. Giá trị của việc làm không tùy thuộc số lượng nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc tấm lòng thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, loài người ai cũng muốn được tiếng khen. Tiếng khen như một lời động viên, tiếp sức cho con cố gắng. Điều đó tự nó là tốt. Tuy thế, nếu làm việc chỉ vì tiếng khen, thì việc đó trước mắt Chúa là vô giá trị.

Chúa khen người đàn bà góa nghèo khó đã dâng cúng vào đền thờ nhiều hơn hết mọi người vì Chúa nhìn thấy tấm lòng thành của bà. Bà được khen không phải vì bà bỏ nhiều tiền, cũng không phải vì bà nghèo. Bà được khen vì bà gói được trọn tấm lòng của bà trong món quà nhỏ bé đó mà dâng cho Chúa. Chúa khen tấm lòng của bà. Những người trước đó không được Chúa khen vì tấm lòng của họ dâng Chúa được ít lắm. Họ chưa sống hết lòng vì Chúa và cho Chúa.

Lạy Chúa, con biết rằng lạm dụng việc lành phúc đức để cầu danh chính là xử bất công với Chúa. Xét lại bản thân con có thể đôi lần làm việc chỉ vì mua danh cho mình. Rất nhiều khi con làm việc vừa vì tin mến Chúa mà cũng lại vừa vì tiếng khen. Con vẫn còn để cho lòng ham danh theo tính tự nhiên ảnh hưởng đến những việc lành phúc đức của con. Do vậy, của lễ con dâng chưa trọn vẹn là cho Chúa mà còn là cho con.

Xin Chúa thanh luyện ý hướng con. Xin cho con biết làm cả những việc tốt âm thầm, vì đó là những dịp giúp con sống trọn vẹn cho Chúa.

Xin nâng đỡ con, để con đừng nản lòng bất mãn khi một việc tốt con làm mà lại bị hiểu lầm chê bai. Amen.

Ghi nhớ : “Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

 

Suy Niệm 7: Tôn thờ Thiên Chúa với con tim chân thành

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bà góa ở Sarépta chỉ còn một chút bột, một chút dầu để mẹ con cùng ăn một bữa ăn cuối cùng cho đỡ đói, rồi cùng nhau chấp nhận chết đói. Thế nhưng, bà đã quảng đại sẵn sàng nhường và chia phần ăn của mẹ con bà cho ngôn sứ Êlia, người của Thiên Chúa. Cử chỉ yêu thương, rộng lượng của bà đã gặp được lòng thương xót, quảng đại của Thiên Chúa. Suốt mùa hạn hán ở xứ sở, quê nhà, hũ bột của bà không bao giờ cạn và dầu trong bình nhà bà không bao giờ vơi (x. 1V 17,10-16).

Suy niệm

Ðức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch: Các kinh sư, biệt phái với sự mưu mô xảo quyệt được che đậy bằng một lớp vỏ bọc đạo đức bên ngoài. Bà góa nghèo với sự chân thành.

Trong xã hội Do Thái, người góa sống như những chiếc bóng giữa lòng xã hội: Yên lặng và nghèo đói. Người góa thì hay bị bóc lột, bị các kinh sư nuốt hết gia tài như Chúa Giêsu đã từng nói trong Tin Mừng Maccô (x. Mc 12,40)

Bà goá trong đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay cũng giống như bà góa Sarépta. Bà nghèo của, nhưng giàu lòng, bà ít tiền, nhưng quảng đại. “Chỉ có hai xu” nhưng chất chứa một sự cố gắng và lòng quảng đại. Do vậy, tuy lễ vật của bà nhỏ bé nhưng được Chúa ngợi khen đó là của lễ trên hết vì bà đã bỏ hai đồng xu nhỏ là cả gia tài để bà sống và nó có giá trị hơn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu của những người giàu có dư tiền, lắm của.

Chiêm ngưỡng thái độ và tấm lòng quảng đại của hai bà góa, tôi cùng bạn soi chiếu vào cuộc đời của mình. Các bà góa đã chân thành, đã hết mình trong tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Bà góa ở Sarépta đã hết lòng chia sẻ với ngôn sứ Êlia cho chúng ta thấy một hình ảnh mẫu mực về mối tương quan nhân văn với tha nhân, chúng ta có chân thành và cư xử hết mình với tha nhân hay chỉ “bánh ít đi, bánh quy lại”, hoặc chỉ giữ vẻ thân thiện bề ngoài, nhưng trong lòng chất chứa một sự tính toán thiệt hơn…, và trong mọi mối quan hệ, chúng ta chỉ đánh giá qua bề ngoài, dựa vào tiền của để xác định tiêu chuẩn ngôi thứ trong xã hội như chúng ta đã từng nghe: “Tiền là Tiên, là Phật… Tiền là hết ý” mà quên đi tính chân thành, chia sẻ mộc mạc với nhau.

Bà góa bỏ hai xu vào đền thờ gợi cho tôi và bạn suy xét lại một tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa: Tôn thờ Ngài với một con tim chân thành. Mỗi khi dâng lễ vật qua thánh lễ, chúng ta có đến vì lòng thành hay chỉ vì câu nệ giữ luật. Chúng ta luôn tâm niệm rằng mọi lễ vật tuy nhỏ bé, bất xứng như việc đóng góp vào nhà Chúa, xây dựng cộng đoàn, chia sẻ với người nghèo… nhưng chúng ta làm với tất cả sự chân thành, phó thác thì tấm lòng vàng đó của chúng ta sẽ gặp được lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa, dù thân phận thế nào, ngay cả trong thân phận bất xứng với cả tấm lòng thành, chúng ta sẽ thành của lễ vô giá.

Thật thế, mọi lễ vật dâng lên cho Thiên Chúa cũng đều xuất phát từ con tim đơn sơ, chân thành.

Ý lực sống:

“Sự chân thành như là viên kim cương được hình thành trong trái tim” (Ngạn ngữ cổ).

 

Suy Niệm 8: Đồng xu của bà góa nghèo

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin mừng hôm có hai hình ảnh đối chọi nhau:

- Hình ảnh của các luật sĩ: rất cao trọng, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.

- Hình ảnh một bà goá nghèo: nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Bà đã dâng số tiền nhỏ mọn với thái độ âm thầm và quảng đại. Như thế, giá trị của việc dâng cúng hay bất cứ việc gì khác không tuỳ thuộc số lượng, hay kết quả bên ngoài, nhưng hệ tại ở lòng thành và cách sống của mỗi người.

2. Hôm ấy Chúa Giêsu cùng với các môn đệ vào đền thờ Giêrusalem, và ngồi nghỉ chân ở khu vực dành cho phụ nữ. Tại đây Chúa gặp một tấm lòng tốt của một góa phụ dâng cúng hai đồng Lenta vào hòm tiền đền thờ. Đồng Lenta là đồng tiền nhỏ nhất của những người nghèo thời ấy thường có. Bà ta bỏ vào hòm tiền với cả tấm lòng, vì bà đã hy sinh cả phần cuối cùng để sinh sống.

Chúa Giêsu ca tụng lòng tốt của bà, vì bà đã cho trong yêu thương. Càng cho nhiều thì là dấu càng thương yêu nhiều. Cho tất cả là dấu tình yêu thương không bờ bến. Người đàn bà goá không phải chỉ cho phần dư thừa đã dành dụm được, mà cho chính nguồn sống ít ỏi của bà. Như vậy, người đàn bà này vừa cho một cách quảng đại vừa một cách vui vẻ tận đáy lòng nữa.

3. Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mồng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cần lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng tiền của, mà ở quả tim được gói ghém trong món quà. Chúa Giêsu hôm nay đã nhìn thấy quả tim mà bà goá đã gói ghém trong món quà ấy.

4. Người Kitô hữu được tham dự chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn liên kết với tình yêu Thiên Chúa.

Hôm nay Đức Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra; có khi ít mà là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và hy sinh.

5. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho ta biết: lòng yêu thương có giá trị cao là do tấm lòng, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Giá trị của đồ vật trao tặng không quí bằng tấm lòng, tức là giá trị của quà tặng không tùy thuộc ở số lượng của vật chất, mà chính là tấm lòng của con người. Hiểu như thế chúng ta mới thấy dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì đó để trao ban: một nụ cười nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một chút quà nhỏ chia sẻ… đều có giá trị to lớn trước Thiên Chúa và trong tình yêu thương đối với nhau.

6. Truyện: Vật khinh nhưng hình trọng

Tổng thống Wilson Hoa Kỳ người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ nhất, và là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ bé của mình.

Một lần kia, ông và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Thế nhưng không hiểu thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào, để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thuỷ quốc gia.

Một cậu đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn cản, nhưng bà Wilson, phu nhân của tổng thống đã đưa tay đón lấy lá cờ và nhiệt tình cám ơn em. Cậu bé kia cảm thấy buồn vì không có gì dâng tặng tổng thống. Em cố moi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ, em sung sướng vô cùng, vì chính tổng thống đã chìa tay đón nhận món quà của em.

Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Khi bà Wilson xếp lại các đồ quen thuộc của chồng, mở chiếc ví, bà nhận ra ngay đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quí đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó trong mình.

 

SUY NIỆM:

1. Bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Đức Giê-su mời gọi mọi người và nhất là mời gọi các môn đệ của Người, trong đó có chúng ta hôm nay, đừng sống theo cách sống của các ông kinh sư:

Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. (c. 38-40)

Lời của Đức Giê-su chứa đựng hai lời cảnh báo đụng chạm sâu xa đến cách sống của chúng ta trong tương quan với người khác và với chính Chúa. Trước hết, đó là sự không tương hợp giữa việc đọc kinh cầu nguyện và tương quan của chúng ta với các “bà góa”. “Bà góa” là bà góa thực sự, và ở mọi nơi và mọi thời, đều có các bà gòa; nhưng “bà góa” còn là biểu tượng nói về tất cả những người nhỏ bé, giới hạn, kém may mắn, ít khả năng, nghèo khó, bị bỏ rơi, cô đơn, không có địa vị. Đức Giê-su đặc biệt quan tâm đến các bà góa, chẳng hạn bà góa nghèo trong bài Tin Mừng của chúng ta, “bà góa” hiểu theo cả hai nghĩa. Chắc chắn là vì, Mẹ của Người cũng là một bà góa!

Lời cảnh báo thứ hai, là thái độ tìm kiếm và cảm thấy thích thú với những lời tôn vinh của người khác ngang qua lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất. Đó không phải là vì lễ phục, sự chào hỏi, ghế danh dự và cỗ nhất là xấu, nhưng là thái độ tìm kiếm bằng mọi giá và cảm thấy vui thích trong những điều này; và mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm, cách sống này là mảnh đất mầu mở của những điều thuộc về ma quỉ: ham muốn, ghen tị, ganh đua, loại trừ, thậm chí bạo lực…

Tóm lại, các kinh sư là những người, không chỉ sống theo vẻ bề ngoài, nhưng còn đi tìm và thích thú với vẻ bề ngoài. Và ngang qua việc vạch rõ lối cụ thể của một nhóm người, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.

2. Chữa lành bệnh sống theo vẻ bề ngoài

Trong “Bài Giảng Trên Núi,” Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng sống theo vẻ bề ngoài, nhưng sống theo sự thật trong tương quan với chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là khi bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó là ba việc đạo đức căn bản trong đời sống đức tin; và chúng ta có thể mở rộng ra tất cả những việc đạo đức khác, và nhất là mở rộng ra cung cách sống căn tính Kitô hữu hay căn tính tu sĩ của chúng ta. Thực vậy, Đức Giê-su nói:

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (Mt 6, 1-18)

Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố hay nâng cấp đức khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Đức Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Kín đáo là một đặc nét của nữ tính; vì thế, phụ nữ dễ trở nên giống Thiên Chúa, Cha của chúng ta hơn!

Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Đức Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.

Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh sống theo vẻ bề ngoài của loài người của chúng ta, bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống của Người nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 14-15).

3. Hình ảnh « Bà Góa Nghèo »

Chúng ta hãy cùng với Đức Giê-su « ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ », và « quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao ». Như thế, thùng tiền hẳn phải đặt ở nơi mà mọi người có thể quan sát được, để cho việc trở nên công khai và minh bạch hơn. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, vị trí thùng tiền được đặt ở nơi công cộng cũng là dịp để người ta phô trương và ganh đua ; và điều này vừa có lợi cho bên nhận cũng như bên cho. Ngày nay, người ta vẫn còn làm những điều tương tự, như công bố danh sách ân nhân với số tiền cụ thể, phát giấy chứng ân nhân với sự phân biệt đẳng cấp khác nhau, tùy theo số tiền dâng cúng. Giống như bằng cấp đại học có phân biệt thứ hạng !

Đức Giê-su nhìn thấy những người giàu bỏ tiền của họ vào thùng tiền ; và ngài cũng thấy một bà góa túng thiếu bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, tương đương với 2 đồng tiền kim loại màu trắng 500 vào những năm 2000 của chúng ta. Các nhà chú giải cho rằng câu chuyện này minh họa cho lời trách của Đức Giê-su, là các luật sĩ tước đoạt hết tài sản của các bà góa, là cơ cấu tôn giáo thời đó đã bắt người ta đóng góp quá sức, đến độ một bà góa không còn gì để sống ! Tuy nhiên, những gì Đức Giê-su nói sau đó, sẽ đi theo một hướng khác hẳn.

Loài người chúng ta, trong vấn đề dâng cúng và cả trong những vấn đề khác nữa, chẳng hạn trong vấn đề lượng giá học tập (không chỉ văn hóa, và cả giáo lý, linh đạo và thần học) và công việc, chỉ chú trọng đến thành tích nhiều ít, cao thấp, to nhỏ, nghĩa là vẻ bề ngoài của sự việc. Nhưng Đức Giê-su nhìn sự việc theo một chiều kích khác, vừa đúng, vừa sâu và vừa đánh động lòng của chúng ta : « bà góa đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình ».

– Lời của Đức Giê-su an ủi chúng ta biết bao, vì tất cả chúng ta đều nhỏ bé, nghèo nàn, giới hạn, như bà góa ; và Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng ta thôi.

– Lời của Ngài cũng chất vấn chúng ta nữa : phải chăng chúng ta sống và xét đoán theo chỉ theo vẻ bề ngoài.

– Và Lời của ngài mời gọi chúng ta : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả ». Xét về số lượng hay nội dung, « tất cả » của chúng ta thì quá nhỏ bé và ít ỏi so với « tất cả » của Chúa ; như xét về tình yêu của trái tim, thì TẤT CẢ = TẤT CẢ, hai bên đều trao ban trọn vẹn như nhau !

Xin cho chúng ta cũng biết bỏ « vào đó » tất cả những gì cần cho sự sống của chúng ta. « Vào đó », là vào ơn gọi và sứ vụ của cả cuộc đời chúng ta ; « vào đó », là vào những gì chúng ta được mời sống hằng ngày ; « vào đó », là vào những gì chúng ta cảm thấy phải sống, phải làm, phải thay đổi, phải hoán cải… trong Chúa và để ca tụng Chúa ; « vào đó » là… (chúng ta có thể nhận ra thêm tùy theo tương quan của chúng ta với Chúa).
Và chỉ khi chúng ta cảm nhận được « muôn ngàn đời tình thương của Chúa » (x. Tv 136), chúng ta mới có thể cho đi như thế được. Và quả thực như thế, Thiên Chúa đã sống đến tận cùng tâm tình của « Bà Góa Nghèo », nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thánh Giá.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Bà góa nghèo này đã cho đi nhiều hơn những người khác – SN song ngữ 5.6.2021

 

 

Saturday (June 05): “This poor widow has put in more than the rest”

 

Scripture: Mark 12:38-44  

38 And in his teaching he said, “Beware of the scribes, who like to go about in long robes, and to have salutations in the market places  39 and the best seats in the synagogues and the places of honor at feasts, 40 who devour widows’ houses and for a pretense make long prayers. They will receive the greater condemnation.”  41 And he sat down opposite the treasury, and watched the multitude putting money into the treasury. Many rich people put in large sums.  42 And a poor widow came, and put in two copper coins, which make a penny. 43 And he called his disciples to him, and said to them, “Truly, I say to you, this poor widow has put in more than all those who are contributing to the treasury.  44 For they all contributed out of their abundance; but she out of her poverty has put in everything she had, her whole living.”

Thứ Bảy     05-6               Bà góa nghèo này đã cho đi nhiều hơn những người khác

 

Mc 12,38-44

38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Mediataion: 

 

What is true religion and devotion to God? Jesus warns his disciples against the wrong kind of religion. In his denunciation of the scribes (the religious experts of his day), he warns against three things: the desire for prominence and first place of honor rather than lowly service for the benefit of others; the desire for deference and recognition (and seeking esteem from others) rather than seeking to promote the good of others through humble service and selfless care for others; and thirdly, attempting to use one’s position (even a religious position) for self-gain and self-advancement. True religion is relating rightly to God and to one’s neighbor with love, honor, and respect. The Lord puts his Holy Spirit within us that we may be filled with the joy of his presence, the joy of true worship, and the joy of selfless giving and love for others. True reverence for God frees the heart to give liberally, both to God and to neighbor.

Love is more precious than gold or silver

Jesus taught his disciples a dramatic lesson in generous giving with love and devotion. Love doesn’t calculate – it spends lavishly! Jesus drove this point home to his disciples while sitting in the temple and observing people offering their tithes. Jesus praised a poor widow who gave the smallest of coins in contrast with the rich who gave greater sums. How can someone in poverty give more than someone who has ample means? Jesus’ answer is very simple – love is more precious than gold! 

Real giving comes from a heart full of gratitude

Jesus taught that real giving must come from the heart. A gift that is given with a grudge or for display loses most of its value. But a gift given out of love, with a spirit of generosity and sacrifice, is invaluable. The amount or size of the gift doesn’t matter as much as the cost to the giver. The poor widow could have kept one of her coins, but instead she recklessly gave away all she had! Jesus praised someone who gave barely a penny – how insignificant a sum – because it was everything she had, her whole living. What we have to offer may look very small and not worth much, but if we put all we have at the Lord’s disposal, no matter how insignificant it may seem, then God can do with it and with us what is beyond our reckoning. Do you know the joy and freedom of giving liberally to God and to neighbor with gratitude and love?

 

“Lord Jesus, all that I have is yours. Take my life, my possessions, my time and all that I have and use them as you desire for your glory.”

Suy niệm:

 

Tôn giáo đích thật là gì? Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ chống lại loại tôn giáo sai lạc. Trong sự tố cáo các nhà luật sĩ (những nhà chuyên môn về tôn giáo vào thời đó), Người lên án ba điều: mong ước được chú ý hơn là sự phục vụ quảng đại; mong ước sự khác biệt và được nhận biết (tìm kiếm sự kính trọng từ người khác) hơn là tìm cách để đem lại sự ích lợi cho người khác, ngang qua sự phục vụ và tình yêu khiêm tốn; và cuối cùng, tìm cách lạm dụng vị thế của mình (thậm chí chức vụ trong tôn giáo) để tìm tư lợi và sự tiến thân cho mình. Tôn giáo thật sự liên kết trực tiếp với Thiên Chúa và với tha nhân bằng tình yêu, lòng tôn trọng và kính sợ. Thiên Chúa đặt Thần Khí của Người trong chúng ta, để chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui về sự hiện diện của Người, niềm vui của sự thờ phượng đích thật, và niềm vui của sự cho đi và tình yêu quảng đại đối với người khác. Lòng kính sợ đích thật đối với Thiên Chúa giúp cho tâm hồn cho đi cách tự do, cho Chúa và cho tha nhân.

Tình yêu quý hơn vàng bạc

Đức Giêsu dạy các môn đệ một bài học sâu sắc trong việc cho đi với tình yêu. Tình yêu không tính toán; nó cho đi cách quảng đại! Đức Giêsu đưa ra quan điểm này với các môn đệ trong khi ngồi trong đền thờ quan sát người ta dâng cúng. Đức Giêsu ca ngợi người góa phụ nghèo đã cho hết những đồng xu nhỏ nhất, trong sự tương phản với những người giàu có cho những số tiền lớn hơn. Làm sao một người nghèo khó có thể cho nhiều hơn những người có nhiều của cải? Câu trả lời của Đức Giêsu rất đơn giản: tình yêu quý hơn vàng bạc!

Việc cho đi đích thật xuất phát từ tâm hồn biết ơn

Đức Giêsu dạy rằng sự cho đi thật sự phải xuất phát từ đáy lòng. Món quà cho đi với sự miễn cưỡng sẽ mất hết giá trị của nó. Nhưng món quà cho đi với tình yêu, với tinh thần quảng đại và hy sinh thì thật là vô giá. Số lượng và kích thước của món quà không ảnh hưởng chút nào đến người cho. Bà góa phụ nghèo có thể giữ lại một trong những đồng xu của mình, nhưng thay vì thế, bà đã không ngần ngại cho đi tất cả những gì bà có! Đức Giêsu khen ngợi những ai cho đi dù chỉ là một xu – số lượng thật vô nghĩa – bởi vì nó là tất cả những gì bà có, toàn bộ sự sống của bà. Những gì chúng ta có để dâng có thể xem ra rất nhỏ bé và không mấy giá trị, nhưng nếu chúng ta đặt tất cả những gì chúng ta có để Chúa tùy ý sử dụng, cho dù nó có thể xem ra vô nghĩa thế nào, thì Thiên Chúa có thể làm với nó và với chúng ta những điều vượt quá sự tính toán của chúng ta. Bạn có biết niềm vui và sự tự do của việc tự nguyện dâng cho Chúa và cho tha nhân với lòng biết ơn và tình yêu không? 

Lạy Chúa Giêsu, tất cả những gì con có là của Chúa. Xin nhận lấy cuộc đời con, các sở hữu của con, thời gian và tất cả những gì con có, và xin sử dụng chúng như Chúa muốn vì vinh quang của Chúa.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây