GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Bảy tuần 21 thường niên – Thánh nữ Mônica.

Thứ Bảy tuần 21 thường niên – Thánh nữ Mônica.

Thứ Bảy tuần 21 thường niên – Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ.

Bổn mạng Giới Hiền Mẫu.

"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy"

 

Thánh nữ MONICA sinh năm 331 tại Ta-gát, châu Phi trong một gia đình theo Kitô giáo. Lúc còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Pa-tri-xi-ô và sinh được những người con, trong đó có thánh Âu-tinh. Khi Âu-tinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Âu-tinh trở lại, thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốt-ti-a, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về châu Phi, quê hương của người. Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng các nhân đức.

 

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

 

 

1.- Thánh nữ Monica--Lm Carôlô Hồ Bặc Xái

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu cứu sống con trai bà goá thành Naim:

- Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì động lòng thương.

- Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ goá con côi, tre già khóc măng non.

- Cứu sống đứa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị chai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác.

Thấy người nghèo thường quá, tôi không còn cảm động cái khổ của người nghèo.

Thấy người bệnh thường quá, tôi không còn cảm được nỗi đau của họ.

Thấy người tội lỗi quen quá, tôi dửng dưng nhìn người ta càng ngày càng chìm sâu trong tội.

Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt.

2. Xin Chúa cũng dạy con biết tế nhị: thấy được nhu cầu người khác trước khi họ xin con giúp, và giúp họ một cách tế nhị nhẹ nhàng như hôm xưa Chúa đã trao đứa con lại cho người mẹ.

3. “Tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài”: việc làm này bị luật coi là ô uế. nhưng để an ủi gia đình người chết, và để “tiến lại gần” (ý muốn được gần gũi với người đau khổ), Chúa không ngại gì cả. Yêu thương giúp đỡ đòi hỏi phải can đảm và hy sinh.

4. Chuyện người mẹ Naim đau khổ được Chúa cứu giúp khiến tôi nghĩ tới cảnh khổ của bản thân mình. Bà không biết người đàn ông đúng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng cứu sống. Bà không ngỏ lời xin Chúa. Nhưng Chúa chạnh lòng thương, tự động Chúa lại gần và Chúa kéo bà ra khỏi cơn đau khổ.

Chúa lúc nào cũng ở gần tôi. Khi tôi phải khổ, Chúa cũng chạnh lòng và Ngài sẵn sàng cứu giúp. Tôi không bao giờ cô đơn.

5. “Chúa Giêsu tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và phán: ‘Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy.’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.”. (Lc 7,14-15).

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Chúa Nhật nào Giang cũng đi câu cá. Mai nằm lì trên gường. Tin và Sơn phóng xe đi chơi. Bích thì gọi điện thoại cho bạn. Này có ai gọi mình thì phải?

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ, Bài giảng dài lê thê và khó hiểu quá. Xem phim hoạt hình trên Tivi, hay mở máy hát nghe nhạc, hoặc gọi điện thoại “tám” với bạn bè còn thích hơn. Này rõ ràng có ai gọi mình mà!

Lạy Chúa, con chỉ nghe toàn những tiếng nhu cầu của bản thân. Còn tiếng gọi của Chúa sao mơ màng quá, khó nghe quá. Chúa đã gọi người thanh niên chỗi dậy từ cõi chết, xin Ngài cũng gọi con từ những đam mê bất chính của con. (Hosanna)

6. Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời."

Vâng kính thưa anh chị em,

Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.

7. Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino.

Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo.

Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: "Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?".

Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.

Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: "Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con” “Mẹ ở đâu thế này?”

Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: "Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!' Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: "Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: "Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa". Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi" đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.

Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.

Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.

Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.

Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời."

8. Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.

Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:

Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà:- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị: - Tôi không biết.

Ông gặng hỏi: - Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không...?

Bà mỉm cười và hỏi: - Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?

- Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

- Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

- Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt: - Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết... Trước hết là... Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay... và cứ thế mà tiến...

- Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?

-  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì Chúa luôn đồng hành với chúng con. Chúa lúc nào cũng ở gần chúng con. Khi chúng con gặp đau khổ, chắc chắn Chúa cũng chạnh lòng thương xót chúng con như xưa Chúa đã chạnh lòng trước nỗi khổ của người mẹ mất con thành Nain. Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ hộ phù chúng con trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, trái tim con người là họa ảnh của Chúa vốn giầu lòng thương xót và thành tín. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá chai lỳ, thờ ơ trước nỗi khổ của người khác. Chúng con không quan tâm đến cái chết của người hàng xóm. Chúng con không cảm thông với nỗi bất hạnh của tha nhân. Chúng con bỏ ngoài tai tiếng van xin của anh em. Xin tha thứ cho hành vi thiếu bác ái của chúng con. Xin ban tặng cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết cảm thông trước những thống khổ của tha nhân và mau chóng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đủ can đảm và đầy hy vọng để vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc đời. Chúng con biết rằng chính lúc khó khăn nhất, Chúa đang ở bên cạnh, đồng hành, và nâng đỡ chúng con. Xin dạy chúng con biết nương tựa nơi Chúa là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con. Amen.

 

2.- Thánh nữ Monica--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời."

Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.

Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino. Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo. Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: "Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?".

Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.

Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: "Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con: “Mẹ ở đâu thế này?”

Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: "Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!' Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: "Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: "Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa". Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi" đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.

Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.

Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.

Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.

Đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời."

Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.

Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:

Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà:

- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!

Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị:

 - Tôi không biết.

Ông gặng hỏi:

 - Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không...?

Bà mỉm cười và hỏi:

 - Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?

 - Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.

 - Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.

 - Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?

Bị hỏi dồn, bà nói thiệt:

 - Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết... Trước hết là... Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay... và cứ thế mà tiến...

 - Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?

-  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.

Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.”

Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.

 

3.- Thánh Monica--Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, mới có cơ hội được chú rể là Đức Giêsu dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Hình ảnh năm cô khôn và năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu của hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không, hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.

Chúng ta có thể hiểu qua dụ ngôn này: Chàng rể đặc biệt chính là Chúa Kitô, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời vào dự tiệc cưới Nước trời, dầu và đèn là các điều kiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh con người, có người khôn, có người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào thái độ họ có biết sẵn sàng hay không.

Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ, nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.

Chúng ta cũng thấy Đức Phật dạy các môn đệ mình: “Phải trấn tĩnh cho tâm thanh tịnh để mà giác thức”. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có một tâm trạng an tĩnh để mà suy xét mọi điều, bởi vì có rất nhiều mối bận tâm, lo toan, tính toán đang xâm chiếm tâm trí ta hằng ngày. Trong câu chuyện Tin mừng hôm nay, đang khi các trinh nữ ngủ thiếp đi, thì có tiếng hô to: “Chú rể kia rồi, ra đón đi”. Thế nhưng trong số mười cô chờ đợi chàng rể, chỉ có năm cô đem đủ dầu mà thôi. Năm cô này được gọi là “những người khôn ngoan”, vì họ đã biết lo liệu, tính toán trước sự việc.

Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn sống với thái độ sẵn sàng, vì Người có thể đến bất cứ ngày nào, giờ nào. Như năm cô khôn ngoan đã chuẩn bị đầy đủ dầu, chúng ta hôm nay cũng được mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng đời sống đức tin, đức ái và đầy công phúc.

Trong bài Tin mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp, thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không? Thưa, nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời, nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bởi vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi, thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh ta lắm, nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san sẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh (Giải thích của Lm. Carôlô).

Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời, bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết, để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm, bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ (Mỗi ngày một tin vui).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước toà Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời.

Truyện: Thái độ của mỗi người

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi?” Đó chính là câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường, và có kết quả:

20% được hỏi liền trả lời: Chúng tôi sẽ dùng thời giờ còn lại, để uống say sưa, hút ma tuý, để vui chơi cho thoả thích. Cuối cùng một nữ sinh 18 tuổi trả lời rằng: Tôi sẽ dùng thời gian còn lại, để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng, để gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ.

 

4.- Thánh Monica--Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Thánh Mônica sinh vào năm 332 tại một thành phố nhỏ thuộc vùng Bắc Phi, trong một gia đình theo Kitô giáo giữa nhiều người ngoại giáo. Lúc còn thanh xuân, ngài đã kết hôn với anh Patrixiô và sinh được những người con, trong đó có thánh Augustinô mất đức tin. Vào năm 370, Augustinô đã trốn nhà và đi đến Carthago, tức Tunisie ngày ngay. Sau đó ngài đi tới Rôma và Milan. Thánh Mônica không còn có điều gì đặc biệt ngoài việc dành trọn thời gian để cầu nguyện cho đứa con ngỗ ngược đó. Ngài đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Vào năm 385, khi biết được Augustinô đang ở Milan, ngài đã đến đó để đồng hành với con. Dưới sự ảnh hưởng tích cực của thánh Ambrôsiô, giám mục Milan hồi đó, Augustinô đã trở lại và xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Khi thấy Augustinô trở lại, ngài đã tràn ngập vui mừng. Ngài không còn chờ đợi gì ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi ngài về ở Ostia - Ý năm 387, khi ngài đang sửa soạn trở về châu Phi, quê hương của ngài.

Thánh nữ Mônica là tấm gương sáng chói cho các người làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu toả ra bên ngoài bằng các nhân đức.

Câu chuyện

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin tha thiết với hoàng đế Napoléon cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý.

Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.

Bà mẹ nói:

- Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.

Và ông sai thả người thanh niên đó ra (Theo Flor Mc  Carthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr. 192).

Suy niệm

Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót người quả phụ có đứa con duy nhất qua đời…  mọi người cảm thương và đưa ra nghĩa địa… Bà góa phụ cũng như đang chết. Như đang có hai con người rời bỏ cuộc sống: Người con trai chết được đem ra nghĩa địa chôn cất, người mẹ góa không nơi nương tựa và không người chăm sóc, bảo vệ mình trong đời sống, cho nên bà góa phụ cũng như đang đi vào cõi chết.

Chúa Giêsu nhìn rõ nỗi buồn của người mẹ mất con, Ngài hiểu thấu nỗi cô đơn của bà góa không nơi nương tựa: bà cũng như đang chết, Ngài liền an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Không chờ đợi người ta cầu xin, nài nỉ, Ngài sờ vào quan tài và nói: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14). Chúa Giêsu đã can thiệp mau lẹ: Ngài giật lại khỏi tay thần chết con trai duy nhất của bà góa thành Naim. Chúa làm sống lại con trai bà góa, như thế Ngài cũng mang lại sự sống tinh thần, niềm hy vọng cho người mẹ.

Đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim được sống lại và chính bà cũng được sống lại. Đức Giêsu đã phục sinh cho cả hai mẹ con bà. Sự việc thật kỳ diệu làm cho mọi người tham dự đám tang đang sầu khổ thành niềm hân hoan, mừng vui cho hai mẹ con bà góa.

Sự kiện con trai bà goá thành Naim được Chúa Giêsu cho sống lại, cũng chính là hình ảnh loan báo trung tâm điểm của Kitô giáo: Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Thật thế, sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta như Ngài quả quyết: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

Ý lực sống

“Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14).

 

5. Thánh nữ Monica--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn làm đẹp con tim: con tim mới, cái nhìn mới.

Một con người

Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện: tên người nữ ấy là Monica. Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu. Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân, yêu thương người nghèo. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo: mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu, và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa. Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

 

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chuyên như nhiều người thường nói. Ông Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện, nhưng gặp toàn những chuyện thử thách, rắc rối.

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay: nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy.

Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác, và lại hơn Monica cả hai con giáp. Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ, và âm thầm cầu nguyện cho chồng, vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường, và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng, và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá, trở nên thánh.

Vẫn giọt nước mắt của Monica

Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng. Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp Chúa. Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng, dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ. Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà. Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con, và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội. Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon: ”Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…”.

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387, sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội. Thánh nữ được an táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức  như thánh nữ.

 Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người.

 Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống, để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

 

6. Thánh nữ Monica--tgpsaigon.net

Thánh nữ Monica sinh năm 332 trong một gia đình đạo hạnh làng Sucara bên Phi Châu. Với bầu khí đạo đức, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan ngoãn và sốt sắng: mỗi bữa ăn cô thường dành một phần cho người nghèo và những lúc nhàn rỗi thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện.

Năm 22 tuổi, Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi qúy phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và tuổi lại gấp đôi. Dù rất khổ tâm nhưng Monica vẫn vui vẻ vâng lời cha mẹ với hy vọng sẽ cứu được một linh hồn. Quả vậy, nhờ lời cầu nguyện và đức kiên nhẫn, Monica đã cải hóa được người chồng và mấy năm sau sinh được ba người con mà Augustinô là con đầu lòng. Dù sống trong một gia đình ngoại đạo, nhưng Monica đã chu toàn sứ mệnh làm mẹ, luôn giáo dục con cái biết yêu mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái, nhất là đối với Augustinô. Nhưng càng lớn, Augustinô càng biểu lộ các tính hư tật xấu. Ỷ vào trí thông minh, Augustinô đâm lười biếng. Bị sửa phạt, Augustinô bèn lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy dạy, rồi từ đó ham mê lạc thú, ăn chơi, kiêu căng và ham hố danh vọng. Nhất là từ khi chàng được gửi đi học ở tỉnh thì những làn sóng tội lỗi lại tràn ngập tâm hồn. Rồi chàng lại theo bè rối Manikê chống lại đức tin. Còn gì đau khổ hơn cho Monica khi thấy người con yêu quý của mình ngày càng bước sâu vào con đường tội lỗi. Nhưng tin vào tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, bà lại càng kiên tâm cầu nguyện và làm các việc lành.

Lời cầu nguyện và nước mắt của Monica đã được Chúa chấp nhận. Sau những thất bại, Augustinô đã tìm đường trở lại cùng Thiên Chúa. Monica vui mừng dâng lời tạ ơn. Thánh nữ cùng tĩnh tâm với Augustinô ở Cassicicum và có mặt trong lễ rửa tội của con. Ðêm Phục Sinh năm 387, Augustinô đã được lãnh bí tích Rửa Tội do thánh Giám Mục Ambrosiô. Lòng tràn ngập vui sướng, hai mẹ con cùng trở về Phi Châu. Tại Ostia, thánh nữ chia sẻ với con mình sự hoan lạc trong tâm hồn mà thánh Augustinô ghi lại trong cuốn IX “bộ tự thuật”. Thánh Monica đã nói như sau:

- Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không hiểu sẽ phải làm gì và tại sao lại còn sống ở đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giỏo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán ghét hạnh phúc trần gian và hiến thân phụng sự Ngài. Mẹ còn làm gì nữa đây?

Chẳng bao lâu sau đó, thánh nữ mang bệnh và chết bình an trong Chúa năm 387, tại Ostia, khi đó thánh nữ đã 56 tuổi.

Xác thánh nữ được mai táng ở Otti. Năm 1430, Ðức Thánh Cha Martinô truyền đem về nhà thờ Thánh Augustinô ở Rôma.

 

7. Thánh nữ Monica--Lm Anphong Trần Ðức Phương

Người phụ nữ luôn kiên vững trong Niềm Tin vào Chúa và liên lỉ cầu nguyện giữa bao gian truân khốn khó trong đời sống Gia Đình.

Thánh Nữ Monica sinh năm 331 tại thành phố Tagaste, Phi Châu (bây giờ thuộc nước Algeria), trong một gia đình Công Giáo. Khi cò là một thiếu nữ, vâng lời cha mẹ, Monica lập gia đình với Ông Patricius, một người không công giáo. Ông Patricius là một viên chức hành chánh ở Tagaste. Monica sống với chồng và mẹ chồng. Ông Patricius hơn Thánh nữ nhiều tuổi. Hai ông bà sinh được ba người con: Augustinô, Navigio, và Perpetua. Mặc dầu thánh nữ muốn các con được chịu phép Thánh Tẩy theo lễ nghi Công Giáo, nhưng Patricius nhất định không chịu. Ông là một người tốt bụng, nhưng tính tình nóng nảy và thích sống đời sống ăn chơi phóng khoáng. Vì thế, mặc dầu vẫn kính nể đời sống tốt lành của Monica, những lại không thích lối sống mà ông cho là quá đạo đức, nhiệm nhạt. Hơn nữa mẹ của Patricius cũng bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do của Patricius, con bà. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Monica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ. Tuy nhiên, vì có đời sống đức tin vững mạnh và luôn sống theo tinh thần Phúc Âm theo tình thương của Chúa Kitô, Monica vẫn kiên trì chịu đựng mọi sự khó hằng ngày theo thánh ý Chúa. Monica vẫn một lòng yêu mến và kính trọng chồng và mẹ chồng; trong cách sống bà luôn nêu gương sáng cho các con và giáo dục các con theo tinh thần Phúc Âm của Chúa, dậy các con biết làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh và cầu nguyện. Vì có lòng thương người và hay giúp đõ những nười nghèo khó, Monica được mọi người trong vùng yêu mến; hơn nữa, mọi người lại nể phục Monica như một người vợ và người mẹ rất gương mẫu.

Monica phải sống những chuỗi ngày trong đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính Ông Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.

Sau khi học xong, Augustinô trở nên một Giáo Sư và càng ngày càng nổi tiếng tại quê hương Tagaste của ông. Sau một thời gian Augustinô di chuyển đến thành phố phồn thịch là Carthage ở Bắc Phi, cũng là nơi Augustinô đã theo học trước đó (Carthage là phần đất gần thủ đô Tunis của nước Tunnisia bấy giờ).

Thế rồi vào năm 383, lúc Augustinô 29 tuổi, vì muốn bay nhảy cho “thỏa chí tang bồng”, muốn thăng tiến đường công danh sự nghiệp, muốn nghiên cứu và học hỏi thêm, lại muốn xa cách người mẹ cúc lúc nào cũng theo sát bên mình khuyên nhủ, Augustinô quyết định rời bỏ quê hương Phi Châu để đi Rôma (thủ đô của Đế Quốc Rôma thời đó, cũng là trong tâm văn minh của thế giới đương thời).

Nhưng dù đi đâu xa xôi mặc lòng, Augustinô cũng không thể xa được người mẹ quyết tâm đi theo con mình đến bất cứ chân trời góc biển nào. Vừa đi theo tìm con, vừa khóc lóc, cầu xin Chúa cho con mình hồi tâm ăn năn trở về với chúa và Giáo Hội.

Khi Augustinô rời bỏ Rôma để đến Milan (ở miền Bắc nước Ý và là một Thành Phố cũng nổi tiếng thời đó về văn chương và nghệ thuật), Monica cũng đi theo.

Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.

Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.

Augustino đã từ bỏ tất cả chủ trương sai lạc, quyết tâm gia nhập Giáo Hội Chúa và xin chịu phép Thánh Tẩy do chính tay Đức Tổng Giám Mục thành Milan lúc đó là Ambrosio, cũng là một người gia nhập đạo Thánh Chúa lúc 34 tuổi, ngay khi đươc bầu lên làm Tổng Giám Mục Milan và là Thánh Ambrosio, một vị Thánh Giáo Phụ thời danh của Giáo Hội, mà chúng ta mừng kính Ngài vào ngày 7 tháng 12.

Sau khi gia nhập Giáo Hội Chúa, Augustinô đã từ bỏ mọi tham vọng và vui thú trần gian, trở về quê hương Phi Châu, bước vào cuộc đời tu trì khổ hạnh, rồi được chọn làm Giám Mục thành phố Hippo. Sau 34 năm tận tụy chăn dắt đoàn chiên Chúa, Ngài đã được Chúa gọi về Nước Chúa vào năm 430, lúc Ngài 76 tuổi.

Thánh Augustinô viết nhiều tác phẩm về thần học và triết học. Ngài được kính như một Thánh Giáo Phụ thời danh và là Thánh Tiến Sĩ trong Giáo Hội. Chúng ta kính lễ Ngài vào ngày 28 tháng 8 hằng năm (ngay sau lễ kính Thánh Monica 27 tháng 8). Thánh Augustinô cũng nổi danh là nhà triết học nhân bản, các tác phẩm có tính cách triết học của Ngài vẫn được các Giáo sư và sinh viên trong các trường đại học ngày nay trên thế giới nghiên cứu. Ôi sự kỳ diệu của ơn Thánh Chúa!

Riêng Monica, sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về với Chúa tại Ostia, một hải cảng gần cửa sông Tibre ở Roma, vào năm 387, hưởng thọ 56 tuổi.

Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì bà cầu xin, mà nhiều người cứ cho là vô vọng. Bà thật là một tấm gương tuyệt diệu cho mọi người chúng ta, nhất là các Bà Mẹ Công Giáo, để tất cả chúng ta luôn biết kiên trì hãm mình cầu nguyện trong niềm tin tưởng và tuyệt đối phó thác mọi sự trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha nhân từ của mọi người chúng ta.

 

8. Thánh nữ Monica--Lm. Giacôbê Tạ Chúc

Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho những người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất Việt: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.

Cuộc đời Thánh Mônica

Thánh nữ sinh tại Thagaste, thuộc Bắc Phi châu vào năm 332 trong một gia đình công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người. Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Patricius qua đời năm 371, sau khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng và chạy theo bè rối Manichée, trong chín năm. Mônica theo con để mong ngày con được trở lại cùng Chúa. Những hy sinh của Mônica thật không uổng tí nào. Đêm Phục sinh, ngày 24 tháng tư năm 387, bà vui mừng dự lễ rửa tội cho thánh Augustin. Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi châu, thì Thiên chúa đã gọi Mônica về, lúc 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

Gương thánh nhân

Thánh Mônica lập gia đình và hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, ngài hết tình yêu thương và chiều chuộng chồng, tính nết hiền lành và đạo đức, đó là bí quyết mà thánh nhân dùng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm mẹ, ngài tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức. Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa. Mônica nên thánh trong một đời sống gia đình, rất bình thường như những gia đình của mỗi người. Điều đó cũng làm cho chúng ta, nhất là các bà mẹ công giáo thử đặt lại vấn đề, tại sao tôi không dùng chính đời sống gia đình của mình để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Là một người vợ hay một người mẹ, tôi đã cầu nguyện với Chúa mỗi khi chồng con khô khan, nguội lạnh hay thậm chí mất đức tin…

Lạy Thánh Monica, bổn mạng của giới Hiền mẫu, qua lời bầu cử của Ngài, xin cho các người vợ, người mẹ có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, để hướng dẫn gia đình trong tình thương của Thiên Chúa. Giữa một cuộc sống đầy thử thách, tình trạng chối bỏ sự sống ngày càng lan tràn, giáo dục con cái trở nên đầy thách đố. Xin cho các gia đình luôn biết lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa qua những giáo huấn của Giáo hội. Amen.

 

9. Quan Thầy Của Các Bà Mẹ--‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Monica, Nữ vương của các bà mẹ nói chung và của các bà mẹ công giáo nói riêng. Sự kiên tâm bền chí của thánh nhân trong cầu nguyện là một lời chứng hùng hồn về đời sống đức tin sâu xa của một người nữ trong cương vị là một người mẹ.

Thánh Monica đã nếm mùi đau khổ trong việc nuôi dạy người con ngỗ nghịch của mình là thánh Augustino. Như chúng ta biết, thánh Monica là người đã đau khổ nhiều vì thánh Augustino, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng đức tin đã cung cấp cho thánh nữ sức mạnh, lòng tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện cho người con xa Chúa, và phần thưởng cho sự kiên trì đó là ơn trở lại của Augustino và cuối cùng, thánh nhân đã được hạnh phúc chứng kiến người con của mình trở thành người của Chúa, được tận hiến cho Chúa để chăm sóc cho một cộng đoàn. Có thể nói thánh Monica đã thành thật sống đức tin của mình để nêu gương cho người con đã một thời sống ngoài luật Chúa. Thật là trái ngược với thái độ sống giả hình của những người biệt phái và kinh sư mà Chúa Giêsu đã nặng lời khiển trách.

 

10. Thánh nữ Mônica: Người mẹ tuyệt vời--Jos. Vinc. Ngọc Biển

Đối với văn hóa của người Á Đông thì vai trò người phụ nữ luôn bị giảm nhẹ. Từ quan niệm trên, người phụ nữ đôi khi bị coi thường. Chính vì vậy, bản thân người phụ nữ cũng trở nên tự ty, co cụm lại trong những công việc như nội chợ, cơm núc... Nói chung là lo những chuyện lặt vặt trong nhà.

Tuy nhiên, hôm nay, phụng vụ mừng kính một vị thánh nữ là vợ, là mẹ trong gia đình. Ngài được biết đến bằng những chuyện bình thường nhưng đã thi hành cách phi thường. Mang trong mình phận gái: “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời và lối sống ngang qua những hành động, hẳn ngài thật giống một: “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”.

Con người đó là ai? Thưa! Ngài chính là thánh nữ Mônica, mẹ của thánh giám mục Augustinô.

Thật vậy, cuộc đời của ngài đã trở nên tấm gương: anh dũng, can trường, nhân hậu, hiền từ, kiên trì, trung thành trong đời sống thường ngày, nhất là  gương hy sinh và cầu nguyện.

Mừng lễ thánh Mônica, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuộc đời của thánh nhân, để ngang qua đó, như một bài học cho đời sống đức tin của chúng ta.

1. Thân thế cuộc đời thánh Mônica

Gia đình của thánh nữ Mônica không có gì nổi nang trong làng. Cha mẹ ngài là những người bình dân nhưng đạo hạnh, hay thương người. Thánh nữ sinh năm 332, tại làng Sucara bên Phi Châu.

Ngay từ nhỏ, Mônica đã được hấp thụ truyền thống đạo đức, và một nền giáo dục có thể nói là “linh đạo tình yêu”. Những đặc tính như: nhân từ, hiền hậu, thương người là nét đẹp nơi gia đình của thánh nhân mà ngài được thừa hưởng.

Quả thật, tấm lòng quảng đại, yêu thương người nghèo dường như đã thường trực trong tâm hồn cô, khiến cô không thể ngồi yên và no bụng trong khi nhiều người chung quanh mình phải đói khát! Vì thế, mỗi bữa cơm Mônica thường dành ra một phần cho kẻ khó nghèo. Việc chia sẻ cho kẻ nghèo đã làm cho Mônica coi là niềm hạnh phúc của mình vì được diễm phúc đụng chạm, gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa ngang qua những người kém may mắn đó.

Một điểm đáng lưu ý khác nữa là Mônica thường xuyên ẩn mình nơi vắng vẻ để thân mật, cầu nguyện với Chúa lâu giờ.

Tuy nhiên, tưởng chừng một con người đạo hạnh như Mônica, ắt phải được tận hưởng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc! Ai ngờ cô lại gặp phải cảnh éo le và truân chuyên quá đỗi!

Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, Mônica đã kết hôn với Patricius. Chồng cô thuộc dòng dõi quý tộc. Vì thuộc về thành phần giàu sang trong làng, nên ngay từ khi còn nhỏ, chàng Patricius đã được nuông chiều thái quá, dẫn đến tình trạng ngang tàng, hách dịch, nghiện rượu, tính tình nóng nảy và không chung thủy, độc ác và tàn nhẫn.... Ông luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi thấy vợ làm từ thiện và cầu nguyện.

Hơn nữa, sẵn có lợi thế con nhà giàu, lại hơn tuổi của Mônica quá nhiều, nên Patricius thường xuyên thể hiện vai trò chủ - tôi đối với cô. Mặt khác, cô lại còn phải chịu cảnh hất hủi của mẹ chồng. Điều làm cho cô Mônica buồn nhất, đó là bà lại hùa theo con trai để bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do cho Patricius. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Mônica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.

Thêm vào đó, sau khi sinh được Augustinô, người con trai đầu lòng, bà vui mừng phấn khởi, nhưng chẳng bao lâu, Augustinô buông theo lối sống của cha, nên cũng trở nên lêu lổng, phóng túng...

Nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như  lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ dân làng.

Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica, đó là mẹ chồng và Patricius đã xin Rửa Tội và tin theo Chúa. Còn Augustinô đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Hai người con còn lại là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập Giáo Hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

Niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”.

Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Ngài, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

2. Gương sáng của thánh nhân

Cuộc đời và gương sáng của thánh nhân cho chúng ta thấy rằng: ngài đã “làm những chuyện bình thường cách phi thường”. Tại sao vậy?

Trước tiên: là chu toàn bổn phận. Chu toàn bổn phận cách trung thành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì quả là anh hùng. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và trung thủy với chồng. Làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dưỡng con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc. Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Thứ đến: là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn và gặp chuyện chẳng lành.

Thứ ba: là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỷ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài.

Cuộc đời của ngài với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa.

Thứ tư: là sự kiên trì và trung thành. Kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin, dù nhiều khi phải quặn đau.

Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời nơi những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.

3. Bài học cho chúng ta

Mỗi khi mừng lễ thánh Mônica, chúng ta hãy học nơi ngài những gương sáng để xây dựng hạnh phúc gia đình ngày càng tốt đẹp.

Bài học thứ nhất: Chu toàn bổn phận hằng ngày trong lòng mến. Làm những việc tầm thường cách phi thường trong sự kết hợp với Chúa và phó thác cho Ngài.

Bài học thứ hai: Biết dùng gương sáng như công cụ số một để cảm hóa người khác, nhất là người đó lại là người ngang tàng mất nết...

Bài học thứ ba: Cần xác định thật rõ: “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Làm mọi việc trong tâm tình tín thác. Đón nhận tất cả, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần hồn mọi người.

Bài học thứ tư: Đó là sự kiên trì, trung thành. Đời sống đức tin của chúng ta cần có những nhân đức này. Nếu không kiên trì, chúng ta dễ bỏ cuộc. Không kiên trì khó có thể trung thành.

Lạy Chúa, xin nhận lời thánh nữ Mônica chuyển cầu mà ban cho chúng con, nhất là những người vợ, người mẹ trong các gia đình luôn có đời sống thánh thiện, hiền lành, yêu thương và nhẫn nhục, kiên trì và trung thành, tin tưởng và phó thác nơi Chúa như thánh Mônica khi xưa. Amen.

 

11. Sống thánh giữa đời--tinmung.net

Có bao nhiêu vị thánh mà cả mẹ lẫn con đều được tuyên phong là thánh? Trong lịch sử Giáo hội, con số này rất ít, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay….

Tuy nhiên, mẫu số chung nơi tất cả các vị thánh đó là các ngài đều có những người mẹ đạo hạnh thánh đức. Quả đúng như vậy. Mẹ hiền mới có con thảo. Mẹ lành mới có con thánh. Nhờ người mẹ thánh thiện Mônica hôm nay, mà Giáo hội có vị đại thánh Augustinô ngày mai.

Thế nhưng thử hỏi Mônica đã nên thánh như thế nào?

- Trước hết, Mônica đã nên thánh nhờ sự hiền hoà nhẫn nhục

Năm 22 tuổi, Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoại đạo dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng độc ác, và tuổi tác lại gấp đôi Mônica! Với tính hiền lành và nhẫn nhục, Mônica đã biến cuộc hôn nhân "khập khễnh" của mình thành êm đềm. Thánh nữ đã đối xử tốt đẹp với cả chồng lẫn mẹ chồng, khiến sau một thời gian ngài đã hoàn toàn chinh phục được chồng lẫn mẹ chồng và các em của chồng. Lý do khiến người chồng không mạnh tay với thánh nữ vì ngài đã giữ không bao giờ mạnh miệng với chồng. Và nhất là không bao giờ bà nóng giận hay mất kiên nhẫn với chồng và với đứa con hư hỏng là Augustinô, kể cả khi bị Augustinô lừa dối và làm tổn thương.

- Thứ đến, Mônica đã nên thánh nhờ sự kiên tâm cầu nguyện

Không phải chỉ cầu nguyện một năm, hai măm mà cầu nguyện bền bỉ suốt một đời, cầu nguyện trong nước mắt, trong đau khổ. Khi thấy con mình mất đức tin, theo lạc giáo chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội, và ngày càng dấn sâu trên con đường tội lỗi, thì Mônica càng tha thiết cầu nguyện, càng cậy trông vào Chúa. Đêm đêm trước bàn thờ Chúa, ngài vẫn sốt sắng cầu nguyện cho chồng, cho con. Cầu nguyện kiên trì, cầu nguyện liên lỉ.

- Sau nữa, Mônica đã nên thánh nhờ sự âm thầm hy sinh

Không lúc nào không nghĩ đến con, lo lắng cho con, và tìm mọi cách để đưa con về đời sống tốt lành. Chính vì thế, bà đã không hề lùi bước trước bất kỳ một hy sinh nào, chỉ để mong con quay về với Chúa. Hy sinh trong kinh nguyện, trong hãm mình, trong chay tịnh; hy sinh trong đau khổ, trong nước mắt. Bà đã khóc nhiều, đến nỗi người ta nói rằng bà không còn nước mắt để khóc nữa. Thánh Amrôsiô đã an ủi bà: “Nước mắt bà sẽ không vô ích đâu, bà hãy cứ vững lòng trông cậy. Augustinô con bà sẽ trở lại”.

Chính tình yêu hải hà đối với chồng, đặc biệt đối với con, là Augustinô, đã khiến thánh Mônica trở nên hiền hoà nhẫn nhục, kiên tâm cầu nguyện, âm thầm hy sinh. Và phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica là gì?

Phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica còn hơn cả những gì mà ngài cầu mong và ước nguyện. Chồng của Mônica đã trở lại cùng Chúa, đã chịu phép rửa và đã được chết trong ân nghĩa của Chúa. Còn đối với Augustinô, con mình, Mônica chỉ xin cho được ơn trở lại làm Kitô hữu, làm con cái Chúa. Thế nhưng, Chúa đã ban cho ngài nhiều hơn thế. Augustinô chẳng những trở thành một Kitô hữu chân chính, mà còn trở thành một linh mục. Không chỉ dừng lại ở đó, ngài còn trở thành một giám mục tài đức và hơn nữa còn là một trong bốn vị đại tiến sĩ lừng danh của Hội Thánh.

Tuy nhiên, phần thưởng mà Chúa ban cho thánh Mônica trên trời còn lớn lao và bội hậu gấp ngàn lần. Đúng như lời Thánh vịnh: “Gieo trong nước mắt, gặt trong vui cười”. Sau khi đã chinh phục được chồng, và đưa được người con về với Chúa, thánh nữ Mônica đã hân hoan giã từ cõi đời khi mới có 56 tuổi đời: “Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giáo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện ”.

Xin Chúa ban cho các bà mẹ trên thế giới, cách riêng cho các bà mẹ trong giáo xứ luôn biết sống theo gương thánh nữ Mônica để nhờ đó gia đình được hạnh phúc và yên vui. Amen.

 

12. Mẹ hiền--Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?.

Thượng Đế đáp: Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.

Đứa bé lại nài nì:  Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?. Thượng Đế đáp: Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.

Đứa bé lại hỏi: Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?

Thượng Đế trả lời: Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.

Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:

- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".

Thiên chức làm thiên thần bảo trợ, được Thượng đế ủy thác cho các người Mẹ ở trần gian. Thiên chức làm mẹ là vinh dự lớn nhất của người phụ nữ. Vì thế, Liên Hiệp Quốc đã xác định: “Tương lai thế giới nằm trong tay các Bà Mẹ” (LHQ 1995). Mẹ là quà tặng vô giá Thiên Chúa ân ban cho nhân loại.

Thánh Mônica đã hoàn thành sứ mạng Thiên Thần mang tên Mẹ. Ngài là mẫu gương cho mọi người mẹ trần gian trong sứ mạng Thiên Thần chăm sóc bảo vệ con cái.

Từ một gia đình có nhiều yếu tố mâu thuẫn. Từ hoàn cảnh bi đát của cuộc sống gia đình, nhiều thách đố và khó khăn trong niềm tin, trong giáo dục. Mẹ hiền Mônica vẫn luôn tín thác vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Mẹ hiền Mônica tin tưởng cậy trông, kiên trì cầu nguyện, làm việc bác ái, gương sáng đức tin. Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc. Mônica đã giúp mọi người trở lại, người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh. Augustinô trở về với Chúa và đã theo tiếng gọi của Thiên Chúa, dâng hiến cuộc đời cho sứ mạng Tin Mừng và Ngài trở nên Giám Mục tại Thành Hippon và là một vị thánh vừa uyên bác vừa thánh thiện. Từ nay mẹ hiền Mônica đã có một gia đình hạnh phúc và thánh đức. Ngài hoàn thành sứ mạng và về với Chúa trong an bình.

Mẹ hiền Mônica trở nên gương mẫu cho các Bà Mẹ Công Giáo. Ngài là bổn mạng của các người mẹ Công Giáo trong mọi thời đại. Xuyên thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao của Mônica vang vọng và lan tỏa trong Hội Thánh.

Mẹ hiền Mônica diễm phúc trong tư cách là người mẹ. Con cái là triều thiên của cha mẹ.Triều thiên phải trả giá bằng nhiều đau khổ. Triều thiên của Mônica là Augustinô. Chính Augustinô trở nên tiến sĩ Hội Thánh, xuyên dòng lịch sử luôn nhắc đến với lòng trọng kính và biết ơn.

Nhưng làm thế nào mà Mônica có thể lãnh nhận được những triều thiên cao quí đó?

Thưa rằng: phải là một người vợ hiền, một người mẹ hiền.

Người vợ hiền sưởi ấm gia đình, quy tụ con cái. Như mặt trời mọc lên sưởi ấm thế nào, người vợ làm cho mọi thành viên trong gia đình cảm nhận được tình thương yêu hòa thuận. Mônica đã sống nhẫn nhục, yêu thương, tùng phục chồng, không nản chí và luôn dâng lên Chúa những lời kinh cầu nguyện trong nước mắt cho chồng… Hạnh phúc cho Mônica khi thấy người chồng của mình được ơn trở lại. Chắc chắn người chồng rất mãn nguyện và hãnh diện về người vợ hiền của mình.

Mônica người mẹ hiền. Hiền lành khi đối diện với những người con khó tính, muốn làm ngược ý mẹ, làm những điều phiền lòng mẹ. Yêu mến, biết ơn mẹ, một người mẹ hiền lành, nhẫn nhục, kiên trì, niềm tin vững vàng, Augustinô kể lại: “Tôi đã làm nước mắt mẹ tôi chảy nhiều như dòng suối, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không làm tôi mềm lòng. Một vị Giám Mục đã an ủi mẹ tôi và nói rằng:  “Con bà không hư đâu vì Chúa nhìn tới nước mắt của bà. Một người mẹ đã khóc nhiều và cầu nguyện kiên trì cho con mình thì người con không bao giờ hư mất…”

Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Mônica mãn nguyện về cùng Chúa. Tâm tình cuối cùng Mônica nói với con: “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …”.

Hạnh phúc gia đình là một cây xanh tươi cần được nuôi dưỡng mỗi ngày. Đó là trách nhiệm của vợ chồng và con cái. Tuy nhiên người mẹ luôn là trái tim của gia đình, là trung tâm điều hành mọi sinh hoạt của gia đình, là nơi mọi thành viên cần đến để nương tựa và tìm sự an ủi. Với trái tim mang hình ảnh của tình yêu quảng đại vô vị lợi của Thiên Chúa, các bà mẹ có khả năng thấm thấu vào lòng người, hấp dẫn, thu hút, chinh phục chồng con, và có khả năng biến đổi cả thế giới này.

Mẹ hiền là hồng ân Thiên Chúa tặng ban.

Mẹ hiền là một nhà giáo dục.

Mẹ hiền là người gương mẫu và cẩn trọng.

Mẹ hiền là người quân bình trong tương giao và thái độ cương nhu.

Mẹ hiền là người biết chuẩn bị cho tương lai của con.

Mẹ hiền là người dạy lòng tự trọng cho con.

Mẹ hiền là người sống vì con và yêu con.

Xin Thánh Nữ Monica mẹ hiền ban cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như ngài.

Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người.

Xin cho các Bà Mẹ Công Giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.

 

13. Viết cho vị thánh khóc nhiều nhất!--Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Mẹ Monica kính mến,

Nếu được bình chọn vị thánh nào khóc nhiều nhất, chắc người ta luôn ưu tiên chọn Mẹ như một người cả đời khóc vì chồng con. Mẹ khóc để cầu xin cho chồng con được yêu mến Thiên Chúa. Nước mắt Mẹ thống thiết đến tận trời cao và Người đã nhận lời ước nguyện của Mẹ. Đúng như nhận xét của thánh Augustinô: “Làm sao Chúa có thể nhắm mắt khi bà khóc, những giọt lệ khẩn khoản không phải xin vàng bạc, hay danh vọng trần gian mau qua, nhưng chỉ cho đứa con xa lạc được cứu rỗi?” Nhờ vậy mà đến cuối cuộc đời, Mẹ mỉm cười bay về Thiên quốc với niềm vui hoan hỷ. Hôm nay Giáo Hội mừng lễ của Mẹ, chúng con thích thú lắng nghe câu chuyện cuộc đời Mẹ.

Mẹ Monica mở mắt chào đời năm 332 trong một gia đình đạo đức ở làng Sucara bên Phi Châu. Từ nhỏ người ta chứng kiến cô bé Monica với nhiều nhân đức. Họ hy vọng lớn lên cô sẽ được hạnh phúc trong đời sống gia đình. Tuy nhiên Thiên Chúa lại trao cho Mẹ thánh giá mà tưởng chừng quá nặng đối với một người mẹ chân yếu tay mềm như Monica. Ở độ tuổi 22, Mẹ vâng lời kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi qúy phái. Ông là người ngoại đạo với tính tình ngang ngược, độc ác mà tuổi lại gấp đôi. Hơn nữa, làm dâu trong một gia đình không cùng tôn giáo, với mẹ chồng không mấy tốt lành, người ta chứng kiến biết bao bất công mà Mẹ phải chịu đựng. Nước mắt mẹ tuôn rơi, nhưng mẹ vẫn vui vẻ sống cảm hóa chồng và gia đình bên chồng. Mẹ hy vọng một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ đoái thương Mẹ và cả gia đình.

Sau mấy năm nên nghĩa vợ chồng, Mẹ đã có ba người con mà Augustinô là con đầu lòng. Nhẫn nại trong lời cầu nguyện và không ngừng than thở với Thiên Chúa, Mẹ đã dần cảm hóa được chồng. Ngày Patricius rửa tội, đánh dấu một thời gian lâu dài Mẹ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, thánh giá này Chúa đã gởi đến cho con, con xin lãnh nhận. Là phận hèn yếu đuối, xin giúp sức cho con lãnh nhận linh hồn Patriciô để hoán cải chàng.” Nước mắt mẹ tưởng chừng như vơi đi khi thấy chồng mỗi ngày yêu mến Chúa hơn. Nhưng không! Thiên Chúa quả muốn hun đúc đức tin của Mẹ. Ngài muốn Mẹ cộng tác vào việc huấn luyện nuôi dạy con cái theo đường lối của Chúa.

Dĩ nhiên Mẹ hằng yêu thương con cái, nhất là đối với Augustinô. Mẹ đặt nhiều hy vọng vào cậu. Với trí thông minh và tinh thần ham học hỏi, Mẹ chờ đợi con Mẹ sẽ nên người tài đức. Nhưng càng hy vọng, nước mắt Mẹ càng tuôn rơi. Cậy vào trí thông minh lanh lợi, Augustinô không ít lần hỗn hào với bố mẹ. Càng lớn cậu càng rơi vào con đường ham mê lạc thú danh vọng. Cậu sẵn sàng lừa dối Mẹ để thỏa mãn bản tính tự nhiên. Đến nỗi trong sách Tự Thuật, Augustinô thú nhận rằng: “Mẹ khóc cho tôi còn hơn bà mẹ mất đứa con một. Theo mẹ tôi đã chết, chết vì không tin, chết về tinh thần. Kết quả là bà không thể đem tôi ngồi cùng bàn ăn với bà hay về nhà. Bà không chịu nổi những câu nói lộng ngôn của tôi hay những sự đả phá của tôi.”

Vì là người học giỏi nên Augustinô được du học ở Cathage. Tại đây Mẹ lại tiếp tục khóc vì những thói ăn chơi của con mình. Thời gian này Augustinô ham mê tri thức chạy theo bè rối Manikê vốn chống lại Giáo Hội. Là người con tốt lành của Chúa, dĩ nhiên Mẹ đau lòng chứng kiến con mình rơi vào đường tội lỗi như thế. Mẹ khóc nhiều hơn. Khóc để kêu cầu Thiên Chúa giúp con Mẹ thoát khỏi vòng u mê đó. Và Thiên Chúa đã nhận lời để Augustinô nhận ra bè rối Manikê không hợp lý chút nào.

Sau đó con của Mẹ nhận được một công việc tại Milan nước Ý. Thế là trong vai trò giáo sư cho thành phố Milan, Augustinô phải làm việc gần gũi với vị giám mục Milan là thánh Ambrosiô. Không yên tâm với con mình nơi đất khách quê người, Mẹ lên đường để tìm kiếm và tiếp tục khuyên nhủ con. Thế là Augustinô lúc này vừa có Mẹ bên cạnh như nguồn tình cảm nâng đỡ cho cậu, vừa có Đức Giám mục như nguồn tri thức giúp cậu nhận ra chân lý.

Thiên Chúa không để Mẹ khóc nhiều hơn nữa. Mẹ vui sướng khi biết Augustinô quyết định trở về với Giáo Hội. Như lời chia sẻ của Augustinô: “Tôi muốn thành dự tòng đi học giáo lý cho đến khi tôi thấy được chân lý chắc chắn. Khỏi cần phải nói, mẹ tôi sung sướng lắm.” Dĩ nhiên bất cứ cha mẹ nào cũng đều vui sướng khi thấy con mình chọn đường ngay nẻo chính để bước đi. Mẹ cũng thế. Lúc này chắc nước mắt Mẹ cũng rơi, nhưng đó là hai dòng cảm xúc của hạnh phúc dâng trào. Từ đây con của Mẹ không những là con của Chúa, mà là Linh mục, giám mục tài đức, và là vị thánh nổi tiếng trong lẫn ngoài Giáo Hội.

Sau khi hạnh phúc chứng kiến con mình chịu phép rửa, Mẹ đã qua đời năm 387 và được an táng tại Ostia. Sau này Mẹ hạnh phúc được chôn cất bên người con mà Mẹ tốn rất nhiều nước mắt. (Xác thánh nữ được đem về nhà thờ Thánh Augustinô ở Rôma vào năm 1430.)

Mẹ biết không, khi chiêm ngắm cuộc đời Mẹ đắm chìm trong nước mắt, chúng con có dịp nhớ đến những người mẹ Công giáo đang đau khổ vì chồng con. Thời đại hôm nay tiếc là còn nhiều người vợ, người mẹ giống như hoàn cảnh của Mẹ năm xưa.

Là bổn mạng các bà mẹ Công giáo, xin Mẹ giúp mỗi người nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ có được tinh thần tín thác nơi Chúa như Mẹ Monica. Rồi khi gia đình gặp nhiều khó khăn khiến người vợ, người mẹ đau lòng, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho họ được mạnh mẽ trong đức tin. Xin Chúa lau khô nước mắt của họ. Được như thế, chúng con hy vọng trong gia đình công giáo lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hạnh phúc.

 

14. Thánh nữ Monica và thánh Augutinô--Trầm Thiên Thu

Chắc hẳn chẳng ai xa lạ gì với hai vị thánh là mẹ con, đó là thánh mẹ Monica và thánh con Augustinô – Giám mục Tiến sĩ. Hằng năm, ngày 27-8 là lễ kính nhớ người mẹ, và ngày 28-8 là lễ kính nhớ người con.

Thánh Monica (331-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình, đặc biệt là những người mẹ Công giáo. Bà được mệnh danh là “Người Bạn của Thánh Giá.”

Thánh Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria). Bà sống các nhân đức Kitô giáo nổi bật, nhất là chịu đựng sự ngoại tình của người chồng, bà khóc hằng đêm vì thương “cậu ấm” Augustinô, chuyên cần cầu nguyện cho con hoán cải, điều mà chính thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật (Confession).

Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà sớm kết hôn với một người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste, một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, ngoại tình, phóng đãng, luôn khó chịu vì vợ hay làm việc từ thiện và cầu nguyện.

Thánh Monica có 3 người con: Augustinô là con trai trưởng, Navigius là con trai thứ hai, và Perpetua là con gái út. Thánh Augustinô bướng bỉnh, lười biếng, và được gởi vào học tại trường Madaurus. Thánh Monica bị coi là một người vợ hay bị cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh. Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính. Nhưng lời cầu nguyện và gương lành của thánh Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo. Patrixiô mất năm 371, sau khi đã được rửa tội một năm, lúc này Augustinô 17 tuổi. Thánh Monica ở vậy nuôi dạy các con. Augustinô tiếp tục theo học tại trường Carthage, và tại đây chàng Augustinô bắt đầu ăn chơi trác táng.

Tại Carthage, biết Augustinô theo tà thuyết Manichean (*), thánh Monica đã thẳng thắn đuổi Augustinô đi chỗ khác, không được ăn uống và không được ngủ trong nhà. Đêm đó, thánh Monica đã có thị kiến lạ là “đứa con trời đánh” sẽ trở lại, thế nên bà giải hòa với con. Từ đó, bà luôn theo sát con mọi nơi mọi lúc, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay vì con.

Rồi bà đã gặp một giám mục thánh thiện là thánh Ambrôsiô, giám mục này khuyên bà và nói tiên tri: “Đứa con của nước mắt sẽ không hư mất.” Thánh Monica bí mật theo con đi khắp nơi để tìm cách cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Tại Manila (Ý), thánh monica đã gặp thánh Ambrôsiô và được chứng kiến con trai Augustinô trở lại sau nhiều năm ròng rã.

Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện. Thánh Monica cũng quyết định đi theo con. Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn. Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn âm thầm đi theo. Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan. Dù việc đi lại khó khăn, thánh Monica vẫn theo con tới Milan và bất cứ nơi nào khác.

Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng thánh giám mục Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của thánh Monica. Bà nghe lời khuyên của thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự. Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste. Bà vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô.

Lễ Phục Sinh năm 387, thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô tại Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Milan (Ý quốc). Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, thánh Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện.”  Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời. Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật.

Thánh Augustinô được rửa tội lúc 33 tuổi, rồi làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân. Đó là nhờ nước mắt và sự kiên trì cầu nguyện của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.

 Trong những năm đầu đời, thánh Augustinô đắm chìm trong kiêu ngạo, hoang đàng và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời đó – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm “xương máu” của đời mình mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ, chẳng hạn: “Ngài có đó khi ta tưởng mình đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ;” hoặc:”Hát hay là cầu nguyện hai lần;” hoặc:”Chúa dựng nên con thì Ngài không cần đến con, nhưng để cứu độ con thì Ngài cần đến con.”

Thánh Augustinô không thể im lặng, như ngôn sứ Giêrêmia xưa đã phải thú nhận: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.’  Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Thánh Augustinô viết về người mẹ của mình: “Trong chiếc rổ đầy trái cây, mẹ tôi biết đem cả một trái tim đầy ắp lời cầu xin thuần khiết tới nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, và trao hết cho người nghèo – để việc rước Mình Thánh Chúa được cử hành ở đúng vị trí. Noi gương Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, các thánh Tử Đạo đã hy sinh và đã nhận triều thiên” (Tự Thuật 6.2.2).

Khi con trai Augustinô trở lại, hai mẹ con sống bên nhau sáu tháng an bình tại Rus Cassiciacum (ngày nay là Cassago Brianza). Thánh Monica qua đời ở tuổi 55. Sau khi an nghỉ trong Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa, thánh Monica được an táng tại Ostia, và hầu như chẳng còn ai nhớ đến bà.

Thế kỷ XIII, lòng sùng kính thánh Monica bắt đầu lan rộng. Lúc đó, lễ thánh Monica vào ngày 4-5. Năm 1430, dưới thời Đức Giáo Hoàng Martin V, hài cốt thánh Monica được dời tới Nhà thờ thánh Augustinô ở Rôma, đặt ngay bên phải bàn thờ. Nhà thờ này do Đức Hồng Y Estouteville của Tổng Giáo Phận Rouen đã cho xây dựng. Nhiều phép lạ đã xảy ra trong tháng Năm. Mãi đến thế kỷ XVI, lễ thánh Monica mới được ấn định trong Lịch Phụng Vụ.

Thành phố Santa Monica ở California (Hoa Kỳ) là đặt theo tên thánh Monica. Tương truyền rằng, hồi thế kỷ XVIII, linh mục Juan Crespí đặt tên cho một dòng suối là Las Lagrimas de Santa Monica (Nước mắt của thánh Monica), ngày nay gọi là Serra Springs, gợi nhớ những giọt nước mắt mà thánh Monica đã nhiều năm ròng rã khóc vì nghịch tử Augustinô. Tượng thánh Monica được dựng tại Santa Monica’s Palisades Park (Công viên Hàng rào Thánh Monica), tượng do điêu khắc gia Eugene Morahan hoàn tất vào năm 1934.

Lạy Thánh Monica và Thánh Augustinô, xin cầu thay nguyện giúp. Amen!

(*) Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

 

15. Thánh Monica, một bà mẹ thánh kiên trì và can đảm

Thánh nữ Monica chào đời năm 332 tại vùng Sucara, Phi Châu trong một gia đình đạo hạnh và luôn biết kính sợ Chúa. Nhờ vậy, Monica sớm trở thành cô bé đạo đức, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, ngay từ nhỏ Monica đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, Monica luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, đi vào con đường ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở ra, sống giữa thành thị, Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica, con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Rất khổ lòng nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện, làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của bà đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô: ”…lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa. Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: “Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” hay “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi” (Philip 3,8).

Thánh Monica đã ra đi về với Chúa, lòng toại nguyện vì người con yêu dấu đã quay trở về với Chúa. Bà an bình vì “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Philip 3,20).

Thánh nhân là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và bây giờ nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh nữ Monica, xin giúp các bà mẹ Công giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và từ tâm để luôn mang lại nguồn yêu thương và bầu khí đạo đức thánh thiện trong gia đình của mình.

 

16. Suy niệm về thánh Monica

1) Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác. Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô, người con trai đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn quay về với Chúa.

2) Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện: tên người nữ ấy là Monica. Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu. Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức, yêu thương tha nhân, yêu thương người nghèo. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo: mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa. Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

3) Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius, thuộc dòng dõi quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp. Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng, vì thánh nữ xác tín rằng mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Nhờ lòng quả cảm, đức tính khiêm nhường và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên có thế giá, trở nên vị Đại thánh.

4) Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo, đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng. Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc, ngang tàng, ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim, với tâm hồn đầy ắp tình yêu Chúa. Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút, những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.

5) Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà. Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi lòng chồng con và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp lòng Giáo Hội. Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, Monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon: ”Giờ đây xin Chúa để tôi tớ ra đi bình an…”.  Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosi-ô rửa tội. Thánh nữ được an táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

6) Monica phải sống những chuỗi ngày đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính ơng Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.

7) Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.

8) Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.

9) Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “Chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.

10) Không có gì cao sang trong cuộc đời bình thường, cũng không phải là “đấng nam nhi” hay “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của người phụ nữ này, đã trở thành tấm gương ngời sáng cho biết bao người phụ nữ khác, đặc biệt là những người vợ, người mẹ trong các gia đình. Dù Mônica không sinh trưởng tại quê hương Việt nam, nhưng ở Thánh nữ chúng ta vẫn thấy đầy chất Á Đông của người phụ nữ đất việt: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” và “Tam tòng, Tứ đức”.

11) Nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ mọi người.

12) Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica, Augustinô đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Những niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”.

Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Ngài, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.

13) THEO GƯƠNG SỐNG THÁNH CỦA NGÀI:

a) Trước tiên: là chu toàn bổn phận. Chu toàn bổn phận cách trung thành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì quả là anh hùng. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ, làm mẹ.

***Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và chung thủy với chồng.

***Làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dục con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc.

***Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.

b) Thứ hai: là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn và gặp chuyện chẳng lành.

c) Thứ ba: là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỷ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài.  Cuộc đời của ngài với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa.

d) Thứ tư: là sự kiên trì và trung thành. Kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin, dù nhiều khi phải gặp khổ đau.  Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời nơi những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.

14) NHỮNG BÀI HỌC:

Bài học thứ nhất: Chu toàn bổn phận hằng ngày vì lòng mến Chúa.

Bài học thứ hai: Biết dùng gương sáng để cảm hóa người thân và mang lại hạnh phúc cho gia đình.

Bài học thứ ba: Làm mọi việc trong tâm tình tín thác. Đón nhận tất cả mọi sự khốn khó, miễn sao điều đó đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần rỗi linh hồn mọi người.

Bài học thứ tư: Muốn sống đức tin của chúng ta cần kiên trì và trung thành. Nếu không kiên trì, chúng ta dễ bỏ cuộc. Nếu không trung thành chúng ta khó lòng đạt được ơn cứu rỗi.

 

17. Thánh Monica, Người Vợ, Người Mẹ Can Đảm Và Đạo Hạnh--Trần Mỹ Duyệt

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ

Monica sinh năm 332 tại Thagaste, Numidia, đế quốc Roma. Ngày nay là Souk Ahras, Algeria.

Qua đời năm 387 tại Ostia, Italy, đế quốc Roma. Hưởng dương 55 tuổi. Góa chồng năm 38 tuổi.

Được tôn kính tại Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Cộng Đồng Anh Giáo, Chính Thống  Đông Phương (gồm các giáo hội Ethiopian, Coptic, Armenian, Syrian, Indian và Eritrean) và Tin Lành Lutheran.

Lễ kính ngày 27 tháng 8.

Thánh Monica là vị thánh giúp giải quyết những cuộc hôn nhân gặp khó khăn, đổ vỡ,

Giúp những con cái hư hỏng quay trở về,

Giúp những nạn nhân của ngoại tình, những nạn nhân bị hành hung, thóa mạ, và hoán chuyển những người thân trong gia đình. 

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ

Thánh Monica (c.331/2−387), (AD 322-387), còn được gọi là Thánh Monica thành Hippo, là một trong những vị thánh thuộc Công Giáo tiên khởi, thế kỷ thứ ba, và là mẹ của Thánh Augustine, Giám Mục, Tiến Sỹ Hội Thánh. Thánh Monica được tôn kính trong hầu hết cộng đồng và cộng đoàn Kitô giáo, các nữ tu viện vì những nhân đức anh hùng, phi thường, đặc biệt là sự can đảm, hy sinh, và bền bỉ trong kinh nguyện trước những đau khổ gây ra bởi người chồng ngoại tình, và người con hoang đàng. Nhờ liên lỷ cầu nguyện, siêng năng trong gương sáng và sự hy sinh, Monica đã đưa bà mẹ chồng, chồng và con là Augustine trở lại với Chúa, với Giáo Hội. Chính Thánh Augustine sau đó đã viết về người mẹ và cuộc trở lại của mình trong cuốn Tự Thuật (Confessions) của ngài.

Monica được cho là đã sinh ra tại Thagaste, ngày nay gọi là Souk Ahras thuộc Algeria. Monica kết hôn rất trẻ với Patricius, một viên chức ngoại đạo người Roma cai trị Thagaste. Ông được biết đến như một người với tính tình nóng nảy, cộc cằn, và có lối sống thiếu đạo đức. Những điều này là do di sản ông được truyền thụ từ mẹ của ông. Do đó, những việc làm đạo đức như cầu nguyện, thăm hỏi, giúp đỡ người cùng khổ của Monica đã làm cho Patricius bực bội, tuy vậy, ông vẫn giữ được sự kính nể đối với vợ mình. Nhờ lời cầu nguyện của Monica, một năm trước khi Patricius qua đời cả ông và mẹ ông đã được rửa tội.

Monica có ba người con, hai trai là Augustine và Navigius, và một gái là Perpetua, nhưng không một người con nào được rửa tội. Trường hợp Augustine hơi đặc biệt, trong lúc còn nhỏ, Augustine bị bệnh nặng, Monica đã nài nỉ chồng cho phép Augustine được rửa tội, Patricius đã đồng ý, nhưng khi Augustine khỏe lại, ông đã rút lại lời hứa.

Thời gian đi qua, trong khi Perpetua và Navigius bước vào đời sống đạo hạnh, thì Augustine lại bắt đầu cuộc sống lêu lổng, lười biếng. Augustine sau đó đã được gửi vào trường ở Madauros. Khi lên 17 tuổi, trong lúc ông đang theo học khoa tu từ học (rhetoric) tại Carthage thì cha ông, Patricius qua đời.  

Cũng trong thời gian tại Carthage, Augustine đã theo giáo phái Manichaeism (Giáo phái Nhị Nguyên). Một giáo phái coi thế giới nguyên thủy xung đột giữa ánh sáng và bóng tối. Sau khi chết, con người được đưa khỏi thế giới vật chất để trở lại thế giới của ánh sáng, nơi mà từ đó sự sống của nó được tạo thành, và điều này khiến cho thánh Monica rất đau khổ. Monica đã có lần đuổi Augustine ra khỏi nhà. Mặc dầu vậy, thánh nữ vẫn tin tưởng rằng với lời cầu nguyện, Augustine sẽ sớm được ơn ăn năn trở lại.

Một hôm, trong khi viếng một vị giám mục, ngài đã an ủi Monica rằng “một đứa con với những giọt nước mắt của người mẹ sẽ không bao giờ bị hư mất”. Can đảm, nhẫn nại và tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện, Monica đã theo người con đi hoang này đến tận Roma, khi Augustine âm thầm trốn nhà. Nhưng khi Monica đến Roma thì Augustine lại trốn mẹ đi Milan. Không thất vọng, Monica đã đến Milan, ở đó gặp được Thánh Ambrose, nhờ ngài, Monica đã vui mừng nhìn thấy Augustine được ơn về lại với Chúa sau 17 năm trong nước mắt và kinh nguyện của mình.

Mẹ con đã trải qua sáu tháng hạnh phúc tại Rus Cassiciacum (ngày nay là Cassago Brianza), sau khi Augustine lãnh phép rửa tội tại thánh đường Gioan Tẩy Giả tại Milan. Trên con đường trở lại cố hương, cả hai đã dừng chân tại Civitavecchia và Ostia. Chính ở đây Monica đã trút hơi thở cuối cùng để lại cho Augustine một sự nhớ thương và ông đã kết thúc cuốn Tự Thuật của mình ở đây.

Monica qua đời tại Ostia gần Roma vào năm 387. Thánh nữ được an táng tại Ostia. Những năm đầu hầu như bị quên lãng, mặc dù xác của thánh nữ được đưa về một hầm mộ dưới thánh đường Thánh Aureus vào thế kỷ thứ sáu. Vào thế kỷ thứ 13, phong trào tôn kính thánh nữ lan rộng, và lễ kính vào ngày 4 tháng Năm. Năm 1430, Giáo Hoàng Martin V truyền mang xác thánh nữ về Roma. Tại đây có rất nhiều phép lạ đã được thực hiện do lời cầu bầu của thánh nữ. Sau này, Tổng Giám Mục Rouen là Hồng Y d’ Estouteville đã truyền xây một thánh đường dâng kính thánh Augustine ở Roma, và thánh tích của thánh nữ đã được mang về đây đặt tại bàn thờ bên trái thánh đường này.

Năm 1850 một hội được thành lập tại Notre Dame de Sion ở Paris do các bà mẹ Công Giáo dưới sự bảo trợ của Thánh Monica chuyên về cầu nguyện cho những người con và người chồng hoang đàng. Năm 1856 hội này được nâng lên thành Đoàn Thể Công Giáo lan rộng khắp thế giới có trụ sở tại Dublin, London, Liverpool, Sydney, Buenos Aires. Trước đó đã lâu, Giáo Hoàng Eugenius IV cũng đã cho phép thành lập một đoàn thể tương tự để hoạt động dưới sự phù trợ của Thánh Monica.

KINH CẦU VỚI THÁNH MONICA

Lạy Thánh Monica,

Con xin Ngài cầu cùng Chúa cho con.

Ngài thấu hiểu con đang cảm thấy như thế nào vì chính ngài cũng đã từng trải qua những đoạn trường ấy.

Con đang đau khổ, vô vọng, và thất vọng.

Con ao ước đứa con của con được trở về với Chúa Kitô và Giáo Hội, nhưng con không thể làm gì một mình.

Con cần ơn Chúa giúp.

Xin ngài cùng với con cầu xin ân sủng quyền năng của Thiên Chúa tuôn đổ trên đời sống của con con.

Xin ngài cầu cùng Chúa Giêsu làm tan chảy trái tim con của con, để chuẩn bị con đường ăn năn trở về, và xin ban Chúa Thánh Thần xuống trong đời sống của con con. Amen.

 

18. Một bà mẹ thánh kiên trì và can đảm--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ca dao Việt Nam có câu :

"Công Cha như núi Thái Sơn

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra…"

Hoặc trong bài hát "Lòng Mẹ”, nhạc sĩ Y Vân đã viết: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Vâng, người mẹ nào mà chẳng thương con, người mẹ nào lại nỡ bỏ con khi bà mang nặng, đẻ đau, thức khuya, dậy sớm để lo cho con từng ngụm sữa, nâng niu, ấp ủ con như gà mẹ ủ con trong đôi cánh. Anh Vũ Đức Nhuận đã viết bài “ Em có ba, em có má” có câu gợi cảm và nói lên tình thương bao la của cha mẹ: ”Em có ba, em có má. Má yêu em như suối trên nguồn, từ ngày sinh ra mẹ nâng như trứng, mẹ hứng như hoa, mẹ ôm vào lòng”. Nói về mẹ quả không sao có thể diễn tả hết, lột hết được tình thương lao la của người mẹ. Do đó, thánh Augustinô sau một quãng đời xa Chúa, dấn thân vào con đường lầy lội đã nghiệm ra tình mẹ, tình cha. Ngài đã trở lại với Chúa nhờ lời cầu nguyện và những giọt nước mắt chân tình, đau khổ nhưng đầy tình yêu của người mẹ, bà thánh Monica.

Năm 332, thánh nữ Monica chào đời tại vùng Sucara, nước Phi Châu trong một gia đình đạo đức và luôn biết kính sợ Chúa. Được giáo dục trong bầu khí đạo đức của gia đình, thánh nhân sớm trở thành cô bé đạo hạnh, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, thánh nữ Monica ngay từ nhỏ đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, thánh nữ luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, từ đó đâm ra ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở ra, ở tỉnh Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Tuy rất đau khổ nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện và làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của Chúa đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô: “ …lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa. Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: ”Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho Tôi” hay “… Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi” (Philip 3, 8).

Thánh Monica đã ra đi về với Chúa vì bà đã toại nguyện vì người con yêu dấu của bà đã quay trở về với Chúa. Bà an bình vì “…Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Philip 3, 20).

Thánh nhân là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và bây giờ nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

Lạy thánh nữ Monica, xin giúp các bà mẹ công giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và yêu thương để góp tay giáo dục con cái mình trở thành những con người tốt.

Amen.

 

19. Thánh Monica--Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác

Thánh Monica là người Phi châu, sinh vào khoảng năm 332 tại Carthage. Bà kết hôn với một người ngoại đạo có chức phận nhưng tánh tình nóng nảy thô bạo và ham chơi bời. Nhờ vào đức tin Công giáo và sự nhẫn nại, bà đã cải hóa được người chồng và đem ông trở lại đạo Công giáo. Bà có được ba người con. Người con cả là Augustin, một người thông minh tài hoa nhưng đã làm cho bà đau buồn và khóc lóc rất nhiều

Tánh tình phóng khoáng và hư đốn của Augustin lúc tuổi thanh xuân làm bà đau khổ và chua xót với những năm tháng dài đằng đẵng. Augustin công khai ăn ở với người bạn gái, theo đòi lối ăn chơi và tư tưởng vô luân của thời đại bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, năn nỉ của người mẹ hiền.

Bền chí trong lời cầu nguyện, Monica đã có được niềm vui tràn đầy và hạnh phúc chan chứa khi người con hoang đàng trở về nhận lãnh Bí tích rửa tội. Từ đây nếp sống và tư tưởng của vị thánh tương lai Augustin ở Hippo trở thành rường cột cho Giáo Hội Công giáo.

Khi Augustin rời Phi Châu đến định cư tại Milan thì bà Monica đã quyết định đi theo với con dù Augustin đã trốn đi không lời từ biệt. Lúc bây giờ trong thành Milan có một Giám mục nổi tiếng là thánh Ambroise, ngài đã cảm hóa được Augustin. Vị Giám mục thánh thiện này đã an ủi bà Monica: “Tôi khuyên bà cứ yên tâm, một người mẹ đã chảy quá nhiều nước mắt cho một đứa con như bà thì làm sao nó có thể hư mất được!.” Sau khi được rửa tội Augustin lại trở vế Phi châu cùng với mẹ.

Đến hải cảng Ostia, gần Roma thì bà Monica đau nặng. Lúc sắp lìa đời bà trăn trối với Augustin là bà không còn lý thú gì để sống ở đời nữa: “ Mẹ chỉ có một mục đích, một mục đích duy nhất mà thôi là tại sao mẹ muốn sống lâu thêm ở đời này. Mẹ muốn nhìn thấy con trở thành một người Công giáo khi mẹ rời khỏi cuộc đời này. Chúa đã ban cho mẹ lời ước nguyện đó.! Như vậy mẹ còn sống ở đời này làm gì nữa!”Nói xong thánh Monica từ gỉa cuộc đời. Bà được chôn cất tại đây. Đến thế kỷ XV thì hài cốt của bà được dời về tôn kính trong thánh đường Saint Augustin ở Roma.

 

20. Thánh nữ Monica- “làm những việc bình thường cách phi thường”-- www.giaoxuchinhtoadanang.org

Với những người làm con, hãy noi theo mẫu gương vâng lời của Thánh Monica. Vì vâng lời cha mẹ, Thánh nữ đã chấp nhận lấy Patricius- người đàn ông ngoại, tính tình ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi tuổi mình.

Với những người làm vợ, hãy luôn nhớ rằng: Hôn nhân, nếu tốt đẹp- đó là hồng ân- hãy cảm tạ Chúa, nếu không tốt đẹp- đó là Thánh Giá- hãy cầu nguyện và can đảm gánh vác. Chính Thánh nữ đã một đời vác thập giá mang tên Patricius- và dùng lời cầu nguyện và lối sống đạo đức của chính mình để cảm hóa chồng, để rồi một năm trước khi qua đời, ông đã trở lại đạo.

Với những người làm dâu, hãy yêu thương cha mẹ chồng như chính cha mẹ đẻ. Mặc dù bị mẹ chồng hất hủi, và hùa theo bênh vực đời sống phóng khoáng, tự do, chủ trương không tôn giáo của con trai, nhưng Thánh nữ vẫn giữ trọn đạo làm con- một lòng yêu thương và chăm sóc. Tình yêu thương cảm hóa con người, nhờ thế, mẹ chồng Thánh nữ sau đó cũng xin được Rửa tội.

Với những người làm mẹ, hãy kiên trì giáo dục đức tin cho con cái mình như Thánh nữ đã kiên trì với con trai Augustine. Nước mắt người mẹ rơi không ngừng vì sự lầm đường lạc lối của con, nhưng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa, Thánh nữ vẫn liên lỉ cầu nguyện. “Một đứa con với những giọt nước mắt của người mẹ sẽ không bao giờ bị hư mất”- Augustine đã trở lại đạo sau 17 năm kiên trì cầu nguyện của mẹ mình.

Với những con chiên của Chúa, hãy yêu thương tha nhân, một lòng cậy trông, tin tưởng và đón nhận mọi Thánh ý Chúa. Ngay từ nhỏ, Thánh nữ đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, Monica luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa. Mặc dù sống một lòng đạo đức, nhưng khi Chúa trao vào cuộc đời Ngài những khó khăn, thử thách, Ngài không hề trách Chúa mà vẫn đón nhận và vượt qua bằng chính lời cầu nguyện và lối sống đức tin của mình.

Hôm nay, 27/8- mừng kính Thánh nữ Monica. Xin cầu nguyện cho những chị em, hội đoàn nhận Thánh nữ làm bổn mạng, luôn noi gương và thực hành mẫu gương trong chính đời sống của mình. Cầu cho những người làm vợ, làm mẹ- khi gặp những bế tắc trong đời sống gia đình- sẽ lấy Thánh nữ làm điểm tựa, để dùng đức tin mà vượt qua tất cả.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây