GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Năm - Ngày 29 tháng 12

Thứ Năm - Ngày 29 tháng 12
myhn 29 12 2022


Tin Mừng: Lc 2,22-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
 
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: Không giết người nhưng gây "thương tật" - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung



Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Nguồn:https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/christmas-octave/
 
 
Hôm nay, thứ năm trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta nhận được lời chứng của tiên tri Simêon. Người đàn ông sùng đạo này được Thiên Chúa hứa rằng ông sẽ được tận mắt nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Giờ đây ông được thấy điều mà ông mong mỏi suốt cuộc đời mình.
 
Lời ca ngợi của ông thật mạnh mẽ: “Muôn lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi… vì mắt con đã được thấy ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn ….” Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến ông cảm thấy cuộc đời mình đã trọn vẹn, đã hoàn tất, nên ông sẵn sàng đón nhận cái chết khi đã được ơn tận mắt nhìn thấy Đấng Ki-tô.
 
Chúng ta phải học hỏi từ ông Simêon thánh thiện này. Dù chúng ta không phải nhà tiên tri trong Đền thánh 2000 năm trước, nhưng chúng ta được ơn nhìn thấy Đấng Cứu Độ mỗi ngày qua vô số cách thức Người hiện diện.
 
Trước những hình dung và mong chờ về một Đấng Cứu Độ của người dân thời ấy, có lẽ sẽ thật khó biết bao để chấp nhận, để tin tưởng rằng một trẻ thơ nghèo hèn như thế lại là Đấng Cứu Độ họ mong chờ bấy lâu. Và cũng thế, việc nhận ra Đấng Cứu Thế trong hình hài trẻ thơ khó khăn với người dân thời ấy thế nào thì cũng khó khăn như vậy với chúng ta ngày nay trong việc nhận ra Thiên Chúa ngự trong tấm bánh bé nhỏ. Ta có lí do để tin rằng tự mình Simeon chẳng thể nào nhận ra hài nhi Giêsu trên tay cha mẹ Người là Đấng Cứu Thế được, nhưng là bởi ơn Chúa qua đức tin. Và cũng thế, ta chẳng thể nào nhận ra sự hiện diện của Chúa được nếu chẳng có ơn Chúa ban trong đức tin.
 
Hôm nay, bạn hãy chiêm ngắm hình ảnh ông Simêon ẵm Hài Nhi trên tay và nhìn thấy Đấng Cứu Thế bằng xương bằng thịt trong hình hài trẻ thơ. Như ông, bạn cũng hãy tìm cách để nhận ra Đấng Ki-tô và suy nghĩ về biết bao cách thức mà Ngài hiện diện với bạn. Hãy nhớ rằng Ngài luôn ở rất gần bạn và hằng muốn đổ đầy cuộc đời bạn bằng tình yêu, bình an và niềm vui trong sự sống mới của Ngài.
 
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì lời chứng tuyệt vời của tiên tri Simêon. Xin cho con noi theo tấm gương bền bỉ trong đức tin của ông để con biết luôn đợi chờ, luôn tìm kiếm Ngài dưới biết bao hình hài, để trái tim con có thể reo mừng hân hoan trong sự hiện diện thật gần của Ngài. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

Hôm qua chúng ta cùng suy niệm về những trẻ em bị giết bởi tay bạo chúa Hê-rô-đê. Các em là nạn nhân của sự tham quyền cố vị và ác tâm của kẻ bạo quyền. Chúng ta cũng đã cùng suy nghĩ về những Hê-rô-đê trong thế giới hiện đại. Họ có thể là cha mẹ, người thân, kẻ có chức quyền trong xã hội và Hội Thánh. Trang Tin Mừng hôm qua cũng hé lộ cho chúng ta con đường cứu thế của Ngôi Lời Nhập Thể đầy nguy hiểm bất trắc, không phải ở trong tương lai mà ngay hiện tại, bị truy cùng tận diệt và phải trốn chạy trong những ngày thơ ấu. Lời Chúa hôm nay, qua lời của ông Simeon, cho thấy sứ mạng của hài nhi Giê-su và số phận của những ai liên quan đến Người trong tư cách là người thân, người môn đệ.
 Thánh Luca ghi rõ ràng: “Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.”. Nhờ Thánh Thần mách bảo, ông không những được cho biết sẽ thấy Đấng mà ông chờ mong trước khi chết, mà còn được biết sư mạng và vận mạng của Đấng ấy. Chính Thánh Thần đưa ông vào Đền Thờ để gặp và nhận biết Hài Nhi mà ông đang ẵm bồng trên tay là Đấng Ki-tô Đức Chúa, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel, dân Chúa.
 Nói về sứ mạng của trẻ Giê-su sẽ thực hiện trong tương lai, Simeon công bố: “Đứa trẻ này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên.” Một sự đảo ngược phận số của những thành phần trong dân Israel, một cuộc cách mạng cả trên phương diện tư tưởng lẫn hành động. Trước đó, Maria trong lời kinh Magnificat đã công bố hành động của Thiên Chúa: “Người lật đổ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ…Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng.” Trong bài giảng khai mạc sứ vụ tại hội đường Nagiaret, Chúa Giê-su đã công bố: lời ngôn sứ Isaia về Đấng được xức dầu trong Thánh Thần được hoàn tất nơi Người: Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn; công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, người mù được sáng, tự do cho kẻ bị áp bức và năm hồng ân của Thiên Chúa. Toàn bộ cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su là một minh chứng cụ thể và sống động. Trong khi truyền thống Do Thái cho rằng: sự giàu có là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa, Chúa Giê-su lại cho thấy nguy cơ khiến con đường đến với Chúa và vương quốc của Người trở nên hẹp hơn, thậm chí còn khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim.” Ngược lại, những cô gái điếm và người thu thuế, những kẻ bị coi là phương tội lỗi và ô uế lại được tuyên bố vào nước Thiên Chúa trước những kẻ tự cho mình là công chính – những luật sĩ, biệt phái... Đây chính là lý do sẽ Chúa sẽ trở thành mục tiêu cho người đời chống đối. Cuộc khổ nạn của Chúa chính là đỉnh điểm của sự chống đối của các thế lực trần gian mà các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái là đại diện. Simeon cũng không quên liên hệ đến số phận của những người liện hệ đến Chúa Ki-tô mà Maria là người trước hết “về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều kẻ được biểu lộ.” Không chỉ có Maria mà còn tất cả những môn đệ Chúa, cũng chịu chung số phận với Đấng mà họ tin và bước theo “Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Tôi.”  
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con dám can đảm chấp nhận cuộc cách mạng của Chúa nơi mỗi chúng con bằng việc sẵn sàng để cho Chúa và lời của Chúa hạ guc, lật nhào nơi chúng con những thói hư tật xấu: ích kỷ kiêu căng tự mãn... để chúng con được Chúa cứu thoát và nâng chúng con dậy từ vực sâu của tội lỗi. Xin giúp chúng con dám chấp nhận rời bỏ những vùng tối tăm chết chóc trong cuộc đời chúng con để bước ra gặp Chúa là ánh sáng cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con xác tín rằng, ngoài Chúa ra chẳng có bất cứ một thứ ánh sáng nào có thể dẫn chúng con vượt qua bóng tối của hỗn mang để bước vào một cuộc sống trật tự và phong phú. Xin cho chúng con dám chấp nhận những hy sinh đến tan nát cõi lòng, để cộng tác với hy lễ cứu độ của Chúa, mang đến hạnh phúc an bình cho người thiện tâm. Xin giúp chúng con biết sống theo gương Chúa, nên mục tiêu cho người ta chống đối, nghĩa là một chọn lựa dứt khoát giữa đúng sai, tốt xấu…thay vì tìm sự yên thân, mặc kệ đời. Xin cho chúng con hiểu rằng tình trạng yên thân hay bình an được đổi bằng tiền bạc, nịnh hót, thỏa hiệp là dấu hiệu chúng con không còn là môn đệ Chúa nữa. Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con, để như Simeon, chúng con kiên trì sống trong khát mong Chúa và nói về Chúa cho tất cả những ai muốn biết về Người. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Không giết người nhưng gây "thương tật" - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Thánh Gioan có lối văn xoán ốc, nhắc đi nhắc lại, nhưng mỗi vòng lại đẩy đi xa hơn. Lối văn ấy đôi khi làm người đọc khó hiểu vì không dẫn đi tới nhưng đi lòng vòng. Tuy nhiên, có lúc lối văn ấy lại hay, ví dụ như trong đoạn trích hôm nay. Chính lối văn xoán ốc ấy làm cho hai tình yêu đối với Thiên Chúa và với người khác quyện lại với nhau, làm cho không thể tách ra được!
Thánh nhân lý luận: ai nói mình biết Thiên Chúa thì giữ giới răn của Ngài. Mà giới răn đó chính là yêu mến anh chị em. Ai nói mình ở trong Thiên Chúa thì phải đi theo con đường của Đức Giêsu là yêu thương con người. Như  vậy, tình yêu dành cho Thiên Chúa chỉ chân thật khi đồng thời phải có tình yêu dành cho tha nhân. Không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa Đấng là tình yêu mở rộng cho mọi người (x. 1Ga 4,16) mà chúng ta lại không yêu mến người chung quanh!  Nếu nói mình biết Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu mến tha nhân, nếu không thì là nói dối, là tự lừa dối chính mình! Vì Thiên Chúa lại là ánh sáng, nên ai yêu mến Thiên Chúa đồng thời với yêu mến tha nhân là đi trong ánh sáng, còn “ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1Ga 2,9).
Với tuyệt đại đa số, chúng ta không giết người, một tội đáng sợ, nhưng không ít người vướng mắc vào chuyện bạo lực của lời nói: nói năng khiếm nhã, nói lời gây tổn thương, gây buồn phiền, sợ hãi, nói lời làm chán nản hơn là nâng đỡ...! Những lời nói này tưởng là trôi vào quên lãng, nhưng thực ra nhiều lời làm tổn thương người khác một thời gian rất dài, vết thương trở đi trở lại nhiều lần! Người ta “hạ gục” người khác, làm cho người khác sống trong sợ hãi, thiếu tự tin...!!! Đó là một thứ mà người ta hay gọi là “giết người không gươm không đao”, bởi vì làm người khác mang lấy “thương tật”, có khi kéo lê suốt cả cuộc đời!
Người ta cũng dễ gán cho tính cách phụ nữ là hay nói xấu, nói hành người khác, nhưng gán ghép này không đúng. Thực ra bản chất phụ nữ dễ bị tổn thương hơn và rất nhạy cảm nên cũng đượm tình nhân ái hơn. Vì thế, khi biết nói những lời làm an lòng, những lời khích lệ, nâng đỡ..., đó mới là nữ tính, đó mới là bản chất của phụ nữ. Trong gia đình, người cha dễ nói lời làm cho con cái sợ hãi, còn người mẹ luôn là người nâng đỡ, an ủi các con!
Thánh Gioan đi xa hơn khi cho thấy lòng yêu mến không phải là độc quyền của phụ nữ, nhưng thuộc về con người nói chung. Bởi vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, cho nên khi yêu mến tha nhân là họ giống Thiên Chúa, là biết Thiên Chúa, là ở trong Thiên Chúa. Nói như thế mới thấy phụ nữ giống với Thiên Chúa hơn là đàn ông! Khi yêu mến nhau thì chúng ta mới thực sự là người, mới đúng thực là hình ảnh ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên, vì họ giống Thiên Chúa. Chúng ta hãy yêu mến nhau vì đó là dấu chỉ của lòng yêu mến Thiên Chúa thực sự, là dấu chứng mình là con cái Thiên Chúa.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 2, 3-11 qua lăng kính Lc 2, 22-35, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục cho thấy cùng với việc sinh ra như con người, Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trong cùng lúc, vừa là Ân Sủng Sự Sống tình yêu vĩnh hằng, vừa là ân sủng mang lại Sự Sống tình yêu vĩnh hằng, và Sự Sống tình yêu vĩnh hằng nầy lại chính là Ánh Sáng cho toàn thể nhân loại (xem Ga 1, 3b), như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 2, 3-11 : ở đây, cho thấy sẽ là đồng nghĩa khi nói “ở trong Đức Giêsu-Kitô” hay “ở trong Ánh sáng” hay “ở trong Sự Sống” hay “ở trong Thiên Chúa-Tình Yêu” [“Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa , thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi.” (2, 5-6)]…
(2) Thứ đến, trong Lc 2, 22-35 : ở đây, một đàng, cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là “ơn siêu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân và là ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (2, 30-32); đàng khác, cho thấy Đức Maria, Thánh Giuse, ông Simêon là những người đầu tiên được hưởng ân sủng nầy, nhờ sống và vâng theo “theo Luật Chúa truyền” (2, 24)…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Tương quan với Đức Giêsu-Kitô là tiêu chí phân định ở trong Ánh Sáng hay ở trong Bóng Tối…
(2) Người ta sẽ ở trong bóng tối lầm lạc khi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM



 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây