GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Năm tuần 1 thường niên.

Thứ Năm tuần 1 thường niên.

Thứ Năm tuần 1 thường niên.

"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 40-45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch".

Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".

Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 

 

Suy Niệm 1: Chạnh lòng thương

Suy niệm:

Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46).

Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên,

phải vừa đi vừa kêu lên: “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa.

Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…

Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong

và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này.

Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế,

phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày,

và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).

Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê.

Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch,

mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh,

chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó.

Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép.

Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh,

đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh,

dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.

Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế.

Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong.

Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá.

Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao.

Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành.

Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa!

Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu

đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước.

Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu.

Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn…

Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong,

đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ.

Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong,

ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.

Giáo hội Công Giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi,

và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

Suy Niệm 2: ĐỨC TIN BAN SỰ SỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Theo quan niệm của người Do thái, bệnh tật là tội lỗi, ô uế. Và bệnh phong là nan y. Nên người bệnh phong bị coi như đã chết. Họ chết về thể lý. Vì bệnh là vô phương cứu chữa. Nhưng ghê gớm hơn, họ chết về phương diện xã hội. Vì bị loại trừ ra khỏi xã hội. Không được còn được sống với mọi người. Nhưng kinh khủng nhất là họ chết phần linh hồn vì phạm tội. Khi chữa anh, Chúa không chỉ chữa lành thân xác. Nhưng còn tha thứ tội lỗi. Trả lại cho anh sự sống thể lý khi chữa lành vết thương. Trả lại cho anh sự sống xã hội khi cho anh đi trình diện với thày tư tế. Trả lại cho anh sự sống linh hồn khi tha tội cho anh. Cho anh được đến trước tòa Chúa dâng của lễ. Tất cả là do lòng thương xót của Chúa. Nhưng cũng vì anh tin tưởng vào Chúa. Quả thật đức tin ban cho anh sự sống. Sự sống đời đời.

Vì thế thánh Phao-lô khuyên nhủ ta hãy giữ vững đức tin. Đừng để lòng ra chai đá như người Do thái trong sa mạc. Người Do thái cứng lòng nên đã không được vào Đất Hứa, đất chảy sữa và mật, đất sự sống. Thế hệ đó, kể cả Mô-sê đều chết trong sa mạc (năm lẻ).

Ta có đức tin nhưng phải là đức tin sống động thực sự. Đừng như những người con thày cả Hê-li là Pin-khát và Khóp-ni. Họ không có đức tin. Vì họ không kính sợ Chúa. Không nghe lời răn dậy của Chúa. Dám phạm những tội tầy đình ngay trước mặt Chúa trong lều Hội ngộ. Vậy mà khi đánh nhau với quân Phi-li-tinh, dám cả gan khiêng Hòm Bia ra chiến trận. Đó là mê tín chứ không phải đức tin. Nếu có đức tin họ đã không dám phạm tội trước Nhan Chúa. Và đúng ra họ phải sám hối trước khi lâm trận. Lâm trận rồi họ không còn thời giờ nữa. Vì thế họ đã bị chết. Đến cả Hòm Bia cũng bị quân Phi-li-tinh chiếm mất (năm chẵn).

Vì thế thánh Phao-lô khuyên nhủ chúng ta phải sám hối ngay khi còn kịp. Bao lâu còn là “ngày hôm nay” thì phải lắng nghe tiếng Chúa. Đừng để lòng ra chai đá. Hãy tin. Một đức tin sống động. Như người bệnh phong. Bệnh trầm trọng nhất là tội lỗi. Tội lỗi là thứ bệnh phong không thuốc nào chữa được. Chỉ có sức mạnh, quyền năng và Lòng Thương Xót của Chúa mới chữa ta khỏi. Vì thế ngay hôm nay hãy đến với Chúa. Hãy sám hối ngay. Kẻo không kịp.

 

Suy Niệm 3: Chữa người phong cùi

Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Ðến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.

Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:

- Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?

Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:

- Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.

Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.

Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Hãy coi chừng

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch (Mc. 1, 40-42)

Phúc âm thánh Maccô nhấn mạnh đến một điều khá ngạc nhiên: nhiều lần Maccô tường thuật việc Chúa răn bảo, và cả đến truyền lệnh cho người ta phải giữ kín, không được nói cho ai biết Người là ai, Người làm gì. Xem ra Chúa Giêsu rất dè dặt và khôn ngoan khi nói: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả!”

Đừng có mới nới cũ

Khi dặn dò người phong hủi được chữa lành như vậy, tiên vàn Chúa có ý nhắc nhở anh hãy biết sống trung thành.

Chúa Giêsu không tin người ta một cách mù quáng, Người biết rõ bụng dạ mỗi người. Người biết rõ ta dễ dàng thả mồi bắt bóng. Người biết được một người mắc bệnh nan y lẽ nào lại không bùi tai khi nghe một ông lang vườn nói sẽ cho người ấy rất nhiều hy vọng chữa khỏi. Người biết chúng ta hay thay đổi: chỉ mới nghe nói, đây là phát minh cuối cùng, là đồ mới cáo “tuyệt cú mèo”, là ta đã vội đổ xô đến ngay. Hãy cầm thử một tờ báo mà coi, toàn là những tin tức và sự kiện, mà điều quan trọng là những tin tức và sự kiện ấy phải là sốt dẻo. Nhưng cái là nội dung tờ báo, cái mà xét cho cùng là đường giây mối rợ thông thường và căn bản cho cuộc sống, thì không ai ghi nhớ.

Thế nên, để đối lại với thái độ này của con người là hay thay đổi và chạy theo cái mới, Chúa Giêsu nhắc nhở ta hãy biết sống trung thành, biết giữ lấy sự liên tục: “Vì anh dã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền để làm chứng cho người ta biết”, có nghĩa là: “Anh đừng vội thay đổi tập tục tôn giáo! Anh hãy liên kết điều vừa xảy ra cho anh với điều anh vốn đã tin. Có một sự liên tục giữa Mô-sê với tôi.Và chúng ta có thể nghe đây như tiếng vang vọng: “Có sự liên tục giữa tập giáo lý đồng ấu với lối dạy giáo lý cho người lớn, có liên tục giữa cộng đoàn lớn với cộng đoàn nhỏ, có liên tục …”

Đào sâu hơn là trải rộng

Việc Chúa Giêsu nhắc nhở người cùi được chữa lành phải kín miệng, cũng làm cho ta ý thức đến một sự lầm lạc khác vốn rình rập ta: đó là tính hời hợt nông cạn. Hãy nhớ kỹ dụ ngôn người gieo giống: cây lúa mọc lên, nhưng chết khô vì thiếu đất ẩm. Hãy coi chừng khi ta hứng lên trở lại với Chúa mà chưa có thời gian thử thách. Đừng coi nước dầu bóng bên ngoài mà cho rằng gỗ tốt: vẻ bóng loáng ấy không nhất thiết đã bền.

 

Suy Niệm 5: Yêu thương để trở nên giống Chúa (Mc 1, 40-45)

Khi Đức Giêsu đến trần gian, sứ vụ của Ngài là đến với những người nghèo để chữa lành cho họ. Ngài luôn coi đây là điều căn cốt, bởi lẽ bệnh tật theo quan niệm của người Dothái nó gắn liền với tội và hệ lụy của nó là bị Thiên Chúa phạt.

Hơn nữa, bệnh phong cùi lại là thứ bệnh nan y, hay lây và bị người đương thời coi thường, khinh bỉ. Những ai mắc phải thứ bệnh khốn khổ này thì buộc phải sống cách ly khỏi dân chúng. Thường thì họ chọn nơi mồ mả để sinh hoạt. Họ bị cấm đi lại nơi công cộng, và nếu có đi đâu gần dân chúng thì buộc phải lắc chuông để báo cho mọi người biết mà tránh cho xa kẻo bị lây và nhiễm uế.

Tuy nhiên, anh này hôm nay thật may mắn vì đã gặp được Đấng đang tìm anh để chạnh lòng thương anh. Thật vậy, khi gặp người phong cùi này, Đức Giêsu đã không tránh xa, mà ngược lại, Ngài đã đến gần và chạm vào anh để anh được sạch. Không những thế, Ngài còn phục hồi nhân phẩm cho anh khi truyền cho anh đi báo với Tư Tế để được hòa nhập với cộng đồng.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy noi gương người phong cùi, mạnh dạn đến với Chúa, hãy mở rộng tâm hồn cho Đấng đầy yêu thương đụng chạm tới mình, để Ngài chữa lành tâm hồn đui hủi của chúng ta là những thói hư tật xấu và tội lỗi, khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với Chúa và vô cảm với anh chị em.

Hơn nữa, chúng ta hãy xin với Chúa cho đôi chân biết đi tới, đôi tay biết vươn xa, và nhất là trái tim biết rộng mở, để đón nhận những anh chị em đau khổ, bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác, hầu xoa dịu những đau khổ mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu. Chỉ có thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Thầy Giêsu mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chữa lành những căn bệnh trong tâm hồn chúng con, để chúng con được trở nên trong sạch. Xin Chúa cho chúng con được hiểu rằng, hạnh phúc của người khác là niềm vui của mình và là vinh quang của Thiên Chúa. Amen.

Ngọc Biển

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu chữa lánh người bị bệnh phong cùi

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tôi còn nhớ hồi nhỏ, ở ngôi chợ nhỏ gần nhà tôi, thường có một ông bị bệnh phong cùi lê lết xin ăn mỗi sáng. Mỗi lần theo mẹ ra chợ, tôi lại thấy ông với cái lon sữa bò cũ, miệng kêu gào lòng thương xót của mọi người.

Chẳng bao giờ tôi dám lại gần mà chỉ đứng xa xa nhìn lại với lòng thương xót xen lẫn ghê tởm. Con người ông không chỉ dơ bẩn, mà còn toát lên một cái gì đó gớm ghiếc với những miếng vải dính đầy máu và mủ trên bàn tay, bàn chân đã cụt hết ngón. Một vài người đi chợ ngang qua, thả vội những đồng bạc cắc rồi đi như chạy. Có lẽ họ cũng như tôi, dù xót thương cho thân ông ăn mày, nhưng cũng không dám lại gần vì sợ lây bệnh (Theo Vũ Ðình Trọng).

Bệnh phong là một bệnh nhiễm mãn tính, trước đây người ta thường gọi miệt thị là bệnh cùi, bệnh hủi. Những bệnh nhân này thường bị người đời xa lánh vì họ có những vết thương lở loét, hình hài không được bình thường, có người mang bệnh miệng méo xệch, thoáng nhìn người ta có cảm giác khiếp đảm, bệnh nhân xấu hổ cố giấu mặt, cử chỉ che giấu ấy thật tội nghiệp. Có những bệnh nhân phong ngón tay rụng hết chỉ còn trơ bàn tay không ngón, đáng sợ. Nhiều dân tộc hay bộ lạc, coi bệnh phong cùi là một hình phạt và người mang bệnh bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà và khỏi làng. Họ sống lang thang trong rừng sâu, hay tại những nơi hẻo lánh chết trong cô đơn...

Suy niệm

Bệnh phong, đối với con Do Thái chỉ có Thiên Chúa mới chữa được, bởi vì người mắc bệnh phong mà được lành cũng giống như gọi một người chết về lại với cuộc sống. Trong Kinh Thánh Thiên Chúa ban quyền chữa bệnh phong cho những người đến từ Ngài như Môisê (x. Ds 12,9-14; Xh 4,6-8) và ngôn sứ Êlisê (x. 2V 5,9-14). Vì thế anh cùi trong Tin Mừng Maccô 1,40-45, trông cậy vào Đấng Mêssia - Đấng nhân danh Chúa đến chữa lành bệnh tật, giải thoát giam cầm như ngôn sứ Isaia đã loan báo (x. Is 61,1). Anh tìm đến Chúa Giêsu và thưa với tất cả lòng xác tín: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. “Chạnh lòng thương Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”. Tin Mừng nhiều lần dùng từ “chạnh lòng thương” để nói tấm lòng của Ngài với người đau khổ, bệnh tật…(x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; Mc 1,41; Lc 7,13).

Trong khi mọi người tránh xa anh theo Luật, thì Chúa Giêsu lại tiến gần chữa lành cho anh. Ngài chữa người bị bệnh phong cùi không bằng cách như ngôn sứ Êlisê đã làm đối với Naaman, viên quan của Syria, vị ngôn sứ đã truyền cho ông đến tắm gội dòng sông Giodan (x. 2V 5,1-19). Ngài chữa lành với tấm lòng cảm thương, với một lời xác quyết quyền uy của Đấng chiến thắng trên bệnh tật, sự chết và một cử chỉ cầm tay mang ý nghĩa chia sẻ đầy tình liên đới.

Ngày hôm nay trong cuộc sống có các thứ bệnh cùi của tinh thần, của tâm hồn con người: thái độ sống bất công, gian ác, điêu ngoa, dối trá… Chính những hình thức cùi này làm con người vong thân, biến dạng tâm hồn. Không chỉ cuộc sống tinh thần của cá nhân mà cả một xã hội cùi đang được hình thành, bởi những vi rút cùi gian trá điêu ngoa, thiếu thành thật đang hoành hành trong xã hội.

Ý thức được tình trạng cùi hủi của mình do bởi tội lỗi, chúng ta tin tưởng vào Đấng chữa lành là Giêsu như thánh Paschase Radbert đã suy niệm hình ảnh người phong cùi được Ngài chữa lành: “Thiên Chúa chữa lành mỗi ngày tâm hồn của người kêu cầu đến Ngài, tôn thờ Ngài với tâm hồn thánh thiện và tuyên xưng niềm tin dù mang thân phận lầm lỗi: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, xin cho con được sạch”.

Ý lực sống: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”. (Tv 50,3-4).

 

Suy Niệm 7: Chúa chữa người phong hủi

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Phong hủi đối với những người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế, bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là uế. Vì thế, người phong hủi thường phải ở những nơi cách biệt: đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi ! Bài Tin mừng hôm nay cho biết, người phong hủi dám đến xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ  bệnh nhân có một niềm xác tín vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất thương yêu. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.

2. Ông M. Carré nói:”Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị trùng Hansen gặm  nhấm  rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phung hủi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Ngài.

Thấy anh có lòng tin, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói:”Ta muốn anh khỏi bệnh”.  Chạm đến người phung  là phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Chúa, con người được tiếp xúc thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phung biến mất và anh ta được sạch.

3. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng đến anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn.  Chúng  ta tự hỏi mình: sự quan tâm của ta  với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?

4. Hãy tỏ lòng yêu thương những người bệnh tật xấu số.

Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu lắm ở trại cùi Qui Hòa (Bình định), biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ, ta mới hiểu được nỗi đau khổ trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

Đọc truyện cha Damien, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức Giám mục ở Hawai giới thiệu cha Damien với dân cùi ở đảo Molokai là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Damien rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Damien là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người của cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau:”Không”. Dần dần cha Damien hòa đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

5. Còn bệnh phong hủi thiêng liêng nữa.

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hóa về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi cũng khiến người ta bị cô lập hóa về đời sống thiêng liêng.

Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta  không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp gỡ họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

6. Truyện:  Phải biết cảm ơn Chúa

Trong cuốn truyện thuộc loại Tự Thuật của một người Cha nọ có ghi những ý nghĩ như sau:

Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: ”Bố ơi, con sẽ đếm thử xem trên trời có mấy ngôi sao nhé” !

Sau đó tôi nghe giọng êm đềm dễ mến của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4.... rồi tôi lại chú tâm vào chuyện đọc báo, không còn để ý đến tiếng con tôi nữa. Đến lúc tôi đọc xong, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm 223,224,225.... Đến đây, nó bỗng dừng lại, rồi quay sang nói với tôi: ”Bố ơi, con không ngờ trên trời có nhiều sao đến thế”.

Nghe con gái bình luận thế ! Tôi chợt nhớ thỉnh thoảng tôi cũng đã thầm nói với Chúa:”Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã lãnh nhận bao nhiêu ơn lành của Chúa”.  Và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu, mà vì quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng đã thường phải thốt lên như con gái tôi: ”Lạy Chúa, con không ngờ đời con đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa đến thế” !

 

Chúa Giêsu có thể làm cho tôi được sạch – SN song ngữ 14.01.2021

Thursday (January 14): The Lord Jesus can make me clean

 

Scripture: Mark 1:40-45

40 And a leper came to him beseeching him, and kneeling said to him, “If you will, you can make me clean.” 41 Moved with pity, he stretched out his hand and touched him, and said to him, “I will; be clean.” 42 And immediately the leprosy left him, and he was made clean. 43 And he sternly charged him, and sent him away at once, 44 and said to him, “See that you say nothing to any one; but go, show yourself to the priest, and offer for your cleansing what Moses commanded, for a proof to the people.” 45 But he went out and began to talk freely about it, and to spread the news, so that Jesus could no longer openly enter a town, but was out in the country; and people came to him from every quarter.

 

Thứ Năm    14-1               Chúa Giêsu có thể làm cho tôi được sạch

 

Mc 1,40-45

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

 

Meditation: 

Do you seek the Lord Jesus with expectant faith? No one who sought Jesus out was refused his help. Even the untouchables and the outcasts of Jewish society found help in him. Unlike the people of Jesus’ time who fled at the sight of a leper, Jesus touched the leper who approached him and he made him whole and clean. Why was this so remarkable? Lepers were outcasts of society. They were driven from their homes and communities and left to fend for themselves. Their physical condition was terrible as they slowly lost the use of their limbs and withered away. They were not only shunned but regarded as “already dead” even by their relatives. The Jewish law forbade anyone from touching or approaching a leper, lest ritual defilement occur.

This leper did something quite remarkable. He approached Jesus confidently and humbly, expecting that Jesus could and would heal him. Normally a leper would be stoned or at least warded off if he tried to come near a rabbi. Jesus not only grants the man his request, but he demonstrates the personal love, compassion, and tenderness of God in his physical touch. The medical knowledge of his day would have regarded such contact as grave risk for incurring infection. Jesus met the man’s misery with compassion and tender kindness. He communicated the love and mercy of God in a sign that spoke more eloquently than words. He touched the man and made him clean – not only physically but spiritually as well.

How do you approach those who are difficult to love, or who are shunned by others because they are deformed or have some defect? Do you show them kindness and offer them mercy and help as Jesus did? The Lord is always ready to show us his mercy and to free us from whatever makes us unclean, unapproachable, or unloving towards others.

Lord Jesus, inflame my heart with your love and make me clean and whole in body, mind, and spirit. May I never doubt your love nor cease to tell others of your mercy and compassion.”

 

Suy niệm:

Bạn có tìm kiếm Chúa Giêsu với một đức tin kiên vững không? Không ai đến tìm kiếm sự trợ giúp của Ðức Giêsu mà bị từ chối. Thậm chí những người không thể đụng chạm và bị bỏ rơi của xã hội Do thái đã tìm được sự trợ giúp nơi Người. Không giống như những người cùng thời, những người mới gặp thấy người cùi đã bỏ chạy, Ðức Giêsu đã đụng chạm tới người cùi đến với Người và chữa cho anh ta lành sạch hoàn toàn. Tại sao điều này lại quá ấn tượng? Thưa bởi vì những người cùi là những người bị xã hội ruồng bỏ. Họ bị đuổi ra khỏi nhà và cộng đoàn, tự lo liệu lấy cho mình. Điều kiện thể lý của họ rất tồi tệ khi họ dần dần mất hết tay chân và chết dần chết mòn. Họ không chỉ bị người ta xa tránh và còn bị coi như “những người đã chết”, kể cả người thân của họ cũng nghĩ vậy. Luật Do thái cấm người ta đụng hay tới gần người cùi, kẻo sự ô uế theo nghi thức xảy ra.

Người cùi này đã làm điều gì đó hết sức ấn tượng. Anh đến gần Ðức Giêsu một cách tin tưởng và khiêm tốn, với hy vọng rằng Ðức Giêsu có thể và sẽ chữa lành cho anh. Thông thường, một người cùi có thể bị ném đá hay bị người ta xa lánh nếu họ cố tình đến gần một vị thầy Rabbi. Ðức Giêsu không những đáp ứng lời thỉnh cầu của anh, mà Người còn chứng tỏ tình yêu cá vị, lòng trắc ẩn, và sự khoan dung của Thiên Chúa trong việc đụng chạm của Người về mặt thể lý. Sự hiểu biết về y khoa thời Ðức Giêsu chắc hẳn cho rằng việc đụng chạm như thế là một điều hết sức nguy hiểm về sự nhiễm trùng không thể chữa được. Ðức Giêsu đã nhìn nổi đau khổ của người này với lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu hiền. Người liên kết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong một dấu chỉ còn hùng hồn hơn cả lời nói ngàn lần. Người đụng chạm đến anh ta và chữa cho anh ta được sạch – không chỉ về phần thể lý, mà cả về phần tâm linh nữa.

Làm thế nào bạn đến gần những người thật khó thương hay những người bị người ta xa lánh, bởi vì họ bị biến dạng hay có một vài khuyết điểm nào đó? Bạn có bày tỏ lòng tốt và lòng thương xót để giúp đỡ họ như Ðức Giêsu đã làm không? Chúa luôn sẵn sàng bày tỏ lòng thương xót của Người cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ làm cho chúng ta ra ô uế, không thể đến gần, hay đáng ghét đối với người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin đốt cháy tâm hồn con với tình yêu của Chúa và thanh tẩy toàn bộ thân xác, lý trí, và tâm hồn con. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa và không ngừng nói cho người khác biết về lòng thương xót và trắc ẩn của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây