GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

T6 8 7 1 1078x516

T6 8 7 1 1078x516

Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

"Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".

 

Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến".

 

Suy Niệm 1: Vì Danh Thầy

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,

có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.

Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.

Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.

Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,

50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,

hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.

Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,

giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.

Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,

và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.

Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.

Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.

Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,

vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.

Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:

bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,

bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).

Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.

Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).

Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),

để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.

Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).

Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.

Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.

Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.

Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,

biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).

Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,

là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,

vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,

khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.

Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.

Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu?

Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,

xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.

Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,

xin được sống chân thật đơn sơ.

Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,

xin được sống hồn nhiên thanh khiết.

Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,

xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,

xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.

Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu

vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,

để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,

và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.

Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh

qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

 

Suy Niệm 2: Chiên và sói

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con cái Thiên Chúa phải làm chứng cho Người nơi trần gian. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Vì con cái Thiên Chúa hiền lành và yếu ớt như chiên con. Và thế gian hung dữ và mạnh mẽ như sói rừng. Sói sẽ tấn công. Thế gian sẽ bắt bớ. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta đừng sợ. Cứ trông cậy nơi Chúa. Rồi Chúa sẽ làm việc. Khi bị nộp ra trước toà, bị hạch hỏi cũng đừng sợ. “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: “thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Hãy luôn trung tín với Chúa. Dù có bị chính những người thân ghét bỏ, hành hạ, Chúa vẫn luôn bên ta. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Lời Chúa hôm nay hoàn toàn ứng nghiệm vào cuộc đời tổ phụ Giu-se. Ông là chiên con sống giữa sói rừng. Ông đã bị anh em thù ghét, bán cho người Ai-cập. Người Ai-cập đã hành hạ ông. Giam tù ông. Nhưng Thánh Thần soi sáng cho ông nói lời chân lý. Nên cuối cùng ông được giải oan. Trở thành tể tướng lẫy lừng. Ông đã bền chí đến cùng. Luôn trung thành với Chúa. Trông cậy vào Chúa cả trong những phút đen tối ngặt nghèo nhất. Nên ông đã thành đạt. Không những cứu được bản thân ông còn cứu được cả gia đình. Và cứu được cả dân nước Ai-cập khỏi nạn đói. Khi gặp ông, Gia-cóp vui mừng nói: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống” (năm lẻ).

Hô-sê khuyên nhủ dân Chúa, dù hiểm nguy cũng cứ tin cậy Chúa. Đừng cậy dựa vào những thế lực phàm trần, hay những tượng gỗ vô tri. Đừng “cầu cứu với Át-sua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra”. Hãy cậy trông vào Chúa. Vì Chúa là là tình thương yêu. “Vì chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình”. Vì Chúa sẽ cho dân Chúa được phục hồi và phát triển. “Họ sẽ đầm chồi nẩy lộc, sum suê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượ Li-băng”. Và nhất là cuối cùng Chúa sẽ thực thi công lý: “người công chính sẽ hiên ngang tiế bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (năm chẵn).

Dù yếu ớt, dù hiền lành, ta hãy mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Rồi Chúa sẽ can thiệp. Và công lý được tỏ hiện. Đó chính là niềm hi vọng của ta.

 

Suy Niệm 3: Số phận của người Kitô hữu

Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, Ngài nói:

"Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình..."

Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.

Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn.

Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".

Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô và thoát khỏi tinh thần thỏa hiệp vì một chút dễ dãi, lợi lộc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thích sống yên thân

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt. 10, 17-18)

Đời sống một chứng nhân

Chúa Giêsu chẳng dấu diếm gì, khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Người nói rõ cho các ông hay những gì sẽ chờ đợi các ông. Trớ trêu thay! Các ông sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, bị người ta đánh đòn. Người ta sẽ thù ghét, truy nã các ông. Các bạn hữu thân tình sẽ chống lại các ông. Tất cả những chuyện đó đang chờ đợi các ông. Quả là tệ hại! Cuộc đời các môn đệ chẳng có giây phút nghỉ ngơi. Đi theo Chúa, rao giảng về Người là nhất thiết liều mình gánh lấy những tai họa, là chấp nhận phải chiến đấu cam go, đau khổ nhiều, khóc lóc nhiều.

Đức Giêsu đã báo trước điều đó. Mười hai tông đồ đã gặp những thử thách nặng nề. Người ta không để cho các ông sống dễ dàng. Họ đã bắt các ông phải chết. Tôi tớ không trọng hơn chủ, nó chịu đồng số phận với chủ mình. Đức Giêsu đã nói thế.

Nếu không gây ra cho ta gì

Điều Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa thì vẫn luôn có giá trị cho tất cả những ai còn đang làm chứng cho Phúc âm. Một chứng nhân đích thực không thể sống kiểu “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Người chứng nhân ấy không thể rao giảng Tin mừng cách chân chính mà lại không bị người đời chống đối, bị người ta một ngày nào đó đem mình ra bêu diếu cách nào đó.

Đã có lần nào ta bị người ta chống đối kịch liệt, bị bôi nhọ vì những niềm tin Kitô giáo của ta không? Đã có lần nào ta phải đau khổ vì đã mạnh dạn và công khai làm chứng về Đức Kitô không? Nếu chưa bao giờ ta phải chịu điều gì thiệt thòi, chưa có ai chống đối ta bao giờ, thì có lẽ vì ta đã chưa bao giờ là những chứng nhân đích thực, vì ta đã chỉ muốn sống yên thân thôi. Những chứng nhân tồi là vậy đó.

JYG

 

Suy Niệm 5: Số phận người môn đệ

Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11, Lễ thánh Stêphanô 26/12

Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria ...

Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị bách hại tại những nơi này!

Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.

Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.

Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.

Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.

Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.

Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Can đảm làm chứng cho Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ. Tuy nhiên, với niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần, người tông đồ vẫn một lòng trung thành làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai con đi làm chứng cho Chúa. Nhưng trong thế gian luôn xảy ra một cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến ấy ở ngay trong bản thân con, ngay trong gia đình con, ngay trong môi trường con đang sống và trên toàn thế giới, sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng, và lời Tin Mừng cũng trở thành cái gai cho thế gian. Vì thế mà người rao giảng Tin Mừng và người sống Tin Mừng luôn bị bắt bớ, đánh đòn, tù đày, chống đối, thù ghét.

Lạy Chúa, cha ông chúng con đã từng chịu khổ đau để làm chứng cho Chúa. Và cái chết anh dũng của các ngài đã là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào Thiên Chúa. Phần con đây, con cũng được diễm phúc ở vào hàng ngũ những người nhận biết Chúa, theo Chúa, yêu Chúa và dấn bước phục vụ Chúa. Nhưng vì là con người, con cũng rất sợ phải tù đày, roi vọt, chống đối và thù ghét. Xin cho con biết nhận ra rằng, đàng sau thất bại và bị ngược đãi, đó là dịp để con được hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa. Và nhờ đó đau khổ của đời người tông đồ sẽ trở nên hy lễ đem lại nhiều hoa trái.

Con luôn vững tin vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong con. Xin cho con một tinh thần đơn sơ và khôn ngoan, một niềm tin sắt đá, một đức cậy vững vàng và một lòng mến sắt son để con được can đảm sống Tin Mừng và trung thành làm chứng cho Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.

 

Suy Niệm 7: Mầu nhiệm Thập giá của sứ vụ

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, ngài nói:

“Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những giám mục, linh mục, tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”...

Suy niệm

Trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, các tông đồ bị ghen ghét và gặp thử thách, đó là mầu nhiệm Thập giá của sứ vụ như Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” vì phải đương đầu với các hoàn cảnh khó khăn chung quanh để bảo vệ thành quả đức tin. Đức Giêsu không che giấu sự khó khăn trong sứ mạng thợ gặt đem Tin Mừng vào thế giới - cánh đồng truyền giáo bao la. Thế giới vẫn chìm trong bóng đêm, hơn nữa Tin Mừng sẽ gặp phải sức chống đối thù nghịch. Thế giới còn bao phủ dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù.

Giáo hội cũng đã xuyên qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma ở thế kỷ I.

Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hại đạo đẫm máu giữa những người cùng một màu da dân tộc và ngay trong gia đình. Người đã chọn Chúa Kitô đã phải chấp nhận vượt lên trên những tình cảm gia đình để làm chứng Tin Mừng, như thánh Anrê Kim Thông bị chính người cháu ruột của mình phản bội, truy tố lên quan phủ chỉ vì ngài thường sửa dạy, nhắc bảo đứa cháu hoang đàng này trở về đức tin Công giáo...

Đứng trước những hiểm nguy mà chúng ta phải đối diện. Hãy mang lấy tâm tình mà tác giả thư Do Thái khuyên nhủ: “Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu - Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).

Chính Ðức Giêsu đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh để giúp họ qua hình ảnh Chúa Kitô vác Thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột đối diện hiểm nguy, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận sự bình an chiến thắng của Phục sinh.

Cần những tấm lòng mang ánh sáng tình yêu của khoan dung, của Tin Mừng tha thứ soi chiếu. Những tấm lòng như Moody chia sẻ: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng”.

Ý lực sống:

“Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa Kitô” (Rm 8,39).

 

Suy Niệm 8: Báo trước những cuộc bách hại

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau khi huấn dụ các Tông đồ về mục đích, tinh thần và cách thế của người tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại mà các Tông đồ gặp phải trên bước đường truyền giáo.

Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, các Tông đồ sẽ gặp muôn vàn khó khăn: bị ghen ghét, bắt bớ... Chúa Giêsu đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa ở bên cạnh để giúp đỡ họ. Để bền chí đến cùng, người môn đệ phải luôn có đời sống tin tưởng phó tác và cầu nguyện.

“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”

Hình ảnh bầy sói ám chỉ những bách hại và thử thách mà các Tông đồ phải đương đầu, đồng thời cũng có thể hiểu Chúa muốn nói đến các tiên tri giả, để cảnh giác các Tông đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh lời Chúa để phá hoại Tin mừng.

Trước âm mưu xảo quyệt và ngụy biện như thế, người môn đệ phải khôn như con rắn. Rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người tông đồ đừng để mình bị lọt vào tròng của những ông tiến sĩ giả, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên vẫn phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ hiền lành như con chim bồ câu, loài chim hơi nghe tiếng động là bay đi và vẫn được coi là hiền lành (Trần Hữu Thành).

“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”

Sự bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người môn đệ sẽ phơi bày tật xấu của thế gian. Chúa Giêsu cho biết lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người môn đệ Chúa: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như các con thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”.

Trong chuyến hành hương Lộ Đức vào tháng 8 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới.

Ngài nói: “Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”.

Thông thường, trong những lời hứa hẹn ít khi thấy bóng dáng khó khăn thử thách. Chúa Giêsu đã hành động vượt ngoài qui luật này: môn đệ Ngài sẽ là người không còn đất sống, bị người đời ghét bỏ. Hội đường kết án, ngay cả người thân cũng phản bội họ.

Đối diện với viễn ảnh, xem ra đen tối này, người môn đệ phải trang bị bằng những hiểu biết cụ thể, và xác tín rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến. Nếu trong xã hội loài người, họ không có chỗ đứng, thì trong Nước trời họ đã có chỗ Chúa dành sẵn cho họ; và cho dù thế gian có đổ dồn bách hại lên họ, họ vẫn không bị nghiền tán, vì đã có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Điều quan trọng là họ phải trung thành: trung thành với Thánh Thần bằng cách giữ tâm hồn đơn sơ chân thật; trung thành với con đường đã chọn, vì Thiên Chúa không để họ quá mức chịu đựng: “Các con sẽ không đi hết các thành của Israel trước lúc Con Người đến” (Mỗi ngày một tin vui).

Người môn đệ được đồng hoá với Chúa Giêsu và chia sẻ số phận của Ngài. Người môn đệ chẳng những là kẻ sống tinh thần khó nghèo, mà còn là kẻ luôn cảm thấy mình yếu đuối, không thể tự mình chống lại những bách hại. Nhưng sự yếu đuối của các môn đệ lại là sức mạnh của Thiên Chúa, bởi vì ý thức mình yếu đuối, nên người môn đệ hết lòng tin tưởng và gắn bó với Chúa.

Truyện: Cái bạt tai tôi xin vui lòng lãnh nhận

Năm 1227, bá tước Schavenbourg nguyên là thiếu tướng trong quân đội hoàng gia Phổ, đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Ông xin vào tu Dòng Anh Em Hèn Mọn của thánh Phanxicô. Bề trên trao cho thầy một bộ quần áo nghèo hèn, một chiếc bị và một cái bát để khất thực ngay giữa nơi thành thị đông đúc cho người nghèo và cũng là để tự nuôi sống.

Một hôm, đang trên đường đi xin ăn, ông gặp một vị hoàng thân quí tộc đang dạo phố. Ông đến ngửa tay xin bố thí, nhưng vị hoàng thân chẳng màng lưu tâm. Nhà tu hành tiếp tục theo sau nhỏ nhẹ nài van một cách kiên trì nhẫn nhục. Bực quá, vị hoàng thân quay phắt lại, tát cho thầy tu vốn là cựu bá tước một cái tát nảy lửa.

Thầy thấy bị xúc phạm ghê gớm, lòng tức giận chỉ chực trào lên như trong những ngày oai phong xưa kia. Thế nhưng, thầy đã kịp bình tĩnh lại và khiêm hạ nói, tay vẫn ngửa ra: “Vâng, thưa ngài, phần cái bạt tai thì tôi xin vui lòng lãnh nhận, nhưng còn phần dành cho những người nghèo khổ đáng thương hơn tôi, thì xin ngài đừng quên bố thí”.

 

Suy Niệm 9: Sứ mạng rao giảng Phúc Âm

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Phúc Âm: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó:

Một mặt phải vừa đơn sơ phải vừa khôn ngoan.

Mặt khác phải đừng sợ: vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa bầy sói”: Thế gian thì hung ác và mạnh mẽ như bầy sói còn tông đồ của Chúa thì hiền lành và yếu ớt như chiên. Thế nhưng nước Thiên Chúa lại được mở mang bằng chính sự yếu ớt của Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài. Thánh Phaolô nói: “Sức mạnh Thiên Chúa được hoàn thành trong sự yếu ớt”. (2Cr 12,2)

2. “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu”: Con rắn không vô cớ trườn mình ra chỗ nguy hiểm, trái lại, nó khéo ẩn mình, và khi gặp nguy hiểm nó cũng khéo luồn lách; bồ câu thì không mưu mô, không màu mè giả dối…

3. “Chính Thánh thần nói trong các con”: Người tông đồ không cậy dựa vào lời nói và trí thông minh của mình nhưng vào ơn soi sáng của Chúa. Muốn thế họ phải luôn kết hợp với Chúa Thánh Thần.

4. Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trưòng có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu Thánh Giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy gọi em lên đứng giữa lớp và hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng, em chỉ cám ơn Chúa đã ban cho lương thực hàng ngày. Nghe vậy, thầy giáo ngục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì”. (Góp nhặt)

5. “Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền trí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).

Ai cũng khen tôi đi giầy cao gót đẹp, và tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng điều ấy không làm cái đau buốt đang cấu xé đôi chân giảm đi chút nào.

Hình như cái gì cũng có cái giá của nó.

Chúa Giêsu cũng ra giá cho những người muốn theo Ngài. Xem ra Ngài ra giá chẳng phải là nhà quảng cáo khéo léo khi đưa ra những cái khó khăn và mặt trái của vấn đề. Nhưng tôi lại thích lối trình bày ấy. Tôi thán phục tính chân thực và sự thẳng thắn trong lời của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã nói rất chân tình với con về lối mà Ngài mời con dẫn bước. Xin cho con biết trung thành với con đường đã chọn, bất chấp mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. (Hosanna)

 

Suy Niệm 10: Tin tưởng vào Chúa khi rao giảng

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng

Tin mừng: có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó:

Một mặt phải vừa đơn sơ phải vừa khôn ngoan.

Mặt khác phải đừng sợ: vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.

Chúa bảo phải “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16). Đơn sơ và hiền lành là điều Chúa rất ưa thích. Sự đơn sơ giúp người tông đồ dễ gần gũi với mọi người.

Quận công Philipphe d’Anjeau, sau khi lên ngôi hoàng đế của cường quốc Tây-Ban-Nha, đi kinh lý đến đâu cũng đều được thần dân tung hô vạn tuế vang trời dậy đất đến đó. Nhà vua vốn là người bình dân, ngoan đạo và khiêm tốn. Đã nhiều lần Ngài tỏ ra bực bội khi phải nghe những bài diễn văn chúc mừng quá dài dòng và quá văn hoa chải chuốt đến mức giả tạo, của những kẻ nịnh thần chỉ mong thủ lợi.

Một lần nọ, nhà vua đến thăm một họ đạo nhỏ nọ, cha sở đã tổ chức nghi thức nghênh đón ngài một cách đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng. Khi đức vua đến, cha tiến ra và đọc lời chào mừng thật giản dị và ngắn gọn:

“Tâu hoàng đế, thay cho những bài diễn văn chúc tụng như ở mọi nơi, tôi chỉ xin phép thay mặt toàn thể họ đạo để hát mừng ngài 2 câu thơ, nói đúng hơn, là một lời cầu nguyện với Thiên Chúa như sau:

“Nguyện xin Thiên Chúa độ trì,

Đức vua trường thọ trị vì muôn dân”

Nghe những lời như thế, nhà vua cảm thấy vui sướng vô cùng. Với một khuôn mặt rạng rỡ, ngài hô lên như truyền một mệnh lệnh: “Nào, hãy thêm một lần nữa!” Cha sở lập lại bài thơ một lần nữa, giọng ngân nga trầm bổng.

Sau đó, nhà vua liền gọi cận thần tùy tùng đến và ra lệnh trao cho họ đạo một món tiền thưởng lớn, để cho cha sở có thể dùng vào việc từ thiện bác ái giúp những người nghèo trong họ đạo.

Lần này thì đến lượt cha sở. Cha cũng kêu lên thật to: “Thêm một lần nữa chứ ạ!”

Thật hết sức thâm ý. Nhà vua tủm tỉm cười, và quyết định trao tặng thêm gấp đôi số tiền định ban cho toàn họ đạo. Một kết quả hết sức bất ngờ nhưng không phải là không có lý do.

2. Chúa còn căn dặn thêm “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (Mt 10,19).

Người tông đồ phải biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa “kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát (Mt 10,22). Niềm tin là điều không thể thiếu trong cuộc sống. “Không có niềm tin con người sẽ chẳng khác gì một chiếc máy bay không động cơ và không tài nào hướng lên Thiên Chúa được.”

Thánh Hiêrônimô nói: “Người nào không biết nhìn nhận Đấng tạo thành nó, kẻ đó chỉ là một con vật.”

Ngày nọ, ở Clervaux hết muối, vị tu trưởng - thánh Bernađô - gọi một thầy Guibert và bảo:

- Con hãy lấy con lừa (vì đây là con vật duy nhất mà tu viện còn sở hữu) và đi ra phố mua muối.

 - Xin cha cho con tiền để trả - Guibert nói.

- Con ơi - thánh Bernađô trả lời, - đã khá lâu cha không còn tiền, không còn vàng. Nhưng trên cao kia có Đấng giữ túi tiền và kho tàng của cha!

Nghe nói thế thầy Guibert suýt nữa phì cười, nhưng thầy không thể không lưu ý cha thánh điều này:

- Thưa cha nếu con đi với hai bàn tay trắng thì chắc chắn con cũng trở về với hai tay không.

- Đừng sợ con ạ, hãy tin tưởng. Đấng giữ kho báu của cha sẽ ở với con và người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để làm xong công tác.

Thầy Guibert cúi đầu nhận phúc lành từ tay vị tu viện trưởng và dẫn con lừa ra đi. Các mối nghi ngờ của thầy vẫn còn đó làm thầy lo lắng. Nhưng khi thầy sắp băng qua cửa thành thì có một vị linh mục đến gần và hỏi:

- Thầy từ đâu đến vậy và đi đâu vậy?

Thầy Guibert không do dự thú nhận sự túng thiếu tột cùng của tu viện cũng như chính sự bối rối hiện nay của thầy. Nghe xong vị linh mục rất cảm động, ngài dẫn thầy về nhà, cho thầy nửa thùng muối cộng thêm một số tiền là 30 xu (tương đương với 300 quan Pháp.)

Chúng ta hãy tưởng tượng xem niềm vui của thầy Guibert như thế nào. Thầy trở về lại tu viện và chỉ còn việc là phải kể lại câu chuyện đó cho cha bề trên biết ngay.

- Cha đã nói rõ với con, thánh Bernađô đáp, và cha lập lại với con điều đó: Đối với người Kitô hữu không có cái gì khác ngoài đức tin!

Mẹ Têrêsa nói: “Ðức Tin là Quà Tặng của Thiên Chúa”.

“Không có đức tin chúng ta không thể tin những gì bí ẩn và ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện”. Amen.
 

Take with you words… – SN The WAU 08.7.2022

 Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – July 2022

Friday July 8th 2022
Meditation: Hosea 14, 2-10

 

Take with you words, and return to the Lord. (Hosea 14:3)

Why return to the Lord? Because we are sinners and we need his salvation. Because in him we find compassion. Because he promises to heal our infidelity and loves us unconditionally. Ultimately, because he longs to cleanse us from our sins and draw us back to him.

But what words should we take with us? What words will give us a good hearing? They don’t have to be eloquent words. They don’t even have to be original words. In Mark’s Gospel, for instance, Jesus commends a scribe simply for repeating what Jesus himself has just said (12:34). There is wisdom in repeating the truth, and sometimes the truths that are easiest to speak have the deepest meaning.

Words are not costly. They don’t involve offerings, sacrifice, or service. But “inexpensive” words have great value in God’s eyes when they are spoken by a humble heart that knows its need for mercy. Think, for instance, of the Sacrament of Reconciliation. When we come to the Lord in Confession and use plain language to ask for his mercy, he pours out an immense amount of grace to forgive, heal, and restore.

Urging them to take words with them, the prophet Hosea told the Israelites to be straightforward in their dealings with the Lord. Likewise for us, we shouldn’t try to cover things up or gloss over our sins. We shouldn’t let pride block the truth. Instead, we should just go and tell the Lord, in our own words, what we have done. We should, in our own words, ask him to wash us clean.

Jesus wants to lift us up. He wants to receive us and cleanse us. He wants us to enjoy his presence and his grace. He knows that the only way for this to happen is if we confess our sins and ask the Lord for his mercy. The good news is that as soon as we do confess, we are forgiven. All the obstacles are removed, and God’s grace floods our hearts. Nothing compares with the feeling of freedom or the sense of relief and happiness that comes when we take words with us and seek the mercy of the Lord!

“Have mercy on me, O God, in your goodness; in the greatness of your compassion wipe out my offense” (Psalm 51:3).

Thứ Sáu tuần XIV Thường Niên
ngày 08.7.2022

Suy niệm: Hs 14, 2-10Hãy trở về với Chúa và mang theo lời cầu nguyện (Hs 14,3)

 

Tại sao phải trở lại với Chúa? Bởi vì chúng ta là tội nhân và chúng ta cần sự cứu rỗi của Ngài. Bởi vì ở Ngài, chúng ta tìm thấy lòng trắc ẩn. Vì Ngài hứa sẽ hàn gắn sự không bất trung của chúng ta và yêu thương chúng ta vô điều kiện. Cuối cùng, bởi vì Ngài khao khát được tẩy sạch tội lỗi của chúng ta và lôi kéo chúng ta trở lại với Ngài.

Nhưng chúng ta nên mang theo những lời lẽ nào? Những lời lẽ nào sẽ cho chúng ta dễ nghe? Chúng không cần phải là những lời hùng hồn. Chúng thậm chí không cần phải là những từ độc đáo. Chẳng hạn, trong Tin mừng của Máccô, Chúa Giêsu khen ngợi một kinh sư đơn giản là đã lặp lại những gì chính Chúa Giêsu vừa nói (12,34). Cần có sự khôn ngoan trong việc lặp lại sự thật, và đôi khi những sự thật dễ nói nhất lại có ý nghĩa sâu sắc nhất.

Lời nói không mất tiền mua. Chúng không liên quan đến lễ vật, hy sinh hoặc phục vụ. Nhưng những từ “rẻ tiền” có giá trị lớn trong mắt Thiên Chúa khi chúng được nói ra bởi một tấm lòng khiêm nhường biết rằng mình cần phải có lòng thương xót. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến Bí tích Hòa giải. Khi chúng ta đến với Chúa trong sự xưng tội và sử dụng ngôn ngữ giản dị để cầu xin lòng thương xót của Ngài, thì Ngài sẽ ban vô số ân sủng để tha thứ, chữa lành và phục hồi.

Thúc giục họ mang theo lời với mình, tiên tri Hôsê bảo dân Israel phải thẳng thắn trong sự tiếp xúc với Chúa. Tương tự như vậy đối với chúng ta, chúng ta không nên cố gắng che đậy mọi thứ hoặc che đậy tội lỗi của mình. Chúng ta không nên để niềm kiêu hãnh cản trở sự thật. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên đi và nói với Chúa, bằng lời riêng của chúng ta, những gì chúng ta đã làm. Theo cách nói của mình, chúng ta nên cầu xin Ngài thanh tẩy chúng ta.

Chúa Giêsu muốn nâng chúng ta lên. Ngài muốn tiếp nhận chúng ta và thanh tẩy chúng ta. Ngài muốn chúng ta tận hưởng sự hiện diện và ân sủng của Ngài. Ngài biết rằng cách duy nhất để điều này xảy ra là nếu chúng ta thú nhận tội lỗi của mình và cầu xin Chúa thương xót. Tin mừng là ngay sau khi chúng ta thú nhận, chúng ta đã được tha thứ. Tất cả những chướng ngại đều được loại bỏ, và ân sủng của Thiên Chúa tràn ngập lòng chúng ta. Không gì sánh được với cảm giác tự do hay cảm giác nhẹ nhõm và hạnh phúc có được khi chúng ta cất lời và tìm kiếm lòng thương xót của Chúa! 

Ôi Thiên Chúa, xin thương xót con theo lòng nhân hậu Chúa; theo lòng từ bi cao cả của Chúa, và xin tha thứ tội lỗi con” (Tv 51,3).

* * *
Mt 10, 16-23
Này, Thầy sai anh em (Mt 10,16)
 

Bạn có cảm thấy hơi bị đe dọa bởi những lời của Chúa Giêsu rằng Ngài đang sai bạn đi truyền giáo không? Có thể bạn nghi ngờ rằng bạn chưa đủ thánh thiện. Hoặc chưa đủ kỹ năng. Hoặc là chưa đủ tốt. Nếu vậy, hãy thử nhìn việc “được sai đi” từ một góc độ khác.

Hãy nghĩ về việc gửi một lá thư qua đường bưu điện. Khi bạn gửi một lá thư cho một người bạn, bạn cố gắng làm cho nó có vẻ trang nhã. Bạn chọn một tờ giấy đẹp, một phong bì sạch sẽ và sử dụng tay nghề tốt nhất của bạn. Bạn cố gắng chọn những từ phù hợp. Nhưng bạn nhận ra rằng “mấu chốt” thực sự của việc gửi thư là con tem gắn trên phong bì. Nếu có một từ sai chính tả hoặc giấy bị cong góc, bạn đừng lo lắng về điều đó; bức thư vẫn sẽ được chuyển đến chừng nào nó còn có tem. Bạn tin tưởng bạn mình sẽ nhận được nó và đánh giá cao cử chỉ đó.

Được Chúa Giêsu sai đi không phải là điều quá khác biệt. Chúng ta giống như những lá thư được Thiên Chúa gửi đi. Mỗi lời nói khích lệ và hành động quan tâm của chúng ta có thể truyền đạt tình yêu thương của Thiên Chúa đến những người xung quanh chúng ta. Trên thực tế, thánh Phaolô đã gọi thư gởi cho giáo đoàn Côrintô là “một bức thư của Đức Kitô…, được viết…trên những tâm hồn bằng thịt” (2Cor 3,3). Vì vậy, tất nhiên bạn sẽ muốn làm cho bức thư của mình trở thành bức thư hay nhất có thể. Tất nhiên, bạn sẽ muốn sống theo cách phản ánh lòng nhân hậu của Thiên Chúa và nói những lời nâng cao tâm hồn của mọi người. Nhưng bạn cũng biết rằng công việc truyền giáo thực sự không chỉ dựa vào kỹ năng hoặc nỗ lực của bạn. Bạn cần dấu ấn ân sủng của Thiên Chúa.

Vâng, Chúa kêu gọi chúng ta phải khôn ngoan. Vâng, được sai đi đòi hỏi thời gian và nỗ lực của chúng ta. Nhưng hãy nhớ: lời kêu gọi truyền giáo phụ thuộc vào hai điều: dấu ấn ân sủng của Thiên Chúa và bức thư của cuộc đời bạn. Đừng giảm giá ân sủng! Đừng quên rằng Thiên Chúa muốn lời của Ngài được truyền ra. Đừng quên rằng Ngài muốn giúp bạn đem lại hiệu quả nhất có thể.

Vì vậy, hãy tiếp tục nói những lời hy vọng và thực hiện những hành động tốt lành. Nhưng bạn cũng nên biết rằng đó không chỉ là về bạn. Nó cũng nói về Đấng sai bạn đến, Thiên Chúa đã đóng ấn bạn bằng ân sủng của Ngài. Ngài biết về những vết bẩn và góc cong của bạn, nhưng Ngài vẫn sai bạn đi vì Ngài tin tưởng vào quyền lực của con tem mà Ngài đã gắn vào cuộc sống của bạn.

Lạy Chúa, này con đây. Xin hãy sai con đi.​​​​​​​

Sheep in the midst of wolves – SN song ngữ ngày 08.7.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Friday (July 8)

Sheep in the midst of wolves – wise and innocent

Scripture:  Matthew 10:16-23

16 “Behold, I send you out as sheep in the midst of wolves; so be wise as serpents and innocent as doves. 17 Beware of men; for they will deliver you up to councils, and flog you in their synagogues, 18 and you will be dragged before governors and kings for my sake, to bear testimony before them and the Gentiles. 19 When they deliver you up, do not be anxious how you are to speak or what you are to say; for what you are to say will be given to you in that hour; 20 for it is not you who speak, but the Spirit of your Father speaking through you. 21 Brother will deliver up brother to death, and the father his child, and children will rise against parents and have them put to death; 22 and you will be hated by all for my name’s sake. But he who endures to the end will be saved. 23 When they persecute you in one town, flee to the next; for truly, I say to you, you will not have gone through all the towns of Israel, before the Son of man comes.

Thứ Sáu ngày 08.7.2022

 

Chiên giữa bầy sói – khôn ngoan và trong trắng

Mt 10,16-23 

16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.

Meditation: What does Jesus mean when he says his disciples must be sheep in the midst of wolves (Matthew 10:16)? The prophet Isaiah foretold a time when wolves and lambs will dwell in peace (Isaiah 11:6 and 65:25). This Old Testament prophecy certainly refers to the second coming of Christ when all will be united under the Lordship of Jesus after he has put down his enemies and established the reign of God over the heavens and the earth (Ephesians 1:10 and Revelation 11:15). In the meantime, the disciples must expect opposition and persecution from those who oppose the Gospel and the coming of God’s kingdom.

 

The readiness to serve and face hardship for Christ and his kingdom

Jesus never hesitated to tell his disciples what they might expect if they chose to follow him. Here Jesus says to his disciples: This is my task for you at its grimmest and worst – do you accept it? This is not the world’s way of recruitment for service and toil with promise of honor and reward. After the British defeat at Dunkirk (June 1940), Churchill offered his country blood, toil, sweat, and tears.

This is not the message we prefer to hear when the Lord Jesus commissions us in his service for the advancement of God’s kingdom and the battle against Satan’s kingdom of darkness and death. Nonetheless, our privilege is to follow in the footsteps of the Lord and Master who willingly laid down his life for us in order to bring us victory over Satan, sin, and death. Are you willing to accept hardship and suffering in serving the Lord Jesus Christ?

“Lord Jesus, help me to patiently and joyfully accept the hardships, adversities, and persecution which come my way in serving you and your kingdom of love, truth,and goodness. Strengthen my faith and give me courage that I may not shrink back from doing your will.”

Suy niệm: Ðức Giêsu có ý muốn nói gì khi Người nói các môn đệ phải như chiên giữa bầy sói (Mt 10,16)? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời gian khi sói và chiên sống trong hòa bình (Is 11,6- 65,25). Lời tiên báo trong Cựu ước này chắc chắn có ý nói đến việc Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai khi tất cả sẽ quy tụ dưới vương quyền của Ðức Giêsu, sau khi Người hạ bệ các kẻ thù của mình xuống và thiết lập vương quốc của Thiên Chúa cả trên trời dưới đất (Eph 1,10 và Kh 11,15). Đồng thời, các môn đệ phải mong đợi sự chống đối và ngược đãi từ những kẻ chống lại Tin mừng và việc nước Thiên Chúa sẽ đến.

Sự sẵn sàng phục vụ và đối diện với khó khăn vì Đức Giêsu và vương quốc của Người

Ðức Giêsu không bao giờ ngần ngại để nói với các môn đệ những gì họ có thể mong đợi nếu họ đi theo Người. Ở đây, Ðức Giêsu muốn nói với các môn đệ: Đây là công việc của Ta dành cho anh em ở sự ác nghiệt và tệ hại nhất; anh em có đón nhận nó không? Đây không phải là đường lối của thế gian khi đưa ra một công việc. Sau cuộc thất bại ở Dunkirk, Churchill mang lại cho đất nước của ông: máu me, công việc nặng nhọc, mồ hôi, và nước mắt.

Đây không phải là sứ điệp chúng ta muốn nghe khi Chúa Giêsu ủy thác chúng ta trong việc phụng sự Người cho sự tiến triển vương quốc của Thiên Chúa và cho trận chiến chống lại vương quốc đen tối và chết chóc của Satan. Tuy nhiên, đặc ân của chúng ta là bước theo những bước chân của Chúa và của Thầy, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta để đem lại cho chúng ta chiến thắng trên Satan, tội lỗi, và sự chết. Bạn có sẵn sàng đón nhận khó nhọc và đau khổ trong việc phụng sự Chúa Giêsu Kitô không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên nhẫn và vui mừng đón nhận những khó nhọc, nghịch cảnh, và ngược đãi, xảy đến với con trên con đường phụng sự Chúa và vương quốc tình yêu, sự thật, và tốt lành của Chúa. Xin thêm sức cho niềm tin của con, và ban cho con can đảm, để con không lùi bước trước việc thực thi ý Chúa.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây