GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Sáu tuần 30 thường niên.

XXX t6 6 768x364

XXX t6 6 768x364

Thứ Sáu tuần 30 thường niên.

"Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?"

 

Lời Chúa: Lc 14, 1-6

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: "Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?" Các ông ấy làm thinh.

Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: "Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?" Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.

 

Suy niệm 1: Chữa khỏi và cho về

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,

người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.

Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.

Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.

Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).

Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng

vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).

Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).

Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.

Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?

Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?

Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).

Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.

Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.

Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.

”Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không?” (c. 3).

Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.

Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.

Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).

Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.

Không có lời nói nào kèm theo.

Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.

Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát

bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).

” Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,

các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”

Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,

vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.

Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.

Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,

nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.

Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.

Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.

Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.

Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.

Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.

Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ

nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.

Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.

Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.

Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,

có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.

Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,

và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

Suy niệm 2: Con người hay con bò

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có những ý thức hệ phi nhân coi con người như dụng cụ. Cũng có những tôn giáo phi nhân chà đạp con người. Hôm nay Chúa Giê-su hỏi một câu mà người Pha-ri-sêu không thể trả lời. Câu hỏi thật nghịch lý nhưng đầy đau xót. Con người hay con bò? “Ai trong các ông có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?’ Và họ không thể đáp lại những lời đó”. Vậy mà con người bị sa xuống hố tử thần lại không được họ cứu trong ngày sa-bát. Trong khi con bò thì họ cứu ngay. Kinh Tin Kính tuyên xưng: Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta Người đã từ trời xuống thế. Chúa coi con người là quan trọng. Đến nỗi ban chính Con Một mình để cứu chúng ta. Vậy mà con người lại coi thường con người. Lãng quên con người. Thậm chí lạnh lùng vô cảm trước đau khổ của đồng loại.

Đạo Chúa phải noi gương Chúa. Quan tâm yêu thương con người. Đó là điều thánh Phao-lô hằng canh cánh bên lòng. Nên một với Chúa Ki-tô, thánh nhân luôn mang nhân loại trong trái tim. Vui mừng khi họ có đức tin và tiến bộ trong lòng mến. Thánh nhân tâm sự về tình yêu thương của mình dành cho giáo dân Phi-líp-phê: “Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su” (năm chẵn).

Cũng với tình thương cứu độ đó, thánh nhân buồn phiền khi nhân loại xa lìa Chúa. Ngài yêu thương đồng loại đến sẵn sàng chịu đau khổ để họ được ơn cứu độ. “Thưa anh em, có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng”. Ngài đã nên một với Đức Ki-tô. Sẵn lòng chịu đau khổ thiệt thòi cho anh em đồng loại được hạnh phúc. Đó là đạo thật. Đạo vì con người. Không phải vì lợi lộc vật chất. Không phải vì lề luật. Càng không phải vì bản thân (năm lẻ).

Tôi đang sống đạo thế nào? Có noi gương Chúa Giê-su và thánh Phao-lô để sống vì con người, vì hạnh phúc của con người không? Hay tôi đang biến đạo thành cơ chế tàn nhẫn trói buộc con người? Tệ hơn nữa, coi của cải và bản thân hơn ơn cứu độ của anh em?

 

Suy niệm 3: Linh Hồn Của Lề Luật

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel".

Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Biệt phái thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Biệt phái, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người, đó là một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác. Khi con người không có một trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Ðối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu.

Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội. Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Ðạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi. Là môn đệ của Ðấng đã chết trên Thập giá để nêu gương yêu thương cho chúng ta, xin cho chúng ta ý thức rằng cốt lõi của đạo là giới răn yêu thương mà Ngài đã để lại cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Quyết Tâm Chiến Thắng

Một trong những lực sĩ được chú ý trong kỳ thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vào tháng 10 năm 2000 là anh Gabriel, vận động viên bơi lội duy nhất của Chilê. Sinh ra chỉ với một chân và lại là một chân không bình thường, còn hai cánh tay thì cụt gần sát nách, vậy mà trong hồ bơi anh sải người lướt tới trong nước chẳng khác nào bất cứ một vận động viên bình thường nào. Tuy không đạt được một huy chương nào nhưng ý chí phấn đấu của người lực sĩ tàn tật ba mươi hai tuổi này đã biến anh thành một ngôi sao sáng chiếm lĩnh được sự ngưỡng mộ, khâm phục và nhất là lòng quí mến của khán giả.

Trong một lá thư gởi cho khán giả, anh đã nói đến ý chí phấn đấu của mình. Sinh ra trong một gia đình đông con, lại tàn tật, Gabriel đã vượt qua được mọi giới hạn để thành đạt. Hiện nay, anh làm kế toán viên trong một công ty. Thời gian nhàn rỗi anh đi bơi. Qua anh, người ta thấy được chiến thắng của sự quyết tâm của con người. Nhưng Gabriel không chỉ nói đến chiến thắng của sự quyết tâm, anh còn đề cao sự nâng đỡ mà những người chung quanh dành cho anh. Trong lá thư gửi cho khán giả, anh viết như sau:

"Tôi đến đây với niềm hy vọng và với chút tham vọng là đạt được một huy chương. Tôi quả tình mong muốn điều đó. Nhưng tình yêu mà quí vị dành cho tôi làm cho tôi cũng cảm thấy như đã đạt được chiến thắng rồi. Tôi sẽ mãi mãi trân trọng tình yêu của quí vị. Nếu có một thiên đàng thì thiên đàng chính là nơi đây".

Tâm tình trên đây của một người lực sĩ khuyết tật cũng có thể là tâm tình của bất cứ một kẻ bị đẩy ra bên lề của xã hội hay một tâm tình đau khổ nào, khi họ gặp được một sự nâng đỡ, một lời nói an ủi, một cử chỉ thương mến, hay bất cứ một sự tôn trọng nào dành cho họ.

Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta bắt gặp cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu. Ngài vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để tìm đến với những người tàn tật và bất cứ ai đang gặp đau khổ trong thể xác và tâm hồn. Những người biệt phái và luật sĩ đã đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào để đẩy những con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu đến để qui tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp đổ mọi thứ rào cản của cuộc sống. Có mặt trong những bữa tiệc linh đình của những người biệt phái giàu sang, Ngài cũng không ngần ngại ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những người bị xã hội gán cho nhãn hiệu là hạng người bất chính, ngay cả những cô gái điếm.

Là trái tim của một Thiên Chúa nhân từ, là tình yêu nhập thể, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu với tất cả mọi người trong xã hội. Nhưng một cách đặc biệt, Ngài dành ưu ái cho những người khốn khổ, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Chữa bệnh cho một người bị mắc bệnh phù thủng trong nhà một người biệt phái và ngay trong ngày sabát, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các biệt phái rằng chỉ có một luật duy nhất tóm kết mọi thứ Lề Luật, luật ấy chính là luật yêu thương.

Một lần nữa, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở các tín hữu Kitô chúng ta về cốt lõi của đạo là Tình Thương. Trong bài ca bác ái được ghi lại trong đoạn 13 của thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã khẳng định:

"Giá như tôi có đem hết gia tài mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để bị thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".

Ước gì bất cứ ai chúng ta gặp gỡ trong ngày hôm nay, nhất là những người cần sự giúp đỡ, đều tìm được thiên đàng của cuộc sống qua tình yêu của các tín hữu Kitô chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Tình yêu trên mọi lề luật

Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa bát hay không? Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.” (Lc. 14, 3-4)

Ngày Sa-bát là ngày người ta mời bạn bè thân quen đến dùng bữa. Đức Giêsu lợi dụng những dịp này để dạy tinh thần giữ luật Sa-bát cho những biệt phái và chuyên gia về luật. Trước sự khước từ trả lời câu hỏi của Đức Giêsu. Người đã chữa người phù thũng để cho các tiến sĩ luật hiểu rằng ngày Sa-bát được đặt ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát, Đức Giêsu nhiều lần chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Bây giờ Người vẫn tự do chữa bệnh như vậy. Trên đường Người đi chịu khổ nạn để cho người ta thấy rõ rằng ngày Sa-bát phải lo cứu giúp mọi người khốn khổ.

Chữa bệnh là giải thoát

“Họ cố dò xét Người” để xem Người xưng mình là Con Thiên Chúa, có giữ đầy đủ luật thánh ngày Sa-bát không. Và kìa một người phù thũng, không được mời xuất hiện trước mặt Đức Giêsu. Do tình cờ hay cố ý? Đức Giêsu không sợ mắc bẫy. Trái lại, Người biết người ta coi bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Chữa khỏi bệnh chính là giải thoát khỏi bệnh và tội lỗi một trật và như vậy chữa bệnh là lý do rất chí lý để ca tụng và tôn thờ Thiên Chúa trong ngày Sa-bát.

Trước hàng rào con mắt rình dò Đức Giêsu không làm Người thất đảm, Người hỏi các nhà thông luật và những người biệt phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sa-bát hay không?”. Người biết rõ câu trả lời và sự im lặng của các người khách đó.

Theo thái độ của họ, Đức Giêsu tỏ cho họ thấy tình yêu và quyền phép của Thiên Chúa. “Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Một kinh nghiệm quý báu cho họ, nhưng họ vẫn cố chấp không hiểu gì về tình yêu và quyền phép Thiên Chúa.

Ngày Sa-bát là ngày giải thoát

Để mở trí thông minh cho họ, Đức Giêsu đã đặt một câu hỏi để làm cho họ phải suy nghĩ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa-bát?”. Vậy ngày Sa-bát sao không được kéo người đau ra khỏi hố sâu của bệnh tật? Thiên Chúa yêu thương con cái của Ngài, và đặc biệt hơn nữa đối với người tội lỗi và đau khổ. Cho nên ngày của Chúa là ngày giải thoát họ khỏi mọi xiềng xích tội lỗi và bệnh tật, đó là ngày tốt nhất đối với Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu của Ngài. Những ông khách đó đã không thể trả lời vì họ không nhận: Tình yêu trên mọi lề luật. Họ chỉ nhận luật lệ trên tình yêu và lòng thương xót.

RC

 

Suy niệm 6: Luật phải được chi phối bởi tình yêu

Có một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại... bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối! Còn cô gái thì sợ hãi tột cùng. Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai... cô gái đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và thán phục, tôn trọng với chàng trai tốt bụng đã giúp đỡ mình thoát nạn. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng lên xe của chính cô và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng... Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính là một tên lừa siêu hạng!

Hôm nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào ngày Sabát, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.

Khởi đi từ câu hỏi: "Trong ngày Sabát, có được phép chữa bệnh không?", tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: "Trong ngày Sabát, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?". Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh  nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.

Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt mà thôi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý... như những người Luật Sĩ khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình thương...

Lạy Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con mà thôi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Tình yêu phải là trọng tâm của đời sống

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người. Vì thế, giá trị nhân bản phải được đặt lên trên. Tình yêu phải là trọng tâm của đời sống chúng ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, con rất ngạc nhiên trước thái độ của các người luật sĩ và biệt phái: họ không đành lòng để con bò của mình dưới đáy giếng sâu trong ngày Sabát, nhưng họ lại dửng dưng nhìn nỗi đau khổ của người mắc bệnh thủy thũng, và họ phản đối vì Chúa chữa bệnh cho người ấy trong ngày Sabát. Họ coi trọng việc giữ luật ngày Sabát nhưng lại coi nhẹ một con người.

Lạy Chúa, ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi, nhưng ngày ấy cũng là ngày Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu yêu thương, là ngày cứu độ. Ngày đó hơn những ngày khác, cần phải làm phúc và chữa lành. Đó là ngày Thiên Chúa tỏ lòng thương xót những ai nghèo khổ bất hạnh và tha thứ cho các tội nhân.

Cuộc sống của con hôm nay đan kết bằng những ngày làm việc và những ngày lễ nghỉ. Nhưng dù là ngày nào, con cũng vẫn phải yêu thương con người và làm việc bác ái. Bởi vì từ ngày Chúa sống trong trần thế, Chúa đã mặc cho thời gian một ý nghĩa mới, và từ ngày Chúa phục sinh, Chúa đã thánh hóa thời gian của các tín hữu. Xin Chúa giúp con luôn biết quan tâm đến mọi anh chị em, đặc biệt luôn biết chia sẻ nỗi đau của người khác, để mỗi ngày con biết thực hiện việc yêu thương cụ thể, hầu giảm bớt nỗi khổ cho những người bất hạnh và làm vơi đi u sầu của kẻ buồn đau. Xin Chúa giúp con làm cho những ngày sống của con mang đầy ý nghĩa bằng cách luôn sống tình thương yêu. Amen.

Ghi nhớ: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”

 

Suy niệm 8: Ngày Sabát làm việc lành để thể hiện tình thương

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Cha Murray đang đi trên một phố vắng vào lúc đêm khuya để mang Mình Chúa cho một bệnh nhân sắp chết. Khi đi tới một góc phố vắng, bỗng một tên cướp nhảy xổ ra chĩa súng về phía cha ra lệnh: “Đứng lại! Mau nộp tiền ra đây, nếu không tao bắn chết!”.

Cha Murray sợ hãi vội vàng mở nút chiếc áo khoác đang mặc và lấy ra một chiếc ví. Tên cướp trông thấy chiếc áo đen của giáo sĩ bên trong áo khoác, trên cổ có “côn” màu trắng, thì biết là linh mục. Hắn lập tức dịu dọng và ấp úng nói: “Thưa cha, con rất tiếc vì con không biết là cha. Con thành thật xin lỗi cha. Xin cha vui lòng cất tiền đi”.

Bây giờ cha Murray mới hoàn hồn trở lại. Ngài móc trong túi ra một gói thuốc lá và mời hắn một điếu! Nhưng thật bất ngờ! Tên cướp xua tay từ chối với lời giải thích như sau: “Xin cám ơn cha, con đã dốc lòng chừa bỏ thói hút thuốc lá trong Mùa Chay này.

Ăn chay nhưng lại đi ăn cướp...

Suy niệm

Người biệt phái dù giữ nghiêm ngặt luật ngày Sabát: Không được làm việc gì, nhưng họ vẫn cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày Sabát (x. Lc 14,5) hay dẫn bò, lừa đi uống nước...

Như thế, trong ngày Sabát họ tự cho phép cứu, nuôi dưỡng con vật, trong lúc họ lại soi mói, công kích Ðức Giêsu vì đã chữa bệnh cho một người bị mắc bệnh phù thũng trong nhà một người biệt phái vào ngày Sabát.

Người biệt phái và luật sĩ đã đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào để đẩy những con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Trong lúc Chúa Giêsu đến để quy tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp phá mọi thứ rào cản của cuộc sống.

Qua hành động chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabát, Chúa Giêsu vượt qua mọi rào cản, biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người, đặc biệt là người khốn khổ. Qua đó, Ngài thổi tình yêu vào Lề Luật: Ngày Sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các biệt phái rằng chỉ có một luật duy nhất tóm kết mọi thứ Lề Luật, luật ấy chính là luật yêu thương.

Xin cho chúng ta giữ luật Chúa và nó phải được mang trong một trái tim ngập tình yêu thương như Chúa Giêsu thể hiện tình yêu với tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người tàn tật, đau khổ trong thể xác và tâm hồn...

Ý lực sống

“Giá như tôi có đem hết gia tài mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để bị thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

 

Suy niệm 9: Chúa chữa người bị bệnh phù thũng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Giữa Đức Giêsu và người luật sĩ cũng như biệt phái luôn có sự căng thẳng khẩn trương, họ chỉ tìm cách soi mói, bắt bẻ để kết án Ngài. Đức Giêsu đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Họ không biết cảm thông với người xấu số. Họ dựa vào luật Thiên Chúa để lên án trách móc người khác. Nhưng Đức Giêsu cho họ thấy rằng: luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người. Khi Đức Giêsu hỏi họ ngày Sabbat có được phép chữa bệnh không thì họ không trả lời được.

Tin mừng cho biết, có 7 lần Đức Giêsu chữa bệnh ngày Sabát, riêng Luca kể lại 4 lần và bị các người biệt phái kết án. Hôm nay Đức Giêsu chữa cho người bị bệnh phù thũng, và Ngài khởi đầu bằng câu hỏi: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabat ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những luật sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón tay mà lay thử.

Một lần nữa, trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp cử chỉ quen thuộc của Đức Giêsu. Ngài vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để tìm đến với những người tàn tật và bất cứ ai đang gặp đau khổ trong thể xác hay tâm hồn. Những người biệt phái và luật sĩ đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào, để đẩy con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Đức Giêsu đến quy tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp đổ mọi thứ rào cản của cuộc sống. Có mặt trong những bữa tiệc linh đình của những người biệt phái giàu sang, Ngài cũng không ngần ngại ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những người bị xã hội gán cho nhãn hiệu là hạng người bất chính, ngay cả những cô gái điếm (Mỗi ngày một tin vui).

Các luật sĩ và biệt phái là những người có thể hiểu được hành động của Chúa, nhưng vì nô lệ cho những luật lệ do chính họ đặt ra, nên họ không thể trả lời câu hỏi của Chúa: “Có được phép chữa bệnh trong ngày hưu lễ hay không?” Trong Tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã quả quyết giáo lý của Ngài: “Con người được phép làm điều thiện trong ngày hưu lễ, đó là định luật của yêu thương. Thực hiện tình yêu thương, phục vụ tha nhân không bao giờ là điều nghịch lại luật Chúa. Các luật sĩ và biệt phái đã bận tâm lo lắng đến lề luật được tuân giữ, nhưng họ lại quên tinh thần của lề luật là tình yêu thương.

Hai chú gấu con thấy một miếng pho mát lớn, nhưng không biết cách chia thành hai phần đều nhau. Một con cáo già đi tới và tự nguyện làm trong tài để chia. Nó có ý bẻ miếng phó mát thành hai phần không đều nhau, rồi cắn miếng to một cái, miếng to thành miếng nhỏ. Nó liên cắn miếng kia một cái, miếng nhỏ lại thành miếng to. Hai miếng pho mát vẫn không bằng nhau. Cứ thế, nó hết cắn miếng này rồi miếng kia cho tới lúc hai miếng phó mát chỉ còn là hai mẩu bé xíu. Lúc ấy, nó mới chia thành hai phần bằng nhau và đưa cho hai chú gấu.

Con cáo già đã ngụy trang hành động xấu xa của mình bằng một nghĩa cử cao đẹp. Nhóm biệt phái cũng vậy. Họ có lối sống thiếu bác ái và giả hình, nhưng lại che đậy bằng việc giữ luật ngày Sabat hết sức nghiêm ngặt.

Theo luật ngày Sabat, Đức Giêsu không được chữa bệnh trong ngày đó. Thế nhưng, vì tình thương, Ngài đã chữa lành bệnh cho một người mắc bệnh phù thũng. Qua đó, Ngài muốn dạy những kẻ giữ luật hình thức rằng: nếu không có bác ái, thì mọi việc làm, kể cả việc tuân giữ lề luật, sẽ trở thành sự giả hình và gian dối (Học viện Đa Minh).

Chúng ta cần có một trái tim biết yêu thương, để biết rung động trước khổ đau của người khác. Khi chúng ta không có một trái tim, thì chúng ta sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.

Truyện: Một cái nhìn khô cứng

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà hắn còn tuyên bố: - Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.

Chính thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan toà đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho con người hiện nay.

 

Suy niệm 10: Luật lệ phải đi kèm tình yêu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Lại một lần nữa, Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat và bị các người Pharisêu kết án. Khi Chúa đặt câu hỏi: “Trong ngày Sabat có được phép chữa bệnh không?” (Lc 14,3), họ đã không trả lời được.

Tin Mừng cho biết, có bảy lần Chúa đã chữa bệnh trong ngày Sabat như vậy. Theo Luca thì có những lần sau:

- Chữa cho mẹ vợ ông Phêrô (Lc 4,38);

- Chúa chữa cho người teo tay (Lc 6,6);

- Chúa chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13,14).

Rồi Gioan thêm vào câu chuyện:

- Chúa chữa người bại tại hồ Bêtsaiđa (Ga 5,9).

Marcô còn cho biết:

- Chúa cũng chữa người bị quỉ ám tại hội đường thành Capharnaum (Mc 1,21).

- Và hôm nay Chúa chữa người mắc bệnh phù thũng.

Chắc ai cũng nghĩ rằng, như vậy mọi người sẽ yêu mến Chúa hơn, nhưng thật đáng buồn là mỗi phép lạ chữa bệnh mà Chúa làm trong ngày Sabat không những đã không làm cho người ta yêu mến Chúa mà còn làm cớ cho các thầy thông luật và người Pharisêu, những người Do Thái chính thống càng ngày càng trở thành những người đối đầu với Chúa một cách quyết liệt hơn.

2. Vị thủ lãnh Pharisêu mời Ngài đến dùng bữa tại nhà ông hôm nay, là một người giữ luật đạo rất kỹ nhưng lại hoàn toàn thiếu tình người: mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng lại cố ý dò xét để bắt lỗi Ngài; thấy người bị bệnh phù thũng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu.

Một người giữ luật chín chắn như vậy mà còn có thể trở thành phi nhân như thế, thì thử hỏi những người khác không biết sẽ còn phi nhân đến mức nào! Vâng! Luật mà không có tình thì sẽ như vậy. Đây là một lời cảnh cáo cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta biết, đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu và các người Pharisêu bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày Sabat. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng, họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức vậy mà họ lại có thể mù quáng và ngoan cố đến như vậy!

3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người Pharisêu để chữa lành cho người phù thũng trong ngày Sabat, cho thấy rằng, đối với Ngài, con người là ưu tiên số một. Luật lệ, ngay cả luật ngày hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người (“Mỗi ngày một tin vui”).

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do Thái, ông Y. Rabbin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những anh ta không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà ngược lại, anh còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Pharisêu thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Pharisêu, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người có một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác.

Khi con người không trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác, lúc đó không biết họ còn là người nữa hay không hay đã trở thành vô cảm như như gỗ như đá.

Bởi vậy, giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương.

Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội.

Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người.

Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Đạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi.

 

Suy niệm 11: Giữ luật ngày sabát

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Thêm một trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh ngày sabát và bị các người biệt phái kết án. Nhưng các ông không trả lời được khi Ngài hỏi “Trong ngày sabát có được phép chữa bệnh không?”.

B.... nẩy mầm.

1. Vị thủ lãnh biệt phái này giữ luật đạo rất kỹ nhưng hoàn toàn thiếu tình người: mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng cố ý dòm xét để bắt lỗi Ngài; thấy người bị bệnh thuỷ thủng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu. Một người giữ luật chín chắn như thế mà có thể trở thành phi nhân như thế sao! Luật mà không có tình thì sẽ như thế đấy. Đây là một lời cảnh cáo cho chính tôi.

2. Đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu và các người biệt phái bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày sabát. Và đây cũng không phải lần đầu Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức có thể mù quáng đến ngoan ố như vậy đó.

3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người biệt phái để chữa lành cho người thuỷ thũng trong ngày sabát cho thấy rằng đối với Ngài, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người ("Mỗi ngày một tin vui")

4. Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tội Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. ("Mỗi ngày một tin vui")
 

Họ dò xét Đức Giêsu – SN song ngữ ngày 29.10.2021

 

 

Friday (October 29)

“They were watching Jesus”

Scripture: Luke 14:1-6  

1 One Sabbath when he went to dine at the house of a ruler who belonged to the Pharisees, they were watching him. 2 And behold, there was a man before him who had dropsy. 3 And Jesus spoke to the lawyers and Pharisees, saying, “Is it lawful to heal on the Sabbath, or not?” 4 But they were silent. Then he took him and healed him, and let him go. 5 And he said to them, “Which of you, having a son or an ox that has fallen into a well, will not immediately pull him out on a Sabbath day?” 6 And they could not reply to this.

 

Thứ Sáu     29-10          

Họ dò xét Đức Giêsu

Lc 14,1-6

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? “4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? “6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

Meditation: How do you approach the commandment to observe the sabbath as a day of rest to honor the Lord? The Pharisees were convinced that Jesus was a reckless Sabbath-breaker. The Gospels record seven incidents in which Jesus healed people on the Sabbath – the seventh day of the week set apart for rest and the worship of God. You would think Jesus’ miracles on the Sabbath day of rest would draw admiration and gratitude from all. Unfortunately, each incident seemed to incite increasing hostility from the religious leaders who held an interpretation that went beyond God’s intention for the Sabbath day of rest. They were certain that Jesus was a dangerous and irreligious man, a Sabbath-breaker, who must be stopped at all costs! 

Is it ever lawful to refuse your neighbor in need?

Why did the Pharisees invite Jesus to dinner on the Sabbath, after he had already repeatedly broken their Sabbath regulations? Luke, a physician and keen observer of the human condition, notes the disposition of the Pharisees as they bring Jesus into their table fellowship. Body language often communicates more truthfully than words. Luke says the scribes and Pharisees were watching Jesus, no doubt with great suspicion. They wanted to catch Jesus in the act of breaking the Sabbath ritual so they might accuse him of breaking God’s law and find some way to discredit him. Jesus’ attention and affection quickly turned to a person who had a physical ailment called dropsy. How did such a pitiable person get into this dinner party? In the hot arid climate of Palestine, homes were open and people freely dropped in without much fuss or attention. For the religious minded it was considered uncharitable to exclude beggars. And if a rabbi came to dinner, it would be expected for him to speak a few words. So, famous rabbis obviously drew crowds of bystanders wherever they went.

 

 

God’s work of love and mercy never rests

Jesus already knew that his hosts wanted to catch him in the act of breaking their Sabbath rituals. So when Jesus gave his defense for healing on the Sabbath, they treated him with cold silence. They were ensnared in their own legalism and could not understand or see the purpose of God in allowing a work of healing to take precedence over rest. Why did God give the commandment to keep holy the Sabbath and enjoined his people to refrain from work on that day? The “Sabbath rest” was meant to be a time to remember and celebrate God’s goodness and the goodness of his works, both in creation and redemption. It was a day set apart for the praise of God, his work of creation, and his saving actions on our behalf. It was intended to bring everyday work to a halt and to provide needed rest and refreshment. It was not, however, intended to put a stop to love of God and love of neighbor. The law of love supersedes the law of rest! Jesus shows the fallacy of the Pharisees’ legalism by pointing to God’s intention for the Sabbath: to do good and to heal. 

 

 

 

God’s word has power to heal and to set us free from ignorance, error, intolerance, and prejudice. Do you honor the Lord’s Day with appropriate rest and worship of God, and do you treat your neighbor with love and mercy in all situations?

 

“Lord Jesus, may I always honor you, both  in my work and in my rest, and in the way I treat my neighbor. Fill me with your love and keep me free from a critical and intolerant spirit that I may always seek to please you and to bring good to my neighbor as well.”

Suy niệm: Bạn hiểu giới răn nghỉ ngày Sabat để tôn kính Chúa thế nào? Người Pharisêu coi Đức Giêsu là người vi phạm luật nghỉ ngày Sabat. Các Tin mừng kể lại bảy câu chuyện Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabat. Ngày thứ bảy trong tuần là để nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa. Có lẽ bạn sẽ nghĩ các phép lạ của Đức Giêsu vào ngày Sabat sẽ khiến mọi người ngưỡng mộ và biết ơn. Thế nhưng, mỗi câu chuyện dường như làm gia tăng sự thù địch từ những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đã đưa ra lời giải thích vượt quá ý định của Thiên Chúa về việc nghỉ ngày Sabat. Họ tin chắc rằng Đức Giêsu là người rất nguy hiểm và tệ hại, người vi phạm luật ngày Sabat, người phải bị ngăn chận lại bằng bất cứ giá nào!

Từ chối giúp đỡ tha nhân có phải là điều hợp pháp chăng?

Tại sao người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa tối vào ngày Sabat, sau khi Người đã liên tục vi phạm luật giữ ngày Sabat của họ? Luca, một thầy thuốc và một người tìm hiểu chi tiết về tình trạng con người, chú ý tới khuynh hướng của những người Pharisêu khi họ mời Đức Giêsu tới dùng bữa tối thân mật của họ. Ngôn ngữ thân thể thường nói nhiều hơn lời nói. Luca nói rằng các kinh sư và những người Pharisêu dò xét Đức Giêsu, rõ ràng với sự nghi ngờ. Họ muốn bắt Đức Giêsu vi phạm ngày Sabat để họ có thể kết án Đức Giêsu vi phạm giới luật của Chúa và tìm cách bôi nhọ Người. Sự chú ý và cảm tình của Đức Giêsu nhanh chóng hướng về người bị bệnh phù thủng. Một người bị bệnh tệ hại như thế làm sao vào được bữa ăn nhà người khác? Trong thời tiết nóng nảy và khô khan của xứ Palestine, người ta mở cửa nhà mình và mọi người tự do ghé vào mà không bị xua đuổi hay chú ý. Đối với những người đạo đức, việc xua đuổi những người ăn xin là thái độ không bác ái. Và khi một thầy Rabbi đến dùng bữa, người ta mong đợi vị thầy nói đôi lời. Cho nên, rõ ràng những vị thầy nổi tiếng thu hút đám đông khách vãng lai tới nghe.

Công việc yêu thương và thương xót của TC không bao giờ ngừng nghỉ

Đức Giêsu đã biết những người chủ muốn bắt Người qua việc vi phạm những nghi lễ ngày Sabat của họ. Vì vậy, khi Đức Giêsu đưa ra lời bào chữa về việc chữa lành trong ngày Sabat, họ đáp lại bằng sự thinh lặng lạnh lùng. Họ bị giam giữ trong chủ nghĩa vụ luật của họ, và không thể hiểu hay nhận ra mục đích của Thiên Chúa cho phép việc chữa lành có quyền ưu tiên hơn việc nghỉ ngơi. Tại sao Thiên Chúa ban giới răn thánh hóa ngày Sabat và cho phép người ta hoãn công việc đang làm trong ngày đó? “Nghỉ ngày Sabat” tức là thời gian tưởng nhớ và cử hành lòng nhân hậu của Chúa, và những công việc tốt lành của Người, trong sự tạo dựng và cứu chuộc. Đó là ngày để chúc tụng Thiên Chúa, công việc tạo dựng, và những hành động cứu chuộc của Người vì lợi ích của chúng ta. Công việc hằng ngày phải được dừng lại để có sự nghỉ ngơi cần thiết và thoải mái. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta dừng lại không yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Luật yêu thương vượt trên luật nghỉ ngơi! Đức Giêsu chỉ ra sự sai lầm của chủ nghĩa vụ luật của những người Pharisêu, bằng cách chỉ ra ý định của Thiên Chúa cho ngày Sabat: làm việc lành và chữa bệnh.

Lời Chúa có năng lực chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự ngu dốt, sai lạc, cố chấp, và thành kiến. Bạn có tôn kính ngày của Chúa với sự nghỉ ngơi và thờ phượng thích hợp, và bạn có luôn luôn đối xử với tha nhân bằng tình yêu và lòng trắc ẩn không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con luôn luôn tôn kính Chúa, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, và trong cách con đối xử với tha nhân. Xin Chúa lấy đầy lòng con với tình yêu của Chúa, và giữ con khỏi tinh thần chỉ trích và cố chấp, để con luôn luôn có thể làm vui lòng Chúa và tìm kiếm ích lợi cho tha nhân nữa.

 

Theo The Word Among Us
Br. Paul Thanh Vu, SDD. chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây