GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Sáu tuần 33 thường niên.

Thứ 5 33 tn B

Thứ 5 33 tn B

Thứ Sáu tuần 33 thường niên.

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

 

Lời Chúa: Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

 

Suy niệm 1: Nhà cầu nguyện

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 “Đức Giêsu vào Đền thờ” (c. 45),

ngay sau khi Ngài vẻ vang tiến vào thành phố Giêrusalem.

Ngài vào Nhà của Cha Ngài, nơi Ngài đã được tiến dâng (Lc 2, 22),

nơi Ngài đã muốn ở lại năm mười hai tuổi (Lc 2, 49).

Ngài đã lên Đền thờ nhiều lần trong đời, nhưng đây là lần cuối.

Lên Đền thờ lần cuối là một quyết định sinh tử (Lc 9, 51),

vì Ngài biết những gì đang chờ đợi mình ở đây (Lc 13, 33).

“Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán ở đó.”

Người ta bán những con vật, để người mua dâng cúng cho Đền thờ.

Nơi buôn bán này ở chung quanh Đền thờ,

tuy vẫn nằm trong khu vực Đền thờ, nơi Dân Ngoại được phép lui tới.

Dĩ nhiên việc buôn bán ở đây là có phép của ban an ninh Đền thờ,

nên chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại muốn đuổi họ.

Hiếm khi chúng ta thấy Đức Giêsu nổi giận hay dùng sức mạnh.

Còn ở đây Ngài mạnh mẽ cả trong hành động lẫn lời nói.

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện,

thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp” (c. 46).

Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem như một vị vua khiêm hạ.

Còn bây giờ Ngài đuổi những người buôn bán như một ngôn sứ.

Vị ngôn sứ giận dữ vì thấy nhà cầu nguyện trở thành nơi kinh doanh.

Đức Giêsu đã muốn làm cho Đền thờ được sạch khỏi chuyện bán buôn,

dù chuyện này cũng nhắm phục vụ cho việc tế tự.

Sau khi thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã chọn nơi thánh này

làm nơi Ngài tập trung dạy dỗ từng ngày cho đến lễ Vượt Qua (c. 47).

Ngài đã sống những ngày cuối đời như một vị Thầy dạy.

Lời giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra những phản ứng ngược nhau.

Dân chúng thì say sưa với những lời Ngài dạy (c. 48),

còn giới lãnh đạo tôn giáo ở Đền thờ lại tìm cách giết Ngài (c. 47).

Phải chăng họ khó chịu với việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô,

hay bực bội về việc Ngài như có quyền đuổi những người buôn bán,

hay ghen tương với việc dân chúng mê mải nghe Ngài?

Đời người Kitô hữu gắn liền với nhiều đền thờ.

Có những đền thờ, nhà thờ bằng gỗ đá, được cung hiến.

Có những đền thờ thiêng liêng như Hội Thánh, như các tín hữu.

Chính bản thân tôi, thân xác tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ.

Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi ấy là đền thờ.

Cần bỏ dép ở ngoài trước khi bước vào ngôi đền thờ là trái tim tha nhân.

Cần năng thanh tẩy lại đền thờ tâm hồn mình bằng bí tích Hòa Giải.

Chúng ta thường thiếu sự giận dữ của Đức Giêsu

khi đứng trước những đền thờ là tâm hồn của những người trẻ bị ô uế.

Chúng ta dửng dưng khi Chúa bị trục xuất ra khỏi đền thờ lòng mình,

để thay vào đó là những thần tượng vô hồn, rẻ tiền và câm lặng.

Xin Chúa Giêsu giúp ta quét dọn cái rác rưởi nơi đền thờ của trí tuệ,

để lời Chúa làm chúng ta say mê lắng nghe và thực hành.

 

Cầu nguyện:

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,

xin gìn giữ mắt con.

Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,

xin dạy con biết trân trọng thân xác.

Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,

xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao

vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,

để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực

vào những chuyện tình cảm chóng qua,

nhưng giúp con tự rèn luyện mình

để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ thân xác con thanh khiết. Amen.

 

Suy niệm 2: Thanh tẩy đền thờ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đối với dân Do thái đền thờ là trái tim của vương quốc, của đạo giáo và của từng người. Đền thờ đã được xây dựng thật huy hoàng tráng lệ. Xứng đáng với niềm tự hào của đất nước và của tấm lòng con dân. Đền thờ bị xúc phạm khi quân vô đạo vào chà đạp lên nơi thánh. Khi tượng thần chễm chệ trên bàn thờ. Khi các đồ dùng thờ phượng bị đem ra làm trò tiêu khiển. Đau đớn biết bao. Nhục nhã biết bao. Nên khi chiếm lại được đền thờ, Giu-đa Ma-ca-bê đã tổ chức thanh tẩy đến thờ. Và cung hiến thật long trọng để đền bù lại thời gian đau khổ nhục nhã tội lỗi đã qua. Ông trang hoàng đền thờ bằng những gì quý giá nhất. Cử hành những lễ nghi long trọng nhất. Kéo dài thời gian trong tám ngày. Tuy nhiên tất cả vẫn còn là bề ngoài. Bị ô uế từ bên ngoài. Thanh tẩy bên ngoài (năm lẻ).

Chúa Giê-su cũng làm một cuộc thanh tẩy đền thờ. Nhưng với một tâm tình khác. Vì đền thờ không bị ngoại bang làm ô uế. Mà bị chính các tư tế làm ô uế. Sự ô uế này khó thấy. Vì nó xuất phát từ tâm tình bên trong. Thói thực dụng. Và thói ham tiền. Và nhất là thói lợi dụng tôn giáo. Nhân danh Chúa để thủ lợi riêng. Đó là thói tục hoá trầm trọng nhất. Tôn thờ chính mình. Biến Thiên Chúa thành phương tiện. Tôn giáo thành dụng cụ. Nên Chúa Giê-su giận dữ như chưa bao giờ thấy. Và để sửa chữa, Chúa giảng dậy nhiều ngày trong đền thờ. Để ta biết tôn giáo đích thực là hiểu biết thánh ý Chúa. Thực hành Lời Chúa. Là tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý. Chứ không phải những lễ vật hương khói nghi ngút. Để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Người ta phải từ bỏ ý riêng. Từ bỏ thú tính. Đó là điều Tin mừng Gio-an đề cập khi Chúa nói đền thờ là thân thể Người. Và Người trải qua cuộc thanh tẩy bằng cái chết theo ý Chúa Cha.

Cuộc thanh tẩy tiếp diễn trong suốt cuộc đời. Vì con người nhơ nhuốc luôn cần thanh tẩy. Để biết làm theo ý Chúa. Từ bỏ ý riêng. Vì thế Gio-an đã được ban quyển sách Lời Chúa. Ông phải nuốt vào. Phải lắng nghe. Phải nhập tâm. Phải thực hành. Thực hành ý Chúa đòi từ bỏ ý riêng. Vì thế Lời Chúa gây nên cay đắng trong lòng. Từ bỏ ý riêng là một cuộc chiến đấu. Nhưng khi đã hoàn toàn thuận theo ý Chúa. Lời Chúa trở thành ngọt ngào không gì so sánh được. Trở thành niềm vui. Trở thành hi vọng. Trở thành lẽ sống. Đó là điều cần phải loan truyền cho muôn dân được biết (năm chẵn).

 

Suy niệm 3: Nơi gặp gỡ Chúa

Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.

Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.

Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Ðền thờ của Chúa

Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu là người ôn hòa và tế nhị. Ngài luôn có thái độ khiêm tốn và kính trọng trong cách đối xử với mọi người. Nhưng trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Ngài đã không hành động như thường lệ nữa, Ngài đã nổi giận và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ. Riêng trong Phúc Âm theo thánh Máccô và thánh Mátthêu còn diễn tả một cách chi tiết hơn hình ảnh Chúa Giêsu lật đổ quầy bàn đổi tiền và xô ngã ghế của những người buôn bán trong đền thờ và la mắng họ: "Ðã có lời chép rằng: nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp". Khi hành động như thế, Chúa Giêsu đã có ý sửa chữa những thói hư tật xấu của những kẻ gian manh lạm dụng người khác để làm giàu cho chính mình như những kẻ đổi chác tiền bạc trong đền thờ chẳng hạn. Họ làm giàu bằng cách bóc lột những người lương thiện phải trả tiền nhiều hơn so với giá phải chăng. Khi hành động bất lương như thế họ cũng đã xúc phạm luôn cả Thiên Chúa nữa.

Lời khiển trách của Chúa nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện, nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người. Họ lắng nghe Lời Chúa với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người. Lời Chúa mang đến cho người nghe sự bình an và hân hoan sâu xa trong tâm hồn chúng ta như bài thánh vịnh hôm nay:

"Tuân theo thánh ý Chúa,

Con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể

Con sẽ ngẫm suy huấn lệnh Chúa truyền

Ðưa mắt nhìn theo đường lối Chúa

Con vui thú với thánh chỉ Ngài

Chẳng quên lời Người phán dạy."

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đền thờ đem lại cho nhà Chúa một sự sống động và sức mạnh thiêng liêng. Thiên Chúa đã ngự xuống giữa trần gian, Người không xa cách hay mơ hồ nhưng gần gũi với con người. Nhà Chúa không phải chỉ là một công trình kiến trúc vô tri vô giác, nhưng là nơi mà Thần Khí của Chúa ngự trị tuy vô hình nhưng có khả năng truyền đạt sức sống, tình yêu và hy vọng cho những tâm hồn khao khát tìm đến với Người. Ðền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Người để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Người răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Người.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con biết thờ lạy Người với tình yêu mến và lòng biết ơn về những hồng ân mà Người đã rộng lòng ban phát cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và thực hành thánh ý của Chúa bằng với lòng tin và sự vâng phục.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Đuổi con buôn trong đền thờ

Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc. 19, 45-46)

Sắp đến hồi kết thúc cuộc đời, Đức Giêsu không thể tránh được cuộc đối đầu giữa lời mời gọi trở về với tình yêu Thiên Chúa, với lối giải thích khắt khe về lề luật. Đức Giêsu muốn làm sáng tỏ: giữa án phạt đời đời với sự sống đời đời.

Cách dùng bất chính

Đức Giêsu long trọng vào Giê-ru-sa-lem và đi thẳng vào đền thờ, chính là nhà Người, nhà Cha của Người. Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã tiên báo: “Bất thần, Ngài vào đền thờ của Ngài, Người Chủ mà họ tìm kiếm, thiên sứ của giao ước mà họ ước mong”. Và Người vào để thanh tẩy đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán súc vật để dâng hy tế hay để đổi tiền La mã lấy tiền đền thờ: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.

Theo ngôn sứ I-sai-a, Chúa nói: Đền thờ của Ngài là nhà cầu nguyện cho muôn dân. Thiên Chúa không thay đổi quan niệm về cách dùng nơi Ngài ngự, người ta đến đền thờ để thờ phượng Ngài, ngợi khen và lắng nghe Ngài. Đó là nơi mọi người đàm đạo với Thiên Chúa, không chỉ dành riêng cho người Do thái.

Nhưng, theo Giê-rê-mi-a, đền thờ đã bị tục hóa bởi những kẻ phạm những điều ghê tởm và lại dám ra trước mặt Thiên Chúa tuyên dương rằng: “Chúng tôi được cứu thoát”. Cũng thế, những kẻ lợi dụng đền thờ để kiếm lợi, họ bỏ cách thờ phượng chân chính lên Thiên Chúa bằng tôn thờ tiền bạc.

Đức Giêsu phục hưng đền thờ làm nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Người đuổi con buôn để vào dạy dỗ lời Chúa trong đền thờ. Lời Người chính là Thiên Chúa tự mặc khải cho dân Người. Người không chỉ đến để dâng lễ hy sinh, mà còn để nuôi mình bằng lời ban sự sống đời đời.

Những kẻ lợi dụng buôn bán trong đền thờ không nhìn Người bằng con mắt thiện cảm vì Người đang cất mất mối lợi của họ. Họ hiểu sự thách thức của Đức Giêsu. Nhưng họ biết dân chúng dễ thay đổi. Nếu lúc này dân theo Đức Giêsu, lúc khác họ có thể làm cho dân phản bội lại Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao những ngày kế tiếp, họ làm cho dân nghi ngờ quyền thế của Đức Giêsu và giương bẫy bắt Người.

RC

 

Suy niệm 6: Thanh tẩy đền thờ cho xứng đáng

Xem thêm CN 25 TN C

Mỗi khi nhìn thấy hay nhắc tới nhà thờ, trong cảm thức, chúng ta luôn hiểu rằng: nhà thờ là biểu tượng của Giáo Hội. Nơi nhà thờ, chúng ta sẽ dễ dàng gặp Chúa và gặp nhau. Nhà thờ là điểm hội tụ mọi thành phần dân Chúa để tôn thờ Thiên Chúa và chia sẻ bác ái với nhau.

Tuy nhiên, dù nhà thờ vật chất có to lớn, tráng lệ thế nào đi chăng nữa, nếu nó không được xử dụng đúng mục đích là tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau... thì nhà thờ ấy vô nghĩa!

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu đã nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, vì họ đã xử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp".

Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán...

Từ hình ảnh cao quý của đền thờ vật chất, chúng ta khám phá ra ý nghĩa cao trọng của đền thờ tâm hồn. Mỗi người đều là đền thờ tâm hồn cho Thiên Chúa ngự. Đền thờ ấy, không được để cho tính tự kiêu, tự phụ, ích kỷ, bất nhân, dửng dưng, vô cảm ngự trị, vì chúng không thuộc về đặc tính của Thiên Chúa và không phải lựa chọn của chúng ta. Đền thờ tâm hồn chúng ta sẽ có giá trị và xứng đáng để được Chúa ngự vào khi chúng ta tin Chúa tuyệt đối, sống yêu thương, bác ái với người nghèo, cư xử thắm đượm tình huynh đệ với anh chị em... Nếu chúng ta đi ngược lại những điều trên, hẳn ta sẽ dễ rơi vào tình trạng tôn kính Thiên Chúa trên môi trên miệng, còn tâm hồn thì xa Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ngày chúng con lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng con chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Tuy nhiên, nhiều khi chúng con đã biến đền thờ tâm hồn chúng con trở nên nhơ bẩn, ô uế do những ích kỷ, hình thức bên ngoài. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết quý trọng và yêu mến đền thờ tâm hồn, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Cần thanh tẩy tâm hồn-đền thờ

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tâm hồn là Đền Thờ Thiên Chúa ngự, nên phải giữ gìn thật trong sáng, không bị hoen ố bởi dục vọng xấu xa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ Giêrusalem và chứng kiến cảnh hỗn độn buôn bán ồn ào. Chúa đã không để nhà Chúa biến thành sào huyệt của bọn cướp, là các tay buôn và giới lãnh đạo đương thời. Chúa quả quyết: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện”, và Chúa đuổi tất cả những kẻ buôn bán khỏi đền thờ. Việc Chúa làm cho con hiểu rằng những gì dành cho Thiên Chúa phải xứng đáng với Thiên Chúa.

Hôm nay, Chúa đến với tâm hồn con như một ngôi đền thánh trọn vẹn đầy vẻ tôn nghiêm và thánh thiện. Con hiểu đó là điều Chúa mong muốn và chờ đợi. Nhưng lạy Chúa, con đã làm được gì trước lòng mong đợi của Chúa? Xin ban cho con lòng yêu mến tôn thờ để con dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Chúa biết con hơn chính bản thân con, nhưng xin Chúa nhân từ thứ tha khi con muốn mà không làm được. Xin giúp con sửa lại cõi lòng khi con cầu nguyện tôn vinh Chúa. Xin đừng để con tính toán cầu lợi và mặc cả với Chúa trong những lời cầu xin. Và xin hâm nóng tấm linh hồn bé bỏng những khi con nguội lạnh, chán chường. Ước mong tâm hồn con được sống động và dạt dào tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, mỗi ngày giờ, từng phút giây đang có biết bao tâm hồn vươn cao hướng về Chúa. Con hợp lời xin chúc tụng Chúa. Nhưng cũng có bao kẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc bôi bác, lợi dụng với lời cầu xin. Xin Chúa thanh luyện để chúng con giữ được đền thánh phúc vinh trong tâm hồn. Con xin dâng tâm hồn con trong tay Chúa, xin thánh hoá con. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

 

Suy niệm 8: Thanh tẩy đền thờ

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trong Cựu ước, đền thờ được dành riêng đặc biệt cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thường áp dụng những hình phạt rất nặng đối với những ai phạm đến đền thờ. Hai đứa con trai của thầy cả Hêli, vì không chịu sống nghiêm trang xứng đáng trong đền thờ, đã bị Chúa phạt nặng.

Trong Tân ước, ngày kia vào đền thờ, Chúa Giêsu nổi giận vì thấy một số người tổ chức buôn bán và đổi tiền. Ngài thịnh nộ, đuổi họ ra hết, và tuyên bố nhà Chúa là nhà cầu nguyện, chứ không phải là hang trộm cướp.

Suy niệm

Đức Giêsu nhìn thấy đền thờ, nhà Cha, nơi cầu nguyện trở nên địa điểm phường của buôn bán, Ngài bừng bừng nổi giận. Sự kiện thanh tẩy đền thờ, được cả bốn Tin Mừng ghi nhận (x. Mc 11,15-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48; Ga 2,13-25).

Dân chúng buôn bán, lạm dụng đền thờ của Thiên Chúa nên đã làm ô uế đền thờ như ngôn sứ Giêrêmia đã nhìn thấy trước và tư vấn: “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao?” (Gr 7,11). Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ và thực hiện lời loan báo của ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21), khi “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Đền Thờ, nhà Chúa Cha phải được thanh tẩy xứng đáng để trả lại đúng vẻ nguyên tuyền của đền thờ. Ngài đưa về sự thánh thiện đạo thật, đền thờ thật như Chúa phán qua ngôn sứ Isaia: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7).

Thật thế, như Chúa Giêsu dạy đường đi của đạo là yêu thương, đền thờ là nơi đón tiếp anh chị em tín hữu, không phân biệt màu da chủng tộc.

Xin Chúa tiếp tục thanh tẩy các ngôi thánh đường - nhà Chúa, nhà chung, thành nhà yêu thương đùm bọc lẫn nhau và xứng đáng để dâng lễ tế: Đền thờ Thiên Chúa sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền bằng tình yêu thương như Chúa đã phán qua lời ngôn sứ Hôsê: “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ” (Hs 6,6).

Ý lực sống

“Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2Cr 6,16).

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu được sai đến để chu toàn sứ mạng: phụng sự Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giêsu gồm có hai khía cạnh:

a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, cho nên Đức Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán trong đó.

b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

Đền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay lúc được vua Salômôn xây cất khoảng năm 950 (trước Công nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Đức Giêsu vào Đền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Hôm nay Tin mừng cho thấy: Đức Giêsu nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế. Đức Giêsu nói: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến Đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán...

Lời khiển trách của Đức Giêsu nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).

Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giêsu; Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin mừng”(Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).

Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức Giêsu đã từng nói: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng: anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó (Hiền Lâm).

Truyện: Nhà thờ để làm gì?

Hay tin một linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ cũ về hưu, lại được biết linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị linh mục mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).

 

Suy niệm 10: Chúa thanh tẩy Đền thờ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa thanh tẩy Đền thờ.

Đền thờ có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng mọi người. Truyền thuyết kể lại rằng:

Để tìm một khu đất xây đền thờ dâng kính Thiên Chúa, vua Salômôn đã phải suy nghĩ về vấn đề này rất lâu nhưng tìm không ra. Thế rồi vào một đêm kia vua bèn mặc quần áo như thường dân, không đem theo quân hầu, đi vi hành trong thành phố Jêrusalem, sau đó ra ngoại thành, đến chỗ núi Môria. Gọi là núi, nhưng thực ra không cao gì lắm, phần lớn núi là đất. Sườn núi hầu hết trồng lúa, và lúc này nhằm mùa gặt. Lúa đã gặt xong, còn chất ở ngoài ruộng, chờ ngày đem về nhà.

Salômôn ngồi dựa lưng vào một cây ôlive, nhắm mắt lẩm nhẩm ôn lại những địa điểm xinh đẹp trong xứ. Đồi này, núi nọ, thung lũng kia, so sánh coi nơi nào đẹp hơn nơi nào.

Đang suy nghĩ như thế thì Salômôn chợt nghe có tiếng chân bước, mở mắt ra thì thấy một người đi ngang chỗ mình ngồi. Vì trời tối, người này không thấy Salômôn. Tay y ôm một bó lúa. Salômôn thầm nghĩ: “A! Thằng này đi ăn trộm” và toan ra bắt, nhưng nghĩ lại, để chờ coi cho biết tên trộm làm những gì. Tên trộm này nhanh nhẹn lắm, đem bó lúa từ ruộng này qua đặt nơi ruộng kế bên, tất cả là 50 bóXong rồi nhìn quanh quẩn thấy không có ai, xoa tay và đi khỏi. Salômôn thầm nghĩ: “Sáng mai chủ ruộng này hẳn sẽ ngạc nhiên không hiểu vì sao mất đi 50 bó lúa”.

Salômôn còn đang suy nghĩ ngày mai sẽ phạt tên trộm này cách nào, thì lại nghe tiếng chân bước. Người mới tới đi vòng quanh hai thửa ruộng, ngó quanh thấy không có ai, liền mang một bó lúa từ ruộng này qua ruộng kia, y làm đúng như tên trộm trước đây, tuy không nhanh nhẹn bằng. Và y làm ngược lại, tức là y lấy lại 50 bó, sau đó y lại còn lấy thêm 50 bó nữa, tổng số là 100 bó. Xong rồi y cũng rút êm.

Salômôn nghĩ thầm: “Hai tên ăn trộm này có ruộng ở kề bên nhau và đều mưu toan ăn trộm của nhau. Thoạt đầu tưởng là có một anh ăn trộm, dè đâu kẻ trộm bị người ta ăn trộm lại”.

Sáng hôm sau, Salômôn cho đòi hai chủ ruộng tới thẩm vấn riêng từng người, bắt đầu từ người trẻ tuổi hơn:

- Tại sao anh dám trộm lúa của ruộng bên cạnh?

Người trẻ tuổi nghe hỏi, nhìn Salômôn cách sững sờ.

- Tâu bệ hạ! Thật tình tôi không có trộm của ai khác, mà là trộm của tôi. Bó lúa tôi lấy đi là lúa của ruộng tôi, tôi đem đặt nơi ruộng của anh tôi. Tôi không muốn ai biết chuyện, nhưng vua đã thấy thì tôi nói thiệt. Cha tôi chết đi, chia ruộng thành hai mảnh đều nhau cho tôi và anh tôi. Tôi thì còn độc thân, mà anh tôi thì có vợ và 3 con, hẳn là cần lúa nhiều hơn tôi. Tôi đem cho thì anh tôi không chịu nhận, thành ra tôi phải cho lén. Tôi chỉ có một mình, in ít đủ rồi.

Salômôn lại hỏi riêng người lớn tuổi. Người này đáp:

- Tâu bệ hạ! Có Thượng Đế biết là tôi không ăn trộm của ai. Và sự thật là trái lại. Cha tôi chết đi, chia đều ruộng cho tôi và em tôi. Khi em tôi trồng lúa, nó phải tốn tiền nhiều lắm, vì nó còn độc thân, phải mướn người làm cỏ, phải mướn thợ gặt, còn tôi đã có vợ con tiếp tay nên chẳng tốn gì. Tôi muốn giúp nó mà nó không chịu, thành ra phải giúp lén, tội nghiệp nó không đủ!

Salômôn kêu người trẻ tuổi tới, ôm hai người trong tay và cảm động nói rằng:

- Ta đã gặp nhiều chuyện ly kỳ trong đời, nhưng chưa hề thấy ai lo lắng cho nhau như hai anh em này. Bấy lâu nay, hai ngươi đã thầm kín lo lắng cho nhau, thật là đáng khen. Ta xin lỗi vì đã nghi ngờ hai ngươi là ăn trộm, và bây giờ ta yêu cầu hai ngươi bán ruộng cho ta, để ta dùng làm nơi dựng Đền thờ cho Thượng Đế, vì hai thửa ruộng này chan chứa tình thương, rất xứng đáng để xây dựng Đền thờ cho Thượng Đế, không nơi nào xứng đáng hơn!

Salômôn đền bù lại cho hai người được ruộng rộng hơn, tốt hơn, và loan báo cho khắp xứ Do Thái biết là đã chọn được địa điểm dựng Đền thờ.

Đền thờ quí giá thánh thiêng như vậy nên phải trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó:

Đây là lời cầu nguyện của vua Salomon sau khi Đền thờ được xây dựng xong: “Lạy Chúa, Chúa đã phán rằng: Chúa sẽ ngự trong chốn chan chứa tình thương, nay con đã kiến thiết Đền thờ kính dâng Chúa, ngõ hầu Chúa ngự nơi đây đời đời. Kìa trời và các tầng trời còn chẳng đáng tiếp rước Chúa, huống chi ngôi Đền thờ con vừa xây cất. Dầu vậy, lạy Chúa là Chúa trời con, xin đoái thương đến lời tôi tớ khẩn cầu, hãy nhận lời tôi tớ Chúa van lơn trước tôn nhan. Dám mong con mắt Chúa đêm ngày ngó đến Đền thờ này, vì nơi đây, theo Lời Chúa phán hứa, người ta phải tới mà cầu khấn danh Chúa” (II Sử ký 7,1).

 

Suy niệm 11: Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Ý nghĩa của hành động Chúa Giêsu là thanh tẩy Đền thờ, gồm 2 khía cạnh:

1. Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, cho nên Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán.

2. Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó: “Hàng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

B.... nẩy mầm.

1. Mua bán những lễ vật để đem vào dâng trong đền thờ không phải là thờ phượng đích thực. Nghĩ rằng dâng lễ vật tức là thờ phượng Chúa thì càng sai hơn nữa. Bởi đó Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người mua bán lễ vật. Thờ phượng đích thực là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi đó sau khi đánh đuổi những người mua bán, Chúa Giêsu “hằng ngày giảng dạy trong Đền thờ” và “toàn dân say mê nghe Ngài”.

2. Việc phượng tự của chúng ta dễ bị biến chất, mất đi ý nghĩa cao đẹp ban đầu. Xin Chúa Giêsu giúp ta biết thường xuyên rà lại nếp sống thờ phượng của ta. - Chúa Giêsu đến canh tân việc phượng tự: từ nay không còn là chiên bò, chim câu… mà chính thân xác Ngài là lễ vật tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. - Chúa Giêsu là đền thờ mới sau khi “bị phá đổ trong 3 ngày”. Từ nay muôn dân quy tụ nơi đền thờ này để dâng lễ vật.

3. Ta nhớ lại lời thánh Phaolô: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa xót thương chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1). -  Cả cuộc đời tôi là của lễ. Lạy Chúa, xin thương nhận ‘của lễ hiến tế đời con’.

4. Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho Cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với một bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại.” (Christian Beacon).

5. “Chúa Giêsu nói với họ: ‘Đã có lời chép rằng Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46)

Có những lúc con tự hỏi: Chúa sẽ như thế nào khi Ngài đến nơi cung lòng con ? Và đường như con nghe Lời Ngài khiển trách, vì đã có những lần con đến gặp Ngài nơi bàn tiệc thánh nhưng tâm trí con lại để ở đâu. Con mãi lo suy tính: chiều nay con sẽ đi shop mua giày, sáng mai con dậy sớm để giải một bài toán. Có khi cả buổi lễ con toàn nhớ đến “người ấy”. Hay hết bài giảng của Linh mục chủ tế là con lập được dàn ý của bài luận văn…

Giêsu ơi, xin cho con mỗi lần đến với Ngài, tâm hồn thanh thản, và gặp Chúa trong tình thân. (Hosanna)
 

SUY NIỆM

1. « Người bắt đầu đuổi… »

Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta bị sốc; cái sốc này có thể so sánh với cái sốc gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69 ; Tv 139, 19-22 ; Tv 141, 10).

Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ : giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.

Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất, đó là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay ; hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu…

Nhưng Tin Mừng theo thánh Gioan tường thuật biến cố cách đặc biệt nhất : Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng (Ga 2, 13-22), và hành động của Ngài rất mạnh mẽ : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán. Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích lời nguyện Thánh Vịnh:
Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa,
mà con phải thiệt thân ! 
(Tv 69, 10)

 2. Nhà Thiên Chúa và sào huyệt bọn cướp

Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài :
Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện
thế mà các ngươi đã biến thành
sào huyệt của bọn cướp! 
(c. 46)

Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra « sào huyệt của bọn cướp » ở nơi người ta buôn bán. Đó là vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, trong việc buôn bàn thường hay xẩy ra sự gian dối, lọc lừa, làm thiệt hại, thậm chí làm hại người khác (chẳng hạn ngày nay, người ta bỏ chất độc vào trong thực phẩm, làm giả thuốc tây…).

Như thế, dưới cái nhìn của Chúa, có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán : một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; một đàng là « sào huyệt của bọn cướp ».

Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như  Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ?

*  *  *

Trong thư thứ nhất Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã viết : « Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? » (1Cr 3, 16)

Vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Bởi vì đó cũng là những nơi « tôn nghiêm » như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng.

Hiểu như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-salem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời Sự Sống của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa kia :
Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ…
toàn dân say mê nghe Người. (c. 47 và 48) 

3. Thanh tẩy Đền Thờ và mầu nhiệm Vượt Qua

Qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! Chính vì thế, theo lời kể của thánh sử Gioan, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Người về quyền hạn:
Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi
thấy là ông có quyền làm như thế? 
(Ga 2, 18)

Tất cả các thánh sử đều kể lại lời chất vấn này (x. Mt 21, 23 ; Lc 20, 2 ; Mc 11, 28), bởi vì câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, đến tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha. Chính vì thế, Người trả lời bằng cách nói về mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm qua đó, Người mặc khải cho người Do Thái và cả loài người chúng ta, Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống:
“Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”… Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2, 19 và 21)

Như thế, hành động và lời nói của Đức Giê-su về Đền Thờ loan báo cuộc Thương Khó của Người. Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an tràn ngập bầu khí mầu nhiệm Vượt Qua:

  • Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua của người Do-thái (c. 13).
  • Chứng kiến việc Người làm, các môn đệ nhớ lại lời nguyện Thánh Vịnh loan báo mầu nhiệm Thương Khó: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (c. 17, trích Tv 69, 10)
  • Và lời giải thích của chính thánh sử Gio-an: “Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó” (c. 22).

Chính vì thế, theo lời kể của các thánh sử Mác-cô và Luca, các thượng tế, kinh sư và kì mục đã có ý định giết Đức Giê-su khi chứng kiến Ngài đánh đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu, và khi nghe Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17; x. Lc 19, 47).
Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy,
thì tìm cách giết Đức Giê-su.  
(Mc 11, 18)

Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, tầm mức lịch sử cứu độ, bởi vì đó là ý định loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng, đó lại là con đường Thiên Chúa chọn để xây dựng Đền Thờ mới, để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Đức Giê-su nói: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Với mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ thay thế Đền Thờ và cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

*  *  *

Sự Dữ, ngang qua những con người cụ thể, đã “phá hủy” Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, khi biến Đền Thờ thành “hang trộm cướp”. Sự phá hủy này loan báo Sự Dữ sẽ “phá hủy” Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Nhưng Thiên Chúa đã dùng chính sự phá hủy này để xây dựng Đền Thờ Mới, là Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng Sự Dữ và sự chết.

Chúng ta vốn là “đền thờ của Thiên Chúa”, nhưng đã bị Sự Dữ phá hủy. Xin cho chúng ta biết mở lòng ra để đón nhận Đền Thờ Mới là chính Đức Ki-tô.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây