GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.

Picture22

Picture22

Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.

“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

 

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.

Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời.

Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

 

Suy niệm 1: Lòng anh em sẽ vui

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn

mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.

Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn,

Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.

Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).

Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời.

Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).

Không có một Kitô giáo buồn.

Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,

bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia:

Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.

Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,

qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,

qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,

qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.

Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.

Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.

Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.

Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.

Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.

Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.

Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.

Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền.

Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.

Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.

Thế giới hôm nay là một thế giới buồn.

Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.

Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.

Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,

người ta lại không biết mình sống để làm gì.

Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,

không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,

nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,

nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).

Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,

nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.

Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,

người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

 

Suy niệm 2: Tầm nhìn phục sinh

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu phục sinh mở ra một thế giới mới và vì thế mở ra một tầm nhìn mới. Thế giới bị phân đôi thành thượng giới và hạ giới. Chúa Giêsu về trời hiển trị. Nhưng các môn đệ còn ở lại trần gian. Chúa như vắng mặt khỏi trần gian. Quyền lực thế gian thống trị thế giới. Sự ác lộng hành. Sự thiện bị áp chế. Thế gian reo cười đắc thắng. Các môn đệ Chúa phải khóc lóc than van.

Nhưng giữa tình trạng tồi tệ đến tuyệt vọng đó, Chúa lại nhóm lên niềm hi vọng. Ta hi vọng vì tuy Chúa vắng mặt nhưng vẫn ở với ta. Dù thế gian toàn quyền thống trị thế giới, nhưng Chúa vẫn âm thầm ở bên cạnh con cái của Người như lời Chúa nói với thánh Phaolô: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh”. Thế gian hung hăng nhưng Chúa dịu hiền. Thế gian ồn ào nhưng Chúa lặng lẽ. Thế gian tấn công nhưng Chúa che chở. Thế gian hủy diệt nhưng Chúa xây dựng. Thế gian giết chết nhưng Chúa cứu sống. Giữa những hỗn loạn ngay tại dinh quan thống đốc Ga-li-on, Phao-lô đã thoát đi bình an.

Ta còn hi vọng hơn nữa vì Chúa cho biết đau khổ chính là mảnh đất tốt cho cây sự sống mọc lên và kết trái hạnh phúc. Đau khổ là lưỡi cày cày xới ruộng đất cho phì nhiêu. Buồn phiền là phân bón cho cây sự sống lớn mạnh. Khóc lóc phát sinh nước mắt tưới cho hạnh phúc kết trái. Rồi đau khổ sẽ qua. Hạnh phúc sẽ đến. Bấy giờ “nỗi buồn biến thành niềm vui”. Tất cả những gian nan thử thách ở đời này giống như giây phút người phụ nữ sinh con. Khi đến giờ thì rên la đau đớn. Nhưng khi sinh con rồi thì hạnh phúc chứa chan. Sẽ đến ngày Chúa “xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân… sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,… sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người”. Đau khổ là điều kiện phát sinh và là tường thành chắc chắn cất giấu kho tàng hạnh phúc, không ai có thể lấy mất được.

Khi ban cho ta niềm hi vọng hạnh phúc, Chúa mở ra một tầm nhìn mới về thế giới hôm nay. Đó là tầm nhìn phục sinh giúp ta nhìn thấy thế giới vô hình. Nhìn thấy tương lai tươi sáng qua hiện tại tăm tối. Nhìn thấy những hạt lúa vàng trên đống bùn đen lầy lội. Nhìn thấy hạnh phúc thiên đàng qua đau khổ trần gian.

Các thánh là những người có một tầm nhìn phục sinh sắc bén, nên có những thái độ ứng xử siêu thoát. Các thánh tử đạo đi ra pháp trường như đi dự tiệc. Các thánh tông đồ hân hoan vì đã bị đánh đập nhục mạ. Chân phước Mẹ Têrêxa Calcutta cám ơn người nghèo vì người nghèo cho Mẹ cơ hội phục vụ Chúa. Sống mầu nhiệm phục sinh ta hãy có tầm nhìn phục sinh. Sẽ thay đổi cuộc đời. Sẽ cho ta niềm hi vọng.

 

Suy niệm 3: Tình yêu và đau khổ.

Trong bài xã luận của bán nguyệt san Công giáo Italia, số tháng 3/1993 có ghi lại gương hy sinh của một người mẹ trẻ tên là Carla Levati, qua đời khi mới chỉ được 28 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ hai, Carla được các bác sĩ cho biết chị bị viêm cột sống mà một cuộc chữa trị có thể phương hại trầm trọng đến mạng sống của thai nhi. Với sự đồng ý của chồng, chị Carla chấp nhận đau khổ và ngay cả cái chết, miễn là đứa con được sinh ra lành mạnh. Nhưng vì quá đau đớn, người mẹ đã qua đời 8 tiếng đồng hồ sau khi đứa con chào đời ngày 26/1/1993.

Cái chết của chị Carla đã gây nhiều phản ứng sôi nổi tại Italia. Những tờ báo lớn xuất bản tại Rôma xem sự hy sinh của chị như một hành động hy sinh cao cả chứ không mù quáng. Nguyên tắc của chị Carla tuân theo chính là tình yêu: chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy người mẹ hy sinh mạng sống mình vì đứa con. Nguyên tắc âý không chỉ bắt nguồn từ Tin mừng, mà còn là một đòi hỏi của tình mẫu tử. Người mẹ là người trao ban sự sống bằng chính đau khổ của mình và nếu cần chết đi để cứu mạng sống của con mình.

Ý nghĩa cao cả nơi cái chết của chị Carla có thể giúp chúng ta đi sâu vào Tin mừng hôm nay. Thật thế, chính Chúa Giêsu đã nhận chân ý nghĩa cao cả nôĩ đau đớn của người đàn bà trong khi sinh con. Niềm đau đớn ấy mang một ý nghĩa cao cả đến độ đã được Chúa Giêsu mượn để nói lên chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Có đau đớn trong khi sinh con, người đàn bà mới cảm nhận được niềm vui khi đứa con chào đời; có trải qua khổ nạn, Chúa Giêsu mới đi vào vinh quang Phục sinh; và từ nỗi đau khổ được chấp nhận trong tinh thần phó thác hiến dâng, người môn đệ Chúa Kitô mới cảm nhận được niềm vui tái sinh.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình: chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Cưu mang: Cứu độ

Để hiểu tầm mức lời này của Đức Giêsu, chúng ta cần tới kinh nghiệm của chúng ta về dự tính, về sinh trưởng và về khởi sự. Cái đà khởi đầu cuộc hành trình xuất phát từ miền phấn khởi, từ mơ ước, chúng ta xây dựng những phương trình đẹp, chỉ huy những giai đoạn thi công, kế hoạch. Chúng ta hình như làm chủ được vận mệnh.

Các tông đồ đã phân phối khi Chúa biến hình lúc đầu sứ vụ truyền giáo, lúc đầu đi chữa các bệnh nhân. Nước Thiên Chúa chẳng bao lâu nữa được thiết lập.

Nhưng sự khó khăn cũng bắt đầu khi bắt tay vào việc: Những vất vả khó nhọc, những bất lực, những hố sâu lòng người. Dù gặp đau khổ, chúng ta cảm thấy vẫn phải cố gắng hy sinh sức lực và mạng sống để đạt tới đích. Đức Giêsu đã biết phải trả giá thế nào để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới, và đến giờ phút treo trên thập giá, Người đã gục đầu xuống. Những kẻ chưa hiểu được công cuộc cứu độ, Đức Giêsu đã tiên báo cho chúng ta biết: Đó là một công việc rất khó khăn. Nhưng Tin mừng đã bảo đảm rằng: mặc dầu có cực khổ, khó khăn, kế hoạch cứu độ của Chúa vẫn được hoàn tất khi đã đặt kế hoạch ban sự sống, thì Người phải thực hiện cho đến cùng.

Theo ý nghĩa đó, hôm nay chúng ta hiểu được sứ điệp đầy hy vọng này là mọi đau khổ được tận hiến đều dẫn đến vui mừng như đau khổ của người mẹ sinh đứa con ra chào đời, cũng thế, mọi kế hoạch được tận tâm thực hiện đều mang lại thành công tốt đẹp, đem lại sự sống.

Muốn thúc đẩy con người tiến đến một đời sống phát triển tươi đẹp, phải mở cho họ thấy chân trời vô tận, nhưng đừng quên rằng hiện tại phải gian lao cùng khổ. Tóm lại hoạt động đem ơn cứu độ đến cho con người sẽ phải cưu mang nhiều giai đoạn đau khổ nhọc nhằn.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm những giai đoạn đó để tham gia vào công việc cứu độ, dù vì thế mỗi người chúng ta phải thiệt thòi đến mạng sống.

CG.

 

Suy niệm 5: Niềm vui của các môn đệ

Ðoạn Phúc Âm vừa đọc nối tiếp với đoạn Suy niệm hôm qua về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đồ đệ cần khám phá ra Chúa Giêsu với đôi mắt đức tin và sống kết hiệp khắng khít mỗi ngày một hơn với Người. Sự sống kết hiệp với Chúa là nền tảng vững chắc với niềm vui không bao giờ mất đi nơi tâm hồn người đồ đệ.

Suy niệm bài Phúc Âm vừa đọc lại trên, chúng ta hãy đào sâu thêm về niềm vui mà Chúa muốn trao ban cho mọi đồ đệ của Người. Ðể được hưởng niềm vui của Chúa, người đồ đệ phải thực hiện một điều kiện căn bản, liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa để được ân sủng Chúa thanh luyện. Trong khung cảnh những lời tâm sự mạc khải về cuộc ra đi, tức cuộc vượt qua của Người, Chúa Giêsu long trọng loan báo: “Thật, Thầy bảo thật các con, các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”.

Khóc lóc và than van là hành động của một người thương khóc cái chết của những người thân yêu nhất. Dùng hai từ này để diễn tả hoàn cảnh các môn đệ sắp trải qua, Chúa Giêsu như muốn mạc khải cho các ông về cái chết sắp đến của Người, vừa đồng thời hé mở cho các ông nhìn thấy mối liên hệ của cuộc đời các ông với cuộc vượt qua của Người. Ðây là điều mà sau này thánh Phaolô tông đồ dùng một từ ngữ khác để diễn tả, mang lấy cuộc Thương Khó của Chúa nơi mình, hoàn tất nơi mình những gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa là chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Chúa. “Chúng con sẽ khóc lóc và than van vì Chúa sắp chịu chết trên thập giá tủi hổ”. Trong khi đó thì thế gian, tức những kẻ thù của Chúa Giêsu vui mừng, vì họ nghĩ rằng đã loại trừ được một đối thủ, có những lời nói phơi bày tật xấu của họ và không ngừng quấy rầy lương tâm họ.

“Các con sẽ khóc lóc và than van”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo chết trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”; “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Nhưng cái chết của Chúa Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được, Chúa chết đi để rồi sống lại, Chúa ra đi để rồi trở lại, Chúa phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.

Niềm vui của các môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do nào khác. Nền tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ phục hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa Phục Sinh có thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.

Lạy Chúa, xin đến ngự trong con, ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu giữa Cha Con, kết chặt con vào Chúa để con được sống an vui mãi mãi, dù giữa những khó khăn thử thách.

Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con luôn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 6: Niềm vui trọn vẹn

Một người phụ nữ đang mang thai, bà ta sẽ rất sợ hãi khi biết sắp đến giờ bà sinh. Bà thấu được những cơn đau dữ dội, xé lòng mà mình sẽ phải gánh chịu! Tuy nhiên, niềm vui khôn tả sẽ ập đến với bà khi mắt bà nhìn thấy đứa con của mình cất tiếng khóc chào đời.

Thấy được tâm trạng các môn đệ đang hoang mang lo lắng vì sắp phải lìa xa mình, Đức Giêsu đã trấn an các ông và vén mở cho các ông thấy niềm vui sẽ nên trọn: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được”.

Trong đời sống đức tin của chúng ta, cũng có những lúc đi trong đêm tối của cô đơn, ốm đau, bệnh tật. Những lúc đó, chúng ta chán nản và muốn buông xuôi. Nhưng như bà mẹ mệt nhọc lúc mang thai và đau đớn khi sinh hạ, sau đó, bà sẽ vui mừng khi thấy con mình chào đời. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của cuộc đời đức tin nơi chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn của đức tin và hy vọng trong nguồn ơn cứu độ, bởi vì: sau khi mưa trời lại sáng; thất bại là mẹ thành công; và nếu ta cùng chết với Đức Giêsu thì cũng được cùng Ngài sống lại trong vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ, chấp nhận hy sinh, để từ đó, một ngày kia, chúng con được chan chứa niềm vui vì thập giá sẽ nở hoa cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Chịu đau khổ với Chúa, chia sẻ sự sống lại với Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để được hạnh phúc có con thơ, người mẹ phải trải qua những giây phút đau đớn lúc sinh nở. Người Kitô hữu cũng phải can đảm chấp nhận cùng chịu đau khổ với Chúa, mới hy vọng có niềm vui được chia sẻ sự sống lại với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con những niềm vui lớn lao của ngày mùa, sau khi chúng con đã trải qua những tháng ngày gian khổ trên nương đồng. Chúa đã ban cho chúng con được hưởng bao thành  quả sau những ngày vất vả học hành. Vâng, đó là những kinh nghiệm quý giá giúp con hiểu về mầu nhiệm đau khổ. Con tin rằng những đau khổ, hy sinh, cố gắng trên con đường theo Chúa, là dấu hiệu loan báo niềm vui tràn đầy và hạnh phúc đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho những môn đệ tín trung.

Xin cho con xác tín rằng: “sau cơn mưa trời lại sáng”, và cơn mưa giông gió ấy sẽ giúp cho bầu trời trong lành hơn, giúp cho đất đai mầu mỡ hơn và giúp cho vạn vật tươi tốt hơn. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu Con Chúa, đã là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã chấp nhận mọi nỗi đau đớn, tụi nhục, gian khổ, nhưng sau cùng Ngài đã phục sinh vinh hiển, đồng thời Ngài cũng phục sinh toàn thể nhân loại chúng con nữa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con kiên tâm bền chí mà vững bước qua gian lao thử thách theo Chúa đến cùng. Xin giúp con nhận ra giá trị đích thực của những hy sinh từ bỏ, để con biết mau mắn đón nhận đau khổ trong cuộc sống. Xin đừng để con sống buông xuôi, trái lại xin cho con biết lội ngược dòng để đến cùng Chúa là nguồn suối hạnh phúc đích thực. Amen.

Ghi nhớ: “Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

 

Suy niệm 8: Được mời gọi theo đường thập giá Chúa mỗi ngày

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Người thanh niên hỏi Giuse thành Arimathê, người đã táng xác Chúa Giêsu: “Bây giờ ngôi mộ ông cho mượn đã được trả lại. Ông định làm gì với ngôi mộ đó?”.

Giuse nhìn anh một lúc rồi nói: “Khi nghe Ngài sống lại, tự nhiên là tôi chạy đến mộ. Ngài không còn ở đó. Ngài đã trả lại ngôi mộ cho tôi. Nên điều tôi sẽ làm sau đó là: Tôi đặt một ghế băng dưới gốc cây, đối diện với ngôi mộ trống. Buổi chiều, tôi tới ngồi đó và suy nghĩ: “Giêsu Nadarét đã ngủ trong ngôi mộ này và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Giuse Arimathê cũng sẽ nằm trong ngôi mộ này, và điều Chúa sẽ làm cho ta là gì?”. Chúa Giêsu đã nói: “Ta sống và ngươi sẽ sống”. Tôi có thể tin vào lời đó”.

Suy niệm

Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Ðức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Qua đó Ngài khẳng định: xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh.

Như hai môn đệ ngay trong ngày Chúa Phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Emmaus, một làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: “Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel! nhưng”... (x. Lc 24,13-25), Chúa Giêsu Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Môisê, tới các ngôn sứ, đã giải thích: “Ðấng Thiên Sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao?” (x. Lc 24,26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Ngài.

Người môn đệ Chúa Kitô, cũng được mời gọi bước trên con đường thập giá theo Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta cũng sẽ đối diện với thử thách gian nan đau khổ đó là hành trình thập giá, nhưng nếu chúng ta kiên tâm và can đảm vượt qua trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Ðức Giêsu và đạt được niềm vui vĩnh cửu.

Thật thế, chỉ có Ngài, Đấng đã chết và phục sinh mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng… Hai địa điểm “ưu tiên” chúng ta có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh để biến đổi đời sống mình: Lời Chúa và Thánh Thể” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI).

Ý lực sống:

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20).

 

Suy niệm 9: Qua đau khổ đến vinh quang

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giêsu khẳng  định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.

Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giêsu và đạt được niềm vui bất diệt.

2. Trước khi bước vào cuộc tử nan, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.

Nhưng cái chết của Đức Giêsu chỉ là một gian đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.

3. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định: “xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh.

Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Emmaus, một làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: “Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng...” (x.Lc 24,13-25), Chúa Giêsu Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Maisen, tới các tiên tri, đã giải thích: “Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao” (x.Lc 24,26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.

4. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giêsu nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng. Hai môn đệ trên đường đi Emmaus, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giêrusalem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Madalena sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về  báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật: “Bây giờ các con buồn sâu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.

5. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy  được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).

6. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giêsu và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

7. Truyện: Qua đau khổ tới vinh quang.

Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khỏe  mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.

Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mách nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.

Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói:

- Tôi cám ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.

 

Suy niệm 10: Sống vui mừng vì sẽ được về trời

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Các môn đệ được Chúa căn dặn: “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16,7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa... đều da diết, đều chết đi trong lòng một ít, và đối với các tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.

Trở đi mắc núi, trở về mắc sông. Giờ đây, Chúa ra đi, đi sang một thế giới khác hẳn. Chúng ta thử tưởng tượng các môn đệ lúc ấy bơ vơ biết như thế nào. Cùng lắm họ mới theo đạo Chúa được ba năm. Với ba năm theo Chúa chập chững, giờ đây mất Chúa. Kẻ âm người dương. Từ đây một người Do Thái với 33 tuổi tên là Giêsu, sẽ biến khỏi sân khấu lịch sử của nhân loại, với không gian, thời gian khí hậu của miền Palestin. Cho nên các tông đồ buồn khổ là phải lẽ. Từ đây, lấy ai làm trụ cột mà dựa dẫm, lấy đâu làm nơi nương tựa cho những ngày mệt mỏi đời tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã thấy họ buồn và Chúa xác nhận rằng: “Vì Ta đã nói thế nên ưu phiền tràn ngập lòng các ngươi” (Ga 16, 6) Đúng như một kiểu nói:

Mù sương cuộc sống não nề

Thầy đi con ở buồn về ai mang.

Đó là một nỗi buồn nhân loại thấm thía. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng phải vượt qua như thế như nỗi buồn khổ của một người mẹ sinh con. Giây phút chờ đợi đứa con ra đời với biết bao nhiêu là lo lắng hồi hộp, cho sự sống cả mẹ lẫn con và cho cả tương lai đứa con... Nhưng khi đứa con ra chào đời thì nó trở thành niềm vui tràn ngập vì đã cộng tác vào chương trình sáng tạo và tiếp tục dòng dõi nhân loại. Người mẹ vui hẳn lên vì tương lai huy hoàng đang chờ đón con mình, và tương lai của người mẹ như được bảo đảm hơn vì có thêm gậy chống cho tuổi đời.

Cũng tương tự như thế, các môn đệ buồn rầu trước cuộc ra đi của Đấng đã chịu đóng đinh vì mình. Họ lo âu cho tương lai đời họ sẽ đi về đâu, số phận của họ sẽ xoay vần ra sao. Nỗi lo âu có trên một phạm vi nhân loại rất là hữu lý, có vẻ là khôn ngoan, lo xa nữa. Nhưng Chúa nói đó chỉ là nỗi lo âu tạm bợ thôi. Cũng như xưa kia các môn đệ lo lắng làm sao ra của ăn nơi hoang địa, thì Chúa đã ban bánh hóa ra nhiều 2 lần. Nơi Vườn Cây Dầu, các môn đệ lo sợ sống những giây phút căng thẳng... Nhưng rồi Chúa đã Phục Sinh hiện đến giữa họ, ban an bình, lấy lại niềm tin hy vọng. Nay niềm vui chưa trọn thì Chúa lại về Trời. Sự vui qua sự sầu lại tới là thường thế đó.

Nhưng các môn đệ đâu có ngờ Chúa về Trời mà vẫn còn ở lại với họ và những người kế tiếp họ cho đến tận thế. Ngài vẫn sống, nhưng sống cách thiêng liêng vượt trên mọi điều kiện không gian, thời gian. Chính nhờ đó các môn đệ không còn cảm thấy lo sợ và họ còn vui mừng đón nhận cái chết như chính Chúa nữa, vì họ biết có phần tốt nhất đang dành cho họ trên Trời.

Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm những lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên Lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được gia nhập vào Giáo Hội cùng phép Rửa Tội, được Chúa huấn luyện bằng Lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.

 

Suy niệm 11: Buồn vui của người Kitô hữu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúng ta tiếp tục Suy niệm về những buồn vui của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu đã có một nhận xét rất cụ thể và rất hay về vấn đề này: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đã đến giờ của mình; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã được sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Đây là một kinh nghiệm cụ thể về việc cưu mang sinh sản. Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta phải trải qua cưu mang và sinh sản ấy.

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Cách đây không lâu, tạp chí Truyền giáo có đăng một mẫu chuyện ngắn về một bé gái Phi Châu đã chết vì bệnh bạch hầu lúc 13 tuổi. Khi xem lại các đồ dùng quen thuộc của em, cha mẹ em đã đọc được những dòng nhật ký cuối cùng, của em như sau:

“Lạy Chúa, con đang được giải thoát. Trong bóng tối dày đặc của khổ đau và buồn chán, con thoáng thấy bàn tay Chúa đang vẫy gọi con. Nó vụt qua như một tia lửa yếu ớt nhưng cũng đủ chiếu sáng và sưởi ấm lòng con và chẳng ai dành dật được nó khỏi con”.

Thông thường, đau khổ được coi là hình phạt dành cho những kẻ gây ra tội ác. Nếu hình phạt chưa đến với họ, thì đời con đời cháu sẽ phải gánh chịu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Cha ăn nho xanh, con ghê răng” (Ed 18,2).

Chúa Giêsu đã có cái nhìn lạc quan hơn về đau khổ. Với Ngài, đau khổ không hướng về quá khứ, nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng trong đau khổ, nhưng hy vọng vui mừng vì thành quả của đau khổ.

2. Trước nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài, Chúa mời gọi các ông đừng lắng đọng trong buồn phiền khổ sầu, nhưng hướng về niềm vui tương lai.

Lời nhắn nhủ của Chúa xưa cho các tông đồ cũng là lời được gửi đến cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay: Nếu chỉ ngồi đó mà than trách hoặc đặt câu hỏi thì đau khổ vẫn mãi còn đó nhưng nếu biết hướng về Thập Giá, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Thập Giá sẽ là ánh sáng soi đường chúng ta trong những tăm tối cuộc đời, và qua Thập Giá, chúng ta sẽ tới được Ánh Sáng.

Tại một miền quê bên Mỹ vào thời lập quốc, có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang vì tội ăn trộm cừu. Dân trong làng đã mở tỏa án để xét xử.

Sau khi nghị án, mọi người đồng ý cho khắc trên trán của mỗi tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là “kẻ ăn trộm”.

Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự xỉ nhục đã trốn sang một vùng khác để quên đi dĩ vãng của mình. Nhưng anh ta không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán. Bất cứ người nào gặp anh ta, họ cũng tra hỏi anh ta về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa không chịu nổi sự nhục nhã, anh ta lại rời bỏ nơi mình đang cư ngụ để tiếp tục sống lang thang. Cuối cùng, vì mòn mỏi trong cay đắng anh ta đã bỏ mình nơi đất khách quê người.

Nếu người anh đã bị xỉ nhục gặm nhấm đến nỗi phải chạy trốn suốt cả cuộc đời thì người em lại tự nhủ:

“Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì tội ăn trộm mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tái tạo sự tin tưởng nơi những người chung quanh cũng như nơi chính mình”.

Với quyết tâm đó, anh ta đã ở lại trong xứ sở của mình. Không bao lâu anh đã xây dựng được một sự nghiệp lớn và tạo được danh thơm tiếng tốt cho chính mình.

Nhưng dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi trên trán anh. Ngày kia, có người lạ mặt hỏi một cụ già về ý nghĩa của hai chữ ấy. Cụ già suy nghĩ một lát rồi trả lời:

- Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ ấy. Nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng, hai chữ ấy có nghĩa là “Thánh thiện”

Một thi sĩ Ấn Độ đã viết:

“Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa.

Hãy tin ở ngày hôm nay, vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa.

Hãy tin ở những người chung quanh mình, vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Hãy tin ở hiện tại, vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.

Hãy tin ở tình yêu của Chúa, vì Ngài tha thứ cho bạn và bạn cũng hãy tha thứ cho chính mình”.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, và Ngài mời gọi chúng ta cũng đừng thất vọng về mình. Mỗi may mắn là dịp để chúng ta cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi thất bại và đau khổ là khởi đầu cho một nguồn ơn dồi dào hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương ta. Amen.
 

Do not be afraid – Suy niệm theo The WAU (27.5.2022)
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – May 2022

Friday May 27th 2022
Meditation: Acts 18, 9-18

Do not be afraid…, for I am with you. (Acts 18:9, 10)

God spoke these words to the apostle Paul in a vision he had while he was in Corinth. Paul had barely escaped death several times, and his life in Corinth would not be trouble-free. But the Lord encouraged him to settle down for an extended stay with this young church without fear because “I am with you” (Acts 18:10). Not long after, as he stood before the tribunal in Corinth, Paul surely had to remember the Lord’s promise to him in order to remain peaceful!

Again and again in Scripture, we find this stirring message: “Do not be afraid.” Often, God says it to someone he’s calling to take up a new challenge: when he invited Abraham to enter into a covenant with him, when he called Moses to rescue his people from slavery, when he anointed Isaiah as a prophet, and when he chose Mary to bear the Messiah and chose Joseph to protect the holy infant. 

Most of these individuals reacted as we probably would: “Who, me?” Or even, “Not me! There must be some mistake.”

But God’s response is always the same: “Do not fear: I am with you; do not be anxious: I am your God” (Isaiah 41:10). Our shortcomings are real, but they aren’t the final word. God promises that his power can be made perfect in our weakness (2 Corinthians 12:9). 

 

We might feel afraid when we focus on unfamiliar circumstances or looming challenges. But that fear subsides as we remember the goodness and power of God. Yes, Jesus promises that one day we will see him again (John 16:22). But even now, he is with us. He has promised to remain with us, and he is able to handle anything that we face. 

 

We can find joy and encouragement in Jesus’ presence with us through the Scriptures, through the Eucharist, and in one another. Like Paul, we can recall what Jesus has done in our lives and all the ways he has reassured us. We can fix our eyes on him and know that he is with us. And that can dispel our fear. 

 

 

“Jesus, help me to know you are with me.”

Thứ Sáu tuần VI Phục Sinh
ngày 27.5.2022

Suy niệm: Cv 18, 9-18

Đừng sợ…, vì Ta ở với ngươi (Cv 18,9-10)

Thiên Chúa đã phán những lời này với tông đồ Phaolô trong một thị kiến mà ông đã có khi ở Côrintô. Thánh Phaolô đã vài lần thoát chết, và cuộc sống của ông ở Côrintô không mấy suông sẻ. Nhưng Chúa đã khuyến khích ông vững tâm để gắn bó lâu dài với hội Thánh non trẻ này mà không sợ hãi vì “Ta ở cùng ngươi” (Cv 18,10). Không lâu sau, khi đứng trước tòa xét xử ở Côrintô, Phaolô chắc chắn phải ghi nhớ lời Chúa hứa với ông để giữ được bình an! 

Trong Kinh thánh lặp đi lặp lại, chúng ta tìm thấy thông điệp gây xúc động này: “Đừng sợ”. Thông thường, Thiên Chúa nói điều đó với người mà Ngài đang kêu gọi để thực hiện một thử thách mới: khi Ngài mời Abraham ký kết giao ước với mình, khi Ngài kêu gọi Môisen để giải cứu dân tộc của mình khỏi ách nô lệ, khi Ngài xức dầu cho Isaia làm nhà tiên tri, và khi Ngài đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Mêsia và chọn thánh Giuse để bảo vệ Hài Nhi Giêsu. 

Hầu hết những người này phản ứng như chúng ta có thể sẽ: “Ai, tôi sao?” Hoặc thậm chí, “Không phải tôi! Chắc có gì nhầm lẫn”. 

Nhưng phản ứng của Thiên Chúa luôn luôn giống nhau: “Đừng sợ: Ta ở cùng ngươi; đừng lo lắng: Ta là Thiên Chúa của ngươi” (Is 41,10). Những thiếu sót của chúng ta là có thật, nhưng chúng không phải là lời cuối cùng. Thiên Chúa hứa rằng quyền năng của Ngài có thể được hoàn thiện trong sự yếu đuối của chúng ta (2Cr 12,9). 

Chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi khi tập trung vào những hoàn cảnh không quen thuộc hoặc những thử thách thấp thoáng. Nhưng nỗi sợ hãi đó sẽ giảm bớt khi chúng ta nhớ đến sự tốt lành và quyền năng của Thiên Chúa. Đúng vậy, Chúa Giêsu hứa rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại Ngài (Ga 16,22). Nhưng ngay cả bây giờ, Ngài vẫn ở bên chúng ta. Ngài đã hứa sẽ ở lại với chúng ta, và Ngài có thể giải quyết bất cứ điều gì mà chúng ta phải đối mặt. 

Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và sự khích lệ trong sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta qua Kinh Thánh, qua Bí tích Thánh Thể và qua nhau. Giống như thánh Phaolô, chúng ta có thể nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã làm trong cuộc sống của chúng ta và tất cả những cách Ngài đã trấn an chúng ta. Chúng ta có thể dán mắt vào Ngài và biết rằng Ngài đang ở bên chúng ta. Và điều đó có thể xua tan nỗi sợ hãi của chúng ta. 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết Chúa đang ở bên con.  

* * *

Ga 16, 20-23
Anh em sẽ đau buồn, nhưng đau buồn của anh em
sẽ trở thành niềm vui (Ga 16,20)

Khi chúng ta xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn sách, việc theo dõi cốt truyện thường khá dễ dàng. Chúng ta hiểu câu chuyện bởi vì chúng ta nhìn thấy sự kiện này nối tiếp sự kiện khác và chúng ta bắt đầu cảm nhận được câu chuyện đang hướng đến đâu. Chẳng phải sẽ tốt đẹp nếu cuộc sống diễn ra theo cùng một cách sao? Vấn đề là khi bạn đang ở “bên trong” một câu chuyện, bạn có thể dễ dàng bị mất dòng chảy của cốt truyện và tự hỏi nó đang hướng đến đâu.

Khi Chúa Giêsu đến gần nơi bị đóng đinh, Ngài cố gắng giúp các môn đệ giải quyết tình trạng bối rối này. Ngài biết rằng họ sẽ phải đối mặt với một thử thách rất lớn khi chứng kiến ​​ Ngài chết trên thập tự giá. Để chuẩn bị cho họ, Ngài giải thích rằng đây là một phần của câu chuyện tuyệt vời mà Ngài đã gọi họ vào. Họ sẽ phải trải qua nỗi đau đớn tột cùng và họ sẽ cảm thấy lạc lõng với phần còn lại của thế giới. Nhưng đó sẽ không phải là chương cuối cùng. Nỗi đau của họ sẽ được chuyển thành niềm vui, và câu chuyện sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Bạn có tin rằng cuộc sống của bạn là một phần của câu chuyện tương tự này không? Trong khi các môn đệ phải vật lộn với nỗi đau buồn về cái chết của Chúa Giêsu, thì phần câu chuyện của bạn sẽ đến sau. Bạn đã biết về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nếu bạn có thể tập trung vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu đối với tội lỗi và sự chết, bạn sẽ biết một niềm vui, sự ổn định và bình an mà không gì trên thế giới này có thể lấy đi của bạn.

Đôi khi, chúng ta mất dấu câu chuyện của Thiên Chúa. Chúng ta quên rằng niềm vui của chúng ta đến từ sự cứu rỗi của Chúa Giêsu, không phải từ câu chuyện mà thế gian đưa ra cho chúng ta. Mất tập trung, chúng ta có thể bắt đầu mất lòng tin rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần đắm mình mỗi ngày trong câu chuyện của Kinh thánh. Chúng ta cần lời Chúa để rèn luyện sự tập trung của mình.

Đừng bao giờ quên rằng bạn là một phần của một câu chuyện sử thi. Bạn là một trong những “nhân chứng. nhiều. . .như  những đám mây” mà cuộc sống của họ đã được thay đổi bởi Chúa (Hr 12,1). Bạn không chỉ là một người quan sát thụ động; bạn là một người tham gia tích cực. Hôm nay, bạn có một vai trò nhất định trong việc tiếp tục câu chuyện này – và Chúa Giêsu ở ngay bên cạnh bạn, giúp bạn trên mọi bước đường.

Lạy Chúa, xin dạy con câu chuyện tuyệt vời về sự cứu rỗi của Chúa. Xin giúp con biến nó thành câu chuyện của cuộc đời mình.​​​​​​​

Sorrow to joy – SN song ngữ Anh – Việt (27.5.2022)
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Friday (May 27)

 “Your sorrow will turn into joy”

Scripture: John 16:20-23  

20 Truly, truly, I say to you, you will weep and lament, but the world will rejoice; you will be sorrowful, but your sorrow will turn into joy. 21 When a woman is in travail she has sorrow, because her hour has come; but when she is delivered of the child, she no longer remembers the  anguish, for joy that a child is born into the world. 22 So you have sorrow now, but I will see you again and your hearts will rejoice, and no one will take your joy from you.  23 In that day you will ask nothing of me. Truly, truly, I say to you, if you ask anything of the Father, he will give it to you in my name.

 

Thứ Sáu ngày 27.5.2022          

 

Đau khổ của anh em sẽ trở thành niềm vui

Ga 16,20-23

20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.

Meditation: Why did the Lord Jesus tell his disciples that they would weep and be sorrowful? Jesus was neither a pessimist nor a masochist, and he was certainly more than a realist! The way to happiness and joy in the kingdom of God is through the cross. Sin must be brought to the cross of Jesus Christ and evil can only be completely mastered by the power of God’s redeeming love. Jesus told his disciples that it was more blessed to mourn for sin because it would yield the fruit of peace, joy, and righteousness. Jesus knew that the cross would be a stumbling block for those who refused to believe in him.

 

We, too, have a share in the victory and joy of Christ’s resurrection

The cross for Jesus was not defeat but victory – victory over sin, over the forces of evil in the world, and over the devil – the arch-enemy of God and the human race. Through his atoning sacrifice on the cross Jesus won for us new abundant life and freedom over the power of sin, despair, and death. He was raised in power from the tomb on the third day and his glorified body will never taste death again. The Easter victory of the Lord Jesus gives us courage, strength, and confident hope in the face of suffering and death. In the resurrection of Jesus Christ our fears are laid to rest. His resurrection is total and final triumph over death, and for us peace and joy in the confident hope that we, too, will be raised to everlasting life with Christ.

We will have trials in this present age – but, through the eyes of faith, we know the final outcome – complete victory over sin, suffering, and death in Jesus Christ. That is why we can pray confidently now, knowing that the Father in heaven will give us everything we need to live as his children and as disciples of our Lord Jesus Christ. Do you know the Easter joy of Christ’s victory over sin and death?

“Lord Jesus, we are an Easter people, and alleluia is our song. Fill us with your Holy Spirit that we may we radiate the joy of your Resurrection and live in the reality of your great victory over sin and death.”

 

Suy niệm: Tại sao Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng họ sẽ khóc lóc và đau buồn? Ðức Giêsu không phải là người bi quan, cũng không phải là người quá khích, và chắc chắn Người còn hơn cả người thực tế! Con đường dẫn tới hạnh phúc và niềm vui trong vương quốc Thiên Chúa là ngang qua thánh giá. Tội lỗi phải được đưa đến thập giá của Đức Giêsu Kitô, và sự dữ chỉ có thể hoàn toàn được khống chế bởi sức mạnh của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng thật có phúc hơn để khóc lóc cho tội lỗi, bởi vì nó sẽ sản sinh hoa trái của bình an, niềm vui, và sự công chính. Ðức Giêsu biết rằng thập giá sẽ khối đá làm vấp chân cho những ai khước từ tin tưởng vào Người.

Chúng ta cũng chia sẻ chiến thắng và niềm vui phục sinh của Đức Kitô

Thập giá đối với Ðức Giêsu không phải là thất bại nhưng là sự chiến thắng – chiến thắng trên tội lỗi, trên những sức mạnh của sự dữ trong thế gian, và trên ma quỷ – kẻ thù không đội trời chung với Thiên Chúa và loài người. Ngang qua lễ tế đền tội trên thập giá, Ðức Giêsu đã đem lại cho chúng ta sự sống mới sung mãn và sự giải thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi, thất vọng, và sự chết. Vào ngày thứ ba, Người đã ra khỏi  mộ trong quyền năng, và thân xác vinh hiển của Người sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chiến thắng phục sinh của Ðức Giêsu ban cho chúng ta sự can đảm, sức mạnh, và sự hy vọng tự tin trong sự đối diện với đau khổ và sự chết. Trong sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, những sợ hãi của chúng ta đi đến chỗ kết thúc. Sự sống lại của Người là sự chiến thắng hoàn toàn và cuối cùng trên sự chết, và cho chúng ta sự bình an và niềm vui trong sự hy vọng tự tin rằng: chúng ta cũng sẽ được sống lại mãi mãi với Đức Kitô.

Chúng ta sẽ có những thử thách trong thực tại hiện nay. Nhưng qua đôi mắt đức tin, chúng ta biết được kết quả cuối cùng – sự chiến thắng hoàn toàn trên tội lỗi, đau khổ, và sự chết trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể cầu nguyện một cách tự tin hiện nay, vì biết rằng Cha trên trời sẽ ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần để sống như con cái và như các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Bạn có biết niềm vui phục sinh chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết không?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là một dân tộc phục sinh, và Alleluia là bài ca của chúng con. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa để chúng con lan tỏa niềm vui phục sinh của Chúa và sống trong thực tại chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây