GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thứ Tư tuần 4 thường niên.

Thứ Tư tuần 4 thường niên.

Thứ Tư tuần 4 thường niên.

"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".

 

Lời Chúa: Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

 

 

Suy Niệm 1: Quê quán của Người

Suy niệm:

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.

Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.

Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…

Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.

Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.

“Bởi đâu ông này được như thế?

Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?

Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).

Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận

sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm

mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.

Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.

Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,

và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?

Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.

Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.

Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,

những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.

Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.

Chính cái biết này đã ngăn cản

khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.

Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ

nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.

Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:

một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.

Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,

không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.

Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?

Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.

Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2BẢN TÍNH KHÓ DỜI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người khó thay đổi. Khó thay đổi vì quá quen thuộc. Đã thành nếp. Nếp ăn. Nếp nghĩ. Người dân Na-da-rét quá quen với hình ảnh Chúa Giê-su thợ mộc. Cha Người làm thợ mộc. Người cũng làm thợ mộc. Không thể khác được. Khó thay đổi vì ngại ngùng. Tuy nghe tiếng Người ở Ca-phác-na-um đã làm những điều kỳ diệu. Tuy trực tiếp nghe những lời lẽ khôn ngoan Người nói. Họ ngạc nhiên vì sự thay đổi nơi Chúa Giê-su. “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Nhưng chính họ không chịu thay đổi. Đã quen với ý niệm Giê-su thợ mộc, họ không thể đổi thành ý niệm Giê-su tiên tri được. “Và họ vấp ngã vì Người”.

Con người vốn yếu đuối và hay sai lầm. Vì thế cần thay đổi. Cần sám hối. Cần được chỉ dạy.

Thư Do thái khuyên nhủ ta hãy biết khiêm tốn nhận lời chỉ dạy của Chúa. Đó là tình yêu thương của Chúa. Yêu cho roi cho vọt. “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy”. Chỉ khi khiêm tốn đón nhận, ta mới thay đổi để nên tốt hơn. “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (năm lẻ).

Đa-vít trở nên thánh vương vì ngài biết khiêm nhường chấp nhận tội lỗi. “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn”. Sám hối ngay khi được tiên tri Gát cảnh tỉnh. Và sẵn sàng đón nhận sự sửa dạy của Chúa. “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!” Thay đổi như thế cần sự khiêm nhường. Biết mình. Phục thiện. HOàn toàn đón nhận thánh ý (năm chẵn). Đó là điều người dân Na-da-rét thiếu. Họ kiêu ngạo. Không biết mình. Và tệ nhất là không phục thiện để thay đổi.

Xin cho con biết khiêm nhường. Biết mình. Và mạnh dạn thay đổi. Theo lời Chúa dạy.

 

SUY NIỆM 3: Cuộc sống âm thầm

Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:

- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.

Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.

Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:

- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".

Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"

Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Quen quá hóa lờn

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc. 6, 1-2)

Hẳn một ngày nào đó bạn đã có một kinh nghiệm này về chụp ảnh: để lấy hình một đài kỷ niệm hoặc một tòa nhà, bạn phải lùi lại xa. Đứng gần quá bạn chỉ trông thấy được một khối khổng lồ, nặng nề như muốn đè bẹp ta. Khi lấy ảnh quá gần, ta chỉ thấy được những tiểu tiết, không có được cái nhìn khái quát.

Những tương quan xã hội, gia đình, bằng hữu của ta cũng chịu chung số phận như vậy. Gần nhau quá nhiều dễ làm ta mất ý thức về người khác, nên dễ lờn, dễ coi thường… có khi lại chỉ nhìn thấy một vài khuyết điểm nhỏ nhoi của họ, mà không nhận ra bao điểm tốt khác.

Những người làng Nadarét đã có một cái nhìn quá gần, quá thiển cận về Chúa Giêsu. Đúng là “Gần chùa gọi Bụt bằng anh!”.

Từ mệt mỏi đến chán nản

Làm sao giải thích hiện tượng này?

Chủ yếu là bởi tại ta chỉ là những con người phàm trần, những người lớn. Phải, ta mau chán, mau quen lờn khiến cho cái mới dễ trở nên cũ, không còn hấp dẫn, như ta vẫn thường nói “có mới nới cũ” là vậy đó. Thực ra chỉ có các trẻ em – và những ai giống như chúng – mới có thể giữ cho cái nhìn ngỡ ngàng và cảm phục của mình luôn mới mẻ. Tuổi trẻ thường ngưỡng mộ các anh hùng, hoặc tuổi trẻ tài cao, như ta vẫn nói. Thế rồi, sau một thời gian, ta lại vội vã thu mình vào khung cảnh thường nhật và nếp sống đã quen, hầu che dấu đi những nỗi chán nản thất vọng của ta. Ta không còn ngưỡng mộ ai khác, ngay cả chính bản thân mình nữa.

Từ lòng tin đến nhận biết

Thế nên câu Phúc âm sau đây tuy vắn vỏi nhưng thật có tầm quan trọng: “Người lấy làm lạ vì họ không tin!”…

Đức tin không những là cần thiết để đón nhận lời Chúa Giêsu quả quyết Người là Con Thiên Chúa và là Con Người. Đức tin là cần thiết cốt để hiểu biết rõ Đức Kitô, cũng như để nhận biết mọi con người vậy.

Ta chỉ biết rõ một người, nếu như ta có lòng tin vào họ. Con người dù là nam hay nữ đều là một huyền nhiệm. Phải tin vào huyền nhiệm đó, nghĩa là tin vào cái thực thể phong phú, không bao giờ nắm bắt hết được, tin vào cái chiều sâu khôn lường của một nhân vị. Đó chính là nền tảng của mọi nhận thức vậy.

Nhận biết một người là tin trưóc rằng người ấy là một con người.

Tiếp đó, chúng ta mới sẽ có thể tin bằng tất cả sự thật rằng nơi con người này là Đức Giêsu Kitô còn có một huyền nhiệm khác nữa – huyền nhiệm là Con Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 5: SỐ PHẬN TIÊN TRI VÀ QUÊ HƯƠNG (Mc , 6, 1 – 6)

Trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn hay nói: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; hay: “Bụt chùa nhà không thiêng, thiêng Bụt chùa người”.

Hôm nay, Đức Giêsu bị chính đồng hương của mình khinh miệt. Chuyện kể rằng: sau một khoảng thời gian, Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ, hôm nay, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mặc dù lời dạy của Ngài thật khôn ngoan và uy quyền, thế nhưng với những người đồng hương, họ sẵn có tính kỳ thị, và chính từ đó, lòng họ trở nên chai lỳ. Họ nói với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?".

Lối phản ứng trên đây cho thấy một sự lạnh nhạt, và không chấp nhận những giáo huấn của Đức Giêsu, mặc dù vẫn biết đấy là lời khôn ngoan!

Lối nói: "Con bà Maria" là lối nói kiểu khinh thường. Mẹ Maria cũng là người bình thường như ai, vậy thì một người vô danh tiểu tốt như thế không thể sinh ra một người con phi thường được, nên họ có đủ lý do để khước từ Đức Giêsu!

Trong cuộc sống của chúng ta, chắc cũng không thiếu những lối suy nghĩ như vậy! Một khi đã có sẵn trong lòng sự kỳ thị nào đó, thì nơi người ấy không có chút gì là tốt và chúng ta cũng không ngừng tìm mọi cách để làm cho họ không còn uy tín để làm việc...

Tại sao lại có những lối suy nghĩ xa lạ với Tin Mừng như thế? Thưa! Đơn giản là vì sự ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi và kiêu ngạo luôn luôn ngự trị trong lối nhìn và cách nghĩ của chúng ta, khiến ta không thể vượt ra xa và nhìn rộng để thấy tổng quát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng phấn đấu để vượt thắng những tham sân si đó, sống quảng đại và sẵn sàng đón nhận những giá trị tốt nơi người anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có cái nhìn của Chúa, để chúng con biết yêu thương không giới hạn và sẵn sàng đón nhận anh chị em mình như Chúa đã quảng đại đón nhận chúng con là con Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Đại thi hào R. Tagore, thi sĩ nổi tiếng Ấn Độ, là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu…

Một ngày kia ông làm được một bài thơ và đưa cho bố coi thử. Chẳng biết bố có đọc hết hay không, nhưng liền nhăn mũi mà bảo: “Dở ẹc”.

Ngày hôm sau, cậu lại sáng tác một bài thơ khác và cũng đưa cho bố coi thử. Lần này bố liền “kê tủ đứng vào mũi” cậu nhóc: “Đúng là bài thơ… con cóc”.

Bực quá, cậu nhóc bèn chơi trò láu cá, cậu nghĩ ra một cái mưu nho nhỏ, đó là đem bài thơ vừa mới làm xong, chép lại cẩn thận, rồi ghi thêm xuất xứ từ trong một tập thơ cổ.

Lần này thì bố cứ đọc đi đọc lại, rồi vỗ đùi đánh đét một phát và phán: “Tuyệt vời, tuyệt vời, còn trên cả tuyệt vời nữa”.

Sau đó, ông bố đem bài thơ khoe với anh con trai lớn, đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Cả hai bố con đều tấm tắc khen lấy khen để, rồi lại còn muốn đem trình làng cho bà con thiên hạ cùng thưởng thức. Và để cho ăn chắc, bèn bảo cậu nhóc đem cuốn thơ cổ ra để đối chiếu. Tới lúc đó thì mới vỡ lẽ ra: bài thơ ấy chính là của cậu nhóc. Ông bố giận sôi lên sùng sục, nhưng cũng cảm thấy thán phục cậu nhóc và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình (Theo trang mạng Dũng Lạc).

Suy niệm

Dân làng Nadarét, quê hương của Đức Kitô không tin vào Ngài, Đấng được Thiên Chúa sai đến, dù rằng họ rất ngạc nhiên, sửng sốt khi nghe những lời giáo huấn từ Ngài, nhưng gốc gác, thân thế về gia đình Đức Giêsu khiến họ hoài nghi về sứ vụ Mêssia của Ngài: “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?” (Mc 6,3).

Theo M.E. Boismard “Có thể là vì thời Đức Giêsu, người Do Thái vốn có một niềm tin khá phổ biến là Đấng Kitô phải có một nguồn gốc siêu phàm huyền nhiệm. Sau này trong buổi đối thoại với một người Do Thái là Tryphon, thánh Giustinô (khoảng năm 150) làm vang vọng lại niềm tin này khi kể lại ý niệm sau đây của những học giả Do Thái: “Nếu có người nói rằng Đấng Mêssia đã đến rồi, người ta đâu biết ai. Chỉ khi Ngài tỏ mình ra trong vinh quang, là người ta sẽ nhận ra ngay ngài là Đấng Mêssia” (Dial. 110,1).

Có lẽ vì thế với dân làng Nadarét nói riêng và dân Do Thái nói chung, khi biết thân phận khiêm tốn của Ngài “Họ đã vấp phạm vì Người” (Mc 6,3b), họ đã cố chấp cứng tin (x. Mc 6,6). Vì nguồn gốc khiêm tốn, vì quá quen biết về gia đình của Đức Giêsu, lòng ghen ghét đố kị đã khiến họ không tin vào Ngài cho nên thánh Gioan Kim Khẩu xác định: “Sự đố kị ghen ghét đi vào trong trái tim và đặt họ vào tình trạng chống đối với Đức Kitô” (Homélie XLIX sur l’évangile selon saint Matthieu).

Khi suy gẫm hành động cố chấp cứng tin của dân nói chung và của dân làng Nadarét nói riêng, chúng ta có cảm nghiệm đó cũng là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, nơi những người cố chấp không tin.

Ngày hôm nay, trong phương diện tập thể, thế giới muốn tục hóa dù rằng mình được nuôi sống trong nền văn hóa Kitô giáo (như ở Âu châu và Bắc Mỹ) chối bỏ nguồn gốc niềm tin của mình. Trên phương diện cá thể, người có đức tin lại cảm thấy như muốn xa rời bằng cách sống niềm tin hời hợt, họ mang tâm trạng như dân gian có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Hay họ vẫn còn niềm tin vào Thầy, vào Đức Kitô, vào Thiên Chúa nhưng cách thực hành niềm tin mang dấu ấn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, khi dồn sức tất cả cho giấc mơ tiền tài vật chất mà quên hoặc coi nhẹ cách thực thi đức tin theo lời giáo huấn của Thiên Chúa.

Thật thế, như Gioan thánh sử đã nói:

‘‘Người đã đến nhà mình,  nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Hôm nay nhìn vào thái độ của dân làng Nadarét đối với Đức Kitô: Vấp phạm vì Ngài, cố chấp không tin, chúng ta cũng suy nghĩ về thái độ đức tin của chúng ta vào Ngài: Tin hay không tin trong đời sống hằng ngày. Rất có thể chúng ta đang có thái độ của dân làng Nadarét bằng cách cư xử, sống hững hờ với niềm tin chính mình, so đo thiệt hơn, ích kỷ với tính toán tiền bạc, cơm áo gạo tiền mà quên đi tin là chấp nhận sống trung thành lúc bình an hạnh phúc, đầy đủ nhưng cũng trung thành vượt khó với đức tin.

 

 Suy Niệm 7Chúa Giêsu bị khước từ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi đi rao giảng Tin Mừng một thời gian ngắn, hôm nay Chúa Giêsu trở về Nagiarét quê hương của Người. Người vào giảng dạy trong hội đường. Ai nấy đều cảm phục vì bao phép lạ Người làm, vì giáo lý của Người rất cao siêu và giảng dạy rất khôn ngoan. Nhưng vì họ cứ nghĩ Người là một anh thợ mộc tầm thường trong làng, mà không nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, nên không chịu tin Lời Người. Họ có thành kiến lớn lao đối với Người. Thế nên Người không làm phép lạ nào để cứu giúp họ, mà chỉ chữa vài người bệnh, vì Người không muốn tỏ quyền năng của Người cho những kẻ đóng kín tâm hồn.

2. Theo ông Đào Duy Anh, “Thành kiến” là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có nữa. Thành  kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính mầu xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính mầu đỏ thì vật gì cũng đỏ.

Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi yêu thì coi mọi sự đều đẹp đều tốt, khi ghét thì mọi cái là xấu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét ca tông chi họ hàng”.

3. Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng Thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ  vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên; do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình” (Ga 4,44).

4. Dân làng Nagiarét không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó  có thể là Vị Cứu Tinh, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân làng Nazareth, Chúa Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế  như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

5. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng.

Các nhà rao giảng Tin Mừng hãy bắt chước Chúa Giêsu mà đón nhận thái độ “Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Chúa Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.

6.  Truyện: Cậu bé R. Tagore.

R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê:

- Thơ mày là thơ thẩn!

Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.

Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:

- Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.

Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia ra để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.

Đến đây câu chuyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.



 

SUY NIỆM

  1. “Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên”

Tại quê nhà, khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, nhiều người rất đỗi ngạc nhiên ; ngạc nhiên đến độ họ nêu ra một loạt năm câu hỏi :

Bởi đâu ông ta được như thế?
Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?
Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?

Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?
Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? 
(c. 2-3)

Sự ngạc nhiên của họ đến từ sự tương phản : một đàng là sự khôn ngoan và hành động thần linh của Đức Giê-su, một đàng là « cái biết chắc chắn, khách quan có thể kiểm chứng » của họ về Người. Và sự tương phản này làm cho họ vấp ngã, thay vì dẫn họ đến lòng tin. Đối với Đức Giê-su, đó là điều thường xảy ra với một ngôn sứ :

Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi. (c. 4)

Qua câu nói trên, Đức Giê-su đồng hóa mình với một ngôn sứ và đón nhận thân phận của một ngôn sứ ; và trong mặc khải Cựu Ước, hình ảnh tiêu biểu và cũng là điểm tới của mọi ngôn sứ là thân phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52-53). Dù vậy, điều này cũng làm cho Người ngạc nhiên :

Người lấy làm lạ, vì họ không tin.
Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy. 
(c. 6)

Như thế, bản văn Tin Mừng của chúng ta mở đầu bằng sự kiện người ta « ngạc nhiên » về Đức Giê-su (c. 2) và kết thúc với sự kiện Đức Giê-su « ngạc nhiên » về lựa chọn không tin của họ (c. 6). Họ không tin, nên Người không làm được gì cho họ ; bởi vì, Người cần lòng tin của từng người để có thể nói : « lòng tin của con đã cứu con » (Mc 5, 34), và Người bỏ mặc họ để đi đến các làng chung quanh. Nhưng thực ra, họ đã « bỏ mặc » Đức Giê-su trước, khi lựa chọn không tin.

 2. Lựa chọn không tin

Vấn đề của người Do thái xưa dường như cũng là vấn đề của con người hôm nay, và có thể của chính chúng ta nữa, khi đối diện với ngôi vị của Đức Giê-su. Thật vậy, ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, đúng nghĩa hay giả mạo, người ta tự cho mình biết nhiều hơn và khách quan hơn về con người Đức Giêsu Nazareth, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài. Có người cho Ngài là một nhà cải cách về tôn giáo, người khác về luân lý, người khác về xã hội, người khác cho Ngài là người duy lý, duy nhân bản,… Tuy nhiên, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”. Khó khăn trong việc tin Đức Giê-su Nazareth, con của ông Giuse và bà Maria, là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”, cũng chính là khó khăn khi chúng ta tin nơi Thiên Chúa đã “bao bọc con cả sau lẫn trước; bàn tay của Người, Người đặt lên con” (Tv 139, 5), khởi từ thiên nhiên, lịch sử, từ cuộc đời của chúng ta và những biến cố mà chúng ta đã trải qua.

Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 43-46). Như thế, người ta không thể tin vào Đức Giê-su nếu không tin vào Thiên Chúa; và Đức Giê-su còn nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 16, 6). Bởi vì, Chúa Cha và Chúa con là một: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Như thế, người ta phải tin Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa dẫn đưa, mới để có thể đến với Đức Giê-su. Điều tiên quyết, để tin Đức Giê-su, là chúng ta phải có lòng ước ao Thiên Chúa và quảng đại sống theo lòng ước ao này, bởi vì lòng ước ao này sẽ tìm được và chỉ tìm được lời đáp nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa mà thôi. Nhưng làm thế nào lại không thể không ước ao Thiên Chúa được, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Đây chính là lí do tận cùng của sự kiện Đức Giê-su lấy làm lạ vì người Do thái không tin, vì loài người không tin, vì chúng ta không tin.

Vì thế, Đức Giê-su cũng sẽ ngạc nhiên về lựa chọn không tin của con người hôm nay, và có khi của chính chúng ta nữa. Khi đó, Ngài không thể làm gì lạ lùng cho chúng ta được ; hay đúng hơn Ngài đã làm tất cả, làm cho đến tận cùng nơi bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng con người không đón nhận, con người « bỏ mặc ». Và vì không có lòng tin, chúng ta sẽ bị bỏ mặc : bỏ mặc cho sự nghi ngờ chết chóc, cho vô nghĩa, cho hỗn mang, cho thú tính, cho lòng ghen tị, cho lòng ham muốn, cho bạo lực, cho sự dữ, cho bóng tối và cho sự chết.

 3. Ơn huệ đức tin

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, những người cùng thời với Đức Giê-su, và nhất là những người cùng quê quán với Ngài có thật nhiều ơn phúc, mà chúng ta không có : ơn phúc được thấy Đức Giê-su tận mắt ; ơn phúc được nghe Ngài giảng với sự khôn ngoan và chứng kiến hoặc nghe người ta kể lại những điều lạ lùng Ngài làm ; như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta : « Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? » Và những người cùng quê quán với Đức Giê-su, còn được ơn phúc biết thật rõ về Đức Giê-su, như bài Tin Mừng kể lại : « Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? »

Chắc chắn có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ (c. 5-6).

Tại sao lại như vậy ? Điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết : khởi đi từ những dấu chỉ trong sáng tạo và trong lịch sử (x. Tv 136), chúng ta chỉ có thể trao ban lòng tin và đích thân kinh nghiệm, nghĩa là cảm nếm hoa trái của lòng tin mà thôi. Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.

*  *  *

Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, chúng ta sẽ cảm nếm được ngôi vị thần linh của Chúa, và Người sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.

Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin (x. Trình thuật TM của Thánh Lễ thứ ba, tuần IV TN: Mc 5, 34 và 36), để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày : đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta hiệp nhất trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Đức Giêsu kinh ngạc vì sự cứng tin của họ – SN song ngữ 03.02.2021

Wednesday (February 3):  Jesus marveled because of their unbelief

Scripture:  Mark 6:1-6

1 He went away from there and came to his own country; and his disciples followed him. 2 And on the Sabbath he began to teach in the synagogue; and many who heard him were astonished, saying, “Where did this man get all this? What is the wisdom given to him? What mighty works are wrought by his  hands! 3 Is not this the carpenter, the son of Mary and brother of James and Joses and Judas and Simon, and are not his sisters here with us?” And  they took offense at him. 4 And Jesus said to them, “A prophet is not without honor, except in his own country, and among his own kin, and in his own house.” 5 And he could do no mighty work there, except that he laid his hands upon a few sick people and healed them. 6 And he marveled because of their unbelief. And he went about among the villages teaching.

 

Thứ Tư     3-2                         Đức Giêsu kinh ngạc vì sự cứng tin của họ 

 

Mc 6,1-6 

1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Meditation: 

 

Are you critical towards others, especially those who may be close to you? The most severe critics are often people very familiar to us, a member of our family, a relative, or neighbor or co-worker we rub shoulders with on a regular basis. Jesus faced a severe testing when he returned to his home town, not simply as the carpenter’s son, but now as a rabbi with disciples. It would have been customary for Jesus to go to the synagogue each week during the Sabbath, and when his turn came, to read from the scriptures during the Sabbath service. His hometown folks listened with rapt attention on this occasion because they had heard about the miracles he had performed in other towns. What sign would he do in his hometown?

Look upon your neighbor with the eyes of Christ who comes to heal and restore us

Jesus startled his familiar audience with a seeming rebuke that no prophet or servant of God can receive honor among his own people. The people of Nazareth took offense at Jesus and refused to listen to what he had to say. They despised his preaching because he was a mere workman, a carpenter, and a layman who had no formal training by a scholar or teacher. They also despised him because of his undistinguished family background. How familiarity can breed contempt. Jesus could do no mighty works in their midst because they were closed-minded and unbelieving towards him. If people have come together to hate and to refuse to understand, then they will see no other point of view than their own and they will refuse to love and accept others. How do you treat those who seem disagreeable to you?

 The word “gospel” literally means “good news”. Isaiah had prophesied that the Messiah would come in the power of the Holy Spirit to bring freedom to the afflicted who suffered from physical, mental, or spiritual oppression (see Isaiah 61:1-2). Jesus came to set people free – not only from their physical, mental, and spiritual infirmities – but also from the worst affliction of all – the tyranny of slavery to sin, Satan, and the fear of losing one’s life. God’s power alone can save us from hopelessness, dejection, and emptiness of life. The Gospel of salvation is “good news” for everyone who will receive it. Do you know the joy and freedom of the Gospel?

“Lord Jesus, you are the fulfillment of all our hopes and desires. Your Spirit brings grace, truth, freedom, and abundant life. Set my heart on fire with your love and truth.”

 

Suy niệm:

Bạn có chỉ trích người khác, đặc biệt những người thân thiết với bạn không? Hầu hết những người chỉ trích độc địa nhất thường là những người rất quen biết chúng ta, một thành viên trong gia đình, người bà con, hay hàng xóm, mà chúng ta sát cánh kề vai trong công việc thường ngày. Ðức Giêsu đã đối diện với một thử thách khó khăn khi Người trở về ngôi làng của mình, không đơn giản là người con của bác thợ mộc, nhưng giờ đây với tư cách là một thầy Rabbi có các môn đệ. Ðức Giêsu có thói quen mỗi tuần đi đến đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa và nhân dịp đó đọc Kinh thánh và giải thích cho mọi người. Lúc này, những người làng của Người lắng nghe cách say sưa bởi vì họ đã nghe nói về các phép lạ Người đã làm trong những làng khác. Người sẽ làm phép lạ nào nơi quê hương mình?

Hãy nhìn tha nhân với đôi mắt của Đức Kitô, Đấng đến để chữa lành và phục hồi chúng ta

Ðức Giêsu đã làm cho các thính giả của mình phải sửng sốt với lời nói có vẻ như khiển trách rằng không một vị ngôn sứ hay tôi tớ của Thiên Chúa nào có thể được đón tiếp nồng hậu nơi quê hương mình. Người Nagiarét chống đối Người và từ chối lắng nghe những gì Người nói. Họ coi thường giáo huấn của Người bởi vì Người là một công nhân, một anh thợ mộc, và là một giáo dân, không được một học giả hay một gia sư nào đào tạo chính thức. Họ cũng coi thường Người vì bối cảnh gia đình tầm thường của Người. Sự quen thuộc có thể gây ra sự coi thường lầm lẫn biết bao. Ðức Giêsu có thể không làm một phép lạ nào ở giữa họ bởi vì họ bảo thủ và không tin vào Người. Nếu người ta đến với nhau chỉ để ghen ghét và từ chối hiểu biết nhau thì họ sẽ không có điểm chung nào khác ngoài quan điểm của chính mình, và rồi họ sẽ từ chối yêu thương và đón nhận người khác. Bạn đối xử với những người xem ra bất đồng với bạn như thế nào?

Hạn từ “Tin mừng” theo nghĩa đen là “tin tốt tin vui”. Isaia đã nói tiên tri rằng Đấng Mêsia sẽ đến trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để đem sự giải thoát cho những người đau khổ, những người chịu đau khổ từ sự áp lực từ thể lý, tinh thần, hay ý chí (Is 61,1-2). Ðức Giêsu đến để giải thoát con người được tự do – không chỉ từ những bệnh tật từ thể lý, tinh thần, và ý chí, mà còn khỏi sự đau khổ ghê gớm nhất – là tình trạng nô lệ cho tội lỗi, Satan, và sự sợ hãi cái chết. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta thoát khỏi sự tuyệt vọng, chán nản, và sự trống rỗng của cuộc đời. Tin mừng cứu độ là “tin vui” cho mọi người đón nhận nó. Bạn có biết niềm vui và sự giải thoát của Tin mừng không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự hoàn thành mọi hy vọng và ước muốn của chúng con. Thần Khí Chúa đem lại ơn sủng, sự thật, sự giải thoát, và sự sống sung mãn. Xin đốt cháy lòng con với tình yêu và chân lý của Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây