GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chúng ta hãy nghĩ về bao nhiêu lời hùng biện trống rỗng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, trong...

Hôm 23 tháng Giêng, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp ngày Truyền thông Xã hội năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề “Hãy đến và xem”. Đó là câu Chúa Giêsu nói với những môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đang muốn biết Ngài ở đâu.

Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khác có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ

“Hãy đến và xem” (Ga 1,46) Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ

Anh chị em thân mến,

Lời mời gọi “đến và xem”, vốn là một phần trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc giữa Chúa Giêsu với các môn đệ Người, cũng là phương pháp cho mọi sự truyền thông đích thực của nhân loại. Để có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, là điều làm nên lịch sử (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54, 24 tháng Giêng 2020), cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn, cho rằng chúng ta “đã biết” những điều nhất định. Thay vào đó, chính chúng ta cần ra đi và nhìn thấy chúng, dành thời gian với người dân, lắng nghe những câu chuyện của họ và đối diện với thực tế, là điều luôn làm chúng ta ngạc nhiên cách này cách khác. Chân phước Manuel Lozano Garrido[1] khuyên các ký giả đồng nghiệp: “Hãy mở mắt với sự ngạc nhiên trước những gì các bạn thấy, và để cho đôi bàn tay chạm vào sự tươi mát và sinh động của sự việc, để khi người khác đọc điều bạn viết, chính họ cũng có thể chạm vào điều kỳ diệu linh động của cuộc sống.” Do đó, năm nay tôi muốn dành Sứ điệp này cho lời mời gọi “hãy đến và xem”, là điều có thể gợi ý cho mọi truyền thông có ý muốn trở nên rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong việc giảng dạy hàng ngày của Giáo hội cũng như trong giao tiếp chính trị hoặc xã hội. “Hãy đến và xem!”. Đây luôn là cách mà đức tin Kitô được truyền đạt, từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên bên bờ sông Giođan và Biển Galilê.

Chạm đến cuộc sống

Trước tiên chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề quan trọng của việc tường thuật tin tức. Những tiếng nói sáng suốt từ lâu đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ các phóng sự điều tra nguyên thủy trên báo chí và truyền hình, trên radio và trên các trang web tin tức đang được thay thế bằng các phúc trình rập khuôn theo một tiêu chuẩn, thường là việc tường thuật nhàm chán. Đường lối này ngày càng ít có khả năng nắm bắt chân lý của sự việc và cuộc sống cụ thể của con người, và càng ít nắm bắt hơn nữa những hiện tượng xã hội quan trọng hoặc những phong trào tích cực ở mức độ cốt yếu của chúng. Cuộc khủng hoảng của ngành truyền thông có nguy cơ đưa đến việc một phóng sự được viết trong các tòa soạn, trước các máy tính của cá nhân hay công ty, và trên mạng xã hội, không bao giờ “chạm đến cuộc sống”, không gặp gỡ con người mặt đối mặt để tìm hiểu các câu chuyện hoặc xác minh một số tình huống tại chỗ. Trừ khi chúng ta sẵn sàng với những cuộc gặp gỡ này, chúng ta vẫn chỉ là những khán giả, bất kể tất cả những sáng kiến kỹ thuật có khả năng làm cho chúng ta cảm thấy chìm đắm trong một thực tại lớn hơn và trực tiếp hơn. Mọi công cụ chỉ hữu ích và quý giá nếu nó thúc đẩy chúng ta ra ngoài và xem những thứ, mà nếu không đi gặp, chúng ta sẽ không biết về chúng; hay để chúng ta có thể đăng trên internet những tin tức không có ở nơi khác; hay cho phép những cuộc gặp gỡ mà nếu không sẽ không bao giờ xảy ra.

Tin Mừng như những câu chuyện tin tức

“Hãy đến và xem” là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với những môn đệ tò mò muốn biết về Người sau phép rửa của Ngài ở sông Giođan (Ga 1,39). Người mời gọi họ tiến vào một mối quan hệ với Người. Hơn nửa thế kỷ sau, thánh Gioan, lúc ấy đã cao tuổi, viết Phúc âm của mình, ngài nhớ lại một số chi tiết “đáng là tin tức”, những điều cho thấy chính thánh nhân hiện diện ở sự kiện ngài đang thuật lại và chứng tỏ tác động của kinh nghiệm đó trên cuộc đời của ngài: “Thánh nhân lưu ý rằng: "Đó là khoảng giờ thứ mười”, tức là bốn giờ chiều (x. c. 39). Thánh Gioan cũng kể rằng, ngày hôm sau, Philipphê kể cho Nathanael về cuộc gặp gỡ với Đấng Mêsia. Người bạn của ông hoài nghi và hỏi: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” Ông Philipphê không cố gắng thuyết phục ông Nathanael bằng lý lẽ, nhưng chỉ nói với ông cách đơn giản: “Hãy đến và xem” (x. cc. 45-46). Nathanael đi và nhìn thấy, và từ đó cuộc đời của ông được thay đổi. Đức tin Kitô giáo bắt đầu như thế, và cách đức tin được thông truyền là thế này: như một kiến thức trực tiếp, nảy sinh từ kinh nghiệm, chứ không phải từ lời đồn thổi. “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng bởi vì chính chúng tôi đã nghe.” Dân làng đã nói với người phụ nữ xứ Samaria, sau khi Chúa Giêsu dừng chân tại làng của họ (x. Ga 4,39-42). “Hãy đến và xem” là phương pháp đơn giản nhất để biết một tình huống. Đó là sự xác minh trung thực nhất của mọi thông điệp, bởi vì để biết thì chúng ta cần phải gặp gỡ, cần phải để cho người đứng trước mặt chúng ta nói, để chứng tá của họ đến với chúng ta.

Cám ơn sự can đảm của nhiều nhà báo

Nghề làm báo cũng thế, tường thuật về thực tại đòi hỏi khả năng đi đến những nơi mà không ai nghĩ sẽ đi đến đó: một sự sẵn sàng lên đường và một mong muốn được nhìn thấy với sự hiếu kỳ, cởi mở, và nhiệt thành. Chúng ta phải cảm ơn sự can đảm và dấn thân của tất cả những người chuyên nghiệp đó – các nhà báo, nhà quay phim, biên tập viên, đạo diễn, những người thường liều mạng sống khi thực hiện công việc của họ. Nhờ những nỗ lực của họ mà bây giờ chúng ta biết, chẳng hạn như những gian nan của những người thiểu số bị đàn áp ở nhiều nơi trên thế giới; nhiều hành vi ngược đãi và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường; và rất nhiều cuộc chiến mà không có họ có lẽ sẽ bị lãng quên. Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc tường thuật tin tức, nhưng cho cả xã hội và cho nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói này tàn lụi. Toàn bộ gia đình nhân loại của chúng ta sẽ bị nghèo đi.

Nhiều hoàn cảnh trên thế giới của chúng ta, mà thậm chí trong thời điểm đại dịch này còn nhiều hơn nữa, đang mời gọi các phương tiện truyền thông “hãy đến và xem”. Chúng ta có nguy cơ tường thuật về đại dịch này, cũng như tường thuật về mọi khủng hoảng, chỉ đơn thuần qua lăng kính của các nước giàu có hơn, và do đó không nói hết sự thật. Chẳng hạn, trong vấn đề về vắc-xin và chăm sóc y tế nói chung, có nguy cơ loại trừ những dân tộc nghèo hơn. Ai sẽ cho chúng ta biết về việc điều trị được mòn mỏi mong đợi của người dân ở những ngôi làng nghèo nhất của Á châu, Mỹ châu Latinh và Phi châu? Sự khác biệt xã hội và kinh tế ở bình diện toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vắc-xin chống Covid, trong đó người nghèo luôn đứng ở cuối hàng và quyền phổ quát được chăm sóc sức khỏe tuy được khẳng định về nguyên tắc, nhưng trong thực tế lại bị tước bỏ. Nhưng ngay cả trong thế giới của những người may mắn hơn, bi kịch xã hội của những gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói phần lớn vẫn bị che giấu; hàng dài những người không còn cảm thấy xấu hổ khi phải xếp hàng trước các trung tâm bác ái để nhận một gói cứu trợ không có khuynh hướng trở thành tin tức nữa.

Các cơ hội và những nguy hiểm tiềm ẩn của internet

Internet, với cơ man các diễn đạt truyền thông xã hội của nó, có thể gia tăng khả năng tường thuật và chia sẻ, với nhiều cặp mắt nhìn vào thế giới hơn và một dòng lũ các hình ảnh và chứng từ. Công nghệ kỹ thuật số mang lại cho chúng ta khả năng có thông tin trực tiếp và kịp thời, thường rất hữu ích. Chúng ta có thể nghĩ về những trường hợp khẩn cấp nhất định trong đó internet tường thuật tin tức trước nhất, và thông tri các thông báo chính thức. Nó là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có trách nhiệm với tư cách là người sử dụng và người tiêu thụ. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành nhân chứng của những sự kiện mà các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ không để ý tới, đóng góp cho xã hội và làm nổi bật nhiều câu chuyện hơn, bao gồm những câu chuyện tích cực. Nhờ internet, chúng ta có cơ hội để kể những gì chúng ta thấy, những gì diễn ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ với người khác.

Đồng thời, nguy cơ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội đã trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người. Từ lâu, chúng ta đã biết tin tức và thậm chí cả hình ảnh dễ bị thao túng như thế nào, vì hàng nghìn lý do, thậm chí đôi khi chỉ vì lòng tự ái tầm thường. Điều quan trọng ở đây không phải là xem internet là xấu xa, đe dọa, nhưng trái lại hãy xem đó là một sự thúc đẩy khả năng phân định cao hơn và ý thức trách nhiệm trưởng thành hơn đối với nội dung chúng ta gửi cũng như nhận. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về truyền thông mà chúng ta thực hiện, về thông tin chúng ta chia sẻ, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện đối với tin tức giả, bằng cách vạch mặt chúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi, xem và chia sẻ.

Không gì có thể thay thế được cái nhìn tận mắt

Trong truyền thông, không điều gì có thể thay thế hoàn toàn việc nhìn thấy trực tiếp. Một số điều chỉ có thể học được bằng cách trải nghiệm chúng tận mắt. Trên thực tế, người ta không chỉ giao tiếp bằng những từ ngữ, mà còn bằng mắt, bằng giọng nói và bằng cử chỉ. Sự thu hút của Chúa Giêsu đối với những người gặp Ngài phụ thuộc vào sự thật trong lời rao giảng của Người; nhưng hiệu quả của những điều Người nói không thể tách rời với cách Người nhìn người khác, cách Người đối xử với họ và thậm chí sự im lặng của Người. Các môn đệ không chỉ lắng nghe lời Người, họ còn quan sát Người nói. Thực vậy nơi Người - Logos nhập thể - Ngôi Lời mang lấy một khuôn mặt, Thiên Chúa vô hình để cho mình được nhìn thấy, được nghe và chạm vào, như chính Thánh Gioan đã viết (x. 1 Ga 1,1-3). Lời nói chỉ hiệu quả khi nó được “nhìn thấy”, chỉ khi nó liên quan đến chúng ta qua kinh nghiệm, qua cuộc đối thoại. Vì lý do này, “đến và xem” đã và tiếp tục là điều cần thiết.

Chúng ta hãy nghĩ về bao nhiêu lời hùng biện trống rỗng, ngay cả trong thời đại của chúng ta, trong mọi lĩnh vực của đời sống công cộng, trong thương mại cũng như trong chính trị. Người này hay người kia “nói miên man vô nghĩa... Các lý luận của anh ta như là hai hạt lúa mì ẩn giấu trong hai giạ trấu. Bạn phải tìm kiếm cả ngày để tìm ra chúng, và khi tìm thấy, bạn nhận ra chúng không đáng để tìm kiếm.[2] Những lời đả kích của nhà viết kịch người Anh cũng có giá trị đối với những nhà truyền thông Kitô chúng ta. Tin Mừng của Phúc Âm đã lan rộng khắp thế giới nhờ những cuộc gặp gỡ giữa người với người, từ trái tim đến trái tim, với những người nam nữ chấp nhận lời mời “đến và xem”, và bị đánh động bởi sự “dư dật” tình người tỏa sáng qua cái nhìn, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Mọi công cụ đều có giá trị của nó, và nhà truyền thông vĩ đại là Phaolô thành Tắcsô chắc chắn sẽ sử dụng email và tin nhắn xã hội [nếu có các phương tiện truyền thông đó vào thời ấy]. Tuy nhiên, chính đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái của ngài đã gây ấn tượng với những người đương thời, là những người đã nghe ngài giảng hay may mắn có thời gian ở bên ngài, gặp ngài trong một buổi họp mặt hoặc trong một cuộc trò chuyện riêng. Khi quan sát ngài đang hoạt động ở bất cứ nơi đâu, họ tận mắt chứng kiến tính chân thật và sự hữu ích biết bao cho cuộc sống của họ trong sứ điệp cứu độ, mà nhờ ân sủng Chúa, ngài đã đến rao giảng. Và cho dù không thể gặp trực tiếp người tôi tớ này của Thiên Chúa, các môn đệ được thánh nhân sai đi đã làm chứng cho cách sống của ngài trong Chúa Kitô (x. 1Cr 4,17).

“Trong tay chúng ta có những cuốn sách, nhưng sự thật ở trước mắt chúng ta,” thánh Augustinô [3] đã nói về việc ứng nghiệm những lời tiên tri được tìm thấy trong Sách Thánh. Cũng thế, Tin Mừng trở nên sống động trong thời đại của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta chấp nhận chứng tá thuyết phục của những người đã thay đổi cuộc sống nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Từ hơn hai thiên niên kỷ qua, một chuỗi các cuộc gặp gỡ như vậy đã truyền tải sức hấp dẫn của cuộc phiêu lưu Kitô. Thành ra, thách đố đang chờ chúng ta là truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con đi ra khỏi chính mình,
và lên đường tìm kiếm sự thật.
Xin dạy chúng con đi và nhìn xem,
xin dạy chúng con lắng nghe,
chứ không ấp ủ những thành kiến,
hay đưa ra những kết luận vội vàng.
Xin dạy chúng con đi đến nơi mà không ai muốn đi,
dành thời gian để hiểu,
chú ý đến những điều thiết yếu,
không bị phân tâm bởi những thứ không cần thiết,
phân biệt vẻ ngoài lừa dối với sự thật.
Xin ban cho chúng con ân sủng để nhận ra nơi cư ngụ của Ngài trên thế giới của chúng con
và sự trung thực để nói với người khác những gì chúng con đã thấy.

Rôma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 23 tháng Giêng năm 2021,
Lễ Vọng Kính Nhớ Thánh Phanxicô Đệ Salê


+ Đức Thánh Cha Phanxicô

[1] Ký giả người Tây Ban Nha, sinh năm 1920 và qua đời năm 1971, được tuyên phong chân phước năm 2010.
[2] WILLIAM SHAKESPEARE, Người lái buôn thành Venice, hồi I, cảnh I.
[3] Bài giảng 360/B, 20.

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây