GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Chết vì yêu hay bản năng?

Chết vì yêu hay bản năng?
Khi yêu ai hết mình, ta sẵn sàng chết cho người đó. Nhưng khi chết cho một ai đó, chưa chắc đã là vì ta yêu thương họ. Khi đó, cái chết có vẻ như cao cả và đáng giá kia trở nên thật vô nghĩa, tầm thường và lố bịch.

 

Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

Khi yêu ai hết mình, ta sẵn sàng chết cho người đó. Nhưng khi chết cho một ai đó, chưa chắc đã là vì ta yêu thương họ. Khi đó, cái chết có vẻ như cao cả và đáng giá kia trở nên thật vô nghĩa, tầm thường và lố bịch.

Người ta bảo rằng khi chim bồ nông mẹ không tìm nổi thức ăn cho chim con, chúng sẽ tự mổ ngực mình để làm mồi cho các con của chúng. Bởi thế, nó được đặt làm biểu tượng của tình yêu, một thứ tình yêu cao cả, dám hi sinh cả mạng sống mình cho kẻ mà mình yêu mến. Có lẽ cũng vì thế mà hình ảnh của chúng thường được thêu trên các áo lễ để nhắc nhớ người ta về tình yêu đến chết của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, hành vi được coi là cao cả của chim bồ nông mẹ vẫn chỉ là một hành vi mang tính bản năng không hơn không kém. Nó không phải là một hành vi yêu thương nhưng đơn giản chỉ là một hành động máy móc xảy ra khi chúng bị kích thích bởi tiếng kêu đinh tai nhức óc của lũ chim non hám mồi. Bởi thế, hành vi của chim bồ nông mẹ không xứng đáng và cũng chẳng dính dáng gì với tình yêu. Trái lại, đó là một hành vi tầm thường, mù quáng và vô nghĩa. Vì lũ chim con kia dù được ăn thêm một bữa cũng chẳng sống thêm được bao lâu sau khi mẹ chúng đã chết.

Trái ngược hoàn toàn với hành vi “tự vẫn” đậm tính bản năng của chim bồ nông là cái chết hiến tế của Đức Giêsu dành cho con người lầm lỗi. Đó là một hành vi cao cả nhất mà Ngài có thể dùng để diễn tả tình yêu vô biên của mình. Hành vi đó không là một hành động máy móc nhằm đáp lại tiếng gào thét của nhân loại lầm than nhưng là một kế hoach tình yêu mà Thiên Chúa đã hoạch định từ nguyên thủy. Hơn ai hết, trong việc đón nhận khổ giá và cái chết đau thương, Đức Giêsu hoàn toàn Tự Do, hoàn toàn Ý Thức, hoàn toàn Chủ Ý! Bởi Ngài biết: Ngài không chết để chết nhưng là để Phục sinh chính mình và tất cả những ai tin vào Ngài. Cái chết của Ngài không chỉ giải thoát nhân loại khỏi “cái đói” trong giây lát nhưng được no thỏa muôn đời; Không chỉ cho nhân loại được thoi thóp thêm ít lâu nhưng được sống mãi ngàn thu; không chỉ cứu độ một bộ phận nhân loại nào đó nhưng cứu độ mọi con người ở mọi nơi và mọi thời đại.

Cái chết của Đức Giêsu và của chim bồ nông đều là những cái chết cho những đối tượng khác ngoài mình kết quả lại quá khác nhau. Ấy vậy mà con người ta đôi khi lại nại vào Lời của Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì người mình yêu!” mà tự an ủi chính mình một cách mù quáng. Thật vậy, lắm lúc ta cảm thấy tự mãn lắm trước sự hao mòn của bản thân khi hi sinh cho người này người khác; tự cảm thấy mình tốt lành lắm khi chịu thua thiệt về mình mà không ai biết đến; tự cảm thấy hãnh diện lắm khi phải chịu oan ức và đau khổ vô cớ thay cho lỗi lầm của một ai đó… Ngày qua ngày, ta cảm thấy thật hài lòng với việc mình đang được chết dần chết mòn cho người mình yêu. Nhưng tất cả đều vô nghĩa, tầm thường và lố bịch nếu như những hành vi có vẻ bác ái kia không do bởi tình yêu nhưng là do “bản năng” thúc đẩy. Bản năng đó có thể là “hình tượng” của một người Kitô hữu hay của một người tu sĩ; đó có thể là khát vọng được người ta yêu mến và kính nể; đó cũng có thể là ước muốn được khẳng định chính mình: Tôi là một người đạo đức… Trớ trêu thay mãi tới khi đến trước tòa Chúa, ta mới nhận ra rằng: Sự thật thì ta đã không chết vì yêu mà là vì bản năng; ta đã không chết cho người khác nhưng là chết cho chính mình; ta sẽ không có được vinh quang dành cho người đã chết vì yêu như Đức Giêsu nhưng là sự chết tiếp nối sự chết như những con chim bồ nông tầm thường!

Như thế, không phải cứ “chết” cho một ai đó là tốt, là hay, là phải nhưng là chính cái lý do, cái động cơ thúc đẩy ta làm điều đó. Trên con đường của Thầy Giêsu, cái chết không phải là điều quan trọng nhưng điều quan trọng là Tình Yêu. Tự mình, cái chết là một sự vô nghĩa tuyệt đối và chẳng có tí giá trị nào. Nó chỉ trở nên giá trị khi nó trở thành phương tiện để diễn tả một tình yêu chân thành. Lúc đó, cái chết sẽ không còn là chính mình nữa nhưng đã biến thể thành một cánh cửa bước vào con đường phục sinh. Bởi thế, cái chết không phải là điều mà người Kitô hữu nhắm tới nhưng là cái mà họ không ngại đón lấy một khi tình yêu mà họ dành cho Thiên Chúa và tha nhân mời gọi.

Hồ Chính, SDB

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây