GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đêm, Trước Ngày Thụ Phong…

Đêm, Trước Ngày Thụ Phong…
Đêm, Trước Ngày Thụ Phong…

Sống đời tu là một ơn gọi huyền nhiệm. Trước thời khắc được bước lên bàn thánh lãnh nhận tác vụ linh mục, các cha cũng có nhiều xúc cảm khó tả…

Đêm, thời điểm mỗi người thường nhìn lại chính mình, lắng nghe tiếng nói của tâm hồn, với tín hữu Công giáo, đôi khi những lúc ấy còn là dịp để tâm sự cùng Chúa. Trên những cung đường báo chí, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều vị linh mục, từ những cha trẻ đến bậc cao niên kỳ cửu. Đối với các ngài, dường như có điểm chung gặp gỡ: đêm, trước ngày chịu chức là một trong những đêm dài dằng dặc đáng nhớ của cuộc đời.

NÊN MỪNG HAY NÊN LO?

Hành trình từ lúc đặt chân vào Tiểu Chủng viện đến ngày thụ phong linh mục không hề ngắn ngủi, nhưng quãng thời gian kể từ khi chịu chức về sau hãy còn thênh thang, và hơn nữa, trong vai trò mới, người mục tử còn mang đầy trách nhiệm. Vậy thì, đối với các cha, cảm xúc nên mừng hay nên lo? “Đó là một câu hỏi khó trả lời. Đan trộn!”, cha Gioan Baotixita Trần Hữu Thịnh (chánh xứ Bình Châu, giáo phận Long Xuyên) hồi tưởng và khẳng định. 76 tuổi đời, tròn 50 năm sống ơn gọi thánh hiến, cha Thịnh nhớ rất tường tận về đêm lịch sử của mình. Cha là người gốc Thanh Hóa. Năm lên 8 tuổi, cha vào Nam tu học tại TCV Tân Thanh, Bảo Lộc. Ngày 28.11.1970, cha được truyền chức tại Philippinnes do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong. “Năm đó, có nhiều anh em linh mục Việt Nam cùng chịu chức với các cha ở nước khác. Được Đức Thánh Cha trao ban tác vụ linh mục là điều đặc biệt, tuy nhiên, càng cho mình ý thức rõ hơn bổn phận của người mục tử. Đêm đó, cảm giác thật khó mà tả hết, tôi vừa hạnh phúc, sung sướng mà cũng vừa lo lắng”, cha nói. Cha diễn giải, trách nhiệm ở đây trước là với Chúa, sau là với tha nhân và với mình. Đêm ấy, cha trằn trọc.

Có thể nói, lãnh nhận thánh chức linh mục là một biến cố của đời người. Và vì là biến cố, nên thường in sâu vào tâm khảm. 15 năm trôi qua rồi, vậy mà cha Marinô Trần Quang Vinh, (chánh xứ Tắc Rỗi, TGP TPHCM) còn nhớ hoài đêm đặc biệt trước ngày tiến lên bàn thánh. Cha bảo, tâm trạng vừa hồi hộp lại nôn náo, háo hức cho hành trình mới. Thi thoảng, đi ra đi vào, trông cho trời mau sáng. Khó ngủ. “Liên lạc với cha mẹ thì cả nhà cũng nửa mừng nửa lo. Mừng vì con mình sắp được thụ phong. Mà lo thì nhiều hơn, không biết con có chu toàn trách nhiệm. Hơn nữa, có lẽ chính cha mẹ còn lo cho chính mình bởi khi có con là linh mục thì đời sống đạo của ba mẹ càng thật sốt sắng. Mọi người ai cũng mừng. Còn mình đủ thứ cảm xúc”, cha kể. Năm 2005, cha Vinh được Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn phong.

Đêm thiêng liêng như vậy, mừng vui, lo lắng hay mất ngủ… cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi càng ý thức rõ sự cao cả của tác vụ linh mục và lối sống sao cho xứng đáng với sứ mạng này, thì những người trẻ sắp được bước qua vai trò mới càng hồi hộp. Nghĩ về mọi người, niềm vui dâng trào, lửa nhiệt huyết bừng cháy. Nghĩ về chính mình, chắc hẳn với không ít linh mục sẽ có chút nhớ nhà, nhớ người thân, nhất là những ai ly hương.
Nhà hưu dưỡng Cần Thơ hiện tại là nơi lưu trú của trên dưới 20 linh mục - những cánh chim đầu đàn mở cõi gieo hạt giống Tin Mừng của vùng sông nước Tây Đô. Về với tuổi già, các cha lại quay quần họp mặt với nhau trong nhà hưu êm đềm cạnh dòng sông Cần Thơ hiền hậu. Ký ức thì mãi vẹn nguyên. Cha Gioan Nguyễn Xuân Mai, 83 tuổi, nhớ: “Cha sinh ra ở Nam Định, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Mới chừng 5, 6 tuổi thì ông cố mất. Năm học lớp 6, cha vào TCV ngoài Bắc rồi sau này di cư vô Nam, dời trường đổi lớp nhiều lần. Cha được chịu chức năm 1968, giữa thời kỳ chiến tránh bom đạn. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình phong chức cho cha. Sau đó, cha xin nhập về địa phận Cần Thơ, rồi nhận bài sai đến các họ đạo, bắt đầu hành trình truyền giáo và mục vụ. Hồi ấy, dân quê mình nghèo khổ lắm!”. Cha nhớ như in từng chi tiết, sự kiện. Đời mục tử của cha Mai gắn liền với cuộc sống của dân miệt vườn, đơn sơ và hết mình. Cha đi mở lối những vùng quê nghèo, bên cạnh giúp tăng trưởng đức tin còn đồng hành trong mọi mặt của cuộc sống. Với các gia đình khốn khó, cha tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ kinh tế. Cha xây nhà, xây cầu, cất lại nhà thờ mới khang trang cho các xứ thay những nhà nguyện bằng lá, bằng tre liêu xiêu. Cha cho học bổng, chắp cánh cho trẻ em vùng quê đến trường, thoát mù chữ…Nhiều lắm! Mãi cho đến những năm gần hồi hưu, xứ đạo cuối cùng cha đến coi sóc cũng là họ đạo nông thôn.
Đêm trước ngày chịu chức, cha không nhận được một tin tức nào từ quê nhà ngoài Bắc. Cha bồi hồi: “Vốn từ nhỏ đã xa nhà đi tu học nên cũng quen rồi, nhưng đêm hôm ấy, bất chợt lại thấy yếu lòng. Lại nhớ nhà, nhớ mẹ và anh chị em. Không biết có ai hay ngày mai mình được thụ phong không? Chỉ biết, ở nơi xa xôi đó, tất cả thành viên luôn hướng về mình và cầu nguyện cho mình”. Chuyện đi tu của cha kể ra cũng nhẹ nhàng. Khi cha còn bé, được ông chú mời gọi vào TCV học, rồi cứ thế xin vâng và dấn bước. Giờ đây, ở tại nhà hưu, cha đang đấu tranh từng ngày với bệnh tật của tuổi già. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, cha chia sẻ là luôn phó thác , cậy trông vào Chúa. Thỉnh thoảng, những bổn đạo cũ hay tới lui thăm cha, tình cảm nhiều năm gìn giữ thắm thiết.

LINH MỤC KHÔNG PHẢI LÀ NGHỀ

Hành trình của mục tử luôn luôn gắn liền với hai chữ “dấn thân”, dù trong hoàn cảnh nào. Bởi lẽ xác tín rằng lựa chọn bậc sống trở thành linh mục của Chúa không phải là chọn lựa một nghề nghiệp để mang vác lợi ích hay đi tìm tiền của, địa vị cho mình nên đối diện với chức thánh sắp được nhận, các cha không khỏi khắc khoải. “Tôi luôn canh cánh trong lòng lời giáo huấn của các cha giáo, sống đời tu không phải để khi được phong chức rồi thì bắt đầu trục lợi, sống riêng cho bản thân. Chẳng phải nhận chức thánh là đủ mà chức thánh đi kèm với bổn phận, trách nhiệm. Tôi xem ngay mai tới sẽ là một khởi đầu mới”, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt (dòng Chúa Cứu Thế) chia sẻ về đêm cách đây 19 năm, khi cha được truyền chức. Ngần ấy thời gian trôi qua, đủ dài, mục vụ tại nhiều giáo xứ trên dải đất Qui Nhơn nắng gió, sống chia ngọt sẻ bùi với dân nghèo khổ cực, vị linh mục cũng là hậu duệ của thánh tử đạo Matthêu Nguyễn Văn Phượng vẫn nhớ về đêm ấy. Cha nói thêm, suốt 19 năm, mỗi khi cầu nguyện, cha đều nhìn lại mình để nhắc nhớ bản thân về sứ vụ Chúa trao.
Cha được thụ phong ngày 25.9.2001, theo ơn gọi một linh mục dòng. Trong câu chuyện, cảm xúc ùa về, cha Việt hồi tưởng, trước khi chịu chức, sự liên lạc của cha với gia đình rất ít: “Buổi tối ở lại trong nhà dòng với các anh em, xét mình, cầu nguyện. Cũng là đêm như mọi đêm khác nhưng cảm giác khác lạ, nhiều cảm xúc dồn dập lắm, lo lắng, nôn nao, mà có lẽ rõ nhất là ý thức trách nhiệm làm sao để sống tốt như lòng Chúa mong muốn”, cha kể. Hiện nay, cha phục vụ tại giáo xứ Châu Ổ, một xứ đạo nhỏ nghèo tại tỉnh Quảng Nam và vị linh mục đang ra sức mình đỡ nâng đời sống cộng đoàn được ủy thác.
Linh mục Martinô Trần Quang Vinh nói thêm, tuy trước ngày lãnh tác vụ, các cha đã tĩnh tâm chung và riêng suốt quãng dài nhưng sự lo lắng vẫn hiện hữu: “Nỗi lo sợ tràn ngập vì mình bất xứng, vì sứ mạng linh mục là sứ mạng phục vụ anh chị em vô vị lợi. Linh mục là người đại diện cho Chúa, dẫn dắt đức tin…”. Và càng lo, cha càng cầu nguyện xin Chúa tăng sức mạnh.

Cũng chung tâm tình đó, linh mục Giuse Giang Hòa Vinh, phó xứ Châu Đốc, giáo phận Long Xuyên khi được hỏi về đêm trước ngày chịu chức của mình, đã xúc động nói: “Hồng ân linh mục thật lớn lao. Thật ra, đứng trước thiên chức ấy, tôi thấy mình nhỏ bé, bất xứng!”. Năm nay cha đánh dấu năm thứ ba sống sứ vụ mới. Trong vai trò của một phó xứ, phục vụ tại miền Châu Đốc đa sắc tộc, đa tín ngưỡng lại giáp biên giớ Việt - Campuchia, có nhiều thử thách, cha cộng tác mật thiết với cha sở chăm lo đời sống đức tin và cả vật chất, tinh thần của giáo hữu, để tất cả cùng thăng tiến. Điểm ấn tượng của vị linh mục trẻ với nhiều người có lẽ là sự niềm nở, nhiệt tình và bình dị. Cha cùng ăn, cùng ở với tín hữu miền quê nên hòa chung nhịp sống với họ. Chẳng cầu kỳ. Về thăm Châu Đốc, trong những cuộc gặp gỡ, chuyện trò, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thân thiết, quý mến giữa mục tử và đoàn chiên. Còn nhớ anh Nguyễn Tri Phương, 27 tuổi, một tín hữu ở đây từng chia sẻ về cha trong sự kính trọng: “Cha gần gũi với mọi người, nhất là giới trẻ. Cha chăm lo cho nhiều. Không chỉ cha phó Vinh mà các cha ở đây đều thế”.
Tháng sáu, tháng bảy hằng năm được xem là mùa gặt ơn gọi của Giáo hội. Dĩ nhiên, trong ngữ cảnh này, ơn gọi mà chúng tôi nhắc tới là ơn gọi linh mục. Đêm trước ngày diễn ra nghi thức truyền chức với các tân linh mục sẽ lại là một kỷ niệm khó quên. Tân linh mục Antôn Nguyễn Phước Thi (giáo phận Long Xuyên) chia sẻ: “Với ngày lễ trọng đại này, bản thân ắt hẳn phải chuận bị nhiều thứ từ bên trong, bên ngoài cho tươm tất. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là dọn tâm hồn mình. Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu thương, chọn gọi và cho mình có cơ hội phục vụ anh em. Tôi thấy một cách rõ nét Chúa thương mình và cũng thật lo âu, bản thân yếu đuối, cần cố gắng hết sức để phục vụ, đáp lại tiếng Chúa. Cảm giác trước khi lãnh chức linh mục thật kỳ diệu. Có cả vui, mừng, lo, hồi hộp…Thậm chí, không biết ngày mai có kìm được nước mắt chăng?”. Trong cha Thi lúc này, ngọn lửa của tuổi trẻ, của sự nhiệt thành đang bừng cháy mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Sứ mạng linh mục thiêng liêng không cho phép người mục tử lơ đãng, hời hợt, nên không ít cha chia sẻ, đêm, khi đối diện với thánh chức sắp được trao, bản thân cảm thấy thật yếu đuối và bất xứng.

Các linh mục, những con người bình thường được Chúa chọn gọi, ngoài việc tự thân cố gắng, nỗ lực để sống cho đẹp lòng Chúa và mọi người, vẫn cần sự cầu nguyện của Dân Chúa.

Đức cha GB Bùi Tuần, 92 tuổi, nguyên Giám mục Chánh tòa giáo phận Long Xuyên từng chia sẻ về đêm trước ngày nhận thiên chức linh mục của Ngài tại Hồng Kông: “Sáng 2.7.1955 là lễ phong chức linh mục cho một số thầy phó tế Việt Nam, trong đó có tôi. Thánh lễ được cử hành tại Nhà nguyện dòng Đaminh trên đồi Rosary Hồng Kông. Đáng lẽ tôi phải hân hoan vui sướng, nhưng tính tôi hay bối rối, nên ngay tối ngày trước lễ phong chức, tôi đã vào cha linh hướng, trình bày với ngài ý định của tôi xin được rút lui. Lý do là vì tôi cảm thấy quá sợ, chức linh mục thì cao trọng, mà tôi thì quá bất xứng. Cha linh hướng khuyên tôi hãy vững tin vào Chúa, mà chịu chức. Tôi đã vâng lời. Nhưng vẫn sợ. Các tân linh mục được trở về Việt Nam để dâng lễ mở tay. Thánh lễ mở tay của tôi được tổ chức tại Long Phước Thôn, trong nhà thờ tạm của giáo xứ di cư, do cha già cố Phêrô Trần Gia Vĩnh phụ trách. Trước thánh lễ, tôi xin xưng tội với cha Minh Đăng. Tôi trình bày với cha tâm trạng lo sợ của tôi lúc đó rất kinh khủng. Cha an ủi tôi, ngài khuyên tôi hãy vững tin vào Chúa. Trong thánh lễ, cha Minh Đăng với những lời như bốc lửa, đã giảng về sự cậy tin vào Chúa. Tôi đã dâng lễ đầu tiên lên Chúa với tâm hồn sám hối, cậy tin. Nhưng nỗi sợ vẫn còn”, Trích trong bài viết Chút tâm sự về 63 năm linh mục, ngày 13.7.2018.

Hùng Luân, báo công giáo và dân tộc, số 2262-2263

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây