GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Nét đẹp của đức vâng phục

Nét đẹp của đức vâng phục
Hằng năm, cứ độ hè về, toàn thể chị em trong Hội Dòng lại diễn... more »

Hằng năm, cứ độ hè về, toàn thể chị em trong Hội Dòng lại diễn ra những thay đổi bên trong và bên ngoài. Chị em sống lại với những cuộc tĩnh tâm, những đợt bồi dưỡng tinh thần và vật chất, chị em thay đổi nơi chốn phục vụ hoặc thay đổi những công việc được giao…Những thay đổi bên ngoài ấy nói lên một sự năng động ở bên trong, một sự mau mắn đáp trả lời mời gọi của Đấng Tình Quân. Đó chính là nét đẹp của đức vâng phục thánh hiến mà mỗi tu sĩ luôn thể hiện qua đời sống hiến dâng của mình.

Đọc lại các bản văn Tân ước, tác giả đã tóm gọn cuộc đời của Đức Giêsu trong hai tiếng vâng phục. Suốt cuộc đời sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã dần dần đi hết mọi cấp bậc của sự vâng phục, trọn cuộc đời của Ngài hoàn toàn vâng theo thánh ý của Chúa Cha (Ga 4,34). Ngài ý thức trách nhiệm của mình có mặt trong trần gian là tìm thánh ý trong tinh thần vâng phục. Cử chỉ đầu tiên trong cuộc đời công khai của Ngài cũng là một tiên báo, một biểu tượng về đức vâng phục khi bước xuống dòng sông Giođan để loan báo phép rửa bằng sự chết. Và hơn hết, chính Ngài đã thực hiện việc tuân phục bằng chính cuộc tử nạn và cái chết nhục nhã trên cây thập giá để minh chứng rằng: cái chết chính là một hành vi vâng lời toàn diện theo thánh ý Chúa Cha… Tất cả những điều đó toát lên vẻ đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo, đầy ý thức trách nhiệm và hiệp thông trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, đời thánh hiến mời gọi chúng ta sống những lời khuyên Phúc Âm bằng một tình yêu chân thành và mãnh liệt hơn trong chiều kích Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Kitô mời gọi chúng ta sống thân mật hơn với Người, tình yêu của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để xứng đáng đón nhận những linh hứng của Ngài; tình yêu của Chúa Cha là nền tảng và là mục tiêu tối thượng của đời thánh hiến. Như thế, đời sống thánh hiến trở thành lời tuyên xưng và dấu chỉ rạng ngời về mầu nhiệm hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, đức vâng phục cũng được thể hiện rõ nét nơi Đức Trinh Nữ Maria. Chính lời đáp trả “xin vâng” đã khẳng định vai trò của Đức Mẹ đối với Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Mẹ luôn sẵn sàng, luôn mau mắn lắng nghe, suy niệm và lưu tâm đến hạnh phúc của tha nhân, như ở tiệc cưới Cana…Mẹ đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế bằng lòng vâng phục, bằng đức tin mạnh mẽ và đức ái nồng nàn.

Trong tinh thần ấy, người tu sĩ khi làm lời cam kết thánh hiến cũng muốn noi gương Đức Kitô và Mẹ Maria trên con đường vâng phục và ước mong học nơi các Ngài một cử chỉ dâng hiến của sự tự do và của niềm tín thác vô điều kiện. Người tu sĩ luôn muốn đặt ý của mình trong tay Chúa như một hy tế hoàn hảo đẹp lòng Người (Rm 12,1). Riêng đối với những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chị em luôn lấy tinh thần hiến dâng khiêm cung “Này tôi là nữ tỳ” của Đức Maria làm kim chỉ nan cho đời sống vâng phục của mình. Đó là nét đẹp trong truyền thống của Hội Dòng nhằm giúp mỗi chị em vâng lời cách tích cực, tự do và tự nguyện hơn.

Là một nữ tu trẻ trong Hội Dòng, bản thân tôi mỗi ngày vẫn đang tập sống tinh thần vâng phục ấy trong sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Mặc dù, tôi cũng gặp nhiều khó khăn và thách đố trong lời khấn này khi tôi đang sống trong một xã hội tục hóa, thích đề cao chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, tôi luôn ý thức rằng, tôi cần trở về nguồn, trở về với Đặc sủng, Linh đạo của Hội Dòng để có thể thấm sâu hơn tinh thần của Đấng Sáng lập và các chị Tiền Bối. Từ trong tâm hồn, tôi nhận ra chính lòng yêu mến Thiên Chúa đã thôi thúc tôi dâng hiến cho Ngài để vâng phục chị em trong kế hoạch và thánh ý của Ngài. Nhờ thế, mỗi ngày tôi được lớn lên trong tình yêu và được nên đồng hình đồng dạng hơn với Đấng mà tôi hằng yêu mến.

Quả thế, đức vâng phục rất quan trọng đối với đời sống thánh hiến bởi vì nó diễn tả lời mời gọi nên thánh của Đức Kitô và hân hoan bước theo Ngài. Một khi người tu sĩ nhận ra tầm quan trọng và giá trị của lời khấn vâng phục cách tích cực thì đời sống thánh hiến của họ sẽ ngày càng phong phú và trọn hảo hơn. Chính vì thế, người tu sĩ cần chiêm ngắm sâu hơn gương vâng phục của Đức Kitô và của Mẹ Maria để từ đó người tu sĩ mới có khả năng sống đời thánh hiến của mình cách hạnh phúc và là dấu chỉ rạng ngời về Nước Trời.

M. Isave Thanh Tâm (Kinh viện), FMI  

Hits: 19

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây