GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Nhật ký về cuộc khủng hoảng Covid-19: chết trong Chúa

Nhật ký về cuộc khủng hoảng Covid-19: chết trong Chúa
Bài viết thứ năm trong "Nhật ký về cuộc khủng hoảng" của Cha Lombardi: Đối với Chúa Giêsu, không có người chết nào bị lãng quên, dù ở bất kỳ ...

NHẬT KÝ VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG COVID-19
Bài 5: CHẾT TRONG CHÚA

Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn dịch từ vaticannews.va/it

WHĐ - Bài viết thứ năm trong "Nhật ký về cuộc khủng hoảng" của Cha Lombardi: Đối với Chúa Giêsu, không có người chết nào bị lãng quên, dù ở bất kỳ nơi nào trên trái đất và trong lịch sử, ở bất kỳ ngóc ngách nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Một trong những trực giác tâm linh vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II là đã khuyến khích chúng ta làm sống lại và lưu giữ ký ức về các vị tử đạo của thế kỷ XX, một trong những thế kỷ bạo lực nhất trong lịch sử. Và chắc chắn, khi nhớ đến trước Chúa rất nhiều nhân chứng đức tin, chúng ta đã được dẫn lối để nhớ cùng với họ vô số nạn nhân, và rộng hơn nữa là bao người nữ và người nam thuộc mọi chủng tộc, thời gian và tình trạng mà họ đã mất mạng sống mình trong hoàn cảnh bi kịch, trên đất liền và trên biển, trong chiến tranh và trong hòa bình, xa cách với mọi nâng đỡ tình người, những nạn nhân của bạo lực dại dột hoặc những thảm họa không thể khắc phục, hoặc bị bỏ rơi và cô đơn. Một tiếng kêu đau khổ hết sức thảm thiết dường như vọng lên trong sự im lặng từ cát bụi ở mọi nơi trên mặt đất cho những ai có đôi tai biết lắng nghe, nhắc nhớ hàng triệu và hàng tỷ người bị lãng quên. Tiếng kêu của những thụ tạo như cảm thấy mình đang rơi vào vực thẳm của sự trống rỗng và lãng quên. Cho họ và với họ, chúng ta cũng muốn cất cao tiếng kêu cầu của lòng thương xót.

Hình ảnh của những hàng quan tài xếp hàng trong các nhà thờ ở Lombardia, những ngôi huyệt chung lớn gần New York, trong suy ngẫm của nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi đã chết trong tình trạng cách ly và cô đơn những tháng qua, những hình ảnh đó đã đụng chạm thật sâu đậm trong lòng chúng ta. Không chỉ là nỗi đau của những bà con thân thuộc vốn không thể sống xa những người thân yêu của họ trong sự an ủi tình người và tính Kitô giáo, mà hơn hết là nỗi đau cho chính những người đã khuất, cho những người đã chết và chết trong cô đơn.

Tất cả điều này đã làm cho chúng ta hiểu thêm một lần nữa, thật quý giá biết bao sự gần gũi, tình cảm chân thành trong khoảnh khắc của sự yếu đuối, của sự già nua và của bệnh tật. Nhưng nó cũng khiến chúng ta suy tư rằng có lẽ mỗi sự chết, bao gồm cả chúng ta, luôn mang trong mình một chiều kích của sự cô đơn. Để rồi cuối cùng, mọi sự an ủi và gần gũi của người khác trở nên bất lực và không ai có thể thoát khỏi bước đường cùng.

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho thời điểm tương tự ấy, thời điểm nối kết tất cả chúng ta, thời điểm được dự đoán cho các nạn nhân virus corona, nhưng cũng là thời điểm sẽ xảy ra cho chúng ta như đang xảy ra trước mắt họ? Làm thế nào tất cả chúng ta có thể thoát khỏi nỗi thống khổ rơi vào hư vô?

Vài ngày trước đây, chúng ta đã có ân phúc để tái hiện lại cái chết của Chúa Giêsu. Mỗi ngày, chúng ta làm sống lại qua việc chúng ta kết hợp cách bí tích hoặc thiêng liêng với Chúa Giêsu trong sự hiệp thông. Nhưng vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, chúng mang theo một ơn ích đặc biệt. Đó là một cái chết chân thật nhất và tàn khốc nhất của Chúa Giêsu, vốn mang trong mình tất cả kinh nghiệm về sự bỏ rơi của con người và cũng là mầu nhiệm ruồng bỏ từ Thiên Chúa, như câu của Thánh vịnh nói rằng Chúa Giêsu kêu lớn tiếng trên thập giá. Một cái chết thật sự đến nỗi theo sau đó là một xác chết trong phần mộ của ngày thứ Bảy. Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: "... Người chịu đóng đinh, chịu chết và táng xác, xuống ngục tổ tông...". Sự đi xuống này của Chúa Giêsu nơi địa ngục nói rằng Người đã trở nên gần gũi và là anh em với tất cả những người đã đi xuống vực thẳm của sự chết. Người không quên họ dù họ là bất kỳ ai. Đối với Chúa Giêsu, không có người chết nào bị lãng quên, dù ở bất kỳ nơi nào trên trái đất và trong lịch sử, ở bất kỳ ngóc ngách nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúa Giêsu đã thực sự chết như họ và cùng với họ.

Sau cái chết, xuống ngục tổ tông và phục sinh của Chúa Giêsu, cái chết không còn như trước. "Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu?" Thánh Phaolô kêu lên như thế. Cái chết bây giờ có thể là để được sống với Chúa Giêsu, Đấng vốn mạc khải một tình yêu của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn sự chết. Và điều này vượt xa mọi nỗi cô đơn của con người. Cái chết của một người, dù trong tình trạng không ai biết tới và nhớ tới, cũng có thể trở thành một sự phó thác linh hồn người đó trong vòng tay của Thiên Chúa Cha.

Vài ngày trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nơi nhà nguyện thánh Marta, khi giải thích về những lời của Chúa Giêsu với Nicôđêmô, đã mời tất cả mọi người nhìn lên Thánh Giá. Đó là tâm điểm của đức tin và đời sống Kitô giáo. Những ai đã nhìn thấy nó sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của Thánh Gioan Phaolô II ôm lấy thánh giá trong nhà nguyện của Ngài vài ngày trước khi mất, cùng lúc đó tại Colosseo, dân chúng đã hiệp nhất với Ngài trong lời cầu nguyện nơi Đàng Thánh Giá của ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta không có cách nào khác để chuẩn bị cho chúng ta sống với sự chết, ngoài thái độ hết lòng chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh cùng chết với chúng ta và cho chúng ta, và với trọn tâm hồn ôm chặt vào Người. Bấy giờ, sự chết, khi được kinh nghiệm với Chúa Giêsu, sẽ mất đi khuôn mặt đáng sợ của nó và cho chúng ta trực giác một mầu nhiệm của tình yêu và lòng thương xót. Khi đó, có lẽ chúng ta sẽ không còn cảm thấy thôi thúc để từ chối nghĩ suy và xóa bỏ sự chết ra khỏi cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trái lại, với niềm tin và với thời gian, nó có thể trở nên thân quen với chúng ta cho đến khi trở thành “chị em" với chúng ta theo cách nói như thánh Phanxicô.  Sự chết vẫn đến trong thế giới tục hóa, với virus corona hay trong cách thế khác. Nhưng chúng ta đừng quên rằng nhờ Chúa Giêsu, cái chết không bao giờ có lời cuối cùng, mà mỗi cái chết, ngay cả trong sự lãng quên và cô đơn nhất, không rơi vào hư vô, mà rơi vào vòng tay của Chúa Cha./.

Các bạn có thể đọc thêm những bài đã viết trong loạt bài "Nhật ký về cuộc khủng hoảng" do đại dịch covid-19 của cha Federico Lombardi theo link sau: 

Bài 1: Quảng Trường Đầy Ắp Và Quảng Trường Trống Rỗng

Bài 2: Rước Lễ Thiêng Liêng

 

Bài 3Hiến Mạng Sống

Bài 4: Sự Hoán Cải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây