GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Những đặc tính của người tông đồ

Những đặc tính của người tông đồ
Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê - Dòng Tên Việt Nam - 19 đường 5 - Kp.2 - P.Linh Trung - Thủ Đức - Tp.HCM, thần học, triết học, tâm lý, kinh thánh, cầu nguyện, các vấn đề của cuộc sống, linh đạo, nhóm mục vụ, mục vụ...

Tin Mừng hôm nay (Mc 6,7-13) tường thuật lại việc Chúa Giêsu tập họp nhóm Mười Hai Tông Đồ, và sai các ông đi từng hai người một mà rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Trời. Ngài ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Ngài hướng dẫn tỉ mỉ cho các ông những gì cần và không cần mang theo trên hành trình thực thi sứ vụ: “Các con đừng mang theo gì, trừ cây gậy đi đường. Đừng mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Mang giày, nhưng đừng mặc hai áo…Ngài còn truyền cho các ông kinh nghiệm và thái độ đáp trả khi không được tiếp đón. Phần nhóm Mười Hai, các ông hăng hái nhận lãnh sứ vụ Thầy trao. Các ông vào các làng mạc, sống gần gủi thân tình với người dân, ngoài việc giảng dạy, các ông còn xức dầu cho người bệnh, chữa trị cho họ, và trừ quỷ.

Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi vậy thôi, nhưng đã chỉ ra cho chúng ta những đặc tính quan trọng nơi người Tông Đồ của Chúa. Những đặc tính ấy là gì?

Thứ nhất, tông đồ là người được sai đi

Theo tiếng Hi Lạp, “apostolos: Tông Đồ” có nghĩa là “người được sai đi”. [1] Được Chúa gọi, và chọn để sống thân tình với Ngài, các Tông Đồ ít nhiều cũng học hỏi và bắt chước nơi Thầy mình rất nhiều điều. Tuy nhiên, Chúa không chọn gọi ai mà không có mục đích và sứ vụ ủy thác cho họ. Các Tông Đồ là chứng nhân cho điều này. Các ông chính là kết quả của “sáng kiến tình yêu” mà Chúa Giêsu đã chủ ý lập ra: tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa ở trần gian! Quả thật, chính Chúa Giêsu đã gọi tên các ông từng người một để theo Chúa. Cũng chính Chúa đã phải thức suốt đêm cầu nguyện để chọn ra Nhóm Mười Hai người các ông từ những môn đệ khác. Rồi trong suốt ba năm rao giảng, Chúa không ngừng bày tỏ chính mình cho các ông, dạy dỗ và hướng dẫn các ông về Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và kế hoạch Cứu Độ con người. Tất cả là để chuẩn bị cho các ông ngày hôm nay: Để được sai đi!

Thứ hai, tông đồ là người diễn tả lại cuộc đời Chúa Giêsu [2]

Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã viết trong quyển “Đường Hy Vọng” như sau: “Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai”.[3] Quả vậy, khi con tim ta biết rung cảm trước nỗi đau đồng loại, đôi mắt ta nhìn thấy được những nhu cầu của anh chị em mình, khối óc ta biết suy tư, đôi tay ta biết vươn ra để chia sẻ, và đôi vai ta biết vác đỡ những gánh nặng của nhau…thì khi ấy, hình ảnh Chúa Ki Tô được tái hiện một cách rõ nét nhất nơi chính mình, vì Ngài là Thiên Chúa của Tình Yêu, và luôn sống vì người khác. Và như thế, chúng ta là những Tông Đồ của Chúa, những người “đầy tràn Chúa Kitô và trao ban Chúa Kitô cho kẻ khác”.[4]

Các Tông Đồ trong bài Tin Mừng hôm nay đã ra đi với tâm thức như vậy. Hành trang các ông mang theo chẳng có gì quan trọng và quý giá bằng chính con người và gương sống của Thầy mình. Các ông đã diễn lại cuộc đời của Thầy Giêsu một cách thật sống động: vâng phục và hăng say rao giảng Tin Mừng Nước Trời, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, chữa bệnh, trừ quỷ. Ngoài ra, khi diễn lại cuộc đời của Thầy mình, các ông cũng không quên bắt chước gương khiêm nhường và hiền lành của Thầy. Khi thi hành sứ vụ, dù được đón tiếp hay bị từ chối đều phải giữ lòng bình thản, không nóng giận, không nao núng là lời nhắn nhủ của Thầy Giêsu trước lúc lên đường. Tóm lại, điều quan trọng của người Tông Đồ là “miễn sao Chúa Kitô được rao giảng” (Pl 1, 15-18).

Thứ ba, tông đồ là người thực thi sứ mạng của Chúa Kitô

Như để tiếp nối hai đặc tính vừa trình bày ở trên, khi nói tông đồ là người “được sai đi” để “diễn tả lại cuộc đời Chúa Giêsu” bằng chính đời sống chứng tá của mình, chúng ta lại càng xác tín hơn về sứ mạng của người tông đồ: đó là thực thi sứ mạng của Chúa Kitô! “ tông đồ và “làm tông đồ đều phải bắt nguồn từ Chúa Kitô thì mới gọi là tông đồ đích thực của Chúa, còn nếu không, chúng ta rất dễ rao giảng và đề cao chính mình, hoặc ở một thái cực khác, chúng ta sẽ rất dễ nản lòng khi gặp thất bại, vì cho đó là việc của mình. Mà sức mình thì không thể làm được việc của Chúa nếu không có ơn Ngài ban. Người tông đồ đích thực biết nhìn nhận mọi sự được trao phó, kể cả quyền bính trong chức vụ, là việc của Chúa. Nhờ đó, họ biết khiêm tốn phó thác, và xin ơn bền đỗ trong khi thực thi sứ mạng Chúa trao.

Lời Cầu của người tông đồ hôm nay

Lạy Chúa,

Chúa đã chọn gọi Mười Hai Tông Đồ,

Dành nhiều thời giờ riêng tư và tâm huyết huấn luyện các ngài,

để các ngài tiếp nối sứ mạng Chúa, và xây dựng Hội Thánh ở trần gian.

Xin cho các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội biết ưu tư và ưu tiên dành thời gian để đào tạo, đồng hành, và nuôi dưỡng nơi tâm hồn các tín hữu những đặc tính vốn có nơi người tông đồ để lo việc của Chúa.

Xin cho mỗi người chúng con biết mau mắn, can đảm dấn thân, và nhiệt tâm làm việc tông đồ bằng chứng tá đời sống đức tin, lòng mến, và cậy trông vào Chúa,

qua những lời nói, hành động, những hy sinh, và cầu nguyện hằng ngày.

Và cuối cùng, xin chỉ dạy và điều chỉnh chúng con, để dù khi ăn, khi uống, hay khi làm bất cứ điều gì, đều là cơ hội để chúng con diển tả lại cuộc đời của Chúa cho anh chị em mình, đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa. Amen.

Quỳnh Thoại

[1] Bible Hub Dictionary. https://biblehub.com/greek/652.htm. 

[2] Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận. Đường Hy Vọng: Tông Đồ (291-342). https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=801

[3] Đường Hy Vọng, số 292.

[4] Như trên.

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây