GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Ơn Phục Sinh mùa Covid: tình yêu chiêm niệm

Ơn Phục Sinh mùa Covid: tình yêu chiêm niệm
Mùa Phục Sinh đã bắt đầu. “Chúa đã sống lại thật rồi, người ơi hãy vui lên.” Phụng vụ mùa khải hoàn vang dội lời hoan ca “Alleluia”. Nhưng niềm ...

ƠN PHỤC SINH MÙA COVID:
TÌNH YÊU CHIÊM NIỆM

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 12/04/2020.

WHĐ - Mùa Phục Sinh đã bắt đầu. “Chúa đã sống lại thật rồi, người ơi hãy vui lên.” Phụng vụ mùa khải hoàn vang dội lời hoan ca “Alleluia” và sắc màu tươi sáng đã thay thế cho màu tím của mùa Chay. Nhưng niềm vui và hy vọng có thật sự hiện diện trong lòng của các Kitô hữu hôm nay hay không, nhất là khi con số người chết vì nạn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng? Sau những tháng ngày cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, sau nhiều nỗ lực trong quản lý xã hội lẫn trong tinh thần tâm linh, dường như nhân loại hôm nay thấy mình như còn đang trong hoàn cảnh của Ma-ri-a Mác-đa-la. Nhìn vào hình ảnh của người nữ môn đệ này, chúng ta không chỉ thấy dáng dấp của nhân loại mùa dịch bệnh nhưng quan trọng hơn là thấy được diện mạo của tình yêu phục sinh, của tình yêu chiêm niệm nơi Đức Kitô Sống Lại.

Tình Yêu Thắng Vượt Sự Chết

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 1-2).

Là người đã theo Chúa lâu ngày, Ma-ri-a không đành lòng để cho Thầy mình chịu cảnh lạnh lùng đơn chiếc trong huyệt mộ. Bà bất chấp nỗi sợ hãi, tăm tối và luật lệ để đến viếng mộ Thầy. Hành động dũng cảm của Ma-ri-a vừa minh chứng cho tình cảm dạt dào, tình cảm chân thật không giả dối đượm đầy trong trái tim của bà vừa nói lên một sự thật không thể che dấu: tình yêu thật thì vượt qua mọi sợ hãi, kể cả cái chết. Điều này càng trở nên rõ rệt hơn khi hành động can đảm của Ma-ri-a diễn ra ngay trong bối cảnh các ‘đấng mày râu’ môn đệ khác chỉ biết trốn chạy tìm an toàn cho bản thân. Trong tình yêu mà Ma-ri-a dành cho Chúa, dường không có răn giới giữa sự sống và sự chết, không có nỗi sợ hãi nào có thể ngăn cản được con tim ăm ắp yêu thương tìm đến với người mình yêu. Tình yêu anh dũng của Ma-ri-a mạnh thật đấy nhưng đó cũng chỉ là một sự đền đáp khiêm tốn dành cho một thứ tình yêu tuyệt hảo, tình yêu của Đấng chịu đóng đinh: “Không có tình yêu nào cao trọng hơn tình yêu của người dám liều thí mạng mình vì bạn hữu.” (x. Ga 15:13) Đấng liều chết cho người mình yêu, Đấng ấy đã mở tung cửa mồ sống lại hiển vinh. Do đó, nơi sự phục sinh khải hoàn của Đức Kitô, chúng ta hoàn toàn có căn cứ để tuyên xưng rằng, tình yêu tuyệt hảo là tình yêu thắng vượt sự chết, là tình yêu phục hồi sự sống, là tình yêu phục sinh. Nếu chúng ta vẫn chưa thấy sự sống hồi sinh, chưa thể lấy lại can đảm, chưa thể bình tâm đối diện với nghịch cảnh, có thể là vì con tim của chúng ta vẫn vắng bóng tình yêu của Đấng Phục Sinh, tình yêu hoàn toàn cho đi.    

Tình Yêu Chiêm Niệm

Cho đến lúc ra viếng mộ Chúa, tình yêu của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na dành cho Chúa chắc chắn là tình yêu chân thành, tình yêu mãnh liệt nhưng nó chưa phải là thứ tình yêu mà Đấng Phục Sinh sắp thổi vào tâm hồn bà, vì suy cho cùng đó cũng chỉ là tình yêu của người phàm còn mang nặng tính chiếm hữu.  

“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,11-17).

Ma-ri-a vẫn còn đang khóc, vẫn còn đang tìm kiếm xác Thầy. Bà yêu quý Thầy đến thế mà vẫn không nhận ra người đang nói chuyện với mình đích thị là Thầy. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Phần chú thích Tin Mừng theo Thánh Gioan 20, 11-19 trong sách Lời Chúa Cho Mọi Người (bản dịch Kinh Thánh do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện) cung cấp cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng. “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha” (Ga 20, 17). Nếu như trước đây cũng là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đụng chạm đến chân Đức Kitô, lấy nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc lau khô, lấy dầu quý sức chân Chúa, Chúa đã không hề cấm cản hay tỏ ra e ngại thì nay, sau khi sống lại, “cử chỉ quen thuộc của người phụ nữ muốn chiếm hữu người Thầy yêu dấu của mình không còn thích hợp nữa. Chúa Giêsu giờ đây đã là Đấng Phục Sinh [.] Người đã đi vào vinh quang của Chúa Cha. Các môn đệ của Người phải chấp nhận đoạn tuyệt với sự hiện diện thể lý của Chúa Giêsu, cho đến nay vốn là nguồn lực ban sức mạnh cho các ông. Từ nay trở đi, những ai tin vào Người, yêu mến Người, sẽ phải gắn bó với Người trong cõi thầm kín và huyền diệu, trong mức độ họ đã đi vào chiều sâu của cầu nguyện và đức tin. Lúc bấy giờ, tâm hồn chiêm niệm, mà ở đây bà Ma-ri-a là biểu tượng, sẽ được Chúa Kitô cho hưởng riêng một mình tình yêu trọn vẹn của Người (x. Dc 2,16; 6,3).”[1]

Sức Mạnh Từ Chiêm Niệm

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na chính là bài học sâu xa dành cho chúng ta. “Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa’, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20, 18). Hoa trái của cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh chính là ơn tái sinh, là sự đổi mới từ bên trong, đổi mới trong cách nghĩ, cách nhìn và cách làm. Thông điệp và ân sủng Chúa Phục Sinh trao cho Ma-ri-a cũng là trao cho các môn đệ và dĩ nhiên là trao cho mỗi người chúng ta nữa: “Từ nay trở đi, những ai tin vào Người, yêu mến Người, sẽ phải gắn bó với Người trong cõi thầm kín và huyền diệu, trong mức độ họ đã đi vào chiều sâu của cầu nguyện và đức tin.”  Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là biểu tượng của những tâm hồn phục sinh, những tâm hồn chiêm niệm.

Chiêm niệm không phải là xuất thần, không phải là trốn tránh thế gian hay là xa lánh thế sự thăng trầm. Chiêm niệm lại càng không phải là cung cách sống hững hờ trước nỗi đau của đồng loại. Trái lại, Thánh Tiến sĩ Hội Thánh Têrêsa Avila giúp chúng ta hiểu đúng đắn thế nào là chiêm niệm qua định nghĩa khá dễ hiểu: Chiêm niệm là hành vi của yêu thương và cầu nguyện chiêm niệm là dành thời gian cho Chúa như chia sẻ giữa hai người bạn tri kỷ, nơi đó không có sự che đậy giấu diếm mà là bộc lộ tất cả, tín thác tất cả (x. Lâu Đài Nội TâmCon Đường Hoàn Thiện). Hoa trái của đời chiêm niệm sâu lắng là biết nhìn bằng ánh mắt của Chúa, cảm nghiệm bằng con tim của Chúa và hành động như đôi tay của Chúa. “Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (x. Isa 50,4).

Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn, ơn biến đổi đến từ tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh chính là tình yêu hiện diện nơi những tâm hồn chiêm niệm, tình yêu của những tâm hồn tín thác vào Chúa. Tình yêu thôi thúc dâng hiến cho Chúa cả những lo ngại, đau đớn và yếu bất lực của bản thân. Những tâm hồn chiêm niệm lúc nào cũng tìm Chúa trong đức tin, ở lại với Chúa trong nguyện cầu, và sẽ gặp gỡ Chúa trong anh chị em thân cận, nhất là nơi người nghèo và người cô thế cô thân.

“Ráp-bu-ni! - Thầy ơi, xin giữ cho mắt này khỏi nhìn theo những gì là hư ảo, và cho con được sống nhờ đường lối Ngài” (x. Tv 119, 37). 



[1] Bernard Hurault và Louis Hurault, “Chú Thích Ga 20, 11-18” trong Lời Chúa Cho Mọi Người, NBTG, 2006, tr. 1863.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây