GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Tiền nhiều để làm gì?

Tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ly hôn với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo quả thật vừa gây sóng gió cộng đồng, vừa rất đáng để suy ngẫm.

TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

 

TTO - Tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ly hôn với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo quả thật vừa gây sóng gió cộng đồng, vừa rất đáng để suy ngẫm.

 

 

Ít nhất, khối tài sản hai vợ chồng ông Vũ bà Thảo đang tranh chấp cũng đã hơn 10.000 tỉ đồng. Vậy thì, tiền nhiều để làm gì khi hai người lôi nhau ra trước tòa để tố nhau, cật vấn nhau và tranh giành chia chác nhau?

Trong khi rất nhiều người chỉ trích một xã hội điên đảo bởi đồng tiền, thì tất cả dường như đang lao vào cuộc kiếm tiền, mọi lúc, mọi nơi, từ cổ chí kim… vì ai cũng cần tiền.

Bao nhiêu người khuyên: Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc.

Rồi cũng bấy nhiêu người tấm tắc: Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Hai cái ý đó chẳng biết đúng sai đâu mà lần, vì cái nào cũng có lý, được đúc kết.

Nhưng tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi này phải hỏi những người hiểu đời mới mong lý giải được.

Khi về hưu, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có một bài viết tựa đề Hiểu đời, là một tâm sự tuổi già, nói về sức khỏe, về tiền bạc, về cuộc sống…

Dưới đây là đoạn trích về tiền trong bài viết của ông:

"Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn.

Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

‘Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú’. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh", hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.

Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.

 

Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.

Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy…"

Có rất nhiều đúc kết đáng suy ngẫm của ông Chu Dung Cơ "Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua?". Vậy nếu dùng tiền mà mua được hạnh phúc thì hà cớ gì lại không bỏ tiền ra để mua hạnh phúc?

Có một cô đào đã nổi tiếng với câu nói: Tôi thà khóc trong một chiếc Rolls Royce còn hơn cười trên một chiếc xe đạp. Câu nói, dĩ nhiên gây tranh cãi về khía cạnh đạo đức, nhưng đấy là một thực tế từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, khó có thể phủ nhận.

Đồng tiền quả thật có hai mặt trái và phải. Có những người dùng tiền để biến trắng thành đen, có những người dùng tiền để giúp đỡ xã hội, "để lại cho đời một chút gì đó".

HOÀNG PHI (tuoitreonline)

TIỀN NHIỀU ĐỂ NHÌN CÙNG HƯỚNG HAY ĐỂ QUAY LƯNG?

Nhiều người thường nói giàu - nghèo có số cả. Giàu mà tâm tốt, sẽ trọn vẹn; bằng không, lo âu, tính toán, giành giật liệu niềm vui và xa hơn hạnh phúc có trọn vẹn không.

 

Câu hỏi xoáy 'Tiền nhiều để làm gì' vừa dễ lại vừa khó trả lời, vừa thật quen thuộc nhưng rất thú vị, vừa đáng yêu lại dễ ghét, và... 1.001 vừa này lại vừa kia. 

Cách đây ít hôm, tôi đi đưa tang người bà con với sếp cũ của tôi, nhiều người đến tiễn, nơi yên nghỉ là vị trí đắc địa, thuận tiện cho con cháu vào những ngày giỗ chạp. Có tiền, và có nhiều tiền, lo chuyện hậu sự vẹn toàn, tốt chứ? Tôi thầm nghĩ, giá mà mình có nhiều tiền, lo được cho ba mẹ có nơi yên nghỉ đường hoàng...

Mẹ tôi nay đã thuộc hàng U90, tháng trước bà cụ bệnh phải cấp cứu tại bệnh viện công. Vào đó, yên tâm... chờ, lâu lắc chẳng ai đoái hoài. Mấy anh em bàn với nhau chuyển bà về bệnh viện quốc tế, đúng là tiền nào của ấy, bà được ân cần chăm sóc, nằm một phòng riêng với đủ tiện nghi. Gia đình tôi có ít tiền đã được vậy, giá có nhiều tiền, việc chăm sóc sẽ tốt hơn nhiều.

Một khoảng thời gian ngắn nữa, tôi nghỉ hưu, tôi bàn với vợ mua mảnh đất để chăm ít cây cảnh, cây ăn trái, nuôi gia cầm, có công việc tinh thần sẽ thoải mái, sức khỏe tuổi già ổn định hơn. Khổ nỗi, đất gần nhà thì đắt quá, miếng đất vừa túi tiền thì xa nhà, đường đi khó, nguồn nước khó khăn. Giá mà tôi có nhiều tiền, mua được mảnh đất ở vị trí tốt, thú điền viên đong đầy hơn.

Trường tôi ở gần một cửa hàng, người vào ra tấp nập, doanh thu tại đó chắc lớn lắm. Vậy mà mọi việc chỉ hai vợ chồng già quán xuyến. Từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi người lo một cửa hàng, luôn bận rộn với công việc, ăn mặc giản dị. Nghe đâu, họ mua được nhiều đất, nhà; con cái, đứa định cư nước ngoài, đứa ở gần không giúp được gì mấy, có đứa mất vì tai nạn giao thông.

Giáo viên trường tôi ngồi kháo nhau: Ông bà ấy có tiền nhiều để làm gì nhỉ? Tôi giải thích, họ tìm niềm vui qua công việc.

Tản mạn một vài việc của bản thân mình hoặc được chứng kiến để góp thêm câu chuyện: Tiền nhiều để làm gì?

Đọc bình luận dưới những bài viết nêu diễn biến tại phiên tòa xử ly hôn ông Vũ và bà Thảo, có hai nhóm, một nhóm ủng hộ ông, nhóm kia đồng tình với bà. Đến nước này, hội đồng xét xử phải dựa vào những căn cứ pháp lý, truyền thống và cả nguồn gốc tài sản thuở đầu tạo dựng doanh nghiệp Trung Nguyên mà đưa ra phán quyết thầu tình, đạt lý, tranh tụng chắc là còn nhiều tập nữa.

Tiền nhiều, có hạnh phúc không? Đâu dễ trả lời, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặt ngược vấn đề, không có tiền thì sao? Cũng phải chấp nhận, tìm vui qua công việc, an lành trong gia đình, phát triển của con cái: gia đình yên vui, niềm vui thì không thể so sánh, bởi, có ai định lượng được?

 

Có một lần, Tuổi Trẻ đưa tin, có tỷ phú người Mỹ chăm lo được cho nhiều người, hơn 90 tuổi, ông ra đi nhẹ nhàng. Có tiền nhiều nhưng người chủ số tiền đó như thế nào mới có thể trả lời được đầy đủ câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?".

Nhiều người thường nói với nhau, giàu - nghèo, số trời cả. Giàu mà tâm tốt, sẽ trọn vẹn; bằng không, lo âu, tính toán, giành giật liệu niềm vui và xa hơn hạnh phúc có trọn vẹn không.

"Chúa cho điều này, lại lấy đi của mình thứ khác". Tiền nhiều là hạnh phúc với người này, nhưng sẽ là đau khổ với người khác. Tiền nhiều sẽ là vui lúc này, và là chia ly lúc khác. Tiền nhiều sẽ tử tế lúc này, và cay nghiệt lúc khác. Tiền nhiều sẽ cùng nhau nhìn về một hướng lúc này, và quay lưng lại lúc khác.

Nó tùy vào việc mình có làm việc hết mình và sống tử tế không.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (tuoitreonline)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây