GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


“Tôi tin, vì thế tôi hành động”

“Tôi tin, vì thế tôi hành động”
René Péchard, nha sĩ người Pháp hành nghề ở Vạn Tượng (Ventiane, nước Lào) đã... more »

René Péchard, nha sĩ người Pháp hành nghề ở Vạn Tượng (Ventiane, nước Lào) đã xúc động khi thấy cảnh khốn cùng của các em bé mồ côi. Một cách kín đáo, ông không viết gì nhưng ông hành động rất nhiều qua công việc giáo dục và tiếp đón người tị nạn khi ông thành lập Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long. Ông làm việc đến kiệt sức và chết vào năm 1988. Theo ông Yves Meaudre, đương kim giám đốc Hội bảo trợ, ông Péchard là tấm gương hiến thân bám mình vào Chúa Kitô.

Ông Yves Meaudre là cha của sáu người con, ông là Giám đốc Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long từ năm 1988. Ông biết ông René Péchard vào hai năm cuối đời của ông này. Ông đã xuất bản quyển sách Hòa. Những người Tị nạn (DMM), kể lại đời sống của một em bé thuyền nhân đã chọn cha nuôi mình, một thiện nguyện viên trẻ.

Ông Péchard đưa ra bảy chìa khóa để trao tặng

Chìa khóa số 1: Đòi hỏi điều tốt nhất

“Thỉnh thoảng phải la mắng trẻ con một chút để kích thích chúng cố gắng tối đa khả năng của mình. Không la mắng, chúng có cảm tưởng như chúng không phải con cái, chúng là người ngoài”, ông Péchard nói về các em mồ côi mà ông nuôi trong các viện cô nhi ở Lào… “Đôi khi tôi phải đối xử thô bạo với chúng nhưng phải làm sao cho các em hiểu là mình thương các em như thương con mình, mà với con cái mình, mình không muốn chúng xoàng xỉnh.”

Chỉ mấy hàng này đã là dấu ấn ADN của các em trong chương trình của Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long. Giáo dục là đòi hỏi điều tốt nhất. Trẻ con là con của chúng ta, chúng phải biết điều này; chúng tôi muốn mỗi đứa bé sẽ là đứa tốt nhất mà chúng tôi mong ở các em; giáo dục là đòi hỏi, chúng tôi yêu thương nhưng không muốn làm cho các em yếu đuối.

Chìa khóa số 2:  Yêu thương trong khiêm tốn

“Tuổi thơ của tôi rất giản dị. Cha tôi bị giết năm 1914. Mẹ tôi khó nhọc nuôi tôi; những gì tôi thực hiện được là nhờ mẹ tôi. Mẹ tôi cho tôi ăn tối trước và một mình để tôi không thấy bà nhịn ăn vì tôi! Tôi chỉ biết chuyện này về sau. (…) Khi tôi giúp các phụ nữ đơn thân bương chải trong hoàn cảnh khó khăn khủng khiếp với con cái mình, tôi nghĩ đến mẹ tôi, kỷ niệm của tôi với bà đã giúp tôi vươn lên trong những hoàn cảnh khó khăn.”

Sự nghèo khổ của một bà mẹ làm từ sáng đến tối là bài học cho người con nhạy cảm này, một bài học phải có tinh thần đòi hỏi cao trong giáo dục. Một bài học về lòng hy sinh không điều kiện, hy sinh nhưng không cho con biết để lương tâm của con không bị đè nặng. Sự kín đáo này truyền nơi người con, để khi trưởng thành người con giữ được tinh thần cực kỳ ý tứ trên các thử thách thê thảm gặp trên đường đời. Người con này không bao giờ than van, vì cảnh nghèo khổ thời thơ ấu đã được bà mẹ sống trong một tầm cao cả, tầm cao cả xứng đáng của những người khiêm tốn.

Chìa khóa số 3: Phê phán hành vi, không bao giờ phê phán con người

Khi còn trẻ ông Péchard cũng có những chọn lựa sai lầm nên ông tỏ ra rất dè dặt khi phê phán. “Trong cuộc sống, khi còn trẻ chúng ta đã làm những chuyện sai lầm… nhưng không vì thế mà có mặc cảm vì một lỗi lầm. Tôi không thể nào không nghĩ đến người đàn bà ngoại tình. Có nhiều cách lên án bà… nhưng Chúa Kitô không phải là không châm biếm khi kết luận: “Ai chưa bao giờ phạm tội thì xin mời ném đá đầu tiên”, và những người đã lên án bà ra về, đầu cúi xuống…”

Người ta có thể phê phán một hành vi, nhưng không phê phán con người: lỗi lúc đó không phải là lỗi suốt đời.

Chìa khóa số 4: Rèn luyện điều tốt

Bắt đầu bằng những người ở gần mình: lúc nào cũng làm ở ngưỡng cửa nhà mình.  Ông René Péchard không lên chương trình làm việc, nếu có một em cần đi học, ông tìm một gia đình mở lòng ra đón nhận em; đơn giản, hợp với tâm hồn. Ông không bao giờ nghĩ mình sẽ quản lý một tổ chức giúp cho 60 000 trẻ em ăn học, xây 78 trung tâm ở Á Châu, ông chỉ đáp ứng lời kêu gọi của em này, em kia. “Niềm vui của tôi, niềm kiêu hãnh, tình dịu dàng của tôi là nơi những người đàn ông, đàn bà đã nói “thuận” với trực giác của quả tim. Tôi có thể chết ngày mai, nhưng tình yêu vẫn tiếp tục làm phép lạ.”

Chìa khóa số 5: Trả lại món quà đã được nhận

Các con cái đã được đỡ đầu một khi lớn lên chúng cam kết mình sẽ giúp lại người khác. Điều này được ghi vào “giáo án” của các trung tâm. Chẳng hạn, trong thời gian theo học, các em buộc phải làm việc xã hội mỗi tuần một lần để chia sẻ những gì các em đã nhận được.

Chìa khóa số 6: Nhấn mạnh đến lòng tốt

René Péchard muốn các em trong hội bảo trợ của mình ở trong một gia đình lớn và hội đã giữ được như vậy. Một gia đình mà các thành viên nhấn mạnh đến lòng tốt, được thấy rõ và được nhận biết rõ. Giữa người đỡ đầu với con đỡ đầu, giữa người đại diện và người thường trực, giữa người thường trực và thiện nguyện viên địa phương, giữa thiện nguyện viên địa phương với người chịu trách nhiệm vùng Á Châu, luôn luôn giữa người này người kia có một tình thương đích thực. Như trong một cộng đoàn nhà tu ở Sài Gòn hoạt động từ 20 năm nay, họ nói về các thiện nguyện viên như con của mình; như đại diện Toulon từ 15 năm nay nói về nhân viên ở Asnières như con ruột mình. Duy trì một tình thương như vậy đã làm cho tổ chức được phong phú và gieo niềm vui cho tất cả mọi người.

Chìa khóa số 7: Bám rễ trong Chúa Kitô

“Tôi tin, vì thế tôi hành động”, ông René Péchard đã nói như thế. Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long luôn giữ trong lòng lời của nhà sáng lập: “Sự kết dính vào Chúa Kitô là hành vi nền tảng cho hành động của tôi… Chính vì tôi tin vào Chúa nên tôi luôn tìm Chúa qua người anh em của tôi, khi tôi nhìn các em bị khốn khổ, các người tị nạn đàng sau dây thép gai, tôi luôn khĩ đến cảnh Chúa bị thương khó… vì thế Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long ra đời”. Hội đã được chính thức dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 30 tháng 6-2014.

“Nhưng tại sao ông làm tất cả những chuyện này, thỉnh thoảng có người hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời: “Vì tôi là Kitô hữu và tôi muốn càng ngày càng nên Kitô hữu hơn… Tôi tin, vì thế tôi hành động”. Có khi Hội Bảo trợ Trẻ em Đồng Bằng sông Cửu Long lớn lên trong đau khổ và vì tôi tha thứ cho những ai đặt chướng ngại trên đường đi của tôi nên tôi đã đưa phần lớn những người chống nhìn chúng tôi với đôi mắt bằng hữu.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch 

Nguồn: phanxico.vn 

Hits: 72

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây