Chúng tôi vui mừng loan báo với quý vị và anh chị em rằng lúc 9g30 sáng thứ Tư 13 tháng 11, hai vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Úc, tại Canberra, đã công bố chấp nhận thụ lý đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell.

Phiên tòa sắp tới của Đức Hồng Y Pell sẽ được xét xử bởi bảy thẩm phán trong vài tháng tới.

Giờ đây chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa, và cầu nguyện để công lý được hiển trị.

Tối Cao Pháp Viện Úc thường bác bỏ khoảng 90% đơn kháng cáo. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi vẫn lạc quan tin rằng Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ chấp nhận đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Pell.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vụ án này gây nhiều tranh cãi, và đã thu hút sự chú ý của công chúng, và đông đảo người Công Giáo cũng như không Công Giáo cho rằng ngài không thể có hành vi lạm dụng tình dục trong giáo đường sau Thánh lễ, nơi luôn đông người, mà không ai để ý. Các luật sư của Pell, đã lập luận rằng hai thẩm phán tòa phúc thẩm ở tiểu bang Victoria đã mắc sai lầm khi họ bác bỏ đơn kháng cáo của ngài vào tháng Tám vừa qua. Đức Hồng Y Pell đã được yêu cầu chứng minh rằng mình không thể phạm tội, thay vì, theo luật pháp của các quốc gia dân chủ, bên công tố phải chứng minh ngài có tội.

Hôm thứ Ba 12 tháng 11, Tối Cao Pháp Viện Úc cho biết sẽ đưa ra quyết định của mình mà không cần nghe các tranh cãi từ các bên. Điều này thường chỉ xảy ra khi Tối Cao Pháp Viện thấy quyết định của họ là hiển nhiên. Hiển nhiên thứ nhất là bản án của tòa dưới được xã hội đồng tình, với các chứng lý không còn tranh biện vào đâu được. Đó không phải là trường hợp bản án của Đức Hồng Y Pell tại Victoria. Hiển nhiên thứ hai, trường hợp của Đức Hồng Y Pell là một ví dụ. Bản án có quá nhiều vấn đề, và dư luận xã hội không đồng tình. Nhận định này còn được củng cố bởi chi tiết là quyết định của Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ được đưa ra mà không có các lý do được viết thành văn bản.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Pell, năm nay 78 tuổi, đã bị kết án vào ngày 11 tháng 12 năm 2018, với năm cáo buộc rằng ngài lạm dụng tình dục hai cậu bé hợp xướng 13 tuổi sau Thánh lễ Chúa Nhật khi còn là Tổng giám mục Melbourne năm 1996 và 1997.

Ngài bị kết án sáu năm tù, trong đó ngài phải thụ án ít nhất ba năm và tám tháng trước khi đủ điều kiện để nộp đơn xin tạm tha.

Tháng 8 vừa qua, đơn kháng cáo chống lại bản án của ngài đã bị Tòa phúc thẩm Victoria bác bỏ trong bản án với tỷ số 2-1.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Người Công Giáo có những lý do khác để có những nghi ngờ hợp lý. Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.

Chúng ta hãy tiếp tục vững tin và thêm lời cầu nguyện sốt sắng cho ngài.