Hy vọng coronavirus sẽ được giới hạn tại Trung Quốc đã biến mất khi trường hợp đầu tiên ở khu vực cận Sahara của châu Phi được công bố ở Nigeria hôm thứ Sáu, trong khi số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng ở Âu châu trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Như thế, cho đến nay ít nhất 80 quốc gia, ở mọi lục địa, đã báo cáo về các trường hợp nhiễm coronavirus.

Ý đã báo cáo 650 trường hợp coronavirus và 17 trường hợp tử vong. Đó là con số nghiêm trọng nhất ở Âu châu do dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay.

Tại Trung Quốc - tâm chấn của căn bệnh chết người – sáng thứ Bẩy 29 tháng Hai, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, gọi tắt là NHC, đã báo cáo ít nhất 47 trường hợp tử vong do coronavirus, nâng tổng số trường hợp tử vong lên đến 2,835 người.

Ngoài ra, còn có 427 ca nhiễm mới, đẩy các trường hợp được xác nhận ở Trung Quốc đại lục lên đến 79,251 trường hợp và hơn 83,000 trường hợp trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý quý vị và anh chị em rằng các con số do bọn cầm quyền Bắc Kinh đưa ra chỉ là các con số mà đảng cộng sản Trung Quốc muốn người ta tin. Con số thật sự khác xa rất nhiều.

Một y tá tại Vũ Hán cho Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh, gọi tắt là HSSC, biết vào ngày 14 tháng Hai, NHC thừa nhận có 1,716 nhân viên y tế trên toàn quốc đã bị nhiễm virus, và cho biết 6 người trong số họ đã chết. Tuy nhiên, chính trong ngày đó, trong một cuộc họp báo, sở y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết có đến 6,000 nhân viên y tế đã nhiễm coronavirus. Và ít nhất 6 bác sĩ mà cô quen biết đã chết vì virus nguy hiểm này.

Người y tá này cũng cho biết trong thời gian đầu các bệnh nhân bị đuổi về nhà vì không có chỗ trong các bệnh viện. Gia đình đạo diễn Trương Khải (Chang Kai - 张凯), một đạo diễn phim lừng danh của Trung Quốc làm việc tại hãng phim Hồ Bắc, đã chết trong hoàn cảnh như thế.

Cha của anh cảm thấy không khoẻ vào đúng ngày mùng Một Tết Canh Tý. Nhà đạo diễn đưa người cha lớn tuổi của mình đến khám ở một bệnh viện và được xác nhận là ông cụ đã nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, bệnh viện yêu cầu đưa về nhà vì không có chỗ. Nhà đạo diễn, tin tưởng vào sự nổi tiếng của mình, đã đưa người cha đến một số bệnh viện khác ở Vũ Hán nhưng chỗ nào anh cũng bị từ chối vì thiếu giường. Nhiều người nằm la liệt cả ở ngoài hành lang. Không nỡ để cha nằm ngoài hè lạnh lẽo như thế, anh đưa ông về nhà. Ba ngày sau, ông cụ qua đời.

Nhưng bi kịch gia đình anh chỉ mới bắt đầu. Vào ngày 2 tháng Hai, mẹ anh cũng chết vì cùng một căn bệnh.

Trong thời gian chăm sóc cho song thân, anh nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 14 tháng Hai. Chỉ vài giờ sau đó, em gái anh cũng đã ngã gục trong trận chiến với virus. Vợ anh, qua đời một tuần sau đó.

Trung Quốc đã điều động các lực lượng quân y đến địa phương này. Cho đến nay ít nhất 3,500 quân nhân đã có mặt tại Vũ Hán.

Theo người y tá này, với sự có mặt của các lực lượng quân y này, hiện nay các bệnh viện ít đuổi người ta về hơn. Đồng thời, lại có một thông báo thưởng 10,000 nhân dân tệ, tức là khoảng 1,430 Mỹ Kim cho những ai báo cáo một người bệnh cố tình trốn tránh ở nhà. Có ai được thưởng món tiền hậu hĩnh này chưa thì cô không biết, nhưng hàng ngàn người đã bị bắt giao cho các lực lượng quân y này. Người dân địa phương lo sợ rằng đây chỉ một dịp để bọn cầm quyền thanh trừng các thành phần chống đối và những người tố cáo tham nhũng trong các năm qua.

Vũ Hán, như ta thấy ngày nay nằm ở hợp lưu của sông Hán (Han Jiang - 汉江) và sông Dương Tử (Yangtze - 长江) và được hình thành từ ba thành phố cũ liền kề nhau là Hán Khẩu (Hankou - 汉口), Hán Dương (Hanyang - 汉阳) và Vũ Xương (Wuchang - 武昌).

Vũ Xương là nơi đã xảy ra cuộc Cách Mạng Tân Hợi ngày 10 tháng 10, 1911 thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo.

Sau khi chiếm được Hoa Lục, Vũ Xương là nơi đã diễn ra những vụ tàn sát và bắt bớ kinh hoàng nhất trong năm 1953. Ký ức của những người già trong vùng còn in đậm những vụ xảy ra liên tiếp trong đó quân đội tấn công và giết chết công an để đánh tháo cho tù chạy trước cảnh quá nhiều người bị bắt.

Vào năm 1949, tại Hoa Lục có hơn 4 triệu người Công Giáo với 2698 linh mục bản xứ và 3015 linh mục truyền giáo đến từ các nước. Giáo Hội sở hữu 3932 trường trung tiểu học, 2 đại học, 216 bệnh viện, 781 trạm y tế, 254 viện mồ côi và 29 nhà in.

Khi Mao lên nắm quyền, việc đầu tiên của Mao là trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục để dễ bịt mắt tây phương và lường gạt các thành phần “tiến bộ” trong giới “trí thức” phương tây vẫn còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản. Số linh mục ngoại quốc đang từ con số 3015 tụt xuống còn 172 vị trong đó 71 vị đang rũ tù. 101 vị còn lại trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau này, nhiều vị như các cha dòng Trappist bị bắt đưa ra tòa án nhân dân, bị kết án là thực dân và xâm lược, bị tử hình bằng cách đập đầu vào đá, bể sọ chết.

Một vài con số cho chúng ta thấy sự khủng bố của cộng sản Trung quốc tàn bạo đến mức nào. Số linh mục bản xứ đang từ 2698 vị tụt xuống còn 400 vị trong đó có 160 vị đã bị kết án tử hình hay chung thân. Một số nhỏ tham gia vào hội Công Giáo Yêu Nước, số lớn trốn tránh trong dân không dám hành đạo vì công an ruồng bắt ngày đêm. Tất cả tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Tất cả chủng viện bị đóng cửa.

Ðời sống của các linh mục chui khó khăn và nguy hiểm đến độ nhiều người cho rằng nguy hiểm và khó khăn hơn các linh mục trong tù. Nhiều linh mục cho biết họ luôn luôn bị cám dỗ giữa việc ra đầu thú và việc tiếp tục hành đạo chui. Nếu đầu thú thì đi tù, mạng sống có thể bị nguy hiểm nhưng bớt cơ cực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, giáo dân sẽ không ai coi sóc. Chính vì vậy, các vị đành phó thác trong tay Chúa.

Các linh mục chui không được phép làm việc vì các ngài thường không có hộ khẩu. Các ngài cũng không thể sống nhờ sự chu cấp của giáo dân vì giáo dân cũng nghèo rớt mồng tơi. Các vị thường làm những việc vặt vãnh để độ nhật và dâng lễ chui, làm các phép bí tích tại tư gia và lợi dụng các đám ma để dâng lễ rong đường.

Những nhân chứng sống sót chạy thoát sang Hương Cảng kể lại trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), bọn công an và hồng vệ binh họp dân bắt họ chứng kiến cảnh bọn ác ôn này moi tim các linh mục chui và anh chị em tín hữu Công Giáo để xem “linh hồn lìa khỏi xác” như thế nào.

Những ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của các tín hữu Vũ Hán kéo dài quá lâu, từ năm 1949 đến nay, đang ở mức kịch liệt trong những ngày này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.