Ngày 13 tháng 7, 1917, Đức Mẹ đã cảnh báo ba trẻ mục đồng tại Fatima rằng nếu thế giới không ăn năn, và hoán cải thì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến tranh thứ hai còn kinh hoàng hơn nữa. Điều này sẽ được báo trước bởi một “dấu hiệu vĩ đại” trên bầu trời. Nhìn lại, nhiều người quả quyết là dấu hiệu vĩ đại này chính là hiện tượng nhật thực vào tháng Giêng năm 1938.

Đức Mẹ đã yêu cầu nước Nga phải được thánh hiến cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên tội của Mẹ và các ngày thứ Bảy đầu tháng phải được dành cho việc rước lễ đền tạ. Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.

Đối với những người đón nhận sứ điệp Fatima một cách nghiêm túc, đây là một trường hợp rất rõ ràng về một lời tiên tri đã trở thành hiện thực một cách nhãn tiền. Vì những yêu cầu của Đức Mẹ đã không được chú ý, nước Nga thực sự đã truyền bá ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới, gây ra chiến tranh, bắt bớ và tử đạo trên quy mô rộng lớn, cùng với sự hủy diệt của nhiều quốc gia.

Đứng trước thực tại đó, các vị Giáo Hoàng đã nhiều lần dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, mặc dù đôi khi kín đáo, vì các nhạy cảm chính trị và ngoại giao. Tuy nhiên, chính chị Lucia đã xác nhận rằng hành động đó đã thực sự được thực hiện.

Và đúng như lời Đức Mẹ nói nước Nga đã trở lại. Tôn giáo được hồi sinh tại quốc gia này. Và mặc dù mong manh, thế giới sau năm 1991 đã thực sự hưởng được một giai đoạn hòa bình.

Nhiều người Công Giáo thích nói về biến cố nước Nga trở lại này. Tuy nhiên, đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, có lẽ chúng ta hãy nhớ lại rằng cũng vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ còn nói về một điều còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đó là hỏa ngục. Không những nói, Đức Mẹ còn cho 3 trẻ mục đồng được thị kiến về hỏa ngục. Sơ Lucia cho biết như sau: “Thị kiến đó chỉ kéo dài trong một lát... Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết vì sợ hãi.”

Ngày nay, người ta né tránh không muốn nói về hỏa ngục, đặc biệt là theo những cách thức mà sơ Lucia đã kể lại trong hồi ký của mình. Trong một cuốn sách về thần học, một thần học gia Công Giáo quả quyết rằng không hề có hoả ngục vì theo ông “nói cho cùng, ý tưởng về hoả ngục không xứng đáng với Chúa Giêsu”.

Điều rắc rối là, chính Chúa Giêsu không đồng ý với nhà thần học này. Mô tả của chính Chúa, rất là cụ thể. Khi Đức Mẹ Fatima nói về “những ngọn lửa hỏa ngục”, Mẹ chỉ đơn giản lặp lại những hình ảnh đã được chính Con Mẹ thường xuyên sử dụng.

“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.” (Mc 9:43).

“Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:42)

“Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:49-50)

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.’” (Mt 25:41)

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã quở trách những người yêu cầu “một dấu hiệu từ trời” (Mc 8:11) với nhận xét rằng “chỉ có một thế hệ gian ác và tà dâm” (Mt 12:39) mới cần một dấu lạ như vậy.

Án phạt đời đời chưa bao giờ là một tín điều được nồng nhiệt phổ biến, nhưng trái lại ngày nay đó là tín lý dường như đang bị đả phá mạnh nhất vào lúc này. Những nhà trí thức nổi danh như Stephen Greenblatt lắc đầu, nhếch mép trước giáo huấn đó. Các nhà thần học lập dị nặn óc nghĩ ra những lập luận chống lại tín điều ấy. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội khi được hỏi về điều này, thường trả lời với sự mơ hồ và bối rối.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Vinson Cickyham trên tờ New York Times gần đây chuyển hướng sang vặn hỏi người Công Giáo: “Những tín hữu hiện đại nào là những người không muốn phá bỏ rào cản tàn bạo, cũ kỹ này ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương? Loại thần nào lại vẽ ra một ranh giới cứng rắn như vậy giữa bạn bè và kẻ thù của ông ta, và giữ trong lòng mình một mối hận thù vĩnh cửu như thế? Chắc chắn sự từ bỏ khái niệm về hỏa ngục, ngay cả ý tưởng quên đi khái niệm ấy, cũng mang đến một chút nhẹ nhõm.”

Những lý lẽ như thế cần được thử thách. Chúng ta hãy bắt đầu với nền tảng luận lý. Tội lỗi đáng bị trừng phạt. May mắn là khi còn sống, chúng ta luôn có thể quay lại với lòng thương xót Chúa. Tuy nhiên, các triết gia nói với chúng ta rằng khi chết, linh hồn không còn có thể thay đổi những hướng đi của nó. Trước khi chết, chúng ta có thể đi hướng này hướng khác theo các cảm xúc và thói quen của chúng ta. Nhưng khi linh hồn bị tách ra khỏi cơ thể, khả năng thay đổi này kết thúc và chúng ta chỉ còn lại một định hướng duy nhất. Nếu chúng ta đã hướng về Thiên Chúa trước khi chết, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta đã chọn một hướng khác, chúng ta trong tình trạng đang mắc tội trọng, và hình phạt công bằng chúng ta phải chịu cứ tiếp tục như thế bao lâu chúng ta từ chối Thiên Chúa, và đó là mãi mãi vì chúng ta đã mất khả năng thay đổi. Cư dân địa ngục cứ tiếp tục quyết định số phận của mình như thế. Thánh Anphongsô Đệ Ligouriô viết: “Những kẻ bị lên án là những kẻ cố chấp trong tội lỗi của mình, đến nỗi cho dù Chúa có ban ân xá, lòng thù ghét Ngài sẽ khiến họ từ chối.”

Chúng ta không hoàn toàn mù tịt về sự nghiêm trọng của tội lỗi, bởi vì chúng ta có sự hướng dẫn của Giáo hội. Không chỉ là những tuyên bố huấn giáo có thẩm quyền, mặc dù điều đó là quá đủ rồi, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có cơ man những thể hiện khôn ngoan của Giáo Hội trong suốt hơn 2000 năm: đó là cách giải thích tiêu chuẩn của rất nhiều, rất nhiều câu trong Cựu Ước và Tân Ước; những bài giảng của các thánh, với những cảnh báo khủng khiếp của các ngài về đời sau; lời cầu nguyện từ ngàn xưa trong các Thánh lễ cầu xin cho chúng ta “thoát khỏi án phạt đời đời”; các nhà thần bí, kể cả những vị trong thế kỷ 20, đã từng nhìn thấy những thứ gần như khiến họ chết khiếp đi vì sợ hãi; các bức tranh như Địa Ngục của Dante và Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelo.

Và rồi chúng ta có Thánh Thomas More. Trong phiên tòa xét xử mình, ngài đã nói rằng nếu ngài không nói sự thật thì “hãy cầu nguyện cho tôi để tôi không bao giờ phải đối diện với Chúa”. Chúng ta cũng có những trẻ Fatima, là những mục đồng đã thực hiện việc đền tội để giúp các linh hồn mồ côi, và để phát động một trong những việc sùng kính vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Chúng ta cũng có lời chứng của những nhà trừ quỷ, là những vị trong tiến trình giải phóng con người khỏi bị quỷ ám, đã nói chuyện với ma quỷ về kiếp sau. Bên cạnh đó, còn có vô số những người nam nữ thánh thiện đã đi rao giảng và chăm sóc người bệnh và dành phần lớn đời mình cho tình yêu; không phải hoàn toàn thì ít nhất một phần, bởi vì họ sợ những gì họ có thể phải nghe trong Ngày phán xét. Rồi còn cơ man những người nam nữ bình thường là những người đã buộc mình phải đi đến tòa giải tội, không hoàn toàn thì ít nhất cũng một phần bởi vì họ tin rằng họ cần được giải cứu khẩn cấp. Nếu Đạo Công Giáo là công việc của Chúa Thánh Thần, thì đây chắc chắn là một trong những sự thật mà Ngài muốn dẫn dắt chúng ta đến.

Có phải niềm tin vào địa ngục là một rào cản đối với niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương hay không? Rõ ràng là không, bởi vì các vị thánh, những người có cuộc sống tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận, đã nhìn thấy thực tại địa ngục rõ ràng hơn bất cứ ai. Có lẽ điều này không quá ngạc nhiên: Nó có ý nghĩa rằng những người thực sự hiểu rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng hiểu một cách sâu sắc hậu quả của việc từ chối Lòng Thương Xót ấy là những gì.

Trong cuộc họp báo hôm 11 tháng 5, 2017 để giới thiệu về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ban tổ chức đã giới thiệu bức ảnh chính thức của 2 trẻ mục đồng đã từng thấy Đức Mẹ hiện ra, và sẽ được tuyên thánh một ngày sau đó.

Cả hai bức chân dung chính thức của Jacinta và Francisco Marto, được dùng trong lễ tuyên thánh, đều “héo hắt nụ cười”. Một số ký giả thắc mắc tại sao ban tổ chức không kiếm những bức chân dung nào bớt “nhăn nhó” một chút. Hai trẻ mục đồng này là những vị thánh – không phải là thánh tử đạo – là những vị thánh trẻ nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Việc tuyên thánh của họ có thể giúp tăng cường đức tin cho những người trẻ và cả những người lớn.

Đức Cha Antonio dos Santos Marto của Leiria-Fatima nói:

“Chúng tôi thực sự không tìm ra được hình ảnh của hai người đang mỉm cười. Nếu bạn đã từng thấy hỏa ngục, bạn còn cười được không?”

Khi chúng ta cử hành kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, trong bối cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, chúng ta nên suy nghĩ – dù không thoải mái - về câu hỏi này: liệu thế giới hiện đại này còn cần thêm những dấu chỉ nào nữa khi không phải chỉ một dấu hiệu, mà là cơ man những dấu chỉ từ trời như thế đã xảy ra?