Lễ An Táng Thân Phụ Lm Phaolo Hoàng Đức Dũng

Thứ hai - 08/06/2020 08:46

Lễ An Táng Thân Phụ Lm Phaolo Hoàng Đức Dũng

hình ảnh

Lúc 9g30 sáng thứ hai ngày 8.6.2020, tại Nhà thờ Tin Mừng, Hạt Hàm tân, Đức Cha Giuse - Giám Mục Giáo phận Phan thiết chủ tế Thánh lễ an táng cho Ông cố Phêrô Hoàng Nhứt, thân phụ Lm Phaolo Hoàng Đức Dũng, Quản xứ Gx Hiệp Đức.
Có khoảng 150 cha đồng tế. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ, giáo dân từ những giáo xứ cha Dũng từng phục vụ đã cùng hiệp thông cầu nguyện tiễn biệt Ông Cố đến nơi an nghĩ cuối cùng. Mặc dù tiết trời nắng nóng, nhưng các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân xa gần đã tề tựu thật đông trong tình thân hiệp thông cầu nguyện.



Ông Cố Phêrô đã hoàn tất cuộc đời trong tuổi thọ 93 đáng kính. Ông đã bước qua tuổi “cửu thập như nhân tiên”. Một cuộc sống đạo hạnh tốt lành của Ông Cố được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Sách Khải huyền viết: “Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14,13). Ông được chết trong Chúa, từ nay hết đau khổ nhọc nhắn, giả từ cuộc sống trần gian để về với Chúa.Trong sự tiễn đưa ấm áp của gia đình, con cháu, các linh mục, tu sĩ nam nữ, những người thân yêu, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời, Ông thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu. Những người thân trong tang quyến, đoàn con cháu, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của Ông vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến toả vào ký ức những kỷ niệm nhập nhoà.

Trong bài giảng lễ, Cha quản Hạt Hàm tân suy niệm Tin Mừng (Mt 11,25- 30).
Ngài gợi lên suy niệm từ lời Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Cuộc đời là gánh nặng, hãy đến với Chúa Giêsu để được Chúa bổ sức đỡ nâng. Đây quả là lời an ủi nâng đỡ là điểm tựa cho hành trình dương thế và là sức mạnh cho hành trình tiến về quê trời.


Ngài cám ơn Ông Cố đã dâng người con trai làm linh mục và cầu chúc Ông Cố một chuyến đi bình an và hạnh phúc về với Thiên Chúa tình yêu.

Chết là chia ly là mất mát. Ngậm ngùi kẻ ở người đi. Nhưng dưới ánh sáng đức tin, người Kitô hữu nhìn cuộc đời dưới khía cạnh lạc quan và tích cực. Họ coi cuộc đời chỉ là một cuộc hành trình về quê trời, chúng ta chỉ là khách lữ hành nơi trần thế. Trong cuộc hành trình, họ phải nỗ lực vừa chịu đựng vừa vượt qua khó khăn để đi tới đích.  Họ nhớ lời Chúa đã dặn dò : “Thầy đi để dọn chỗ cho các con... Thầy sẽ trở lại đón các con...”. Họ cũng tin tưởng và lạc quan với lời thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng chờ đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20). Đồng thời, thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết thêm về ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta ở trên trời: “Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1).
Người Kitô hữu có lòng tin như thế coi đời sống là một cuộc thử thách, đau khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.
                                        Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở
                                        Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.
                                        Và u buồn là những đoá hoa tươi,
                                        Và đau khổ là chiến công rực rỡ.
                                        (Chế Lan Viên)

Đối với họ, giờ chết là giờ về với Chúa, về nơi Chúa đã dọn sẵn cho mình (x. Ga 14,1-6), ngày đó không phải là ngày sầu thương tang tóc mà là một ngày vui mừng. Chính vì thế, các bổn đạo đầu tiên gọi ngày chết là Dies natalis, ngày Sinh nhật trong Nước Trời. Với ý nghĩa đó, ông Walfany Goethe đã gọi “con người chết là một vì sao lặn để mọc huy hoàng hơn ở một bán cầu khác”. Giờ chết là ngày khải hoàn sau bao năm phải chiến đấu khổ cực ở trần gian.

Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

Ông Cố ra đi trong lòng mến, đoàn con cháu ở lại trong lòng tin. Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa Ông về nhà Cha trên trời, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Luôn tin rằng Ông đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa quang lâm. Như thế có thể hát lên với Ông Gióp : Tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống,và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, đấng cứu độ tôi.

Ông Cố Phêrô ra đi trong niềm hạnh phúc và hy vọng sống trong sự sống mới của Chúa Kitộ Phục Sinh. Nguyện xin Chúa nhân lành đoái thương đón nhận và dẫn đưa Ông về dự tiệc vui muôn đời.     

                                    



BTT









 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây