Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020 - Ngày 18.11

Thứ tư - 18/11/2020 08:34
Nhật ký Tuần Tĩnh Tâm Năm 2020
Ngày 18.11.2020

hình ảnh

 
  1. Buổi sáng
Ngày tĩnh tâm thứ hai bắt đầu lúc 05g sáng thứ ba, quý Đức cha quý Cha quý Phó tế, tề tựu về Phòng Nguyện cùng nhau đọc Kinh Sáng và thinh lặng nguyện gẫm.

Đến 5g45, Thánh lễ đồng tế với ý nguyện cầu cho các thành phần Dân Chúa do Đức cha Giuse chủ tế và giảng lễ.

Đức cha ngỏ lời

Đức cha giảng lễ

Lúc 8g, Đức cha giảng phòng chia sẻ 2 bài: Đổi mới sứ mạng, Linh mục là người xây dựng Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô và Đổi mới công tác, Linh mục là người dâng lễ.


Bài 1: Linh mục là người xây dựng Nhiệm Thể
 
Ngài khởi đi từ câu hỏi: “Tông đồ” là người được sai đi, vậy bản chất
tông đồ vụ là gì?

Câu trả lời có sẵn trong các sách Tin Mừng. Thánh Maccô viết: “Ngài lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (3,14-15). Câu văn ngắn gọn nhưng phong phú. Nhóm Mười Hai phải ở với Chúa để biết Người, hiểu Người, tin Người, mến Người, rồi xứng đáng được Người sai đi, thay mặt cho Người, làm những việc Người chỉ định, để sự nghiệp của Người được tiếp tục. Việc ở với Chúa để có thể đại diện Chúa quan trọng biết bao! Nhưng đó mới chỉ là điều kiện tiên quyết để đi đến mục đích là sẽ được sai làm tông đồ, vì chữ Tông đồ chỉ có nghĩa là được sai đi. Do đó, tông đồ vụ chính là nhiệm vụ của người được sai đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), và Gioan viết tiếp: “Nói thế rồi, Người thổi hơi trên họ”.
Như vậy, được hiến thánh và sai đi là hai việc không thể tách rời trong ơn gọi của những người được Chúa chọn, trong Cựu ước cũng như trong Tân ước.
Chức vụ công việc khác nhau, nhưng chỉ một thừa tác vụ linh mục duy nhất.
Đó chính là sứ mạng được sai đi làm công việc toàn diện (đúng hơn, công cuộc, nhiệm cục cứu độ) của chính Đức Giêsu Cứu Thế. Khi sống ở trần gian, Người đã chỉ đi đến một số nơi nhất định và làm một số rất ít công việc nhất định; nhưng cuộc đời với những hành động như thế vẫn là “vì tất cả mọi người” vượt mọi giới hạn của không gian và thời gian.
Công đồng Vatican II nói rõ : “Tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành cùng một tác vụ linh mục để phục vụ con người. Thật vậy, tất cả các linh mục đều được sai đi để cộng tác vào cùng một công trình, hoặc thi hành tác vụ tại giáo xứ hay ngoài giáo xứ, tham gia công tác nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc lao động tay chân để chia sẻ cuộc sống với các công nhân khi được giáo quyền hữu trách chấp nhận và xét là hữu ích, hoặc đảm nhận công tác nào khác liên quan đến hoạt động tông đồ. Tất cả đều phải hướng về mục đích duy nhất là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, một công trình đòi hỏi nhiều phận vụ đa dạng cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta ngày nay. Bởi thế, tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, rất cấn phải hỗ trợ nhau, để luôn mãi trở nên những cộng tác viên cùng phục vụ chân lý” (LM 8).
Công đồng Vatican II rất khôn ngoan đã nói với chúng ta: “Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng Giám mục, được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với Giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất…Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục một cách nào đó đại diện của vị Giám mục…đảm nhận theo khả năng những bổn phận và nỗi ưu tư của Giám mục và ân cần thực thi hằng ngày…Các ngài làm cho Giáo Hội phổ quát nên hữu hình ngay tại địa phương mình, và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô” (GH 28).
Chưa bằng lòng với giáo lý thâm thúy ấy, Vatican II là Công Đồng mục vụ, còn nói tiếp một cách cụ thể hơn: “Luôn lưu tâm đến lợi ích của những người con cái Thiên Chúa, các linh mục phải nhiệt thành tham gia vào việc mục vụ của cả Giáo phận, và hơn nữa, của toàn thể Giáo Hội” (GH 28).
Làm Linh mục để phục vụ con người
Mục vụ hiện nay của Hội Thánh, và cũng phải là mục vụ của mọi giáo phận, là phải quan tâm đến Dân Chúa, đến người dân trong Nước Chúa, đến việc làm cho người ta trở nên Dân Chúa.  
Vì thế, Linh mục cần hiểu và kính trọng người giáo dân.
THĐGM năm 1987 bàn về vai trò sứ mạng người giáo dân. Họ là những người đã được nhờ Máu của Con Thiên Chúa lôi từ chốn tối tăm đưa vào Nước Ánh sáng y hệt chúng ta (1 Pr 2,9). Hơn nữa, sau khi được thanh tẩy, họ cũng là dòng dõi được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương, Nước thánh thiện, Dân được chọn làm sở hữu . Họ là anh em của chúng ta, là chi thể của chúng ta trong Thân Thể của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy quan tâm đến tính bình đẳng với họ trước.
Thánh Augustinô nói với giáo dân nhân dịp kỷ niệm ngày thụ phong giám mục của ngài: “Chúng ta phải phân biệt hai điều: một điều chúng ta đều là tín hữu, và điều khác tôi đây là giám mục. Làm tín hữu là một vinh dự, còn làm giám mục là một gánh nặng. Là giáo dân tôi phải lo cho linh hồn mình; là giám mục tôi phải lo cho linh hồn anh em”. Thánh nhân đã nhìn thấy sự bình đẳng trước, rồi mới xét đến sự khác biệt. Cái nhìn bình đẳng khiến người hân hoan, cái nhìn khác biệt khiến người lo sợ.
Thánh Phêrô khuyên rằng: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô:..Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em; lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 P 5,1-3).
Kết thúc bài, Đức cha mời gọi anh em hãy noi gương các thánh linh mục tử đạo Việt Nam luôn ý thức, chấp nhận và sống chức linh mục trong tư thế lên đường phục vụ rất tận tâm không sợ hiểm nguy, nên xây dựng được một Giáo Hội đầy sức sống.

Bài 2: Linh mục là người dâng lễ.

Đức cha khảng định: người chăn chiên tốt với lòng quảng đại, tinh thần khó nghèo và nhiệt thành với Thánh lễ, tôn sùng Thánh Thể. Đối với rất nhiều người, lương cũng như giáo, linh mục là người làm lễ. Và hiện nay giáo dân khao khát có linh mục cũng vì nhất là họ muốn có lễ.  
Vì thế phải ý thức sự cao cả của Thánh lễ. Giáo luật Điều 909 nhắc nhở “linh mục không nên bỏ qua việc dọn mình xứng đáng trước khi dâng lễ, và cám ơn sau Thánh lễ”.
Kế đến là siêng năng đọc sách, viếng Thánh Thể. Hãy cố gắng mỗi ngày nhờ sách vở tìm hiểu thêm về mầu nhiệm đức tin mà chúng ta cử hành hằng ngày, và phải liệu có lòng thực sự tôn sùng Thánh Thể.
Cử hành Thánh lễ, nhiệm vụ chính yếu của linh mục. Ước gì chúng ta ý thức thật sâu xa điều Giáo luật nói ở điều 904: Chính khi cử hành Thánh lễ các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình, vì nếu linh mục được sai đi để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, thì như Công Đồng dạy rõ: “Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành phép Thánh Thể chí thánh” (LM 6). Và Công Đồng thêm: “Cho nên mọi nền giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải bắt đầu từ đó”. Chính vì điều này mà chúng ta nói về việc cử hành Thánh lễ trước khi nói về bất cứ công tác nào của sứ mạng linh mục.
Quyền tế lễ là để phục vụ cho sự hiện diện của Chúa ở trần gian cho đến ngày tận thế.
Chúng ta hãy tin vào ơn của Chúa đi kèm với ơn gọi. Khi gọi và sai chúng ta đi, Ngài bảo chúng ta không được mang theo gì cả (Lc 9,3), nhưng Ngài đã ban cho chúng ta quyền tế lễ. Và như thế là đủ rồi, vì Thánh lễ là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm (LM 5).
Chúng ta hãy nhớ lại, sau khi hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu đã truyền cho môn đệ đi thu lại những mẩu bánh dư. Và sách Tin Mừng nào cũng khẳng định, họ đã thu được 12 thúng đầy (Mt 14,20; Mc 6,43; Lc 9,17; Ga 6,13) để ám chỉ Mình Thánh Chúa sẽ ở mãi với dân Chúa mọi ngày cho đến tận thế, và nhất là Hội Thánh xây trên nền tảng các Tông đồ không bao giờ thiếu bánh bởi trời là lương thực thiêng liêng để nuôi dưỡng dân Chúa. Ngài trao quyền tế lễ cho chúng ta để ơn cứu độ tiếp diễn không ngừng.
Thánh lễ biến đổi chúng ta nên đẹp đẽ. Virgil Georghiu, tác giả cuốn “Giờ thứ 25”, sau đó đã viết cuốn “Từ giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu” có một chương (chương V) rất đẹp nói về ngày Chủ Nhật, dies octava, ngày Chúa sống lại. Ông diễn tả con người của vị tư tế và của giáo dân sau giờ Thánh lễ. Mọi người như đã biến đổi hoàn toàn. Ngay cả các phụ nữ xấu xí cũng trở nên xinh đẹp; còn các em nhỏ thì như các thiên thần. Bởi vì tất cả đều đã rước lễ, và đã trở thành những người mang Thiên Chúa (Théophores). Khi người ta cầm một cây đèn hay một cây nến cháy, mặt người ta được rạng rỡ và rực sáng lên. Huống nữa là khi người ta mang Thiên Chúa là Ánh sáng của mọi ánh sáng! Ánh sáng của Ngài tỏa ra từ bên trong nên thân xác người ta cũng biến dạng và đẹp đẽ hơn.
Đức cha đưa ra những áp dụng thực hành, cần đổi mới quan niệm về tầm quan trọng của Thánh lễ.
Chúng ta hãy cố gắng dâng lễ được như vậy và giúp giáo dân dự lễ, nhất là lễ chủ nhật, được như thế. Chắc chắn phần Phụng vụ lời Chúa có vai trò gần của nó mà chúng ta sẽ nói sau. Nhưng quan niệm đổi mới của linh mục và giáo dân về Thánh lễ cũng là yếu tố quan trọng. Nếu linh mục thâm tín rằng chính khi cử hành Thánh lễ, người ta chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình, thì mọi công việc khác người làm, phải hy sinh và phục vụ cho hành động cao cả này. Không thể coi đây là một việc trong các việc. Quan niệm đây là việc quan trọng nhất cũng chưa đủ. Phải xác tín đây là gốc rễ, là trọng tâm, là đỉnh cao của chức vụ linh mục, vì “là tác động của Chúa Giêsu và Hội Thánh” (LM 13), là quyền năng Thánh Thần kiện toàn công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.
Những chuẩn bị cho Thánh lễ
Mọi sự chuẩn bị đều không dư thừa. Nhà thờ phải đẹp và xứng hợp cho việc dâng lễ (LM 5); bàn thờ phải xứng đáng và phải hiến thánh (điều 932§2); bố trí và trang hoàng cung thánh thế nào cho đạt về phụng vụ và nghệ thuật thánh; chỗ của giáo dân phải thuận lợi cho việc tham dự; nghi lễ và lễ nhạc cần chuẩn bị chu đáo để khỏi gây bực bội và loạn tâm. Trên hết, chính tâm hồn của chủ tế biểu thị ra trong phong cách khi cử hành là nhân tố rất quan trọng.
Kết thúc bài giảng, ngài mời gọi anh em hãy tham dự tích cực theo tinh thần CĐ Vaticano II.
Công Đồng Trentô đã làm cho dân Chúa một thời không tiếc gì với Thánh lễ và Thánh Thể vì giáo lý về hy tế rất cao. Công Đồng Vatican II không làm suy yếu giáo lý ấy tí nào và chỉ muốn giúp dân Chúa biết tham dự tích cực hơn vào hy tế bàn thờ. Tiếc thay nhiều thay đổi đã không được hiểu kỹ! Giá trị hy lễ ít được đào sâu, đang khi tổ chức tham dự nhiều khi muốn biến Thánh lễ thành cuộc họp mặt huynh đệ. Phải chăng không phải là lúc nên đọc kỹ lại 1 Cr 11,17-29, để không nói theo ý riêng nhưng “theo ý Đấng đã sai Ta”, để như Phaolô chỉ truyền lại cho người khác điều đã chịu lấy nơi Chúa (1 Cr 11,23), hoặc như người ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời, thì cũng giống như gia chủ biết rút tự trong kho của ông ra điều mới và điều cũ (Mt 13,51), để luôn luôn biết dâng lễ cho chính mình và cho người khác đúng với ý của Chúa lúc trao chén cho các môn đệ và nói: “Đây là chén Máu Ta, Máu Giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Sau bài giảng anh em cầu nguyện riêng.

Đến 9g30: Giờ Sám hối, quý cha xét mình và xưng tội.
Sau khi nghe giảng, quý cha cầu nguyện và thinh lặng xét gẫm.
  1. Buổi chiều
14g15: Cộng đoàn đọc Kinh Trưa
Đến 14g30: Đức cha Đaminh chia sẻ 2 bài.
Bài 1: Đổi mới giáo huấn, Linh mục là ngôn sứ
Các môn đệ được sai đi rao giảng.Theo Maccô (3,14-15; 6,7; 12), Đức Giêsu đã đặt Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng. Nói và làm, đó là hai công việc cụ thể mà người có sứ mạng được sai đi công tác phải làm theo gương Chúa Giêsu (Lc 24,19).
Chúa Giêsu và các Tông đồ rao giảng. Chúa Giêsu và các Tông đồ, nói cũng quan trọng như làm và có khi còn quan trọng hơn. Maccô cho một thí dụ nơi 1,21-38: Chúa Giêsu sau một ngày giảng dạy có uy quyền và chữa nhiều người ốm đau mắc đủ chứng bệnh, và trừ quỷ cũng nhiều tại Capharnaum, các môn đệ chiều ý người ta muốn ở nán lại, nhưng Ngài bảo họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi”. Và trong 10,45: “Con người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người”. Suốt đời Chúa đã nói và làm. Ngài nói để hướng dẫn người ta đến việc làm của Ngài; và Ngài làm để minh chứng cho lời nói.
Đến lượt các Tông đồ cũng vậy. Rao giảng và chữa bệnh (Mt 10,7-8); rửa tội và giảng dạy (Mt 28,19-20) cũng là lệnh truyền của Chúa sau khi Ngài sai các Tông đồ đi “thâu nạp môn đệ khắp muôn dân” (Mt 28,19).
Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rao giảng
Sở dĩ việc rao giảng quan trọng như vậy vì đó là một cách hành động của Thiên Chúa toàn năng, mà bây giờ Ngài ban cho chúng ta được vinh dự tham gia và tiếp tục. Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc bằng Lời. Ngài phán, lập tức có trời đất, vạn vật. Và Ngài cứu chúng ta bằng cách: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2).
Lời Chúa trên môi miệng các tiên tri và tông đồ.
Không ai nghi ngờ về hiệu quả của Lời khi trực tiếp từ miệng Chúa nói ra, như trong trường hợp Chúa sáng tạo trời đất vạn vật bằng một lời phán của Người, hoặc như trong bao nhiêu trường hợp Đức Giêsu đã nói khi làm các phép lạ. Nhưng Chúa đã khẳng định và biểu thị Lời của Người vẫn có giá trị như thế khi truyền đạt qua miệng các tiên tri (Is 55,10-11) và các Tông đồ: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi” (Mc 13,31; Lc 21,33). Và Người còn nói rõ hơn nữa “Ai nghe các ngươi là nghe Ta” (Lc 10,16). Và quả thật, Chúa đã củng cố việc rao giảng Lời bằng rất nhiều điềm thiêng dấu lạ (x. Cv 3,1-10: người què; 5,1-11: Ananya; 10,44: Cornêliô).
Thế nên, chúng ta hãy cầu xin như các tín hữu sơ khai rằng: “Xin ban cho các tôi tớ Người được tất cả dạn dĩ mà nói lời của Người” (Cv 4,29). Và chúng ta cần tin tưởng, nhiệt thành hơn nữa đối với việc rao giảng lời Chúa, như Công Đồng viết: “Các linh mục mắc nợ mọi người về việc thông truyền cho họ Chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận nơi Chúa” (LM 4).
Các hình thức rao giảng: Thừa tác vụ lời Chúa được thực thi theo nhiều cách thức khác nhau, dựa theo nhu cầu của thính giả và tùy vào đặc sủng của người giảng thuyết” (LM 4).
Chính vì thế, giảng lễ phải sát Lời Chúa và phục vụ mầu nhiệm Thánh Thể. Nội dung giảng luôn hướng về mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh.
Chính linh mục phải lắng nghe Lời Chúa. Giảng phải khởi đi từ Lời Chúa, đúng ra phải nói lên tác động của lời Chúa, không phô trương kiến thức riêng (LM 9;19).
Huấn giáo:Vì được tham dự chức vụ của các Tông đồ theo phận vụ của mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa” (LM 2). Như vậy, linh mục có trách nhiệm giáo huấn mọi người và mắc nợ đối với mọi người, cách riêng đối với những người sắp nhận các bí tích (LM 4).
Kết luận: Hãy chăm đọc và ân cần học hỏi thánh kinh
  • Ước gì khi trung thành “rao giảng lời Chúa ở mọi nơi”, chúng ta có Chúa cùng hành động và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo (Mc 16,20).
  • Sách vở và phương tiện chỉ giúp đỡ phần nào thôi. Điều cốt yếu là “tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa…, không ai trong họ sẽ trở thành người huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe Lời Chúa trong lòng” (MK 5). “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Chúng ta là những được sai đi rao giảng cho muôn dân. Nhiệm vụ thánh này không kêu gọi chúng ta phải có những thái độ cụ thể đổi mới sao?

Bài 2: Đổi mới phượng tự, Linh mục là thừa tác viên của các mầu nhiệm thánh.

Sắc lệnh về Linh Mục: Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng Thánh hóa duy nhất đã muốn nhận một số người làm cộng sự viên và trợ tá, những người khiêm tốn phục vụ công việc thánh hóa. Các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh qua tay Đức Giám mục, để nhờ được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Đức Kitô, các ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng thực thi trong phụng vụ tác vụ tư tế của Người, nhờ Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho chúng ta” (LM 5). Bản văn trên của Công Đồng cho chúng ta những nhân tố thiết yếu để hiểu sâu và đổi mới nhiệm vụ thánh hóa mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong chức linh mục. Đó là chính công việc của Thiên Chúa mà Ngài đã đoái thương chia sẻ cho chúng ta, bởi vì duy chỉ có Người là thánh và việc tác thánh cũng chỉ mình Người làm được. Tại sao vậy? Muốn hiểu được, chúng ta phải biết thánh là gì, và thế nào là thánh hóa?
Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng thánh hóa.Thánh hóa hoàn toàn là việc của Thiên Chúa.
Công việc thánh hóa hoàn toàn là của Chúa. Chính Ngài đã thực hiện, bằng chính các hành động của Ngài, chứ mọi nỗ lực của con người đều vô ích (Rm 3,21-26). Thánh Phaolô nói: chúng ta được công chính hóa không do sự nghiệp riêng nhưng do lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi khi chúng ta đang còn là tội nhân mà Ngài đã sai Con Một của Ngài đến đền thay tội lỗi chúng ta (Rm 5,8). Thế nên thánh Phêrô khuyên nhủ mọi người: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát…, nhưng là nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1Pr 1,18-19). Tác giả thư Do Thái nói tiếp: “Chúng ta hãy dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (4,16).
Chúng ta cộng tác vào công việc thánh hóa
Ngày nay, chúng ta chính là những người tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ, được trao nhiệm vụ thánh hóa. Không kể việc chính mình phải nỗ lực nên thánh như tất cả mọi người trong Giáo Hội (GH 39) vì “Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1 Tx 4,3) và ai cũng đã được Đức Giêsu kêu gọi “hãy nên trọn lành như Cha trên trời” (Mt 5,48), chúng ta còn phải luôn nhớ những điều trên đây để thi hành lời Công Đồng (LM 5), khiêm tốn cộng tác vào công việc thánh hóa. Đây là việc của chính Thiên Chúa, vì duy Ngài là Thánh và là Đấng thánh hóa duy nhất. Ngài đã thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được chọn làm cộng sự viên, nhưng thực ra chỉ là những thừa tác viên, để làm những việc mà Chúa đã trao cho Hội Thánh.
Thế nên, chúng ta luôn phải khiêm nhường và khiêm tốn thi hành ý muốn và đúng ý của Đấng đã sai đi. Và “vì ý muốn của Thiên Chúa là sự thánh hóa anh em” (1 Tx 4,3), nên chúng ta luôn phải sẵn sàngchăm chỉ thi hành nhiệm vụ thánh hóa. Phúc cho đoàn chiên nào luôn có vị chủ chăn ngày đêm sẵn sàng phục vụ như vậy! Phúc hơn nữa cho chính “tôi tớ đó, Chủ đến mà gặp nó đang làm như vậy” (Lc 12,43).
Giữ kỷ luật phụng vụ, không được tự tiện..
Thánh Thần mới là Đấng thánh hóa qua việc làm của các thừa tác viên. Hội Thánh là Hiền thê trung thành đã bảo vệ và truyền đạt những việc Chúa đã thiết định. Là quản lý trung trực và khôn ngoan, các thừa tác viên phải nhiệt thành nhưng không được tự tiện, phải chăm chỉ nhưng phải tuân giữ kỷ luật của Phụng vụ để việc tôn thờ được chân thật và việc làm có giá trị, để không phải thừa tác viên thánh hóa, nhưng là Đức Giêsu đang dâng hy tế duy nhất để Chúa Cha ban ơn công chính hóa cho những kẻ có lòng tin.
Giải tội, một nhiệm vụ gánh nặng, nhưng cũng là một vinh dự, rất nhiều khi hân hoan. Vị linh mục nổi tiếng siêng năng ngồi tòa giải tội là cha sở xứ Ars. Thánh nhân còn muốn đền tội thay cho người ta nữa bằng bao việc hy sinh, hãm xác. Và đó là tấm gương vô cùng quý giá, nói lên tấm lòng của vị thừa tác viên thật sự muốn là cộng tác viên của Thiên Chúa để thánh hóa người ta, vì không có ơn tha thứ mà không có đổ máu (Hr 9,22).Tuy nhiên, nguyên việc nhớ đến câu nói: “Ai nào có thể tha tội được, trừ phi là một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7) đủ để khích lệ chúng ta siêng năng và cần mẫn đối với bí tích cáo giải, vì chính Chúa đã ban quyền ấy cho chúng ta (Ga 20,23). Onus, honor. Không những chúng ta được vinh dự của Thiên Chúa, nếu dám nói như vậy, nhiều khi Chúa cũng thưởng công chúng ta một cách khá rõ rệt và ban cho chúng ta được những tâm tình hân hoan như Đức Mẹ khi đi thăm bà chị họ. Người đã đon đả lên đường cho dù biết cuộc hành trình đầy vất vả hiểm nguy và mệt nhọc. Nhưng khi thấy Gioan nhảy mừng, bà Êlisabeth đầy Thánh Thần, Đức Mẹ đã vui mừng và dám nói: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48). Đôi khi chúng ta cũng được sự hân hoan tương tự khi bắt được một con “cá xộp”, khi làm cho một người trở lại, một gia đình tìm lại được thuận hòa, một bệnh nhân ra đi về với Chúa với nét mặt rực rỡ tỏa ra ơn được thánh hóa. Và một linh mục siêng năng ngồi tòa khi qua đời sẽ được nhiều người thương tiếc.
Kết luận: Hãy vui tươi khi cử hành các mầu nhiệm thánh
Công Đồng nói về ơn gọi linh mục: “Để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó ‘không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng’ (Rm 12,4), chính Chúa đã thiết đặt một số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu” (LM 2). Tế lễtha tội là hai việc, nhưng dưới một góc độ nào đó lại chẳng là một sao? Chúa Giêsu tế lễ làm gì nếu không nhằm mục đích tha tội? Chúng ta tham dự lễ tế của Người làm gì, nếu không để được thánh hóa và trở thành lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Mọi công việc của linh mục, từ việc rao giảng Phúc Âm, cử hành các bí tích, điều hành giáo xứ, đều nhằm mục đích duy nhất, như là Phaolô nói, là “đính hôn anh em với Chúa Kitô làm người bạn trăm năm vẹn sạch không tỳ ố” (2 C 11,2).


Sau bài giảng, quý cha, quý phó tế cầu nguyện và suy gẫm.
Đến17g40: Kinh chiều
 
  1. Buổi tối
19g15: Lần hạt Mân côi
19g30: Cha Quản hạt Phan thiết chủ sự giờ Chầu Thánh Thể, sau đó cộng đoàn đọc Kinh tối.
Lúc 21g, quý cha nghỉ đêm.

Tuần tĩnh tâm là thời gian sống tình hiệp thông cao độ nhất. Hiệp thông với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện và hiệp thông với anh em qua chia sẻ kinh nghiệm mục vụ. Các linh mục giữ sự thinh lặng trong các giờ xét gẫm để cầu nguyện và để xét mình. Thánh lễ, Kinh phụng vụ, chuỗi Mân côi, chầu Thánh Thể, những giờ đạo đức giúp các Linh mục tham dự tuần tĩnh tâm thật sốt mến.Tạ ơn Chúa ngày thứ ba kết thúc trong an lành!

Ban Truyền Thông GP Phan Thiết




 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây