Daniele Leoni, từ một phi công trực thăng trở thành linh mục

Thứ năm - 28/02/2019 01:55

Daniele Leoni, từ một phi công trực thăng trở thành linh mục

 27/02/2019
 

“Tôi đã từng là phi công trực thăng, giờ đây tôi bay đến với Thiên Chúa.” Đó là lời của cha Daniele Leoni, sinh năm 1971, một cựu đại úy phi công trực thăng. Đại úy Leoni giờ đây sống trong một làng quê nhỏ có 750 giáo dân và từ 3 năm nay được mọi người biết đến với tên đơn giản là cha Daniele.

Cha Daniele mới chỉ là cha sở ở Pozzo, vùng Arezzo, nước Ý, từ một năm nay, nhưng cha dường như đã là một người dân của ngôi làng này. Người ta có thể cảm nhận điều này khi thấy cha được chào hỏi trên đường, khi thấy mối liên hệ thật sự với những người cha gặp. Tuy nhiên, cuộc sống yên bình của một trong những làng quê ở Val di Chiana là điều gì đó mới mẻ đối với cha Daniele, người đã quen đi khắp thế giới và sống trong những bối cảnh không có sự yên tĩnh thanh bình. Đôi khi với dòng nước mắt lưng lưng khóe mắt, đôi khi với niềm tự hào và nỗi nhớ, cha Daniele kể lại cuộc đời binh chủng của mình, với cả ngàn chuyến hành quân và khó khăn, không có sự thanh bình, và lý do đã đưa cha trở thành linh mục.

Cuộc đời quân nhân

Tôi đã ở trong quân ngũ 19 năm. Tôi đã tham gia vào các nhiệm vụ tại Albania, Kosovo, Bosnia, Serbia e Iraq. Tôi là phi công trực thăng… Vào đầu tháng 11 tới đây là tròn 10 năm kể từ khi tôi bay chuyến cuối cùng… Năm 19 tuổi tôi gia nhập quân đội, đầu tiên là ngành pháo binh ở Udine; đó là một quân đoàn hoạt động mạnh nhất của Ý, là đơn vị duy nhất được phép bắn lựu đạn hạt nhân; sau đó tôi đến trường hạ sĩ quan ở Viterbo. Trong thời gian ở đây, tôi nhận ra rằng tất cả những điều Giáo hội nói là thật. Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng nếu Thiên Chúa thật sự là Thiên Chúa thì thật đáng để dâng cho Người tất cả.

Khi tôi giải ngũ, tôi vẫn không biết kết quả cuộc thi phi công trực thăng mà tôi đã tham dự. Vào năm 1994, tôi bắt đầu theo học chủng viện Arezzo và đã quyết định gia nhập chủng viện. Tất cả đã được sắp đặt và vào ban chiều tôi đã nói lời chia tay với bạn gái của tôi. Sáng hôm sau, khi tôi còn đang ngủ, ba tôi đến và gọi tôi: “Dani, Dani, cảnh sát chờ con trên điện thoại”. Và từ đầu dây bên kia, họ nói với tôi: “Trung úy Leoni, anh đã đậu cuộc thi phi công trực thăng.”

Ngay khi bỏ điện thoại xuống, tôi gọi cho cha giám đốc chủng viện và thưa với cha: “Cha Gianca, con cám ơn cơ hội được vào chủng viện, nhưng con đi làm phi công trực thăng đây. Chào cha. Chào cha.” Cúp điện thoại. Và tôi đã đi làm công việc thích thú nhất thế giới. Bạn hãy làm những điều vĩ đại cho xứ sở của bạn, chứ đừng chỉ chăm lo cho ích lợi ở nước ngoài. Khi bạn giúp đỡ mọi người, cho dù đó là cấp cứu một người bị thương bằng cách đưa anh ta tránh xa chiến trường, cho dù đó là tìm kiếm người bị lạc mất và đi giải cứu trên núi, hoặc khi bạn tham gia chống lại hỏa hoạn, đó luôn luôn là một công việc phục vụ.

Hướng đến một sứ vụ khác

Phi công trực thăng là một công việc buộc người ta phải liên tục đối đầu với sự sống. Giống như trong một đêm, bạn đi thi hành nhiệm vụ ở Iraq, với Simone Cola, một người mà bạn tin tưởng, và ngày hôm sau người đó bị giết. Hoặc khi bạn trở về Ý, hai đồng đội của bạn chết trong một vụ tai nạn và sau đó bạn quay lại đó để thay thế họ. Với những người bạn của tôi, chúng tôi đã chia sẻ những điều vĩ đại và tôi nhớ họ. Tôi nhớ mối quan hệ giữa các đồng đội.

Công việc của các phi công trực thăng buộc người ta phải liên tục kiểm soát chính mình và các cảm xúc của mình. Nếu bạn biết rằng vào 5 giờ ngày mai bạn sẽ có một nhiệm vụ và nơi đó họ bắn vào bạn và bạn cũng phải bắn, chúng ta không cần nhiều can đảm vào lúc đó nhưng là trước đó. Đó chính là nơi mà sự sợ hãi nổi lên và bạn tự nhủ: ‘Nếu tôi chết, tôi đã nói với những người thân yêu của mình là tôi yêu họ chưa? Tôi đã làm một điều gì đó để làm cho thế giới này trở nên tốt hơn chưa?’ Lòng can đảm thì cần thiết khi bạn phải leo lên chiếc trực thăng và nói: ‘Tốt thôi, chúng ta đi.’ Bạn nhìn các chàng trai trèo lên trực thăng, bạn biết rằng cuộc đời của họ ở trong tay bạn, hãy bắt đầu và làm những gì bạn phải làm.

Đốm lửa dưới tro tàn

Hiển nhiên là Daniele không thiếu thứ gì, nhưng dưới lớp tro vẫn âm ỉ một ngọn lửa được ẩn dấu. Cha Daniele kể về quyết định trở lại chủng viện như sau: Năm 2004, chúng tôi ở Tallil, Iraq, một vài dặm về phía nam của Nasiriyah. Từ cây số này sang cây số khác, không có một nhà nguyện nào cả. Các bạn hãy nghĩ xem, khi Đức cha Angelo Bagnasco, khi đó là giám hạt quân đội, đến thăm chúng tôi, tôi đã đưa ngài từ Kuwait City đến đó bằng máy bay trực thăng, chúng tôi đã cử hành Thánh lễ Giáng sinh trong lều của cửa hàng thực phẩm, có mùi nước tiểu mà tôi để các bạn tự tưởng tượng ra. Cầu nguyện mang lại cho tôi sự bình an thật lớn lao và đôi khi có một nữ hạ sĩ cùng cầu nguyện với tôi. Chúng tôi đi đến một bãi đậu xe để không làm phiền đến ai và chúng tôi đã đọc Kinh Chiều. Tuy nhiên, sau một thời gian, đại tá đã triệu tập tôi lên và nói: “Anh thật là một điều xấu hổ! Anh không biết rằng một sĩ quan và một hạ sĩ quan thì không thể có mối quan hệ mật thiết sao?!”.Tôi như ngã từ trên cây xuống ... nhưng khi sự việc được rõ ràng, đại tá đã thú nhận với tôi: “Có lẽ các bạn là những người duy nhất làm điều đúng đắn ở đây”. Các nhân viên người Mỹ đã xây dựng một nhà nguyện bằng gỗ tuyệt đẹp ở đó. Người dân đồng hương với chỉ huy cũng tặng cho chúng tôi một quả chuông.

Dần dần, đốm lửa dưới tro tàn đã bùng cháy trở lại. Cuộc đời của tôi đẹp tuyệt vời nhưng tôi chỉ cảm nhận những thời khắc bình an thật sự khi tôi ở với Chúa. Sau đó tôi giải ngũ và gia nhập chủng viện lại. Giờ đây tôi ở đây. Trước đây tôi phục vụ một quốc gia, giờ đây tôi phục vụ tất cả mọi người. Nó không còn là sự giúp đỡ được trao tặng cho cuộc sống tại thế này nhưng là sự phục vụ hướng về cuộc sống vĩnh hằng, nơi mà nguồn mạch của mọi sức mạnh là Chúa Kitô. Cuộc chiến của chúng ta giờ đây không phải là chống lại các sức mạnh của thế giới này nhưng chống lại quyền lực của sự dữ. Satan đang hoạt động hơn bao giờ hết và đẩy mạnh chiến lược của nó bằng cách hành động chống lại đức tin và chống lại gia đình.

Đức tin của viên đại đội trưởng người La mã

Khi được hỏi cha sẽ nói gì với những người bị sốc khi biết về quá khứ chinh chiến của cha, cha Daniele trả lời: “Họ cần đọc Tin mừng. Ví dụ về đức tin mạnh mẽ nhất mà Chúa Giêsu đã gặp trên toàn Israel là đức tin của viên đại đội trưởng người La mã. Một người lính đã đâm vào ngực Chúa Giêsu như dấu chỉ của sự tôn kính. Chính anh ta, chuyên viên của sự chết, đã nhận ra phẩm giá và vương quyền của Chúa Kitô trong cái chết của Người. Dưới mắt viên đại đội trưởng, Chúa Kitô đã chết như một vị anh hùng.”

Tin, ảnh: Hồng Thủy - Vatican

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây