Suy niệm - Thứ Năm tuần 5 Thường Niên

Thứ tư - 08/02/2023 09:55
myhn 09 02 2023





TIn Mừng: Mc 7, 24-30

Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.”


MỤC LỤC

Suy Niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2:  NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ NHAU − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: ĐỨC TIN CỦA LƯƠNG DÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


 

Suy Niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)

Nguồn:

https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-17/fifth-week-in-ordinary-time/


“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”

Tại sao Chúa Giê-su lại nói với người đàn bà như vậy? Bà ấy đến với Ngài gần như trong sự sợ hãi và run sợ, sấp mình xuống dưới chân Ngài và cầu xin Ngài giúp con gái bà. Đầu tiên, mỗi người có thể nghĩ Chúa Giê-su sẽ đưa tay ra một cách hiền lành và đầy yêu thương, hỏi bà về con gái bà và nói: “Ồ, tất nhiên tôi sẽ giúp con gái của bà, hãy đưa tôi đến gặp con bé.” Nhưng đó lại không phải những gì Ngài nói, Ngài nói với bà rằng: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Ô! Ngài đã nói vậy sao? Tại sao Ngài lại nói điều như vậy?

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng mọi điều Chúa Giê-su làm đều là dấu chỉ tình yêu. Đó là hành động của sự tử tế và nhân từ nhất. Chúng ta biết điều đó vì chính Chúa Giê-su là tình yêu và là Đấng giàu lòng xót thương. Vậy chúng ta làm sao có thể đồng nhất sự trái ngược rõ ràng này?

Chìa khóa để hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu là nhìn vào kết quả cuối cùng. Chúng ta phải nhìn vào cách phản ứng của người đàn bà với Chúa Giê-su và cách cuộc nói chuyện kết thúc. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta thấy rằng người đàn bà phản ứng với sự khiêm nhường và niềm tin lạ thường. Điều Chúa Giê-su nói là đúng. Chúng ta có thể hiểu điều Ngài nói có nghĩa rằng không ai có quyền đối với ơn và lòng từ bi của Ngài. Không một ai “xứng đáng” để xin Thiên Chúa làm điều gì đó cho mình. Chúa Giê-su biết điều này và, với câu trả lời như vậy, Ngài đã ban cho người đàn bà một cơ hội tuyệt vời để bày tỏ đức tin mãnh liệt của mình cho mọi người thấy. Lời Ngài cho phép bà toả sáng như một ngọn hải đăng của niềm tin, hy vọng và sự cậy trông. Và bà đã không làm Chúa Giêsu thất vọng. Khi bà đến với Ngài, Ngài đã ngay lập tức nhận ra rằng bà thực sự có một niềm tin mãnh liệt. Ngài biết bà sẽ đáp lại với sự khiêm nhường và sự cậy trông. Người đàn bà đã làm như thế, và nhờ vậy chúng ta mới có thể chứng kiến sự khiêm nhường và đức tin của bà.

Hôm nay, bạn hãy suy ngẫm về đức tin đẹp đẽ của người đàn bà khiêm nhường này. Cố gắng đặt mình vào vị trí của bà và nghe Chúa Giê-su nói những lời tương tự với mình. Bạn sẽ đáp lại như thế nào?  Bạn sẽ đáp lại với sự tức giận hay kích động? Lòng tự trọng của bạn có bị tổn thương? Hay bạn sẽ đáp lại với một sự khiêm nhường sâu sắc hơn nữa, thừa nhận sự thật rằng tất cả những gì Thiên Chúa ban cho đều là món quà mà chúng ta chẳng xứng đáng được nhận? Đáp lại với lòng khiêm nhường là hành động của đức tin mà Thiên Chúa đang chờ đợi từ mỗi người chúng ta và là chìa khóa để lòng nhân từ của Ngài đổ tràn trên đời ta.

 Lạy Chúa, xin hãy hạ con xuống. Xin tước đi sự kiêu căng của con và giúp con sấp mình xuống dưới chân Chúa. Xin giúp con trông cậy vào Ngài cách sâu sắc để bằng tình yêu của con dành cho Ngài, Ngài sẽ “buộc phải” mở kho ơn huệ của Ngài và đổ tràn xuống trên con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài. Amen!

 

Suy niệm 2:  NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ NHAU − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Người đàn bà xứ Phênixi, vừa với lòng tin, vừa với sự kiên nhẫn trong nhục nhằn, đã xin được Chúa Giêsu cứu con gái mình khỏi quỷ ám! Đó là đứa con gái yêu quý của bà, nó thuộc về bà, là khúc ruột của bà, nên bà sẵn sàng làm tất cả, dẹp lòng tự ái sang một bên, để cứu con mình. Đó là cách sống của những người thuộc về nhau.

Câu chuyện Thiên Chúa làm nên Eva cho Adam, tuy dù là ngôn ngữ ẩn dụ, cũng giúp chúng ta hiểu thêm về điều đó. Với mọi loài, Thiên Chúa đều dùng đất sét để dựng nên chúng: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời” (x. St 2,19). Trước đó, với Adam, Thiên Chúa cũng làm tương tự: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thế nhưng, với Eva thì khác.

“Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người (adam), và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người (adam) ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người (adam). Con người nói: ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!’ ” (St 2,21-23)

Eva được dựng nên từ xương và thịt của Adam, khiến cho người này trở thành xương, thành thịt của người kia. Từ ngữ “adam” có hai nghĩa: hoặc là đàn ông, hoặc là con người nói chung. Vì thế, có bản dịch ghi là: “Con người (adam) ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Là con người, theo như ý định Thiên Chúa, đều cần có người khác. Adam thấy cần một “trợ tá tương xứng” (St 2,20). Loài vật không đáp ứng được nhu cầu này, chỉ có người khác mới “tương xứng”. Người khác là trợ tá tương xứng và không thể thiếu, bởi vì cả hai là xương là thịt của nhau.

Xương thịt có lúc cũng làm đau đớn cho nhau, nhưng cả hai đều có liên đới với nhau trong cả sự sống và trong lỗi phạm: cùng sống và cùng gây ra hậu quả nghiêm trọng! Sống với người khác như những người thuộc về nhau có nghĩa là “cộng sinh” và cùng đảm nhận những giới hạn, những đau đớn và cả những lỗi lầm của nhau nữa!

 

Suy niệm 3: ĐỨC TIN CỦA LƯƠNG DÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Hôm ấy Chúa đi sang miền Tia, miền lương dân chính cống. Vùng hoạt động trước đây của Chúa tuy hoạt động ở miền Galilê, nhưng anh em lương dân đã biết đến nhiều. Đó cũng là kinh nghiệm cho Giáo hội hôm nay, nói truyền giáo liên tục trên miệng, nhưng mới chỉ số rất ít đi ra lương dân.

Tuy Chúa tới đây, nhưng Ngài không muốn làm rùng beng những hoạt động hay hiện diện của Ngài. Đó là sự khiêm tốn dè dặt mà Chúa vẫn cố tạo nên.  Vì sự rộn ràng phức tạp không cho phép người ta chia sẻ Tin mừng của Chúa. Vấn đề là vẫn hoán cải cõi lòng hơn là hình thức bên ngoài.

Nhưng người ta vẫn đến. Vì Chúa đã trở thành biểu tượng của tình yêu không biên giới, tình yêu phổ quát, tình yêu đón nhận cả nhân loại.

Một bà mẹ xuất hiện. Ai quan tâm đến đứa con cho bằng bà mẹ. Quả thực tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng cao quý. Nhưng vô phúc thay cho thời đại của chúng ta: Có biết bao nhiêu bà mẹ không biết thương con, không biết tôn trọng sự sống con mình. Họ đã phá thai như ăn cơm bữa. Người lớn thì được nể, còn thai nhi non yếu thì người ta lên án tử hình, không ai bầu chữa. Đó là văn minh của sự chết.

Đứa con người mẹ đó bị quỷ ám. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ, người ta vẫn gán cho ma quỷ là nguyên nhân gây nên bệnh tật. Nhưng ở đây hành động của Chúa là hành động giải thoát cứu vớt, cũng có ý nghĩa sáng tạo mới do ý nghĩa tượng trưng con người mới : Con người có đôi tai rộng mở để lắng nghe lời Chúa, có lúc được thong dong ca ngợi Chúa. Sự kỳ lạ lại xuất phát từ niềm tin của một bà mẹ đã hết mực thương con, niềm tin đem đến ơn cứu độ. Niềm tin của bà có tính chất đột phá vì nó đã phá vỡ ngăn cách giữa lương giáo, phá vỡ tính yêu tiên cho dân tuyển chọn như bánh dùng cho con cái không thể dành cho chó dù là chó con. Nó còn phá vỡ sự nghi ngờ khi Thiên Chúa không vội vàng đáp lời van xin.

Với câu nói của Chúa có vẻ từ chối : “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó” . Bà ta đáp : “Thưa Ngài đúng thế nhưng chó con lại ở dưới gần bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Đức tin vừa vững mạnh vừa khiêm tốn đó khiến Chúa phải tặng thưởng niềm tin của bà : “vì bà nói thế nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con  bà rồi”.

Bà xin chút mảnh vụn của hồng ân Chúa, nhưng Chúa đã cho bà cái bánh tuyệt vời.Vì Ngài đã đến để cho mọi người.



Suy niệm 4: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 2, 18-25 qua lăng kính Mc 7, 24-30, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy cơ sở phẩm giá của loài người nói chung, và của người nam và người nữ nói riêng, do tự tương quan của họ với Thiên Chúa và với nhau, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 7, 14-30 : dù gốc ngoại giáo, nhưng nhờ niềm tin mạnh mẽ và vô điều kiện nơi Đức Giêsu, bà mẹ và đứa con gái nhỏ bị quỉ ám của bà đã được Đức Giêsu ban ơn và chữa khỏi [“Đức Giêsu nói với bà : ‘Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.’ Bà ấy đáp : ‘Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.’ Đức Giêsu nói với bà : ‘Vì bà nói vậy, nên bà cứ về đi, quỉ đã xuất khỏi con gái bà rồi’.” (7, 27-29)]… 

(2) Thứ đến, trong St 2, 18-25 : căn tính chồng-vợ tùy thuộc tương quan họ có với nhau và với Thiên Chúa, Đấng tạo thành nên họ, và để cho nhau [“Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người...Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (2, 22.24)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Lạy Chúa, chúng con chỉ là mình, chỉ là con của Chúa, khi chúng con lệ thuộc vào Chúa và vào nhau…

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây