Thứ Bảy tuần 14 thường niên.

Thứ sáu - 09/07/2021 07:48

Thứ Bảy tuần 14 thường niên.

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".

 

Lời Chúa: Mt 10, 24-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời".

 

 

Suy Niệm 1: Anh em đừng sợ

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng lo (c.19).

Hôm nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31).

Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,

có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.

Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.

Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…

“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần.

Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).

Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).

Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).

Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).

Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).

Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.

Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.

Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,

không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.

Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,

điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).

Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.

Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,

vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).

Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.

Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,

khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.

Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.

Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.

Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.

“Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).

Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).

Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).

Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.

Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.

Nhưng là biết sợ ai.

“Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”

Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,

để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Sợ và không sợ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong vũ trụ con người rất bé nhỏ. Chỉ như một hạt bụi. Và luôn có những thế lực khiến con người sợ hãi.Vì có thể nghiền nát con người. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta khôn ngoan phân định. Nên biết sợ và không biết sợ.

Đừng sợ những thế lực đời này. Vì họ chỉ có thể huỷ hoại được thân xác. Nhưng không huỷ hoại được linh hồn. Họ chỉ chiếm đoạt đời này của ta. Nhưng không thể chiếm đoạt đời sau. Quyền lực của họ mau qua. Chính họ cũng tàn lụi theo quy luật tự nhiên. Thế lực trần gian chính là một phép thử con người. Thử óc phân định. Thử thái độ chọn lựa. Thử sự trung tín. Thử mức độ siêu thoát. Để xem ta chọn lựa trần gian hay Thiên Chúa.

Chúa dạy ta hãy biết sợ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa làm chủ cả đời này lẫn đời sau. Vì Thiên Chúa có thể huỷ hoại cả thân xác lẫn linh hồn. Vì Thiên Chúa là vị thẩm phán tối cao. Sẽ xét xử cả vũ trụ lẫn con người.

I-sa-i-a đã được chứng kiến vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang bao trùm cả vũ trụ. Cả trời đất tràn ngập vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa thống trị cả trời đất muôn loài. Nếu có phải sợ ta phải sợ Thiên Chúa (năm chẵn).

Tổ phụ Giu-se đã hiểu được điều đó. Trong khi anh em ngài chưa hiểu. Nên cư xử theo thói đời. Khi có quyền thế thì ức hiếp người khác. Khi đối diện với quyền lực thì sợ hãi khiếp nhược. Nhưng tổ phụ Giu-se đã cư xử khác hẳn. Có lẽ trước kia ngài cũng từng sợ người đời. Nhưng từ khi cảm nghiệm được quyền năng Thiên Chúa trong đời mình ngài thay đổi thái độ. Ngài kính sợ Thiên Chúa. Vì biết Thiên Chúa làm chủ vận mệnh. Ngài cảm nghiệm được quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Không những cứu ngài khỏi bàn tay người phàm. Mà còn hạ nhục những kẻ có sức mạnh. Nâng cao ngài là một người yếu ớt bé nhỏ. Chính vì thế mà ngài khoan dung với anh em. Không xét xử anh em. Để Thiên Chúa xét xử. Không dám dùng quyền của mình trên anh em. Vì biết trên mình còn có quyền năng tuyệt đối là Thiên Chúa. Và chính quyền năng của mình cũng là do Thiên Chúa ban tặng (năm lẻ).

Xin cho con hiểu được chân lý này như I-sa-i-a. Như tổ phụ Giu-se. Để con không sợ những thế lực đời này. Không sợ mất mát đời này. Nhưng luôn kính sợ Thiên Chúa. Và biết kính trọng anh em.

 

Suy Niệm 3: Ðừng sợ người đời

Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù lòa".

Ðã từng vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo động mà ông đã đề ra.

Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?

"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Những sợ hãi không đâu

“Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không thể giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.”

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (Mt. 10, 28. 32-33)

Chúng ta sợ hãi cái gì?

Bạn hãi hỏi xem người ta sợ hãi cái gì? Hầu như ai nấy cùng có một câu trả lời. Người ta sợ bị ốm đau, tật nguyền sợ mất của cải hay công ăn việc làm, sợ phải sống cô đơn, sợ mất danh thơm, tiếng tốt, sợ bị kẻ bất lương tấn công ngoài đường phố, sợ phải xa cách người thân yêu, sợ chết…

Điều ta lo sợ trong cuộc sống ấy, bởi chính nó gây tổn thương, mất mát, thiệt thòi hay tàn tật cho ta. Ta không khinh chê coi thường những xao xuyến, sợ hãi kia. Nhưng chỉ có nguyên những lo âu xao xuyến này thôi sao, và đó phải chăng là những điều quan trọng nhất? còn biết bao điều lẽ ra khiến ta phải bàng hoàng lo sợ, thế mà ta lại bình chân như vại.

Những điều đáng sợ mà người ta lại không nghĩ đến.

Bạn hỏi xem người ta có lo sợ vì không kính mến Thiên Chúa và yêu thương người ta đủ không? Hãy hỏi xem người ta có sợ vì chỉ biết sống bo bo mà không biết chia sớt với anh em mình không. Người ta có run sợ vì đã không coi trọng Phúc Âm, không sống đời cầu nguyện và nói về Chúa Giêsu đủ không? Những người mà bạn đặt những câu hỏi trên đây cho họ, có lẽ đều bỡ ngỡ. Vì phần lớn thời giờ, có bao giờ tâm trí họ màng đến những điều như trên đây.

Chúng ta thường sợ hãi vì những chuyện chẳng đáng gì, còn những điều lẽ ra lòng ta phải xao xuyến âu lo, thì ta lại chẳng màng chi đến. Ta hãy biết sợ. Kiểu nói đó, nghe không suôi. Bởi vì Chúa đâu có muốn cho ta phải sống trong nơm nớp sợ hãi; nhưng Người muốn ta luôn được sống trong yêu thương an bình. Điều Chúa mang đợi ở ta là luôn hướng về Người và các anh em ta. Người mong muốn cho ta chẳng phải sợ gì, chẳng sợ ai cả, nhưng vững tin rằng Chúa Thánh Thần hằng ngự trong ta che chở và dẫn dắt ta đến cùng Cha.

Lạy Chúa, xin cho con biết xao xuyến và sợ hãi những khi con thấy mình xa Chúa. Xin giúp con biết đem lại niềm hy vọng mới cho những ai đang hao mòn vì những xao xuyến sợ hãi đủ thứ trong cuộc đời.

J.Y.G

 

Suy Niệm 5: “ĐỪNG SỢ” (Mt 10, 24-33)

Xem lại CN 12 TN A, và CN 4 PS C

Khi khởi đầu sứ vụ Phêrô, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa đón nhận Đức Kitô”. Tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói như thế? Phải chăng ngài nhận ra một thế giới đang xa dần Thiên Chúa, hay lòng người đã buông xuôi và không chấp nhận hoặc không dám đứng về phía sự thiện?

Thật vậy, ngày nay, khi con người được Thiên Chúa quan phòng cho có khả năng để phát minh ra nhiều điều mới lạ, hữu ích để phục vụ nhân loại cho tốt hơn, thì cũng là lúc con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Bởi vì họ sợ Chúa và những giá trị Tin Mừng của Ngài làm cho họ phải thay đổi một nếp sống mà họ đang theo, nếp sống đó là sự bất chính, trái với Tin Mừng của Chúa dạy.

Như vậy, dù trong mọi hoàn cảnh, mọi thời... người môn đệ Chúa Kitô vẫn được sai đến với những nơi đang xa dần Thiên Chúa như thế. Dẫu biết rằng đây là điều khó, đôi khi phải chết vì sứ vụ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ cái giá phải trả cho việc làm chứng về Đức Giêsu. Hãy can trường tín thác nơi Chúa. Hãy tin tưởng vào Đức Giêsu vì Ngài đã thắng thế gian.

Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều xác tín rằng: sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tỏa sáng niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn được ơn can đảm để dấn thân vào mọi môi trường, hầu loan báo về Chúa cho muôn dân. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Sợ ai? Sợ gì?

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng ta phải kính sợ. Xác tín điều đó, ta sẽ can đảm làm chứng cho Chúa, và ta sẽ sống đạo vì Chúa mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo dựng hồn xác con và làm chủ mạng sống con. Chỉ có Chúa là Đấng con yêu mến và kính sợ trên hết mọi người, mọi sự. Thế nhưng đối với con điều ấy không dễ. Áp lực xã hội và dư luận là rào cản hữu hình, con dễ nhận thấy nên con thường sợ những điều ấy hơn sợ Chúa. Con thường sợ người đời cười chê hơn kính sợ Chúa. Con nể xã hội, bạn bè, cha mẹ, hơn kính nể Chúa. Rất nhiều lúc vì nể nang mà con đã làm điều sai trái. Con mà không đi lễ thì sợ người ta đánh giá con khô khan, con mà gian tham thì sợ người ta khinh ghét con, con không đóng góp việc chung thì sợ người ta coi con là kẻ keo kiệt, ích kỷ. Chúa đang mong con phải tiến xa hơn mức độ đó. Con sống tốt không phải vì sợ ai cho bằng là vì con muốn sống đẹp lòng Chúa. Làm phiền lòng Chúa, đó là điều con đáng sợ nhất mà con phải sợ.

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho con để con nhận ra Chúa đang hiện diện bên con và nhìn thấy con, để nhờ đó, trước khi suy nghĩ điều gì, nói câu gì hoặc làm việc gì, con sẽ biết chọn lựa, đắn đo suy nghĩ, nói năng, hành động sao cho đẹp lòng Chúa. Được mọi người đánh giá tốt về con, đó là điều đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng nhất và cần thiết nhất là con sống sao để chính Chúa cũng đánh giá tốt về con.

Xin Chúa cho con biết kính sợ Chúa hết lòng để con can đảm sống theo lời Chúa. Và với lòng kính sợ nhưng tràn ngập tin yêu phó thác, con sẽ can đảm làm chứng về Chúa mà không sợ hãi. Amen.

Ghi nhớ : “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.

 

Suy Niệm 7: Đừng sợ

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi những làn khói trắng tại thành Vatican Rôma bay lên, cả Rôma đổ xô về đền thờ thánh Phêrô và tất cả thế giới hướng về thủ đô của Giáo hội Công giáo. Vị Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo sau Mật Nghị Hồng y đã được bầu lên ngôi. Chuông của các Giáo đường ở Rôma vang rền chào đón một triều Giáo hoàng mới bắt đầu. Ít phút sau, tên của vị Giáo hoàng - Đức Karol Wojtyla với tước vị Gioan Phaolô II được xướng lên, vị Giáo hoàng đến từ sau bức màn sắt, đất nước Balan. Ngài đã bước ra ban công để chúc lành cho thế giới với trách nhiệm kế vị thánh Phêrô, một trong những lời mà Ngài đã ngỏ lời với thế giới: “Đừng sợ và tin vào Chúa Kitô”.

Lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định rõ tinh thần của Đức Kitô: “Anh em đừng sợ” (Mt 10,26) mà trước đó Đức Kitô nói đến viễn cảnh những người tin sẽ phải đối diện với sự bách hại và thử thách niềm tin (x. Mt 10,17-25). Hãy sống với niềm tin vào Thầy, vào Cha Thầy. Niềm tin biểu lộ bằng sự vượt qua sợ hãi, sợ hãi do những cơn bách hại, sợ hãi do từng cụ thể hoàn cảnh gây cho con người bối rối lo âu...

Suy niệm

Thân phận của con người luôn đối diện với những sự việc hay hoảng hốt sợ hãi, Tin Mừng đã ghi lại một số sự việc như là tiêu biểu của sự sợ hãi của kiếp nhân sinh:

Thấy Chúa đến với mình khi đi trên mặt biển, các tông đồ hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên (Mt 14,26). Thánh Phêrô dù được Chúa cho đi trên mặt biển với Chúa, nhưng trước phong ba bão tố, ông vẫn cứ sợ và chìm dần xuống, Chúa đã có mặt và dẫn dắt ông đi trong bình an (x. Mt 14,29-33)

Các tông đồ có Chúa bên cạnh trong hành trình vượt sóng, phong ba bão tố nổi lên, các ông sợ tàu của mình sẽ bị nhấn chìm, Đức Kitô chỉ ra lệnh một tiếng: Hãy im ngay và trời đất tỏa sáng cảnh thái bình (x. Mc 4,35-41)

Các tông đồ sợ, khi Thầy bị bắt nên đã bỏ trốn đi hết (x. Mt 26,56). Ông Phêrô trước áp lực truy lùng của người Do Thái cũng đã chối Thầy… (x. Mt 26,69-75). Các tông đồ sợ hãi vì thầy đã mất, người Do Thái đang tìm các ông để thanh toán “món nợ” cũ, lại trước tin đồn “các ông lấy xác Thầy rồi loan tin sống lại” làm các ông hoảng loạn, đóng kín cổng cao tường không dám tiếp xúc với ai bên ngoài (x. Ga 20,19). Vì thế, các ông hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-23).

Tất cả tâm tư sợ hãi nơi các môn đệ là tiêu biểu cho sự sợ hãi của kiếp con người có lẽ mang tâm tư của Isaia đã trải nghiệm: “Lòng tôi dao động, nỗi kinh hãi khiến tôi bàng hoàng. Cảnh chiều tà xưa tôi ưa thích nay trở thành mối lo sợ cho tôi” (Is 21,4).

Giữa muôn nỗi bàng hoàng, lo sợ thì Đức Kitô đã đến mang sứ điệp hy vọng “anh em đừng sợ” vì “anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”, thánh Ambrôsiô đã khẳng định: “Nếu Thiên Chúa luôn quan tâm cho cá, chim sẽ đơn giản... thì không nghi ngờ rằng: Ngài luôn nhìn với sự chăm sóc chú ý đến với người tín hữu trung tín”.

Trong cuộc sống vất vả, lo âu khó khăn đã làm chúng ta sợ, đó là niềm sợ hãi của kiếp nhân sinh mà ai ai cũng phải đối diện, làm bào mòn niềm tin của người tín hữu như Gióp đã trải nghiệm, chua xót, thở than đầy thất vọng: “Ðến bao giờ Ngài mới ngoảnh mặt đi để con yên thân nuốt trôi nước miếng ? Con phạm tội có hề chi đến Ngài, lạy Ðấng dò xét phàm nhân ? Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn ? Phải chăng con đã nên gánh nặng cho Ngài ? (G 7,19-20). Hiện tại đã thế, thì tương lai lại càng mịt mù hơn, nỗi niềm sợ hãi luôn chồng chất trên sợ hãi... Nếu còn chút niềm tin, lời khấn cầu càng trở nên thống thiết: “Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 25,2).

Bỗng Lời của Chúa thì thầm trong tâm hồn như Ngài đã hứa với ngôn sứ Isaia: “Đừng sợ hãi: Có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”. Cho nên: “Trong ngày con sợ hãi, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 56,4) và vì thế, tôi sống và tiến bước mang tâm tình mà Thánh Vịnh đã xác tín: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27,13)

Mong cho tôi và bạn vững bước tiến đi giữa bao thăng trầm của cuộc sống như Lời Chúa dạy “Đừng có sợ, hãy tin vào Thầy” (Mc 4,40). Tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín.

Ý lực sống:

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa,

 tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).

 

Suy Niệm 8: Chúa trấn an và khích lệ các Tông đồ (Mt 10,24-33)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu cho các môn đệ biết: Tôi tớ không thể hơn chủ. Người ta đã đối xử tệ bạc với Thầy thì người ta cũng đối xử với các con tệ bạc hơn. Nhưng các con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn các con. Các con cứ mạnh dạn tuyên bố điều Thầy nói riêng với các con. Mọi sự sẽ có Cha trên trời lo cho các con, vì các con trọng hơn chim sẻ nhiều. Ai nhận Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng nhận người đó trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy thì Thầy cũng chối kẻ ấy.

‘‘Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”

Cha ông chúng ta thường nói rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nghĩa là con cái và cháu chắt thừa kế nhiều nét giống nhau từ cha mẹ và ông bà mình. Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu cũng có ý nói: Chúa Giêsu thế nào thì những ai theo Chúa cũng như vậy. Kitô hữu là những người phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

Cách so sánh trên đây cho thấy lý do gây ra bách hại, là sự đồng nhất sâu xa giữa Chúa Giêsu và các Tông đồ. Chính khi chịu bách hại, người Tông đồ nên giống Chúa Giêsu hơn. Điều này an ủi, khích lệ và tăng thêm sức mạnh cho các Tông đồ khi phải đương đầu với những khó khăn.

Chúa Giêsu đã đi trên con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta thấy một lý tưởng, một con đường để đi theo. Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thể xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.

‘‘Các con đừng sợ người ta”

Phản ứng tự nhiên của con người trước khó khăn, bách hại, là lo sợ. Chúa Giêsu đã khuyên các Tông đồ can đảm làm chứng cho Ngài, và Ngài cũng khuyên họ đừng sợ. Đừng sợ những kẻ vu oan, vì không có gì ẩn khuất mà không bị lộ. Trung thành với sự thật đôi khi cũng khiến chúng ta phải trả giá có khi bằng chính mạng sống của mình.

Chúa Giêsu cũng nhắc chúng ta đừng sợ những kẻ chỉ có thể làm hại thân xác, mà không thể giết được linh hồn. Thân xác có thể bị thiệt thòi, nhưng linh hồn sẽ không hề hấn gì, nếu chúng ta vững tin vào Chúa.

Lần thứ ba Ngài nhắc chúng ta đừng sợ là vì chúng ta quí trọng hơn nhiều, nếu Thiên Chúa đã chăm lo cho chim sẻ ngoài đồng, thì huống hồ là con người, ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, chúng ta sẽ dấn thân nhiều hơn để làm chứng cho Chúa.

Hãy nghe tiếng nói của lương tâm

Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Ngài đừng sợ người đời. Những gì Ngài nói với họ trong bí mật, họ phải tỏ lộ cho mọi người biết. Những gì Ngài nói với họ ban đêm, họ phải nói ra giữa ban ngày. Những gì họ nghe rỉ tai, họ phải leo lên mái nhà mà rao giảng. Trong bí mật, giữa ban đêm, rỉ tai, những kiểu nói này có thể gợi lên cho chúng ta “tiếng nói của lương tâm”.

Lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm tâm hồn con người. Tiếng nói của lương tâm quả thật không chấp nhận thỏa hiệp và nhân nhượng. Đòi hỏi của tiếng nói ấy triệt để đến độ con người phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để trung thành sống theo tiếng nói ấy. Không thỏa hiệp với các sức mạnh của gian dối, không vì một chút đặc ân dễ dãi và nhất là quyền lực, của cải, danh vọng, mà bán đứng lương tâm hay thinh lặng đồng loã. Đó là thách đố lớn nhất và cũng là thách đố duy nhất của Giáo hội cho những người có quyền bính trong Giáo hội, cho mọi tín hữu Kitô trong giai đoạn hiện nay (Mỗi ngày một tin vui).

Người ta thường nói: “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử: không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Muốn đem Tin mừng đến cho người khác thì người tông đồ phải biết dấn thân, và dấn thân cũng có nghĩa như liều mạng. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta cái tư tưởng “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ “đừng sợ” 365 lần trong Kinh thánh. Người tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa.

Truyện: Tại sao lại sợ?

Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến được vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, nhưng vợ viên sĩ quan sợ hơn cả, còn ông thì bình thản như chẳng có sự gì xảy ra. Vợ ông trách ông là ông không quan tâm gì đến an nguy của vợ con. Ông không nói nhiều, vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt nhưng liền sau đó bỗng cười lên không tỏ gì là sợ hãi nữa.

- Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em?

- Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người rất thương em.

- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là người hằng yêu mến anh (Góp nhặt).

 SUY NIỆM

1. “Mầu Nhiệm nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo”

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, một trong những lời của Đức Giê-su làm cho chúng ta phải chú ý, có lẽ là lời này:

Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ,
không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết
(c. 26)

Chúng ta thường hiểu câu nói này của Đức Giê-su theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và loài người ; lúc ấy thật là xấu hổ. Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng.

Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói ngay sau đó :

Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm,
thì hãy nói ra giữa ban ngày;
và điều anh em nghe rỉ tai,
thì hãy lên mái nhà rao giảng
(c. 27)

Do đó, điều che dấu hay bí mật chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được công bố và được nghe. Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Ngài rồi.

Thực vậy, thánh Phao-lô nói : « Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật » (Ep 3, 8-9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27). Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ».

 2. Sự chết và sự sống

a. Sự chết

Khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình. Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người). Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Chính vì thế, Đức Giê-su nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.

“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

b. Sự Sống

Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm” về Thiên Chúa Ba Ngôi: người môn đệ bị bách hại vì Chúa Con, nên được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để Người lên tiếng và hành động nơi các môn đệ, như Đức Giê-su nói: “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”

Và sự bách hại không phải là vô tận, nhưng sẽ kết thúc với biến cố “Con Người đến” một cách bất chợt. Đó là hướng đi tất yếu của lịch sử cứu độ, bởi vì Đức Ki-tô đã vượt qua sự bách hại và chính sự chết, và Ngài sẽ lại đến để dẫn đưa sáng tạo và lịch sử đi vào một chiều kích vừa vĩnh cửu và vừa mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu, chính sự bách hại khiến người môn đệ phải trốn chạy: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”, sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống với Đức Ki-tô và mau đến với Người. Con Người đến với chúng ta, hay chúng ta đến với Con Người, còn nhắc nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người: Người đã bị giết chết, nhưng Người đã phục sinh, để trở nên sức mạnh và niềm hi vọng cho người môn đệ thuộc mọi thời.

 3. “Anh em đừng sợ…”

Tuy nhiên, đứng trước viễn tượng chống đối tất yếu và tận căn như thế, không ai có thể tránh được sự sợ hãi ; và chính Đức Ki-tô cũng có kinh nghiệm này trong Vườn Dầu. Vì thế, khi Người mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (3 lần ở những câu 26, 28 và 31), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người : « Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa : « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục ».

Và nhất là người môn đệ đươc mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người : « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ». Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người :

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
 muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 4-5)

Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa, vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi trung niên, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương ».

Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39). Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

*  *  *

Khi bắt đầu nói về sự bách hại, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (c. 16). Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời mời gọi này khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng, rạng ngời sự đơn sơ và khôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong Hoả ngục – SN song ngữ ngày 10.7.2021

 

 

Saturday (July 10):“Fear him who can destroy soul and body in hell”

Scripture:  Matthew 10:24-33

24 “A disciple is not above his teacher, nor a servant above his master; 25 it is enough for the disciple to be like his teacher and the servant like his master. If they have called the master of the house Beelzebul, how much more will they malign those of his household? 26 “So have no fear of them; for nothing is covered that will not be revealed, or hidden that will not be known. 27 What I tell you in the dark, utter in the light; and what you hear whispered, proclaim upon the housetops. 28 And do not fear those who kill the body but cannot kill the soul; rather fear him who can destroy both soul and body in hell. 29 Are not two sparrows sold for a penny? And not one of them will fall to the ground without your Father’s will. 30 But even the hairs of your head are all numbered. 31 Fear not, therefore; you are of more value than many sparrows. 32 So every one who acknowledges me before men, I also will acknowledge before my Father who is in heaven; 33 but whoever denies me before men, I also will deny before my Father who is in heaven.”

Thứ Bảy     10-7                Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong Hỏa ngục

Mt 10,24-33

 24 “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

 

Meditation: 

What does fear have to do with the kingdom of God? Fear is a powerful force. It can lead us to panic and flight or it can spur us to faith and action. The fear of God is the antidote to the fear of losing one’s life. I sought the Lord, and he answered me and delivered me from all my fears. O fear the Lord, you his saints, for those who fear him have no want! Come, O sons, listen to me, I will teach you the fear of the Lord. (Psalm 34:4,9,11)

 

 

Godly fear – reverence for God

What is a godly fear? It is reverence for the One who made us in love and who sustains us in mercy and kindness. The greatest injury or loss which we can experience is not physical but spiritual – the loss of one’s soul to the power of hell (Matthew 10:28). A healthy fear (godly respect) and reverence for God leads to spiritual maturity, wisdom, and right judgment and it frees us from the tyranny of sinful pride, cowardice – especially in the face of evil, and spiritual deception. Do you trust in God’s grace and mercy and do you obey his word?

 

 

When Jesus proclaimed the kingdom (reign) of God he met opposition and hostility. Many religious leaders opposed Jesus because they refused to believe that he was the Messiah (God’s Anointed One) and that his authority and power came from God. They claimed his power came from Beelzebub – the prince of demons who is also called Satan or the devil. Jesus demonstrated the power of God’s kingdom through his numerous signs and miracles and his power to set people free from Satan’s harm and deception. 

 

Choosing for God’s kingdom

There are fundamentally only two kingdoms in opposition to one another – God’s kingdom of light – his truth and righteousness (moral goodness) and Satan’s kingdom of darkness – his power to deceive and tempt people to rebel and do what is wrong and evil. And there are no neutral parties – we are either for God’s kingdom or against it. We either choose for Jesus and the kingdom he brings – God’s rule of peace and righteousness, or we choose for the kingdom of this world which opposes God’s truth and righteousness. That is why Jesus told his disciples that they must expect the same treatment of opposition and hostility if they accept him as their Lord (Messiah) and Master (Teacher). 

 

There is both a warning and a privilege in Jesus’ statement. Just as Jesus had to carry his cross to suffer and die for us, so every disciple of Christ must bear his or her own cross of suffering for Christ and not try to evade it. To suffer for the Christian faith is to share in the work of Jesus Christ. As one Christian hymn states: Lift high the Cross of Christ! Tread where his feet have trod. The Holy Spirit gives us supernatural power, freedom, and grace to live as disciples of Jesus Christ. Do you trust in God who gives us the strength and perseverance we need to follow his will and to embrace our cross each day for Jesus’ sake?

“Lord Jesus, it is my joy and privilege to be your disciple. Give me strength and courage to bear any hardship and suffering which may come my way in serving you and obeying your will. May I witness to others the joy of the Gospel – the good news of your kingdom of peace, joy, and righteousness.”

Suy niệm:

Sợ hãi có quan hệ gì với vương quốc của Thiên Chúa? Sợ hãi có một sức mạnh ghê gớm. Nó có thể dẫn chúng ta tới hoang mang và trốn tránh, hay nó có thể khích lệ chúng ta tới đức tin và hành động. Sự kính sợ Thiên Chúa là thuốc giải cho sự sợ hãi cái chết. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại. Giải thoát tôi khỏi mọi nỗi kinh hoàng. Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Chúa chẳng thiếu thốn điều gì. Các con ơi, hãy tới mà nghe, ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa (Tv 34,4.9.11).

Sự sợ hãi tốt lành – Kính sợ Chúa

Kính sợ Chúa là gì? Đó là lòng tôn kính đối với Đấng đã tạo dựng nên ta trong tình yêu, và Đấng nâng đỡ chúng ta với lòng thương xót và nhân hậu. Vết thương hay nỗi mất mát lớn nhất mà chúng ta có thể cảm  nghiệm được không phải về thể lý, nhưng về tinh thần – mất linh hồn ai đó cho quyền lực của Hỏa ngục (Mt 10,28). Sự kính sợ Thiên Chúa lành mạnh dẫn tới sự trưởng thành tâm linh, khôn ngoan và phán đoán đúng đắn, và nó giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ của tính kiêu ngạo, lừa dối, và hèn nhát tội lỗi – đặc biệt trong bộ mặt lừa dối về tội lỗi và tâm linh. Bạn có tin tưởng vào ơn sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, và quy phục lời Người không?

Khi Ðức Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa, Người đã gặp sự chống đối và thù địch. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo chống đối Đức Giêsu vì họ khước từ tin rằng Người là Đấng Messia (Đấng được xức dầu của Thiên Chúa) và tin quyền năng của Người đến từ Thiên Chúa. Họ nói rằng sức mạnh của Người đến từ Beelzebul – là tướng quỷ, cũng gọi là Satan hay quỷ dữ. Đức Giêsu minh chứng quyền năng của vương quốc Thiên Chúa qua vô số các điềm thiêng dấu lạ và quyền giải thoát con người khỏi sự tác hại và lừa dối của Satan.

Lựa chọn vương quốc của Thiên Chúa

Về cơ bản, chỉ có hai vương quốc đối nghịch nhau – vương quốc ánh sáng của Thiên Chúa – sự thật và sự công chính của Người (tốt về luân lý) và vương quốc tăm tối của Satan – sức mạnh của hắn là lừa dối và cám dỗ con người nổi loạn và làm những điều sai trái xấu xa. Không có phe trung lập – chúng ta chỉ chọn vương quốc của Thiên Chúa hay ngược lại. Chúng ta chỉ chọn lựa Đức Giêsu và vương quốc Người đem tới – luật lệ bình an và công chính của Thiên Chúa, hay chúng ta chọn vương quốc của thế gian này chống lại chân lý và sự công chính của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng họ cũng sẽ bị đối xử tương tự: sự chống đối và thù địch, nếu họ nhận Người là Chúa ( Đấng Messia) và là Chủ (Thầy) của họ.

Trong lời nói của Đức Giêsu có cả sự cảnh báo và đặc ân. Giống như Ðức Giêsu phải vác thập giá để chịu khổ và chết vì chúng ta, thì các môn đệ của Đức Kitô cũng phải vác thánh giá đau khổ của mình vì Đức Kitô và không được trốn tránh nó. Đau khổ vì đức tin là chia sẻ công việc của Đức Kitô. Như một bài thánh ca đã nói: Hãy nâng cao thánh giá của Đức Kitô! Hãy bước tới nơi nào bước chân Người đã bước. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh và ơn sủng để sống như người môn đệ của Ðức Giêsu Kitô. Bạn có tin tưởng vào ơn sủng của Thiên Chúa để vác lấy thánh giá của bạn vì Ðức Giêsu không?

Lạy Chúa Giêsu, niềm vui và đặc ân của con đó chính là được làm môn đệ của Chúa. Xin ban cho con sức mạnh và lòng can đảm để đón nhận bất kỳ khó khăn và đau khổ nào, có thể xảy đến trên con đường phụng sự Chúa và vâng phục ý Chúa của con. Chớ gì con làm chứng cho người khác về niềm vui của Tin mừng – Tin mừng vương quốc bình an, niềm vui, và công chính của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây