Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

Chủ nhật - 08/05/2022 06:24

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

"Ta là cửa chuồng chiên".

 

Lời Chúa: Ga 10, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

 

Suy Niệm 1: Mục tử nhân lành

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ

là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin.

Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết.

Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.

Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê,

vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên,

chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô.

Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó.

Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,

như Cha biết tôi và tôi biết Cha.

Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.

Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.

Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.

Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc.

Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.

Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên

có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng,

và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.

Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng

chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.

Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.

Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài.

Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.

Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá

giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Mọi mục tử phải noi gương Ngài,

dám chết để cho chiên được sống.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,

để lo cho đoàn chiên trên thế giới.

Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình.

Ðiều đó thật là tốt đẹp.

Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ

ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.

Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm,

để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.

Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên

ở ngay nơi lời nài xin của con người.

Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,

đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống.

Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.

Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ.

Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố,

những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội...

Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.

Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh biết bao đại chủng sinh,

các linh mục, và các tu sĩ nam nữ, các nhà thừa sai.

Nhưng đồng lúa chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt,

tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.

Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi

để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa,

nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn

để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa

để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục

có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con

đến với Chúa là Nguồn Sống thật. Amen.

 

Suy Niệm 2: Cửa Giêsu

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa hôm nay chứa đầy tâm tình yêu thương. Chúa Giêsu tự ví mình như cánh cửa. Quả thật cánh cửa của Chúa đã mở ra hết mọi chiều kích phong phú cuả sự sống để ban cho ta muôn vàn ân sủng.

Cánh cửa Giê-su mở ra chiều rộng vô biên của Nước Trời. Cửa mở rộng để đón nhận mọi người. Chúa không ngừng mời gọi mọi người đến với Chúa. Thoạt tiên là người Do Thái: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái các ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh”(Mt 23, 37). Rồi đến tất cả mọi dân tộc: “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về”(Ga 10, 16). Hôm nay, trong một thị kiến lạ lùng, Chúa đã truyền cho thánh Phê-rô phải mạnh dạn đi đến với dân ngoại tại Ma-kê-đô-ni-a. Quả thật cánh cửa là tấm lòng của Chúa rộng mở đến vô biên để đón nhận tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi mầu da, mọi ngôn ngữ vào Nước Chúa.

Cánh cửa Giêsu mở ra chiều cao vời vợi của ân sủng. Cửa mở ra cho ta đi vào cuộc sống mới trong một chân trời mới cao vượt cõi nhân gian phàm trần. Đó là cuộc sống trong Thánh Thần vượt xa mọi ràng buộc nặng nề của xác thịt. Được sinh trong Thánh Thần, ta tự do như gió, muốn thổi đâu thì thổi. Được nâng lên làm con Thiên Chúa, ta được ngồi ngang hàng với các bậc thần thánh. Chúa nâng cao phẩm giá con người. Con người không còn bị kết án dính chặt vào mặt đất. Con người trở nên Con Chúa và có một định mệnh mới cao quí vô cùng.

Cánh cửa Giê-su mở ra chiều sâu thăm thẳm của tình yêu. Chúa đến với ta trong tình yêu. Chúa yêu thương nên gọi tên từng người. Theo quan niệm của người Do Thái, tên tức là người. Biết tên là biết người. Chúa biết rõ ta từ khi ta chưa có mặt trên đời. Như lời Thánh vịnh 138: “Con mới là bào thai mắt Ngài đã thấy. Mọi ngày đời được dành sẵn cho con. Đều thấy ghi trong sổ sách Ngài “. Ta đến với Chúa bằng tình yêu vì Chúa cho ta được biết tiếng ngài. Biết tiếng không khỏi gợi nhớ đến nguồn gốc của từ ngữ “tri âm, tri kỷ” tức là một người hiểu biết mình tường tận. Chúa cho ta được nghe tiếng Chúa để trở thành bạn hữu tri âm của Chúa, để hiểu và tham dự vào mọi chương trình của Chúa như lời Chúa nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

 

Suy Niệm 3: Chúa chiên lành

Có một chàng sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, đã không chọn cho mình một ngành nghề chuyên môn, nhưng lại đi chăn cừu thuê. Anh cho biết: Mỗi ngày anh phải làm việc tới mười tám tiếng đồng hồ và làm tất cả bảy ngày trong tuần. Suốt thời gian ở trên núi, anh hoàn toàn cô đơn, chỉ bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn con cừu.

Mỗi tuần một lần, người ta đem đến cho anh thực phẩm, thư từ và đạn dược. Công việc của anh là làm sao giữ cho đàn cừu được ở chung một chỗ, dẫn chúng đến nơi có cỏ và có nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ.

Anh kể: một buổi sáng nọ, có một nhóm cừu tự rời khỏi bày, thế là tôi phải bỏ tất cả thời gian để lần theo dấu vết của chúng. Ngay khi vừa mới tìm thấy, thì một cơn mưa bão ập xuống, khiến tôi và những con cừu vừa ướt lại vừa bị lạnh cóng suốt đêm.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy nghề chăn cừu thời nay thật là khó khăn và cực nhọc. Nhưng ngày xưa, khi chưa có súng đạn thì công việc của họ không chỉ cực nhọc mà còn rất nguy hiểm nữa.

Trong sách Samuel, Đavid đã trả lời cho nhà vua trước lúc giao tranh với Goliath như sau: Tâu bệ hạ, thần đã từng chăm sóc đàn cừu của phụ thân, bất cứ khi nào có một con sư tử hay một con gấu cướp đi một con cừu, thì lập tức, thần rượt theo và tấn công nó để cứu con cừu. Nếu con sư tử hay con gấu ấy quay vào tấn công thần, thần sẽ xông tới, chộp cổ họng và đánh nó cho đến chết. Thần đã giết nhiều sư tử và gấu. Thần cũng sẽ làm như vậy với tên Philitinh ngoại đạo này.

Từ những mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay, trong đó Chúa đã nói: Ta là mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Nói cách khác Chúa Giêsu chính là vị mục tử mà tiên tri Egiechiel đã loan báo: Ngài chăm sóc những con bơ vơ yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn và đi tìm những con bị lạc. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài tự hiến mạng sống cho đoàn chiên. Và từ cõi chết sống lại, Ngài đã chia sẻ vinh quang Phục sinh cho đoàn chiên của Ngài. Từ đó chúng ta hãy rút ra một vài điểm thực hành:

Điểm thứ nhất, đó là hãy tỏ lòng biết ơn Ngài vì nhờ sự chết và Phục sinh, Ngài đã cứu chúng ta khỏi manh mối của thú dữ là ma quỷ và tội lỗi.

Điểm thứ hai, đó là hãy bước đi dưới sự dẫn dắt của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta chẳng bao giờ bị lầm đường lạc lối. Trái lại, cuộc đời chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn, bởi vì như lời thánh vịnh cũng đã xác quyết: Chúa là Mục tử, Ngài dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi. Cỏ non rợn đồng xanh con không bao giờ thiếu suối nước trường sinh con nghỉ uống no đầy.

 

Suy Niệm 4: Mục tử nhân lành

(TGM Ngô Quang Kiệt)

Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Nguơì cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đức Giêsu hướng dẫn đoàn chiên bằng cách nào? Bằng quyền lực hay bằng tình yêu thương?

2- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Đức Kitô.

3- Bạn có cảm thấy trách nhiệm là mục tử của mình không? Bạn đã đối xử với đoàn chiên của mình thế nào?

4- Bạn nghĩ gì về đời sống tu trì? Bạn có cầu nguyện cho cha Xứ của bạn không?

 

Suy Niệm 5: Ta Là Cửa Ðoàn Chiên

Phần lớn vùng đất Giuđêa nằm trên độ cao, nhiều gồ ghề và sỏi đá, thuận tiện cho việc chăn nuôi hơn là trồng trọt. Bởi thế, người dân vùng này nói riêng và toàn thể vùng Palestina nói chung thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi nhiều cừu để lấy lông chiên hơn là ăn thịt. Thế nên, mối liên lạc giữa đàn chiên và người chăn thật mật thiết. Chiên hiểu chủ và chủ biết từng con chiên một.

Hình ảnh người chăn chiên là một diễn tả quen thuộc của lòng nhân từ, yêu thương. Trong Kinh Thánh các tác giả Cựu Ước đặc biệt là Thánh Vịnh thường hay so sánh mối quan hệ giữa Giavê Thiên Chúa và dân Israel như người chăn và đàn chiên. Israel và đàn chiên Giavê chăm sóc trong đồng cỏ của Ngài.

Qua tân Ước, hình ảnh người chăn và đàn chiên cũng được nhiều lần nói đến, đặc biệt là người chăn chiên được Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên nhân lành. Nỗi lòng của người chăn chiên cũng là nỗi lòng của Ngài. Một trong những diễn tả ấy được thánh sử Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Anh chị em thân mến!

Thấy người Do Thái không lãnh hội được ý nghĩa là người chăn chiên, Chúa Giêsu nói rõ cho họ biết: "Ta là cửa chuồng chiên". Qua đó, chính Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết con đường đi tới Chúa Cha như là cửa mà đàn chiên ra vào và được hưởng sự an toàn, được sống dồi dào. Còn những kẻ đến trước mà vào là kẻ trộm cướp nên chiên đã không nghe tiếng họ. Những người đến trước ở đây không phải là các ngôn sứ, nhưng là những người dựa vào sự khôn ngoan thông thái thế gian. Chính họ là những người Thiên Chúa dấu không cho biết những điều thuôc về ơn cứu độ. Trong thực tế, mặc dù bị áp đặt, nhưng người mù được Chúa Giêsu chữa lành không nghe lời người Pharisiêu và chỉ tin vào Chúa Giêsu. Vì họ là kẻ trộm đã giết hại chiên và phá hủy, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào.

Chúa Giêsu đã tóm tắt vai trò của Ngài, Ðấng chăn chiên với đàn chiên là hình ảnh cửa đàn chiên: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Ðây là hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Ðông đối với các mục tử chăn chiên. Người mục tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm và ban ngày, sẽ dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 22 vẫn hát lên "trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước trong lành".

Chúa Giêsu là cửa để qua đó từng con chiên vào và được nghỉ qua đêm an toàn. Chính nơi cửa, người mục tử sẽ cầm gậy để kiểm từng con chiên, không để một con nào bị lạc mất. Chúa Giêsu là cửa, qua đó các con chiên được dẫn đi ăn mỗi buổi sáng, để các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của chủ chăn. Chủ chăn gọi đàn chiên và dẫn chúng đi, người chăn chiên đi trước và chiên theo sau, vì chiên biết tiếng chủ chiên của mình. Hình ảnh cửa chuồng chiên và hình ảnh vị chủ chăn cho chúng ta thấy Ngài là Ðấng chăn chiên, là Ðấng Cứu Ðộ cho những ai nghe tiếng Ngài.

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 6: “Ta biết chúng, và chúng theo Ta”

Chuyện kể rằng: một du khách đến Palestin, gặp được người mục tử đang làm việc tại trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh đồi núi và bày cừu đang tung tăng trên cánh đồng cỏ.

Phóng tầm nhìn, du khách hỏi: “Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?” Người mục tử hỏi lại: “Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi”.

Trong cuộc đời của Đức Giêsu, một trong những phương pháp sư phạm của Ngài khi rao giảng Tin Mừng chính là phương pháp ẩn dụ. Tức là mượn hình ảnh của thiên nhiên, động vật... để nói lên một chân lý thuộc về Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cho biết: Đức Giêsu dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Ngài và dân Israel.

Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.

Hôm nay, Đức Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.

Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con được “biết” Chúa như chính Chúa đã “biết” chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu-người chăn chiên nhân lành

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là người chăn chiên nhân lành. Người đến để ban sự sống cho tất cả những ai đặt tin tưởng nơi Người và nghe theo tiếng Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, một trong những nỗi băn khoăn khắc khoải sâu xa nhất của mỗi người, của mỗi tâm hồn, là nỗi băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời, về con đường mà mỗi người cần phải theo trong cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu. Giữa lòng thế giới hôm nay, trước những quan niệm thế tục về cuộc sống con người, con cũng đã nhiều lúc hoang mang, nhiều lúc chao đảo, cứ mải loay hoay tìm kiếm cho mình một con đường, một lối đi, mà không cần ai dẫn dắt, chẳng cần nương tựa vào ai. Và như thế thất bại và chán nản là chuyện bình thường.

Lạy Chúa, từ những chán nản thất vọng đó, con tự hỏi: Ai sẽ dẫn dắt con vào con đường của sự sống hoàn hảo, ai sẽ xoa dịu những cơn đau khổ, những thất bại ? Chúa quả quyết với con: “Ta đến để cho mọi người được sống và sống dồi dào”. Lời xác quyết ấy tuy đơn sơ nhưng vững vàng, làm cho mọi băn khoăn lo lắng của con tan biến và đem lại niềm hy vọng cho đời sống con.

Lạy Chúa, một tương lai tươi sáng đã mở ra cho con. Xin cho con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Xin cho con biết luôn để cho Chúa dẫn dắt và nghe theo lời Chúa truyền dạy.

Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn con đi trên đường dẫn đến sự sống đời đời, và xin giúp con luôn trung thành với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ta là cửa chuồng chiên”.

 

Suy Niệm 8: Đức Giêsu Chúa chiên nhân lành

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy Đức Giêsu là cửa chuồng chiên:

- “Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp”: Đức Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ giành quyền lãnh đạo tôn giáo, không phải mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

- “Ta là cửa chuồng chiên”: Đức Giêsu là mục tử đích thật của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn.

2. Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và xem nhiều phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài, nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ: “Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10,14).

3. “Ta là cửa chuồng chiên”.

Đức Giêsu còn xác định Ngài là cửa chuồng chiên để bảo vệ đàn chiên. Hình ảnh này hơi khó hiểu đối với chúng ta vì phong tục nuôi chiên của người Palestin khác với chúng ta.

Trong cuốn “The Holy Land”: vùng đất thánh, tác giả John Kellman mô tả: chuồng chiên ở Do thái có một bức tường bằng đá chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Ngày nọ một du khách Thánh Địa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Người du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng của anh đâu”? Người mục tử liền đáp: “Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe biết, ban đêm anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không có con chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.

4. “Khi sói đến, người làm thuê bỏ chiên mà trốn”.

Đức Giêsu khẳng định “Ta là mục tử tốt lành”, do đó Ngài đã quên bản thân mình để phục vụ lợi ích của dân chúng và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên.

Trong quyển “The land and the Book”, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có một chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn chiên của chàng.

5. “Anh đi trước và chiên đi theo anh”.

Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.

Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Đức Giêsu mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời. “Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng  cũng đều là  những lôi kéo của Thiên Chúa.

6. Truyện: Theo anh là thủ lãnh.

Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại ân nhân.

Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói:

- Này em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go: Đường đi xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ... Em ở lại hay theo anh? Nếu em theo anh, chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước, thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tùy em quyết định.

Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người anh, người bạn và nói:

- Theo anh là thủ lãnh của em.

Thế là em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé:

- Em có bỏ không?

Lời thưa đầy hăng hái:

- Em đã chẳng hứa với anh sao?

Sáu tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Phúc Âm hôm nay trình bày Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên:

“Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp”: Chúa Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sỹ. Họ không được Thiên Chúa uỷ nhiệm, họ chỉ dành quyền lãnh đạo tôn giáo, không chỉ để mưu cầu ích lợi cho dân, mà chỉ để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

“Ta là cửa chuồng chiên”: Chính Chúa Giêsu là cửa đích thực của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn…

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa cao vời xa cách, mà là một Thiên Chúa gần gũi yêu thương, như một Mục tử sống sát với đàn chiên, hiểu biết, yêu thương và chăm sóc từng con chiên một… Giả như tôi có là một con chiên yếu đau, què quặt, Chúa đã biết và vẫn thương tôi, hơn nữa còn chăm sóc tôi đặc biệt hơn các chiên khác. Vì thế nên tôi phó thác sống theo sự dẫn dắt của Ngài.

2. Từ lâu, tôi cứ vẫn ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví minh như Mục tử, lúc thì ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải toả cho tôi thắc mắc đó. Sách viết: một du khách đến Palestin, gặp được một Mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi: “Đó là trại cừu, kia là mấy bầy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu ?” Người Mục tử hỏi lại: “Cửa hả ? Chính tôi là cửa. Ban đêm tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi”. Thế đó, Đức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình: Ngài vừa là Mục tử vừa là cửa vào (Góp nhặt).

3. “Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy”.

“Tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân, dâng cả tình yêu luôn với ước mơ…” Đối với tôi, đó không chỉ là một bài hát, là những nốt nhạc, nhưng là tâm nguyện, là cuộc đời của một chàng trai đã dám từ bỏ tất cả: Tương lai rược rỡ, một người yêu tuyệt vời và cả những cuộc vui cùng bạn bè, để bước theo tiếng Chúa gọi.

Đã bao lần tôi muốn quyết định… nhưng rồi lại thôi. Muốn đặt bước chân mình lên bước chân Người, định đưa tay ra để Người nắm và dắt tôi đi, nhưng lại hèn nhát rụt tay lại.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Người. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Bước vào một xã hội mới

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chúa Giêsu hôm nay tự xưng mình: “Ta là cái cửa” (Ga 10,9).

Cửa là lối vào. Qua Chúa người ta có thể bước vào một xã hội mới.

2/ “Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10,7).

a/- Chuồng chiên bên đông phương là một khu đất rộng, chung quanh có tường hoặc rào bao bọc. Chuồng chiên không bao giờ có mái che ở trên.

 - Thường thì mỗi chuồng chiên chỉ có một cửa duy nhất. Đó là lối ra vào của chiên. Không bao giờ chiên trèo tường hay leo rào để ra vào.

 - Cửa chuồng chiên chỉ là một khoảng cách giữa hai bên bờ tường hay bờ rào. Nó chỉ là một khoảng trống. Nó khác hẳn với hình ảnh về một cái cửa mà chúng ta thường thấy trong xã hội hôm nay.

 - Khi Chúa tự ví mình như cái cửa, Chúa đã muốn nói với mọi người về lối vào của một xã hội mới Ngài thiết lập. Xã hội như một đàn chiên. Bất cứ ai muốn gia nhập thì phải qua Ngài. Ngài là cửa dẫn vào đoàn chiên. Không qua Ngài mà vào thì là kẻ cướp. (Ga 10,1)

b/ Nhưng làm thế nào để có thể gọi là “qua Ngài”. Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người mù mới được Chúa chữa khỏi. Khi được sáng mắt chắc là anh đã vui mừng. Nhưng niềm vui của anh chưa được bao lâu thì nó đã biến thành nỗi sầu. Chỉ vì bênh vực cho sự thật mà anh bị loại trừ ra khỏi hội đường. Phải nói đây là hình phạt đáng sợ nhất đối với người Do Thái. Nhưng rất may cho anh, Chúa đã đón nhận anh. Bằng một lời tuyên xưng, anh đã bước vào xã hội mới của Chúa. Vâng, đó là cách chúng ta “qua Chúa” để vào xã hội của Ngài. Mỗi người chúng ta đã làm như thế ngày chúng ta được chịu phép Rửa tội. Giờ đây, chúng ta đang ở trong xã hội đó. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này.

3. Tới đây tôi chợt nhớ tới một câu chuyện của Hầu tước (Sir) George Adam Smith. Một hôm ông đi du lịch bên Đông Phương. Ông thấy một mảnh đất có tường bao quanh như tôi vừa nói. Nhưng ông không dám nghĩ đó là một chuồng chiên. Cũng may là lúc ấy có một người chăn chiên đang ở gần đó.

 Ông hỏi anh ta: “Cái đó có phải là chuồng chiên không ?”.

 Người chăn chiên xác nhận: “Dạ phải”.

 Ông thắc mắc: “Sao, tôi thấy chỉ có một lối đi vào”.

 Người chăn chiên giải thích: “Vâng, chỗ đó là cái cửa”.

 Ông ngạc nhiên thắc mắc tiếp: “Nhưng chỗ đó tôi đâu có thấy cửa đâu ?”

 Chẳng cần phải suy nghĩ gì. Người chăn chiên trả lời ngay: “Tôi là cái cửa”

 Ông càng ngạc nhiên hơn nữa, Ông hỏi tiếp: “Anh muốn nói gì khi anh bảo anh là cái cửa ?”

 Người chăn chiên đáp: “Khi chiên vào chuồng rồi thì tôi đến nằm ngang chỗ đó. Không một con chiên nào có thể đi ra và cũng không một con sói nào có thể đi vào mà không phải qua con người của tôi”

Có lẽ tới đây cũng đã đủ để chúng ta có thể hiểu được ý của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin Chúa cho chúng ta được tìm thấy hạnh phúc khi chúng ta được ở trong Giáo Hội, tức là đoàn chiên của Chúa. Trong Giáo Hội chúng ta có Chúa bảo vệ chúng ta. Trong Giáo Hội, bằng các bí tích Chúa lo lắng cho chúng ta. Cũng chính trong Giáo Hội mà chúng ta nhận được lương thực hằng sống là Mình và Máu Thánh Chúa hằng ngày.

Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em lời của Đức Hồng Y Marty, nguyên là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trước đây: “Tôi yêu Giáo Hội từ khi mẹ tôi dạy tôi làm dấu Thánh Giá cũng như lúc cuộc đời tôi đã xế bóng.

Tôi đã vào Giáo Hội khi tôi được sinh ra ở một làng quê. Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa khi tôi nhìn mẹ tôi và cha tôi đọc kinh cầu nguyện.

Tôi đã sống trong Giáo Hội trước khi tôi ý thức được Giáo Hội là gì. Tôi đã yêu mến Giáo Hội như tôi yêu mến mẹ tôi. Tôi đã sống trong Giáo Hội ngay từ trước khi tôi biết gọi tên Giáo Hội, cũng như đứa trẻ đã biết yêu trong gia đình của nó trước khi biết đến tên Tình yêu.

Tôi yêu Giáo Hội. Giáo Hội đã vỡ lòng cho tôi về Thiên Chúa, đã cho tôi lớn tiếng đọc sứ điệp của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Trên con đường dài của cuộc đời tôi, như những môn đệ Emmau, tôi đã bước đi trong bụi bặm, nhưng bên cạnh luôn có Người cùng đi và dẫn giải cho tôi Lời Kinh Thánh, và tôi đã luôn luôn nhận ra sự hiện diện của Người bên bàn chia sẻ Lời và Bánh”.

Lạy Cha từ ái,

cảm tạ Cha đã ban cho chúng con

ơn nhận biết và tin vào Ðức Giêsu Con Cha,

và được lớn lên trong lòng Giáo Hội.

Cha muốn chúng con noi gương Ðức Giêsu

chu toàn thánh ý Cha trong cuộc sống.

Xin cho chúng con mỗi ngày

biết múc lấy ánh sáng và sức mạnh

từ những phút giây trầm lặng bên Cha.

Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ,

chúng con lại được cùng sống bên Cha

và bên nhau trong Nước Trời. Amen.​​​​​​​

Who was I to be able to… – SN theo The WAU (09.5.2022)
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – May 2022

Monday May 9th 2022

Meditation:  Acts 11, 1-18

Who was I to be able to hinder God? (Acts 11:17)

St. Peter is a wonderful example of humility. Just think, when the Holy Spirit upended his ideas about welcoming Gentiles into the Church, Peter was able to accept the revolutionary message. Imagine the kind of openness it took to set aside centuries of tradition! But such humility was hard-won.

Remember that Peter received a rebuke after he advised Jesus not to go to Jerusalem to be crucified (Matthew 16:22-23). He also denied Jesus—three times—out of fear (26:69-75). But in both cases, Peter was able to acknowledge his error, turn back to the Lord, and follow him more closely.

Peter learned that to keep moving forward with Jesus, he had to be willing to take a step back, look into his heart, and see how God was leading him to change. The vision Peter describes in today’s first reading is yet another moment of grace that illustrates this process. Watching the Spirit fall on the Roman soldier Cornelius and his family, Peter realized that he was standing in God’s way if he did not fully embrace the Gentiles who turned to Jesus.

As Peter demonstrates, we become humbler as we take the focus off ourselves. We become more open to seeking and accepting God’s perspective instead of our own. One way we can learn to do that is to make a general review of our day. This can help us grow in humility, give us God’s perspective, and teach us that we can’t always trust our own viewpoint.

How do you do it? First, sit down in a comfortable place, away from distractions. Then recall some of the things that happened during the day. Ask the Lord what he may have been saying to you during those times. As you recall some moments, you may feel that he is saying, “Well done” or “This is a blessing from me.” In other moments, he may show you how you could have viewed the situation differently.

Don’t be discouraged if you see ways you slipped up or held on too tightly to your own ideas. Like Peter, learn from them and be open to how God might be calling you to change your way of thinking. That’s the way to humility—the way of Peter and all the saints.

“Lord, help me to follow St. Peter’s example and grow in humility.”

Thứ Hai tuần IV Phục Sinh
ngày 09.5.2022

Suy niệm: Cv 11, 1-18

Tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa? (Cv 11,17)

Thánh Phêrô là một tấm gương tuyệt vời về sự khiêm nhường. Hãy cứ nghĩ xem, khi Chúa Thánh Thần điều chỉnh ý tưởng của ông về việc chào đón người ngoại vào Hội thánh, thì Phêrô đã có thể chấp nhận sứ điệp mới mẻ này. Hãy tưởng tượng một kiểu cởi mở mà người ta đã phải bỏ qua truyền thống hàng thế kỷ! Nhưng sự khiêm tốn như thế khó mà chiến thắng được.

Hãy nhớ rằng Phêrô đã bị quở trách sau khi ông khuyên Chúa Giêsu không nên đến Giêrusalem để bị đóng đinh (Mt 16,22-23). Ông cũng chối Chúa Giêsu ba lần vì sợ hãi (26,69-75). Nhưng trong cả hai trường hợp, Phêrô đã có thể nhận ra lỗi của mình, quay lại với Chúa và theo sát Ngài hơn.

Phêrô học được rằng để tiếp tục tiến về phía trước với Chúa Giêsu, ông phải sẵn sàng lùi lại một bước, nhìn vào trái tim mình và xem Thiên Chúa đang dẫn dắt ông thay đổi như thế nào. Thị kiến mà Phêrô mô tả trong bài đọc một hôm nay là một khoảnh khắc ân sủng khác minh họa tiến trình này. Nhìn Thánh Thần ngự xuống trên người lính La Mã Cornelius và gia đình của anh ta, Phêrô nhận ra rằng ông đang cản đường Thiên Chúa nếu ông không hoàn toàn đón nhận những người dân ngoại quay lại với Chúa Giêsu.

Như Phêrô chứng tỏ, chúng ta trở nên khiêm tốn hơn khi chúng ta không tập trung vào bản thân. Chúng ta trở nên cởi mở hơn trong việc tìm kiếm và chấp nhận quan điểm của Thiên Chúa thay vì quan điểm của chúng ta. Một cách chúng ta có thể học để làm điều đó là đánh giá tổng quát về ngày sống của chúng ta. Điều này có thể giúp chúng ta trưởng thành trong sự khiêm tốn, cho chúng ta quan điểm của Thiên Chúa và dạy chúng ta rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tin tưởng vào quan điểm của chính mình.

Bạn làm điều đó như thế nào? Đầu tiên, hãy ngồi xuống một nơi thoải mái, tránh xa những thứ gây chia trí. Sau đó nhớ lại một số sự việc đã xảy ra trong ngày. Hãy hỏi Chúa những gì Ngài có thể đã nói với bạn trong suốt thời gian đó. Khi nhớ lại một số khoảnh khắc, bạn có thể cảm thấy rằng Ngài đang nói, “Làm tốt lắm” hoặc “Đây là một ơn sủng của Cha”. Trong những khoảnh khắc khác, Ngài có thể chỉ cho bạn cách bạn có thể nhìn nhận tình hình theo cách khác.

Đừng nản lòng nếu bạn thấy những cách mà bạn lầm lỗi hoặc bám quá chặt vào ý tưởng của riêng mình. Giống như Phêrô, hãy học hỏi từ chúng và cởi mở để biết cách Thiên Chúa có thể kêu gọi bạn thay đổi cách suy nghĩ của mình. Đó là cách để khiêm nhường – cách của Phêrô và tất cả các thánh.

Lạy Chúa, xin giúp con noi gương thánh Phêrô và lớn lên trong sự khiêm nhường.

* * *

Ga 10, 1-10
Để họ có được sự sống… thêm sung mãn

Bạn có thể tranh luận “Nhưng tôi đã có sự sống”. Đúng, và còn hơn thế nữa. Với Chúa Giêsu luôn luôn có nhiều hơn thế. Dù bạn trải qua “sự sống” ở mức độ nào ngày hôm nay, còn nhiều điều đang chờ đợi bạn. Những suy nghĩ và cám dỗ có thể cố gắng thuyết phục bạn bằng cách khác, nhưng Chúa Giêsu rất rõ ràng. Trên thực tế, Ngài đến trái đất này để bạn trải nghiệm cuộc sống phong phú và tràn đầy. Giàu có, trong ân sủng và những món quà từ Thiên Chúa, Cha của bạn; tràn đầy, trong tình yêu thương của Thiên Chúa tràn đầy trái tim bạn và tràn ra những người xung quanh bạn.

Sự sống dồi dào này đã là của bạn qua Thánh Thần mà bạn nhận được trong Phép Rửa, vậy tại sao không trải nghiệm nó? Dưới đây là một số cách bạn có thể khám phá nó.

Bạn có thể biết sự sống dồi dào này trong suy nghĩ của bạn. Bạn không cần phải làm nô lệ cho những suy nghĩ tiêu cực hoặc chỉ trích. Chúa Giêsu đến để bạn có thể nghĩ điều tốt nhất cho bản thân và người khác, ngay cả những người đã làm tổn thương bạn. Có lẽ nó có nghĩa là cầu nguyện, “Cha ơi, xin hãy tha thứ” hàng trăm lần một ngày. Hoặc “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy giúp con biết cách suy nghĩ của Chúa”. Điều đó có nghĩa là bạn phải cố gắng tập trung tâm trí vào lòng tốt của Thiên Chúa, không phải về người đã làm tổn thương bạn, hoặc điều Thiên Chúa đã hứa với bạn hơn là bất kỳ rắc rối nào có thể xảy ra.

Bạn cũng có thể biết sự sống dồi dào trong lời nói của mình. Lời nói của bạn có thể ảnh hưởng đến bầu không khí xung quanh bạn; chúng có thể chữa lành, an ủi, khuyến khích và truyền đạt trí tuệ. Hãy thử nói với chính mình, “Lời cầu nguyện của tôi có sức mạnh” hoặc “Chúa Giêsu sống trong tôi”. Một câu nói đơn giản như “Bạn là một đứa con gái ngoan” có thể khuyến khích ai đó chăm sóc cha mẹ ốm yếu. Những lời như thế này, những lời nói của ân sủng và sự thật, dễ chịu và sâu sắc, có thể tuôn ra từ miệng bạn khi tình yêu thương của Chúa Giêsu tràn ngập trái tim bạn. Và tất nhiên, có rất nhiều cơ hội để biết khi nào nên giữ im lặng.

Chúa Giêsu cũng đến để hành động của bạn có thể tuôn ra từ sự sung mãn của Ngài. Những hành động nhỏ nhất – nấu súp cho một người bạn bị ốm hoặc cắt cỏ cho người hàng xóm – sẽ mang lại kết quả, ngay cả khi bạn không bao giờ nhìn thấy nó. Khi bạn dành một chút thời gian để an ủi ai đó, bạn đang mang Đức Kitô, và sự sống dồi dào của Ngài đến cho họ. Khi bạn dành một vài phút để cầu nguyện trước Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, bạn đang nhận được nhiều hơn nữa sự sống đó để bạn có thể tiếp tục chia sẻ nó với những người khác.

Chúa Giêsu luôn có nhiều thứ hơn để ban cho bạn!

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã ban cho con sự sống sung mãn.​​​​​​​

The life abundantly – SN song ngữ Anh – Việt, ngày 09.5.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Monday (May 9)
“I came that they may have life abundantly”

Scripture: John 10:1-10

1″Truly, truly, I say to you, he who does not enter the sheepfold by the door but climbs in by another way, that man is a thief and a robber; 2 but he who enters by the door is the shepherd of the sheep. 3 To him the gatekeeper opens; the sheep hear his voice, and he calls his own sheep by name and leads them out. 4 When he has brought out all his own, he goes before them, and the sheep follow him, for they know his voice. 5 A stranger they will not follow, but they will flee from him, for they do not know the voice of strangers.” 6 This figure Jesus used with them, but they did not understand what he was saying to them. 7 So Jesus again said to them, “Truly, truly, I say to you, I am the door of the sheep. 8 All who came before me are thieves and robbers; but the sheep did not heed them. 9 I am the door; if any one enters by me, he will be saved, and will go in and out and find pasture. 10 The thief comes only to steal and kill and destroy; I came that they may have life, and have it abundantly.

Thứ Hai ngày 09.5.2022
Ta đến để chúng có được sự sống sung mãn

 

Ga 10,1-10

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.”6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Meditation: Do you know the peace and security of the Good Shepherd who watches over his own? The Old Testament often speaks of God as shepherd of his people, Israel. The Lord is my shepherd, I shall not want (Psalm 23:1). Give ear, O Shepherd of Israel, you who lead Joseph like a flock! (Psalm 80:1) We are his people, and the sheep of his pasture (Psalm 100:3). The Messiah is also pictured as the shepherd of God’s people: He will feed his flock like a shepherd, he will gather the lambs in his arms (Isaiah 40:11). Jesus says he is the Good Shepherd who will risk his life to seek out and save the stray sheep (Matthew 18:12, Luke 15:4). He is the Shepherd and Guardian of our souls (1 Peter 2:25).

 

The Good Shepherd and Guardian of our souls

What can shepherding teach us about God and our relationship with him? At the end of each day the shepherd brought his sheep into shelter. They knew the voice of their shepherd and came at his beckoning. So familiar was the shepherd and his sheep, that each was called by a distinct name. In the winter the sheep were usually brought to a communal village shelter which was locked and kept secure by a guardian. In the summer months the sheep were usually kept out in the fields and then gathered into a fold at night which was guarded by a shepherd throughout the night. He was literally the door through which the sheep had to pass.

The Scriptures describe God as a shepherd who brings security and peace to his people. The Lord will keep your going out and your coming in from this time forth and for evermore (Psalm 120:8). Even the leaders of God’s people are called shepherds: they shall lead them out and bring them in; that the congregation of the Lord may not be as sheep which have no shepherd (Numbers 27:17). Just as a shepherd kept watch over his sheep and protected them from danger, so Jesus stands watch over his people as the Shepherd and Guardian of our souls (1 Peter 2:25). Do you know the peace and security of a life fully submitted to God?

Jesus willingly laid down his life for us – the sheep he ransomed with his own blood 

St. Augustine of Hippo (354-430 AD) writes: “He has accomplished what he taught us: He has shown us what He commanded us to do. He laid down his own life for his sheep, that within our mystery he might change his body and blood into food, and nourish the sheep he had redeemed with the food of his own flesh. He has shown us the way we must follow, despite fear of death. He has laid down the pattern to which we must conform ourselves. The first duty laid on us is to use our material goods in mercy for the needs of his sheep, and then, if necessary, give even our lives for them. He that will not give of his substance for his sheep, how shall he lay down his life for them?” (Tr. 46 in John). Do you look to Jesus the Good Shepherd, to receive the strength and courage you need to live and serve as his disciple?

 “Lord Jesus, you always lead me in the way of true peace and safety. May I never doubt your care nor stray from your ways. Keep me safe in the shelter of your presence.”

Suy niệm:  Bạn có biết sự bình an và sự an toàn của vị Mục Tử Nhân lành, Đấng coi sóc đàn chiên của mình không? Cựu ước thường nói về Thiên Chúa như người mục tử của dân Người là Israel. Chúa là Mục tử của tôi, tôi sẽ không thiếu gì (Tv 23,1). Lạy Mục tử nhà Israel, xin hãy lắng tai nghe, Chúa dẫn dắt Giuse như dẫn dắt đàn chiên! (Tv 80,1). Chúng ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn dắt (Tv 100,3). Đấng Mêsia cũng được mô tả như vị Mục tử của dân Chúa: Người sẽ chăn dắt dân Người như vị mục tử, Người sẽ bồng bế chiên trên tay (Is 40,11). Đức Giêsu nói Người là Mục Tử nhân lành, Đấng sẽ liều mạng sống mình để tìm kiếm và cứu con chiên bị lạc (Mt 18,12, Lc 15,4). Người là vị Mục Tử và Đấng chăm sóc linh hồn anh em (1Pr 2,25).

Vị Mục Tử Nhân Lành và Đấng Bảo Trợ của linh hồn chúng ta

Người mục tử có thể dạy chúng ta điều gì về Thiên Chúa và về mối quan hệ của chúng ta đối với Người? Vào lúc cuối ngày, người mục tử đưa đàn chiên của mình về chuồng. Chúng biết tiếng nói của người mục tử và chạy đến khi họ ra hiệu. Người mục tử và đàn chiên của mình cũng thế, đến nỗi mỗi con được gọi bằng một tên khác nhau. Vào mùa đông, đàn chiên thường được dẫn tới một cái chuồng chung của cả làng, được khóa kín và gìn giữ bởi người bảo vệ. Vào những tháng mùa hè, đàn chiên thường tản ra những cánh đồng và tập trung thành đàn vào buổi tối, được người mục tử canh gác suốt đêm. Đức Giêsu thật sự là cửa mà đàn chiên phải đi qua.

Kinh thánh mô tả Thiên Chúa như người mục tử, đem lại sự an toàn và bình an cho dân Người. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời (121,8). Thậm chí những người lãnh đạo dân Thiên Chúa cũng được gọi là những mục tử: Người sẽ dẫn họ ra vào, để cộng đồng của Đức Chúa đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt (Ds 27,17). Giống như người mục tử canh giữ đàn chiên của mình và bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm, Đức Giêsu cũng chăm sóc dân Người như người Mục tử và người Bảo vệ linh hồn chúng ta (1Pr 2,25). Bạn có biết sự bình an và an toàn của cuộc sống hoàn toàn suy phục Thiên Chúa không?

Đức Giêsu sẵn sàng hiến mạng sống mình cho chúng ta – đàn chiên Người chuộc bằng giá máu của mình

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) viết: “Ngài đã hoàn tất những gì Ngài đã dạy chúng ta: Ngài đã tỏ cho chúng ta những gì Ngài truyền lệnh cho chúng ta phải làm. Ngài đã hiến mạng sống mình cho đàn chiên, để trong sự bí ẩn của chúng ta, Ngài có thể biến đổi mình và máu Ngài thành lương thực, và nuôi dưỡng đàn chiên Ngài đã cứu chuộc bằng máu của chính thân xác Ngài. Ngài đã bày tỏ cho chúng ta con đường chúng ta phải đi, mặc dầu sự sợ hãi cái chết. Ngài đã đưa ra gương mẫu mà chúng ta phải thích ứng với chính mình. Bổn phận đầu tiên đặt ra cho chúng ta là sử dụng những của cải trần thế của mình trong sự thương xót đối với những thiếu thốn của đàn chiên của Ngài, và rồi nếu cần, thậm chí dâng hiến mạng sống mình cho chúng. Người không cho đi của cải của mình cho đàn chiên, làm thế nào họ có thể hiến mạng sống mình cho chúng?” (Tr.46 trong Tin mừng Gioan). Bạn có nhìn Ðức Giêsu như người Mục tử tốt lành, để đón nhận sức mạnh và lòng can đảm cần thiết để sống và phục vụ như người môn đệ của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn luôn dẫn dắt con trong đường lối bình an và an toàn đích thật. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ sự quan tâm của Chúa, cũng không lạc xa những đường lối của Chúa. Xin giữ con an toàn trong sự hiện diện của Chúa.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây