Thứ Năm tuần 2 mùa vọng.

Thứ tư - 09/12/2020 06:38

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng.

"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".

 

LỜI CHÚA: Mt 11, 11-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông.

Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến.

Ai có tai, thì hãy nghe!"

 

 

Suy Niệm 1: Gioan chính là Êlia

Suy niệm :

Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.

Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.

Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.

Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.

Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do Thái

sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.

Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.

Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).

Êlia chính là người làm công việc đó:

“Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).

Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,

tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.

Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.

Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.

để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.

Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.

Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.

Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).

Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,

loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.

Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.

Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.

Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.

Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),

vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).

Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,

và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.

Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.

Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.

Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,

nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,

vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.

Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).

Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.

Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,

vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.

Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).

Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).

Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.

Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.

Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,

để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian

để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.

Xin đừng mỉm cười mà nói rằng

Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.

Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?

Chúa đến để làm gì

nếu đời sống con cái của Chúa

cứ tiếp tục y như cũ ?

Xin hoán cải chúng con.

Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa

trở nên máu thịt của chúng con,

trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó

lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,

và đòi buộc chúng con,

làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,

sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con

bình an sâu xa,

thứ bình an khác hẳn,

đó là Bình An của Chúa. (Helder Câmara)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: MÙA VỌNG: SỐNG MẠNH MẼ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Gioan Tẩy giả là mẫu gương đáng mơ ước của Mùa Vọng.

Ông là tiên tri cao cả nhất vì các vị tiên tri khác chỉ loan báo theo linh hứng của Chúa. Trong khi Gioan là tiên tri duy nhất được thấy Đấng Cứu Thế xuất hiện. Ông cao cả nhất trong số nam nhân vì được Chúa tha tội nguyên tổ ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Ông cao cả nhất vì được chính Đấng Cứu Thế đến tận nhà viếng thăm.

Ông là người phấn đấu vào Nước Trời là nước phải chiếm đoạt bằng sức mạnh. Gioan tràn đầy sức mạnh không chỉ vì lời rao giảng của ngài mạnh mẽ, cương trực, nhưng còn vì đời sống của ngài thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ khi đối đầu với cái ác. Dám gọi những bậc vị vọng trong dân như phái Phariseu là “nòi rắn độc”. Dám lên án đời sống vô luân của vua Hêrôđê. Mạnh mẽ đáng khâm phục trong đời sống từ bỏ. Từ bỏ nơi phồn hoa đô hội để sống trong sa mạc. Từ bỏ những hoạt động bên ngoài để chìm sâu trong cầu nguyện. Từ bỏ tìm ý riêng để tìm thánh ý Chúa. Từ bỏ những gì phụ thuộc để tìm điều cốt yếu. Biết rằng sự sống quí hơn của ăn nên ngài chỉ ăn uống đơn sơ cho đủ sống trong sa mạc. Biết rằng thân thể quí hơn áo mặc nên ngài chỉ cần tấm da thú che thân. Nhất là dám từ bỏ mạng sống vì làm chứng cho chân lý. Biết quên mình vì Chúa. Biết bảo vệ giáo lý chân chính của Chúa. Phục vụ Chúa đến quên thân mình, đến máu chảy đầu rơi vì Chúa.

Gioan Tẩy giả là chiếc bừa mà Isaia loan báo. Được Chúa ban sức mạnh lưỡi bừa đã bừa nát những giả trá, hư ảo của trần gian, đã làm cho những giá trị phù phiếm tan tành bay tơi tả như trấu trong cơn gió, để xuất hiện những giá trị chân thực vĩnh cửu.

Chúng ta chỉ là loài sâu bọ hèn kém, là người dân bé nhỏ tầm thường, cần được ơn Chúa ban để trở nên mạnh mẽ, để nên như chiếc bừa của Chúa, mới mẻ, sắc nhọn và mạnh mẽ. Và chỗ cần cầy bừa nhất là chính linh hồn ta. Cần có chiếc bừa nhọn sắc của Chúa. Cần có sức mạnh của Chúa. Để ta cầy xới linh hồn. Phá bỏ những giả trá, phù vân trong tâm hồn. Như thế ta mới mong gặp được Chúa và chiếm đoạt được Nước Trời trong mùa Vọng này.

 

Suy Niệm 3: Người Ðược Chúa Khen

Nhìn vào các chi tiết đã xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta thấy cũng là một chuyện lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron. Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả. Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.

Rồi khi Mẹ Maria đến thăm bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng thì con trẻ trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được khỏi tội tổ tông.

Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai trong họ hàng có tên đó.

Từ những sự kiện trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.

Ðiều đó đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng::Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".

Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".

Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.

Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.

Theo Chúa để vào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa Yêu Người".

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Gioan Tẩy giả.

Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu đuối.

Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được đề cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh chuẩn bị tâm hồn người Do Thái đón nhận Chúa, con người ấy là Gioan Tẩy giả. Kể từ khi gặp Chúa Giêsu, nhất là từ khi bị Hêrôđê tống ngục, cố gắng quan trọng của Gioan là làm sao cho môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Dù tống giam Gioan, nhưng Hêrôđê vẫn còn nể Gioan, nên cho ngài được liên lạc với bên ngoài, bằng chứng là các việc Chúa Giêsu làm đều đến được tai Gioan và các môn đệ vẫn được tiếp xúc với ngài. Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Trước hết, là thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip. Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa”. Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”.

Tuy nhiên, nếu vai trò của Gioan cao trọng, thì Nước Trời còn cao trọng hơn, vì người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn Gioan. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Nước Trời được mô tả như vương quốc của sức mạnh và chỉ những kẻ mạnh mới dành được phần thắng.

Ước gì chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta và tìm gặp được Đức Giêsu là Đấng cứu độ và niềm vui của chúng ta nơi trần gian này.

 

Suy Niệm 5: Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả

 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì sẽ chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe. (Mt. 11, 11-12)

Trong mùa vọng, hình ảnh Gioan tẩy giả nổi bật, ông là nhân vật tích cực hoạt động: rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Có Đấng đang đến, đang ở giữa các anh chị em, anh chị em hãy cải thiện con tim gấp lên … Chiếc rìu đã kề gốc cây”.

Gioan tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng. Mọi người kéo đến với ông, đến với sứ điệp của ông. Quả thực suốt dòng lịch sử dân Ít-ra-en, những lời tiên tri đã lan sâu rộng và được tập trung vào một Đấng. Tất cả mọi hy vọng đều đổ dồn vào một Đấng: Đấng thực hiện lời giao ước. Ngày nay, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi xem thời hạn của Gioan đã chấm dứt chưa?

Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành”. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.

Gioan tẩy giả, một lần nữa, sát nhập với những người hô hào cần phải ăn năn trở lại với Đấng đến giải phóng, chỉ có Người mới có thể xây dựng công trình hòa bình toàn hảo thôi.

Còn chúng ta, dâng tế lễ Thánh Thể là tiếp tục vai trò của Gioan, vì tế lễ Thánh Thể là tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tụ họp để chia sẻ với Người trong công trình cứu độ cho tới khi Người đến hoàn tất thế giới.

Cử hành Thánh lễ, chính là tuyên xưng quyền phép ban hòa bình của Đức Kitô, là loan báo hoàng tử hòa bình và nước trời bình an.

J.Y.G

 

Suy Niệm 6: GIOAN TẨY GIẢ LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG (Mt 11,11-15)

Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!

Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế, và, ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Gioan là Êlia, đấng phải đến – SN song ngữ 10.12.2020

Thursday (December 10): “He is Elijah who is to come”

 

Scripture: Matthew 11:11-15  

Truly, I say to you, among those born of women there has risen no one greater than John the Baptist; yet he who is least in the kingdom of heaven is greater than he. 12 From the days of John the Baptist until now the kingdom of heaven has suffered violence, and men of violence take it by force. 13 For all the prophets and the law prophesied until John; 14 and if you are willing to accept it, he is Elijah who is to come.15 He who has ears to hear, let him hear.

Thứ Năm     10-12       Gioan là Êlia, đấng phải đến

 

Mt 11,11-15

11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.15 Ai có tai thì nghe.

Meditation: 

 

Who is the greatest in the kingdom of God? Jesus praised John the Baptist as the greatest person born. Who can top that as a compliment? But in the same breath Jesus says that the least in the kingdom of God is even greater than John! That sounds like a contradiction, right? Unless you understand that what Jesus was about to accomplish for our sake would supersede all that the prophets had done and foreseen.

“Your Redeemer is the Holy One of Israel” 

The prophet Isaiah proclaimed to the forsaken and dispersed people of Israel some 700 years before the birth of Christ that “your Redeemer – the Holy One of Israel” would come to restore his people and to make all things new (Isaiah 41:14ff). When the Messiah and Redeemer of Israel did appear John the Baptist announced his arrival. He fulfilled the essential task of all the prophets – to be fingers pointing to Jesus Christ, God’s Anointed Son and Messiah. John proclaimed Jesus’ mission at the Jordan River when he exclaimed, “Behold the Lamb of God who takes away the sins of the world” (John 1:29). John saw from a distance what Jesus would accomplish through his death on the cross – our redemption from bondage to sin and death and our adoption as sons and daughters of God and citizens of the kingdom of heaven.

The spirit of Elijah is sent in advance through John’s words 

John the Baptist bridges the Old and New Testaments. He is the last of the Old Testament prophets who point the way to the Messiah. He is the first of the New Testament witnesses and martyrs. He is the herald who prepares the way for Jesus the Messiah. Jesus confirms that John has fulfilled the promise that Elijah would return to herald the coming of the Messiah (Malachi 4:5). Jesus declares that John is nothing less that the great herald whose privilege it was to announce the coming of the Redeemer – the Holy One of Israel.

Jesus equates the coming of the kingdom of heaven with violence (Matthew 11:12). John himself suffered violence for announcing that the kingdom of God was near. He was thrown into prison and then beheaded. Since John’s martyrdom to the present times the kingdom of heaven has suffered violence and persecution at the hands of violent men. The blood of the martyrs throughout the ages bear witness to this fact. The martyrs witness to the truth – the truth and love of Jesus Christ who shed his blood to redeem us from slavery to sin and Satan and the fear of death. The Lord Jesus gives us the power of his Holy Spirit to overcome fear with faith, despair with hope, and every form of hatred, violence, jealousy, and prejudice with love and charity towards all – even those who seek to destroy and kill.

We proclaim the joy of the Gospel of Christ even in the midst of suffering and violence

God may call some of us to be martyrs for our faith in Jesus Christ. But for most of us our call is to be dry martyrs who bear testimony to the joy of the Gospel in the midst of daily challenges, contradictions, temptations and adversities which come our way as we follow the Lord Jesus. What attracts others to the Gospel of Jesus Christ?  When they see Christians loving their enemies, being joyful in suffering, patient in adversity, pardoning injuries, and showing comfort and compassion to the hopeless and the helpless. Jesus tells us that we do not need to fear our adversaries. He will fill us with the power of his Holy Spirit and give us sufficient grace, strength, and wisdom to face any trial and to answer any challenge to our faith. Are you eager to witness to the joy and freedom of the Gospel?

 

“Lord Jesus, by your cross you have redeemed the world. Fill me with joy and confidence and make me a bold witness of your saving truth that others may know the joy and freedom of the Gospel of your kingdom of peace and righteousness.”

Suy niệm:

 

Ai là người lớn nhất trong nước Thiên Chúa? Ðức Giêsu khen Gioan Tẩy giả là người cao trọng nhất được sinh ra. Ai có thể được khen ngợi hơn thế nữa? Thế nhưng đồng thời, Ðức Giêsu nói rằng người nhỏ nhất trong nước Chúa lại lớn hơn cả Gioan! Điều đó nghe có vẻ như mâu thuẫn, phải không? Trừ khi bạn hiểu rằng điều mà Ðức Giêsu sắp thực hiện cho lợi ích của chúng ta sẽ vượt trội hơn tất cả những gì các ngôn sứ đã làm và đã tiên báo.

Đấng cứu tinh ngươi là Đấng thánh của Israel

Ngôn sứ Isaia đã tuyên bố với những người bị bỏ rơi và phân tán của Israel khoảng 700 năm trước ngày sinh của Đức Kitô rằng “Đấng cứu tinh các ngươi – là Đấng thánh của Israel” sẽ đến để phục hồi dân Người và làm mọi sự nên mới (Is 41,14ff). Khi Đấng Messia và Cứu tinh của Israel xuất hiện, Gioan tẩy giả đã công bố Người đến. Ông đã hoàn thành sứ mạng quan trọng của tất cả các ngôn sứ: là chỉ cho người ta biết Đức Kitô, Con Thiên Chúa được xức dầu và là Đấng Thiên Sai. Gioan loan báo sứ mạng của Ðức Giêsu ở sông Giođan khi ông tuyên bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Gioan nhìn thấy trước những gì Ðức Giêsu sẽ hoàn thành ngang qua cái chết của Người trên thập giá – sự giải thoát của chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và sự chết và làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và trở nên những công dân Nước Trời.

 

Tinh thần của Elia được sai đi trước qua lời rao giảng của Gioan

Gioan Tẩy giả là cầu nối giữa Cựu ước và Tân ước. Ông là người cuối cùng trong số các ngôn sứ thời Cựu ước, người chỉ cho thấy con đường đến với Đấng Mêsia. Ông là người đầu tiên trong số những chứng nhân và tử đạo thời Tân ước. Ông là vị sứ giả, dọn đường cho Ðức Giêsu, Đấng Thiên Sai. Ðức Giêsu xác nhận rằng Gioan đã hoàn thành lời hứa rằng Êlia sẽ trở lại để dọn đường cho Đấng Mêsia sắp đến (Ml 4,5). Ðức Giêsu tuyên bố rằng Gioan không ai khác hơn là vị sứ giả cao trọng, người có đặc ân loan báo việc đến của vị Cứu tinh – Đấng Thánh của Israel.

Ðức Giêsu đồng hóa vương quốc đang đến của Người với sự bạo lực. Chính Gioan đã chịu sự hành hung về việc loan báo nước Thiên Chúa sắp đến. Ông đã bị ném vào ngục tù và bị chặt đầu. Từ cuộc tử đạo của Gioan cho tới ngày nay, nước Trời đã chịu sự bạo lực và ngược đãi bởi tay những người hung dữ. Máu các thánh tử đạo qua các thời đại làm chứng cho sự kiện này. Các thánh tử đạo làm chứng cho sự thật – sự thật và tình yêu của Ðức Giêsu Kitô, Đấng đã đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và Satan và sự sợ hãi sự chết. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh Thần Khí của Người để chế ngự sự sợ hãi với đức tin, sự tuyệt vọng với đức cậy, và mọi hình thức thù ghét, bạo lực, ghen tị, và thành kiến với tình yêu và bác ái dành cho tất cả mọi người – kể cả những ai tìm cách tiêu diệt và giết chết.

 

Chúng ta công bố niềm vui Tin mừng của Đức Kitô ngay giữa đau khổ và bạo lực

Thiên Chúa có thể kêu gọi một số trong chúng ta trở nên người tử đạo cho niềm tin vào Ðức Kitô. Nhưng hầu hết ơn gọi của chúng ta là tử đạo không đổ máu, làm chứng cho niềm vui của Tin mừng trong những thách đố, trái ý, cám dỗ, và nghịch cảnh hằng ngày, trên con đường khi chúng ta theo Chúa Giêsu. Điều gì lôi kéo người khác đến với Tin mừng? Khi người ta thấy các tín hữu yêu thương kẻ thù, vui mừng trong đau khổ, kiên nhẫn trong nghịch cảnh, tha thứ những người gây thương hại, và bày tỏ sự cảm thông và trắc ẩn đối với những người thất vọng. Ðức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải sợ những nghịch cảnh của mình. Người sẽ ban cho chúng ta đủ ơn sủng, sức mạnh, và sự khôn ngoan để đối diện với bất cứ thử thách nào và trả lời cho bất cứ thách đố nào đối với niềm tin của chúng ta. Bạn có hăm hở làm chứng cho niềm vui và sự giải thoát của Tin mừng không?

Lạy Chúa Giêsu, qua thập giá của Chúa, Chúa đã cứu thế giới. Xin ban cho con niềm vui và lòng tin tưởng và biến đổi con thành chứng nhân can đảm cho chân lý cứu độ của Chúa để người khác có thể nhận biết niềm vui và sự giải thoát của Tin mừng vương quốc bình an và công chính của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Ngôn sứ Elia, ông Gioan và Đức Giê-su

Theo sách Các Vua quyển thứ II, ngôn sứ Elia không chết, nhưng được đem lên trời: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc” (2V 2, 11). Chính vì thế mà, người đời sau tin rằng, một ngày kia, ông Elia sẽ trở lại; đơn giản là vì ông vẫn chưa chết! Và chính Đức Giê-su cũng đón nhận truyền thống này và nhận ra hình ảnh Elia nơi con người, ơn gọi và sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả:

Và nếu anh em chịu tin lời tôi,
thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 
c. 14)

Tương quan đồng nhất này được Tin Mừng Mát-thêu đặc biệt nhấn mạnh, nhưng vẫn kín đáo, khi mô tả cách ăn mặc của ông Gioan theo “mô-đen” của ngôn sứ Elia:

Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.(Mt 3, 4)[1]

Vua hỏi họ: “Người đã lên gặp các ngươi và nói với các ngươi những lời đó, ăn mặc thế nào?” Họ trả lời: “Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da.” Vua nói: “Đó là ông Ê-li-a người Tít-be!” (2V 1, 7-8).

Chúng ta có thể đọc thêm về cách ăn mặc truyền thống của các ngôn sứ trong Dcr 13, 4. Như thế, ngang qua ngôn sứ Elia, toàn bộ truyền thống ngôn sứ được hội tụ nơi thánh Gioan, và đến lượt thánh Gioan, ngài loan báo Đức Ki-tô, bằng sự sinh ra, cuộc đời, sứ vụ và nhất là bằng cái chết của mình. Ngôn sứ Elia chưa chết, vì thế ông phải trở lại để đi đến cùng thân phận con người và nhất là thân phận ngôn sứ, nơi Gioan. Mối phúc của ngôn sứ Elia chính là được trở nên một Đức Ki-tô chịu đóng, ngang qua cái chết của Gioan. Thật vậy, lúc Đức Giê-su nói những lời này về Gioan, thì ông đang bị giam trong tù chờ bị xử trảm (x. Mt 11, 2).

Chúng ta còn có thể nhận ra tương quan hiệp nhất giữa ngôn sứ Elia và Đức Giê-su lúc Ngài chịu đóng đinh. Thật vậy, trên Thập Giá, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mt 27, 49 và Mc 15, 36). Đó là lời nhạo báng, nhưng Thiên Chúa lại dùng như là cơ hội Người ban cho ngôn sứ Elia, để ông nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết để cứu Đức Giê-su đang hấp hối trên Thập Giá. Như thế ngôn Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Người cũng sẽ “thinh lặng không làm gì hết” đến cùng.

Như thế, Đức Ki-tô là “Vị Ngôn Sứ” tuyệt hảo, nơi Ngài, hội tụ và hoàn tất thân phận và nhất là niềm hi vọng của tất cả các ngôn sứ thuộc mọi thời.

 2. Những tương phản

Thánh Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:

Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. (c. 11a)

Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thánh Gioan ở trong hoàn cảnh thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, nghĩa là tất cả mọi người, trong đó có chính Đức Giê-su, với tư cách Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa! Đó là tương phản thứ nhất. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa. Thật vậy, Đức Giê-su nói tiếp:

Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông! 
(c. 11b)

Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ cái thú thích xếp hạng, xếp loại hay xếp bậc của loài người chúng ta và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời. Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.

 3. Nước Trời và bạo lực

Để nói về Nước Trời, Đức Giê-su so sánh với bạo lực. Bản dịch tiếng Việt hiểu là “sức mạnh”, nhưng cũng có thể hiểu là “bạo lực”, vì từ ngữ hi lạp biastai luôn luôn được dùng để chỉ những kẻ thù địch, những kẻ tấn công. Đức Giê-su nói:

Từ thời ông Gioan cho tới bây giờ, Nước Trời phải hứng chịu bạo lực, và những kẻ bạo lực tìm cách chiếm lấy Nước Trời. (c. 12)

Có lẽ, đây là cách tốt nhất để nói về Nước Trời, vì Nước Trời là điều ngược lại: ngược lại với bạo lực và những gì thuộc về bạo lực (ghen tị, nghi ngờ, dò xét, lên án…), là hiền lành và tất cả những gì thuộc về hiền lành (ra khỏi mình, lắng nghe, chia vui, tin tưởng, bao dung, tha thứ…).

Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên “em bé” để được vào Nước Trời. Thế mà, em bé đâu có sức mạnh và cũng không thể bạo lực. Trên Thập Giá, Đức Giê-su sẽ hoàn tất sứ mạng của em bé, theo lời loan báo của Tv 8:

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. 
(Tv 8, 3)

Bởi vì, trẻ em là hiện thân của sự hiền lành; và Thiên Chúa thì hiền lành, bởi vì Ngài là tình yêu; và nơi Đức Giê-su, Người còn tỏ mình ra như là Đấng Khiêm Nhường nữa (bài Tin Mừng hôm qua: Mt 11, 28-30), vì hiền lành luôn đi đôi với khiêm nhường, cả hai xuất phát từ tình yêu và diễn tả tình yêu.

Và không ở nơi đâu hơn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, nơi mầu nhiệm Thánh Thể và trên Thập Giá, khuôn mặt hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, trở nên rạng ngời nhất.

Mùa Vọng 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây