Thứ Năm tuần 4 mùa vọng.

Thứ tư - 22/12/2021 05:38

Thứ Năm tuần 4 mùa vọng.

"Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 57-66

Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.

Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".

Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".

 

 

Suy Niệm 1: Tên cháu là Gioan

(Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu,

Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.

Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả.

Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25),

bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58).

Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm.

Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng.

Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước.

Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.

Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60),

nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này,

vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha.

Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria.

Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông.

Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con.

”Tên cháu là Gioan” (c. 63).

Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị.

Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan,

thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64).

Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm.

Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ.

Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé.

Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.

”Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66).

Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi.

Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra:

ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi,

ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước,

người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66).

Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban,

bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại.

Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường.

Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).

Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng.

Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa.

Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng.

Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên,

nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa.

Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan.

Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa.

Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình,

và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó.

Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.

 

Lạy Chúa,

con được no nê mà vẫn thiếu ăn,

vì bên con còn có người đói lả.

Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,

vì bên con còn có người đang khát.

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,

vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,

vì bên con còn có người mù tối.

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,

vì bên con còn có người trần trụi.

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,

vì bên con còn có bao người thiếu thốn. Amen. (Myrtle Householder)

 

Suy Niệm 2: Ê-li-a đến chấn chỉnh

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con dân tội lỗi. Phản bội Thiên Chúa. Lìa xa đường lối của cha ông. Chúa đã sai Ê-li-a đến chấn chỉnh “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông”. Ê-li-a đã đến như lửa. Cuộc đời ngài bừng bừng lửa sốt mến. Lời ngài như lửa. Làm cho xứ sở bị hạn hán. Ngài dùng lửa thanh luyện tâm hồn Ít-ra-en. Chống lại vua A-kháp và hoàng hậu Giê-sa-ben. Giết chết hơn 400 sư sãi của Ba-an. Làm cho dân trở về với Chúa. Theo đường lối của cha ông. Tiên tri Ma-la-khi tiên báo sau cùng Chúa sẽ đến. Nhưng trước đó, Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa. Lời tiên báo ứng nghiệm vào Gio-an Tẩy giả. Chính Chúa Giê-su xác nhận Gio-an là Ê-li-a mới. Đến để mở đường cho Đấng Cứu Thế.

Ông mở đường bằng nghiêm chỉnh thực thi Lời Chúa. Cha mẹ ông đã làm gương về điều đó. Chúa truyền đặt tên ông là Gio-an. Nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Bà Ê-li-sa-bét và ông Gia-ca-ri-a tuyệt đối vâng theo lệnh truyền. Đặt tên là xác nhận quyền làm cha mẹ. Khi đặt tên theo lệnh Thiên Chúa, ông bà xác nhận Gio-an là do Thiên Chúa ban tặng. Ngay khi đó Gia-ca-ri-a, trước đó bị câm, mở miệng nói được. Chỉ khi nói theo ý Chúa lời mới có ý nghĩa.

Chính Gio-an cũng nghiêm túc tuân thủ lời Chúa dạy. Nên ông xa lánh phồn hoa. Vào ở trong sa mạc. Ăn uống đạm bạc. Chỉ có châu chấu và mật ong rừng. Y phục đơn sơ. Một mảnh da thú đủ để che thân.

Ông chỉ nói lời của Chúa. Nên mạnh mẽ đe phạt những người đi vào đường tội lỗi. Kết án cả vua Hê-rô-đê. Vì đã chiếm vợ của anh vua. Ông đúng là Ê-li-a mới. Chấn chỉnh mọi sự. Dọn đường cho Chúa Cứu Thế ngự đến.

Bàn tay Chúa phù hộ em”. Nhận biết điều đó nên dân chúng tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Không ai biết được đường đi của Chúa. Không ai biết gió từ đâu tới và sẽ đi đâu. Gio-an luôn ở trong bàn tay Chúa. Luôn luôn nói Lời Chúa. Ông trở thành loa phát thanh Lời Chúa. Ông là “tiếng kêu trong hoang địa”. Ông là người chấn chỉnh mọi sự. Sửa đường cho ngay để đón Chúa Cứu Thế ngự đến.

Xin cho con noi gương thánh Gio-an. Chấn chỉnh chính mình. Rồi thế giới sẽ trật tự đón Chúa đến.

 

Suy Niệm 3: Sinh Nhật Của Gioan Tẩy Giả

Vào thời quân chủ xưa, khi các vị vua muốn viếng thăm một nơi nào ngoài kinh đô, thì đầu tiên các sứ giả của triều đình được gửi đến đó để chuẩn bị nơi chỗ cho xứng đáng, đồng thời dạy dân chúng biết cách thức và nghi lễ khi đón tiếp vua. Vì có những nghi thức thật quái lạ mà bình thường con người ít khi nghĩ tới như: để tỏ lòng kính trọng khi vua đi ngang qua thì tất cả các thần dân phải sấp mình xuống đất không được nhìn lên dù chỉ là một cái liếc mắt, nếu bị gặp đều phải lãnh phạt, hình phạt có những lúc tới mức độ phải tử hình, do đó mà không thể thiếu việc các sứ giả được sai đi.

Trong bài đọc của phần Phụng Vụ hôm nay, ngôn sứ Malakia đã tiên báo về một sứ giả có nhiệm vụ dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm Ngài. Sứ giả ấy là Elia: "Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại kinh khủng của Ta, người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu và lòng con cháu trở về cùng cha ông". Về sau Chúa Giêsu sẽ tỏ lộ cho các môn đệ Ngài biết: "Elia chính là Gioan Tẩy Giả", và trong bài Tin Mừng thánh sử Luca đã nói gì với sứ giả Gioan này?

Chẳng khác gì người Việt Nam chúng ta, người Do Thái cũng sống tình bà con láng giềng rất thắm thiết. Nghe Elizabeth sinh hạ con trai, bà con láng giềng liền đến giúp đỡ và chia sẻ niềm vui cùng với gia đình Zacharia. Ðến ngày thứ tám, lúc làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ cũng có sự hiện diện của họ. Họ muốn lấy tên Zacharia mà đặt tên cho con trẻ chứ không phải là Gioan. Gioan hay Giokhanan tiếng Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót". Vì sự chào đời của Gioan là một biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, cách riêng cho Zacharia và Elizabeth, vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi nhục bấy lâu đè nặng trên người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì hôm nay đã xuất hiện vị sứ giả để dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm dân Ngài, một niềm vui mà đã mấy ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chắc chắn những người hiện diện đều biết chữ Gioan hay Giokhanan có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót".

Tuy nhiên, họ lại không hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: "Không ai trong họ hàng bà có tên này".

Con người cứ nhắm mắt đưa chân theo những vết xưa cũ ấy nên họ chẳng nhận ra được những thực tại trước mắt, không biểu lộ được ý nghĩa của công việc họ đang tham dự. Ðến chung vui vì Thiên Chúa đã xót thương, thế mà họ lại không chịu tuyên xưng lòng thương xót của Ngài.

Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thật thế, trong cuộc đời có lẽ không có gì làm buồn lòng con người cho bằng đi làm ơn mà chỉ được lãnh nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ và cũng chẳng có gì đáng trách cho bằng thái độ vô ơn. Nếu trong dân gian có những câu nói diễn tả lòng dạ ác độc như cầm thú thì về phương diện biết ơn, thú vật đôi lúc lại được xếp hạng trên con người: "Cứu vật vật trả ơn. Cứu nhân nhân trả oán".

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng để chuẩn bị mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, một mầu nhiệm diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lại tâm tình biết ơn của mình. Có thể chúng ta không cố tình quên ơn nhưng trong thực tế chúng ta lại sống như những người vô ơn. Tuy nhiên, như những người láng giềng của gia đình Zacharia, thì qua cách suy nghĩ trần tục, các thành kiến hẹp hòi, các thói quen ích kỷ đã vây phủ lấy chúng ta, làm cho chúng ta bị mờ tối nên chẳng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa hằng bao bọc chúng ta cũng như tình thương của người anh em đang tặng ban cho chúng ta. Nhưng khi nhận ra lòng thương xót ấy thì chúng ta cũng như Zacharia là thốt lên lời chúc tụng và ngợi khen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Thừa hưởng thánh ý Chúa

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em, nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. (Lc. 1, 59-60)

Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chứng nhân khác theo hình ảnh Đức Maria, ông đã nhận được tin Thiên Chúa đoái thương, nhưng vì cứng lòng tin, ông đã bị câm.

Giờ đây ông tin lời thiên thần đã báo cho ông khi trước, dù phải trái với tục truyền về cách đặt tên cho con, Gia-ca-ri-a đã biết phải vâng theo thánh ý Chúa để đặt tên cho con là Gioan và chúc tụng Chúa. Trước sự kiện lạ đó, láng giềng bà con đã nhận ra bàn tay Thiên Chúa phù hộ.

Thường xuyên chúng ta cũng được mời gọi đón nhận thánh ý Chúa nhờ đức tin, mà chẳng biết tại sao xảy ra như vậy. Thí dụ: vợ được bài học qua cái chết của chồng hay tu sĩ khám phá ra một ơn gọi đặc biệt vượt quá sức mình. Có nhiều hoàn cảnh giúp chúng ta sống đức tin để trở nên người thừa hưởng thánh ý Thiên Chúa. Chính lúc đó người ta cảm thấy được can đảm cần có, được bình an nội tâm và nhận biết phải sống với Chúa bằng tình bạn chí thiết.

Đang sống giữa những tiếng ồn ào náo nhiệt chuẩn bị Noel, chúng ta có biết khám phá ra ý nghĩa của ngày đại lễ này không? Chúng ta có biết sống nhiệt tâm theo thánh ý Chúa hằng ngày để đón mừng Đấng Cứu thế đến không?

Dù những nghi nan như ông Gia-ca-ri-a, chúng ta biết chấp nhận ý Chúa trong đức tin, chúng ta sẽ được thừa hưởng ơn phúc của lời Chúa hứa ban như Chúa đã ban cho ông Gia-ca-ri-a.

A. N

 

Suy Niệm 5: Trẻ nhỏ này rồi sẽ ra sao?

Sau những ngày tháng cưu mang hài nhi, bà Êlisabét đã tới ngày sinh con. Gioan đã chào đời trong niềm vui mừng của mọi người. Niềm vui mà mọi người dành cho gia đình ông Giacaria không chỉ thuần túy là có một người con mới chào đời trong lúc hai ông bà tuổi đời đã xế bóng, hay sự xuất hiện của Gioan trong gia đình này còn là rửa đi nỗi nhục son sẻ cho mẹ ngài. Nhưng niềm vui sâu xa ở chỗ trẻ Gioan này sẽ trở thành vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế mà muôn dân ngóng đợi.

Sự xuất hiện của Gioan đã làm cho dân chúng phải ngỡ ngàng khi mọi người định lấy tên cha là Giacaria mà đặt tên cho cậu con quý tử. Tuy nhiên bà mẹ không bằng lòng và yêu cầu hỏi Giacaria xem ý ông thế nào. Ông đã làm hiệu lấy cho mình tấm bảng và ông ghi tên con trẻ sẽ là Gioan. Mọi người lại ngỡ ngàng nữa là vì trong họ hàng không có ai cùng tên như vậy. Điều lạ lùng là ông Giacaria vừa câm lại vừa điếc, thế mà ông đã không trùng ý với mọi người. Sự kiện này cho thấy Giacaria đã làm theo lệnh truyền của Thiên Chúa qua sứ thần lúc truyền tin cho ông.

Ngay lập tức, miệng lưỡi ông đã bị câm điếc từ lâu, nay được mở ra và ông lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, mọi người kinh ngạc và thắc mắc không biết rồi đây con trẻ này sẽ ra thế nào vì bé luôn có bàn tay Thiên Chúa phù trợ. Tin đồn đó được lan ra các vùng phụ cận.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa và tin tưởng nơi Ngài, vì Ngài làm được mọi chuyện, miễn sao chúng ta tin tưởng và cậy trông nơi Ngài cách vững vàng. Mặt khác, khi chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa trên cuộc đời chúng ta, mỗi người hãy cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con vững tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc thử thách gian truân. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Bàn tay Thiên Chúa phù hộ

Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan tiền hô đã ra chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, gia tộc và làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc được một cậu con trai nối dõi tông đường, được một gậy chống cho tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban hơn lòng mong tưởng là không những được thoát khỏi điều sỉ nhục, không còn son sẻ mà con của họ trở thành “vị tiền hô của Đấng tối cao”.

Họ hàng bà con đều tới chúc mừng, không những vì Giacaria là tư tế mà còn vì cậu con sinh ra trong lúc ông bà tuổi đời muộn mằn, chắc phải có một nhiệm vụ gì hơn là nhiệm vụ đứa con của một gia đình (c. 14). Và sau khi sinh ra được tám ngày, theo luật Do thái là làm lễ cắt bì cho con trẻ (Stk 17,12. 21,4; Lev 12,3). Theo luật Maisen thì tám ngày sau khi sinh, dù là vào ngày Sabat (Gio 7,53).

Thật ra nghi lễ cắt bì không phải là việc riêng của hàng tư tế lúc ấy đâu, có thể do bất cứ một người Do thái nào có khả năng hay cả các bà cũng được phép nữa (1Xac 1,63. 2 Mac 6,10), Cũng có thể làm tại tư gia. Tuy nhiên tại mỗi thành phố cũng có một nhân viên về việc cắt bì mà người ta gọi là Mohel, là một người kinh nghiệm và có khả năng. Trường hợp con ông bà Giacaria làm tại nhà riêng. Và thường là vào giây phút lễ nghi này, người ta đặt cho con trẻ một tên gọi (Stk 17,5-15). Việc cắt bì đây là dấu chỉ làm hòa với Thiên Chúa và thuộc về dân tộc Do thái.

Khi cắt bì cho người con thì họ định lấy tên cha là Giacaria mà đặt tên cho cậu con (c. 59) nhưng mẹ đã không bằng lòng, và đó cũng là ngược lại với phong tục Do thái vì phải tránh húy cha mẹ. Còn bình thường ra người cha chọn và đặt tên cho người con. Có thể vì Giacaria cha đã già nên họ muốn ghi nhớ một hoàn cảnh đặc biệt, cho nên muốn lưu niên tên Giacaria chăng. Nhưng bà mẹ Isave đã can thiệp ngay mà bảo gọi con trẻ là “Gioan” mà không chờ lệnh người cha. Làm thế đúng như lời thiên thần truyền (Lc 1,13). Các giáo phụ Theophil, Euthymiô giả thuyết rằng bà viết được tên đó là bởi ơn Chúa Thánh Thần. Cũng có thể là Giacaria dùng cách viết chẳng hạn mà báo trước cho bà ta rồi.

Nhưng khi thấy vậy, mọi người ngạc nhiên vì tên Gioan không có ai giống như thế trong gia tộc (c. 61). Vì thế người ta đã làm hiệu cho Giacaria xem ý ông muốn ra sao. Giacaria lúc ấy vừa bị câm lại vừa có thể điếc (c. 62). Có người bảo ông bị câm điếc như thế là để khỏi phải cãi nhau xem phải đặt tên nào. Nhưng khi ông xin tấm bảng để viết thì ông viết tên “GIOAN”. Vừa già cả lại vừa câm điếc mà viết đúng tên Gioan nên ai nấy đều chấp thuận vì hai ông bà muốn như thế!

Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông được mở ra nói và nghe được như thường (c. 64), đúgnnhhư lời thei thần truyền (1,20). Ngay lúc ấy, ông dâng lời tạ ơn Chúa. Mọi người lấy làm sợ hãi (c. 65). Tự nghĩ không biết rồi mai đây bé trai này sẽ làm trò trống gì? Thế mà tin đồn về Gioan từ đây lan ra cắp vùng Giudê.

Đó là một câu chuyện mà Thiên Chúa quan phòng đã sửa soạn cho Gioan tiền hô, và là bài học cho mỗi người chúng ta nữa. Thiên Chúa đã tiền định cho đời chúng ta rồi. Vậy đừng tự ti mặc cảm cho rằng có thế giá gì, mình sinh lầm thế kỷ:

“Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Những người ấy hãy nhìn lên, hãy nhận ra địa vị thật của mình. Là con cái Chúa, Chúa không sinh ra để bỏ chợ đâu. Hãy tin vào bàn tay Chúa quan phòng cho đời mỗi người. Có thể chúng ta thấy ở đời mình chẳng có gì cả. Nhưng nên nhớ địa vị vĩnh cửu không hệ tại ở đời này có tiền rừng bạc biển, có sức khỏe như Samson... chú Vọi!!! Giá trị nằm trong tay Thiên Chúa, Thiên Chúa đang dành phần tốt nhất cho từng đứa con trung thành, trung tín hôm nay.

 

Suy niệm 7: Sinh nhật của Gioan Tẩy giả

Trong phụng vụ có ba lễ sinh nhật: sinh nhật Chúa Giêsu, sinh nhật của Đức Maria và sinh nhật của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy giả là một nhân vật quan trong khi Thiên Chúa mở đầu thời kỳ cứu chuộc được Tân ước gọi là thời sau hết. Ngài có một tiểu sử khá rõ ràng và được Phúc âm nói đến như một vị tiền hô của Chúa Giêsu, một hình ảnh của Đức Kitô.

Vị tiền hô: Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy ngài được sinh ra cho một sứ mệnh: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Một vị tiên tri can đảm không sợ quan quyền cũng như vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi người ta lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế. Tuy can đảm, nhưng ngài rất khiêm tốn: Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dâyï giầy cho Người. Và người đã chết một cách anh hùng vì sứ mệnh của mình.

Hình ảnh Chúa Kitô: như Chúa Giêsu sau nầy, ngài được sinh ra một cách lạ lùng và được thiên thần báo trước như Chúa Giêsu; ngài có một cuộc sống khắc khổ như Chúa Giêsu: ăn châu chấu với mật ong rừng; ngài rao giảng thẳng thắn không vì nể ai; ngài bị bắt và bị giết một cách nhục nhã như Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả rõ ràng là hình ảnh của Chúa Giêsu sau nầy

Người Kitô hữu chúng ta học được những gì nơi Gioan Tẩy giả?

Trước hết là phải sống đức tin, làm chứng cho Chúa cách can đảm bằng cuộc sống. Làm Kitô hữu hôm nay thật không đễ dàng gì. Khủng hoảng gia đình ngày càng tăng; cuộc sống càng ngày càng phức tạp; đạo đức suy dồi; giáo dục con cái trở thành một vấn nạn; xã hội đầy hận thù chia rẽ; đời sống đức tin và đạo đức đang giảm sút cách đáng kể; tất cả đều thay đổi một cách quá mau lẹ.

Trước những khó khăn của cuộc sống như thế, nhiều người Kitô hữu cảm thấy chới với, hoang mang. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy quay về với với những lời rao giảng cũng như gương sống của Gioan Tẩy Giả. Hãy bắt đầu nơi chính mình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hãy trở lại với một cuộc sống gương mẫu cho con cái mình cũng như cho xã hội hôm nay. Can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, đó là lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy giả hôm nay.

 

Suy Niệm 8Thiên Chúa can thiệp dẫn đưa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mỗi người một cách, cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như mỗi người chúng ta, từ lúc thụ thai tới khi sinh ra và qua mọi chặng đường đời, tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa can thiệp dẫn đưa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Thánh Gioan Tẩy Giả chào đời, mọi người vui mừng ngợi khen cảm tạ Chúa. Sự sinh hạ lạ lùng làm cho mọi người nhận ra bàn tay Chúa phù hộ trẻ này. Con tin rằng cuộc đời mỗi người chúng con, dù trong một hoàn cảnh đặc biệt hay bình thường, cũng đều do bàn tay Chúa can thiệp, do Chúa chuẩn bị và dẫn đưa. Bàn tay Chúa thường nhẹ nhàng, êm ái, âm thầm, con thường không nhận biết, nhưng thực ra, con đang bước theo bàn tay Chúa mở đường. Có những lúc con muốn trốn xa Chúa, nhưng đi đâu cho thoát khỏi bàn tay yêu thương của Chúa. Lạy Chúa, con chỉ biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn trìu mến.

Ngày con chào đời, cha mẹ, anh em họ hàng vui mừng vì con. Chắc chắn họ đã để tâm suy nghĩ và tự hỏi: đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? Họ chờ đợi con sẽ lớn lên và trở thành niềm vui, niềm hy vọng và vinh dự cho họ. Nhưng rồi, lạy Chúa, đời con đã làm cho họ đau khổ, buồn sầu và thất vọng. Bàn tay Chúa vẫn ở với con, nhưng con đã vùng vẫy trốn chạy, con xin Chúa dẫn con trở về làm lại cuộc đời.

Hôm nay, con cầu xin Chúa đặc biệt cho các thiếu nhi bị bỏ rơi. Xin bàn tay Chúa dẫn đưa các em gặp được những tấm lòng quảng đại đầy yêu thương. Con cũng cầu xin Chúa cho nhân loại biết tôn trọng sự sống từ trong bào thai, vì các thai nhi cũng là con người do bàn tay Chúa tác tạo nên. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả”.

 

Suy Niệm 9Chúa thương

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

Phân tích

1. Trọng tâm của bài tường thuật là việc đặt tên cho con trẻ, một cái tên đặc biệt:

a/ Không theo tên người cha, việc lấy tên cha đặt cho con không phải là tục lệ, nhưng cũng có xảy ra khi người cha đã cao tuổi;

b/ Lấy một cái tên hoàn toàn không có trong họ hàng;

c/ Cả người cha dù câm và người mẹ đều nhất trí với tên này;

d/ Đó là tên chính Thiên Chúa đã chọn (Lc 1,13).

2. Tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”. “Chúa thương” cũng là một ý mà Luca muốn nhấn mạnh trong bài tường thuật này. Bởi thế trong phần nhập đề ngài đã viết: “Nghe biết Chúa quá thương bà như vậy... ” (c. 57). Việc Gioan sinh ra là dấu Thiên Chúa tỏ tình thương: tình thương đối với dân Ngài, đối với vợ chồng Dacaria và đối với bản thân Gioan.

3. Tất cả những chi tiết đặc biệt ấy cho thấy Gioan là một người đặc biệt do Thiên Chúa chọn để trao cho một sứ mạng đặc biệt.

Suy gẫm

1. Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời người đó sẽ sống. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm tiền hô cho Chúa Cứu thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì?

2. Mặc dù có thể tự mình đến với loài người, nhưng Chúa muốn có người làm tiền hô. Ngày xưa Thiên Chúa dùng Gioan làm tiền hô. Ngày nay Ngài cũng muốn chúng ta làm tiền hô, để Chúa Giêsu đến với tâm hồn từng người trong thế giới hôm nay.

3. Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”, bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Kinh “Cám ơn” chúng ta thường đọc nhắc ta nhớ đến tình thương đó: Chúa đã chẳng để chúng ta là “không đời đời” mà đã sinh dựng nên ta; lại cho ta sinh ra làm người chứ không là gỗ đá hay súc vật; lại cho ta được làm Kitô hữu; có người còn được làm tu sĩ hay linh mục của Ngài...

4. “Ngay lúc ấy, miệng Dacaria lại mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)

Tôi có thói quen: trước khi làm một điều gì tôi luôn cầu nguyện. Tôi cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Thành công, tôi hớn hở vui mừng và không ngớt lời tạ ơn Chúa. Lúc ấy, tôi rất hãnh diện với bạn bè. Nhưng khi thất bại, tôi cảm thấy buồn và cô đơn, vì nghĩ rằng Chúa bỏ rơi tôi, và bạn bè cũng xa lánh tôi. Tôi oán trách Chúa và mọi người. Sau này tôi mới hiểu ra đó là con đường tốt Chúa dẫn tôi đi ra khỏi những ảo tưởng về chính mình, về Thiên Chúa cũng như về mọi người.

Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa Đấng Cứu Chuộc con.

 

Suy Niệm 10Sinh nhật Gioan Tẩy giả

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Maria vừa mới về được mấy bữa, Elizabeth tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh được một con trai, bà con lối xóm nghe tin thì xúm lại chúc mừng. Và khi con trẻ đã được tám ngày thì làm phép cắt bì và định lấy tên cha là Giacaria mà đặt cho nó, nhưng bà E;izabeth bảo đặt tên nó là “Gioan”. Bà con không ai đồng ý nên hỏi ông Giacaria xem đặt tên nó là gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gioan”. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng: con trẻ này là hồng ân Chúa ban và chắc nó sẽ làm được nhiều việc lạ. Thiên Chúa giữ đúng lời hứa với ông Giacaria. Ông cũng vâng lời Chúa dạy mà đặt tên Gioan cho con.

2. Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ, vì trong họ hàng ông bà Giacaria  không ai có tên đó (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gioan được chính Thiên Chúa đặt qua lời Sứ thần khi truyền tin cho ông Giacaria khi ông thực hiện sứ mạng tư tế trong Đền thánh (Lc 1,13).

Cái tên Gioan khiến mọi người kinh ngạc, vì khi ông Giacaria viết lên tấm bảng: đặt tên Gioan cho con trẻ, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, và hơn nữa, ông cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 167-79).

Vì thế, ở đây Luca có ý nhấn mạnh: biến cố cắt bì, đặt tên để trình bầy về thân thế và sứ vụ của Gioan, một người được Thiên Chúa thương và tuyển chọn cách kỳ lạ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

3. Gioan là tên không có trong gia tộc ông bà Giacaria, mà là tên Thiên Chúa đã đặt cho, ông bà đã vâng theo ý Chúa mà đặt tên cho con trẻ như vậy.

Mỗi người chúng ta sinh ra đều được cha mẹ đặt tên để phân biệt với người khác, nhưng qua bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa đặt tên là “Kitô hữu”, con cái của Người. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc vì được làm con cái Chúa và ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên phải sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa cho xứng với phẩm giá của mình.

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu về sứ vụ tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi các Kitô hữu nhớ lại ngày tái sinh của mình. Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

4. Niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người.

Viết trình thuật cuộc chào đời của Gioan, Luca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình ông bà Giacaria. Niềm vui không gói kín trong gia đình ông bà. Niềm vui ấy lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ”, Luca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai họa kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Luca dùng kiểu nói trong Cựu Ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.

Mỗi gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chua cho người chung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như ông bà Giacaria khi đặt tên cho con là Gioan.

5. Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa. Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng để sống đúng phẩm giá làm người  và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình. Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người  biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá con người và xứng danh là con cái Chúa (R. Veritas).

6. Truyện: Một ông cụ quảng đại

Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại một câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau: Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc là, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp đỡ chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đỗi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả.

Tuy niên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả... nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu sài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư từ với chàng mỗi lúc một nhiều... Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên tới 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế đến giờ Chúa gọi”.

 

Suy Niệm 11Sứ mạng của Gioan

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan Tiền Hô đã chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, của gia tộc và của làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc có được một cậu con trai nối dõi tông đường, một cây gậy để chống lúc tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho họ những điều còn hơn lòng họ mong ước: không những họ được thoát khỏi những điều sỉ nhục không còn son sẻ mà con của họ còn trở thành “vị Tiền Hô của Đấng Tối Cao”.

Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy Ngài đã được sinh ra cho một sứ mệnh đặc biệt: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Gioan đã hết lòng hết dạ với sứ mệnh của mình. Ông đã sống thật can đảm, không sợ quan quyền, vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi có người đã lầm tưởng ông chính là Đấng Cứu Thế. Để chu toàn được sứ mệnh cao cả đó, Gioan đã tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ và hy sinh. Ngài sống khó nghèo như Chúa Giêsu. Ngài rao giảng thẳng thắn không vị nể ai; Ngài bị bắt và bị giết một cách nhục nhã như Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả rõ ràng là hình ảnh của Chúa Giêsu sau này. Người Kitô hữu chúng ta học được những gì nơi Gioan Tẩy Giả?

Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm Tiền Hô cho Chúa Cứu Thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì? Sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng là sứ mạng làm chứng. Làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Làm Kitô hữu hôm nay thật không dễ dàng gì. Khủng hoảng gia đình ngày càng tăng; cuộc sống càng ngày càng phức tạp; đạo đức suy đồi; giáo dục con cái trở thành một thách thức; xã hội đầy hận thù chia rẽ; đời sống đức tin và đạo đức đang giảm sút đáng lo; tất cả đều thay đổi một cách quá mau lẹ. Trước những khó khăn của cuộc sống như thế, nhiều người Kitô hữu cảm thấy chới với, hoang mang. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy quay về với những lời rao giảng cũng như gương sống của Gioan Tẩy Giả. Hãy bắt đầu nơi chính mình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hãy trở lại với một cuộc sống gương mẫu cho con cái mình cũng như cho xã hội hôm nay. Can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, đó là lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay.

Thứ đến là phải luôn ý thức về tình thương của Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan (nghĩa là “Chúa thương”) bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Nếu chúng ta biết nhìn, chúng ta sẽ thấy cả cuộc đời của chúng ta là một hồng ân. Tất cả là hồng ân bởi vì:

Chúng ta đã được sinh ra với đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn lại những điều đã qua. Chúng ta đã được sinh ra với đôi tai - một bên trái và một bên phải - để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng sai. Chúng ta đã được sinh ra với một bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có vì chẳng ai có thể lấy cắp được bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo của ta.

Chúng ta đã được sinh ra với đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ trọng trách. Hơn nữa, một để giúp đỡ bản thân, một để giúp đỡ người khác. Chúng ta đã được sinh ra với một đôi chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để trí não được mở mang. Nhưng chúng ta chỉ sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn thương, đau lòng hay giết chết kẻ khác. Hãy ghi nhớ câu nói: nói ít, nhìn thấy và lắng nghe nhiều. Chúng ta được sinh ra với chỉ một trái tim nằm sâu trong lồng ngực, nhắc nhở ta phải trân trọng và biết yêu vô điều kiện.

Cuối cùng, như Giacaria “khi miệng được mở ra, ông nói được và ngay lập tức ông dâng lời chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)

Hãy tập cho mình có thói quen: trước khi làm một điều gì phải biết cầu nguyện, cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Nếu có thành công, hãy vui mừng và tạ ơn Chúa. Và nhỡ có khi thất bại, chúng ta cũng đừng nản chí buồn lòng hay là nghĩ Chúa đã bỏ rơi mình. Đừng bao giờ oán trách Chúa cũng như mọi người. Hãy tin vào đường lối Chúa dẫn chúng ta đi. Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa, Đấng cứu chuộc con. (Epphata).

 

He will be called John – Suy niệm song ngữ theo WAU, ngày 23.12.2021
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – December, 2021

Không. Nó sẽ được đặt tên là Gioan (Lc 1, 60)

Chúng ta có thể đã quá quen với câu chuyện về cách đặt tên Gioan Tẩy Giả đến nỗi chúng ta quên mất sự táo bạo trong phản ứng của Êlisabét với gia đình: Không. Mọi người đều mong đợi rằng bà sẽ theo truyền thống và đặt tên con trẻ theo tên cha của ông, Giacaria. Nhưng chỉ với một từ “không”, cô đã tuân theo mệnh lệnh của thiên thần và đặt tên cho đứa con của mình là Gioan.

Tại sao Êlisabét lại nói với sự tự tin như vậy? Hãy nhìn những gì đã xảy ra. Một thiên thần đã đến thăm chồng bà để thông báo về sự ra đời của đứa trẻ đặc biệt này. Bà đã mang thai sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh hiếm muộn. Khi ôm con trong tay, bà biết rằng Thiên Chúa đang vạch ra kế hoạch đặc biệt cho cuộc đời bà, cũng như cho con trai bà. Bà quyết tâm vâng lời Thiên Chúa, ngay cả khi điều đó có nghĩa là coi thường truyền thống và làm mất lòng họ hàng.

Chúng ta có thể học được gì từ gương của bà Êlisabét? Rằng khi Thiên Chúa vạch rõ con đường mà Ngài muốn chúng ta đi, thì chúng ta nên đi – ngay cả khi điều đó khiến những người xung quanh không thoải mái hoặc chúng ta phải đối mặt với áp lực để đi đúng với kỳ vọng của họ.

Ví dụ, có thể chúng ta từ chối một lời mời làm việc béo bở vì chúng ta lo ngại về đạo lý của công ty. Hoặc chúng ta cương quyết rằng con cái của chúng ta phải đi dự Thánh lễ Chủ nhật, ngay cả khi nó cản trở lịch trình thể thao của chúng. Tuy nhiên, dù người khác nghĩ gì về lựa chọn và quyết định của chúng ta, thì mong muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Có lẽ trong thời gian, những người khó chấp nhận quyết định của chúng ta sẽ thấy cách mà sự vâng lời của chúng ta sinh hoa kết quả, cho dù là trong cuộc sống của chúng ta hay thậm chí trong cuộc sống của họ.

Thiên Chúa có một kế hoạch tốt và duy nhất cho mỗi người chúng ta. Ngay cả khi kế hoạch của Ngài mở ra theo những cách không mong muốn, như đã làm với bà Êlisabét, chúng ta có thể tin tưởng rằng nó luôn là một kế hoạch tốt (Gr 29, 11). Bà Êlisabét không bao giờ có thể đoán trước được cuộc phiêu lưu mà cuộc đời mình sẽ diễn ra. Bà có lẽ thậm chí còn không sống để nhìn thấy tất cả thành quả của sự vâng lời của mình. Nhưng bà vui mừng vì sự tốt lành của Thiên Chúa dành cho bà, và bà vẫn trung thành với mệnh lệnh của Ngài. Đó là tất cả những gì quan trọng đối với bà.

Thiên Chúa cũng đang viết nên một câu chuyện cho cuộc đời bạn, và mọi phản hồi táo bạo mà bạn đưa ra đều cho phép Ngài hoàn thiện nó một cách trọn vẹn hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con theo Chúa ngay cả khi người khác không hiểu.

***

DAILY MEDITATION: LUKE 1:57-66

No. He will be called John. (Luke 1:60)

We might be so used to the story of how John the Baptist was named that we forget the boldness in Elizabeth’s response to her family: No. Everyone expected that she would follow tradition and name him after his father, Zechariah. But with that one word, no, she obeyed the angel’s command and gave her child the name John.

Why did Elizabeth speak with such confidence? Look what had happened. An angel had visited her husband to announce the birth of this special child. She had become pregnant after years of struggling with infertility. As she held her child in her arms, she knew that God was unfolding his special plan for her life, as well as for her son’s. She was determined to obey God, even if that meant disregarding tradition and displeasing the relatives.

What can we learn from Elizabeth’s example? That when God makes clear the path he wants us to take, we should take it—even if it makes the people around us uncomfortable or we face pressure to go along with their expectations.

For example, maybe we turn down a lucrative job offer because we are concerned about the company’s ethics. Or we insist that our kids go to Sunday Mass, even if it interferes with their sports schedules. Whatever others think of our choices and decisions, however, God’s desires for us should be our top priority. Perhaps in time those who had a hard time accepting our decisions will see ways that our obedience bore fruit, whether in our lives or even in their own.

God has a good and unique plan for each one of us. Even when his plan unfolds in unexpected ways, as it did for Elizabeth, we can trust that it is always a good one (Jeremiah 29:11). Elizabeth never could have predicted the adventure her life would turn out to be. She probably didn’t even live to see all the fruits of her obedience. But she rejoiced in God’s goodness to her, and she remained faithful to his commands. That’s all that mattered to her.

God is writing a story for your life too, and every bold response you offer him allows him to work it out more fully.

“Jesus, help me to follow you even when others don’t understand.”

What then will this child be? – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 23.12.2021
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Thursday (December 23.2021)
“What then will this child be?” 

Scripture: Luke 1:57-66

57 Now the time came for Elizabeth to be delivered, and she gave birth to a son. 58 And her neighbors and kinsfolk heard that the Lord had shown great mercy to her, and they rejoiced with her. 59 And on the eighth day they came to circumcise the child; and they would have named him Zechariah after his father, 60 but his mother said, “Not so; he shall be called John.” 61 And they said to her, “None of your kindred is called by this name.” 62 And they made signs to his father, inquiring what he would have him called. 63 And he asked for a writing tablet, and wrote, “His name is John.” And they all marveled. 64 And immediately his mouth was opened and his tongue loosed, and he spoke, blessing God. 65 And fear came on all their neighbors. And all these things were talked about through all the hill country of Judea; 66 and all who heard them laid them up in their hearts, saying, “What then will this child be?” For the hand of the Lord was with him.

Thứ Năm ngày 23.12.2021
Con trẻ này rồi sẽ thế nào?

Lc 1,57-66

 57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.”61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Meditation: Are you surprised to see the relatives of Zechariah and Elizabeth disagreeing over what to name their newborn child? Don’t we do the same thing? This child, however has been named from above! And Elizabeth is firm in her faith and determined to see that God be glorified through this child. The name John means “the Lord is gracious.” In the birth of John the Baptist and in the birth of Jesus the Messiah we see the grace and favor of God breaking forth into a world broken by sin, corruption, and death – a world lost without hope. 

The Old Testament prophets foretold the return of the prophet Elijah (Malachi 3:1, and 4:5) who would announce the coming of the Messiah – the Savior and Ruler of the earth. John the Baptist fulfills the role of Elijah (Matthew 11:13-14). His miraculous birth shows the mercy and favor of God in preparing his people for the coming of its Savior, the Lord Jesus Christ.

When God acts to save us he graciously fills us with his Holy Spirit and makes our faith come “alive” to his promises. When we respond to his word with trust the Lord fills us with the joy of the Holy Spirit and renews our hope and gratitude for the mercy and gift of new life and salvation he gives us through Jesus Christ. Do you make your life an offering of thanksgiving to God, along with your family and all that you have and hope to accomplish? God wants to fill us with the joy of his saving presence all the days of our lives, from birth through death. Renew the offering of your life to God and give him thanks for his mercy and favor towards you.

“Lord Jesus, you are gracious and forgiving towards us. Renew in me the gift of faith that I may believe your promises and obey your word.”

Suy niệm:  Bạn có ngạc nhiên khi thấy những người thân của ông Giacaria và bà Êligiabét chơi chữ khi đặt tên cho đứa bé mới chào đời không? Chẳng phải chúng ta cũng làm như thế đó sao? Tuy nhiên, chính đứa trẻ này đã được Thiên Chúa đặt tên cho! Và bà Êligiabét tin tưởng và xác quyết rằng Thiên Chúa sẽ được vinh quang ngang qua đứa trẻ này. Tên Gioan có nghĩa là “Đức Chúa là ơn sủng”. Việc sinh ra của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu, Đấng Mêsia, chúng ta thấy ơn sủng và sự chiếu cố của Chúa đã đi vào thế gian, đã bị đỗ vỡ bởi tội lỗi, sự chết – một thế giới hư hỏng không có niềm hy vọng.

Các ngôn sứ Cựu ước tiên báo về sự trở lại của ngôn sứ Êlia (Ml 3,1 và 4,5), người sẽ loan báo việc Đấng Mêsia sắp đến – Đấng cứu độ và là Vua của vũ trụ. Gioan Tẩy giả hoàn thành vai trò của ngôn sứ Êlia (Mt 11,13-14). Việc sinh ra lạ lùng của Gioan cho thấy lòng thương xót và ơn sủng của Thiên Chúa, chuẩn bị cho dân Người trong việc Đấng cứu thế, Chúa Giêsu Kitô sắp đến.

Khi Thiên Chúa hành động để cứu độ chúng ta, Người ban ơn sủng Chúa Thánh Thần dồi dào cho chúng ta, và làm cho đức tin của chúng ta “sống động” đối với những lời hứa của Người. Khi chúng ta đáp trả Lời Người với sự tin cậy, Chúa sẽ ban cho chúng ta niềm vui của CTThần cách dồi dào và canh tân niềm hy vọng và biết ơn của chúng ta đối với lòng thương xót và ân huệ sự sống mới và ơn cứu rỗi nơi Đức Giêsu Kitô. Bạn có biến cuộc đời mình thành lễ tế tạ ơn Thiên Chúa, cùng với gia đình bạn, và tất cả những gì bạn có và niềm hy vọng để hoàn thành không? Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta tràn đầy niềm vui sự hiện diện cứu độ của Người qua tất cả những ngày đời, từ khi mới sinh cho tới lúc chết. Hãy canh tân lễ tế dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và cám tạ Người vì lòng thương xót và ơn sủng của Người đã dành cho bạn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ơn sủng và sự tha thứ đối với chúng con. Xin đổi mới trong con hồng ân đức tin để con có thể tin vào những lời hứa của Chúa và vâng phục lời Chúa.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây